Friday, September 5, 2014

TỂ TƯỚNG / Dưới một người mà trên vạn người

Thời quân chủ, Tể tướng đứng đầu trong các quan chức. Tể tướng có nhiều tên gọi khác như: Thừa tướng, Tướng quốc, Bình chương sự, Tư đồ, Thượng thư lệnh, Nội các đại học sĩ, Tham tụng (thời chúa Trịnh, vua Lê)… Tể tướng thay mặt vua điều hành công việc xã tắc. Tương đương với nhiều thể chế chính trị ngày nay: thủ tướng điều hành việc quốc gia hành chính thay mặt cho người đứng đầu là quốc trưởng, tổng thống, quốc vương, nữ hoàng...mà đa số mang chức vị theo tính cách lễ nghi.
Tể tướng có từ đời vua Lê Đại Hành ở cuối thế kỷ thứ 10 và chấm dứt đầu đời nhà Nguyễn khi Minh Mạng ra dụ sắc "Tứ bất lập" (không sách lập/phong 4 chức) gồm Hoàng hậu, Thái tử, Tể tướng và Trạng nguyên để tránh chuyên quyền đổ máu. Tuy thay mặt vua điều hành việc quốc gia đại sự nhưng nhiều ông Tể tướng có thế lực và uy quyền to tát lấn át cả vua.Tể tướng nổi tiếng nhất Việt Nam là Trần Thủ Độ, người đã có công lớn nhất trong việc khai sáng nhà Trần. Tể tướng có tiếng nhất của Tàu là Tào Tháo.
Nhà bác học lớn thứ nhì của Việt Nam, sau Lê Qúi Đôn là Phan Huy Chú (1782-1840) trong bộ bách khoa "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" đã viết về chức vụ Tể tướng như sau.
"Chức Tể tướng, đời Đinh về trước tên gọi là gì không thể khảo rõ được. Lê Đại Hành (năm 995) đặt quan, mới có chức tổng quản coi việc quân dân, cho Từ Mục làm chức ấy, tóm giữ việc nước, tức là việc của Tể tướng. Lý Thái Tổ mới dựng nước, cho Trần Cao làm Tướng công, tên chức rất quê (mùa). Thái Tông nối ngôi, mới dùng chức Phụ quốc thái uý giữ chính sự, chức nhiệm cầm cân, tức là Tể tướng. Đến đời Nhân Tông lại thêm mấy chữ "Kiểm-hiệu Bình-chương Quân-quốc trọng-sự", thì tên quan cũng (tao) nhã mà chức vụ càng trọng.
Đầu đời Trần, Thái Tông đặt quan, đổi làm Tả hữu Tướng quốc, kiêm Kiểm hiệu đặc tiến khai phủ nghi đồng tam Bình chương sự, tức là chức Thái uý phụ quốc của đời Lý. Từ đời Kiến Trung (1225-1232) về sau, đều dùng thân vương trong tôn thất làm chức ấy, gia phong tước quốc công. Những người hiền tài họ khác, dầu được chọn vào chính phủ, chưa từng được làm chức Bình chương, vì lấy sự thân với người thân làm trọng, đó là thể lệ đặt chức Tể tướng của triều trần.
Cái tệ về sau là để họ ngoại chuyên quyền rồi đến cướp ngôi. Cuối đời Trần, Lê (Hồ) Quý Ly cho họ ngoại cầm quyền, tiến phong Tư không đồng Bình chương, gia đến Phụ chính Thái sư, Quốc tổ chương hoàng, rồi cướp ngôi nhà Trần.
Triều (hậu) Lê, Thái Tổ (Lê Lợi) cũng đặt chức Bình chương, nhưng lúc đầu vội vàng, chức danh chưa trọng. Sau khi dẹp giặc Minh, đặt chức Tướng quốc, gia thêm "Kiểm-hiệu Bình-chương quân-quốc trọng-sự", tên gọi cũng theo như nhà Trần. Đến đời Thánh Tông đặt quan mới bãi chức Bình chương Tướng quốc, việc cầm quyền giao riêng cho trọng thần (đại thần) kiêm thêm, không đặt tên quan khác.
Đến đời Hồng Thuận (1509-1516), Tương Dực đế lại đặt chức Bình chương phụ quốc, lại có tên gọi Thừa tướng, Thượng tể. Danh hàm tôn trọng, so với đời trước hơn hẳn, nhưng cường thần chuyên quyền, mối loạn cũng gây ra từ đấy. Lúc đầu thời Trung hưng, Lượng quốc công Trịnh Kiểm dự chính quyền, (được) tiến phong chức Thượng tướng Bình chương quân quốc trọng sự, Trưởng quốc công.
Trịnh Tùng nối quyền, (được) phong chức Tả tướng thái úy, đều là làm việc của Tể tướng, mà việc quân cùng mọi việc đều quyết định trước, quyền cao chức trọng của Tể tướng thời bình không thể bằng được. Đời Quang Hưng, sau khi đã diệt nhà Mạc, Trịnh Tùng tiến lên ngôi vương (tức chúa Trịnh, làm việc cho vua Lê). Để bàn chính sự ở Phủ đường.
Từ đấy về sau, chính sự thuộc về phủ chúa, Tham tụng tức là Tể tướng, nhưng đó chỉ là quyền chứ không phải là chức. Cho nên khi chọn dùng người, không có phẩm thứ, có khi là Thượng thư (tương đương với chức bộ trưởng ngày nay) vào làm Tham tụng, có khi là Thị lang (phó Thượng thư) mà hành việc Tham tụng, các đời noi theo lệ ấy cho đến cuối triều Lê.
Đến khi (Lê) Chiêu Thống nối ngôi, nhà vua nhất thống (ý nói quyền hành về tay vua hết chứ không thuộc về phủ chúa Trịnh nữa), mới bãi chức Tham tụng mà đặt lại Bình chương. Lại theo quan chế cũ, nhưng thế nước đã nghiêng đổ, không thể làm gì được, chẳng bao lâu mà biến cách"
Đoạn viết trên của Phan Huy Chú giải thích khá rõ nét về quan chức đứng đầu ngày xưa. Mời các bạn đọc thêm những đoạn có nhắc đến chức vụ "Tể tướng" được ghi chép trong sách "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư"
“Mậu Thìn (1088) mùa xuân tháng Giêng, phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư, cùng với Tể tướng đứng trên điện, xét đoán công việc và đơn từ kiện tụng của thiên hạ.
Đinh Hợi (1227) Tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của triều Lý và bắt đẫu định việc thực hiện. Nghi thức lễ đó như sau: Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều.
Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: "Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết". Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền.
Bính Ngọ (1246) Tháng 3, xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài. Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức. Người ở quán, cách 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân, chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.
Trần Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu:
"An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?"

Vua bèn thôi. Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý.
Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của các phiên. Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo: "Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc"
Quốc Tuấn trả lời: "Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia (vua) đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".
Đến khi Thánh Tông trở về, việc ấy lại bỏ đấy, vì hai người vốn không ưa nhau. Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
"Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng (Tể tướng)". Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho". Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.
Ất Mão (1315) Bấy giờ Trần Khắc Chung làm Hành khiển. Quan ngự sử dâng sớ nói: "Chức vụ tể tướng, trước hết phải điều hoà âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp đất trời cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì". Khắc Chung nói: "Tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết có sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương. Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được?".
Bính Dần (1326) Mùa thu, tháng 7, xét duyệt các quan văn võ. Buổi quốc sơ, theo quy chế cũ của nhà Lý, hàm Hành khiển (tương đương với chức Tể tướng) có thêm các chữ Trung thư môn hạ bình chương sự. Từ khi thượng tướng Quang Khải ở ngôi tể tướng, chê chức hành khiển và chức tể tướng ngang hàng nhau, mới tâu xin đổi thành Trung thư môn hạ công sự để cho có phân biệt. Đến đây, vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo, nhưng vẫn làm việc hành khiển. Để ưu đãi, nên đặc cách thêm các chữ Trung thư môn hạ bình chương sự, là theo quy chế cũ”

No comments:

Post a Comment