Wednesday, November 5, 2014

Thành phố buồn Đà Lạt


Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều
Anh thấy đẹp hơn

Một sáng nào nhớ không em?
Ngày Chúa Nhật ngày của riêng mình
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau


Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác bài hát "Thành phố buồn" vào năm 1970 trong dịp cùng đoàn văn nghệ quân đội Hoa Tình Thương ra Đà Lạt trình diễn. Bài hát lập tức trở thành kỷ lục phát hành, với hàng triệu bản in được bán ra khiến nhạc sĩ trở thành triệu phú, một hiện tượng ít thấy đối với nhạc sĩ sáng tác nhạc thời đó. Trước đó 5 năm, bộ ba nhạc sĩ Lê Minh Bằng gồm Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng cũng rất khấm khá khi bài hát "Chuyện tình Lan và Điệp" do họ sáng tác ký dưới bút hiệu Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh được phát hành và bán chạy như tôm tươi, đến nay vẫn còn được nhiều thế hệ ca sĩ hát.

Đà Lạt của Lam Phương ngày thường không buồn chút nào, vì là đô thị du lịch thu hút rất nhiều khách viếng thăm mà đa số là du khách Việt Nam muốn tới thăm cảnh quan của một thành phố có kiến trúc Tây phương do người Pháp đặt nền móng khi họ khám phá ra thành phố cao nguyên này năm 1893.

Khi đoàn người Pháp ồ ạt vào Việt Nam gần cuối thế kỷ 19, Toàn quyền Đông Dương ông Paul Doumer qua lời đề nghị của bác sĩ vi khuẩn học Alexandre Yersin chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ mát cho người Pháp. Từ đây bắt đầu khởi công xây cất các biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trường học, nhà thờ... để biến Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ rậm rạp thành đô thị nghỉ mát xinh đẹp mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc Tân cổ điển Pháp.

Vì là thành phố nằm tuốt trên cao nguyên nên khí hậu của Đà Lạt thuộc loại ôn đới mát và hơi lạnh, khác xa với khí hậu chung của Việt Nam thuộc nhiệt đới nóng và ẩm quanh năm. Đà Lạt có nhiều tên gọi riêng như Thành phố mù sương, Thành phố mộng mơ, Xứ hoa đào, Tiểu Paris...Nhưng truy nguyên tên thật Đà Lạt là thổ ngữ của người dân tộc Cơ-Ho: Đà có nghĩa là hồ nước, Lạt là người Lat một chi họ của dân tộc Cơ-Ho, Đà Lạt là hồ nước của người Lat. Chứ làm gì mang ý nghĩa Thành phố tình yêu, Thành phố ngàn thông, Thành phố sương khuya....toàn là những mỹ danh do người đương thời đặt ra cả.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Lạt có hơn 2,500 nhà nghỉ mát theo lối kiến trúc Tân cổ điển Pháp của cả gần một thế kỷ trước, nhưng kề cận là những kiến trúc tân thời bát nháo lòe loẹt không thể hình dung nổi và chẳng biết nên liệt nó vào loại kiến trúc gì. Đắc Xuyên Gia Khang ra Đà Lạt viếng thăm lần đầu tiên và duy nhất vào tháng 10 năm 2009. Đi một vòng Đà Lạt thì thấy khí hậu ở đây thuộc loại dễ chịu hơn tuy không bằng phố biển Nha Trang, nhưng được cái thành phố khá sạch đẹp với rất nhiều biệt thự Tây Âu xen kẽ, ở đây lại là vùng đất lạnh nên hoa quả và rau xà lách được trồng và bày bán la liệt khắp nơi.

Nói về kiến trúc sau này do Việt Nam xây thì phải gọi là "thập cẩm", những căn nhà mới hoặc văn phòng công sở được dựng lên nhìn sao nó màu mè xanh đỏ tím vàng thật là lộn xộn nhức mắt, cái thì thấp cái thì cao, đã vậy còn chen vào hàng cờ ngũ sắc phất phơ trong gió như muốn trêu ngươi. Khách Việt Nam không hiểu có ý kiến gì không chứ Đắc Xuyên Gia Khang tin rằng khách Tây phương, nhất là Pháp mà tham quan lại Đà Lạt thì sẽ gọi bằng Thành phố lạ (ville d'étrange/odd looking city) thay vì Thành phố tình yêu (ville d'amour).

Ban đêm thì chắc Đà Lạt không bị chói mắt như ban ngày, bởi vì tối chỉ có ánh trăng và sao thôi. Trong mắt Hàn Mặc Tử chắc trăng ở Đà Lạt đẹp và huyền diệu lắm, nếu không ông đã không phọt ra bài thơ sau:

Đà Lạt Trăng mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá im như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng


Đắc Xuyên Gia Khang

No comments:

Post a Comment