Sunday, April 14, 2024

Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975 (7 - Kết)


Phần 7

Ba công tác này phải được ba Viễn Thám Viên thực hành thật ăn khớp, nhịp nhàng. Thực hành mà trật nhịp thì cả toán Viễn Thám đó coi như khó mà thoát chết!

Nơi bìa rừng đột nhiên biến động!

Mặc cho chiếc tank cháy cản đường, những chiếc đi sau né sang một bên rồi tiếp tục tiến lên.

Khẩu Bazoka khai hỏa! Thêm một chiếc T54 nữa đứt xích!

Lúc này từ trong vòng đai phòng thủ của Chiến Ðoàn 43 cũng có nhiều họng súng nhắm vào đoàn T54. Lại thêm vài chiếc tank nữa bị hạ!

Nhưng, đoàn chiến xa bỗng đồng loạt tạt về bên trái hướng tiến. Vì bị tường đất phòng thủ che khuất, nên các chiến sĩ trụ trên vòng đai không còn thấy những chiếc xe tank, họ không còn có thể tiếp tục yểm trợ trực tiếp cho chúng tôi nữa.

Giờ này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bắt đầu lâm nguy! Hàng chục quả đạn 100 ly ào ào bay vào Trại 181 Pháo Binh và phi trường!

Tôi la lên,

– Anh em 1 mau vào núp sau các lô cốt! Còn tất cả anh em 2 và 3 men theo bờ rào rút ra đầu cầu!

Ra tới ngoài rào, tôi cho quân dàn theo cái rãnh thoát nước từ phi trường xuống đầu cầu, người này bố trí sát cánh người kia.

Bỗng đoàn chiến xa ngừng lại không tiến nữa. Chúng ẩn mình trong khu đồng tranh lòng chảo, nơi này nằm trong tử giác của những khẩu đại bác trong vòng rào của tỉnh.

Có tiếng Thiếu úy Học gọi cho tôi rồi báo cáo,

– Có mấy chiếc T54 bị bắn cháy đã được xe ủi đất của tụi nó kéo đi!

Tôi đánh liều chạy vào quan sát tình hình, quả thực ngoài kia có vài cái máy cày hạng nặng đang ì ạch kéo đi những chiếc chiến xa đã bị thương.

Tôi liên lạc được với Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3/43 Bộ Binh đóng trong vòng rào. Khẩu cối 81 ly của anh Dư đang rảnh, tôi yêu cầu anh bạn Dư bắn tập trung hai chục viên đạn nổ ngay nơi cửa rừng. Từ lúc đó cho tới chiều tối, không thấy chiến xa địch quay trở lại.

Chiều 10 tháng Tư tiếng súng trong thành phố có chiều lắng dịu. Ðại tá tỉnh trưởng báo cho tôi hay rằng cái tháp chứa nước đã bị chiến xa của Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh bắn sập, tụi Việt-Cộng nằm trên bể nước chết hết rồi!

Ông Tỉnh trưởng cũng thông báo cho tôi biết, từ tối 10 tháng Tư, Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của Long-An sẽ được điều động vào trong hàng rào tiểu khu để bảo vệ tiểu khu.

Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của Long-An đi rồi, tôi không còn quân giữ nửa phần hướng Tây của phi trường, nên đành gọi Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long rút hết về đóng quân với tôi, phi đạo Xuân-Lộc đành bỏ trống.

Rạng đông 11 tháng 4 năm 1975, khởi đầu ngày thứ ba của trận Xuân-Lộc, thành phố lại lãnh thêm một trận mưa pháo kích lâu chừng hơn một tiếng đồng hồ.

Tôi không biết những khu vực khác tình hình ra sao, riêng mặt trận Ðông Nam thị xã thì phi đạo Xuân-Lộc đã hứng ít nhất là vài trăm viên đại bác. Phi trường này bị bỏ trống từ tối hôm trước, nên quân bạn không có ai bị thương.

Lúc pháo binh địch vừa dứt thì khói tím bốc lên trong vườn chuối, thêm một T54 bị làm thịt. Hai toán chống tank của Ðại Ðội 3/82 đã ém quân chờ ở cửa rừng từ mờ sáng. Chiếc tank này đi riêng lẻ, có vẻ như đang bò ngu ngơ làm nhiệm vụ dò đường, nên chết liền tại chỗ.

Trưa ngày 11 tháng Tư lại có khói tím bốc lên trong vườn chuối, nhưng không thấy khói đen bốc lên, không nghe tiếng đạn nổ “Bùng! Bùng! Lép! Bép!” do xe tank bị cháy, mà chỉ có tiếng đại liên 12.8 ly “Chóc! Chóc! Chóc! Chóc!” giòn giã vọng lại.

Tôi lo lắng ngồi chờ hoài. Mãi tới xế chiều, một anh trưởng toán diệt tank của Ðại Ðội 3/82 mới về tới cái cổng sau của doanh trại.

Anh binh nhì này tay trái ôm vai phải máu còn đang chảy, vừa nhăn nhó, vừa nói, “Toán 1 của em mới bắn được thằng Việt-Cộng giữ đại liên trên xe tank thứ nhất thì bị chiếc xe thứ hai phát giác. Hai thằng bạn của em chết liền, còn em bị đạn trúng vai. Toán 2 lên cứu tụi em thì chết hết rồi!”

Có lẽ địch quân đã biết chiến thuật diệt tank của chúng tôi rồi, nên chúng đã tìm ra cách đối phó lại. Từ giờ đó, tôi không dám cho quân mạo hiểm vào khu vườn xoài, rừng chuối nữa.

Cũng lúc này Ðại tá Lê Xuân Hiếu báo cho tôi hay, ông vừa ra lệnh cho khẩu đội hỏa tiễn TOW chạy ra giúp sức cho tôi ngăn tank của địch. Ở trong vòng rào và tường đất phòng thủ, họ không nhìn thấy những chiếc chiến xa này.

Nghe nói có TOW tới trợ lực tôi mừng quá, vội leo ra khỏi cái rãnh thoát nước rồi đứng chờ.

Chỉ mấy phút sau chiếc Jeep chở khẩu đội TOW xuất hiện.

Ông chỉ huy khẩu đội TOW nón sắt, áo giáp dềnh dàng, chẳng biết cấp bậc gì, chậm rãi bước xuống xe.

Tiếng ông sang sảng,

– Chiến xa Việt-Cộng đâu? Các anh mau mau chỉ cho tui! Chiến xa Việt-Cộng …

Ông ta chưa dứt câu thì, “Oành! Oành!” hai trái 100 ly của chiến xa Việt-Cộng đã bắn trúng một gian chứa máy bay L19, làm cho mái tôn bay tung toé, khói bốc mịt mù.

Theo phản ứng tự nhiên, để giữ mạng, tôi và hai anh lính cận vệ nhảy ào xuống cái rãnh nước bên đường.

Các ông xạ thủ hỏa tiễn TOW cũng bỏ xe mà nằm bẹp xuống mặt lộ để tránh bị văng miểng.

Trái 100 ly thứ ba rơi trên phi đạo, quét một vệt lửa kéo dài cả chục thước rồi đốn ngã một gốc điều lộn hột.

Một phút sau, thấy tình hình có vẻ yên, tôi ngóc đầu lên quan sát xung quanh, thì thấy mấy ông xạ thủ TOW đang vội vàng giành nhau leo lên xe.

Thấy tôi đứng giương mắt ngó, ông khẩu đội trưởng bèn lớn tiếng phân bua,

– Ở đây cũng không có xạ trường! Chúng tôi chẳng nhìn thấy gì cả!

Lúc này tôi cũng nhận ra, ngoài miếng đất cao ở đầu cầu Gia Liêu thì không chỗ nào có thể đặt TOW được, nếu đem TOW ra đầu cầu thì khẩu đội này sẽ không được tường đất bảo vệ, chắc chắn sẽ bị tank tấn công. Tôi đành khoát tay cho phép khẩu đội TOW rời vị trí.

Từ đó cho tới ngày trận Xuân-Lộc kết thúc, tôi không còn dịp tái ngộ khẩu TOW này nữa.

Chuyện khẩu súng chống tank TOW ra đi không làm cho tôi lo lắng bằng tin vừa nhận được là cây Bazoka 82 ly Trung Cộng đã bị đại bác 100 ly bắn nát rồi!

Chiều hôm đó Ðại tá Hiếu báo cho tôi hay, tin tình báo vừa ghi nhận có một đơn vị lớn của Cộng-Quân, không rõ phiên hiệu, mới được điều động tới vùng Ðông của xã Bảo-Ðịnh nằm trên Quốc lộ 1. Ông khuyên tôi nên lưu ý đề phòng. Sau đó, ông Ðại tá cũng hứa sẽ tìm cách kiếm thêm quân để gửi tăng viện cho tôi.


Vợ chồng cựu Th/Tá Vương Mộng Long nhận nón kỷ niệm của Sư Đoàn 18 BB

Tôi nghĩ rằng, nếu đêm nay địch đồng thời mở hai mũi giáp công chính Ðông và Ðông Nam thì tôi chỉ còn cách cho anh em, ai ở chỗ nào nằm chỗ đó mà tự vệ, vì không còn lực lượng nào trừ bị cả.

Ðể có địa thế tương đối tốt có thể chống lại một cuộc tập kích từ hướng Nam, tôi cho quân căng hàng ngang từ bờ rào Trại 181 rồi cứ thế, kéo dài sát bờ Bắc suối Gia Liêu.

Con suối này không sâu lắm, bên hướng Bắc là vườn điều lộn hột, bên hướng Nam là một vạt cỏ trống trải, sau vạt đất trống là vườn cây chôm chôm và măng cụt. Mãi sau này tôi mới nghe biết tên của vườn cây này là Ðồn Ðiền Thống Tướng Lê Văn Tỵ.

Trời sập tối, tôi đang buồn vì chuyện năm anh lính diệt tank của Ðại Ðội 3/82 vừa chết mất xác thì Ðại Ðội 1/82 đã báo cáo rằng có tiếng chiến xa gầm rú vùng vườn chuối.

Tôi cho Ðại Ðội 1/82 bỏ phòng tuyến, rút vào cố thủ trong các pháo đài, chỉ để hai toán diệt tank nằm ở đầu hẻm, nơi chiếc PT76 bị cháy.

Ðồng thời, tôi liên lạc được với Ðại tá Hiếu, nhờ súng chống tank của Chiến Ðoàn 43 bắn tối đa vào khu vực này để ngăn địch.

Không lâu sau, ông chiến đoàn trưởng báo cho tôi hay đoàn chiến xa địch đã di chuyển về vùng Tây Bắc, nơi này là khu vực trách nhiệm của Chiến Ðoàn 52 Bộ Binh. Nghe xong tin này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Vào giờ đài BBC tiếng Việt bắt đầu phát tin thì Thiếu úy Phạm Văn Thủy Ðại đội trưởng Ðại Ðội 4/82 báo cáo rằng có nhiều ánh đèn pin lấp lóe trên hương lộ hướng Nam.

Tôi ở với Ðại Ðội 2/82 của Chuẩn úy Gấm cách cuối sân bay chừng một trăm mét, trước mặt tôi là con suối, xung quanh là vườn điều, cây cao, nên không nhìn thấy gì.

Tôi phải đem toán Viễn Thám của Mom Sol đi cùng tôi ra đầu cầu theo dõi tình hình. Rõ ràng bộ binh Việt-Cộng đang chuyển quân từ Ðông sang Tây.

Những chớp loé của ánh đèn pin không di chuyển mà lại nằm cố định như những cột mốc đánh dấu cho quân Việt-Cộng đi theo một hướng.

Tôi không có tiền sát viên pháo binh, muốn xin hỏa yểm phải gọi qua Chiến Ðoàn 43 Bộ Binh. Ðại tá Hiếu nói rằng, pháo binh trong vùng còn rất bận rộn, tôi không được ưu tiên vì chưa chạm địch.

Tôi mở tần số của Hằng Minh thì được biết pháo binh ở Tân-Phong cũng không rảnh.

Tôi mô tả tình hình địch cho Chuẩn tướng Ðảo, ông bảo tôi chờ sẽ có cách giúp đỡ. Mười phút sau tôi được tin sẽ có AC 119 cho tôi.

Cả tiểu đoàn chẳng có cái đèn pin nào để làm tín hiệu cho máy bay. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách là gỡ vách ván, cột gỗ từ cái nhà chứa L 19 ra đốt một đống lửa giữa sân bay nơi đầu phi đạo, rồi chỉ hướng cho AC 119 cứ hướng 180 độ, tầm xa một cây số mà tưới đạn.

Chiếc AC 119 mới bay được một vòng, thả xong mấy trái hỏa châu và phun được một tràng đại bác 20 ly xuống vườn chôm chôm, măng cụt, thì từ hướng núi Chứa Chan phòng không 37 ly của Việt-Cộng bắt đầu khai hỏa.

Thế là con rồng lửa AC 119 bỏ ngang nhiệm vụ yểm trợ cho Biệt Ðộng Quân, quay qua đánh nhau tay đôi với phòng không Bắc-Việt.

Ðêm cuối tháng 2 Âm Lịch, bầu trời tối đen, chiếc máy bay lại tắt hết đèn cánh, đèn đuôi, nên chẳng biết nó đang ở chỗ nào. Ðùng một cái, nó tưới đạn, “Ồ! Ồ! Ồ!” trên rừng lá.

Phòng không Việt-Cộng vội đổi hướng, “Bụp! Bụp! Bụp!” đại bác 37 ly nhắm mắt bắn theo đuôi những lằn lửa 20 ly của máy bay.

Chiếc AC 119 có vẻ thắng thế, vì nó ở trên cao, nhìn xuống biết ngay địch thủ đang nằm chỗ nào. Còn giàn phóng 37 ly của Việt-Cộng nằm trong rừng, nên xoay trở đã khó, lại thêm tầm quan sát bị hạn chế nên hai bên đánh nhau được chừng mười lăm phút thì không còn thấy 37 ly hoạt động nữa.

Chiếc AC 119 trở lại vùng, thả hỏa châu và bắn yểm trợ cho tôi chừng mười lăm phút nữa thì bay đi.

Chiếc Khủng Long AC 119 rời vùng, nhưng tôi vẫn ngồi trên bờ suối, thức gần như trắng đêm.

Ðâu ngờ mới mờ sáng ngày 12 tháng Tư, tôi vừa chợp mắt được vài phút đã nghe bên tai, tiếng súng tay nổ rền, đồng thời trong phi trường sau lưng tôi, là ánh chớp chói lòa của thủ pháo “Ùm! Ùm! Ùm!”

Thì ra, có một mũi Ðặc-Công Việt-Cộng đã chui ra khỏi xóm nhà hướng Nam sân bay Xuân-Lộc. Chúng vừa chạy vòng vòng trên phi đạo, vừa ném bộc phá vào căn nhà vòm chứa vật dụng tu sửa và làm vườn không có người canh giữ.

Tiếp đó, bọn này tràn qua đường băng, tung bộc phá vào dãy nhà chứa máy bay L19, khiến cho nhiều tấm vách và mái tôn bay tung.

Chưa kịp bén mảng tới cửa trại 181 Pháo Binh, đám Ðặc-Công này đã bị các chiến sĩ Ðịa Phương Quân Bình-Long bắn chết hết.

Ngay khi mặt trời vừa lên thì nơi khu rừng hướng Nam có tiếng súng lệnh: “Bép! Bép! Bép!” chen lẫn tiếng la hét, và bóng người thấp thoáng.

Phút sau, tôi thấy bên kia suối, một toán bộ đội Việt-Cộng xuất hiện. Dạo này địch có vẻ thích đánh nhau ban ngày và đánh công khai!

Trước mắt tôi, địch quân từng đợt hàng ngang tiến, trông chẳng khác một đơn vị bộ binh đang diễn tập trong quân trường!

Việt-Cộng đánh nhau kiểu này thì chẳng khác gì nạp mạng cho Biệt Ðộng Quân!

Bên kia suối, từng hàng người tiến lên thật nhịp nhàng. Những tên bộ đội Bắc-Việt quân phục màu xanh, nón cối cũng màu xanh, ôm súng ngang hông, sát vai nhau; có một điều quái lạ là chúng không bắn một viên đạn nào, cứ lừng lững tiến.

Chẳng lẽ bọn này là những con người máy? Hay chúng là những hình nộm biết đi!

Ðịch không bắn ta, nhưng ta vẫn phải bắn địch vì địch đang tiến lên, địch chỉ còn cách ta chưa đầy một trăm mét, ngay bên kia bờ suối!

Vì đóng quân một hàng ngang, tuyến phòng ngự không có chiều sâu, nên tôi cũng chỉ là một khinh binh, với khẩu M16. Ðằng trước tôi không có ai, đằng sau tôi cũng không có ai.

Hôm đó tôi bóp cò súng mà cảm thấy ngón tay mình hơi nhờn nhợn, không biết những sinh vật đang lừng lững xông tới để cho mình giết có phải là con người hay không!

Sau này, lần đầu được xem phim “The Walking Dead” tôi vẫn tỉnh bơ, không thấy sợ, chỉ vì mấy chục năm trước, tôi đã tận mắt chứng kiến những thây ma đang sát cánh bên nhau, hàng hàng, lớp lớp, đi từ vườn cây Thống tướng Tỵ ra bờ suối Gia Liêu một ngày tháng Tư năm 1975 ở Xuân-Lộc.

Ít hôm sau, qua cung từ của những tù binh, tôi mới biết lý do vì sao những người lính Bắc-Việt cứ ôm súng lừng lững đi lên mà không bắn; chỉ vì họ đã được học tập là vào Nam, họ không cần phải đánh nhau, chỉ cần xếp hàng mà tiến vào “tiếp thu” những phi trường, quận lỵ và thành phố mục tiêu.

Sáng hôm đó, sau ba, bốn đợt tiến hàng ngang bị đốn ngã, đè lên nhau mà chết thì Cộng Quân có vẻ đã chùn bước.

Thấy vậy, tôi cho anh em cứ nhắm mắt bóp cò, đuổi bọn chúng đi càng xa càng đỡ lo.

Bắn địch bằng súng tay được chừng nửa giờ thì tôi được Hằng Minh đích thân thông báo rằng tôi sẽ có pháo binh yểm trợ tập trung.

Tọa độ vừa gửi đi không lâu, thì cả một vùng cây cối sum sê bên kia suối bị đạn đủ loại đánh cho tan tành, tơi tả.

Hằng Minh bay trên trời, hướng Tân-Phong, ông Tướng lớn tiếng thúc quân,

– Ðánh cho tụi nó tà đầu nghe em!
– Tôi nhận 5! Tụi nó tà đầu rồi!

Pháo Binh tàn sát cái đồn điền xong thì mặt trận trở lại yên tĩnh.

Tới mười giờ thì Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 tăng phái cho tôi một đại đội tác chiến trực thuộc Tiểu Ðoàn 3/43 Bộ Binh.

Anh trung úy đại đội trưởng đại đội này là một sĩ quan hiện dịch tôi không nhớ tên, hình như chú ấy xuất thân khóa 24 Võ Bị (?).

No comments:

Post a Comment