Wednesday, April 24, 2024

Lê Nguyễn: Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4-1975

(Hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…).
10. Câu chuyện về những chiếc bao bố ở trại Long Thành
Sau tháng 4.1975, quân nhân, công chức thuộc diện phải học tập cải tạo (HTCT) đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, trước tiên là sự vỡ tan giấc mộng 30 ngày; rồi từ 1 năm đến quyết định cải tạo 3 năm, và sau 3 năm, đến một thời hạn ... không định trước nữa!
Song, vào những tháng cuối năm 1977, có một bất ngờ vượt lên trên mọi bất ngờ khác, làm sụp đổ bao nhiêu suy tính của mọi người, tạo ra một cuộc khủng hoảng tâm lý chưa từng có.
Buổi sáng hôm đó, gần 3.000 trại viên được triệu tập lên hội trường với một lý do không được báo trước. Khi mọi người đã yên vị, một cán bộ dõng dạc tuyên bố ngắn gọn, đại ý là “những ai có tên trong danh sách này sẽ được nhận mỗi người một chiếc bao bố, dồn tất cả vật dụng riêng tư vào để trại gửi theo tàu ra Bắc”.
Nếu lúc đó có một trận địa chấn 7 độ Richter nổ ra thì sự hốt hoảng của mọi người cũng chỉ đến mức ấy.
Xin nhắc lại là, trong hệ thống trại giam gọi là “Trung tâm cải huấn” của chính quyền miền Nam trước 1975, ngoài hai nơi có chế độ điều hành riêng là Trại tù binh Phú Quốc và Trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo), ở Sài Gòn và mỗi tỉnh có một Trung tâm cải huấn riêng để giam giữ những người tại địa phương có án tù dưới 5 năm (trên 5 năm thì ra Côn Đảo). Nhiệm vụ chính của các trung tâm này chỉ là giữ tù và trả tự do cho tù sau khi thời hạn thụ hình ghi trong bản án đã kết thúc, ít có chuyện chuyển tù từ tỉnh này qua tỉnh khác.
Vì những yếu tố trên, chuyện “ra Bắc” là một bất ngờ ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Và cũng từ biến động này, người ta mới hiểu được thân phận thật sự của những ai tự nguyện làm ăng-ten cho cán bộ trại. Những kẻ đó đã mơ hồ về việc làm này, tưởng rằng sự tự nguyện “hợp tác” có thể làm thay đổi thân phận của họ. Trên thực tế, việc làm của họ chỉ có tác dụng tạo cho họ sự thuận lợi trong sinh hoạt nội bộ trại; mọi hồ sơ của họ đều nằm tại Cục quản lý trại giam và chính nơi đây mới có thẩm quyền quyết định về thân phận của họ.
Anh B. là một trong những người từng được đi “chữa răng” chỉ sau mươi ngày nhập trại, nằm trong số người bị sốc nặng nhất. Anh nói thẳng là không thể tưởng tượng trong chuyến đi Bắc đầu tiên này lại có tên anh! Song, khi biết cơ sự thì mọi chuyện đã muộn màng. Nhiều người không kìm nổi tiếng khóc của mình. Họ tập trung từng nhóm trên “đại lộ hoàng hôn” là con đường vòng quanh các dãy nhà, nơi anh em tù mỗi buổi chiều đi bách bộ cho giãn gân cốt.
Sự căng thẳng và khủng hoảng trầm trọng đến nỗi, một cán bộ trực trại là Đại úy Ba Tơ đã đi dọc theo đại lộ hoàng hôn, vừa đi vừa hét to một câu trấn an khá lạc điệu: “Khóc lóc cái gì, đi xuống Đồng Tháp lao động một thời gian rồi về!”. Nội dung câu nói đó rất khác biệt với hai chữ “đi Bắc” mà cán bộ đọc danh sách đã tuyên bố hồi sáng, song cũng có những người hy vọng đó là sự thực, kết quả của một sự chỉnh sửa.
Số người đi bao bố đầu tiên này mà về sau gọi là “bao bố 1” gồm toàn bộ trại viên khối 2 (đảng phái), khối 3 (tình báo) và khối 4 (sĩ quan cảnh sát từ cấp Thiếu tá) và một phần khối 1 (công chức, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán). Các anh em được đưa về trại 16 NV ở Thủ Đức trong mấy tháng, rồi sau đó mới ra Bắc.
Nhạc sĩ Vũ Thành An, Trưởng ban văn nghệ trại nằm trong số người này.Tất nhiên, nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng có tên: Các cụ Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Lâm Sanh, luật sư Trần Văn Tuyên, nữ Thiếu tá cảnh sát Th. Biệt đội trưởng biệt đội Thiên nga ...
Như vậy, sau chuyến bao bố 1 này, số người còn ở lại trại Long Thành chỉ thuần có khối 1. Cú sốc ban đầu qua đi, mọi người bình tâm hơn, chờ đợi chuyến bao bố 2 mà ai cũng tin rằng sẽ phải tới. Và nó đã tới hơn nửa năm sau đó, lần này không còn gây ra sự hoảng hốt nữa, những ai có tên chấp nhận nó như một trò chơi may rủi.
Sau chuyến bao bố 2, số tù chính trị dân sự còn ở lại Long Thành không đến 200 người, tự coi mình sẽ là đối tượng của đợt bao bố 3. Tạm thời họ được giao các nhiệm vụ chính: Trật tự, cấp dưỡng (bếp), vệ sinh, bên cạnh nhiều tù hình sự và rất đông các em được cha mẹ “gửi cho cách mạng giáo dục” từ sau tháng 4.1975. Các em này được chuyển từ trại Bù Gia Mập (Phước Long) đến vào khoảng năm 1977, sau khi sự tổn thất về nhân mạng lên đến mức báo động.
Giữa năm 1979, sau khi hơn 30 anh em được đưa trước lên Xuyên Mộc để thành lập một trại mới, số hơn 150 người còn lại bàn giao mọi việc cho anh em tù hình sự, tập trung ở một dãy nhà để chờ lệnh. Cuối cùng, vào những tháng cuối năm 1979, mọi người được đưa hết lên trại Xuyên Mộc.
Mình nghĩ, có lẽ chuyến bao bố 3 đã không diễn ra vì vào tháng 2.1979, cuộc chiến biên giới Việt-Trung đã nổ ra ác liệt, trại cải tạo ở các khu vực dọc biên giới phải di tản về Thanh Hóa và nhiều tỉnh đồng bằng miền Bắc, vì thế không còn điều kiện tiếp nhận thêm tù cải tạo ở phía Nam. Sự may rủi trong số phận mỗi con người không biết đâu mà lần.
***
Những chuyến ra Bắc của anh em tù cải tạo miền Nam cho thấy sự căm thù của người dân miền Bắc đối với họ là điều có thật. Các chuyến xe lửa chở họ, mỗi khi ghé lại những ga lớn đều phải đóng cửa kín mít để tránh những viên đá to được ném tới tấp vào. Lúc đầu, mọi người tưởng rằng đó chỉ là sự dàn cảnh cho dư luận trong và ngoài nước thấy được lòng căm thù của người dân đối với “bọn ngụy quân, ngụy quyền ác ôn”, song theo các anh em từng đi trên những chuyến xe lửa ấy, sự căm thù là có thật, những viên đá ném lên tàu là biểu hiện rõ nét của lòng căm thù đó.
Còn nhớ vào năm 1980, lúc chúng tôi đang ở trại Xuyên Mộc (miền Nam), có lần lượm được ở bờ con sông Ray lá thư mà một cán bộ trại khi xuống đó tắm rửa đã để rơi. Thư của một người bố sống ở miền Bắc căn dặn người con còn trẻ của mình đang sống xa gia đình là “hãy hết sức cẩn thận, vì con đang sống cạnh kẻ địch, nói đúng hơn là kẻ thù” (Nguyên văn trích từ bức thư)!
Đối với người miền Bắc vào những năm đầu sau tháng 4.1975, sự hiểu biết về những quân nhân, công chức trong bộ máy quân sự, hành chánh miền Nam thể hiện qua những viên đá ném vào đoàn tàu, qua câu chuyện về mấy em nhỏ chăn trâu lén lút chui vào bụi cây rình xem bọn “ngụy” như thế nào và sau đó ù té chạy với tiếng la thét “tụi bay ơi, sao bọn ngụy trông giống mình thế?”.
Hóa ra, với những chú bé ngây thơ đó, bọn ngụy phải mặt xanh nanh vàng, chuyên bắt cóc và uống máu trẻ con thì mới đúng!
Sau tháng 4.1975, năm năm, mười năm qua đi, thời gian cũng làm được đôi điều hữu ích. Nó tạo điều kiện cho nhiều người dân miền Bắc thấy được sự thật về những con người mà họ từng ném đá và thóa mạ như những kẻ tội đồ. Hóa ra những kẻ đó trông cũng hiền lương như họ, đang nhẫn nhục, chịu đựng một kiếp nạn to lớn phủ xuống đời mình. Từ căm thù chuyển dần sang thương cảm, dù con đường có dài, nhưng rồi nhiều người cũng tìm được những cảm xúc đích thực.
Tôi có người bạn thân là Nguyễn Phú Huấn (1941- 2019) từng làm Tiểu đoàn trưởng trong quân đội VNCH trước 1975, sau khi có quyết định tha, trong lúc chờ phương tiện đưa về Nam, anh và các bạn được phép đi vào xóm thôn thăm hỏi đồng bào. Sự tiếp xúc làm vỡ ra nhiều điều bấy lâu còn mơ hồ sương khói, nhiều gia đình lưu luyến chia tay với anh em và họ để lại trong lòng nhau nhiều mỹ cảm.
Trong 5-10 năm đó, sự tiếp xúc dù chưa phải là mật thiết lắm cũng đã mang lại trong lòng người dân miền Bắc sự “nghĩ lại” về những điều họ từng nghe nói đến. Thực tế đã chạm đúng vào sự thiện lương trong sâu thẳm tâm hồn họ, họ nhận ra thực chất những con người mà họ từng căm thù không như những gì họ nghe trước đây, và cũng từ đó, những mầm mống ban sơ của sự hòa giải, hòa hợp đã nhú dậy, chỉ còn chờ sự chăm sóc, tưới tắm để chúng vươn lên và trở thành những rừng cây tỏa hương sắc của tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Tiếc rằng những mầm mống tốt đẹp như thế sớm thui chột vì thiếu chất xúc tác là những chính sách phù hợp với lòng người.
Tháng tư này, tôi vẫn cảm thấy buồn khi nghĩ rằng dân tộc mình là một trong những dân tộc bất hạnh nhất trên toàn cầu. Tham nhũng, lãng phí, bất công, và sự nghèo khổ, cơ cực của hàng triệu đồng bào vẫn luôn là nỗi đau trĩu nặng trong tâm hồn của mỗi chúng ta!

No comments:

Post a Comment