Friday, November 7, 2014

Lịch Thiệp

Lịch thiệp
Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi
Xưa kia ta ở trên trời

Đứt dây rơi xuống...làm người trần gian

Trời nắng chói chang nóng như lò lửa, không khí tung bụi mù làm nám cả mặt mũi đôi trai thanh gái lịch đang đèo nhau trên chiếc xe máy băng qua cầu.
Xe bỗng dừng lại dưới dốc cầu tìm bóng mát trú ẩn. Người con gái lấy chiếc khăn trong giỏ để thấm mặt. Không phải do đổ mồ hôi mà mặt cô ta bị thấm ướt. Nhưng từ nãy giờ ngồi sau yên xe, anh chàng bạn yêu hai tay thì điều khiển chiếc Mobylette, nhưng cứ quay mặt lại đằng sau nói chuyện trời trăng mây gió liên tu bất tận.
Anh ta nói chuyện không có duyên, nhưng được cái biết pha trò, chốc chốc lại chêm những câu phóng đại khuếch trương "nổ banh nhà lồng" khiến cô gái cười khăng khắc. Khốn nỗi mỗi khi anh chàng nói chuyện pha trò thì thế nào cũng tạo nên một trận mưa phùn bay đầy mặt cô bạn yêu.
Trời thì nắng gắt mà cô gái cứ phải hứng những cơn mưa bất ngờ từ trong miệng của anh ta khiến cho làn da mặt thoa phấn hồng của cô bèm nhem cả. Thật là ngán ngẩm.
Trong phép giao thiệp, ngoài cử chỉ, cung cách và thái độ lịch sự và chừng mực ra thì lời ăn tiếng nói chiếm phần quan trọng đáng lưu ý hơn cả. Nhà văn Phạm Cao Tùng ghi lại "Cách nói chuyện" của người lịch sự như sau:
"Trong những buổi tiếp rước, cuộc nói chuyện sẽ là nồng cốt. Đó là thú giải trí tao nhã của hạng người lịch sự và giàu trí khôn.
Nhưng đó cũng là mực thước để đo trình độ trí thức và giáo dục của bạn. Bạn ăn mặc thật bảnh bao, nhưng trong lúc nói chuyện, người ta nghe bạn thốt ra những lời "hết ga", "quá xá ngán", tức khắc người ta có thể xếp bạn vào hạng người nào rồi.
Cửa miệng thốt ra những gì thừa thải trong lòng/La bouche parle de l'abondance du coeur.
Với những người mới quen biết phải dè dặt trong khi nói chuyện. Hãy nhớm thử với họ vài câu chuyện làm lệ. Về sau, khi đã hiểu rõ họ nhiều hơn, ta sẽ đề cập đến những câu chuyện thích đáng.
Người lịch sự không bao giờ vội thân mật đến chỗ suồng sã. Họ cũng không cố tìm dịp nói chuyện với những người trên họ quá nhiều.
Lúc nói chuyện không nên ra bộ tịch như trên sân khấu, cũng không nên vỗ vai, vỗ vế ai. Đừng nói rổn rảng mà cả phòng đều nghe, cũng đừng nói nhỏ quá dường như sợ người ngồi kế nghe được.
Hai người đang nói chuyện thì mình đừng xen vào giữa câu chuyện của họ. Thấy họ có ý nói chuyện riêng thì mình bỏ lảng đi nơi khác, đừng lộ vẻ như muốn nghe lóm câu chuyện của họ. Vì lẽ ấy, ở nơi hội họp đông người, người lịch sự không bao giờ nên nói chuyện riêng tư với ai, làm ngại cho những người ngồi chung.
Nói chuyện không phải là diễn thuyết, dự vào một cuộc nói chuyện là dịp trao đổi ý kiến. Không phải là một dịp để phô trương sự hiểu biết của mình hoặc để thuyết ai."
Đắc Xuyên Gia Khang

No comments:

Post a Comment