Wednesday, September 3, 2014

Triều thứ 6 - Hiệp Hoà

 
Nguyễn Cung 13 triều

Vua thứ 6 của triều Nguyễn tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật sinh năm 1847, con trai út của vua Thiệu Trị và bà Đoan tần Trương Thụy Tân. Hiệp Hoà sinh ra chưa đầy một tháng thì vua cha băng. Vì là hoàng tử út nên Hiệp Hoà rất được anh trai là vua Tự Đức thương yêu. Năm 31 tuổi được Tự Đức phong Lãng Quốc Công. Bốn năm sau cho kiêm thêm chức Hữu tôn khanh tại Tôn Nhân phủ.

Hiệp Hoà lên ngôi vua vào giai đoạn cực kỳ rối ben của triều đình nhà Nguyễn. Vua trước là Dục Đức bị phế sau 3 ngày làm vua và chết đói sau vài ngày giam trong ngục thất. Bản thân vua Hiệp Hoà cũng ở ngôi báu được 4 tháng thì bị ép thuốc độc chết. Vua kế là Kiến Phúc lên nối ngôi cũng chỉ cầm cự được 7 tháng rồi chết một cách mờ ám.

Xuất thân của Hiệp Hoà được Quốc sử quán triều Nguyễn chép trong cuốn Quốc Triều Chính Biên như sau:

“Tên húy ngài là Hồng Dật, con thứ 29 của đức Hiến Tổ (Thiệu Trị), bà Thụy Tân họ Trương sinh ngài trong tháng 9 năm thứ 7 triều Thiệu Trị (1847). Ngài trước được phong tước Lãng quốc công, nhân khi tự quân là ông Dục Đức bị bỏ, đình thần lập ngài làm vua, đặt niên hiệu Hiệp Hoà. Được ít lâu, cũng bị thí (truất phế). Đến năm thứ 2 triều Đồng Khánh (1887), có chỉ cho được phép đời xưa biên là Phế Đế.

Ngày Ất Hợi, làm lễ tấn tôn tại điện Thái Hoà. Khi các quan đương sắp hàng lạy, có một con chim đậu trên ngọn cây trước điện kêu bốn tiếng lớn. Đến khi đọc di chiếu, lại có một doàn dê đi qua cầu Kim Thủy. Người ta cho là điềm không tốt.”

Hiệp Hoà làm vua khi tuổi đã quá 35 nên rất trưởng thành, học thức lại rộng nên không chấp nhận được sự chuyên quyền của hai ông Phụ chính đại thần. Lúc ấy Nam triều đang phải đương đầu với cuộc xâm lăng của Pháp khi quân Pháp đánh chiếm xong cửa Thuận An (tỉnh Thừa Thiên) và ép triều đình ký hiệp ước nhận Pháp bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ và sung Nam Kỳ vào thuộc địa do Pháp cai quản.

Thấy quân binh của triều đình không thể nào cự nổi với các chiến thuyền gắn đại bác thần công của Pháp nên Hiệp Hoà đã cử phái đoàn Nam triều gồm Hiệp biện Đại học sĩ Trần Đình Túc làm chánh sứ và Thượng thư bộ Lại, ông Nguyễn Trọng Hợp làm phó sứ ký hoà ước Quí Mùi với Tổng ủy đại diện của Pháp là François Jules Harmand.

Hoà ước Quí Mùi hay thường gọi Hoà ước Harmand gồm có 27 điều khoản do Pháp đề ra với nội dung xác nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiệp ước này kéo dài từ năm 1883 đời vua Hiệp Hoà và chấm dứt vào năm 1945 dưới triều vua Bảo Đại.

Khi vua Tự Đức băng cũng là lúc quyền bính nước Nam nằm hết trong tay của hai ông Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Hai ông này theo phe chủ chiến chống lại Pháp tới cùng, trong khi triều thần và vua mới lên ngôi theo đường lối chủ hoà để yên bề xã tắc và được yên vị. Vua đầu tiên đi ngược lại chủ trương của hai ông đại thần lộng quyền này là Hiệp Hoà. Kết quả là cái chết toàn thây của vua Hiệp Hoà bằng một liều độc dược do võ tướng Ông Ích Khiêm thừa lệnh ra tay.

Sử thần Trần Trọng Kim chép lại biến cố này trong cuốn Việt Nam Sử Lược:

"Trong Huế thì vua Hiệp Hòa cũng muốn nhận chính sách bảo hộ để cho yên ngôi vua, nhưng các quan có nhiều người không chịu, và lại thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên chế thái quá, muốn dùng kế mà trừ bỏ đi, bèn đổi Nguyễn Văn Tường sang làm Binh bộ Thượng thư, Tôn Thất Thuyết làm Lại bộ Thượng thư, để bớt binh quyền của Tôn Thất Thuyết. Hai người thấy vua có lòng nghi, sợ để lâu thành vạ, bèn vào tâu với bà Từ Dụ Thái hậu để lập ông Dưỡng Thiện (sau là vua Kiến Phúc) là con nuôi thứ ba vua Dực Tông (Tự Đức), rồi bắt vua Hiệp Hòa đem ra phủ ông Dục Đức cho uống thuốc độc chết. Vua Hiệp Hòa làm vua được hơn 4 tháng, sử gọi là Phế Đế"

Hiệp Hoà lên ngôi và bị phế đều do bàn tay của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết an bài xếp đặt. Khi Dục Đức vừa bị truất phế, hai ông Phụ chính vào xin ý chỉ của bà Thái hậu Từ Dũ để tấn tôn Hiệp Hoà làm vua mặc dù Hiệp Hoà không có trong danh sách 3 người được nối ngôi của vua Tự Đức. Sau khi được lệnh của bà Từ Dũ hai ông đại thần sai người tới phủ riêng của Hiệp Hoà tại Kim Long và rước ông vào cấm thành. Hiệp Hoà cự tuyệt với đề nghị này vì vừa chứng kiến đứa cháu của ông là vua Dục Đức chết thảm chỉ sau 3 ngày làm vua. Nhưng Hiệp Hoà đã bị quan quân xốc nách kiệu vào điện Thái Hoà để làm lễ đăng quang vào ngày 30 tháng 7 năm 1883.

Trong hai ông Phụ chính đại thần thì Tôn Thất Thuyết là người chống đối Hiệp Hoà kịch liệt nhất. Ông này chẳng kiêng dè ai, lúc thiết triều với vua chẳng thèm quỳ lạy, lại hay lớn tiếng át cả tiếng vua. Hiệp Hoà vốn có một người thân tín là anh em chú bác tên Hồng Sâm. Nhân thấy hai quan phụ chính lộng hành quá đỗi nên Hiệp Hoà đã nhờ Hồng Sâm mang mật thư sang Toà Khâm của Pháp để nhờ Pháp trừ hạ hai ông này.

Chẳng may mật thư lọt vào tay Tôn Thất Thuyết nên ông này đã ra tay trước. Tôn Thất Thuyết cho mời các ông đại thần họp khẩn cấp và ký sớ kết tội vua Hiệp Hoà và bè đảng đã có âm mưu thông đồng với Pháp giết hại hai vị đại thần. Sớ được đưa vào cung Thọ Ninh cho bà Thái hậu Từ Dũ phê.

Kết quả là Hiệp Hoà có tội và phải viết chiếu thoái vị, ông xin về lại tư thất ở phủ Kim Long. Tôn Thất Thuyết đồng ý cho phế đế về nhưng lại ngầm sai võ tướng Ông Ích Khiêm bắt giữ vua tại cửa Hiển Nhân trong Hoàng thành và đem giam tại Dục Đức đường. Tại đây Ông Ích Khiêm đã dâng độc dược ép Hiệp Hoà uống. Hiệp Hoà chống cự nên Ông Ích Khiêm xá lạy vua rồi cho người đè Hiệp Hoà xuống để đổ độc dược vào miệng.

Thấy độc dược chưa hiệu nghiệm vì Hiệp Hòa cứ lên cơn co giựt như người trúng phong sau khi bị đổ thuốc nên võ tướng Trần Xuân Soạn tiến tới bóp họng Hiệp Hoà cho tới khi ông lè lưỡi tắt thở mới thôi.

Sau khi vua mất triều đình cho chôn cất rất qua loa sơ sài. Về sau gia quyến mới bốc mộ cải táng ông dưới núi Thiên Thai thuộc thôn Ngũ Tây của Huế.

No comments:

Post a Comment