"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
Tuesday, March 31, 2009
Ngày Này Năm Cũ (31-3)
Sunday, March 29, 2009
Tuyết Lê phụ trách
“Ngày Này Năm Cũ” chọn lọc và giới thiệu những tin tức cũng như bài viết lý thú và mang tính thời sự từng được đăng tải trên các nhật báo xuất bản tại Việt Nam Cộng Hòa trước ngày Miền Nam tự do rơi vào tay Cộng Sản, như Tiền Tuyến, Ðộc Lập, Hòa Bình, Chính Luận, Công Luận, Cấp Tiến, Ðuốc Nhà Nam, Xây Dựng, Dân Ý, Quật Khởi, Sàigòn Mới, Tiếng Chuông& Những bài báo này được chọn lọc từ những tài liệu trích trong bộ sưu tập của nhà báo Hồng Sơn Châu, ký giả báo Hoa Văn xuất bản tại Sài Gòn và Nam Vang (Phnom Penh) hồi trước năm 1975.
Tổng Hợp 31-3-73
Những giây phút chót của buổi lễ cuốn cờ, chấm dứt 11 năm tham chiến của Mỹ tại VN
13g30, 29-3 cờ Mỹ hạ, Bunker-Weyand rớm nước mắt
Doanh trại cuối cùng của quân đội Mỹ được 200 dân chúng dọn dẹp sạch trơn nội 10 phút
SAIGON, 29-3 (Tổng Hợp)- Vai trò tham chiến của quân lực Mỹ đã chính thức kết thúc lúc 1g30 chiều Thứ Năm 29-3-73 với lễ cuốn cờ tượng trưng cho việc giải tán Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại VN được thành lập cách đây 11 năm, và chuyến phi cơ quân vận chở ban nhân viên quân sự Mỹ cuối cùng cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhất trên 1 tiếng sau khi 27 tù binh Mỹ cuối cùng rời sân bay Gia Lâm về căn cứ Clark.
Lễ tiễn biệt của Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH lúc 3 giờ chiều 29-3 tại sân bay danh dự Tân Sơn Nhất, Ðại Tướng Viên đọc thông điệp của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bày tỏ sự tán thưởng nồng nhiệt và tri ân chân thành của VNCH đối với sự tham dự anh dũng và hi sinh cao cả của chiến hữu Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống quân CS xâm lược, tạo cho VNCH cơ hội phát triển củng cố một lực lượng phòng vệ hùng hậu và xây dựng hạ tầng cơ sở vững chắc cho công cuộc phát triển kinh tế. Thông điệp nhấn mạnh TT Thiệu vui mừng vì tù binh Mỹ được đoàn tụ với gia đình nhưng thương tiếc những chiến hữu đã bỏ mình ngoài mặt trận để bảo vệ miền Nam VN tự do, và tin rằng những chiến sĩ VNCH và Mỹ trận vong và cùng nhau chịu gian khổ trong bao năm qua đã thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.
Trong phần đáp từ, ÐT Weyand ca ngợi tinh thần chiến đấu quả cảm của quân đội VNCH đã bao lần đánh bại quân CSBC xâm lăng mặc dầu phải chấp nhận hi sinh quá lớn lao và hi vọng ngưng bắn rồi ra sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho nhân dân VNCH.
ÐT Weyand và một số tướng lãnh tham mưu của ông được nữ phụ tá VNCH choàng vòng hoa danh dự trước khi lên phi cơ cùng bà Weyand tay ôm 1 bó hoa. ÐT Viên và ÐS Bunker tiễn chân Tướng Weyand đến chân thang.
Trước đấy lễ cuốn cờ tượng trưng việc giải tán BTL Mỹ tại VN cử hành lúc 1g10 tại sân BTL Mỹ và trước sự chứng kiến của viên chức cao cấp Việt-Mỹ, ÐT Weyand duyệt đoàn quân danh dự 42 người đại diện các binh chủng Mỹ, đọc diễn văn khen ngợi tinh thần phục vụ và chiến đấu của quân đội Mỹ tham chiến ở VN trong 11 năm qua, đọc thông điệp của Bộ Trưởng Quốc Phòng Elliott Richardson và của Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên hợp Quân Lực Mỹ Ðô Ðốc Thomas Moorer gửi quân nhân Mỹ cuối cùng tại VN, nhật lệnh cuối cùng số 1290 chính thức giải tán BTL Mỹ tại VN, kết thúc buổi lễ bằng lệnh “Tan hàng”. Vào lúc quốc kỳ Mỹ được hạ xuống và gấp lại lúc 1 giờ 30 người ta thấy ÐS Bunker và ÐT Weyand rớm nước mắt.
Trong khi lễ cuốn cờ khai diễn, một cảnh náo nhiệt khác xảy ra tại Camp Alpha, doanh trại cuối cùng của quân Mỹ tại TSN. Trại đã được quân cảnh Mỹ giao lại cho toán phòng vệ dân sự do sứ quán Mỹ thuê bao canh gác. Trong khi toán lính Mỹ cuối cùng rời trại, nữ công nhân được phép muốn lấy gì thì lấy. Một cô đứng cạnh một đống đồ nặng ngót 1 tạ gồm đèn, quạt máy, sách, 1 lọ bơ đã vơi non nửa, 1 cặp loa, 1 chiếc thuyền buồm tầu ô, tay quệt mồ hôi trán làu nhàu với ký giả AP “2 thằng còn nợ tôi 2 chục đôn tiền làm nệm, đánh giầy, giặt giũ. Theo ông, chúng nó có sang nữa không?” TS Charles Dennis hấp tấp lộn lại trại và kêu trời: “Anh coi, mấy nàng làm ăn kỹ quá. Va li quần áo dân sự và vật tùy thân vừa để đây, quay lại đã bay rồi”. Non 15 phút sau, khoảng 200 thường dân thuộc căn cứ TSN nhào vào và hoàn tất chiến thắng trong vòng 10 phút. Bàn ghế đủ phục vụ 1 ngàn người, quạt trần, quạt đứng, máy tự động bán sữa, kẹo, tủ lạnh, đồ hộp trong nháy mắt đã ra đi vĩnh viễn. Một ông quân cảnh chuyển bàn ghế qua hàng rào giúp một bà mang quá nặng biểu lộ tình quân dân thắm thiết. Khi một toán 10 binh sĩ Mỹ được quân cảnh đưa trở lại “mời” đám thường dân ra ngoài, câu lạc bộ là một bức tranh hoang tàn thê thảm. Trại Alpha sẽ được giao cho BQTGSKS làm giải trí trường vì nơi đây có cả hồ bơi và nhiều phương tiện ngô lạc.
Ðoàn lính Mỹ cuối cùng rời Saigon lúc 5 giờ 53 phút trước sự chứng kiến của một toán đại diện CSBV. Phát ngôn nhân CSBV Ðại tá Bùi Tín với giọng nghiêm trang lăng xăng hỏi thăm “ai là người cuối cùng lên máy bay?” Sau khi ÐT Tín giải thích úp mở “chuyện này quan trọng lắm” 1 sĩ quan tham mưu Mỹ chỉ Thượng sĩ Max Beilke được ghi tên ở đáy danh sách hành khách chuyến C-141 cuối cùng. ÐT Tín tiến lại trịnh trọng tặng Beilke một bức thảm trải bàn bằng tre đan hình Chùa Một Cột ở Hà Nội miệng chúc “Hòa bình” Beilke tỏ vẻ ngạc nhiên, cảm ơn ÐT Tín, hấp tấp từ biệt cô bạn gái Việt rồi leo lên máy bay. Tuy nhiên, vào lúc Beilke khuất bóng sau khung cửa, Ðại tá Không Quân David Oldell vọt lên thang sau một chầu sâm banh từ biệt một sĩ quan VNCH cạnh máy bay và trở thành quân nhân Mỹ cuối cùng trong số 2501 binh sĩ Mỹ chót rời NVN.
Vào lúc BTL Mỹ tại VN cáo chung. Phái bộ yểm trợ Hoa Kỳ (USSAG) chính thức bắt đầu hoạt động tại căn cứ Nakorn Phanom ở Thái Lan được coi là tiện nghi nhất và sát nách nhất lãnh thổ BV trước đây, Nakorn Phanom là nơi xuất phát của lực lượng trực thăng giải thoát phi công Mỹ rớt ở Ðông Dương và của lực lượng đặc biệt chuyên thả máy điện tử dò hơi người và âm thanh xuống vùng phụ cận hệ thống đường mòn Hồ chí Minh được điều khiển bằng máy điện kế đặt tại căn cứ PBYTHK do Tướng Vogt, Tư lệnh Không Lực 7, kiêm nhiệm và gồm 45 ngàn binh sĩ Không Quân đóng ở 7 căn cứ Thái chưa kể 3 ngàn nhân viên thuộc Trung Tâm Truy Lùng Tông Tích Quân Nhân Mỹ Mất Tích ở ÐD. Tính chung, Mỹ còn 600 chiến đấu cơ ở Thái Lan và Guam, 20 ngàn binh sĩ trên các chiến hạm thuộc hạm đội 7 ngoài khơi BV.
Trong khi ấy 67 tù binh Mỹ cuối cùng được trả tại Gia Lâm. Chuyến C-141 đầu rời sân bay lúc 3 giờ 18 phút với 40 tù binh. Tù binh chót là Thiếu Tá Hải Quân Alfred Agnew được thả lúc 4 giờ 20 phút. Agnew và viên sĩ quan Mỹ tháp tùng “ré” một tiếng theo kiểu dân Da Ðỏ tỏ vẻ mừng rỡ tột độ, rẽ đám đông ký giả bao quanh bước vội đến chân thang chiếc C-141 cuối cùng chở 27 tù binh cuối cùng cất cánh lúc 4g45 chiều 29-3.
Tuy nhiên Agnew vẫn chưa phải là tù binh Mỹ chót. Giới chức Mỹ cho biết Ðại úy Lục Quân Robert White, trước đây được liệt vào danh sách quân nhân mất tích sẽ được VC thả tại Vĩnh Bình (NVN) trong ngày Chủ Nhật hoặc Thứ Hai 2-4 tuần tới.
Tổng Hợp 31-3-70
Tòa Ðô Chính kêu gọi thương phế binh tôn trọng luật pháp, đừng để bị lợi dụng
SAIGON.- Tòa Ðô Chính trân trọng thông báo:
Ngày 26-3-1970, Ty Cảnh Sát Quốc Gia Quận 3 có bắt giải tòa những người có tên sau đây: Bà Phạm Thị Hên, 45 tuổi. Bà Ðinh Thị Luyến 42 tuổi. Bà Trần Thị Ngoản 28 tuổi.
Các đương sự này đã chiếm lề đường Tú Xương, đóng cọc dựng cây cất nhà bất hợp pháp, lợi dụng phong trào các Thương phế binh chiếm lề đường đang xảy ra chung quanh Bộ Xây Dựng Nông Thôn và Viện Quốc Gia Phục Hồi. Hiện tại cơ quan Tư Pháp đang thụ lý nội vụ và sẽ có những trừng phạt xứng đáng đối với những người phạm pháp coi thường kỷ luật QG này.
Tòa Ðô Chính được biết trong lúc chính phủ đang tìm những biện pháp giúp đỡ các thương phế binh một số người đã lợi dụng các anh em này để mưu cầu những lợi lộc riêng tư và phá rối an ninh trật tự công cộng. Tòa Ðô Chính sẽ cương quyết giải tỏa các kiến trúc và truy tố những phần tử vô trách nhiệm có hành động phá hoại này hầu duy trì trật tự và luật pháp.
Tòa Ðô Chính kêu gọi sự hiểu biết của dân chúng nên tiếp tay với chính quyền trong việc thi hành luật lệ và ổn định tình trạng sinh hoạt của Thủ đô.
Tòa Ðô Chính cũng kêu gọi anh em thương phế binh với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc gia và đừng để cho những kẻ phá hoại lợi dụng anh em, những người đã hy sinh rất nhiều cho Tổ quốc.
Vấn đề trở nên rắc rối
SAIGON 30-3.- Vụ Thương phế binh chiếm lề đường cất chòi nay đã trở thành vấn đề quan trọng và rắc rối. 9g sáng 29-3, một đại hội thương phế binh đã được triệu tập tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử quy tụ 300 đại diện TPB đã thi nhau tố cáo chính phủ đã đối xử với họ không đúng mức như TPB phải ăn gạo chợ đen, chưa bao giờ được mua gạo giá chính thức, họ còn than phiền bị “sống vô gia cư, chết không địa táng” và đòi chính quyền phải cho mua gạo giá chính thức. Ðại hội cho rằng sự xâm chiếm lề đường cất nhà mấy hôm gần đây là do TPB quá thiếu thốn và quá bị bạc đãi.
Ô. Chủ tịch Thượng Viện Nguyễn Văn Huyền có đến dự đại hội đã nói trước đại hội rằng ông sẽ lấy tư cách một đại diện dân cử để làm một điều gì tốt đẹp cho thương phế binh.
Trong lúc đó thì ở những TPB đã chiếm đất cất nhà mọc lên các khẩu hiệu: “Chúng tôi chiến đấu cho T.T Thiệu, ai đàn áp thương phế binh là đâm sau lưng T.T.” Theo một tờ báo ở Thủ đô có TPB đã nói rằng hiện còn rất nhiều thương phế binh chưa có nhà, họ có thể lập một Ủy Ban Tranh Ðấu và họ có thể kéo tới chiếm các khu đất khác như đất của Benoit Châu, Chú Hỏa, ông Phụ tá Nguyễn Cao Thăng và có thể cả nhà... của ông Tổng Trưởng Cựu Chiến Binh nữa.
Sáng nay ở Nghĩa địa Pháp một số thương phế binh vẫn tiếp tục cất thêm chòi.
Tổng Hợp 31-3-67
1 Trung tá Việt Cộng về hồi chánh tại Quảng Ngãi
QUẢNG NGÃI (VTX) 29-3.- Một tin điện vừa mới nhận được từ Quảng Ngãi cho biết một Trung tá Việt Cộng đã về hồi chánh tại đồn Sơn Trung thuộc quận Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) ngày 24-3-67.
Ðó là Trung Tá Hoàng Cư, trưởng phòng quân huấn thuộc Liên khu 5 Việt cộng.
Hiện Trung tá Việt cộng này đang tiếp xúc với Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 Bộ Binh tại Quảng Ngãi.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment