(Hồi ký nhân dịp sắp họp mặt phi đoàn 219 và Nha Kỹ Thuật)
Từ thành phố Đà Nẵng theo quốc lộ I lên đèo Hải Vân, nhìn về hướng Tây Bắc, chúng ta sẽ thấy một ngọn núi cao nằm trong dãy Trường Sơn. Đỉnh núi cao khoảng 5000 bộ, thường bị mây trắng che phủ, đặc biệt là đỉnh núi có hình tượng giống như yên ngựa nên ngọn núi này được gọi là núi Bạch Mã. Đỉnh núi Bạch Mã trước đây là một căn cứ nghỉ mát rất lý tưởng thời Pháp thuộc. Thời gian và chiến tranh tàn phá đã biến căn cứ nghỉ mát thành một cứ điểm chiến lược tối quan trọng nên ta và địch tranh nhau chiếm giữ cho bằng được. Hai kẻ thù cùng nhau ở một cứ điểm, cách nhau chẳng bao xa, thường xuyên dùng hỏa lực khuấy phá hoặc gọi nhau thách đố dù rằng đã có lệnh ngưng chiến từ lâu. Có một
lần tôi được biệt phái yểm trợ hỏa lực cho đơn vị bạn đang bị địch đột kích gây khá nhiều thương vong. Trên hai đỉnh yên ngựa là hai đơn vị bạn. Một đại đội địa phương quân và một đại đội thuộc chiến đoàn của Nha Kỹ Thuật. Phi đoàn chúng tôi thường xuyên biệt phái cho đơn vị Nha Kỹ Thuật thiện chiến này. Thuở xưa có một tuyến đường giao thương với đỉnh núi nhưng sau này chiến tranh tàn phá và cây rừng bao phủ coi như bất khả dụng từ lâu nên mọi yểm trợ đều bằng trực thăng. Là một cứ điểm quan trọng nên Việt Cộng quyết tâm lấn chiếm dần dần, chúng dùng hỏa lực phòng không bao vây đỉnh núi suốt gần một tháng, không phi vụ nào thực hiện tiếp tế được vì hỏa lực địch quá mạnh. Lương thực khô cạn, binh lính suy nhược mất hết cả tinh thần chiến đấu, chờ giải pháp cứu nguy cuối cùng. Biệt đội 253 chúng tôi đang nằm ở căn cứ Phú Bài, sáng sớm tôi được lệnh Đại Tá Không đoàn trưởng đem biệt đội về đáp ở núi Đá Bạc cạnh quốc lộ I nằm về hướng đông của đỉnh Bạch Mã. Chúng tôi được tăng cường thêm 5 chiếc slick và 2 chiếc gunship từ Đà Nẵng bay ra. Tôi sẽ hướng dẫn 7 chiếc slick và 4 chiến gunship trang bị đầy đủ bom đạn và lương khô tiếp tế khẩn cấp. Cả bộ chỉ huy tiền phương do Trung tướng Lâm Quang Thi và bộ chỉ huy sư đoàn I Không quân đều tập trung tại núi Đá Bạc chờ ban lệnh xuất phát. Trên bầu trời một chiêc L-19 đang bay cao dùng máy phóng thanh kêu gọi VC tôn trọng lệnh ngừng bắn để chúng tôi bay vào tiếp tế lương thực tuyệt đối không dùng hỏa lực. Nếu không chấp hành lệnh ngừng bắn, chúng tôi sẽ cho oanh tạc cơ dội nát quanh đỉnh núi. Sau một thời gian dứt lời phóng thanh là nhiều phi tuần gồm cả F5 và A37 từ phi trường Đà Nẵng bay ra thị uy gầm thét cả bầu trời.
Có lẽ vì khó tin được bọn Việt Cộng nên bộ chỉ huy hành quân lại bắt chỉ riêng chiếc của tôi chở đầy 10 bao gạo 50kg bay vào gọi là “thử lửa” đầu tiên cùng 2 chiếc gunship hộ tống. Tôi bay trườn lên đỉnh núi, lệnh phải thi hành mà lòng ngổn ngang trăm mối: Liệu địch có tha cho mình không? Bị bắn rớt giữa rừng thế này có ai vào cứu mình được không? Chẳng lẽ mình phải làm vật tế thần cho bọn khát máu vô thần sao?
Chợt nhớ lại cũng tuyến bay quanh khu rừng này cách đây không lâu, tôi đã câu dây và làm rớt lại xác của một anh cơ phi của phi đoàn giữa rừng hoang, không tài nào tìm lấy lại được. Anh phải chết hai lần dù rằng hoàn toàn không phải lỗi ở cá nhân tôi, nhưng chuyện này đã dày vò và làm tôi ân hận rất nhiều. Chuyện là hôm ấy tôi và anh Trung úy Cát nhận phi lệnh thả hai toán lôi hổ phía tây bắc dưới chân núi Bạch Mã. Tôi thả toán đầu tiên và bay yểm trợ cho chiếc của Cát thả toán thứ nhì. Chẳng may phi cơ Cát bị tai nạn và anh cơ phi bị tử thương. Tôi phải bay vòng hướng dẫn phi hành đoàn của Cát (còn lại ba người là Cát, Thiếu úy Thiện và xạ thủ Khôi) di chuyển đến khoảng trống để tôi đáp bốc về phi cơ hoàn toàn hư hỏng và xác anh cơ phi (lâu quá tôi không còn nhớ tên) không thẻ chuyển đến bãi trống được, cần phải thả dây câu vì cây rừng quá cao. Tôi liên lạc nhờ toán lôi hổ bọc xác và tôi chở phi hành đoàn Cát bay về lấy dây và đổ xăng vì bay lâu đã hết xăng. Tôi báo lại phòng hành quân chiến cuộc và ông Thiếu tá Hiền phi đoàn phó gọi đáp chở ông bay cùng. Chúng tôi vào vùng trở lại, thả dây câu bọc xác bay về.
Không hiểu các anh cột bó thế nào mà chúng tôi bay về giữa đường lại thấy bọc xác rơi giữa rừng. Chúng tôi bay vòng tìm kiếm rất lâu nhưng không thấy và biết rằng có thấy cũng khó mà vào lấy được vì rừng già phủ kín lại thuộc vùng mất an ninh. Chúng tôi quần mãi gần hết xăng đành phải bay về với tâm trạng buồn thương khó tả. Và chuyện này phi đoàn chúng tôi đã phải xin lỗi và an ủi thân
nhân của anh cơ phi mình rất nhiều sau đó.
Giờ đây lại phải bay trên vùng rừng sâu phủ kín xác anh, không biết linh hồn anh có oán hận gì chăng? Xin linh thiêng hãy phù hộ cho tôi lúc vô cùng nguy hiểm này. Tôi bay lên gần đến đỉnh bỗng nghe một loạt AK và tiếng lốp bốp vào thân phi cơ khá nhiều, hệ thống âm thanh bị gián đoạn, tôi cố bay trườn
lên đỉnh đạp vội 10 bao gạo quay đầu bay về vì phía trước đạn lửa bắn lên đầy trời và ở lại cũng khó sống. Nhìn lại phía sau phi cơ thì các anh “phe ta” lên lúc nào gần đầy phi cơ. Về đáp lại phi hành đoàn như chết đi vừa sống lại, kiểm tàu đếm tất cả 14 lỗ đạn, trục chong chóng đuôi bị bắn toát gần đứt lìa, nếu còn bay thêm có lẽ sẽ rơi như chuồn chuồn gãy cánh. Tôi về đáp xong, vị tư lệnh tiền phương kêu gọi anh em trên đỉnh núi vào hầm ẩn núp và nhiều phi tuần phản lực ào ạt oanh tạc nát vùng quanh đỉnh núi. Dứt phi tuần oanh tạc, bộ chỉ huy lại cho lệnh Đại úy Thọ hướng dẫn bay lên đỉnh núi tiếp nhưng hỏa lực địch quá mạnh và phi cơ Đại úy Thọ bị trở ngại nên đều hủy bỏ phi vụ. Lệnh cuối cùng là tất cả các binh sĩ hãy tự tìm đường giải thoát và cố tránh bom đạn đánh phủ đầu sau cùng. Chúng tôi đứng nhìn mà ngậm ngùi thương xót cho biết bao nhiêu chiến hữu phải cố mưu sinh kể cả bom đạn của
chính phe mình. Tôi có thăm dò sau này thì được biết riêng đơn vị NKT tìm về Đà Nẵng được hơn phân nửa. Căn cứ trưởng lúc đầu là Thiếu tá Nguyễn Hải Triều và say này đến phi vụ cuối cùng đã đổi chỉ huy trưởng hình như là Thiếu tá Minh, tôi không được biết nên lúc bay tôi cứ gọi Thiếu tá Triều mãi. Kính xin anh em Nha Kỹ Thuật còn ai biết rõ chiến sự Bach Mã này xin ngỏ lời ôn lại kỷ niệm đau thương này. Hiện ở Dallas có Trung úy Ngợi là một chiến hữu trước đây tôi thường gặp ở Bạch Mã, sức khỏe anh dạo này rất yếu vì đau thận. Riêng Thiếu úy Thiện đã qua đời vì bạo bệnh tại tiểu bang Oklahoma cách đây vài năm mà tôi đã được dịp hân hạnh phủ cờ cho chiến hữu.
KB. Phan Văn Phúc.
No comments:
Post a Comment