Thursday, September 11, 2014

Đà Nẵng bên cửa sông Hàn

Ai về Đà Nẵng, Hội An
Cho tôi nhắn gởi vài hàng tâm tư 


Đà Nẵng trước có tên là Cửa Hàn vì nằm bên con sông Hàn chạy dọc theo Biển Đông. Phía bắc Đà Nẵng là một cái vịnh thật lớn uốn quanh đến bán đảo Sơn Trà nhô những hòn núi nhọn như được nâng lên cao. Bán đảo Sơn Trà thì khá nổi tiếng với cái cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắt ngang từ bán đảo Sơn Trà tới vịnh Đà Nẵng. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép về Sơn Trà như sau:
"Núi Sơn Trà: Cao sừng sững giữa trời, luôn có mây mù tuôn ra, rừng cây rậm tối, hươu nai sinh sản từng bầy. Phí đông giáp biển (Đông), phía đông nam có dãy núi liền nhau, trông như hình con sư tử, tục gọi là núi Nghê Sơn. Tương truyền trên núi có ngọc, ban đêm thấy hào quang chiếu ra ngoài biển. Phía tây có đảo Mỏ Diều, có pháo đài phòng ngự ở đấy. phía bắc có núi Cổ Ngựa đối diện với hòn Ngự Hải. Phía tây cửa biển là vụng Trà Sơn (tức vịnh Đà Nẵng) làm chỗ cho ghe thuyền đậu neo rất thuận tiện.
Núi này rất nhiều khí lam chướng lại có giếng nước độc sâu hơn một trượng, xưa có chiếc tàu biển đến tránh gió ở đây, bị nước độc trên núi làm cho khốn khổ."

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Chàng đi mô đã mấy hôm rày
Phòng văn vắng vẻ, sách bày cho ai?


Đà Nẵng nằm trong tỉnh Quảng Nam, một tỉnh miền Trung có diện tích lớn thứ 6 tại Việt Nam. Riêng diện tích của Đà Nẵng đo được hơn 1 ngàn cây số vuông và dân số xấp xỉ gần một triệu người, là thành phố lớn nhất miền Trung với nhiều bãi tắm có cát trắng biển xanh, tuy không du dương như Nha Trang hoặc êm dịu như Đà Lạt nhưng Đà Nẵng là nơi nghỉ mát lý tưởng của những người thích các trò chơi thể thao nước.
Nếu người Huế có một giọng nói nặng mà lịch lãm thì người Đà Nẵng có một giọng nặng chình chịch (tiếng Nẫu) rất khó nghe, nhưng chân chất và rất thành thật, không chút khách sáo như dân ngoài Bắc. 

Thương chi cho uổng công tình
Nẫu dzìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ


Đà Nẵng phát âm từ tiếng Chàm "Daknan" có nghĩa cửa sông lớn. Vào thời Pháp thuộc trước đây, Đà Nẵng được gọi là Tourane. Bên Tàu có thành phố đông đúc dân cư sầm uất phồn thịnh Hồng Kông mà họ gọi là Hương Cảng (cảng thơm). Và họ gọi Đà Nẵng của Việt Nam là Hiện Cảng, chắc có lẽ năm xưa ba chiếc Tàu từ Trung Quốc vượt sóng biển sang Đại Việt thấy cái cảng thấp thoáng hiện lên sau hoàng hôn nên mới gọi là Hiện Cảng. Cũng may là họ không gọi Đà Nẵng bằng Nẵng Cảng.

Đất Quảng Nam rộng đà ra sức rộng
Đường ra kinh xa đã quá xa
Anh ra làm chi mỗi tháng mỗi ra?
Anh ra một bữa cực ta ba, bốn ngày


Địa danh Đà Nẵng xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách địa chí "Ô Châu cận lục" của Dương Văn An (1514-1591), Lại bộ thượng thư đời Mạc Tuyên Tông. Sách "Ô Châu cận lục" chép địa lý, phong tục, đền miếu, thổ sản, danh nhân của hai châu Ô và châu Lý của thế kỷ 16, tương đương với 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam ngày nay. Hai châu Ô và Lý này xưa vốn là đất của Chiêm Thành, được vua Chàm dâng cho Đại Việt vào mùa xuân tháng Giêng năm Đinh Mùi 1307 để đáp lễ cưới Huyền Trân công chúa 6 tháng trước đó.
Buồn trông ngọn nước chảy dưới sông Hàn
Thấy xôn xao ghe cộ, nhưng bóng chàng thấy đâu

Đà Nẵng xưa thuộc huyện Tư Vinh mà theo Dương Văn An chép trong 'Ô Châu cận lục" thì các làng xã trong huyện Tư Vinh có những phong tục tập quán như sau:
"Thế Lại vốn là đất làm quan. Lại Ân xứng nơi văn vẻ. An Lưu nhiều trai khỏe. Lại Thị lắm nhà giàu. Triều Đông Hoằng Phúc sinh sống bởi nghề nông; Độ Khẩu, Chiêm Ân kiếm lời bằng nuôn bán. Hoài Tài chế mực nho, Thanh Lam làm giấy gió. Diêm Trường, Phụng Chính xẻ ván đóng thuyền bè; Tân Lan, Hoài Tài luyện sắt làm khí cụ.
Tân Nộn rượu ngon, Phì Tha gái đẹp. Đàn bà Thế Lại trinh tiết, lập đàn thề chỉ một chồng; con trai Lại Thị bày trò, chồng cối lên cao chín chiếc. Hoặc tường hoa ngõ liễu thái độ lẳng lơ, hoặc nói tiếng châu Hóa (pha tiếng người Chàm) mặc áo Chiêm thói lề bỉ lậu; thậm chí kẻ thất phụ Chiêm Ân làm mất mặt thế gia, bọn du đãng Lại Ân thông dâm với thím dâu, thế là vinh hay nhục?"

No comments:

Post a Comment