Saturday, November 1, 2014

Bạch lăng Taj Mahal



Hôm nay Đắc Xuyên Gia Khang mời các bạn du lịch sang Ấn Độ tới đền mộ Taj Mahal qua bài thơ "Bạch lăng Taj Mahal" của Đoàn Thêm

Bên bờ núi sông vắng
Chơ vơ vạn cổ thành
Sương sa mờ nóc tháp
Đáy nước động chòi canh

Thượng uyển tùng chen bách
Bên hồ lặng bóng xanh
Đền vàng quanh điện ngọc
Đá đục sợi tơ mành

Bạch thạch xây lăng trắng
Bình phong sắc ngũ hành
Trân châu lèn hổ phách
Ngọc tẩm ánh trăng thanh

Mông-cổ Tây Hàn-đế
Đường tơ hận dứt tình
Đá vàng chung một mộ
Trường mộng mối duyên lành


Thi sĩ Đoàn Thêm vốn xuất thân Luật khoa cử nhân, ông sinh năm 1916 tại Hữu Thanh Oai tỉnh Hà Đông, sống và làm việc tại Sài Gòn, từng giữ chức Phó đổng lý Phủ Tổng Thống từ năm 1955.

Bên văn chương Đoàn Thêm từng soạn cho đăng báo và in ấn các tập thơ "Loạn ly", "Taj Mahal" (tả lại mối tình bất diệt của hoàng đế Mongul với bà vợ sủng ái Mumtaz Mahal) và "Từ Thức". Đoàn Thêm còn là một học giả chuyên nghiên cứu và bình luận về các vấn đề chính trị, tổ chức hành chính tại Học-viện Quốc-gia Hành-chánh Sài Gòn và được cử đi công cán tại nhiều nước Á Châu.

Bài thơ trên ông sáng tác sau lần sang thăm viếng đền Taj Mahal tại tiểu bang Uttar Pradesh của xứ cà-ri Ấn Độ.

Bạch lăng Taj Mahal là một trong 7 kỳ quan thế giới, được khởi công xây dựng năm 1631 và hoàn tất năm 1653. Bạch lăng là nơi yên nghỉ của Mumtaz Mahal, bà vợ thứ ba của hoàng đế gốc Ba Tư Shah Jahan. Mumtaz Mahal được mô tả là một giai nhân tuyệt thế, năm 14 tuổi bà được hứa hôn với hoàng đế Shah Jahan nhưng đến năm 19 tuổi thì mới làm lễ thành hôn. Sau khi kết hôn bà được hoàng đế rất mực yêu quý nhưng ông ta làm cho bà đẻ hoài, trong 19 năm chung sống hai người phát minh ra 13 đứa con, đến khi sinh đứa thứ 14 bà bị băng huyết và qua đời.

Quá thương tiếc cho người vợ đảm đang vắn số và để chuộc lại lỗi lầm "vì sao anh cứ bắt em phải đẻ", hoàng đế Shah Jahan đã huy động 20 ngàn nhân lực và hơn 1 ngàn thớt voi làm việc quần quật trong suốt hơn 22 năm để hoàn thành xây cất lăng mộ. Hàng ngày ông đích thân chỉ huy và quan sát công trình xây cất và sau một thời gian ròng rã, mộ được hoàn tất và ngay tức khắc trở thành một kiến trúc độc nhất vô nhị của thế giới và không bao lâu đi vào huyền thoại tình sử.

Tuỳ theo thời điểm trong ngày và ban đêm tùy thuộc vào ánh trăng, bạch lăng luôn chuyển đổi màu, lúc thì màu xanh, vàng lúc thì tím, hồng....đủ các màu của cầu vồng mà người ta cho là nó chuyển đổi theo tính tình biến chuyển của người phụ nữ. Các bạn nào đồng ý với suy nghĩ trên thì xin mua ngay vé đi du lịch qua Ấn Độ thăm bạch lăng Taj Mahal.
 
Đắc Xuyên Gia Khang

No comments:

Post a Comment