Thursday, October 9, 2014

BUDAPEST - Nuối tiếc để mong ngày tái ngộ


Tôi lên xe ở Slovakia để vào Hungary. Vùng đất này khi xưa từng nằm trong lãnh thổ của Tiệp Khắc nhưng đã tách ra để trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1992. Chiếc xe chở tôi như trôi giữa những cánh đồng, những khu rừng và làng mạc trên các ngọn núi thật thơ mộng, cổ xưa, đẹp như tranh và giống như từ trong các câu chuyện cổ tích. Các căn nhà bằng những thân cây gỗ thô be bé, những con đường mòn hẹp chỉ chừng một mét, ngoằn ngoèo khi ẩn, khi hiện, khi mất hút trong những cánh rừng rậm nhiều cây cổ thụ xù xì... phong cảnh khiến tôi liên tưởng đến căn nhà ở trong rừng của cô bé choàng khăn đỏ, một câu chuyện cổ tích mà thuở thơ ấu, tôi từng nín thở, quên cả nhai cơm khi nghe Mẹ kể...Tôi ngồi trong xe, thả hồn ra ngoài cửa sổ, tâm hồn cứ lãng đãng theo những đám mây trắng trôi hững hờ trên đầu. Tôi đi, mây cũng đi, tôi ngừng, mây cũng ngừng...có những lúc tôi rùng mình, không hiểu vì sao những nơi tôi đã đi qua tại Châu Âu, có điều gì như níu chân, như bồn chồn, coi thật xa lạ mà lại như rất quen thuộc... Vì bị mấy đêm mất ngủ khi còn ở Ba Lan nên tôi thiếp đi trong chốc lát, có lúc chợt hé mắt ra và cảm giác như đang lâng lâng, bồng bềnh, trôi ngược rồi trôi xuôi giữa một hiện tại và một quá khứ xa xăm... xa như không thể xác định được thời điểm...Tôi chợt nhớ tới lời nói của một ông già mặc áo đen gốc Đông Âu, nhìn rất ma quái, làm nghề thôi miên mà tôi từng gặp vào năm 1990 tại Canada, ông ta đã nói với tôi rằng “kiếp trước của mi là ở Châu Âu, mi vì ham làm quá mà chết trẻ...!!!”


Ngày đầu tiên
Cuối cùng chiếc xe chở tôi cũng từ từ đi vào đến thủ đô Budapest. Kiến trúc của thành phố này là một sự kết hợp của trường phái thời La Mã, của Baroque, Gothic và Phục Hưng. Trong thành phố vẫn còn các đền đài và các nhà tắm hơi cổ vẫn còn nguyên vẹn, xây bằng đá kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Budapest nổi tiếng với các cây cầu tuyệt đẹp như cầu Chain, cầu Elisabeth, cầu Liberty, cầu Megyeri... So với các quốc gia khác ở Đông Âu thoát khỏi chế độ cộng sản như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức...thì có lẽ Hungary thay đổi chậm hơn hết, ngành du lịch ở đây không phát triển như các nước khác, các nhãn hiệu thời trang danh tiếng của phương Tây cũng không có mặt tại đây. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự việc ở một khía cạnh khác, chưa chắc sự có mặt của những Rolex, những LV, Gucci, Prada, CK lại là điều hay. Các công trình cổ tại Budapest mặc dù bị hư hại nhiều vì không được bảo trì thường xuyên, nhưng vẫn là một thành phố vô cùng đẹp và huyền bí. Hai bên đường là những thanh niên thiếu nữ tràn đầy nhựa sống. Tôi có thể thấy được khát vọng tuổi trẻ và long thiết tha với đời sống hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười của họ. Và những con người cùng khát vọng ấy lại đang hiện diện trong một không gian kiến trúc rất cổ xưa cách đây nhiều thế kỷ, điều ấy khiến cho du khách cứ ngẩn ngơ vì đôi tay họ tưởng đã chạm tay vào lịch sử rêu phong, nhưng mắt và tai thì lại đang chứng kiến những con người chỉ muốn bung ra đón nhận cái mới ở tương lai. Những thanh niên, thiếu nữ tại đây đang cố gắng tập nói tiếng Anh để làm du lịch và cũng để gần gũi với thế giới phương Tây hơn. Ngày đầu tiên của tôi tại Budapest trôi qua nhẹ nhàng, tôi hạn chế không đi nhiều ngày hôm nay nữa vì đã quá mệt. Sau khi đi một vòng thành phố, tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi. Khách sạn tôi ở thuộc loại 4 sao, nhưng vẫn còn dùng chìa khóa chứ không phải thẻ điện tử. Có lẽ vài năm trước, khách sạn này đã được sửa chữa, trang trí lại, nhưng công việc bảo trì không được liên tục nên nhìn kỹ sẽ thấy được một vài vế ố trên màn, trên thảm, sơn tường bị bong ra...



Đi thăm khu vực hoàng cung
Khu vực hoàng cung xưa nhìn từ xa rất uy nghi, hùng vỹ, nhưng lại rất vắng du khách. Dọc theo con phố đi bộ mà lẽ ra sẽ phải sầm uất với các cửa tiệm bán hàng lưu niệm như ở các thành phố khác thì ở đây rất lèo tèo với khoảng mươi gian hàng. Lẫn trong các mặt hàng lưu niệm và các sản phẩm về ớt như ớt tương, ớt ngâm dầu, ớt bột... bởi vì người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Budapest rất đông từ nhiều thế kỷ trước và ớt thì luôn hiện hữu trong ẩm thực của dân tộc Thổ.
Dường như tôi là con người hoài cổ, đi đến đâu cũng muốn tìm vào những hoàng cung xưa cũ để xem và trầm ngâm với trò đời dâu bể. Đến Budapest cũng vậy, tôi rất muốn được vào xem cung điện bên trong, nhưng câu trả lời mà tôi nhận được từ người hướng dẫn là không được. Hoàng cung xưa đã đóng kín cửa không cho bất cứ ai vào. Tôi lại hỏi tiếp anh hướng dẫn viên là sau cánh cửa ấy còn lại gì? Anh ấy nói “chẳng còn gì cả đâu, những bức tường nạm vàng, nạm ngọc đã bị nạy ra loang lổ, vải bọc tường cũng bị chúng nó lột mất, bạn mà thấy là chúng tôi nhục lắm, thôi chẳng thà đóng cửa vậy mà hơn”.

Một vài con số cần biết về Budapest

Trong bảng xếp hạng các thành phố lớn của Châu Âu thì Budapest đứng hạng thứ 8/104. Về dân số, nếu tính luôn các vùng phụ cận thì thủ đô Budapest có khoảng 3 triệu 300 ngàn người. Diện tích của thành phố là 525 cây số vuông (202.7 sq mi). Giòng sông huyền thoại Danube chảy qua bảy quốc gia tại Châu Âu, tuy nhiên khúc sông chia đôi Budapest là đoạn có địa thế đẹp và trữ tình nhất. Tôi đã có hơn ba giờ trên du thuyền ban đêm, uống rượu, ngửa mặt đếm sao và nhìn về thành phố trong ánh đèn vàng mê hoặc.
Từ thế kỷ XV cho đến giữa thế kỷ XX, Budapest luôn bị những cuộc chiến tranh chủng tộc, tranh giành ảnh hưởng của nhiều triều đại khác nhau. Theo các tài liệu của thành phố, trước đây có 3 thành phố nhỏ mang tên: Buda, Óbuda và Pest. Kể từ năm 1873, 3 thành phố nhỏ này đã nhập chung lại mang tên là Budapest cho đến ngày nay. Thành phố này từng có những giai đoạn quá đông dân dẫn đến thiếu chỗ ở và không đủ công ăn việc làm. Trong thế kỷ XVII, người Đức và người Thổ Nhĩ Kỳ từng có mặt ở đây rất đông cùng với sự ảnh hưởng chính trị của họ lên vùng đất này, tuy nhiên sau đó chính người dân Hungary đã chống lại, họ đã giết rất nhiều và xua đuổi hết những người gốc Đức và Thổ ra khỏi nước sau đó. Dân số của người Hungary chính gốc đã gia tăng nhanh sau đó. Sau hơn một thế kỷ, dân số đã tăng nhiều hơn gấp bốn lần. Ngày nay tại Budapest, người da trắng gốc Hungary chiếm trên 80% (toàn quốc gia là 93%), còn lại là những di dân có nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ từ các quốc gia khác như Đức, Slovakia, Romani (còn gọi là Gipsy), Trung Hoa...

Các tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng tại đây
Budapest lâu nay vẫn được xem là thành phố có sự hiện diện của nhiều tôn giáo, tuy nhiên các tôn giáo đặt niềm tin vào chúa Jesus vẫn đông hơn hết và được xem như thành phố ở Trung Âu có nhiều tín đồ của Thiên Chúa nhất. Ở đây có nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà thờ Tin Lành. Theo thống kê dân số năm 2011, tín đồ của đạo Tin Lành chiếm 12.6%, Thiên Chúa Giáo chiếm 28.9%. Do Thái Giáo từng là một tôn giáo lớn ở Budapest, nhưng sau những nạn diệt chủng và lò hơi ngạt của Hitler và Phát Xít nhắm vào người Do Thái, nhiều người phải bỏ đạo, di dân trở về lại Do Thái, cải đạo sang Tin Lành hoặc Thiên Chúa Giáo. Hiện nay chỉ còn chưa đến 8000 người theo Do Thái Giáo và chỉ chiếm tỷ lệ 0.4% dân số tại đây. Cũng theo báo cáo của cuộc điều tra dân số này, gần 50% dân chúng cho biết, họ không còn thiết tha với niềm tin tôn giáo và tuyên bố họ không thuộc về một tín ngưỡng nào cả. Đây là một điều ngạc nhiên cho nhiều nhà hoạt động xã hội và các cộng đoàn tôn giáo. Lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố cho thấy thế hệ mới ngày nay đã phôi pha đức tin đi quá nhiều.


 Ẩm thực
Khi quý vị là một du khách có nguồn gốc Châu Á hoặc Việt Nam đến Hungary, chúng ta sẽ dễ có nhận xét rằng thức ăn ở đây cũng giống các nước khác trong khu vực Châu Âu. Hoặc nói cách khác, một cách chung chung rằng: “thức ăn Tây món nào cũng giống nhau”. Tuy nhiên nếu có thời gian chiêm nghiệm, tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa ẩm thực của từng nền văn hóa, nhất là phải được một người địa phương phân tích, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận cái hay và cái ngon của từng món ăn. Mỗi lần đi xa, tôi ít khi quan trọng vấn đề phải tìm ăn món Việt Nam. Thông thường, mục đích tìm đến nhà hàng Việt Nam của tôi chính là gặp gỡ và hỏi thăm đồng hương.
Trở lại với ẩm thực tại Budapest thì quý vị có thể chọn những món như Goulash (một loại bò ragout nấu với khoai tây, cà rốt), Porolt (một loại thịt kho), Csirkepaprikás là một loại thịt gà nấu với sữa kem và sữa và bột nghệ, ăn hơi tương tự món butter chicken của người Ấn Độ. Những món soup khác khá phổ biến có thể là Gulyásleves, Polócleves, hoặc Halászlé (là một loại soup rất cay, nấu bằng nhiều loại ớt khác nhau. Về thịt trong bữa ăn chính (main course) thì người Hungary cũng ăn các loại thịt như steak, Stefánia szelet (meat loaf), Pecsenye (thịt heo nướng với các hương liệu), Toltott paprika (thịt nhồi vào quả ớt)...Các loại bánh ngọt thì tôi thấy cũng là những món bánh mì ngọt, bánh kem, kem lạnh theo phong cách Tây Phương. Món Palacsinta cũng khá giống như crêpe với trái cây được cuốn trong bột tráng trên chảo nóng tại Áo hoặc Thụy Sĩ.



Người Romani (Gypsy)
Mặc dù chỉ chiếm 1.1% với khoảng 20 ngàn người đang sinh sống tại Budapest, nhưng cộng đồng du mục người Gypsy đã gây chú ý rất nhiều cho du khách ở xa đến, cũng như chính họ đã tạo nên một nét đặc thù trong văn hóa sắc tộc tại Budapest. Du khách đến đây không thể bỏ qua những màn trình diễn đường phố, nhảy thiết hài, nhảy Flemenco của người Gypsy. Tôi đã có một đêm thật vui và đáng nhớ cùng với các bạn đồng hành tại một quán nhạc của người Gypsy tại trung tâm thành phố. Khi vừa mới bước vào cửa, anh bồi bàn quán rượu đã chào đón tôi bằng một ly rượu mạnh hâm n óng, rượu này trắng trong giống như đế của Việt Nam....bụng đang đói, ly rượu nóng và mạnh khiến tôi có cảm tưởng cơ thể mình bỗng bốc thành khói... và cũng từ đó...tiếng đàn của người nhạc sĩ du mục nghe bỗng réo rắc ai oán, vũ công trên sân khấu có ánh mắt sâu và rèm mi dài trông tình tứ lãng mạn hơn, bước nhảy Flamenco và thiếc hài của họ nóng bỏng cùng những khêu gợi hừng hực... ở họ có một nét đẹp ma quái, liêu trai....Bất giác tôi nhớ đến tác phẩm “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” của đại văn hào Victor Hugo, một cô gái Gypsy bụi đời với vẻ đẹp man dại đã làm điên đảo cùng lúc ba người đàn ông, trong đó có cả một linh mục... Quán rượu này được trang trí theo phong cách đồng quê với cối xay gió, cỗ xe ngựa, chén đĩa được nặn tay bằng đất nung, thức ăn đem ra thật cay, rượu được rót thêm vào ly thật nồng... Budapest còn nhiều ngõ ngách, nhiều kỳ bí mà nếu muốn tìm hiểu, chúng ta cần nhiều ngày đêm mới khám phá hết... Tôi không có nhiều thời gian, nhưng đêm nay tôi đã được thức khuya hơn thành phố...và đêm của chúng tôi đã được dài hơn đêm của mọi người...



Từ giã Budapest
Chia tay, từ giã Budapest, hành lý của tôi lại nặng thêm vì những món hàng lưu niệm và nhiều loại ớt khác nhau. Tôi tiếc là không thể ở thêm lại đây ít hôm nữa để khám phá tận tường những góc thật khuất và thật tối của xã hội, cũng như tìm hiểu tại sao kinh tế của Budapest và Hungary phát triển chậm hơn các thành phố khác ở Châu Âu, dù rằng Hungary thoát khỏi chế độ cộng sản cùng thời gian với những các quốc gia khác. Theo báo cáo năm 2013 của World Bank, mức lương trung bình của một người dân Hungary là $22, 878 USD. So với vật giá đắc đỏ và thuế cao ở Châu Âu, đồng lương như vậy là khá chật vật cho một người. Nếu có gia đình, con cái thì sẽ càng eo hẹp hơn. 



Lần nào tôi sắp xếp hành lý để chuẩn bị đi tiếp những chặng đường sắp tới của hành trình Bụi Đường Xa, tôi đều thấy dường như nơi nào tôi cũng ra đi với một nuối tiếc, vì chưa thấy trọn vẹn.... Thôi thì cứ nuối tiếc để còn mong ngày tái ngộ...
. Tôn Thất Hùng 











 

No comments:

Post a Comment