Friday, February 14, 2014

Sở Phòng Vệ Duyên Hải / Nha Kỹ Thuật - Thiếu Tá Trần Kim Khánh

Ngoài các bộ phận xâm nhập không vận, Sở Bắc (tức là Phòng 45B dưới quyền điều hành của Ðại Úy NGÔ THẾ LINH, thuộc Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống) có hai chi cục về "bộ vận" (xâm nhập bằng đường bộ) và "hải vận" (xâm nhập bằng đường thủy). Hai chi cục này đóng tại Huế và Ðà Nẵng.

a. Chi cục Atlantic đóng tại Huế do Trung Úy TRẦN BÁ TUÂN (sau này là Chỉ Huy Phó Sở Công Tác) làm Chi Cục Trưởng, đặc trách việc tuyển mộ, huấn luyện và xâm nhập bằng đường bộ.

b. Chi cục Pacific đóng tại Ðà Nẵng do Ðại Úy HÃ NGỌC OÁNH rồi đến Trung Úy NÔNG AN PANG làm Chi Cục Trưởng, đặc trách việc tuyển mộ, huấn luyện và xâm nhập bằng đường thủy.

Sau cuộc đảo chánh của các tướng lãnh ngày 1.11.1963 và theo sự biến chuyễn của tình hình khi Chính Phủ Hoa Kỳ tăng quân số ở VNCH, nhu cầu bành trướng của Sở Bắc (sau khi Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt di chuyễn ra Nha Trang) Sở được cải biến thành Sở Kỹ Thuật rồi sau này trở thành Nha Kỹ Thuật trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Song song với việc thành lập Nha Kỹ Thuật và Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải (Coastal Security Service - CSS) cũng được chính thức thành vào ngày 1/04/1964. Số nhân viên của hai Chi Cục Atlantic và Pacific được sát nhập và trở thành Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Cũng xin nói thêm rằng tên "Sở Phòng Vệ Duyên Hải" cũng chỉ là tên "vỏ bọc" mà thôi. Sở này đặc trách mọi công tác hải vận của Nha Kỹ Thuật vùng biển Bắc vĩ tuyến 17.


Thiếu Tá NGÔ THẾ LINH được bổ nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của Sở Phòng Vệ Duyên Hải.

Ban đầu, Bộ Chỉ Huy Sở được đặt tại số 52 đường Bạch Ðằng, thành phố Ðà Nẵng (còn được gọi là White Elephant building) cùng chung doanh trại với cơ quan CSD (Combined Studies Division). Cơ quan CSD từ trước là cố vấn cho hai Chi Cục Atlatic and Pacific của Sở Bắc. Còn các cơ sở khác trực thuộc Sở thì được xây dựng dọc theo bờ biển Mỹ Khê và Tiên Sa.

Ngoài Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở có hai lực lượng chính là "Lực Lượng Hải Tuần" và "Lực Lượng Biệt Hải", cùng với một "Ðại Ðội Dân Sự Chiến Ðấu - DSCD" phụ trách việc canh gác hầu hết các cơ sở của Sở.


Cuối năm 1962, phía Hoa Kỳ đã gửi sang hai chiến đỉnh "Swift" và hai thuyền trưởng người ngoại quốc. Thủy thủ đoàn là các nhân viên dân chính được tuyển mộ theo hợp đồng dưới danh nghĩa là Dân Sự Chiến Ðấu.


Quân số của Sở Phòng Vệ Duyên Hải tăng nhanh kể từ tháng 4/1964. Các toác Biệt Hải của LLBH được tuyển mộ và huấn luyện dọc theo bờ biển Mỹ Khê. Bộ Tư Lệnh Hải Quân cũng tăng phái một toán người Nhái được đặt tên là Athena dưới quyền chỉ huy của Hải Quân Ðại Úy Lâm Nhựt Ninh và 50 quân nhân Thủy Quân Lục Chiến được đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu Úy Hưng và Thiếu Úy Ngộ lấy tên là ROMULUS. Ngoài ra, lực lượng Biệt Hải cũng có những toán khác như toán NIMBUS, CUMULUS, CANCER, VEGA, MERCURY đã được tuyễn mộ và huấn luyện từ các năm trước.

Sau khi lực lượng Biệt Hải (LLBH) bàn giao toàn thể doanh trại dọc bãi biển từ Mỹ Khê đến núi Non Nước cho Ðệ Tam Lực Lượng Thủy Bộ TQLC/ Hoa Kỳ (III MAF) thì toàn thể tập trung về đồn trú tại chân núi Sơn Trà.

Vì Sở Phòng Vệ Duyên Hải là một đơn vị hoạt động ở Vùng Biển Bắc vĩ tuyến 17 và cũng đáp ứng với tình hình mới của hai chính phủ Việt - Mỹ, Cơ Quan CSD (Combined Studies Division) chuyển giao trách vụ cố vấn cho Hải Quân Hoa Kỳ, thuộc Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (CINPAC).


Một cơ quan mới được thành lập cạnh Sở Phòng Vệ Duyên Hải lấy tên là US NAVAL ADVISORY DETACHMENT (CSS/NAD). Ðây là Cơ Quan đối nhiệm (Counterpart Organization) của Sở Phòng Vệ Duyên Hải, và vị chỉ huy đầu tiên là Trung Tá OWENS.

Sau đó Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải di chuyển về đóng chung với cơ quan US/NAD tại Sơn Trà. Trại này sau lấy tên là Trại FAY (tên của Trung Tá CHT NAD tử nạn - xe bị nổ mìn năm 1967). Riêng các phòng 2 và 3 thì đóng tại Lower Base ở Tiên Sa chung với các phòng liên hệ của Hoa Kỳ. Song song với việc xây dựng các doanh trại cho Lực Lượng Biệt Hải và Lực Lượng Hải Tuần, Sở Phòng Vệ Duyên Hải còn thiết lập hai trại khác tại Cù Lao Chàm lấy tên là Phượng Hoàng (Phoenix) và DoDo.

Cũng trong thời gian này, phía Hoa Kỳ gửi sang một số chiến đỉnh có tốc độ nhanh gọi là PTF (Patrol Torpedo Fast) từ căn cứ Hải Quân Subic ở Phi Luật Tân. Ðồng thời Bộ Tư Lệnh Hải Quân cũng tăng phái các thủy thủ đoàn phụ trách các chiến đỉnh nàỵ

Ngoài ra, theo nhu cầu của tổ chức và với sự đề nghị của Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật, Bộ Tư Lệnh Hải Quân đề cử Hải Quân Trung Tá Hồ Văn Kỳ Thoại đảm nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải thay thế Trung Tá Ngô Thế Linh khi ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật. Và kể từ ngày Trung Tá Hồ Văn Kỳ Thoại đảm nhận chức vụ CHT Sở PVDH, toàn bộ chỉ huy Sở di chuyển về Lower Base ở Tiên Sa.

Ðầu năm 1965 Sở PVDH đã có những hoạt động mạnh mẽ ở Bắc vĩ tuyến 17, gây nhiều nhiều thiệt hại cho cộng sản Bắc Việt:

a. Những cuộc hành quân lấy tên là LOKI:

Những cuộc hành quân này có mục đích bắt tù binh kể cả ngư dân và cán bộ Cộng Sản đưa về tại trại Phoenix để khai thác tin tức cung cấp các mục tiêu quân sự tại Bắc vĩ tuyến 17 cho Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ oanh tạc. Theo khả năng thì các chiến đỉnh PTF của Sở PVDH chỉ hoạt động lên đến vĩ tuyến 20 (Thanh Hoá) nhưng có đôi lần các chiến đỉnh này hoạt động lên đến Bạch Long Vỹ. Trong suốt thời gian hoạt động, Sở PVDH đã bắt hơn 500 ngư dân, công an và các bộ các hiệp tấn xả ngư nghiệp tại miền Bắc.

Sau khi đem về trại Phoenix để khai thác tin tức. Cán bộ Sở PVDH tuyển chọn trong số này những người thù ghét chế độ Cộng sản, huấn luyện họ làm mật báo viên dài hạn (Sleeping Agents) chờ ngày giải phóng miền Bắc. Sau khi hoàn tất việc huấn luyện cách thu thập tin tức, cách viết bí mật thư v.v... những người này được chuyển sang trại DoDo để nơi đây huấn luyện (Indoctrination) về chủ trương và đường lối của Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc do các cán bộ của Sở Tâm Lý Chiến (TLC) thuộc Nha Kỹ Thuật hướng dẫn dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc. Ngoài ra các cán bộ Sở TLC cũng khai thác thêm các tin tức liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo tại miền Bắc để hoạch định các công tác Tâm Lý Chiến cho đài Tiếng Nói Tự Do và đài Gươm Thiêng Ái Quốc thuộc Sở TLC/NKT.


Sau một thời gian, tất cả những người bị bắt đều được trả về miền Bắc và mỗi một người đều được tặng một gói quà gồm Radio, mùng, mền, lưới cá v.v... do Sở TLC/NKT thực hiện. Mỗi một lần thả, họ đều được PTF chở ra vùng họ ở, cho xuống một chiếc ghe để họ chèo vào bờ.


Hầu hết những người được thả khi về đến địa phương đều bị Cộng sản Bắc Việt tịch thu hết các quà tặng, gây nhiều căm phẫn cho nhân dân và gia đình. Ðặc biệt, có người sau một thời gian lại cố ý ra biển để được bị bắt lại. Bởi lẽ, đời sống của người dân miền Bắc, đặc biệt là ngư dân, quá cực khổ và đói kém; khi vào trại của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc được ăn uống no đủ, áo quần mới, đối xử tử tế nên họ - mặc dù trong thâm tâm vẫn nghĩ là miền Nam Việt Nam - rất có cảm tình với phong trào và cung cấp nhiều tin tức quân sự có gía trị cao.

b. Những cuộc hành quân lấy tên là CADO:

Do các toán Biệt Hải đổ bộ vào bờ để đột kích hoặc bắn phá các đồn Công An biên phòng tại các cửa biển hoặc các cơ sở trên đất liền. Cũng năm 1964, một toán Biệt Hải đã đổ bộ và bắn phá nhà máy nước Bầu Tró (Ðồng Hới) gây nhiều thiệt hại cho nhà máy nàỵ Nhiều lần các toán Biệt Hải đổ bộ và bắt cóc cán bộ Bắc Việt trong các làng ven biển tại Ðồng Hới và Quảng Bình.

c. Những cuộc hành quân lấy tên là MINT:


Trong suốt thời gian Hoa Kỳ phong tỏa hải phận Bắc Việt thả mìn ở cửa biển Hải Phòng, Sở SPDH liên tục hành quân vùng từ vĩ tuyến 17 đến Thanh Hóa. Trong thời gian này, Sở PVDH đã chận đánh các đoàn ghe máy BắcViệt tiếp tế cho các hải đảo ngoài khơi duyên hải. Ðặc biệt các chiến đỉnh của Sở PVDH đã đánh tan một đoàn tiếp tế của Bắc Việt cho đảo hòn Cọp, tịch thu rất nhiều vũ khí và quân dụng, trong đó có một khẩu đại bát 82 ly không giật, của Nga. Loại vũ khí đầu tiên tịch thu được trên chiến trường Việt Nam.

d. Những cuộc hành quân Tâm Lý Chiến:

Sở Tâm Lý Chiến (Nha Kỹ Thuật) thực hiện các loại truyền đơn dưới danh nghĩa của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc và các gói quà tặng. Số truyền đơn do Sở TLC thực hiện gồm có 2 loại: một loại thả theo các gói quà, loại khác do súng cối 81 ly đặt trên các PTF bắn vào bờ. Số truyền đơn và quà tặng được chuyển từ Sở TLC ra cho Sở PVDH. Sở PVDH dùng các chiến đỉnh PTF để thả các gói quà trên biển Bắc vĩ tuyến 17 hoặc bắn vào bờ.

e. Hành Quân Ðặc Biệt tên là LURE:

Trên các truyền đơn thả theo các gói quà trên biển, Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc kêu gọi các tàu của Bắc Việt trốn vào miền Nam Việt Nam. Sở PVDH dùng ghe máy có tên là NAUTILUS (NI) thả neo túc trực tại phía Nam Vĩ Tuyến 17. Trường hợp tàu của Hải Quân Bắc Việt vượt tuyến vào Nam đầu thú, sẽ được cán bộ và thủy thủ đoàn của chiếc NI đón tiếp. Ngoài phần thưởng đặc biệt dành cho Thuyền Trưởng và Thuyền Phó, mỗi thủy thủ đều được Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà lo chổ ăn, ở và mỗi người đều được thưởng 100 lượng vàng để sinh sống. Cuộc hành quân này kéo dài gần ba tháng mới chấm dứt.

Tóm Lượt:

Qua những thành tích hoạt động và chiến tích của Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở đã được 2 lần tuyên dương công trạng trước Quân Ðội, được ân thưởng 2 ANH DŨNG BỘI TINH với Nhành Dương Liễu và cờ đơn vị được mang dây Biểu Chương Màu Anh Dũng Bội Tinh. Ngoài ra, năm 1967, Sở PVDH cũng được Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ ân thưởng 1 huy chương "MERITERIOUS SERVICE".

Khi Hải Quân Trung Tá Hồ Văn Kỳ Thoại được vinh thăng Ðại Tá và được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải thì Hải Quân Ðại Tá NGUYỄN VIẾT TÂN thay thế cho đến ngày 30.4.1975.

Cũng nói thêm là, sau khi chính phủ Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 1.11.1968 thì mọi hoạt động của Sở PVDH tại Bắc vĩ tuyến 17 đều chấm dứt. Từ đó, Sở này được tăng cường phối hợp hành quân với các đơn vị bạn tại Quân Ðoàn I và Quân Ðoàn IV, cho đến ngày 30.4.1975. Số chiến đỉnh SWIFT và PTF cũng được phía Hoa Kỳ chuyển về Subic Bay ở Phi Luật Tân trước ngày 30.4.1975.

Nói chung, kể từ ngày thành lập cho đến ngày Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, Sở Phòng Vệ Duyên Hải đã cùng với các đơn vị khác của Nha Kỹ Thuật đóng góp nhiều chiến tích oai hùng và cũng là một Nét Son trong Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.


NGUYỄN THANH HOÀI
Cựu Quân Nhân Sở Phòng Vệ Duyên Hải
Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, QLVNCH.

No comments:

Post a Comment