Tuesday, April 16, 2024

Niên Trưởng Biệt Động Quân Ngô Minh Hồng

 

Một dòng tên, hai dòng số, đã khép lại một cuộc đời ngang dọc- Cùng với những hoan lạc, trầm thống, ưu tư của kiếp người - Vâng, anh đã đi thật sự rồi, đi biệt không về nữa - Đành đoạn bỏ lại người vợ hiền, đảm đang chung thủy và những đứa con sụt sùi khóc thương- Anh cũng chẳng quan hoài đến muôn vàn tiếc nhớ của bạn bè, chiến hữu, dành cho anh. Anh cũng thản nhiên quăng bỏ nỗi đam mê ngày tháng rong chơi. Sáng chiều vui cười cùng bè bạn. 
 Sự sống đã khép lại, đã đóng kín miên viễn đối với Trung Tá Ngô Minh Hồng - Danh hiệu truyền tin 78 - thuở còn là Liên đoàn trưởng LĐ5 BĐQ QLVNCH. Tất cả. Kể từ ngày 14 tháng 3 năm 2007, đối với Trung Tá Ngô Minh Hồng chỉ còn là những kỷ niệm vơi đầy. Từ gia đình đến chiến hữu, bằng hữu thân thương. Và, trên giấy tờ, trên báo chí, nếu có việc gì để nói, để nhắc đến anh, thì người ta lại phải thêm vào chữ Cố đứng trước chức vụ và danh tánh của anh. Anh đã ra đi vĩnh viễn, đã mất hút sự hiện hữu thật rồi kể từ nay.

 Anh Ngô Minh Hồng là một sĩ quan BĐQ kỳ cựu. Anh đã phục vụ binh chủng ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cứ thế kéo dài cho đến ngày Cộng sản Bắc Việt thôn tính hoàn toàn miền Việt Nam. Có chăng chỉ là một thời gian ngắn anh tạm xa mầu mũ nâu. Anh chuyển qua nhận chức vụ Chánh văn phòng đặc biệt cho Tư lệnh cảnh sát Quốc Gia là tướng Trần Văn Hai, Vị Chỉ Huy trưởng BĐQ, mà anh em chúng tôi kính trọng và mến phục. Rồi ít lâu sau, anh Hồng lại trở về với gia đình Mũ Nâu, không phải để làm việc nơi cũ (Phòng 3 BCH/ BĐQ / Trung ương) mà để nhận chỉ huy một Tiểu Đoàn tác chiến (TĐ/ 38).
 Sau tang lễ của anh được vài ngày, ban biên tập (chủ nhiệm, chủ bút) hỏi tôi có thể viết lại một vài kỷ niệm về vị cựu Liên Đoàn Trưởng LĐ5/ BĐQ được không? bởi vì tôi đã phục vụ tại Liên Đoàn 5 BĐQ thời gian khá dài và "có vẻ" biết nhiều về anh.
 Kỷ niệm thì nhiều vô số kể, bởi chưng chỉ cần vài tháng sống chung với nhau cùng một đơn vị quân đội, nhất là đơn vị tác chiến thì cũng đã đủ những trầm luân, hoan lạc, để trở thành kỷ niệm, huống hồ tôi đã sống dưới trướng của anh tới vài năm. Thế nhưng, ở đây anh Hồng và cá nhân tôi dẫu gì cũng có những khoảng cách nhỏ nhoi, giới hạn bằng chức vụ, bằng trách nhiệm, nên không thể có những kỷ niệm thuộc loại bằng hữu được.
 Ngày tôi mãn khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, tình nguyện về phục vụ binh chủng BĐQ, thì anh Hồng đã đội beret nâu được gần 10 năm rồi. Khoảng cách giữa hai sĩ quan cấp Trung úy và chuẩn úy khá xa. Gặp anh có một lần, mặt đối mặt tại Bộ Chỉ Huy, rồi tôi về TĐ33 BĐQ để giữ nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, với một lần thoáng qua ấy, anh đã cho tôi một cảm giác khó quên, đó là ông Trung úy này cư xử với mọi người bằng vẻ thoải mái, tương đối xuề xòa, ít câu nệ. Cung cách ấy đã giúp cho tên sĩ quan nhí vừa ra trường, cất đi được nỗi băn khoăn về những vị đàn anh rất nhiều.
 Ngày tháng đong đưa, ai cũng lo cho nhiệm vụ của mình. Anh Hồng làm việc tại phòng 3/ BCH/ BĐQ/ TƯ. Tôi cũng miệt mài với trách nhiệm từ Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng ở TĐ 33 BĐQ. Thỉnh thoảng, nếu có dịp được về Sàigon, tôi thường gặp anh không phải tại nơi phòng sở mà ở những chỗ anh em chúng tôi tìm đến để tiêu pha khoảng thời gian ít ỏi của mình, đó là tại các phòng trà Tự Do, Olympia, Bồng Lai hoặc Queen Bee v...v. Và chính lúc này anh Hồng cho chúng tôi cảm giác anh đã tạm quên cái khoảng cách cấp chỉ huy và thuộc cấp, anh đã cư xử "Đẹp" với đám đàn em nhí chúng tôi. Và, cho đến ngày anh chính thức nhận chức vụ Liên Đoàn Trưởng LĐ5 BĐQ thì thật sự giữa các cá nhân chúng tôi xa thêm, không phải vì anh thay đổi tâm tính mà vì nhiệm vụ, chúng tôi thấy tự mình phải giữ một khoảng xa nhất định. Hơn nữa thời gian gần như tất cả là của hành quân, từ ven đô, đến hành quân ngoại biên Kampuchia v.v.
 Nếu có ai hỏi cảm nghĩ như thế nào về thời gian anh Hồng chỉ huy LĐ5 BĐQ, tôi sẽ không thể và không được phép nói gì về công việc này -Trung tá Ngô Minh Hồng là Thượng cấp cuả tôi. Mà tôi chỉ muốn được nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên trong lúc đối đầu với địch quân, đạn réo tên bay, bom nổ đầy trời, tưởng như chẳng thể nào còn sống để ra khỏi trận đánh. Nhưng khi đã tàn lửa khói, anh không một lời cằn nhằn tại thằng này hay bởi thằng kia, dường như anh đã quên mất mình vừa trở ra từ đất chết. Nhớ lại, trong trận DAMBE tỉnh KRATIE, KPC. LĐ5 BĐQ đã đánh vùi đánh dập với Công trường 9 cộng sản, lúc rút quân ra đóng tại thị trấn Khnard, ven quốc lộ 7 đường đi Kompongcham. Một hôm tình cờ tôi gặp anh tại T.O.C chiến đoàn, anh vỗ vai tôi hỏi: "Đã nhớ lại được tên của mình chưa em?" Câu hỏi làm tôi nhớ lại, trên đoạn đường lui quân từ Chllong/ Kratie về Kompongcham chúng tôi đã giao chiến với địch, trước sự tấn công cuồng nộ của quân cộng sản. Tôi đã nói với anh: "Ngán quá, Tôi đã quên mất tên mình; vì hàng trăm, hàng ngàn quả đạn pháo của địch vây phủ, chia cắt , vồ chụp lên đầu chúng tôi."
 Có người đã ngộ nhận,cho rằng anh Hồng ít nghĩ đến thuộc cấp, thích vui chơi. Trật lất. Tôi xin nói lại một câu chuyện để minh chứng anh Hồng đã lo lắng, săn sóc, bênh vực những đứa em của anh như thế nào.
 Khoảng đầu tháng 10 năm 1971, TĐ33 BĐQ đang trấn giữ căn cứ SUONG/ Kompongcham thì được lệnh tăng phái cho SĐ25BB và đặt thuộc quyền điều động của trung đoàn 50, trong kế hoạch dùng trực thăng vận ngăn chặn và truy đuổi Công trường 5 ( SĐ5) VC đang tìm cách vượt biên giới Miên Việt thuộc lãnh thổ tỉnh Swayrieng đặng quay về đánh phá vùng Mộc Hóa Kiến Tường, thuộc vùng IV chiến thuật VNCH. Tôi còn nhớ rõ: sáng sớm ngày 16-10-71 tiểu Đoàn 33BĐQ do TRÍ DŨNG (Thiếu Tá Hà Kỳ Danh) chỉ huy, đã được SĐ25 dùng trực thăng bốc từ Suong để đổ xuống vùng hành quân đối diện vơí địa danh Long Khốt của tỉnh Kiến Tường. Trực thăng đổ quân hoàn tất, Tiểu đoàn chia làm hai cánh A và B cùng tiến về hướng Tây, nghĩa là lùa sâu vào lãnh thổ KPC. Ngày đầu trôi qua êm ả, không nổ một tiếng súng và qua một đêm cũng yên bình. Ngày thứ hai cuả cuộc hành quân, đơn vị vẫn tiếp tục tiến chiếm, lục soát các mục tiêu đã định sẵn, khởi đi từ lúc 7giờ sáng, đã lục soát được ba mục tiêu mà cả hai cánh quân vẫn chưa tìm thấy một dấu vết gì cuả VC ở đây. Nhưng đến khoảng gần 1 giờ trưa, hai cánh A,B vẫn đang tiến đều với khoảng cách nhìn thấy được thấp thoáng trên cánh đồng lúa ken nhau bằng những hàng bờ là cây Thốt nốt. Chúng tôi chậm rãi cùng hướng vào mục tiêu Delta (D), là ngôi làng chạy hướng Nam Bắc, phân cách bằng con lộ đất đỏ khá rộng ở giữa. Đại Uý Nguyễn sỹ Anh trưởng ban 3 TĐ đi kế bên tôi (Đại đội của tôi đi cùng với BCH /TĐ) cho biết "phải lục soát thật kỹ mục tiêu này, có thể đêm nay sẽ nghỉ tại đây" - Ông Tố Minh (danh hiệu truyền tin của Đ/U Anh) vừa dứt thì tiếng súng nổ vang bên cánh B do TĐP Hoàng Vĩnh Thái chỉ huy.
 Âm thoại viên báo lên BCH /TĐ, có 5 đứa em của gia đình Apolo (ĐĐ2) đi phép Saìgon rồi (tử thương). Giao tranh bắt đầu và tiến chiếm mục tiêu rất khó, vì địch có lợi thế, lập tuyến phòng thủ hai lớp; đào hầm ngụy trang thật kỹ ngay ngoài ruộng lúa. Do đó cánh B bị bất ngờ lúc đầu, lớp hầm thứ hai bố trí dọc theo bìa làng, lợi dụng những hàng cây thốt nốt, lùm tre để đào hầm đặt súng, ẩn nấp. Chúng tôi đã phải cho anh em binh sĩ chia thành từng toán 3 nguời một, yểm trợ cho nhau dùng lựu đạn đánh từng hầm, diệt từng ổ kháng cự. Dùng M72, M79 bắn tập trung vào những hầm dưới các gốc cây thốt nốt, lùm tre. Đặc biệt trong trận này phi pháo không thể yểm trợ tiếp cận. Cobra bắn đuợc vài dây đạn M 79, nhưng bị phòng không bắn lên dữ dội nên phải vọt lên tuốt trên cao và bay vòng vòng, nhìn xuống. Mặc dù bất lợi như vậy các chiến sĩ của TĐ33 đã chiến đấu rất anh dũng, gan dạ dưới sự chứng kiến, làm phóng sự cuả các phóng viên Huỳnh công Ut (bây giờ là NICK ÚT) Thanh Liêm, Nguyễn Cầu và một phóng viên quay phim người ngoại quốc tôi không rõ của hãng thông tấn nào. Họ đã tỏ rõ sư cảm phục về tính thiện chiến của lính Biệt động quân. Lần lượt từng toán nhỏ ba người theo nấc thang yểm trợ nhau trườn trong ruộng lúa thanh toán từng gốc cây, từng căn hầm, từng ngôi nhà. TĐ33 BĐQ đánh đến 5g45 chiều hôm đó thì dọn sạch mục tiêu. Số Việt cộng còn lại tháo chạy về hướng tây lẩn khuất sau những cây thốt nốt.
 Kết quả thu dọn chiến trường, số xác chết VC bỏ lại hơn ba chục hầu hết do lựu đạn và do M79 gây ra. Vũ khí tịch thu gồm một số súng cá nhân và súng nặng thì có một đại bác không giật 57ly và trong đó đại đội tôi góp phần lập nên công trạng tịch thu một thượng liên 12ly8 phòng không và một B40. Mặc dù trời đã chạng vạng tối, nhưng sau khi được báo cáo chiến thắng, Tướng Tư Lệnh SĐ25BB và Đại Tá Trung Đoàn Trưởng trung đoàn 50 đã bay đến ngay mặt trận. Tôi nhận lệnh tháp tùng Thiếu tá TĐT Hà Kỳ Danh hướng dẫn thượng cấp đến quan sát VC đã đặt súng phòng không trong ruột một lùm tre khá to và dày. Nhìn từ bên ngoài chẳng ai ngờ rằng địch lại đặt vũ khí nặng trong ruột bụi tre như vậy. Đến thật gần mới nhận ra đường vào là một giao thông hào nối liền với các hầm bên ngoài, cũng ngụy trang rất kỹ, quan sát một lát, Đại Tá Trung đoàn trưởng 50BB hỏi tôi:
 - "Làm cách nào em lấy được cây súng này?
 - "Thưa, tôi cho tập trung M79 và M72 tác xạ vào mục tiêu cùng một lúc; cũng may là trong lúc Toán thám báo của đại đội tôi bò gần tới bụi tre thì phát giác vị trí súng của chúng và cũng chính toán thám báo và đã thanh toán ụ súng này, thưa Đại tá."
 Trước khi trở ra chỗ trực thăng C &C để ra về, Tướng Tư lệnh SĐ25 đã chỉ thị cho Đại Tá Trung đoàn trưởng trung đoàn 50 và Thiếu tá TĐT/ TĐ 33 BĐQ:
 - "Các ông nhớ lấy tên những anh em lập được công trạng, chuyển lên để sư đoàn sẽ tưởng thưởng xứng đáng."
 Và, điều đáng nói ở đây cũng trong ngày hôm ấy, mặc dù đang bận chỉ huy một cuộc hành quân gồm các đơn vị TĐ30 BĐQ, TĐ38 BĐQ, Đại đội trinh sát LĐ5 BĐQ và một chi đoàn M113 thiết quân vận tăng phái xuất phát từ thị trấn Khnard, ngược lên hướng Bắc để tìm và diệt một đơn vị thuộc công trường 9 (SĐ 9 ) cộng sản, đang ẩn nấp trong đồn điền cao su CHUP, thế nhưng khi chúng tôi vừa nổ phát súng đầu tiên giao tranh với địch thì LĐT/ LĐ5 đã biết, vì truyền tin Liên đoàn đã nhận chỉ thị phải dành riêng một máy để theo sát từng bước đi của TĐ33, lưu ý mọi diễn biến xẩy ra. Khi vị Tư Lệnh sư đoàn 25BB ra về thì ngay sau đó đã có tiếng 78 trên tần số truyền tin, nói chuyện với Trí Dũng xong, LĐT đã vào tần số nội bộ dể nói riêng với tôi. Anh Hồng căn dặn nhớ lập danh sách đầy đủ những anh em có công đề nghị tưởng thưởng, thông báo về Liên Đoàn một bản. Nếu vì lý do nào đó mà bên sư đoàn họ quên hay có gì đó, anh sẽ can thiệp cho bằng được. Chấm dứt những chỉ thị, anh đã nói vui với tôi:
 - " Ráng lên nghe king quo va dis." (một nick name do anh đặt cho tôi đã từ lâu. (nếu có ai thắc mắc, tôi sẽ xin giải thích riêng, viết ở đây e không tiện.))
 Tiểu Đoàn 33 BĐQ đã trở về với gia đình lớn LĐ5 BĐQ để tiếp tục tham dự những cuộc hành quân lớn nhỏ khác và đợi mãi chẳng thấy một sự phản hồi nào về việc khen thưởng, ngoài ra còn được biết bên bộ binh họ đã nhận được kết quả. Mặc dù có ấm ức và tội nghiệp cho những đứa em. Tôi chỉ biết tự than: BĐQ đi dọn cỗ cho người, thân phận con nuôi, con ghẻ, thì phải chịu thôi. Thế nhưng Thiếu Tá Danh có thể quên, tôi quên, ngay cả những người được đề nghị cũng có thể đã quên, nhưng 78 thì không quên, dù rằng suốt những ngày đã qua chẳng thấy LĐT nhắc nhở gì đến.
 Đúng ngày 28 tháng 11-1970, toàn bộ Liên Đoàn 5 BĐQ đang được nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ Củ Chi để bổ sung, thay thế quân trang quân dụng và cũng là dịp cho quân nhân các cấp của Liên Đoàn được nghỉ ngơi vài ngày. Ngay từ 6 giờ sáng, Tiểu đoàn 33 đã nhận được lệnh: Những người có tên trong danh sách đề nghị thăng cấp, huy chương trong cuộc hành quân tăng phái cho Sư Đoàn 25 BB, tập trung tại BCH/ LĐ để dự lễ gắn huy chương và thăng cấp. Liên Đoàn Trưởng Ngô Minh Hồng, không nói xuông, không quên công lao của thuộc cấp. Tất cả những người được đề nghị đều được hưởng.
 Buổi lễ gắn huy chương và thăng cấp đã diễn ra thật trang trọng, dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Tư Lệnh QĐIII/ QK 3, với sự tham dự cuả Trung Tương Tư Lệnh SĐ25 BB và Đại tá Chỉ Huy Trưởng binh chủng BĐQ Trần Công Liễu.
 Trên đây chỉ là môt trong nhiều điều anh Hồng đã làm khi chỉ huy LĐ5, xin được viết lại như một trường hợp điển hình mà thôi.
 Những tưởng thày trò, anh em sống, làm việc với nhau, phục vụ cho Quân đội, để sẽ có một ngày ước vọng của mỗi người đạt thành. Ai ngờ mộng cũng chẳng thành, ước mơ cũng theo cơn cuồng phong, nước lũ cộng nô làm tan tành. Cộng Sản Việt Nam nhận chìm miền nam VN trong hận thù chia lìa, mất mát. Anh Hồng cũng như tất cả những quân nhân VNCH từng hàng, từng lớp trưóc sau bị tập trung vào cái gọi là trại học tập cải tạo. Làm sao có thể xóa nhòa hình ảnh lúc mà chính cá nhân tôi đã nhìn thấy anh Hồng với chiếc nạng gỗ kẹp nách và cái túi nhỏ đeo vai, từng bước vất vả đi vào chỗ trình diện bọn ngưu đầu mã diện, để sẽ nhận chịu những năm tháng đọa đầy.
 Thời gian ở trong lao ngục Cộng Sản, tôi không được gặp anh Hồng, nên không biết anh đã đi qua những miền đất nào, để chịu đời đắng cay. Rồi năm 1984, sau khi được thả về, một hôm tôi đang ngồi coi Trung sĩ I Sỹ ( HSQ quân số của TĐ33 BĐQ) sửa đồng hồ trước rạp chiếu bóng Khải Hoàn, gần chợ Thái Bình, chợt nghe tiếng xe gắn máy dừng ngay kế bên, nghĩ rằng khách đến lấy hàng hay bỏ sửa, nên tôi cũng chẳng quan tâm, tiếp tục cúi nhìn Sỹ làm việc. Im lặng trong chốc lát chừng 30 giây, thì có giọng nói lớn tiếng cất lên :
 - "Ê, về hồi nào sao không ghé anh chơi mày?"
 Tôi và Sỹ cùng ngước lên, nhận ra là anh. Ông Trung Tá Liên Đoàn Trưởng của tôi ngồi trên chiếc xe mini vespa cũ, một chân ngay đơ,(bị thương không co vào được). Kế bên chỗ bàn thắng là cái giỏ đệm căng phồng, phía sau là một cái khay cũng đùn cao, phủ kín bằng mảnh vải xanh. Tôi mừng quá nhẩy ra khỏi chỗ ngồi ôm lấy anh khiến chút xíu là cả hai anh em té lăn cù ra đường. Vẫn là xưng hô ngày tháng cũ, tôi hỏi:
 - "Trung Tá vê bao giờ năm 84, hay sớm hơn?"
 Anh không trả lời mà nhẹ nhàng nói:
 - "Gọi bằng anh đi. Kêu nhau bằng cấp bậc cũ, mấy thằng chèo (Công an VC) nghe thấy nó lại càng thêm ứa gan. Nói xong anh cúi xuống cái giỏ đệm, lấy ra một phong bánh in đưa cho tôi:
 - "Ăn đi em, thằng Sỹ nó có bình trà ngon lắm.
 Sỹ đứng sau lưng tôi lên tiếng:
 - "78 ghé đây hoài, gần như ngày nào cũng đến. Trước khi làm việc, hai thày trò ăn bánh in uống trà, thay vì ăn sáng như ngày xưa. "
 - "Bánh in ở đâu có nhiều mà ngày nào cũng ăn?" Tôi hỏi
 - "Thì đó! Qua đi giao bánh in cho khách hàng. Chủ lò họ đưa xe để làm phương tiện đi giao bánh. Mỗi ngày cũng kiếm chút đỉnh, còn mày làm cái gì, em?"
 - "Em bán báo ở đường Minh Mạng, gần ngã sáu Chợ Lớn đó anh!"
 Đang từ địa vị một ông quan to, chỉ huy cả ngàn người dưới cờ, vào ra chốn lửa đạn như đi dạo phố - Một tay chơi thứ thật - mà bỗng nhiên nổi cơn gió bụi, sập hầm, sụp hố, lưu đầy ngay trên quê hương, xa lạ ngay cả chính với người đồng chủng. Chạy đầu này, ghé phố kia làm thuê cho thiên hạ. Vậy mà qua thái độ, cách cư xử của anh, chẳng ai thấy anh lộ vẻ ưu sầu ủ ê. Anh vẫn vậy, vui cười bằng những mẩu chuyện tiếu lâm ý nhị. Tôi hỏi anh có buồn khi cảnh đời tuột xuống như thế này không?
 - "Buồn thì không nhưng THÙ và TỨC thì chưa biết thuở nào mới hết. Thù kẻ tàn bạo, đoạ đầy người, nhưng miệng thì gian ngoan sâu hiểm. Tức vì ý nguyện chưa thành, ước mơ không đạt - Đường đi chưa đến đã bị đào hào đắp mô, xô mình rơi tõm xuống vũng lầy của oán hờn. Những đắng cay chua chát không phải do mình tạo nên, kẻ khác gieo rắc để thân mình phải lãnh quả nghiệp hôm nay." Anh thẳng thắn.
 Viết hay kể lại những kỷ niệm có với Niên trưởng Ngô Minh Hồng thì nhiều vô cùng vô tận. Những ai đã từng quen, từng làm việc chung, sống gần, hay tóm lại là đã giao du kết thân với anh, đều có khá nhiều cái đẹp cái vui để lại cho nhau. Thẳng thắn mà nói, anh Hồng là người của đám đông, của bằng hữu, của đàn anh, của những đứa em ngoan hiền, những đứa em ngỗ ngược, phá phách. Dù thế nào anh cũng mở vòng tay giao tế, đón nhận. Anh chấp nhận đem mình, đôi khi làm đề tài để cho các em chòng ghẹo, miễn sao có tiếng cười, tiếng nói đậm tình huynh đệ. Nhưng không phải như thế mà leo thang, lờn mặt, xấc láo thì cũng ngay lập tức sẽ gặp phản ứng. Trở lại với thời gian từ ngày sống đời lưu lạc xứ người, anh Hồng và nhóm anh em Biệt Động Quân tìm đến với nhau để cùng chung niềm vui nhỏ bé và cùng đau nỗi đau biệt xứ - Đến với anh gần như hàng ngày gồm có những mũ nâu như Thiên Nga, Mũ nâu Thiện Xạ và cá nhân chúng tôi, gặp anh thế nào cũng phải có một vài màn chọc ghẹo. Dĩ nhiên anh hiểu là trong chỗ thân tình, chúng tôi muốn anh vui mà quên đi điều phiền muộn, nên chỉ cười rồi hòa nhập. Anh thường hay phản ứng lại chúng tôi bằng câu nói:
 - "Mấy thằng quỷ "người nước ngoài" này đỉu thật. Thấy có mình tôi là người Dziệc, tụi nó ăn hiếp".
 Còn nhớ có lần một thân hữu của anh đã nói đùa tại bàn càphê, vì thấy anh có quá nhiều người gọi chào hỏi, hết bàn này qua bàn khác từ xa tới gần, song song đó là chuông điện thoại reo liên tục. Thân hữu đó nói:
 - "Nếu anh Hồng là phái nữ, thế nào cũng sẽ bị chửa hoang một năm vài lần, sau đó trở thành ... gái gọi."
 Niên trưởng Ngô Minh Hồng là người thiết tha, tận tụy cả đời mình cho lý tưởng, cho tình yêu quân đội. Anh trân trọng bộ quân phục, màu nón binh chủng anh đội trên đầu. Ngày nay nước mất nhà tan, quân dân VNCH xiêu tán khắp gầm trời, mang đời liêu lạc nơi đất khách, để có thể nương vào nhau mà sống, tưạ vào nhau để đứng cho vững trên đôi chân teo tóp qua tháng ngày tù đày do lao ngục Cộng sản gây nên, nắm chặt tay nhau để cùng một lòng chống lại âm mưu quỷ quyệt, chia rẽ của kẻ thù từ quê nhà, vẫn thò bàn tay qua khuấy động - Các hội ái hữu, Tổng Hội BĐQ thành lập cũng với mục đích trên. Anh Hồng chẳng bỏ một lần, không vắng mặt trong bất cứ buổi sinh hoạt nào của anh em. Tội nghiệp anh những lần đại hội kỷ niệm ngày thành lập binh chủng hoặc bầu Tổng Hội Trưởng, dù nơi tổ chức ở đâu, tại các tiểu bang xa xôi. Sức khoẻ tốt hay yếu, anh cũng vẫn có mặt, bởi vì đây là dịp những anh em trong gia đình mũ nâu trở về quần tụ bên nhau. Chính tại những lần tổ chức này, nụ cười tiếng nói mới trọn vẹn niềm hoan lạc của nó. Tài chánh eo hẹp, sức lực hao tổn anh vẫn cứ đi. Trong những chuyến đi, lúc ngồi trên máy bay, tôi hỏi anh khỏe yếu thế nào, anh nói;
 - " Mê..ệt. Nhưng mình phải có mặt để chia chung niềm vui, xẻ nát nỗi buồn, để anh em cùng chịu cùng hưởng. Phải cố gắng duy trì tinh thần đoàn kết, tương kính với nhau, cho đến một ngày nào mình không còn trên đời thì thôi."
 Niên trưởng Ngô Minh Hồng trải cả đời mình cho bằng hữu, cho những người xung quanh. Tuy vậy, nếu nói một trăm người ghét, một vạn người thương thì câu này trúng phóc với anh Hồng - Cũng có những kẻ không ưa anh vì lý do nào đó, thậm chí đôi lần, kẻ ghét còn vu vạ cho anh những chuyện nghe qua thì có vẻ động trời, nhưng suy lại thì câu chuyên vu vạ thành vô duyên nhạt nhẽo, mà lại còn mang cả tính vô học trong đó nữa. Tôi thật tình cảm phục anh là khi nghe được câu chuyện vu vạ anh vẫn bình tĩnh, thản nhiên vui chơi không lấy làm điều cay cú, đôi lúc anh còn đem ra làm đề tài tiếu lâm cho bàn càphê thêm vui.
 Anh Hồng thương nhớ!
 Viết những dòng tưởng niệm, nhắc lại những kỷ niệm vụn vặt có với anh, lẽ ra theo quân phong quân kỷ em đâu được gọi anh là ANH, phải viết cho đúng: Trung Tá Ngô Minh Hồng. Nhưng vì nhớ đến kỷ niệm ngày gặp lại anh sau gần 10 năm từ A tỳ địa ngục trở về, người bỏ mối bánh in, kẻ bán báo, anh đã cho em dùng cách xưng hô hôm nay. Đúng đấy anh ạ! Khách sáo với nhau mà làm gì, cách nào cũng tốt, miễn là anh em gìn giữ cho nhau tình thương lòng tôn kính là quý phải không anh? Chúng em thương anh, kính trọng anh (dù có đôi lúc dỡn hớt bạo mồm) - Em đoan quyết rằng, tình thương yêu ấy còn mãi - dù rằng bây giờ anh ngồi gọn lỏn trong cái lọ, bao kín bởi huy chương và MỘT DÒNG TÊN, HAI DÒNG SỐ - để trên bàn thờ với khói nhang nghi ngút. Làm sao em, một trong những tên "người nước ngoài" quên được dáng dấp anh vào ra - Nụ cười vẫn còn nhấp nhoáng sau tay áo, trong nắng sớm Cali nơi bàn càphê của anh em mình.
 Có phải anh vẫn về bên chị, và mỗi sáng cứ đúng 10 giờ 30 là cũng vẫn có mặt với bằng hữu, để cho đủ "Chín Biệt Động Quân , môt bình trà" như những ngày tháng cũ phải không anh!
 Anh Hồng yêu kính, anh sung sướng thật rồi, thênh thang một cõi trời, quăng bỏ phiền muộn, đớn đau, hận thù vướng bận bước chân đi. Bỏ lại dương trần hết tất cả anh nhỉ - 78, Đức Vương hay những danh hiệu gì thì bây giờ cũng chỉ là trò nhảm nhí. Anh mặc tình rong chơi cõi ngoài, linh hồn thơ thới hân hoan!
 Xin anh nhận của chúng em một nén nhang tưởng niệm thương yêu và tôn kính....
THIÊN LÔI

No comments:

Post a Comment