Tuyến phòng ngự mới của chúng tôi bây giờ là
cái mương thoát nước nằm sát đường băng của phi trường. Ở vị trí này
chúng tôi không thấy gì bên kia suối, nhưng xạ trường và thị trường
trước mặt thì rất trống, nếu có chỉ dấu gì mới của địch thì chúng tôi
cũng phát hiện ngay.
Cũng trong khoảng thời gian này, vào một buổi trưa, Ðại tá Chiến đoàn
trưởng Chiến Ðoàn 43 gọi cho tôi, bắt tôi xác nhận đi, xác nhận lại, xem
trên một tọa độ cách tôi 6 hay 7 cây số về hướng Bắc Ðông Bắc có quân
bạn hay không? Tôi cứ một tiếng “Không!” mà trả lời.
Sau đó tôi thấy trên trời có chiếc vận tải cơ C 130 bay vòng vòng trên cao, rồi một tiếng “Ùm!” âm vang.
Hóa ra đó là một quả bom loại tối tân nhất đã được thả xuống chiến trường Long-Khánh.
Mãi lâu lắm, sau chiến tranh tôi mới biết đó là một quả bom nhiệt hạch,
có tên CBU 85 (?) hay CBU 82 (?) gì đó có tầm sát hại rất là khủng
khiếp. Tôi cũng nghe nói trong thời gian này còn một quả bom cùng loại
đã được thả xuống vùng hướng Tây của thị trấn Xuân-Lộc.
Hình như hai quả bom đó đã dẫn chiến trận rẽ sang một khúc quanh. Ðịch
quân bỏ Xuân-Lộc, đi vòng về hướng Tây để vây hãm thủ đô Sài-Gòn.
Năm giờ sáng ngày 18 tháng Tư có tiếng chiến xa gầm rú ầm ầm ngoài xa
hướng Bắc và hướng Ðông. Pháo binh từ Tân-Phong và Núi Thị đều bắn tập
trung thành một tuyến rào cản sát vành đai thị trấn.
Suốt ngày hôm đó chúng tôi chờ mãi không thấy xe tank địch tiến lên,
không thấy chiến xa địch bắn một viên đạn nào. Tới chiều tối, đoàn chiến
xa Việt-Cộng theo nhau rút đi mất.
Ðêm 18 tháng Tư tôi nhận được tin kiểm thính cho biết, một tiểu đoàn
Cộng-Sản đang bị quân Dù vây hãm trong đồn điền của Thống tướng Lê Văn
Tỵ sẽ kéo cờ trắng đầu hàng.
Tôi nghĩ đơn vị Việt-Cộng này đã bị lính của Lữ Ðoàn 1 Dù vây kín ba mặt
Ðông, Tây và Nam, chỉ còn mặt Bắc là bỏ ngỏ, biết đâu chúng nó sẽ kéo
nhau về hướng Bắc, là chỗ tôi đóng quân để đầu hàng thì cũng vất vả cho
chúng tôi lắm! Chỉ có cái việc lo chuyện ăn, ở cho họ cũng đã đủ mệt
rồi!
Ai ngờ chiều 20 tháng Tư tôi được Ðại tá Lê Xuân Hiếu gọi vào Trung Tâm
Hành Quân Chiến Ðoàn 43 để thông báo rằng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
vừa ra lệnh cho chúng tôi phải lập tức rút quân, bỏ rơi Long-Khánh!
Tôi phải hoàn trả đại đội bộ binh tăng phái cho Thiếu tá Dư vì Tiểu Ðoàn
3/43 của anh Dư sẽ giữ vai trò tùng thiết cho Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh
trong cuộc hành quân triệt thoái này.
Tới giờ phút đó thì Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long không còn thống
thuộc ai, vì thế đại đội này cứ theo chân đơn vị tôi như một thành phần
của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân cho tới ngày về tới căn cứ Long-Bình.
Tôi nhận được lệnh rút lui, mà trong lòng không khỏi ngỡ ngàng.
Mười hai ngày qua chúng tôi đã chiến đấu quên mình để bảo vệ quê hương và bảo vệ danh dự của Quân- Ðội
Trong chiến dịch Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975 Cộng Quân có hai yếu tố quan
trọng là “Thiên Thời” và “Địa Lợi” nhưng những người tử thủ Xuân-Lộc,
lại có yếu tố quyết định sống còn, đó là “Nhân Hòa”
Vì có yếu tố “Nhân Hòa” ngàn người như một, quyết chiến, quyết thắng,
nên Quân- Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã đánh cho địch ngất ngư, đánh cho địch
“tà đầu”.
Tháng Tư năm 1975, chiến trường Xuân-Lộc đã là mồ chôn của quân xâm lăng!
Rõ ràng chúng tôi đang là người chiến thắng!
Vậy mà bỗng dưng chiều nay Tổng thống dọa cắt tiếp liệu, tiếp vận, không
cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu, bắt chúng tôi cấp tốc lui binh.
Vì hai chữ “tử thủ” mà mới hôm qua, những người anh em của tôi còn đổ
máu giành giựt từng thước đất với quân thù, tôi đã chôn họ dưới những
cái huyệt moi vội vàng, sâu chưa tới đầu gối.
Hôm nay, có khi xác của họ còn chưa kịp lạnh.
Trong mười năm chinh chiến, tôi đã từng nhiều lần đóng vai trò của một
người “tử thủ” từ một ngọn đồi không tên nơi biên giới Việt Miên, tới
những cái tiền đồn mà địa danh của chúng đã được ghi vào quân sử như
Ðức-Cơ, Pleime, bây giờ là Long-Khánh.
Không biết ngày mai, sau Long-Khánh tôi sẽ còn phải “tử thủ” rồi lại phải bỏ rơi nơi nào nữa đây?
Tôi có mặt ở Xuân-Lộc đúng nửa tháng, vậy mà hình thù, dáng dấp thị trấn
này như thế nào tôi cũng không hay. Ngoài cái phi trường và vài đoạn
đường ngắn quanh đó, tôi không biết gì hơn.
Trước lúc ra lệnh cho quân vào đội hình di chuyển, tôi dẫn theo toán
Viễn Thám của Mom Sol đi tới đầu phi đạo hướng Ðông để có đôi lời khấn
nguyện cho linh hồn 12 chiến sĩ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã ngủ
yên trên chiến trường Xuân-Lộc sớm phiêu du nơi chốn Thiên Ðường.
Ðoàn người bắt đầu rời vị trí, tới đầu con lộ đất, trong bóng đêm, tôi
ngừng lại vài phút lặng nhìn con đường hẻm ẩn mình dưới vòm tre đen. Con
đường hẻm này tôi đã ví như Lạc Phụng Ba của Phụng Sồ thời Tam Quốc.
Nơi cuối con hẻm và trên đồng cỏ ngoài kia là xác những chiếc chiến xa
Việt-Cộng đã bị bắn cháy nằm rải rác. Trên lưng mỗi chiến xa đó đều được
sơn một giòng chữ bằng khói màu vàng “Tiểu Đoàn 82 BĐQ diệt tank”
Sự hiện diện của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trong trận Xuân-Lộc tháng
Tư năm 1975 quả là một điều quá bất ngờ, ngoài dự liệu của Thiếu tướng
Hoàng Cầm.
Vì thế trên đoạn sạn đạo này, “Người giỏi đánh” và “Người giỏi giữ” đã tình cờ đối đầu nhau.
Và trên con hẻm oan nghiệt ấy, danh tướng Hoàng Cầm của Bắc-Việt đã thành bại tướng.
Phải chăng chuyện hội ngộ của hai người cầm quân ngày đó đã được thiên cơ tiên liệu, an bài?
Ði qua cái nhà chứa máy bay đã tan tành, đổ nát, tôi thấy 2 chiếc L.19 vẫn còn nằm trong đó.
Tới trước tòa tỉnh trưởng, Ðại tá Phạm Văn Phúc chạy ra cổng, nắm tay
tôi và ngỏ lời muốn tháp tùng theo đoàn quân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng
Quân, tôi đã chối từ.
Tôi không cho ông Ðại tá Tỉnh trưởng đi theo, vì tôi đã được lệnh chỉ
bảo vệ Chuẩn tướng Tư lệnh chiến trường và Ðại tá Chiến đoàn trưởng
Chiến Ðoàn 43 thôi.
Bốn mươi lăm năm sau, tôi vẫn chưa quên được hình ảnh thật là cảm động
lúc chia tay, trong bóng tối, ông Ðại úy trưởng quầy hàng Quân Tiếp Vụ
Tiểu Khu Long-Khánh đã hối hả chạy đi, chạy lại, giữa chiếc xe Dodge chở
hàng và đoàn quân đang di chuyển để dúi vào tay những người lính vài
gói mì ăn liền và vài bao thuốc lá.
Không rõ sau ngày chiến tranh kết thúc, ông đại úy này có còn sống hay không?
Trong cuộc lui binh rời bỏ Xuân -Lộc, Long-Khánh đêm 20 tháng 4 năm
1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Sáng 21 tháng 4 năm 1975 Chuẩn tướng Tư lệnh chiến trường và Ðại tá
Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 đã được chúng tôi bảo vệ an toàn về tới
Bình Ba, Phước-Tuy.
Tôi cũng không thể ngờ rằng, vì tôi đã từ chối không cho ông Ðại tá Tỉnh
trưởng Long-Khánh đi theo Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân mà chỉ vài tiếng
đồng hồ sau thì Ðại tá Phạm Văn Phúc đã bị địch bắt sống khi ông đang
trên đường lui binh.
Ông tiểu đoàn phó của tôi là Ðại úy Ngũ Văn Hoàn vì bị đau chân nên
không theo kịp đơn vị. Ông ta bị tụt lại đàng sau phải đi theo quân Dù.
Tới tối ngày 21 tháng Tư ông Hoàn mới tới chỗ chúng tôi trú quân.
Những anh lính người Nùng trong toán bảo vệ cho ông đại úy như Trung sĩ
Nông Văn Tụi, Binh 1 Vi Văn Trung và toán Viễn Thám của Binh 1 Nguyễn
Tuấn cũng không thấy về, không rõ họ đã bị thất lạc, hay họ đã chết trên
đường Liên Tỉnh Lộ số 2.
Ngày 21 tháng Tư năm 1975 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Người lên thay ông Nguyễn Văn Thiệu là Phó tổng thống Trần Văn Hương đã hết lời ca ngợi chiến thắng Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Hương đã ra quyết định thăng một cấp đặc
cách tại mặt trận cho tất cả quân nhân có mặt ở Xuân-Lộc trong suốt thời
gian dầu sôi lửa bỏng. Trận Xuân-Lộc đã trở thành chiến thắng oanh liệt
sau cùng của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.
Chiều 22 tháng 4 năm 1975 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân về tới Long-Bình.
Tôi được tin báo rằng hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân dưới quyền
chỉ huy của Thiếu tá Trần Ðình Ðàng đã được bốc về đây ngay sau khi bị
Cộng Quân đẩy lui ra khỏi phi trường Phan-Thiết. Ngày đó đoàn trực thăng
đi đón một Lữ Ðoàn Nhảy Dù ở mặt trận Phan Rang đã không liên lạc được
với quân Dù nên phải về không, trên đường về họ đã xuống cứu đơn vị Biệt
Ðộng Quân của Thiếu tá Ðàng.
Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân nằm ứng
chiến sẵn sàng trong căn cứ Long-Bình, trong khi người thủ đô Sài-Gòn
cuống cuồng tìm đường đưa gia đình di tản.
Giữ lời ước nguyện, anh em của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã không lìa
bỏ nhau. Ngày 28 tháng Tư năm 1975 tôi dẫn quân vào vùng. Cho tới trưa
30 tháng Tư năm 1975 chúng tôi vẫn còn vững tay súng, sát cánh bên nhau,
cùng nhau đi tới cuối đường để bảo vệ quê hương.
Trong 48 giờ cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt-Nam, hơn một trăm người
anh em Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi đã phơi thây trên chiến địa.
Trong số những anh hùng vị quốc bị nghiền nát dưới bánh xích chiến xa
T54 của quân thù có Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, Tiểu đoàn phó của tôi và Binh 1
Lê Văn Bích, người nấu cơm cho tôi.
Trong cuộc chiến tranh này, tôi đã cố gắng hết sức mình để làm tròn nghĩa vụ một công dân Việt-Nam Cộng-Hòa. Là một người lính, tôi đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng để bảo vệ đất nước, bảo vệ danh dự Quân Ðội.
Vì thế, suốt những năm dài bị giam giữ, tù đày, lúc nào đầu tôi cũng ngửng cao.
Mười ba năm sau khi thua trận, tôi được tha về.
Cám ơn Trời! Vợ con tôi vẫn còn là của tôi.
Thời buổi ấy, kỷ niệm chiến chinh của dĩ vãng, hầu như đã quên; suốt ngày tôi chỉ lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền.
Thế rồi số phận đổi thay, tôi được nhận vào định cư ở Hoa-Kỳ theo diện H.O.
Qua tới Mỹ, tôi có dịp gặp lại những người chỉ huy cũ của chiến trường Xuân-Lộc, Long-Khánh năm 1975 là Thiếu tướng Lê Minh Ðảo, Ðại tá Hứa Yến Lến, Ðại tá Lê Xuân Hiếu, Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh, và Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế.
Từ đây, tôi biết tin Trung tá Trần Văn Nô Thiết đoàn trưởng Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh đã qua đời vì bạo bệnh sau khi được tha về từ trại cải tạo.
Tôi cũng nghe tin, chỉ một ngày sau lệnh buông súng đầu hàng, thì anh bạn của tôi là Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3/43 Bộ Binh đã bị Việt-Cộng tìm tới tận nhà, đánh gãy hai chân rồi đem đi thủ tiêu mất xác.
Tướng Ðảo cũng cho chúng tôi hay, cựu Ðại tá Phạm Văn Phúc sau ngày ra tù thì tình nguyện ở lại Việt-Nam và đã qua đời.
Ở Hoa-Kỳ, hiện thời cựu Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh đã phải ngồi xe lăn, đi đâu cũng cần người phụ giúp.
Cựu Ðại tá Lê Xuân Hiếu và tôi thì chọn cuộc sống âm thầm, ẩn dật, chỉ giao thiệp với một số bạn bè giới hạn.
Còn cựu Thiếu tướng Lê Minh Ðảo, Ðại tá Hứa Yến Lến, và Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế lại thường xuyên xuất hiện trước công chúng, họp mặt với các hội đoàn.
Tướng Ðảo hay nói với tôi và anh Hiếu câu này:
“Mình là chứng nhân của lịch sử. Mình không kể lại, không nói ra, thì ai sẽ thay mặt cho mình đây?”
Hằng năm, cứ tới gần ngày 30 tháng Tư, thì cựu Thiếu tướng Lê Minh Ðảo lại bận rộn với những buổi thuyết trình, họp báo.
Nhân dịp này, đồng bào Việt Hải Ngoại lại được nghe Tướng Ðảo tường thuật lại diễn tiến từng ngày của chiến thắng lẫy lừng Xuân-Lộc năm xưa.
Trong những buổi họp báo đó, thế nào Tướng Ðảo cũng nhắc tới Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của Thiếu tá Vương Mộng Long như là một bất ngờ của trận đánh này.
Có một lần, khi trả lời phỏng vấn, vị cựu Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh đã cao hứng, khen Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là một đơn vị có cung cách đánh giặc thật “Thần Sầu”.
Tôi nghĩ rằng ở thế giới bên kia, linh hồn những người đàn em của tôi đã nằm xuống vì đất nước sẽ rất vui khi nghe được những lời tuyên dương của ông Tướng Tư lệnh Mặt Trận Long-Khánh.
Với người khác thì Thiếu tướng Lê Minh Ðảo là “Tư Lệnh” là “Người hùng” vì Tướng Lê Minh Ðảo là linh hồn của chiến thắng Xuân-Lộc lẫy lừng. Thiếu tướng Lê Minh Ðảo là người ở tù cải tạo lâu năm nhất. Sang Mỹ, ông cũng là một chiến sĩ chống Cộng không mệt mỏi. Ông Lê Minh Ðảo còn là một thuyết khách, đồng thời là một nghệ sĩ tài hoa.
Nhưng với riêng tôi, thì ông Ðảo lại là một người anh mà tôi thực lòng quý mến.
Ngoài tình đồng môn Võ-Bị, tình chiến hữu, giữa tôi và Tướng Ðảo còn những kỷ niệm khó quên trong thời gian chúng tôi chung sống khi bị giam giữ tù đày ở Trại cải tạo Nam-Hà A, ngoài Bắc-Việt.
Từ lâu rồi, ông Ðảo đã là “Anh Tư” của vợ chồng tôi.
Theo thông lệ, hàng năm chúng tôi đều hẹn gặp Thiếu tướng Lê Minh Ðảo một lần ở tư gia của Ðại tá Lê Xuân Hiếu dưới Portland, Oregon, để tâm tình và thăm hỏi nhau.
Mỗi khi gặp lại, tôi đều phải “báo cáo” với “Anh Tư” tình trạng hiện thời của cháu Tiên Giao, đứa con gái thứ ba của tôi, mà tên nó đã trở thành danh hiệu truyền tin của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975.
Trong số một vài người mà tôi coi là thân thiết thì Anh Tư là người độc nhất biết tường tận từng bước trưởng thành của cháu Tiên Giao, từ khi nó bắt đầu vào đại học cho tới ngày nó trở thành một manager của một công ty lớn, rồi có gia đình, và có một cháu trai.
Lần chúng tôi gặp nhau gần nhất là tháng 9 năm 2014.
Từ năm 2015 chúng tôi không còn hội họp ở nhà anh Hiếu nữa, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm nhau.
Và mỗi năm, theo thói quen, cứ tới ngày đầu tháng Tư tôi vẫn không quên vấn an vị cựu Tư lệnh chiến trường Long-Khánh; lần nào tôi cũng được nghe ông cổ vũ:
“Bây giờ em không còn súng! Nhưng em còn cây bút! Em cố gắng nói cho đồng bào mình, cho con em mình và thế hệ mai sau biết rằng, anh em ta đã đem hết sức mình để phục vụ quê hương, phục vụ đồng bào! Cố gắng nghe em!”
Cuối tháng Ba năm 2020 trên vòm trời Bắc Mỹ có một vì sao rụng.
Hằng Minh đã ra đi rồi!
Thế là từ đây, con chim đầu đàn của chiến trường Xuân-Lộc, Long-Khánh tháng Tư năm 1975 mãi mãi xa bầy.
Giờ này ở nơi thế giới mới xa thăm thẳm, Anh Tư có còn nghe được tiếng của em không?
“Hằng Minh đây Tiên Giao gọi! Tháng Tư lại về rồi! Hằng Minh ơi!”
Vương Mộng Long - K20
No comments:
Post a Comment