Friday, April 12, 2024

Mặt Trận Xuân Lộc 12 tháng 4 năm 1975

* CQ tung 4 sư đoàn vào mặt trận Long Khánh
-Trong ngày 12/4/1975, trận chiến tại Long Khanh đã trở nên quyết liệt khi Cộng quân tung thêm 1 sư đoàn có bí số CT 7 (công trường 7) vào mặt trận tại ngã ba Dầu Giây, 1 trung đoàn biệt lập và 1 trung đoàn thiết giáp thuộc khu miền Đông tấn công vào trung tâm thị xã.Kịch chiến đã diễn ra tại nhiều phòng tuyến vòng đai tỉnh lỵ Xuân Lộc của tỉnh Long Khánh.
-Tính đến ngày 12/4/ 1975, lực lượng Cộng quân tại mặt trận Xuân Lộc (tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh) và khu vực phụ cận có 4 sư đoàn chính quy: 431, CT 6 và CT 7, thuộc Quân đoàn 4, F3 tân lập (trong số các sư đoàn chính quy của Cộng quân, có 1 sư đoàn mang tên là CT3-Sao Vàng) ; lực lượng yểm trợ có 1 sư đoàn pháo binh, 2 trung đoàn thiết giáp và khoảng 3 tiểu đoàn đặc công.
* Lữ đoàn 1 Dù nhảy vào mặt trận Xuân Lộc
- Trước áp lực nặng của CQ, để đối đầu với 3 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo, 2 trung đoàn thiết giáp của CSBV, ngày 12 tháng 4/1975, bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tung lực lượng trừ bị cuối cùng vào trận chiến: đó là Lữ đoàn 1 Dù với 4 tiểu đoàn và tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù.

Mặt Trận Xuân Lộc 8 phần.
Phần 1

Tôi là một trong những chiến binh của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã có mặt trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975. Chiến thắng Xuân-Lộc là chiến thắng oanh liệt cuối cùng của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Nhiều năm sau chiến tranh, cứ tới tháng Tư thì trên truyền hình, truyền thanh, trên những trang báo giấy và báo điện tử, người Việt hải ngoại lại nhắc tới trận đánh này. Mỗi khi kể chuyện Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975, thì người ta không thể quên Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân.

Chúng tôi đã trải qua một thời gian nửa tháng trời ở đó; đã có mặt kể từ ngày mở màn, cho tới ngày kết thúc trận đánh này. Anh em chiến sĩ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã chiến đấu hết mình, đã sẵn sàng hy sinh tính mạng để cùng các bạn Sư Ðoàn 18 Bộ Binh tạo dựng chiến thắng để đời ấy.

Từ đó, những quân nhân của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh và Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trở thành thân thiết, coi nhau như anh em.

Mấy chục năm qua, nhiều tác phẩm liên quan tới trận Xuân-Lộc năm 1975 đã được những nhân vật trực tiếp tham chiến viết lại.

Qua những hồi ký ấy, hầu như độc giả đã được nghe kể một cách chi tiết diễn tiến từng ngày, từng giờ, của trận chiến, những cuộc chuyển quân, điều binh của cả đôi bên và kết quả những lần chạm súng.

Nhưng chắc chắn khó có ai biết rằng trong trận Xuân-Lộc năm 1975 lại có những điều không ngờ trước đã xảy ra, tỷ như chuyện Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân tình cờ có mặt tại đây. Ðôi khi chỉ vì một chuyện tình cờ mà có thể đưa tới kết cục thành bại của một chiến trường.

Cuối tháng Ba năm 1975 Quân Ðoàn II tan rã, Cao Nguyên Vùng 2 đã mất, nhưng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Vương Mộng Long vẫn tồn tại, vẫn can trường.

Từ Quận Kiến-Ðức, chúng tôi đã bẻ gãy vòng vây của Trung Ðoàn 271 Cộng-Sản Bắc-Việt để về bắt tay với quân bạn ở Thị trấn Gia-Nghĩa, Quảng-Ðức; tại đây các đơn vị trực thuộc Tiểu Khu Quảng-Ðức đã bỏ tỉnh lỵ một ngày rồi.

Bị chỉ định giữ vai trò tiên phong, dẫn đầu liên đoàn rút lui, tôi quyết định không dùng Liên tỉnh lộ 8 B để về Bảo-Lộc mà sẽ đi xuyên rừng theo phương giác từ.

Ngay ngày đầu triệt thoái, vừa qua sông Ða Dung, một trái lựu đạn nổ vì bất cẩn, ông Trung tá Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân bị một vết thương nhẹ ở ngực, đã rời vùng.

Hai ngày sau, thì ông Trung tá Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân cũng vội vàng leo lên trực thăng tải thương, bỏ đơn vị lại giữa rừng. Từ hôm ấy, không còn ai thấy bóng dáng ông ta nữa; hóa ra ông Trung tá đào ngũ này đã nhanh chân chạy thẳng một lèo qua Mỹ!


Cựu Th/Tá Vương Mộng Long & cựu Th/Tướng Lê Minh Đảo (USA-2009)
Ảnh do tác giả cung cấp

Bắt đầu từ ngày thứ ba của cuộc lui binh, gánh nặng chỉ huy, lèo lái Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân đè nặng lên vai Thiếu tá Hiện Dịch Vương Mộng Long, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân dưới quyền chỉ huy của tôi đã vừa chiến đấu vừa tiến dần về hướng duyên hải. Kết quả công lao khó nhọc của tôi đã được đền bù: Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân là đơn vị duy nhất của Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 còn tồn tại và chiến đấu tới giờ phút chót để bảo vệ chế độ Cộng-Hòa.

Sau gần nửa tháng vừa đánh, vừa lui, ngày 5 tháng Tư năm 1975, qua tần số FM 47.70 trong máy PRC 25, tôi liên lạc được chiếc thám thính cơ L 19 bay trên trời.

Người bay trên L19 để đi tìm Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân ngày đó là Trung tá Nguyễn Khoa Lộc, một sĩ quan của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 3.

Theo lệnh của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Khu 3 thì Phi Ðoàn 237 Trực Thăng sẽ ưu tiên bốc Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trước, các đơn vị còn lại sẽ được chuyển vận sau.

Khoảng mười giờ sáng ngày 6 tháng Tư trên trời đã xuất hiện một đoàn trực thăng CH 47 dẫn đầu bởi một tàu chỉ huy UH 1 D và hai trực thăng võ trang. Tôi nhận được lệnh chuẩn bị bãi đáp.

“Biến mà không loạn” là phương châm chỉ huy của tôi. Cho dù cái chết kề bên, quân nhân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân vẫn răm rắp tuân theo lời cấp chỉ huy của họ.

Tôi cho quân nối đuôi nhau theo đội hình 5 hàng dọc. Sử dụng đội hình này, người chỉ huy vừa dễ đếm quân, vừa dễ chuyển quân thành hàng ngang sẵn sàng chiến đấu nếu bị địch tấn kích bất ngờ.

Lệnh phát ra từ chiếc tàu đang lơ lửng giữa trời:

“Yêu cầu các anh chuẩn bị 45 người!”

Dưới đất lập tức có 5 hàng dọc, 9 hàng ngang tiến ra đồng cỏ tranh.

Ðang trên đường sà xuống bãi, người phi công nói tiếp:

“Yêu cầu 5 người nữa!”

Dưới đất lại thêm một hàng ngang 5 người, nhập vào đoàn người phía trước.

Trên tàu lặp lại:

“Yêu cầu 5 người nữa!”

Dưới đất lại thêm một hàng ngang 5 người nữa tiến lên.

Chứng kiến cảnh này, người chỉ huy đoàn trực thăng bỗng la lớn:

"Tuyệt vời! Tuyệt vời! Kỷ luật của đơn vị này thật là tuyệt vời! Như vậy thì các bạn cứ xếp hàng 65 người một tàu! Không vũ khí nặng, cứ 65 người là okay!"

Nhiều chục năm sau, cựu Trung tá Nguyễn Phú Chính, Phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 237 Trực Thăng còn nhớ hình ảnh chúng tôi đã ra bãi, lên tàu như thế nào.

Mỗi khi nhắc lại chuyện bốc quân giữa rừng ngày ấy, thì anh Chính thường nói một câu nhận xét rất ngắn:

“Cung cách tay này chỉ huy lính thì không chê vào đâu được!”

Xế trưa ngày 6 tháng Tư năm 1975 chúng tôi ghé lại phi trường Phan Thiết không lâu, vừa đủ thời gian cho phi hành đoàn ăn cơm và cho máy bay tái tiếp tế nhiên liệu.

Tại phi trường Phan-Thiết, kiểm quân, tôi phát giác ra một trung đội của Ðại Ðội 4/82 không có mặt. Trung đội này do Chuẩn úy Bảo chỉ huy. Chắc ông Bảo và hai chục ông lính khác còn kẹt trong rừng Blao cùng với số người còn lại của hai tiểu đoàn bạn là Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân.

Sau đó chúng tôi lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình.

Tới 5 giờ chiều ngày 6 tháng Tư năm 1975 thì năm chiếc máy bay Chinook CH47 hạ cánh trên phi đạo Xuân-Lộc.

Trừ ra một chiếc trực thăng có nhiệm vụ móc 5 thùng xăng rỗng bằng cao su tòn ten dưới bụng, bốn chiếc còn lại đều chở đầy quân.

Bốn chiếc Chinook này đã vận chuyển 260 quân nhân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân từ Vùng 2 vào tăng cường cho mặt trận Long-Khánh của Vùng 3 theo lệnh của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân-Ðoàn III.

Tôi là một trong số 65 người ngồi trên chiếc CH47 thứ nhất vừa hạ cánh.

Tới Xuân-Lộc, chúng tôi còn ngồi trên tàu, thì có lệnh cho một mình tôi xuống đất trình diện Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân Khu 3.

Nơi đầu phi đạo có hai chiếc xe Jeep đậu bên nhau. Tàu tôi đáp cách hai chiếc Jeep chừng ba trăm mét.

Một chiếc Jeep chạy tới đón tôi, người trên xe tôi quen, đó là Ðại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng tỉnh Long-Khánh. Ông Phúc là cựu sĩ quan Biệt Ðộng Quân.

Ðại tá Phúc nhảy sang ghế tài xế nhường chỗ cho tôi, rồi la lớn,

– Lên xe đi Long! “Cha” Toàn đang chờ Long đó!

Hai phút sau tôi đã đứng nghiêm trước mặt Tướng Toàn.

Ông Toàn giơ cái can chỉ huy quơ quơ trước mặt tôi,

– Ð! M! Không cần chào kính gì ráo! Tau hỏi mi chớ muốn ở đây làm trừ bị cho thằng Ðảo hay muốn về Sài-Gòn sát nhập vào Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 3?

Chỉ sau vài giây suy tính, tôi buột miệng,

– Trung tướng cho tụi tôi ở lại đây!

Nghe tôi xin ở lại Xuân-Lộc, Tướng Toàn vừa cười vừa nói,

– Thằng ni khôn! Mi là tàn quân của Vùng 2, nếu mi mà về Sài-Gòn, tụi nó (?) sẽ coi mi không đáng một xu teng! Tau biết mi giỏi nên cho mi xuống đây, làm trừ bị cho thằng Ðảo, không về Sài-Gòn nữa! Mi chọn ở lại đây là phải đó!

Sau đó Tướng Toàn leo lên xe; xe trở đầu chạy đi.

Tôi và Ðại tá Phúc quay trở lại chỗ hợp đoàn Chinook đang đậu. Sau khi ngỏ lời cám ơn phi hành đoàn, tôi ra lệnh cho anh em binh sĩ xuống tập họp trên bãi cỏ nằm sát phi đạo.

Năm phút sau, đoàn tàu rời sân bãi, bay về hướng Tây.

Khi anh lính cuối cùng đã đứng vào hàng, lệnh đầu tiên của tôi ban ra là:

“Cấm quân”

Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Dù bất cứ ở đâu, bất cứ trong tình trạng nào, nếu không giữ được kỷ luật thì quân đội không còn là quân đội nữa!

Vì thế, lúc nào tôi cũng coi vấn đề duy trì kỷ luật của tiểu đoàn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của người chỉ huy.

Chính vì cái kỷ luật thép của đơn vị, mà trong tình thế nguy kịch, chúng tôi vẫn ra bãi đáp, lên tàu, với phong cách như thế ấy.

Cũng chính vì cái kỷ luật thép của đơn vị, mà suốt thời gian nửa tháng trời chúng tôi tham chiến ở Xuân-Lộc, người dân của thị trấn này hầu như chưa từng nhìn thấy bộ quân phục rằn ri nào của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xuất hiện trong đường phố.

Dân mà còn không biết chúng tôi có mặt ở đây, thì chắc chắn Việt-Cộng cũng không biết gì về chúng tôi


Đ/Tá Hứa Yến Lến, Th/Tướng Lê Minh Đảo, Tr/Tướng Phạm Quốc Thuần,
Th/Tá Vương Mộng Long, Tr/Tá Nguyễn Văn Xuân – Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi cầm tờ giấy ghi tình trạng quân số hiện diện do ông Thượng sĩ thường vụ tiểu đoàn vừa trình lên. Chính xác thì quân số của tôi tổng cộng có 260 Biệt Ðộng Quân khởi hành từ Blao, trừ đi 2 quân nhân bị thương là Hạ sĩ Nguyễn Ba trưởng toán Viễn Thám và một anh lính của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân được phép ngồi lại trên tàu để tiếp tục về Biên-Hòa, thì số người xuống sân bay Xuân-Lộc chiều nay phải là 258 người.

Tới lúc các đại đội điểm mặt số quân nhân hiện diện để xem ai còn, ai mất, thì lòi ra một người lạ. Ông ta là một thiếu úy của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đứng trà trộn trong hàng ngũ của Ðại Ðội 4/82!

Cái ông thiếu úy của Tiểu Ðoàn 81 này nhanh chân quá!

Nhìn bộ dạng run rẩy sợ sệt của anh ta, tôi chợt nghĩ lại, có nhiều người cao cấp hơn anh ta nhiều mà gặp cảnh ngặt nghèo đã vội lo chạy thoát thân, bỏ rơi đồng đội, điển hình là ông Trung tá Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân đã leo lên trực thăng, đào ngũ giữa rừng, nên tôi chỉ đá anh ta một cái rồi đuổi đi thôi.

Bình thường mà gặp cảnh này, chắc chắn tôi không nhẹ tay đâu, mà hình phạt của tôi sẽ nặng hơn nhiều.

Ðại tá Phúc nói,

– Long cho anh em tạm nghỉ trong khu nhà chứa máy bay L19 nơi đầu phi đạo. Mình vào họp với ông Toàn và ông Ðảo rồi “moa” đề nghị cho tiểu đoàn của Long vào tiểu khu ở với “moa”.

Ðại tá Phúc và tôi vào tới sân Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh thì thấy nơi này đã có cả chục sĩ quan đang đứng lố nhố.

Những người này chỉ ngừng nói chuyện, khi Trung tướng Nguyễn Văn Toàn kéo tay tôi, đẩy tôi tới trước mặt một ông Chuẩn tướng,

– Tau vừa bốc thằng ni từ Blao về! Tau giao nó cho Ðảo! Ðể nó làm trừ bị! Okay!

Không thèm nhìn mặt tôi, vị tướng một sao quay qua ra lệnh cho một ông trung tá đứng bên, sau này tôi biết ông ta tên là Nguyễn Văn Xuân,

– “Toa” cho giải giới đơn vị này. Cho chúng nó ở tạm đâu đó, đừng để chúng nó ra phố phá làng, phá xóm!

Nghe ông Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh thốt ra những lời nói trên, tôi có cảm tưởng như vừa bị ông ta tát cho một cái ngay giữa mặt. Tôi đưa tay kéo áo Tướng Toàn,

– Ðược rồi! Cho chúng tôi về Sài-Gòn ngay! Chúng tôi không ở lại đây nữa!

Ðại tá Phúc vội vàng lôi tôi sang phía ông, rồi nói với ông Toàn,

– Trung tướng giao thằng Long cho tôi! Nó quen biết tôi, chúng tôi làm việc với nhau dễ dàng hơn.

Ngay lúc này, đứng cạnh chiếc xe Jeep Quân Cảnh có một sĩ quan đeo lon đen, tôi không nhìn rõ ông ta là trung tá hay đại úy, lớn tiếng góp ý,

– Muốn tránh chuyện cướp bóc thì phải giải giới! Không giải giới thì cho đi chỗ khác!

Bất thình lình, ông Tướng Tư lệnh Quân Khu 3 trợn mắt lên, giơ cao cái can chỉ huy nhứ nhứ mấy cái, rồi hét lớn,

– Tụi mi im cái mồm đi!

Thấy Tướng Toàn nổi giận, mọi người đều im re.

Tiếp đó ông Toàn dõng dạc từng tiếng một,

– Tau biết thằng ni! Không được giải giới nó! Thằng ni là dân kỷ luật số một! Ðó là lý do tại sao tau không đem nó về thẳng Sài-Gòn mà để nó ở lại đây! Tau nói là giao nó cho Sư Ðoàn 18! Ðây là lệnh! Thi hành đi!

Lúc này ông Chuẩn tướng Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh mới chìa tay ra cho tôi bắt,

– “Qua” tên là Lê Minh Ðảo. Nếu Trung tướng Tư lệnh đã giới thiệu em như vậy thì “qua” tin. Thôi! Không cần giải giới nữa!

Rồi ông chỉ tay về hướng một trong hai vị đại tá đứng cách đó không xa,

– Okay! Từ giờ em được đặt dưới quyền Ðại tá Hiếu!

Một ông đại tá người Bắc bước tới bắt tay tôi, niềm nở,

– Long cần gì thì cứ cho anh hay. Ðừng ngại ngùng gì cả!

Tướng Ðảo thân mật ôm vai ông sĩ quan vừa tới, rồi cười.

 
Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975 - Hội Quán Phi Dũng (hoiquanphidung.com)

No comments:

Post a Comment