* CQ tấn công vào phía Nam thị xã Xuân Lộc
Trong ngày 17 tháng 4/1975, các đơn vị thuộc 3 sư đoàn 3, 6, 7 Cộng quân tiếp tục mở các đợt tấn kích vào phòng tuyến phía Nam thị xã Xuân Lộc do 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1 Dù án ngữ. Những pha cận chiến giữa chiến binh Nhảy Dù và CQ đã diễn ra quanh các vườn cây rộng mênh mông của khu vườn cây của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ, nằm sát đường rầy xe lửa. Không quân đã thực hiện nhiều phi tuần F-5 và A-37 oanh kích vào vị trí đóng quân của một trung đoàn Cộng quân trong khu vườn này.
* Phòng tuyến Bình Thuận
Tại
phòng tuyến Ninh Thuận-Bình Thuận, sau khi CQ chiếm Phan Rang, bộ Tư
lệnh Quân đoàn 3 Tiền phương và Sư đoàn 6 Không quân đã hoàn toàn tê
liệt sau khi Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Sang bị bắt.
Theo lệnh của tân Tổng trưởng Quốc phòng VNCH Trần Văn Đôn, Quân đoàn 3
lập tuyến phòng thủ tại Phan Thiết. Chỉ huy mặt trận Phan Thiết là Chuẩn
tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh từ Phan Rang rút về. Lực
lượng phòng thủ thị xã Phan Thiết do Ttrung đoàn 6 của Sư đoàn 2 BB và
lực lượng Địa phương quân của Tiểu khu Bình Thuận phụ trách.
Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975 (4-6)
Phần 4
Người ta nói trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975 cả hai ông Tướng
Hoàng Cầm và Lê Minh Ðảo đều được đánh giá là toàn hảo. Cả hai vị chỉ
huy Nam Quân và Bắc Quân đều đã bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị
trận đánh này.
Nếu không có những biến chuyển bất ngờ thì chắc chắn trận Xuân- Lộc sẽ
diễn tiến đúng theo bài bản đã dựng sẵn của cả hai ông tư lệnh.
Chiều hôm qua trong lúc vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn để xin mấy bộ bản đồ
Xuân-Lộc và cái đặc lệnh truyền tin, tôi đã được nghe Ðại tá Hứa Yến Lến
kể sơ lược tình hình bạn và địch trong vùng.
Lực lượng bạn gồm có Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, và lực lượng Ðịa Phương Quân
của Tiểu khu Long-Khánh, nay được tăng cường thêm một đơn vị Biệt Ðộng
Quân duy nhất là Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi.
Qua lời Ðại Tá Lến, tôi biết thêm, trong thời gian vừa qua Chuẩn tướng
Lê Minh Ðảo đã bỏ công thiết trí nhiều vị trí chỉ huy tiền tiêu, phòng
khi chiến trận xảy ra, bộ chỉ huy hành quân có thể di động từ vị trí này
tới vị trí kia. Pháo binh cũng di động không ngừng. Ðặc biệt là khi bắn
phá thì tập trung hỏa lực để tăng cường hiệu quả.
Về phía địch thì hầu như ai cũng hay, sau khi thanh toán xong Vùng 1
Chiến Thuật và Cao-Nguyên Vùng 2 của Việt-Nam Cộng-Hòa, Cộng Quân đã có
đủ trong tay yếu tố tất thắng gồm cả nhân lực và khí tài.
Bản tin tình báo do Phòng 2 Quân Ðoàn III cung cấp cũng ghi rõ, người
chỉ huy binh đoàn Cộng Quân sẽ tiến công Xuân-Lộc là một danh tướng của
Miền Bắc, Thiếu tướng Hoàng Cầm.
Tôi đã biết Hoàng Cầm là người từng chỉ huy các đơn vị Cộng-Sản đánh
chiếm căn cứ Biên Phòng Bu Prang ở làng Bù Bông, Quảng-Ðức cuối năm
1973.
Hoàng Cầm cũng là người chỉ huy trận Phước- Long đầu năm 1975. Ngày đó
tôi đang trấn giữ vùng giáp ranh Quảng-Ðức và Phước-Long; những quân
nhân thoát chạy từ Phước- Long về Quảng-Ðức phần nhiều đều do đơn vị
dưới quyền tôi tiếp cứu, trong số đó có ông Thiếu tá Cảnh-Sát
Quốc-GiaPhước-Long tên là Tư.
Từ cuối năm 1974 tôi đã từng đối mặt với Trung Ðoàn 271 trực thuộc Sư
Ðoàn 7 Cộng-Sản Bắc-Việt của Hoàng Cầm trong một thời gian khá dài.
Vài ngày, trước khi rút khỏi Quảng-Ðức, tôi đã đánh cho đơn vị này một trận thất điên bát đảo.
Hiện thời, tại chiến trường Long-Khánh, dưới quyền Thiếu tướng Hoàng Cầm
có 3 sư đoàn bộ binh cùng với một trung đoàn xe tank và một trung đoàn
pháo binh. Ðó là chưa kể tới lực lượng địch dự bị tăng viện cho mặt trận
này có thể lên tới cấp quân đoàn.
Ai cũng biết ba yếu tố quyết định thắng lợi của một trận đánh là: “Thiên Thời, Ðịa Lợi, và Nhân Hòa”
Trong chiến dịch này, Tướng Hoàng Cầm đã nắm chắc hai trong ba yếu tố quan trọng trên.
1) Về “Thiên Thời” bây giờ đang tiết cuối Xuân, đường sá khô ráo, việc
vận hành quân lương, binh lính và cơ giới thật thuận tiện.
2) Về “Ðịa Lợi” xung quanh Xuân-Lộc là rừng lá xanh rì, dù có bay rà sát
đọt cây, trinh sát cơ của Việt-Nam Cộng-Hòa cũng khó mà tìm ra vị trí
trú quân của những binh đoàn Cộng-Sản.
Trong khi đó thì Thị trấn Xuân-Lộc của Việt-Nam Cộng-Hòa lại nằm phơi
mình lồ lộ, đứng từ xa mà dùng ống nhòm, người ta có thể thấy từng nóc
nhà, từng khu phố.
Cũng vì có “Ðịa Lợi” nên Hoàng Cầm có thể tự do đi đâu thì đi, có thể
đích thân điều nghiên thực địa, rồi chọn lựa mục tiêu. Từ đó, ông ta
biết được nơi nào có thể đánh, nơi nào không cần đánh.
Trong thiên “Hư Thực” còn gọi là thiên “Biến Hóa” của Tôn Tử Binh Pháp có ghi:
“Người giỏi đánh, quân địch không biết đâu mà giữ. Người giỏi giữ, quân địch không biết đâu mà đánh.”
Hoàng Cầm là một tướng tài, ông ta là “Người giỏi đánh, quân địch không biết đâu mà giữ.”
Dù cho không phải là Hoàng Cầm, mà bất cứ người cầm quân nào cũng phải
biết rằng, “Ðánh mà chắc chắn lấy được, phải đánh vào chỗ họ không giữ.”
Bởi vậy, khi thấy con hẻm chiến thuật bên hông phi trường Xuân-Lộc đã bị
lực lượng trú phòng chẳng những “không giữ” mà còn coi nhẹ, bỏ quên,
nên Hoàng Cầm đã “biến hóa” nó thành một lưỡi dao găm để đâm một nhát
trí mạng xuyên qua trái tim của thị trấn.
Nhưng đâu ngờ ngày đó trong số những người chỉ huy phòng thủ cũng có “Người giỏi giữ, quân địch không biết đâu mà đánh.”
Người đó đã nhìn ra sự lợi hại của con hẻm này, nên đã “biến hóa” nó
thành tử lộ đón chờ những chiếc tank T54 của Hoàng Cầm sẽ đi qua.
Tóm lại, sự thắng bại trên mỗi chiến trường không chỉ do tài thao lược
của cấp chỉ huy, do tay nghề và lòng quyết chiến của người lính, mà nó
còn phụ thuộc vào những nước cờ “biến hóa” đúng thời, đúng khắc của
người cầm quân.
Gần tối ngày 7 tháng Tư, giữa cái nhà vòm có mái tôn rộng thênh thang,
tôi ngồi một mình với chai bia cổ cao. Thường thì người đối ẩm của tôi
là Thiếu úy Ðặng Thành Học. Giờ này chú Học còn bận gài mấy quả mìn chưa
về.
Có tiếng động cơ xe gắn máy hướng sân bay, rồi tiếng léo nhéo từ cái lô
cốt ngoài cổng chính, người to tiếng là Ðại úy Ngũ Văn Hoàn,
– Mi cứ vào trình diện ổng đi! Chắc ổng không la đâu!
Rồi ai đó nói nhỏ hơn,
– Nhờ Hoàng Long dẫn em vào gặp Thái Sơn! Vào một mình, em sợ lắm!
– Hồi sáng mày ngon lắm mà! Sao giờ này lại “thỏ đế” vậy! Rồi! Ði! Ði theo tao!
Ðại úy Hoàn, danh hiệu là Hoàng Long, chân chưa kịp cột dây giày, bước
thấp bước cao, đang đi về phía tôi, sau lưng ông là một người tôi chưa
nhìn rõ mặt.
Ông Hoàn nói,
-Thằng Thọ vừa về lại tiểu đoàn. Nó không dám vào gặp Thái Sơn, nó nhờ tôi dẫn nó trình diện Thái Sơn đây!
Thấy Binh nhì Phan Thọ cứ nép mình sau lưng ông Hoàn, tôi lấy làm lạ, bỏ chai bia xuống rồi nhẹ nhàng,
– Sao mi không đi luôn mà còn về đây làm chi vậy?
Anh Binh nhì nấu cơm của tôi lúc này như vừa hoàn hồn, hết sợ, ào tới ôm chân tôi rồi khóc,
– Hu! Hu! Hu! Em đâu có bỏ Thái Sơn! Em chỉ chạy về thăm má em rồi em trở lại! Em đâu có bỏ ông thầy!
– Ủa! Nhà mi ở gần đây à? Sao không xin phép về thăm mà vội vàng bỏ súng
chạy đi, làm cho anh em cứ tưởng rằng mi bỏ hàng, bỏ ngũ?
– Dạ! Nhà em ở sát bến xe. Má em bán bún trong chợ. Tại vì Thái Sơn ra
lệnh cấm quân, em đâu dám xin phép! Em cũng không dám “dù” về thăm má.
Sáng nay nhân lúc Thái Sơn không có mặt, em đánh liều chạy về nhà. Anh
Hai em có cái xe đò. Cả nhà em đã chuẩn bị, sáng mai thì chạy về Hố-Nai.
Anh Hai em và mấy đứa em của em đều khuyên em đi theo gia đình. Nhưng
em biết rằng giờ này Thái Sơn không còn ai thân thuộc. Em không nỡ bỏ
Thái Sơn. Má em cũng nói, tùy ý em, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Nhưng
em biết ý má muốn em ở lại với Thái Sơn. Có điều… có điều… một ngàn đồng
của Thái Sơn, em tiêu mất hai trăm rồi! Thằng xe thồ đòi hai trăm tiền
công chở em từ chợ về đây. Tám trăm còn lại, em đã đưa cho Hoàng Long để
trả lại cho Thái Sơn!
Thằng em tôi vừa khóc sụt sùi, vừa nói một hơi không nghỉ. Rồi nó cầm
bàn tay phải của tôi, bóp bóp không chịu buông. Tôi thấy hình như bàn
tay lạnh giá của tôi vừa ấm lại. Ðồng thời cũng giây phút ấy, tôi thấy
hai mắt mình hơi cay cay…
Ðêm đó người căng võng, đắp mền cho tôi vẫn là thằng em Phan Thọ.
Sáng hôm sau, người pha cà phê cho tôi cũng vẫn là nó.
Cho tới năm ngày sau nữa thì Binh nhì Phan Thọ bị phòng không 12.8 ly
của Việt-Cộng bắn thủng ruột khi đang leo lên tháo khẩu súng đại liên
gắn trên chiếc chiến xa T54 vừa bị bắn cháy.
Chiến tranh đã tạo nên nhiều trang sử liệt oanh, quang vinh, nhiều tấm
gương hy sinh can đảm, những mối tình đẹp, những mối tình buồn, những
cuộc chia ly, những chiến công rất phi thường. Nhưng cũng còn có những
chuyện rất lạ thường phát sinh từ cái tình “huynh đệ chi binh” mà ra.
Chính vì cái tình “huynh đệ chi binh” đó, mà thầy trò tôi, dù gặp hiểm
nguy, dù cho sắp chết, cũng không nỡ lòng nào mà bỏ nhau.
Đ/Tá Hứa Yến Lến, Th/Tá Vương Mộng Long, Th/Tướng Lê Minh Đảo, Th/Tá Nguyễn Hữu Chế (USA 2009)
Tôi là một người đã trải qua một đời chinh chiến, những kỷ niệm in sâu trong tâm tưởng của tôi, suốt đời không quên được, chính là những chuyện liên quan tới ân tình của những thằng em dưới quyền tôi.
Tới tối ngày 7 tháng Tư, sau khi nghe Ðại tá Phúc báo cho biết rằng gần 5 giờ chiều hôm đó hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân đã được Chinook của Phi Ðoàn 237 bốc về thả ở phi trường Phan-Thiết, tôi bèn vào Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Long-Khánh, gọi cho Trung Tâm Hành Quân Quân Ðoàn III xin liên lạc với Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 để cám ơn.
Qua ba cửa ải là, một ông Chuẩn úy sĩ quan trực mà tôi không biết tên, tới ông Thiếu tá Nho, rồi đến ông Ðại tá Thọ, tôi mới được nói chuyện với Tướng Toàn.
Tôi cám ơn Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 đã nể tình tôi quen biết nên ông đã ra tay cứu vớt Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân của Vùng 2.
Ðầu máy bên kia tôi không rõ Tướng Toàn nghĩ gì, chỉ nghe ông “Ừ! À!” mấy tiếng.
Tới lúc tôi hỏi ông,
– Sao Trung tướng không đem toàn bộ Liên Ðoàn 24 về Long-Khánh cho tôi, mà lại để hai tiểu đoàn kia ở Phan-Thiết vậy?
Thì ông Toàn nổi dóa,
– Ð!M! Ðem tụi nó về Xuân-Lộc làm chi? Tau đâu cần tụi nó!
La hét xong, Tướng Toàn cúp máy.
Sau trận Long-Khánh, gặp lại nhau ở Bình-Ba, nghe tôi nhắc lại chuyện tôi đã làm cho ông nổi giận, khiến ông vì tự ái mà cứu hai tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân bạn, thì ông Toàn cười,
– Nếu hôm đó tau không ghé thăm mi, thì tau đâu có bị mi khích tướng? Tau đã để tụi nó chết trong rừng rồi! Tau là Tư lệnh Vùng 3! Tau đâu có trách nhiệm gì với Vùng 2? Không ai có quyền bắt tau phải bốc tụi nó cả! Tau chỉ cần mi thôi, nên tau bỏ tụi nó ngoài Phan-Thiết.
Tôi đâu có lạ gì ông Tướng Nguyễn Văn Toàn? Ông ta là người hứa đó rồi quên đó!
Ấy vậy mà lúc này đây, lần đầu tôi thấy ông ta tỏ ra là một người coi trọng nghĩa khí, đã hứa thì phải làm, đã nợ thì phải trả.
Tôi sẽ mãi mãi không quên cái phong cách giang hồ trượng nghĩa mà Trung tướng Nguyễn Văn Toàn đã đối xử với tôi, và các đơn vị dưới quyền tôi ngày ấy.
Như vậy là từ giờ phút này, điều băn khoăn, áy náy nhất của tôi đã được giải quyết, tôi đã không còn phải lo lắng gì tới số phận của hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân nữa.
Mặt khác, tôi cũng đã yên tâm về mặt trang bị, vì chỉ sau một ngày, chúng tôi đã được cấp phát gạo, đạn, giày vớ, và điện trì đầy đủ. Dù không nhận được khẩu súng cộng đồng nào, chúng tôi vẫn có thể coi như một tiểu đoàn khinh chiến, dạn dày kinh nghiệm, đủ sức chiến đấu trong bất cứ tình huống nào.
Sáng ngày 8 tháng Tư tôi đang ngồi bên cái lô cốt cổng chính, uống cà phê cùng ông tiểu đoàn phó thì một anh lính tay cầm chiếc radio nhỏ chạy ào tới, miệng lắp bắp,
– Trình Thái Sơn, Sài-Gòn có loạn! Sài-Gòn có đảo chánh!
Tôi giựt cái máy thu thanh trên tay người lính. Trong máy, là tiếng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang kêu gọi toàn dân, toàn quân hãy đoàn kết sau lưng ông để chống lại một cuộc dấy binh lật đổ ông.
Tiếp đó là nhạc quân hành, giống y như cảnh đã xảy ra nhiều năm trước đây, khi chính trường có biến động.
Tôi rời cái pháo đài, đi một vòng ra lệnh cho anh em tu sửa hệ thống hầm hố và giao thông hào, cốt ý là để cho họ bận bịu công việc mà đừng bàn tán xôn xao về những tin tức phát đi từ thủ đô Sài-Gòn.
Ðại úy Hoàn đi kế bên, nhìn tôi dọ dẫm,
– Thái Sơn nghĩ sao, nếu có đảo chánh?
Tôi là người có quá nhiều kinh nghiệm với những vụ đấu đá của các sứ quân thời hậu đảo chánh năm 1963, và tôi đã từng là nạn nhân với nhiều năm sống xấc bấc, xang bang vì dính líu tới mấy chuyện này rồi.
Tôi buột miệng,
– Buồn quá! Sắp mất nước tới nơi mà mấy ông to đầu còn lo tranh giành nhau!
Tới trưa thì mọi chuyện sáng tỏ, không có đảo chánh, mà chỉ có chuyện một phi công nội tuyến đem bom thả xuống dinh Ðộc-Lập.
Tôi tản bộ ra khỏi vòng rào, ghé thăm Thiếu úy Thủy và Ðại Ðội 4/82, rồi tiện thể đi quan sát cây cầu nằm cách bờ rào hướng Ðông Nam của Trại 181 Pháo Binh không xa.
Tôi còn hai quả mìn chống chiến xa và vài cuộn concertina chưa dùng tới, nên tôi giao cho Ðại Ðội 4/82 lo gài mìn và rào kín một đầu cầu. Cẩn tắc vô áy náy! Dư vật liệu chống tank thì ta cứ đề phòng trước là hơn.
Khoảng hai giờ chiều, trong máy truyền tin, trên tần số của Chiến Ðoàn 43 có tiếng Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo,
– Tiên Giao đây Hằng Minh!
– Hằng Minh đây Tiên Giao nghe!
– Em đang ở đâu vậy? Qua muốn gặp em ở đầu phi đạo.
– Tôi đang ở đó!
– Qua xuống ngay!
(Hằng Minh là danh hiệu của Tướng Ðảo, Tiên Giao là tên đứa con gái thứ ba của tôi, cũng là danh hiệu do tôi chọn cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân).
Chiếc C&C đáp, một người nhảy xuống đầu phi đạo, chiếc tàu bay đi. Tướng Lê Minh Ðảo vẫn gọn gàng, súng ngắn, nón sắt nhưng xuống đất mình ên, không có người hộ tống, không tùy viên, không máy truyền tin.
Ông Tướng thay vì đưa tay cho tôi bắt, lại dang tay ôm tôi một cái thật chặt rồi thả ra, cứ như phong cách của các ông chỉ huy Phương Tây.
Với cử chỉ thật là vồn vã, Tướng Ðảo vỗ vai tôi,
– Qua mới từ Long-Bình lên đây cốt ý là để thăm đơn vị của em vài phút rồi qua phải đi ngay.
Sau đó ông Tướng nhìn tôi, nhẹ giọng,
– Em đã cảm thấy okay với không khí ở đây chưa?
Thật hững hờ, tôi đáp lời ông,
– Cám ơn Chuẩn tướng! Ở đây chắc chắn là thoải mái hơn những ngày vừa đói, vừa đánh, vừa lui, ở trong rừng.
No comments:
Post a Comment