Thursday, November 20, 2014

Đánh Tống phạt Chiêm: Lê Đại Hành


Triều đại Việt Nam có hai nhà họ Lê làm vua: nhà Lê của vua Lê Đại Hành trị vì từ năm 980, thường gọi nhà tiền Lê. Sau đó chừng 450 năm là nhà hậu Lê của Lê Lợi trị vì từ năm 1428 cho đến năm 1789 khi Lê Chiêu Thống sang Thanh cầu viện. Trong khoảng cách giữa hai nhà tiền Lê và hậu Lê là triều đại của nhà Lý và nhà Trần. Lê Đại Hành được biết nhiều với chiến công phá được quân nhà Tống phía bắc và bình định được quân Chiêm Thành ở phía nam. Ông là một trong những vua anh hùng chống ngoại xâm lừng lẫy của nước Việt.
Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn, là tướng quân cánh tay mặt của vua Đinh Tiên Hoàng trước đây, sau được Dương Vân Nga và đình thần tôn lên làm vua. Lê Đại Hành có hơn mười người con trai, ai cũng có thể nối ngôi. Khi con trai cả Lê Long Thâu mất trong cuộc giao chiến với nhà Tống, Lê Đại Hành không sách lập ngôi Thái tử cho con trai thứ nhì Lê Long Tích mà lại phong cho con trai thứ ba Lê Long Việt. Nhưng Lê Long Việt làm vua được vài ngày thì bị người em trai Lê Long Đĩnh giết đi để đoạt ngôi.
Cái tên Lê Đại Hành không phải là đế hiệu của Lê Hoàn, cũng chẳng phải là niên hiệu mà là thụy hiệu tức là tên đặt cho vua vừa mới qua đời. Vì khi Lê Long Đĩnh đoạt ngôi vua rồi thì chỉ lo ăn chơi, hoang đàng dâm dật. Vua cha mất đi nhưng Lê Long Đĩnh không biết, không bận tâm và cũng chẳng nhờ đình thần đặt tên miếu hiệu để thờ mà cứ gọi là Lê Đại Hành, mà chữ Đại Hành có nghĩa là đi xa không trở lại nữa. Hiểu nôm na của cái tên Lê Đại Hành là Lê Mới Qua Đời. Chữ Hành còn có âm đọc là Hạnh, tức đức hạnh. Các vua Tàu vua Việt nào vừa mới băng (chết) đều được gọi là Đại Hành hoàng đế.
Sau đây là bài chép về đời vua Lê Đại Hành, được lược trích từ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
"Họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu (Thanh Hoá), làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; quân Tống xâm lược đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi (941 – 1006), băng ở điện Trường Xuân. Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi; về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn.
Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn (941) là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: "Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó". Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét.
Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: " Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được". Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngủ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.
Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Liễn, tỏ ra phóng khoáng, có chí lớn. Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 2 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ. Đến đây thay họ Đinh làm vua, đóng đô ở Hoa Lư.
Tân Tỵ (981) mùa xuân tháng 2, (quân nhà Tống) Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên.
Sử thần Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.
Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý.
Nhâm Ngọ (982) lập 5 Hoàng hậu (Đắc Xuyên Gia Khang đã có chép đoạn này trong bài viết về Dương Vân Nga tuần trước). Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế (vua Chiêm) tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.
Giáp Thân (984) mùa xuân tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc. Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột giác vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó làm lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc.
Bính Tuất (986) mùa đông tháng 10, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc tử giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong cho vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kinh triệu quận hầu. Vua nhận chế rất kính, lễ thết đãi rất hậu, hàng ngày đem những thứ quý lạ bày chật cả sân, để tỏ sự giàu có. Lại Bảo Nhược Chuyết và Giác rằng: "Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?". Giác đáp: "Bản triều cõi bờ muôn dặm, các quận có đến bốn trăm, đất có chỗ bằng phẳng, cũng có chỗ hiểm trở, một phương này lấy gì làm xa".
Canh Dần (990) Nhà Tống sai Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua hai chữ "Đặc tiến". Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình (tỉnh Quảng Đông bên Tàu) đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi.
Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao (ngoài đô thành) để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Cảo và Tắc tin là thực. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, vua Tống bằng lòng.
Đinh Dậu (997) mùa hạ tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông lên ngôi, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa.
Giáp Thìn (1004) mùa xuân tháng Giêng, lập Nam Phong vương Long Việt (con trai thứ 3) làm Hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh (con trai thứ 5) làm Khai Minh Đại Vương, Long Tích (con trai thứ 2) làm Đông Thành Đại vương. Trước đó Long Đĩnh xin làm thái tử, vua có ý muốn cho. Đình thần nghị bàn cho rằng không lập con trưởng mà lập con thứ là không phải lễ. Vua bèn thôi. Đến đây lập Long Việt làm Hoàng thái tử mà gia phong Long Đĩnh và Long Tích làm Đại vương.
Vua xem kéo lưới ở sông Đại Hoàng, có con rắn to nằm cuộn giữa lưới, người đánh cá tâu lên. Vua dừng thuyền ở giữa sông muốn xem. Con rắn vụt chốc lội ngược dòng mà đi. Sai người bơi thuyền nhỏ cản đuổi, rắn không trở lại, sau lại về chỗ cũ.
Ất Tỵ (1005) mùa xuân tháng 3, vua băng ở điện Trường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, sau nhân đó dùng làm miếu hiệu mà không đổi, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên
Sử thần Lê Văn Hưu nói: Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành Hoàng đế, Đại Hành Hoàng hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hoặc dở để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) là con bất tiếu (bất tiếu nghĩa là không giống cha ông, không phải người hiền đức) lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy. Song trong khi làm nhiếp chính mà tự xưng là Phó Vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý Thái Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu (tức Lê Văn Hưu, sử thần tiền bối của Ngô Sĩ Liên) nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì đức của Lý dày hơn, há chẳng đúng sao!"
Đắc Xuyên Gia Khang FB

No comments:

Post a Comment