Friday, November 14, 2014

Côn Sơn - Ngọc giữa biển


Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan nào sá sự cỏn con 

 
(Nguyên tác: "Đập đá Côn Lôn"
của Phan Chu Trinh)


Côn Sơn là tên của hai địa danh có tiếng trong sử sách: thứ nhất là đền Côn Sơn-Kiếp Bạc ở tỉnh Hải Dương gắn liền với Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Thứ nhì là tên của quần đảo Côn Sơn, hay còn gọi là Côn Lôn (nay đổi thành Côn Đảo), thuộc tỉnh Vũng Tàu, nơi có nhà tù Côn Lôn khét tiếng do người Pháp xây và cai quản cách đây hơn 150 năm.
Về mặt hành chính thì quần đảo Côn Lôn là một huyện trực thuộc tỉnh Vũng Tàu, nhưng nhìn trên bản đồ địa lý thì thấy Côn Lôn gần với Bạc Liêu hơn. Từ thị xã Bạc Liêu giương cặp mắt đại bàng nhìn thẳng ra khơi theo đường chim bay là thấy đảo rồi. Người Âu Châu gọi Côn Lôn là Poulo Condor, mà condor có nghĩa là chim diều hâu hoặc đại bàng.
Có lẽ họ thấy đảo này giống hình con đại bàng mà nơi đó có Anh hùng xạ điêu (Eagle shooting hero) Quách Tỉnh-Cà Mau hàng ngày bắn rớt chim đại bàng đem về làm thịt nướng vỉ cho nàng Hoàng Dung Bến-Tre xơi tái. Nếu khát nước thì khỏi phải lo vì nước dừa là thứ khoái khẩu của xứ Bến Tre cách đó không xa, Hoàng Dung sẽ đem dừa của quê mình đến đó trồng chung quanh đảo. Nàng sẽ không quên mang bàn nạo dừa để nạo những thớ dừa thật non, ngọt làm chè cho Quách Tỉnh-Cà Mau ăn.
Quần đảo Côn Lôn có diện tích hơn 70 km vuông, dân cư trên năm ngàn người, đa số làm nghề phục vụ ngành du lịch, một số ít làm nghề công, nông thương. Đảo có nhiều bãi tắm cát mịn, khu sinh thái nghỉ dưỡng còn đậm nét hoang sơ, những rừng cây hoang dã từ muôn thuở như chưa có người khai khẩn.
Quốc sử quán triều Nguyễn chép về tông tích của đảo Côn Lôn trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí như sau:
"Đảo Côn Lôn: Sách Gia Định thông chí chép: Đảo này nằm ở giữa biển đông. Từ cảng Cần Giờ chạy thuyền đi về hướng đông phía mặt trời mọc thì hai ngày mới đến. Từ cửa biển Cổ Chiên chạy thuyền thì một ngày đêm mới đến.
Từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838) về trước, thuộc tỉnh Gia Định quản hạt. Từ năm thứ 20 (1839) về sau, thuộc tỉnh Vĩnh Long quản hạt. Trên đảo có ruộng đất trồng tỉa lúa đậu. Thổ sản có trâu, ngựa; núi không có hổ báo. Có thôn An Hải trên đảo. Dân thôn ấy biên chế vào đội Thanh Hải, ở giữ đảo ấy, không đi đâu cả, lại phải giữ yến sào, ốc tai voi, đồi mồi, trạnh biển, và mây sa đằng để nộp. Trong đảo có nhiều cỏ tốt. Năm Canh Tuất (1790) buổi đầu Trung hưng, thường chăm nuôi ngựa quan ở đây.
Xét Minh Chí chép: Nước Tân Đồng Long tiếp giáp Chiêm Thành, có núi Côn Lôn sừng sững giữa biển lớn, đối lập giữa Chiêm Thành và Đông Trúc, Tây Trúc, hình núi vuông rộng mà cao. Biển nơi ấy gọi là biển Côn Lôn, muốn đi Tây Dương phải đợi cho thuận gió, đi bảy ngày đêm mới qua được. Vì thế người đi thuyền có câu ngạn ngữ rằng:

Thượng phạ Thất Châu
Hạ phạ Côn Lôn
Châm mê thuyền thất
Nhân thuyền mạc tồn

Tạm dịch:
Trên sợ Thất Châu
Dưới sợ Côn Lôn
Châm mờ thuyền lạc
Người, thuyền chẳng còn


Nhâm Ngọ, năm thứ 17 đời vua Hiển Tôn (chúa Nguyễn Phúc Chu) triều ta (1702), thuyền An Liệt của bọn cướp biển vào đậu ở đảo Côn Lôn, tù trưởng là bọn Tô Thích Gài Thi năm người chia làm năm ban. Đồng lõa chúng có hơn 200 người, kết lập trại sách. Của báu chất như núi, chứa giữ bánh trái hào soạn, bốn mặt đều đặt hỏa pháo phòng thủ.
Trấn thủ Biên Hoà là Trương Phúc Phan mộ 15 người nước Đồ Bà bí mật sai đến trá hàng, nhân ban đêm phóng lửa đốt cả trại sách của chúng, giết được ban nhất, ban nhì, bắt được ban năm, còn ban ba và ban tư thì trốn thoát ra biển. Trương Phúc Phan được tin báo, bèn sai binh thuyền ra đảo, thu hết vàng lụa đem dâng nộp."

Biển dâu dời đổi mấy thu đông
Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng
Bốn mặt dày vò oai sóng gió
Một mình che chở tội non sông
Cỏ hoa đất nảy cây trắm thức
Rồng cá trời riêng biển một vùng
Nước biếc non xanh thương chăng nhẽ
Gian nan xin hộ khách anh hùng

(Phan Chu Trinh)

No comments:

Post a Comment