Wednesday, October 1, 2014

VIENNA


Hôm qua, tôi vẫn còn hít hà khi ăn bánh mì chấm tương ớt Hung Gia Lợi cay xé lưỡi ở Budapest thì hôm nay đã có mặt ở Vienna, thủ đô của nước Áo thật nên thơ, hữu tình. Nằm lưng chừng giữa Châu Âu cổ kính, Vienna luôn được xem là vùng đất hiền hòa của các tao nhân, mặc khách, của những giấc mơ thần tiên qua vẻ đẹp cổ kính, nên thơ như truyện tranh thần thoại. Ở đây có nhiều lâu đài vương giả xưa, có dòng sông huyền thoại Danube xanh lơ hững hờ bao bọc quanh thành cổ, có những đồi núi hữu tình... lịch sử dường như đã ngừng lại mãi mãi nơi này cùng thế kỷ XVIII và XIX. Trong cái khung cảnh đẹp như những họa phẩm sơn dầu ấy còn có tiếng nhạc thánh thót óng ả vang lên ở mỗi góc phố nghe như những vũ khúc từ tiên cảnh vọng xuống...Tôi tự nhủ: thôi đừng vội vã nữa, hãy đi chậm lại một chút, dừng lại đây ít hôm, tắm gội những nhọc nhằn, để cho những nốt nhạc xanh xoa dịu và mơn trớn những tủi hờn trong đời...và trong cái êm ả của Vienna ấy, tôi đã tìm được sự bình an tuyệt đối...


Vùng đất của những thiên tài âm nhạc
Bắt đầu có lẽ là nhờ ở thiên hòa, địa lợi với thời tiết và khí hậu mát mẻ, rồi cái hanh hanh, không quá nóng, không quá lạnh, kế đến là non nước hữu tình với giòng sông Danube xanh trong hững hờ bao quanh thành phố, xa xa là những ngọn núi cao thơ mộng...cho nên con người sống nơi này ai cũng là những nghệ sĩ, họ rất yêu thiên nhiên và trân trọng nghệ thuật.  Cổ nhân của thành Vienna đã xây dựng nên một kinh thành thật thơ mộng với những đường nét kiến trúc đẹp như những bài thơ.  Rất nhiều các thiên tài của âm nhạc của nhân loại đã xuất thân từ đây, hoặc đã chọn Vienna để sống và sáng tác như  Franz Schubert, Johann Strauss I, Johann Strauss II, Arnold Schönberg, Fritz Kreisler, Alban Berg,Anton Webern, Louie Austen, Falco, Joe Zawinul, Johann Joseph Fux, Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Antonio Salieri, Carl Czerny, Johann Nepomuk Hummel, Franz Liszt, Franz von Suppé, Anton Bruckner, Johannes Brahms, Gustav Mahler and Rainhard Fendrich... Tại đây có rất nhiều các rạp hát dành để biểu diễn nhạc cổ điển, nhạc kịch, múa ballet, múa cabaret, chiếu phim ảnh....  Các hý viện có thể kể như Burgtheater, Akedemietheater, Volkstheater Wien, Theater in der Josefstadt … là những rạp hát được xem là cổ kính, sang trọng, có tầm cỡ nổi tiếng trên thế giới mà những nghệ sĩ trình diễn khắp năm châu luôn mong có cơ hội được đến đây một lần biểu diễn, xem như một hình thức được công nhận tài năng.....Nói một cách không cường điệu, người dân ở đây ai cũng đều có thể xử dụng được ít nhất một loại nhạc cụ cũng như có khả năng đọc được nốt nhạc.  Không hiểu có phải vì âm nhạc đã ngấm vào trong từng con người của họ hay không mà ai trông cũng rất hiền lành, luôn có nụ cười nở trên môi.  Khi nhìn kỹ vào từng nét mặt của họ, tôi không hề thấy sự lo lắng, căng thẳng mà chúng ta, có thể đôi khi thấy hiện hữu ở những người đang sinh sống tại các đô thị lớn khác trên thế giới.
Cầm tờ danh mục giải trí, tôi đếm được 108 rạp hát tại Vienna luôn sáng đèn về đêm.  Ban ngày tại khu trung tâm phố cổ, luôn có những thanh niên, thiếu nữ trẻ đẹp trong y phục lễ hội của triều đình xưa đứng giới thiệu các tiết mục trình diễn, các buổi dạ tiệc, dạ hội dành cho du khách tại nhiều hý viện khác nhau.  Những tác phẩm của các thiên tài âm nhạc tại Vienna luôn được người đời nay giới thiệu hàng đêm, có thể kể là Mozart, Beethoven, Schubert, Strauss I, Strauss II... Nhạc phẩm Blue Danube của Johann Strauss II được viết năm 1866 luôn vang lên ở khắp hang cùng ngõ hẻm tại Vienna, từ những hý viện sang trọng cho đến các quán nhạc nhỏ trong hẻm sâu, từ những dàn nhạc giao hưởng cả trăm người cho đến chỉ một nghệ sĩ kéo violin trên hè phố.  Cứ mỗi lần điệu nhạc này trỗi lên là khán giả và du khách lại vỗ tay không ngớt.  Dường như bản nhạc đã trở thành một loại “nhạc hiệu” đi kèm với địa danh Vienna.  Du khách đến đây luôn ai cũng muốn được nghe Blue Danube vang lên ngay tại Vienna, do chính những nghệ sĩ địa phương trình diễn. Khi điệu nhạc này đến Việt Nam hơn 50 năm trước, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết thêm lời để khúc nhạc trở thành bài hát Giòng Sông Xanh qua các tiếng hát như Hà Thanh, Thái Thanh ...từng gây bao nhiêu thổn thức và gần gũi hơn cho nhiều thế hệ và hàng chục triệu khán thính giả Việt Nam.


Thành phố lưu giữ quá khứ và nghệ thuật
Tại Vienna có 104 viện bảo tàng lớn nhỏ và rất nhiều những viện bảo tàng được xem là có tầm vóc quy mô trên thế giới.  Trong số này có những viện bảo tàng do chính phủ quản lý, có nơi do các tổ chức văn hóa điều hành và rất nhiều những viện bảo tàng tư nhân lớn nhỏ.  Du khách đến đây không thể bỏ khu vực các bảo tàng nằm ngay bên trong kinh thành cổ, gọi là Imperial Treasury (tiếng Đức là Schatzkammer).  Quý vị có thể chiêm ngưỡng toàn bộ các bộ sưu tập bằng vàng ròng, bạch kim, bạc, cũng như các đồ dùng quý giá khác bằng gốm sứ, tơ lụa của hoàng gia Áo qua các triều đại, đặc biệt là của vị nữ hoàng Sisi.  Một viện bảo tàng khác của quốc gia láng giềng (Liechtenstein Museum), nhưng có mặt tại Vienna, mà tôi nghĩ cũng nên nhắc đến là viện bảo tàng của hoàng gia Liechtenstein.  Liechtenstein là một trong năm vương quốc nhỏ bé nhất thế giới nhưng viện bảo tàng và bộ sưu tập hoàng gia của họ được xem là có quy mô vĩ đại trên thế giới.  Hiện nay, Liechtenstein Museum chỉ mở cửa tiếp những đoàn khách lấy hẹn trước mà thôi.  Nếu là những người yêu nghệ thuật, say mê viện bảo tàng, quý vị có thể ở đây hàng tháng trời mới có thể xem hết 104 viện bảo tàng hiện hữu tại hầu như ở mỗi góc phố của Vienna với nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, thiên nhiên, địa chất, nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật đương đại, khoa học kỹ thuật, chiến tranh, quân đội, hàng hải, điện ảnh, ....
Nếu quý vị không có nhiều thời gian, tôi nghĩ Imperial Treasury (tạm dịch là Bộ Sưu Tập của Hoàng Gia) ở ngay bên trong lâu đài chính của hoàng cung là quan trọng nhất mà chúng ta không thể bỏ qua, cũng như không thể thiếu trong chuyến tham quan của quý vị tại Vienna.


Vài nét sơ lược về lịch sử
Theo các tài liệu và các cổ vật khai quật bởi các nhà khảo cổ, nơi đây đã từng có làng mạc, cộng đồng con người sinh sống từ trên 2500 năm trước.  Nhiều nền văn hóa cổ khác nhau đã đến đây như Ái Nhĩ Lan, Đức, Roman.  Vào thế đầu thế kỷ XV, Vienna đã được chọn làm kinh đô của triều đại Habsburg, rồi Holy Roman.  Quân Hung Gia Lợi cũng đã chiếm Vienna vào cuối thế kỷ một thời gian ngắn khoảng 5 năm.  Trong thế kỷ XVI và XVII, quân Ottoman (hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ) đã chiếm cổ thành này, tàn sát rất nhiều dân lành vô tội, văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ cũng để lại nhiều ảnh hưởng lên văn hóa Vienna hiện nay.
Trong thế kỷ XIX, để chống lại sức mạnh như vũ bão và hùng mạnh của hoàng đế Pháp - Napoleon, quân đội của hai đế chế Áo và Hung Gia Lợi đã hợp tác cùng nhau nhằm biểu dương sức mạnh và cùng bảo vệ biên giới.  Nhờ sự hợp tác này mà hai vương quốc đã không bị Napoleon xâm chiếm.  Cũng trong thời gian này, văn hóa và nghệ thuật tại Vienna đã phát triển vượt bực trong thế kỷ XIX.  Các công trình kiến trúc, lâu đài, thành quách đã được xây dựng thêm, trường nghệ thuật đầu tiên đào tạo các nghệ sĩ một cách bài bản đã được thành lập.  Bước sang đầu thế kỷ XX, sau Thế Chiến thứ I, nền quân chủ phong kiến chấm dứt, nước Cộng Hòa Áo Đầu Tiên (First Republic Austria) được hình thành vào năm 1919.
Xuyên suốt trong Thế Chiến Thứ II, nước Áo luôn bị nhiều thế lực khác tranh giành ảnh hưởng.  Vì Adolf Hitler là người Áo, cho nên hắn ta luôn muốn sát xập Áo vào Đức khi lực lượng Phát Xít đang hùng mạnh. Quân đội của Nga Xô, Pháp, Anh và quân Đồng Minh cũng đều muốn có ảnh hưởng tại Áo và đã đưa quân vào đóng tại Vienna trong 10 năm.  Khoảng thời gian này, cặp đôi chính trị Áo và Đức luôn đi cùng nhau trên các cuộc đàm phán quốc tế.  Khi hòa Đàm Berlin xảy ra, nước Áo may mắn đã không bị chia cắt như nước Đức.  Cũng vì nước Áo ở ngay vùng Trung Âu có địa thế quá lợi hại về giao thông và quân sự, nên trên các bàn đàm phán, cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ đều không ai muốn nước Áo lọt về phe phái của đối phương.  Cuối cùng các bên đã ra quyết định: nước Áo sẽ ở vị trí gần như trung lập, về quân sự sẽ không tham gia vào khối NATO, cũng như không ngã về phe Cộng Sản do Liên Xô đứng đầu.  Đây cũng là điều may mắn cho nước Áo vì đã tránh được những cuộc chiến tranh đẫm máu, và quan trọng hơn cả là nước Áo và Vienna, một di sản văn hóa của nhân loại đã may mắn không lọt vào tay người Cộng Sản.  Các giá trị văn hóa và tri thức văn hóa ở đây đã không bị chung số phận tan hoang và cào bằng như chúng ta đã thấy ở Đông Bá Linh, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary….Cũng vì ở vị trí có thể xem như trung lập, nước Áo đã được chọn để tổ chức rất những hội nghị mang tính cách quốc tế cho cả hai phe tham dự trong suốt những năm của cuộc chiến tranh lạnh.

Chất lượng đời sống tại Vienna và nước Áo
Tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức tại Áo, đồng Euro là đơn vị trao đổi.  Dân số tại Vienna có khoảng 2 triệu 400 người, nếu tính luôn khu vực ngoại ô (toàn nước Áo là 8 triệu 500 ngàn người).  Vienna được mệnh danh là thành phố của âm nhạc và văn hóa rất đặc biệt trên thế giới.  Theo bảng xếp hạng của Ngân Hàng Thế Giới năm 2013, thu nhập người dân Áo trung bình là $49.074 ngàn Mỹ kim hàng năm (cũng trong bảng xếp hạng này, Canada là 51,911 và Mỹ là $53,143).  Tại Áo, giáo dục trung học, cao đẳng và đại học hầu như miễn phí hoàn toàn, trừ các ngành liên quan đến sức khỏe thì sinh viên phải đóng một phần học phí.  Y tế hoàn toàn miễn phí dành cho người dân tương tự như nền y tế ở Canada.  Cũng như Thụy Sỹ, nước Áo có nhiều núi cao nhiều tuyết, và hệ thống dẫn nước khoáng tinh khiết thẳng từ núi cao đưa về thành phố cho dân chúng xử dụng mà không cần qua lắng lọc hoặc sát trùng.  Tôi đã uống thử và thấy rất ngon và ngọt như nước khoáng đóng chai vậy.
Vienna đã nhiều lần được bầu chọn và nằm trong bảng xếp hạng cao với nhiều danh mục khác nhau, có thể kể như Thành Phố Đáng Sống Nhất Thế Giới (2005 – của tổ chức Economist Intelligent Unit), Thành Phố Có Đời Sống Thoải Mái Nhất (bốn năm liền, từ 2009-2012 – của tổ chức Mercer), Thành Phố Của Sáng Tạo (hai năm liền 2007-2008 – Innovation Cities Index), Vienna cũng đứng đầu là thành phố có những hội nghị được tổ chức nhiều nhất thế giới trong 5 năm liền, từ 2005-2010.


Cung Điện Mùa Hè
Cũng như các hoàng gia khác tại Châu Âu, hoàng gia tại Áo cũng có cung điện chánh là nơi tổ chức những nghi lễ và phô trương quyền lực.  Cung điện này khi nào cũng uy nghi và lộng lẫy như là một biểu tượng của sức mạnh.  Thông thường nhà vua và hoàng gia thường có mặt tại đây vào mùa đông nên cung điện này đôi khi còn được gọi bằng tên không chính thức là “cung điện mùa đông”.  Ngoài ra, vào mùa hè, nhà vua, hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử thường đi nghỉ mát ở xa tại “cung điện mùa hè”.  Với hoàng gia Áo, cung điện mùa hè có tên chính thức là Schonbrunn Palace.  Từ khu trung tâm phố cổ đi đến cung điện này cũng khá xa. Du khách có thể ghi danh với các công ty du lịch, họ có thể đón khách từ các khách sạn gần khu vực trung tâm, hoặc nếu tự đi thì hệ thống xe điện ngầm sẽ tiện lợi và nhanh nhất, không nên dùng taxi.
Bên trong “cung điện mùa hè” vẫn còn nguyên vẹn tất cả đồ đạc, trang trí của hoàng gia thuở xưa, không hề bị hư hại.  Tôi cũng khá thú vị khi nghe thuyết minh về hoàng hậu Maria Theresa (1717-1780) rằng bà có đến 16 người con, trong đó con gái là đa số và tất cả các công chúa này đã được gả cho nhiều hoàng tử hoặc các ông hoàng khác tại Châu Âu.  Các học sinh khi học về môn sử cũng thường đùa, rằng bà là “nhạc gia”, hoặc là “bà ngoại” của cả thế giới.  Nhiều người đã tin rằng, nhờ vào đó, các mối giao hảo nước Áo và các vương quốc khác luôn luôn tốt đẹp.  Trong một thời gian dài, Áo không hề bị quốc gia nào xâm lấn hay gây hấn gì cả.  Khi nghe kể về những câu chuyện này, tôi chợt nghĩ về tình trạng hôn nhân sắp đặt giữa các vương triều cũng từng rất phổ biến tại Châu Á, mang nặng tính chính trị, ví dụ như Huyền Trân Công Chúa của Việt Nam kết hôn với vua Chế Mân ở Chiêm Thành, hoặc công chúa Văn Thành của Trung Hoa đời nhà Đường đã kết hôn với vua Thổ Phồn xứ Tây Tạng ....


Từ giã Vienna
Tôi lưu lại Vienna được 3 hôm và cảm thấy thật khỏe khoắn bởi môi trường, khí hậu và xã hội.  Người Áo và nước Áo cái gì đối với tôi cũng chừng mực, họ không quá vồn vã, không lạnh lùng, không thô lỗ.  Vật giá ở đây so với Pháp hay Thụy Sỹ thì có phần rẻ hơn nhiều.  Nếu quý vị có ý định muốn tìm hiểu Vienna, có thể bay trực tiếp từ Bắc Mỹ đến, hoặc đi xe lửa từ Châu Âu vào.  Khách sạn ở đây cũng không quá đắt, cách nhau một ngã tư có thể có giá chênh lệch khá lớn.  Nếu có dịp quay lại, tôi sẽ chọn một khách sạn ngay bên ngoài cổ thành hơn là bên trong, bởi vì vẫn có thể thả bộ từ đầu này qua đầu kia, cách nhau không xa nhau lắm.
Với cuộc sống căng thẳng và mệt mỏi ở Bắc Mỹ, thiết nghĩ Vienna sẽ là một thành phố mà chúng ta có thể đến để thư giãn và tịnh dưỡng tinh thần. Dường như những yếu tố như âm nhạc vô cùng lãng mạn, giòng sông Danube quá trữ tình, không khí thật trong lành, nước uống đầy khoáng chất từ núi cao chảy xuống, kiến trúc và thiên nhiên hài hòa, con người thân thiện, vật giá phải chăng, an sinh xã hội cao... đã giúp cho thần kinh con người luôn ở trạng thái cân bằng, ít bị căng thẳng.  Và như tôi đã nói, bất cứ ai sống ở Vienna cũng đều có thể trở thành một nghệ sĩ...
Tôn Thất Hùng

No comments:

Post a Comment