Hắn thẫn thờ ngồi trên hòn đá cạnh cầu tàu của căn cứ, thả hồn nhìn theo cánh bèo trôi. Chiếc áo trận Hải Quân ướt đẫm dính sát vào người, hắn cảm thấy khó chịu và bực bội. Trời đã về chiều, tia nắng chỉ còn le lói qua cụm mây xám của trận mưa giông vừa qua đang cuồn cuộc bay về cuối chân trời tây. Hắn vừa ngắt từng ngọn cỏ bông lau, liệng xuống nước, vừa để cho những ý nghĩ trôi theo với cọng rong bèo trên giòng nước sông chảy mạnh.
Hắn không để ý đến ngón tay trỏ bắt đầu rướm máu vì vết cắt của lá cỏ lau. Hắn không cảm thấy đau và nhức nhối gì cả vì hắn đang bị dằn vặt bởi một cơn đau nhiều hơn, đau đến tận tim khảm, buốt giá cả tâm hồn. Nỗi niềm của một Sĩ phu nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan mà bất lực trước hoàn cảnh đó.
Nhìn giòng nước chảy, hắn liên tưởng đến một đoạn văn của một cây bút thời tiền chiến viết về một quan niệm nhân sinh, trong một truyện ngắn mà hắn đã đọc trong một chuyến hải hành tuần tiểu ngoài khơi : " Hãy nhìn những lá bèo đang trôi trên giòng nước chảy ra biển ngang qua nơi này và sẽ không bao giờ trở lại đây, cũng như chuỗi đời chúng ta trôi theo giòng thời gian, tuổi già chồng chất theo năm tháng và chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được."
Những ước vọng tương lai của tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết cho sự nghiệp, những chuẩn bị, xây đắp trong dĩ vãng, những niềm kiêu hãnh của cuộc đời, đến bây giờ sắp bị đổ vở như con dã tràng xây lâu đài cát trên bãi biển. Nỗi khổ và niềm đau uất nghẹn làm cho hắn tức tưởi khóc, hắn cảm thấy oán ghét nhiều, vì những lý do khác nhau. Hắn cảm thấy yếu đuối trước hoàn cảnh đất nước hiện tại.
Tất cả ở ngoài vòng kiểm soát của hắn và cuộc chiến đã đến giai đoạn không thể cứu vãn được nữa. Hắn biết sự sụp đổ này không phải do lỗi của những người yêu nước thề xã thân cho quê hương, hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng như họ đã cùng hắn quỳ tuyên thệ tử thủ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ tại sân Bộ Chỉ Huy Ðặc Khu Rừng Sát sáng hôm nay.
Những bản tin tới tấp gửi về từ miền Trung cho biết nhiều đơn vị lần lượt tan rã vì cấp chỉ huy đã bỏ chạy trước. Cuộc chiến lần lần tiến về kế cận Sài Gòn.
Hắn thở dài và phân vân, tình nhà nợ nước hai vai mang nặng và hắn không biết lần này phải tính sao cho trọn vẹn. Cho đến giờ phút này, hắn luôn luôn để công vụ và trách nhiệm trên tất cả những ưu tiên khác. Một nửa đàn con của hắn vì thế phải kẹt lại ở ngoài Trung khi Huế bị thất thủ và cho đến nay không biết sống chết như thế nào.
Hắn cảm thấy rất đau lòng nhưng hắn cũng đã chấp nhận, vì khi quyết định vào quân ngũ để trở thành cấp chỉ huy, hắn đã dứt khoát ấn định ưu tiên cho cuộc sống mới này.
ổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm là mạch máu nuôi sống bản thân hắn, là niềm hãnh diện khi nhận thức được cứu cánh của cuộc đời hắn đã gắn liền với trọng trách vô hình đó.
Máu trên ngón tay trỏ vẫn tiếp tục chảy, hắn vẫn tiếp tục ngắt cỏ bông lau, vẫn thẫn thờ nhìn cánh bèo trôi theo giòng nước đục ngầu của giòng sông Nhà Bè.
Bây giờ đã hơn sáu giờ chiều, từng tiếng súng pháo binh nổ từ hướng Cát Lái vọng về. Trên sông tàu thuyền tấp nập, lũ lượt xuôi ra biển.
Hắn mỉm cười khinh bỉ những kẻ tham sinh úy tử, chạy đông chạy tây để tìm đường thoát thân khi tình trạng đất nước chưa ngã ngũ như thế nào cả. Nhưng nghĩ lại thì mỗi người có một hoàn cảnh và một quan niệm sống khác nhau, họ đã sống như thế từ xưa đến nay, không có gì làm họ thay đổi được.
Hắn vừa suy nghĩ vừa đi về hướng Bộ Chỉ Huy, người Hạ Sĩ quan đưa tay chào rồi trình cho hắn một công điện của BTL/HQ. Sau khi đọc xong, hắn đưa lại cho người này rồi rảo bước về phía phi đạo nằm về phía sau căn cứ. Ðây là phi đạo được dùng cho những máy bay Cesna mà cố vấn Mỹ dùng trước đây. Sau này khi chuyển giao lại cho HQVN, phi đạo này không còn dùng nữa.
Trên phi đạo, gần nhà kho có hai chiếc máy bay trực thăng nằm cạnh nhau. Chúng nó bị bỏ lại sáng sớm nay, khi phi đội trực thăng từ phi trường Tân Sơn Nhất, bị địch pháo mạnh suốt đêm, bay xuống đây để xin tiếp tế xăng, rồi bay ra biển, nghe đâu là họ sẽ ra đảo Côn Sơn.
Hắn đến tận hàng rào kẻm gai để quan sát vị trí. Hắn quyết định sẽ gửi hai toán kích ra nằm tại hướng nhà dân và dưới mặt bờ sông.
Gió mát từ sông bắt đầu thổi vào làm cho rừng cỏ lau cuốn thành những gợn sóng nhỏ chạy dài trên rừng lau phía sau căn cứ, sóng cuốn lan dần về tận phía xa.
Cánh đồng hoang nầy đã được gắn mìn bẫy nên hắn cũng yên chí một phần nào, vì địch sẽ bị nhiều thiệt hại nếu chúng quyết định tấn công căn cứ từ hướng này.
Sau khi kiểm soát xong các tuyến canh phòng, hắn trở về phòng hành quân, ra chỉ thị cho Sĩ quan trực, chuẩn bị gửi nhân viên ra kích tại các vị trí hắn đã quyết định.
Trời bắt đầu chạng vạng tối, những con chim bồ câu làm tổ tại các mái nhà kho bắt đầu đứng ngắm người qua lại, đầu gật gù, rù rì tiếng chim nhỏ to.
Bỗng nhiên hắn nghe tiếng súng nổ lớn hơn, lạ hơn những tiếng pháo 105 ly quen thuộc của pháo binh bạn. Hắn đoán có thể đây là tiếng nổ của hỏa tiễn 122 ly của địch. Hắn đã từng nghe nhiều lần lúc còn chiến đấu tại tuyến đầu và hằng đêm phải xuống hầm trú ẩn vì địch pháo kích.
Và rồi từ phía Cát Lái, lửa bắt đầu cháy sáng rực cả bầu trời, tiếng súng nổ nhiều và liên tục hơn trước. Hắn biết địch đang tấn công mạnh vào Cát Lái.
Hắn chạy ra khỏi phòng hành quân, đi nhanh về phía bến tàu. Hắn thấy nhiều chiến đỉnh của Giang đoàn bạn đang phối trí trên mặt sông hướng về phía Cát Lái.
Từ xa nhiều chiếc thuyền cao su chở những quân nhân Hải Quân mà hắn biết là thuộc Liên Ðoàn Người Nhái, chạy về hướng cầu tàu nơi hắn đang đứng. Hắn vẫy tay chào lại một Sĩ quan mang cấp bậc Trung Tá, là bạn cũ từ ngày chiến đấu chung ở ngoài tuyến đầu.
Tàu cao su cập vào, hai đứa bạn ôm nhau, đã lâu lắm nay mới gặp lại người chiến hữu ngày xa xưa.
Anh bạn thông báo tình hình bi đát tại các mặt trận và tiên đoán Cát Lái sẽ không đứng vững trong vòng vài giờ nữa. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, anh bạn xin tiếp tế xăng cho các thuyền cao su để nhân viên có thể ra đến Vũng Tàu. Hắn bắt tay người bạn thật chặt, anh ta rất cảm động trước giây phút chia tay cuối cùng, vẫy tay chào nhau khi thuyền rời bến. Anh bạn ra khơi còn hắn ở lại chiến đấu.
Nhìn người bạn vội vã ra đi, lòng hắn thắt lại, có lẽ đây là lần cuối mình gặp nhau phải không bạn? Bạn có niềm tin và lý do của bạn, riêng hắn cũng thế, hoàn cảnh và lý tưởng đã buộc chặt hắn vào quyết định là không bỏ cuộc, mà đã đánh nhau đâu, chưa mà, khi còn nước ta vẫn còn tát, cho đến khi nào cạn sông cạn biển mới thôi. Ðau buồn lắm phải không bạn?
Cả hơn một triệu quân tinh nhuệ, Hải Lục Không Quân từng vang tiếng một thời khắp vùng đất Mẹ Việt Nam, thế mà nay vì một thiểu số người sai lầm, bị lung lạc, ủy mị, tham sinh, làm cho đất nước không còn sức kháng cự trước cuộc tấn công của kẻ thù.
Thật buồn thay phải không Mẹ, thật chán chường thay phải không hồn thiêng đất nước, thật tủi nhục thay phải không vong linh các Anh Hùng Liệt Sĩ giống nòi ?
Hắn cũng muốn tự hủy mình vì cảm thấy nhục nhã, nhưng chết trong giai đoạn này là chạy trốn trách nhiệm, vì vậy chẳng thà cứ tiếp tục nhịn nhục để chống trả đến hơi thở cuối cùng rồi có nằm xuống vĩnh viễn trong lòng đất Mẹ cũng vui lòng và hãnh diện với tổ tiên, khi gặp tại vùng lạ hư vô.
Tiếng ồn ào rộn rã phía Bộ Chỉ Huy đưa hắn về lại với hiện tại. Hắn đi nhanh về hướng sân cờ, sau đó hắn ra lệnh tập họp tất cả nhân viên, rồi dõng dạc thông báo tình hình cuộc chiến cho mọi người được biết.
Hắn tuyên bố cho phép những nhân viên nào muốn theo tàu ra biển, được phép rời khỏi đơn vị ngay từ giờ phút này và những ai tình nguyện ở lại để chiến đấu sẽ ra nằm tại các tuyến phòng thủ.
Sau khi giải tán, hắn được báo cáo chỉ có khoảng một phần ba quân số xin đi, số còn lại muốn tiếp tục chiến đấu cạnh vị chỉ huy của mình rồi đến đâu hay đó. Hắn cảm thấy rất là hãnh diện với các chiến hữu này và quyết định thả tất cả nhân viên bị phạt vì vô kỷ luật, khỏi nhà tù và trang bị vũ khí để họ cùng chiến đấu chung với bạn hữu.
Mọi việc vừa sắp xếp xong thì hắn được báo cáo là chiến hạm thuộc Hạm Ðội đang chạy ngang qua căn cứ đi về hướng Vũng Tàu.
Ðứng trên cầu tàu nhìn những chiến hạm Hải Quân chạy qua trước mắt, trên tàu nào là lính thủy, lính bộ binh, dân sự chen chúc hỗn hợp đông nghẹt trên bong trước, bong sau.
Ruột hắn như bị ai cắt xén thành từng khúc nhỏ, lòng đau thắt lại như bị cột chặt bởi sợi giây vô hình tủi nhục. Hắn muốn tìm một lý do để bào chữa cho những người trước đây là "chiến hữu", trong hoàn cảnh này, chỉ một lý do thôi để hắn thỏa mãn và tiếp tục xem họ là người đồng liêu quen biết, nhưng dù cố gắng mãi, hắn vẫn không tìm ra được một lý do nào khả dĩ chứng minh cho sự bỏ chạy như thế này cả.
Hắn biết trong tương lai, lịch sử và người Việt Nam sẽ phán xét gắt gao về hành động ra đi hèn nhát này.
Hắn đứng lặng im trong đêm tối, nhìn đất nước sắp tan biến dần trước mắt khi chiến hạm cuối cùng chạy qua khỏi cầu tàu. Hắn muốn níu kéo niềm tin đang xoá nhòa dần hồi trong tâm khảm.
Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng tuyệt vọng, sự thật là chúng ta không thua trận đánh tại chiến trường mà địch đã thắng vì chiến tuyến của ta tự tan rã.
Nghĩ lại hắn cảm thấy buồn cho những hậu bối của Ðức Thánh Trần, nhưng rồi khi nghĩ đến nhiệm vụ trước mắt mà hắn phải đương đầu, hắn quay trở vào phòng hành quân và tiếp tục liên lạc với các đơn vị bạn để phối hợp chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới của địch quân.
Thượng sĩ Quản Nội trưởng vào thông báo có một vị Sĩ quan xin gặp.
Hắn bước ra ngoài, bắt tay người Sĩ quan đàn em thân mến đã mang chiến đỉnh vào đón niên trưởng và thuyết phục hắn ra đi. Hắn mỉm cười cám ơn và vỗ vai người chiến hữu, nhắn nhủ vài lời rồi tiển anh ta xuống tàu trở về đơn vị đang di tản trên sông Soài Rạp.
Ðêm nay trời nhiều sao, vầng trăng khuyết chếch về hướng tây nam tỏa nhẹ tia sáng yếu ớt trên vòm trời sâu thẳm muôn trùng. Ngọn gió cuối mùa xuân thổi nhẹ từ phía sông làm bay mái tóc bồng bềnh của người con trai ba mươi bốn tuổi đời, mà trông già nhiều trước tuổi vì đã lớn lên trong cuộc chiến, đã chứng kiến và tham gia vào những biến cố của lịch sử.
Nhất là trong những giai đoạn gần đây, hắn đã là nhân chứng của cuộc đổi đời mà lòng người thay hình biến dạng một cách không thể tưởng tượng được làm cho hắn bồi hồi thắc mắc về quan niệm sống.
Hắn bước nhanh hơn, mồ hôi ướt đẫm vì không khí oai bức.
Hai quả lựu đạn loại nhỏ đeo trên ngực áo giáp nhún nhảy theo bước chân đi, hắn nắm chặt tay súng M18 quen thuộc, đã làm vật tùy thân cho hắn từ ngày chiến đấu tại vùng tuyến đầu hơn ba năm về trước. Thép súng lạnh chuyền qua lòng bàn tay tạo cho hắn một niềm tin mạnh hơn.
Với kinh nghiệm chiến trường và tinh thần quyết tử, hai yếu tố chính giúp hắn xem thường những hiểm nguy và những gì có thể xảy đến cho hắn.
Hắn đã về đến phòng hành quân và nhận báo cáo từ các tuyến phòng thủ, tất cả đều yên tỉnh.
Ðơn vị bạn cho biết đã phối trí ba Tiểu đoàn Ðịa phương quân trấn thủ tại các vị trí quan trọng và địch chỉ pháo kích lẻ tẻ, không gây thiệt hại đáng kể.
Hắn biết thời điểm tấn công của địch có thể bắt đầu vào nửa đêm theo như kinh nghiệm tác chiến của hắn. Ðịch có đến sáu giờ để chuẩn bị chiến trường trước khi trời sáng.
Quả nhiên như dự đoán, vào khoảng hơn 1145 tối, hắn đã bắt đầu nghe tiếng pháo nổ lớn về phía kho xăng Nhà Bè và trước khi một ngày mới bắt đầu, một quả hỏa tiễn 122 ly thứ nhất, thứ nhì, thứ ba... rơi xuống tơi bời, nổ tứ tung khắp doanh trại.
Nhà của dân chúng nằm cạnh vòng rào căn cứ trúng hỏa tiễn cháy bùng dữ dội. Hai quả rơi vào cổng chính phá tan hai vọng gác.
Và rồi địch cứ thế tiếp tục pháo vào các vị trí quan trọng của căn cứ: hai chiếc trực thăng cũng cùng chung số phận, kho đạn trúng hỏa tiễn nổ tung, rồi đến phi đạo, nhà kho lần lượt phát nổ tan tành.
Hắn hướng dẫn một tiểu đội chạy dưới tầm hỏa tiễn rơi ra tuyến phòng thủ chính tại vòng rào. Một thủy thủ vừa được thả ra khỏi nhà tù tự nguyện đưa chiếc nón sắt của mình đang đội cho vị Chỉ huy trưởng, hắn lắc đầu cám ơn người thủy thủ trẻ và tiếp tục chạy về tuyến đầu.
Cứ mỗi lần nghe tiếng rít của tầm hỏa tiễn, hắn và nhân viên nằm xuống cho đến khi hỏa tiễn rơi trúng mục tiêu nổ tan tành, tất cả đứng dậy và tiếp tục chạy nữa. Có nhiều lúc hỏa tiễn nổ thật gần, đất cát văng tung tóe lên đầu tóc, mặt mũi.
Từ phòng hành quân ra đến tuyến cuối cùng bình thường đi mất khoảng mười phút nay chạy gần hai mươi phút mà vẫn chưa đến. Hắn và nhân viên bổ sung vừa đến tuyến phòng thủ này, đây là tuyến nằm trên trục lộ chính của đường chuyển quân của địch nếu địch quyết định tấn công căn cứ.
Tuyến được xây cất kiên cố, được trang bị đầy đủ máy truyền tin, đại liên 50 ly, súng phóng lựu... Từ đây hắn có thể quan sát được hết phía sau của căn cứ và nhất là về hướng nhà dân chúng ở.
Các vọng gác thay nhau báo cáo thiệt hại. Ngoại trừ những hư hại vật chất cho kho đạn và các nhà kho và vài nhân viên bị thương nhẹ, không có tổn thất về nhân mạng.
Ðịch pháo ít hơn trước và cũng chưa tấn công bằng đường bộ, có lẽ chúng nó đang chờ tập trung quân số trước khi tấn công quy mô, hay là chúng chỉ pháo gây nhiều thiệt hại cho căn cứ, hắn đoan chắt bây giờ cho đến sáng chúng sẽ pháo dữ dội hơn nữa.
Hắn gọi máy cho phòng hành quân và được báo cáo là các đơn vị bạn trong vùng cũng đang bị pháo và tấn công mạnh và bị nhiều thương vong và thiệt hại đáng kể. Một tuyến đã bị địch tràn ngập và đang cố gắng mở đường máu rút về hướng sông.
Căn cứ Cát Lái đã mất và địch đang tiến quân dọc theo hướng sông về phía kho xăng Nhà Bè. Giang đoàn bạn đang phản công kịch liệt và một vài chiến đỉnh đã bị cháy vì trúng đạn B40 của địch.
Hắn dẫn vài nhân viên chạy trở lại phòng hành quân, bây giờ cũng khoảng chừng hai giờ sáng, tiếng hỏa tiễn và tiếng súng pháo binh nổ rầm trời xen lẫn với tiếng súng đại liên và súng nhỏ nhắc nhở hắn những kỷ niệm Tết Mậu Thân tại Huế, lúc hắn nằm trốn dưới hầm gần 28 ngày giữa lòng địch.
Hỏa tiễn vẫn tiếp tục rơi vào căn cứ, nhà kho nổ cháy sáng rực trời, xe cứu hỏa của căn cứ cố gắng chữa cháy dưới tầm đạn rơi.
Ðến khoảng ba giờ sáng, một loạt hỏa tiễn rơi liên tục, địch bắt đầu pháo dữ dội và chính xác, có lẽ có nội tuyến hướng dẫn nên lần này những mục tiêu quan trọng của căn cứ đều bị trúng đạn nổ tan tành.
Hắn biết địch muốn dứt điểm nên pháo mạnh. Tuyến bên trái báo cáo bị thiệt hại và xin rút lui, hắn chấp thuận, sau đó đột nhiên tất cả đèn tắt tối thui, máy truyền tin bị gián đoạn vì không có điện.
Hắn biết nhà máy đèn lớn của căn cứ vừa bị phá tan vì hỏa tiễn. Hắn dùng máy PRC 25 ra lệnh cho tất cả các tuyến rút xuống các giang đỉnh đang sẵn sàng tại bến tàu, đồng thời hắn cùng nhân viên phòng hành quân mang theo tài liệu chuyển xuống chiếc soái đỉnh của một Giang đoàn Thủy Bộ.
Cuộc rút quân xuống các giang đỉnh diễn tiến trong vòng kỷ luật và trật tự, hoàn tất dưới làn mưa pháo của địch trong vòng một giờ.
Sau đó các chiến đỉnh nhập vào với Giang đoàn bạn, phối hợp bố trí từ kho xăng Nhà Bè đến ngã ba sông Lòng Tàu, Soài Rạp và phản pháo vào địch quân đang bắn từ phía bên kia sông.
Tiếng súng lớn nhỏ vang dậy trong đêm tối, từng tia đạn lân tinh vạch thành những đường sáng chạy vòng rồi nổ bùng khi trúng mục tiêu. Hỏa châu rọi sáng rực giòng sông như trong đêm hội lớn.
Tiếng máy truyền tin liên lạc ồn ào, xen lẫn với những tiếng la hốt hoảng của những chiến đỉnh trúng đạn địch quân tạo thành một bầu không khí chiến tranh thật sự như trong các phim ảnh.
Ðịch không ngờ đến giờ phút cuối cùng này mà vẫn gặp sức kháng cự mãnh liệt của các đơn vị tử thủ tại đây.
Cuộc chiến kéo dài cho đến khi vừng đông vừa rực sáng thì tàn dần, tiếng súng chỉ còn nghe lẻ tẻ. Ðịch ngưng pháo kích và có lẽ đã rút về phía kho đạn Thành Tuy Hạ.
Hắn liên lạc máy với toán kích đang nằm tại mặt sông và được biết địch cũng vừa ngưng pháo vào căn cứ và vẫn chưa thấy địch tấn công bằng đường bộ. Hắn gọi máy cho vị Sĩ quan Chỉ huy Giang đoàn bạn và thông báo cho biết là hắn sẽ trở về căn cứ để thám sát tình hình và phối trí lại.
Trời đã bắt đầu sáng hẳn khi đoàn tàu cặp bến tàu căn cứ vào lúc gần 0700 giờ ngày 30 tháng 4. Nhân viên lần lượt đổ bộ lên bờ và được lệnh ra các vọng gác.
Nhìn cảnh điêu tàn của đơn vị, lửa vẫn còn cháy tại nhà kho, nhà máy đèn tan tành, hắn vẫn giữ vững niềm tin là đơn vị còn đứng vững để tiếp tục chiến đấu. Hắn ra lệnh phá hủy những tài liệu không cần thiết và cố gắng gọi máy liên lạc với Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Hắn hy vọng Bộ Tư Lệnh Hải Quân vẫn còn và mong liên lạc được với những người chỉ huy ở lại, để nhận chỉ thị. Sau khi đi duyệt qua tình hình căn cứ, khi trở về phòng hành quân, hắn được báo cáo là Sài Gòn đang rối loạn, Bộ Tư Lệnh Hải Quân không trả lời máy.
Hắn phân vân rồi ra lệnh mở kho thực phẩm để phân phối cho các đơn vị và các Giang đoàn đang triệt thối về đây. Những chiến đỉnh thuộc nhiều đơn vị khác nhau như là Tuần thám, Phóng Thủy Hỏa, Thủy Bộ, Xung Phong, Trục Lôi, tất cả hơn 100 giang đỉnh không có Ðơn vị trưởng đang xin tạm trú tại nơi này.
Khoảng 10 giờ sáng lúc vừa quay về Bộ Chỉ Huy, bỗng nhiên hắn nghe tiếng chân chạy rộn rịp, tiếng máy xe Honda và xe Vespa nổ ồn ào. Nhân viên của hắn đùng đùng bỏ hàng ngũ, vất lại súng đạn và chạy ra phía cổng chánh. Hắn ra lệnh chận lại để tìm hiểu lý do và được biết nhân viên mở radio nghe nói Sài Gòn rối loạn, sợ gia đình vợ con thất lạc nên chúng nó xin phép được trở về lo cho gia đình.
Thế là hết, không ai còn tinh thần để ở lại chiến đấu nữa, mà chúng nó chiến đấu cho ai ở giờ phút này, trong khi những người khác đã đưa vợ con ra ngoại quốc rồi chạy theo ra biển thoát nạn.
Hắn thở dài chán nản và cảm thấy niềm uất ức dâng tràn lên trong tim.
Chỉ trong khoảng khắc đơn vị đã trở nên một bãi vắng bóng người, chỉ còn lại súng ống bỏ lại đầy trên nền đất lạnh.
Hắn ngước mặt nhìn trời, nước mắt tuyệt vọng chảy dài xuống má.
No comments:
Post a Comment