Friday, November 7, 2014

"ỚT QUÂN TỬ" LƯU LẠC VIỄN XỨ

"ỚT QUÂN TỬ" LƯU LẠC VIỄN XỨ

.(Tùy bút của Tôn Thất Hùng)

Nhà tôi ở Toronto (Canada) có trồng một giống ớt rất cay do Ba tôi, trong một lần ghé thăm tôi từ California, đã đem hạt sang. Ba tôi đã đích thân ươm hạt và để nó ở cửa sổ phòng khách. Trước khi về lại Mỹ, Ba đã căn dặn tôi, rằng khi cây con lên khoảng 10cm phải bứng ra cho vào chậu lớn. Tôi đã làm theo lời dặn của Ba. Đã 8 năm nay tôi luôn giữ giống ớt này. Khi ăn vào có thể cảm nhận ta vị cay của nó rất tuyệt vời và đặc biệt. Tôi chưa bao giờ ăn được một giống ớt nào cay nồng và thơm như vậy. Hơn nữa, giòng họ bên nội tôi đã có một kỷ niệm với giống ớt này, nó đã đi theo các cô chú lưu vong ra khỏi quê hương, kể từ tháng tư, năm 1975.
.
Nghe bà nội tôi kể: ông Hoàng, em ruột của ông nội tôi, từ thời tuổi trẻ đã có máu phiêu lưu, lãng tử, nghệ sĩ. Ông cảm thấy đất thần kinh Huế nhỏ bé quá, lễ nghi của triều đình và giòng họ thời ấy lại khắc khe, còn ông thì ông thích bay nhảy, luôn muốn vượt ra ngoài những khuôn phép đã có từ hàng trăm năm tại kinh đô trầm mặc. Thế là một buổi sáng nọ dưới triều vua Thành Thái, ông đã đến từ biệt ông bà nội tôi để thực hiện giấc mộng phiêu lưu. Với một số thanh niên quý tử thời ấy, khi nói đến xuất dương hải ngoại thì người ta hay nghĩ đến xứ Pháp ở trời tây, hoặc HongKong kiêu kỳ. Nhưng với ông, ông lại chọn xứ Lào để đi. Ông bà nội tôi cũng không biết, không hiểu lý do tại sao ông lại chọn nước Lào mà không là nước khác. Mặc dù nước Lào ở khá gần kinh đô Huế, nhưng dường như dãy Trường Sơn cao sừng sững nằm giữa đã cách biệt hoàn toàn về văn hóa và cả địa lý giữa Việt Nam và Lào. Nói đến Lào tưởng như rất xa và cũng rất lạ. Bà nội tôi nói khi ấy bà muốn hỏi ông Hoàng thêm nhiều nữa, nhưng thấy ông có vẻ buồn, nên bà ngưng không hỏi tiếp. Bà vào buồng, xếp cho ông một tay nải hành lý, vậy là ông đi... Ông đi biệt tăm mấy chục năm, đã không ai có nhiều tin tức về ông, chỉ nghe nói ông làm ăn hình như phát đạt và thành công bên ấy. Ông bà nội tôi chỉ được tin chính thức của ông khi ông trở về Việt Nam, hình như khi ấy Pháp đã rút ra quân ra khỏi Đông Dương rồi. Ông trở về với bộ dạng đứng tuổi, râu dài đến ngực bạc phơ, cũng là áo dài gấm, khăn đóng nghiêm trang, lễ giáo như khi ông ra đi. Tuy nhiên ông đã không trở về Huế sống, mà lên tận Buôn Ma Thuộc mua đất mở đồn điền trồng trà và café. Thời ấy mà ông đã áp dụng nhiều kỹ thuật máy móc vào nông nghiệp với những chiếc máy cày, máy cắt... Tôi nghe nói đích thân ông đã ngồi điều khiển những chiếc máy ấy cùng với các công nhân đồn điền. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa phát triển, miền Nam chan hòa nắng ấm, đất đai cao nguyên trù phú, con người chân thật, hiền lành và văn minh từ trong cư xử cho đến khoa học kỹ thuật. Ông và gia đình đã nhận miền cao nguyên là quê hương, hòa đồng cùng người dân địa phương và cả các sắc tộc Thượng, các bộ lạc, buôn làng từ trong các vùng thật xa xôi, ngút ngàn...
.
Trong khoảng thời gian này, ông được quen biết rất nhiều những vị tù trưởng từ trong các buôn làng. Họ ra vào giao tiếp và buôn bán, trao đổi với người Kinh. Họ biết ông là một công tử của đất Thần Kinh, tuy xa quê nhà, nhưng trong các bữa ăn của ông luôn phải có một quả ớt như là một hoài niệm, cho nên một vị tù trưởng, trong một lần ra thăm, đã đem theo một giống ớt rất quý, thật cay để làm quà cho ông. Ông rất quý giống ớt này, đã trồng nó quanh nhà và đem về trồng luôn ở căn nhà của ông ở Sài Gòn, nơi có các chú, các cô đang ăn học...Tôi còn nhớ ngày còn bé thơ, đi theo Ba Mẹ tôi đến ăn kỵ (giỗ) tại nhà ông, tôi đã nghe các cô chú bàn tán nhau về mấy trái ớt đặc biệt này được hái từ chậu trong sân nhà. Các cô, các thím hay hỏi nhau đã ăn thử “Trấy ớt cay vô hậu nớ chưa?”, rồi có tiếng O khác trả lời tiếp theo: “U chao ơi! Em thử rồi, dễ sợ quá đi tề!”....Khi ấy tôi còn quá bé, chẳng hiểu người lớn nói gì, và cũng không biết vị cay của ớt “dễ sợ và vô hậu” cỡ như thế nào...
.
Ngày 30-4-1975 đã đến rất bất ngờ và quá nhanh. Các cô, các chú đã theo đoàn người chạy giặc rời khỏi Việt Nam một cách tức tưởi, bỏ lại tất cả để ra đi. Chú Toàn, người con trai thứ của ông Hoàng, trước khi khóa trái cửa nhà ra đi, đã kịp hái một trái ớt vừa chín đỏ, cho vào túi áo rồi xấp ngửa chạy theo đoàn người di tản nháo nhào ra phi trường Tân Sơn Nhất...
.
Quả ớt cay từ một buôn làng vùng Cao Nguyên thượng du xa xôi, sau khi ra hoa kết trái ở Sài Gòn đã lại lên đường, và lần này nó theo đoàn người chạy loạn rời khỏi quê hương Việt Nam.....
.
Không biết quả ớt ấy đã theo chú Toàn đi đến những đâu, qua những trại tạm cư nào, được chú cất giữ bao lâu (?). Chỉ biết cuối cùng rồi thì chú Toàn cũng đã ươm được hạt và trồng được giống ớt này tại Hoa Kỳ. Trong cuốn phim Vượt Sóng của đạo diễn Hàm Trần, có cảnh một người đàn ông trồng một cây ớt mà giống đem theo từ Việt Nam. Khi xem đến đoạn phim này, tôi đã nhớ đến cây ớt của chú Toàn, không biết tác giả kịch bản có lấy ý tưởng từ gia đình chú tôi hay đây đúng là một hình ảnh khá phổ biến nơi những người Việt Nam đầu tiên di tản ra khỏi Việt Nam năm 1975 (?). Trong những năm sau đó, khi mà cộng đồng tỵ nạn ở Mỹ hầu như bị mất hoàn toàn liên lạc với quê nhà thì những quả ớt xanh đỏ của chú Toàn trồng tại Mỹ đã giúp bà con thân thích đỡ nhớ Huế, đỡ nhớ Việt Nam. Thời ấy, muốn nấu được một mâm cơm Việt Nam không phải dễ, phải mày mò đi tìm thực phẩm tươi ở các chợ Phi, chợ Tàu, tìm mua thực phẩm về chế biến ra những món ăn...na ná thức ăn Việt Nam. Sau này, khi Ba tôi qua Mỹ định cư theo chương trình bảo lãnh, chú Toàn đã kể với Ba tôi về những ngày đầu đến Mỹ: “Cơm thì có, nhưng đồ ăn Việt Nam thuần túy làm chi mà có, với trấy ớt ni, tụi em lấy muỗng xắn ra chén nước mắm, rứa là có cả một trời xứ Huế.... u chao, hắn cay ràn rụa con mắt, rồi mình không biết chảy nước mắt vì ớt hay đang khóc vì nhớ nhà nữa !!!”
.
Khi chú Toàn gặp lại Ba tôi trên đất Mỹ, chú đã đưa Ba tôi giống ớt này như là một món quà “Welcome To America” của chú. Đất California từng là đất đai của Mễ Tây Cơ, một dân tộc ăn ớt và trồng ớt rất nhiều, cho nên các cây ớt sau khi ươm hạt, nẩy mầm, có vẻ rất hạp với thổ nhưỡng tại đây. Giống ớt này có ít lá, cho nhiều hoa và trái. Khi trái còn non thì mang màu xanh, khi bắt đầu chín chuyển qua màu đen. Từ màu đen phải cần trên 2 tuần mới chuyển qua màu đỏ. Mỗi lần về Mỹ thăm nhà, tôi đã thử ăn những trái ớt xanh, ớt đen và ớt đỏ để có nhận xét về các mức độ cay khác nhau của nó. Trái xanh chỉ the the, đôi khi chẳng có vị lai gì cả, trái đen đối với nhiều người đã là quá cay. Trong thời gian 2 tuần sau cùng từ khi trái màu đen chuyển sang màu đỏ chính là thời gian để trái ớt tích tụ tinh chất cay “khủng khiếp” từ cây ớt. Với tôi, vị cay của giống ớt này không làm người ăn có cảm giác như bị xé lưỡi, không như bị rách môi, cũng không khiến bao tử ta bị quặn thắt như khi ăn phải ớt “lồng đèn” của Mễ. Vị cay của giống ớt này là một vị cay “quân tử”, nó khiến các tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn, giúp cho người ăn cảm giác thức ăn thật tuyệt. Ớt tuy cho ta cảm giác rất nóng, nhưng là cái nóng rần rần làm ấm cả lồng ngực và thân thể, tuy vậy không làm ta vã mồ hôi để khiến nhan sắc ta trở nên trông bạc nhược, xấu xí trong bàn tiệc. Người dùng giống ớt này, tuy luôn miệng kêu cay, nhưng vẫn cười nói, vị cay nồng khiến những cặp mắt trở nên ươn ướt tình tứ, những cặp má như thêm hồng đào e thẹn. Tôi đã cố ý quan sát ở những người không bao giờ biết ăn cay, khi họ ăn thử một tí tương ớt được chế biến từ ớt khô giã nhỏ, họ có bàng hoàng đó, có thảng thốt đó, nhưng chẳng một ai phải vụt chạy vào toilet để phun nhổ hay súc miệng cả...và phong cách, thần thái của thực khách vẫn được giữ nguyên, nếu không nói là trông quyến rũ hơn dưới ánh đèn của bàn tiệc. Từ khi chú Toàn đưa giống ớt này cho Ba tôi, tôi không biết giống này tên gì, có người bảo đây là ớt mọi, có người bảo ớt chỉ thiên....nhưng tôi vẫn đùa với gia đình rằng đây là “ớt quân tử”, bởi nó luôn giữ cho người ăn một thần thái trước sau như một, nó không làm cho người quân tử la rú bỏ chạy, nó không làm trôi lạt đi son phấn của các bà các cô. Nhưng mà nó rất cay, cay mà lại làm người ta thèm, cay mà lại khiến ai đó chỉ muốn ăn thêm tí nữa !!!
.
Ngày tháng thấm thoát trôi qua thật nhanh, mới đó mà tính tới năm nay đã là 40 năm người Việt Nam ra đi tỵ nạn cộng sản ở khắp nơi trên thế giới. Với gia đình bên nội tôi, giống ớt này đã theo bà con, họ hàng qua Mỹ cũng đã 40 năm. Ông Hoàng đã buồn và mất ngay trong ngày Cộng Sản chiếm Buôn Ma Thuộc, chú Toàn hay Ba tôi trên đất Mỹ nay cũng đã trên dưới bát tuần. Người Việt sống tại hải ngoại đã đến thế hệ thứ 3 rồi. Các em sinh ra ở bên này làm sao hiểu được tâm tư của thế hệ thứ nhất như chú Toàn. Bốn mươi năm trước, họ đã phải bỏ lại hết tất cả từ quê hương, người thân, kỷ niệm, cơ ngơi và sự nghiệp... bỏ lại tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng nhưng vẫn có một quả ớt thật tình cờ nằm trong túi áo năm xưa của chú Toàn. Nếu kể, không biết các em có hiểu không (?), về người lưu vong xứ Thần Kinh trong những năm đầu lưu lạc, chỉ cần một chén cơm nóng, xắn trái ớt cay thơm nồng, chỉ là nước mắm ớt chan cơm mà cả trời xứ Huế đã trở về !
.
Ai đó đã nói, chúng ta đi mang theo quê hương!!!
.
Với chú Toàn của tôi, quê hương chú mang theo là quả ớt cay có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Việt Nam. Chính những quả ớt cay nồng này đã cho chú và gia đình bên nội tôi một cảm giác quê hương vẫn đang ở rất gần.
.
Và nay, tiếp theo Ba tôi và chú Toàn, tôi lại trồng và gọi tên đây là “Ớt Quân Tử” tại Canada. Tôi trồng vào hai chậu, một chậu để tại nhà, một chậu tôi đem vào để ngay cửa sổ sở làm, ngay bàn làm việc của tôi. Các đồng nghiệp thỉnh thoảng vẫn được tôi hái ớt tặng, họ đều bảo giống ớt này quá cay, nhưng sao cứ thèm và muốn ăn hoài. Tuần rồi, cô đồng nghiệp rất thân đến bàn tôi ngồi chơi, cô ấy bảo thấy tôi có vẻ rất quý chậu ớt....Tôi trả lời: “Đúng rồi, quý lắm, vì cả một lịch sử tỵ nạn của người Việt Nam có thể hiển hiện ra trước mắt tôi khi tôi cắn quả ớt hái từ đây ra....!!!”

Viết tại Toronto 2014 – Tôn Thất Hùng
** Tên các nhân vật đã thay đổi vì muốn tôn trọng người đã khuất và người còn sống.

No comments:

Post a Comment