Saturday, November 1, 2014

Tam cung lục viện


Kiến trúc cung đình Huế ngoài cung điện, thành đài, đàn miếu, dinh thự, lăng tẩm trong và ngoài Hoàng thành dành cho 9 đời chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn, còn có quy chế tam cung lục viện, là nơi ăn ở sinh hoạt của của giới phụ nữ trong khuôn viên Tử Cấm thành.
Tam cung lục viện rập theo khuôn khổ của nhà Minh nhà Thanh bên Tàu, tuy không rõ nét lắm vì không được chép trong sách Đại Nam Thực Lục (sách chép riêng về lịch sử nhà Nguyễn) hoặc sách Đại Nam Liệt Truyện (chép về hậu phi, hoàng tử, công chúa và bề tôi), nhưng được chép trong cuốn bộ Công (kiến trúc, xây cất) của sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Bộ sách Hội Điển này lưu lại các tài liệu sinh hoạt của nhà Nguyễn trong tất cả mọi lãnh vực của hơn một trăm năm hoạt động.
Tam cung gồm 3 cung (kích thước nhỏ hơn nhiều so với cung điện của vua) dành cho thái hậu, hoàng hậu (nếu có) và phi của vua làm nơi ăn chốn ở. Lục viện là 6 viện có quy mô nhỏ và đơn giản hơn dành cho bậc cung tần trở xuống.
Khi một bà hậu, phi nào được vua sách lập thì ngay sau đó bà ta sẽ được vua giao luôn cho trọng trách cai quản "tam cung lục viện", thứ nhất là thay mặt vua chăm sóc bà nội và mẹ vua đang sinh sống tại lưỡng cung, thứ nhì là để "quản lý nhân sự" đừng để mấy bà phi tần trong 6 viện kia lộn xộn loảng choảng, gây gỗ đánh nhau. Nếu bà hậu phi không làm tròn được trách nhiệm giao phó thì có nhiều cơ may được vua cho vào lãnh cung. Nơi đó bà sẽ hàng ngày cai quản nước đá, trà đá, cà phê sữa đá.
Triều Nguyễn chia tam cung như sau:
- cung Khôn Thái dành cho hoàng hậu vợ vua ở. Các vua từ Minh Mạng trở về sau không lập hoàng hậu, chỉ lập phi và gọi là Hoàng quý phi hoặc Nhất giai phi. Các bà Nhất giai phi sống tại đây và được vua giao cho nhiệm vụ trông coi các cung và viện khác. Cung này nằm gần điện Cần Chánh, là nơi vua thiết triều.
- cung Trường Sanh mới đầu là nơi ăn ở của các bà vợ chính thất của vua như bà Lệ Thiên Anh vợ vua Tự Đức, bà Tiên Cung vợ vua Đồng Khánh. Sau đó cung này trở thành nơi ở của thái hậu, mẹ vua.
- cung Diên Thọ dành cho Thái hoàng thái hậu tức bà nội vua, và các thái giám lo việc chăm sóc.
Còn lục viện được lập ra để chia phòng ở cho các bà: giai phi, giai tân, tiệp dư, thục nhân, mỹ nhân, tài nhân, thuộc 6 hạng trong cửu giai. Bà nào cũng có danh phận cao thấp, phòng ốc tiện nghi tuy không có quạt máy, tivi màu, điện thoại di động tân tiến nhưng có quần áo đẹp và cao lương mỹ vị hàng ngày nên không việc gì phải tranh chấp.
Sáu viện gồm:
- viện Thuận Huy (viện đứng đầu)
- viện Đoan Thuận
- viện Đoan Hòa
- viện Đoan Huy
- viện Đoan Trường
- viện Đoan Trang (viện xếp hạng chót, dành cho ma mới tới)

Sau đây là đoạn chép về chốn "tam cung lục viện" của kinh thành Huế trong sách Hội Điển. Đắc Xuyên Gia Khang xin trích lược:
"Điện Càn Thành (nơi vua nghỉ ngơi) ở chính giữa phía bắc, điện Cần Chánh hướng nam. Giữa hành lang bên tả là điện Quang Minh (nơi ở của đông cung thái tử hoặc hoàng tử nối ngôi), giữa hành làng bên hữu là điện Trinh Minh.
Cửa bên hữu nhà Duyệt Thị (nơi xem hát) trở ra phía đông đối diện với cửa nách bên tả cung thành. Hành lang dài trong tường ngăn nẻo tây nam nhà Duyệt Thị trở ra phía nam chuyển sang phía đông có 2 sở nhà, gọi là Dưỡng chính đường hướng đông, là chỗ Hoàng tử giảng học và cung Khôn Thái.
(Trong cung Khôn Thái) là điện Cao Minh Trung Chính, nếp chính giữa 7 gian, đằng trước và đằng sau đều 9 gian; 2 hiên đông tây, mái chồng có đầu đao mép rồng, lợp bằng ngói âm dương, cửa kính, phía trước phía sau đều 3 bệ xây đá, lan can chạm con rồng con cầu.
Gian hành lang cánh gà bên hữu là viện Thuận Huy. Ở bên trong cửa, phía bắc hành lang dài là viện Đoan Thuận, phía nam hành lang dài là viện Đoan Hoà. Phía bắc hiên tây là viện Đoan Huy, hướng nam. Phía tây là viện Đoan Trang, hướng tây. Về phía tây nữa là viện Đoan Trường.
Cung Trường Sanh: Cung ấy ở phía tây thềm giữa bên tây cung thành phía bắc cung Gia Thọ (Diên Thọ), hướng đông, phía trước nhà Ngũ Đại. Giữa là điện Thọ Khang, phía sau lầu Vạn Phúc, nối với hành lang dài, nền nhà liền nhau như hình chữ vương.
Phía trước nhà là cửa phường, phía sau lầu là núi Bảo Sơn. Bên tả là ngọn núi Kê Quan; phía tây ngọn núi có đá kình ngư. Bên hữu là ngọn núi Hổ Tôn; có lạch vòng quanh gọi là Đào Nguyên, do cửa sông góc tây bắc nền cung thông suốt đến trước hồ Nội Kim Thủy.
Cung Diên Thọ: Cung ấy ở nhai phường Tây nhất, phía bắc điện Phụng Tiên, bốn chung quanh bao thành bằng gạch. Chính giữa phía bắc tường là tiền điện, nền cao 8 tấc 1 phân. Phía bắc tiền điện là chính điện, nền cao 1 thước 4 tấc, nếp trước 5 gian, đầu đao mép rồng, nóc gắn cái bầu báu lợp bằng ngói âm dương, bên tả bên hữu mỗi bên một hành lang vòng.
Phía trước hiên đông hơi lùi về phía bắc có cái hồ vuông, giữa hồ là nhà tạ Trường Du, lợp bằng ngói lưu ly xanh. Phía trước hiên tây đắp một quả núi; bên hữu sau sân điện là một hành lang dài; bên hữu hành lang là am Phúc Thọ."

Đắc Xuyên Gia Khang FB

No comments:

Post a Comment