Friday, May 10, 2024

Chương 1 và 2 Những Ngày Cuối Của VNCH - Nguyên Tác: The Final Collapse Của Đại Tướng Cao Văn Viên. Dịch Giả: Nguyễn Kỳ Phong

 Lời Người Dịch: Bắt đầu từ năm 1976 Trung Tâm Quân Sử Lục Quân Hoa Kỳ mời một số tướng lãnh của ba quốc gia Việt, Cam Bốt và Lào, viết lại kinh nghiệm quân sự của họ trong cuộc chiến Đông Dương. Sáu cựu sĩ quan VNCH cộng tác và hoàn tất 16 tác phẩm, ghi lại kinh nghiệm của họ về cuộc chiến Việt Nam. Trung Tâm Quân Sử Lục Quân xuất bản bộ sách này dưới tựa đề Indochina Monographs, gồm các tác phẩm:

The Final Collapse (1983). Đại tướng Cao Văn Viên.
Leadership (1981). Đại tướng Cao Văn Viên.
Reflections on the Vietnam War (1980). Đại tướng Cao Văn Viên & Trung tướng Đồng Văn Khuyên.
The RVNAF [Republic of Vietnam Armed Forces] (1980). Trung tướng Đồng Văn Khuyên.
RVNAF Logistics (1980). Trung tướng Đồng Văn Khuyên.
The Easter Offensive of 1972 (1980). Trung tướng Ngô Quang Trưởng.
RVNAF and U.S. Operational Cooperation and Coordination (1981). Trung tướng Ngô Quang Trưởng.
Territorial Forces (1981). Trung tướng Ngô Quang Trưởng.
Lam Son 719 (1979). Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh.
Vietnamization and the Cease-fire (1980). Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh.
The South Vietnamese Society (1980). Th/tướng Nguyễn Duy Hinh & Ch/tướng Trần Đình Thọ.
The Cambodian Incursion (1979). Chuẩn tướng Trần Đình Thọ.
Pacification (1980).  The Cambodian Incursion (1979).
The General Offensive of 1968-1969 (1981). Đại tá Hoàng Ngọc Lung.
Intelligence (1982). Đại tá Hoàng Ngọc Lung.
Strategy and Tactics (1980). Đại tá Hoàng Ngọc Lung.
The U.S. Adviser (1980). Đồng Văn Khuyên, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Duy Hinh, Trần Đình Thọ, Hoàng Ngọc Lung.
Đặc biệt trong bộ sách Indochina Monographs, tuy không phải là sĩ quan Việt Nam nhưng đại tá Hoa Kỳ William E. Le Gro, đã soạn một tác phẩm rất quan trọng về hai năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, From Cease-Fire to Capitulation. Đại tá Le Gro là một sĩ quan có nhiều kinh nghiệm ở chiến trường Á Châu. Trong năm năm phục vụ tại Việt Nam ông từng giữ chức trưởng phòng tình báo của Sư Đoàn 1 Bộ Binh; ba năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam ông là sĩ quan tình báo của MACV, rồi sau đó là trưởng phòng tình báo của DAO, cơ quan quân viện thay thế cho MACV sau Hiệp Định Paris 1973. Tác phẩm của đại tá Le Gro đáng được tham khảo song song với những tác phẩm của các cựu sĩ quan Việt Nam nói trên.
Trong thời gian dịch quyển Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa (The Final Collapse), người dịch có nói chuyện nhiều lần với đại tướng Viên. Trong những lần nói chuyện, người dịch biết thêm về những khó khăn đại tướng Viên đối diện từ khi đảm nhiệm chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH cho đến ngày Miền Nam thất thủ. Trong khi những khó khăn hay những bí mật về cuộc chiến Việt Nam đại tướng Viên đã kinh nghiệm qua, là một đề tài bàn luận khác, ở đây người dịch chú trọng tới nội dung của tác phẩm đang được nói đến.
Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa được soạn thảo trong khoảng năm 1976-1978 (nhưng đến năm 1983 mới được xuất bản, có lẽ vì phải chờ giải mật và hợp thức hóa một số hồ sơ). Trong thời gian đó những tài liệu bí mật về cuộc chiến Việt Nam chưa được giải mật nhiều; sách của đại tướng Viên bị giới hạn vào những tài liệu được giải mật lúc đương thời hay chỉ có thể đề cập đến một cách tổng quát. Từ lúc tác phẩm được xuất bản cho đến nay, rất nhiều sách biên khảo, hồi ký ra đời, làm sáng tỏ thêm những bí mật của lịch sử và cuộc chiến Việt Nam hơn quyển sách của tướng Viên có thể cung cấp. Ở điểm đó chúng ta thông cảm được cho tác giả Cao Văn Viên: có nhiều sự kiện không được nhấn mạnh hay đề cập đến trong sách vì không có tài liệu hay nhân chứng. Một vài thí dụ như: những sự kiện về trận Ban Mê Thuột được đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng quân báo quân đoàn II, sau khi ra khỏi tù cộng sản, viết lại chi tiết hơn. Hay chuyện quân đoàn I bị thất thủ một cách nhanh chóng, và cuộc rút quân ở quân đoàn II trở nên rối loạn là trách nhiệm hoàn toàn của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, theo những gì cựu phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên kể lại. Một số tài liệu khác cho thấy sự rối loạn của các lệnh hành quân gởi ra mặt trận từ Dinh Độc Lập làm cho cuộc sụp đổ của QLVNCH sụp đổ nhanh hơn.
Quyển Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa của tướng Cao Văn Viên là một trong những quyển sách trong bộ Indochina Monographs được nhiều sử gia hiện đại của Trung Tâm Quân Sử Hoa Kỳ như Ronald S. Spector, Jeffrey J. Clarke, Phillip B. Davidson... trích nhiều trong các sách biên khảo về quân sự và quân sử. Các chương 2, 3, và 4 trong tác phẩm cung cấp nhiều chi tiết cần thiết về các hoạt động quân sự của cộng sản ngay sau ngày ngưng bắn. Thực trạng về sự thiếu thốn quân cụ và vũ khí của quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng được nói đến trong các chương này. Người dịch hy vọng quyển Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa sẽ là một bổ túc cho những sử liệu về sự sụp đổ của một quốc gia và một quân đội đã hiện hữu 20 năm.
Trong bản dịch này, ngoài một số chú thích của dịch giả để cung cấp thêm tài liệu mới vào sử liệu, tác giả Cao Văn Viên cũng thêm vào một số chú thích của ông. Những chú thích này là phản ảnh của tác giả sau khi đọc nhiều tác phẩm có liên hệ đến cuộc chiến, hay liên hệ đến chính cá nhân tác giả.
Như để giữ lại một dấu tích của tác phẩm ở dạng nguyên thủy Anh ngữ, người dịch và nhà xuất bản xin được chụp lại trang giới thiệu của chuẩn tướng James S. Collins, Jr., viện trưởng Viện Quân Sử Lục Quân Hoa Kỳ, về tác phẩm The Final Collapse của đại tướng Cao Văn Viên.
Nguyễn Kỳ PhongTháng 1, 2003. Centreville, Virginia

*

Chương 1: Tổng Quát

Ngày 30 tháng 4, 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và không còn hiện hữu như một quốc gia, thế giới bạn và thù sửng sốt. Mọi người, ngay cả kẻ chiến thắng, không tin cộng sản chiếm được miền Nam một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Làm sao chuyện đó có thể xảy ra" Tại sao miền Nam sụp đổ quá nhanh" Chuyện gì đã xảy đến cho một quân đội đã anh dũng chống lại hai cuộc tấn công hung hãn của CS vào năm 1968 và 1972" Làm sao một quân đội hùng mạnh như quân đội VNCH có thể sụp đổ một cách dễ dàng trong một thời gian ngắn ngủi"
Nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng khó tìm câu trả lời. Thật vậy, tìm một lời giải thích trung thực và rõ ràng cho những câu hỏi trên là chuyện không dễ: Những kinh nghiệm đau thương và sự phẩn nộ bắt nguồn từ một mất mát lớn lao có thể làm cho câu trả lời sai lạc, thiếu chính xác. Thêm vào đó, những mặc cảm lỗi lầm, hay bản năng tự vệ muốn bảo tồn thanh danh của những người trong cuộc, có thể làm cho sự thật, giả, ngụy tạo, và chân lý lẫn lộn. Trong khi chúng ta có thể xác định những nguyên do trực tiếp đưa đến sự thất thủ, một số nguyên do có hậu quả liên đới khác, những nguyên do xa gần, được ghi lại rành mạch hay chỉ được nhắc đến một cách ngấm ngầm cần được nói đến.
Từ khi lập quốc, Việt Nam có một lịch sử trường tồn dài và gian khổ. Ngoài lịch sử về của những triều đại phong kiến, lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc tranh đấu chống ngoại xâm. Là một quốc gia nhỏ bé ở phía nam biên giới một quốc gia vĩ đại với tên là "Trung Quốc," Việt Nam luôn luôn lo sợ bị đô hộ. Một ngàn năm nằm dưới sự đô hộ của của Trung Hoa, rồi giành lại được độc lập chín trăm năm. Sau đó, gần một trăm năm nằm dưới sự cai trị của Pháp; và ba mươi năm nội chiến... tất cả, là lịch sử Việt Nam. Trong thời gian bị Tàu đô hộ, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu, và Lý Bôn, nhân dân Việt Nam nổi dậy ba lần vào các năm 39, 248, và 542 sau tây lịch, chống lại sự đô hộ và giành lại được độc lập dù chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian bị thống trị, dù người Tàu bắt buộc người Việt phải sống theo phong tục, tập quán, ngôn ngữ của họ, người Việt đã bền bỉ chống lại sự đồng hóa của người Tàu. Đó là một kỳ công sau những năm dài bị đô hộ, người Việt Nam trở thành một nước độc lập với một nền văn hóa riêng biệt.
Nền độc lập của Việt Nam bắt đầu từ năm 939, dưới triều Ngô. Đây là một triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam. Trong 600 năm đầu từ khi được độc lập, các triều đại Lê, Lý, Trần, đã mở mang bờ cõi về hướng nam, sâu vào lãnh thổ dân Chàm, rồi từ năm 1471 sát nhập luôn đất Chàm vào lãnh thổ Việt Nam. Ba lần, vào những năm 1257, 1284, và 1287, dưới sự chỉ huy tài ba của Trần Hưng Đạo, chúng ta đã chống lại những cuộc tấn công hung bạo của quân Mông Cổ. Đánh bại được quân Mông Cổ là chuyện chưa xảy ra trong lịch sử của các dân tộc khác: Cho đến lúc đó, Mông Cổ đã chiếm trọn Trung Hoa, và đang trên đường chinh phục toàn cõi Châu Âu.
Nhưng Việt Nam bị kém may mắn khi bị phân chia ba lần. Lần đầu rất ngắn, xẩy ra năm 1527 dưới đời Mạc Đăng Dung, khi Mạc Đăng Dung cướp quyền nhà Lê. Lần phân chia thứ nhì kéo dài gần 200 năm, xảy ra khi chúa Trịnh ở miền Bắc và Chúa Nguyễn ở miền Nam tranh chấp quyền lực với nhau. Đất nước thống nhất vào năm 1802 khi Nguyễn Ánh, dưới sự giúp đỡ của người Pháp, đánh bại đối phương và lên ngôi với niên hiệu Gia Long.
Chính sự giúp đỡ từ ngoại nhân đã đưa đến sự thống trị của người Pháp. Trong thời gian gần một trăm năm bị đô hộ, nhiều cuộc nổi dậy chống lại người Pháp. Từ những cuộc nổi dậy đầu tiên của các nhà cách mạng như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, hô hào việc khôi phục lại ngôi vua như một chánh nghĩa, cho đến cho đến những nhà cách mạng có tinh thần quốc gia thuộc Quốc Dân Đảng như Nguyễn Thái Học người đã cùng mười ba đồng chí trả giá cho lòng ái quốc bằng đầu mình trên máy chém vào năm 1930.
Sau đệ nhị thế chiến, một số đảng viên Quốc Dân Đảng được sự trợ giúp của Trung Hoa, trở về Việt Nam với ý định tranh đấu giành lại độc lập từ người Pháp. Nhưng với một cơ cấu tổ chức thiếu chặt chẽ; với nội tình trong đảng có nhiều phân chia, Quốc Dân Đảng không tranh được ảnh hưởng sâu rộng đối với quần chúng như những Đảng Cộng Sản lúc đó còn nằm dưới tên Việt Minh. Với cơ cấu tổ chức đảng chặt, ý chí kiên trì, nhóm cộng sản của Việt Minh chiếm chánh quyền dễ dàng sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8, 1945, rồi tuyên bố Việt Nam độc lập vào ngày 2 tháng 9 cùng năm.
Sau đệ nhị thế chiến, với sự hỗ trợ của Anh Quốc, Pháp trở lại miền nam Việt Nam trước, sau đó vừa thương lượng, vừa hăm dọa miền bắc với ý định tái lập chánh quyền đô hộ. Nhưng những thương lượng giữa Pháp và Việt Minh không đem lại kết quả. Sự căng thẳng giữa đôi bên gia tăng... và chiến tranh bùng nổ vào ngày 19 tháng 12, 1946.
Cuộc chiến tranh chống Pháp kéo dài tám năm. Trong thời gian đó, nhóm lãnh đạo Việt Minh dần dần trở nên lộ liễu hơn với ý thức hệ cộng sản. Họ hô hào người dân tiến về "con đường chủ nghĩa xã hội." Hành động tuyên truyền của những người cộng sản đưa người dân đến một chọn lựa chính trị: Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và ký hiệp định Geneva 1954, những người không cộng sản đã chọn thái độ chính trị của họ. Từ sau hiệp định, Nam Việt Nam hiện hữu như một quốc gia độc lập, với một vận mệnh riêng biệt. Toàn cõi Việt Nam bây giờ là một hữu thể độc lập chia ra làm hai miền: Miền Bắc với chính thể cộng sản, được Trung Cộng và Nga hỗ trợ về hai mặt quân sự kinh tế; miền Nam quốc gia được Hoa Kỳ và các quốc gia không cộng sản phụ giúp. Hoa Kỳ dùng viện trợ kinh tế và quân sự để xây dựng miền Nam thành một quốc gia độc lập, chống cộng, như một kế hoạch nằm trong chiến lược ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản ở vùng Đông Nam Á. (1) Khi chiến tranh tái diễn vào đầu thập niên 1960, đây cũng là nơi hai thế giới cộng sản và không cộng sản dùng nơi thử nghiệm vũ khí mới, chiến thuật quân sự, và ý thức hệ chính trị.
Thật sự mà nói, trong khoảng thời gian trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), với viện trợ quân sự và nhân sự qua các sư đoàn tác chiến, Hoa Kỳ đã tạo cho VNCH một lực lượng tự vệ đáng kể. Từ một quân lực với 173.000 quân nhân trang bị với vũ khí lỗi thời, quân đội VNCH trở thành một quân lực hùng mạnh, trang bị vũ khí tối tân, với hơn một triệu quân, và được coi là quân đội lớn nhất so với các quốc gia không cộng sản ở Á Châu. Không Quân VNCH lớn hàng thứ sáu trên thế giới, và các sư đoàn tác chiến tinh nhuệ của VNCH được so sánh ngang hàng với các sư đoàn tác chiến Hoa Kỳ. Nhưng sự trợ giúp đó cũng là một chuyện đáng tiếc: sau một thời gian dài nhận viện trợ, quân đội hùng mạnh nầy đã quá lệ thuộc vào tiền và quân viện để có thể sinh tồn; tinh thần tác chiến quen nhìn vào khả năng yểm trợ của không lực Hoa Kỳ như một cái mộc chống đỡ sự xâm lăng lộ liễu của cộng sản từ miền Bắc. Không thể chối cãi là quân đội VNCH có khả năng tác chiến; họ có khả năng tác chiến và tác chiến khá. Nhưng trong một thời gian dài họ tập ra tánh lệ thuộc vào những điều kiện đã có sẵn; coi những nhu cầu quân cụ là một nguồn viện trợ vô tận, và Hoa Kỳ lúc nào cũng đứng bên cạnh để giúp đỡ nếu họ bị lâm vào tình trạng nguy ngập. Lối suy nghĩ như vậy, sau một thời gian, điều kiện hóa tinh thần của đa số: dân thấy an lòng và quân đội thấy tin tưởng vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Như vậy, khi Hoa Kỳ chuyển hướng muốn thương lượng với cộng sản và bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam một cách nhanh chóng trong kế hoạch "Việt Nam hóa", quân đội VNCH chưa chuẩn bị về tinh thần cũng như nhân sự để thay thế. Làm sao họ có thể thiết lập ngay các đơn vị tác chiến để thay thế bảy sư đoàn đầy đủ, bốn lữ đoàn biệt lập, và vô số các đơn vị yểm trợ phụ thuộc của Hoa Kỳ đang có mặt tại Việt Nam. (2) Đó là chưa kể các đơn vị của các quốc gia của thế giới tự do. Không có vũ khí, quân cụ, huấn luyện quân sự, hay bất cứ một tuyên truyền chính trị nào có thể thay vào khoảng trống nhân sự đang thiếu và trấn an được một tâm lý lo sợ sẽ bị bỏ rơi. Sau khi Hoa Kỳ rút quân, quân lực VNCH bị trải mỏng ra và bắt đầu thấy được những hậu quả của sự thiếu thốn đó.
Cuộc tấn công của địch quân vào năm 1972 cho thấy sự yếu kém của kế hoạch Việt Nam hóa một cách thảm thương. Nếu không có sự yểm trợ về không lực và không vận của Hoa Kỳ quân đội ta khó giữ nổi An Lộc, chận đứng cuộc tấn công của cộng quân vào Kontum, hay chiếm lại Quảng Trị. Sau cuộc tấn công năm 1972, những phần đất đã mất, chúng ta để mất luôn vì không còn khả năng đánh chiếm lại. Nói tóm lại, chúng ta giữ được cán cân quân sự đối với địch nếu có sự yểm trợ không lực của Hoa Kỳ. Và với không lực, VNCH có khả năng chống lại mọi cuộc tấn công của miền Bắc.
Nhưng một khúc quanh lịch sử xuất hiện, và khúc quanh đó đưa đến mọi thay đổi. Hiệp Định Ba Lê được trao vào tay chúng ta như một trát lệnh tử hình. Việt Nam Cộng Hòa bị dẫn vào một ngõ cụt từ đó. Không ngạc nhiên khi đối phương gọi bản hiệp định là một chiến thắng. Thật vậy, cộng sản đã thắng vòng đầu. Khi Hoa Kỳ đã rời khỏi Việt Nam, cộng quân sửa soạn cho một cuộc tấn công cuối. Họ không còn lo ngại gì nữa: không kích và yểm trợ của không quân Hoa Kỳ không còn nữa dù chỉ như một hăm dọa lấy lệ. Cán cân quân sự từ lâu được giữ quân bình một cách cẩn thận bằng không lực, từ nay nghiêng hẳn về phía địch.
Câu hỏi Hoa Kỳ có trở lại can thiệp hay không là sự quan tâm lớn nhất khi VNCH miễn cưỡng chấp nhận duyệt xét Hiệp Định Ba Lê. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã không làm khó dễ với Hoa Kỳ, khi ông đòi muốn Hoa Kỳ bảo đảm can thiệp nếu muốn VNCH ký hiệp định Ba Lê. Sự bảo đảm của Hoa Kỳ là vấn đề hệ trọng, gắn liền vào sự sống còn của một quốc gia. Hơn tất cả mọi người, tổng thống Thiệu nhận thấy nếu không có sự bảo đảm của Hoa Kỳ, VNCH không có cách nào chống lại cuộc tấn công qui mô của quân đội Bắc Việt với vũ khí tối tân, và quân cụ đầy đủ hơn. Chẳng những sự can thiệp của Hoa Kỳ là một cần thiết về vấn đề quân sự, lời hứa bảo đảm còn nâng cao tinh thần của quân đội VNCH. Viễn ảnh VNCH phải chiến đấu một mình không có sự trợ giúp và bảo vệ của Hoa Kỳ sau hiệp định là chuyện không thể suy tưởng được. Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa tin khi tổng thống Nixon thành khẩn hứa là Hoa Kỳ sẽ trả đũa mạnh nếu cộng sản vi phạm hiệp định Ba Lê. Việt Nam Cộng Hòa coi lời hứa của tổng thống Nixon là lời hứa của Hoa Kỳ, không nghĩ đến những chuyện khó khăn trong tương lai sẽ xẩy ra cho Nixon như vụ Watergate, hay quốc hội Hoa Kỳ tức giận về chuyện đó đến độ ngăn cản những vị tổng thống kế nhiệm thi hành lời hứa của Hoa Kỳ đối với VNCH dù lời hứa đã được chánh phủ tiền nhiệm đồng ý thoả thuận.
Đầu năm 1975 cộng quân đánh một ván bài để dò xét phản ứng của Hoa Kỳ: Họ chiếm tỉnh Phước Long, tiên đoán Hoa Kỳ sẽ không phản ứng gì. Cộng quân tiên liệu đúng và thắng canh bạc. Bây giờ họ biết chắc Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài cuộc chiến, không bao giờ trở lại. Con đường xâm lăng của cộng sản vậy là không còn gì cản trở cho đến mục tiêu chiến thắng sau cùng. (3)
Nếu cái chết của VNCH bắt đầu bằng hiệp định Ba Lê, và sự im lặng của Hoa Kỳ là một dấu hiệu tốt để cộng sản tiếp tục kế hoạch tối hậu của họ, thì vấn đề giảm thiểu quân viện đã làm gia tăng tiến trình của hai sự kiện trên. Từ những bất lợi đó, chuyện VNCH sẽ sụp đổ là chuyện phải xảy ra. Quân lực VNCH đã quen chiến đấu với số lượng quân trang quân dụng nhất định, bây giờ khó hoạt động trong hoàn cảnh thiếu thốn như trong tài khóa năm 1975. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, khi cường độ chiến trường gia tăng mãnh liệt theo hoạt động của địch, quân đội Việt Nam rơi vào tình trạng yếu thế. Việt Nam Cộng Hòa mất đi sức mạnh hỏa lực và khả năng cơ động là hai ưu điểm chính yếu để giữ thăng bằng về chiến thuật đối với một đối phương lúc nào cũng nắm thế chủ động. Bây giờ quân đội VNCH chỉ còn một hy vọng duy nhất là cầm cự trong trong khi chờ đợi Hoa Kỳ tái định lại mức quân viện cần thiết như đã cung ứng trong quá khứ. Nhưng có một nghịch lý trong sự khó khăn khi ngành hành pháp đi xin ngân khoản tài trợ quân viện: tổng thống Hoa Kỳ phải van xin quốc hội về một ngân khoản đã được chấp thuận trước. Quốc hội Hoa Kỳ từ chối đề nghị về ngân quỹ của tài khóa 1975, vì ngôn ngữ trong bản cam kết gọi chi phí đó là ngân khoản phụ trội hoặc là ngân khoản cho thêm thay vì tên gọi đúng nghĩa của ngân khoản đó là ngân khoản cần thiết [chữ in nghiêng của tác giả].
Quân viện bị giảm bớt nặng không những gây ra hậu quả bi thảm ở chiến trường, sự cắt giảm còn làm các chiến lược gia miền Nam lo âu. Khả năng giữ được lãnh thổ gắn liền với mức viện trợ. Khi quân viện bị cắt giảm, nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ nguyên vẹn khó hoàn tất. Các chiến lược gia VNCH suy luận: phương cách tốt nhất là phòng thủ lãnh thổ theo khả năng quân viện cho phép. (4) Nói ra nghe đơn giản, nhưng chiến lược phòng thủ cách đó phản ảnh tình hình thực tại. Đầu năm 1975 khi tổng thống Thiệu tái bố trí các đơn vị theo hệ thống phòng thủ mới, quyết định của ông không phải không chín chắn hay không có lý do. Nhưng cũng chính quyết định nầy là một định mệnh, kéo theo những lầm lẫn tại hại khác. Và những lỗi lầm tích tụ, đem đến sự sụp đổ của miền Nam.
Nguyên nhân chính làm VNCH sụp đổ nhanh chóng là kế hoạch tái phối trí các đơn vị được thực hiện quá vội vàng và bất cẩn. Nhưng với một cuộc phối trí quan trọng và rộng lớn như vậy, dù cho kế hoạch được thực hiện cẩn thận như hoạch định, xác suất thành công cao lắm cũng chỉ được năm mươi phần trăm căn cứ trên khả năng truy kích của địch quân. Lịch sử quân sự cho ta nhiều thí dụ về những cuộc lui quân trở thành một cuộc tan hàng rối loạn. Đó là lý do tại sao tư lệnh mặt trận rất ngại khi phải áp dụng kế hoạch lui quân gấp rút. (5)
Trong bối cảnh của chiến tranh Việt Nam, chính trị và quân sự gắn liền nhau. Ở một cuộc chiến mà người dân cần sự bảo vệ của quân đội và quân đội chiến đấu vì dân. Khi soạn thảo kế hoạch rút quân, nếu không tiên liệu phản ứng của dân thì kế hoạch đó kể như thất bại. Quân đội VNCH không phải như quân đội viễn chinh, chiến đấu trên một lãnh thổ xa lạ. Khi rút lui hay di chuyển, nếu quân đội không bảo vệ hay di tản dân, thì đó là hành động vô trách nhiệm và thiếu bổn phận. Sự thất bại của cuộc tái phối trí quân đội ở Vùng I và II là bằng chứng cho thấy một sự thật thảm thương: dân và quân đội không thể nào rời nhau được; và sự di chuyển /di tản của quân đội có thể bị hạn chế bởi số dân đang tìm cách đi theo. Nguyên nhân sự sụp đổ của quân đội VNCH là những khó khăn đó.
Đó là những nguyên do giải thích sự tan rã nhanh chóng của một quân đội đã chiến đấu anh dũng cho đến khi bị tan rã vì những biến cố nằm ngoài khả năng kiềm chế của họ.
 
Chú thích Chương 1

1. Ở phần sau của quyển sách tác gỉa sẽ bàn về Chiến Lược Cô Lập, một lý thuyết ngăn chặn xâm lăng của cộng sản. (chú thích của tác giả).
2. Đại sứ Bunker và tư lệnh MACV Creighton Abrams lần đầu nói chuyện với tổng thống Thiệu về kế hoạch Việt Nam hóa ngày 17 tháng 1, 1969. Nhưng từ tháng 4, 1968, tổng thống Thiệu đã tuyên bố người Mỹ có thể rút quân dần trong tương lai. 11 tháng 4, 1968, tổng thống Johnson bổ nhiệm tướng Abrams thay tướng Westmoreland làm tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Gần cuối năm 1968, Johnson ra lệnh Abrams nghiên cứu kế hoạch Việt Nam hóa. Vào tháng 1, 1969, Hoa Kỳ có 359 ngàn quân Bộ Binh; 80 ngàn Thủy Quân Lục Chiến; 36 ngàn Hải Quân; và 58 ngàn Không Quân ở Việt Nam. Phía VNCH có tương đương 10 sư đoàn bộ binh (kể luôn sư đoàn Dù và sáu tiểu đoàn TQLC) và 16 thiết đoàn. Xem Shelby Stanton, The Rise and Fall of an American Army (Presidio: California, 1985), trang 284-285; Jeffrey J. Clarke, Advice and Support: The Final Years (U.S. Army Center of Military: Washington, D.C., 1988) trang 346-347; đô đốc Elmo R. Zumwalt, Jr., On Watch (Quadrangle: NY, 1976) trang 36, 46-47, 377-378; và Đoàn Thêm, 1968: Việc Từng Ngày, (Xuân Thu: California, 1989), trang 11, 129 (chú thích của dịch giả).
3. Về những áp lực từ phía Hoa Kỳ bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải thỏa thuận Hiệp Định Ba Lê 1973, đọc Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam (The Free Press: NY, 2001); Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, The Palace File (Harper & Row: NY, 1986). Về vai trò của Alexander Haig như một người đưa tin giữa Nixon, Kissinger và tổng thống Thiệu, đọc Roger Morris, Haig: The General Progress (The Playboy Press: Chicago, 1982) (chú thích của dịch giả).


4. Vào khoảng tháng 1 năm 1974, Bộ Tổng Tham Mưu được phía Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự trong tài khoá 74-75 bị cắt giảm 300 triệu mỹ kim. Tổng Cục Tiếp Vận phụ trách việc cung cấp quân trang, quân dụng, xe cộ, vũ khí và đạn dược cho toàn thể quân lực VNCH đã nghiên cứu một kế hoạch để đối phó với tình hình mới. Một cách tổng quát, kế hoạch nhận định là, chương trình quân viện bị cắt giảm chỉ có thể thỏa mãn một quân đội với số quân ít hơn; và số quân đó chỉ có khả năng phòng thủ một lãnh thổ tương xứng của VNCH mà thôi. Kế hoạch này rấy hợp lý trên thực tế. Nhưng tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực VNCH, đã đề ra đường lối quốc gia "Bốn Không" (một trong những cái không đó là không cắt đất cho cộng sản). Thấy kế hoạch của Tổng Cục Tiếp Vận trái với quốc sách trên nên tác giả không chỉ thị trình lên tổng thống một cách chính thức. Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, được phép trình miệng kế hoạch trên cho tổng thống. Theo lời tướng Khuyên trình lại, sau khi nghe thuyết trình, tổng thống Thiệu không có chỉ thị gì thêm, và tổng thống cũng không có chỉ thị nào trực tiếp cho tác giả. Vì những lý do trên, kế hoạch bị bỏ qua một bên (chú thích của tác giả).
5. Chương Tan Hàng Rối Loạn ở Cao Nguyên sẽ nói thêm về phương cách nào có thể chiếm lại được Ban Mê Thuột (Chú thích của tác giả).

*

Chương 2:  Tình Hình Trước Hiệp Định Ba Lê

Sau cuộc tấn công của cộng sản vào tháng 4, năm 1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa), quân đội VNCH được lệnh tái chiếm các phần đất đang nằm trong tay địch. Ở Quân Khu I, hành quân Lam Sơn 72 được khai diễn với sự tham dự của sư đoàn 1 Bộ Binh (SĐ1/BB); sư đoàn Nhảy Dù (SĐND); sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC); và các đơn vị phụ thuộc. (1) Đến ngày 15 tháng 9, 1972, quân ta đã chiếm lại thành phố Quảng Trị và phần lớn lãnh thổ của tỉnh. Một hành lang phòng thủ được thiếp lập song song với sông Thạch Hãn, chạy dài ra bờ biển. Cộng quân chống trả rất mãnh liệt ở Quảng Trị, và có lúc mở nhiều cuộc phản công không thành ở phía nam Q/Khu I.
Ở Quân Khu II, nhiều cuộc hành quân được tổ chức nhằm giải tỏa áp lực địch ở Kontum, Pleiku, tái chiếm thung lũng An Lão ở Bình Định, giải tỏa các quốc lộ 19, 21, và đoạn đường Pleiku-Kontum trên quốc lộ 14. Để thực hiện nhiệm vụ đó, quân đoàn II được bổ sung thêm hai liên đoàn Biệt Động Quân (BĐQ), có cấp số tương đương hai trung đoàn. Hai liên đoàn này được tổ chức lại và đến từ Quân Khu IV (quân khu và quân đoàn giống nhau trong ý nghĩa quân sự; quân đoàn I phụ trách an ninh cho quân khu I; quân đoàn II cho quân khu II, v. v. . .)
Ở Quân Khu III, lực lượng chúng ta thành công giải tỏa An Lộc và vùng phụ cận. Tuy nhiên khoảng đường từ Lai Khê lên An Lộc trên quốc lộ 13 vẫn còn bị phong tỏa.
Trong khi đó, tình hình ở Quân Khu IV nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội VNCH. Tất cả các cuộc đụng độ giữa ta và địch đều xảy ra trên đất Cam Bốt. Tuy nhiên một số xã ấp ở Chương Thiện vẫn còn bị cộng quân chiếm.
Tình hình quân sự trong nửa năm còn lại của năm 1972, nói một cách tổng quát, ta và địch ngang nhau trên chiến trường. Trong khi đó kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ đang tiếp tục diễn ra. Đến năm 1973, địch có phần mạnh hơn vì chúng ta không còn được yểm trợ về không lực của Không và Hải Quân Hoa Kỳ.
Về phương diện chính trị, để đối đầu với tình trạng khẩn trương của năm 1972, chính quyền trung ương VNCH áp dụng một số biện pháp mạnh. Thiết quân luật được ban hành toàn quốc; giới hạn và gia tăng điều kiện miễn dịch đối với thanh niên trong lứa tuổi động viên. Ban hành sắc luật cấm nam công dân trong khoảng tuổi 17-43 du hành ra nước ngoài. Cùng lúc quốc hội ủy nhiệm tổng thống được toàn quyền quyết định về vấn đề kinh tế và quốc phòng trong thời gian từ tháng 7 cho đến tháng 12 năm 1972. Luật báo chí mới được áp dụng để chính phủ có thể kiểm soát các cơ quan ngôn luận hữu hiệu hơn. Cuộc bầu cử xã ấp của năm 1972 bị hủy bỏ. Thay vào đó các tỉnh trưởng được lệnh cải tổ lại cơ sở địa phương và chỉ định các trưởng ấp và xã trưởng trong vòng hai tháng.

Những Thương Thuyết Đầu Tiên

Trên quan điểm quân sự, cộng sản thất bại nặng nề trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhưng về quan điểm chính trị và ảnh hưởng đối với tâm lý quần chúng, cuộc tấn công Tết Mậu Thân đem lại cho cộng sản ưu điểm. Thắng hay bại, qua trận Tết Mậu Thân, quần chúng Mỹ thất vọng về cuộc chiến ở Việt Nam. Khi đại tướng Westmoreland xin tiếp viện thêm hai trăm ngàn quân cho chiến trường, giới quan sát đi đến nhận xét là cuộc chiến Việt Nam khó giải quyết đơn thuần bằng vấn đề quân sự. Ngày 31 tháng 3, 1968, tổng thống Johnson tạm ngưng oanh tạc từ vĩ tuyến 20 trở lên, và đề nghị một giải pháp hòa bình. Cùng ngày, tổng thống Johnson tuyên bố ông không ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống sắp đến. Một tháng sau Bắc Việt đồng ý thương nghị hòa đàm, với cuộc họp đầu tiên vào ngày 10 tháng 5, 1968, giữa W. Averell Harriman và Xuân Thủy. (2) Lần nói chuyện đó không đi đến đâu. Để thúc đẩy Bắc Việt thật sự thương lượng và chứng tỏ thiện chí của Hoa Kỳ, tổng thống Johnson vào ngày 31/10, ra lệnh ngưng dội bom trên toàn lãnh thổ Bắc Việt. Nhiều cuộc hội đàm được diễn ra sau đó, nhưng không có một kết quả nào đáng kể sau một năm dài thương nghị.
Cũng trong tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho Việt Nam, ngày 7 tháng 4, 1969, chính phủ VNCH đề nghị một giải pháp sáu điểm:
1. Cộng sản phải rút hết quân khỏi miền Nam.
2. Ngưng xử dụng căn cứ ở Lào và Cam Bốt.
3. Chủ trương hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc.
4. Sự thống nhất đất nước sẽ được thực hiện trong tinh thần hòa hợp.
5. Cần sự quốc tế kiểm soát để bảo đảm cộng sản sẽ không xâm lấn trong tương lai.
 6. Ân xá cho các phần tử cộng sản ở miền Nam nếu họ tuyên thệ từ bỏ bạo động và tuân theo luật pháp. (3)
Một tháng sau, ngày 8 tháng 5, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đề nghị ngược lại một lập trường 10 điểm, nhằm chấm dứt chiến tranh:
1. Tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam theo tinh thần hiệp định Geneva.
2. Hoa Kỳ và quân đội Đồng Minh phải tháo gỡ quân cụ, vũ khí, và rút khỏi miền Nam vô điều kiện.
3. Vấn đề có mặt của các lược lượng quân sự ở miền Nam sẽ do người Việt Nam tự giải quyết lấy.
4. Thiết lập một cuộc bầu cử trong tinh thần tự do dân chủ để lập một quốc hội lập hiến và một chính phủ liên hiệp.
5. Trong thời gian chờ cuộc bầu cử tổ chức, không phía nào được ép người dân theo chế độ của mình.
6. Miền Nam sẽ theo một chính sách đối ngoại trung lập và hòa bình.
7. Sự thống nhất đất nước sẽ theo những giai đoạn hòa giải, không có sự can thiệp của ngoại quốc.
8. Hai bên sẽ tránh liên kết về quân sự với nước ngoài trong khi chờ đợi sự thống nhất.
9. Vấn đề trao trả tù binh sẽ được hai bên giải quyết.
10. Quốc tế sẽ kiểm soát Hoa Kỳ và Đồng Minh rút quân khỏi Việt Nam.
Hai giải pháp có nhiều dị biệt. Những điểm chánh là (1) VNCH nhấn mạnh điểm cộng sản phải rút quân khỏi miền Nam, trong khi cộng sản đòi Hoa Kỳ và Đồng Minh rời Việt Nam vô điều kiện; (2) VNCH đề nghị một chương trình hòa giải dân tộc, cộng sản thì muốn một hiến pháp mới và một chánh phủ liên hiệp (một chính phủ bất lợi cho VNCH); (3) Hai bên đều muốn có sự kiểm soát của quốc tế. Nhưng cộng sản muốn quốc tế kiểm soát Hoa Kỳ và Đồng Minh rút quân, VNCH muốn sự hiện diện của quốc tế như một bảo đảm cộng sản sẽ không tiếp tục gây hấn. Sự dị biệt giữa hai giải pháp hòa bình làm cho cuộc hội ngưng trệ đến những tháng đầu năm 1970. Để thể hiện thêm thiện chí trong cuộc hòa đàm, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ sẽ rút 25 ngàn quân khỏi Việt Nam cuối tháng 8, 1970, và sẽ thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa ngay. (4) Cộng sản trả đũa lập tức, tuyên bố sự thành hình của một Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời từ ngày 10 tháng 6, 1969.
Trong khi cuộc hội đàm kéo dài và không đi đến đâu, ở Mỹ, sinh viên và hội đoàn tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh vào những tháng cuối của năm 1969. Trong khi đó, đối diện với những gia tăng hoạt động quân sự của cộng sản, Hoa kỳ và VNCH mở một cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt vào ngày 29 tháng 4, 1970. Từ trước đến giờ, các căn cứ của cộng sản nằm trên đất Cam Bốt được coi là bất khả xâm phạm. Trong cuộc hành quân này, vô số vũ khí, quân trang và quân dụng của cộng sản bị tịch thu hay phá hủy. Tuy cộng sản đang ra mặt thương lượng, nhưng họ tiếp tục xâm nhập người và vũ khí vào Nam.
Vào ngày 8 tháng 2, 1971, quân đội VNCH mở cuộc tấn công vào Hạ Lào với mục đích phá hủy các căn cứ hậu cần và binh trạm của cộng sản thiết lập dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Cuộc tấn công qua Hạ Lào chỉ thành công một phần, vì thời tiết bất lợi và khả năng không vận bị giới hạn. Trong khi đó, ở bàn hội nghị, cộng sản vẫn không chịu nhân nhượng với đề nghị của họ. Đại sứ David K.E. Bruce, trưởng đoàn hòa đàm, tuyên bố là trong hai năm qua cộng sản chỉ dùng bàn hội nghị để tuyên truyền chứ không thật sự muốn tìm một giải pháp hòa bình. Đại sứ Phạm Đăng Lâm phiá VNCH cũng báo cáo về Saigon tương tự.
Quân đội Hoa Kỳ tiếp tục rời Việt Nam theo chương trình giảm quân trong kế hoạch Việt Nam hóa như đã định. Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) và Bộ Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ (MACV) hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu chính trị của kế hoạch. Trong năm 1971, cộng quân tiếp tục pháo kích vào thành phố và tấn công qua khu phi quân sự. Để trả đũa, Hoa Kỳ oanh kích trở lại các mục tiêu quân sự ở miền Bắc. Nhưng chiến dịch dội bom không làm cuộc hòa đàm ở Ba Lê tiến triển thêm. Cuộc dội bom của Hoa Kỳ cũng không ngăn được Bắc Việt xâm nhập và tích tụ nhiều lực lượng mạnh để chuẩn bị một cuộc tấn công qui mô bắt đầu vào ngày 30 tháng 3, 1972. (5) Một tháng sau, cuộc hòa đàm ở Ba Lê được đình hoãn.
Cuộc hòa đàm "cởi mở" ở Ba Lê là như vậy. Tình trạng chúng ta đối diện ở Ba Lê giống như cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn gần hai mươi năm về trước. Trong hai hội nghị, cộng sản dùng giống một chiến thuật "vừa đánh vừa đàm" để đạt được mục tiêu tương tự. Cho đến lúc Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon, trực tiếp tham dự thương thuyết bằng nhiều cuộc gặp gỡ bí mật với phía bên kia thì cuộc hòa đàm mới chuyển hướng. Đối với Kissinger, cuộc chiến Việt Nam đã kéo dài quá lâu. Hai bên không thể nào chấp nhận những quan điểm khác biệt để có thể cùng bỏ súng và tin tưởng nhau, để đi đến một sự hòa hợp. Mỗi bên đều nghi ngờ đối phuơng luôn giấu một lá bài tẩy trong tay và sẽ xử dụng để lừa bên kia. Kissinger suy luận, cách duy nhất để gây được lòng tin với nhau là những liên lạc riêng. Kissinger là người thấy được giá trị của kẻ trung gian trong các cuộc thương nghị. Tuy không phải là một chuyên viên về vấn đề Đông Nam Á lúc bấy giờ, nhưng Kissinger đã từng được TT Johnson ủy nhiệm việc liên lạc bí mật đầu tiên với đại diện ngoại giao của Bắc Việt là Mai Văn Bộ qua trung gian của hai người Pháp mà Kissinger quen biết. (6)
Khi Nixon trở thành tổng thống, Kissinger, nay đã thành cố vấn an ninh quốc gia, thuyết phục Nixon cho ông ta tiếp tục đường lối ngoại giao bí mật. Được sự ưng thuận của Nixon, Kissinger và Xuân Thủy gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 8, 1969, ở tư gia của Jean Sainteny ở Ba Lê. Sau đó, từ tháng 2 cho đến tháng 4, 1970, Kissinger và Lê Đức Thọ bí mật gặp nhau bốn lần, nhưng không đem lại một tiến triển nào. (7) Trong lần nói chuyện vào tháng 9, 1970, Kissinger đề nghị Hoa Kỳ không còn đòi hỏi một cuộc rút quân song phương. Thay vào đó, Kissinger đề nghị một giải pháp đình chiến tại chỗ. Phiá cộng sản thì muốn Hoa Kỳ ngưng trợ giúp VNCH và thay chánh phủ đó bằng một chánh phủ liên hiệp như những điều kiện tiên quyết cho giải pháp hòa bình. Nói như vậy là Hoa Kỳ phải đứng vào vị trí bảo đảm cho những hoạt động của cộng sản ở miền Nam được tiếp tục để được rút quân ra khỏi cuộc chiến trong danh dự. Hoa Kỳ đã nhân nhượng nhiều trong những lần thương nghị, nhưng đối với nhiều đòi hỏi vô lý của Bắc Việt, cuộc nói chuyện bí mật giữa hai bên bị bế tắc.
Sau hai trận hành quân đánh qua Cam Bốt và Hạ Lào, Hoa Kỳ tiếp tục nhượng bộ cộng sản với một đề nghị mới gồm hai điểm: (1) Hoa Kỳ sẽ rút quân sáu tháng sau ngày hai bên đồng ý đi đến một thỏa hiệp. (2) Tổng thống thống Thiệu sẽ từ chức một tháng trước ngày có cuộc tổng tuyển cử. Bắc Việt từ chối đề nghị đó trong lần nói chuyện vào ngày 3 tháng 5, 1971. Trong năm lần gặp tiếp theo vào tháng 6, 7 và 8, tất cả các đề nghị mới của Hoa Kỳ đều bị từ chối, dù Hoa Kỳ cố gắng thay đổi theo ý muốn của cộng sản. Đến lần nói chuyện vào tháng 9 thì Hoa Kỳ mới hiểu ý định thật sự của cộng sản: Họ muốn Hoa Kỳ trao miền Nam cho họ trước khi Hoa Kỳ rút quân. Phải cần đến ba năm dài thương lượng Hoa Kỳ mới thấy được ý đồ của cộng sản! Cũng trong lần nói chuyện đó, cộng sản nhận thấy Hoa Kỳ muốn cố gắng tìm một giải pháp để chấm dứt chiến tranh, chứ không chỉ tìm một hiệp định chấm dứt chiến tranh như một che đậy cho sự đầu hàng. (8)
Ngày 20 tháng 3 năm 1972 Hoa Kỳ đề nghị hai bên tiếp tục thương thuyết lại. Bắc Việt đồng ý, nhưng sau đó xin đình hoãn đến ngày 15 tháng 4. Hoa Kỳ lại đề nghị ngày họp mới là 24 tháng 4. Chưa nhận được trả lời từ phía cộng sản thì ngày 31 tháng 3, 1972, cộng sản tấn công qui mô trên toàn lãnh thổ VNCH. Theo tôi nghĩ, qua sự che giấu khéo léo, cộng sản đã giữ được bí mật ngày giờ của cuộc tấn công, dù họ đã hoạch định và chuẩn bị cuộc tấn công ngay sau lần nói chuyện cuối cùng của năm 1971.
Tình hình quân sự ở miền Nam vào tháng 4 năm 1972 nguy ngập đến độ Hoa Kỳ lo sợ VNCH có thể thất thủ. Ngày 2 tháng 5, Lê Đức Thọ và Kissinger trở lại bàn hội nghị. Đối diện với những diễn tiến quân sự không được khả quan ở miền Nam, Hoa Kỳ đề nghị nếu Bắc Việt ngưng tấn công, đình chiến, và trao trả tù binh, Hoa Kỳ sẽ rút quân trong vòng bốn tháng. Lê Đức Thọ lập tức bác bỏ đề nghị đó, và quyết liệt muốn Hoa Kỳ thay chính phủ VNCH bằng một chính phủ liên hiệp. Với những đỏi hỏi vô lý như vậy, Hoa Kỳ cho Bắc Việt biết đề nghị của họ không thể nào được chấp nhận. Sau đó Hoa Kỳ gia tăng cường độ oanh tạc miền Bắc và phong tỏa hải cảng Hải Phòng và các thủy đạo quan trọng của Bắc Việt. Qua sự can thiệp của Nga và Trung Cộng, hai bên trở lại thương lượng với nhau vào những ngày 1, 14, và 19 tháng 8, 1972. Trong những lần hội đàm đó, tuy cộng sản vẫn muốn thấy Hoa Kỳ ép tổng thống Thiệu từ chức trước khi nói đến chuyện ngưng bắn, thái độ của họ trở nên hòa hoãn hơn. Họ công nhận Việt Nam có hai chính phủ, hai quân đội và một thực thể chính trị thứ ba: Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời của cộng sản ở miền Nam được coi như ngang hàng chính phủ VNCH.

Sửa Soạn Ngưng Bắn

Tiến sĩ Kissinger đến Saigon gặp tổng thống Thiệu ngày 16 tháng 8, 1972. Kissinger nói cho tổng thống Thiệu về những áp lực chính trị ở nội địa Hoa Kỳ, và những áp lực này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu củ tổng thống như thế nào. Kissinger đồng thời lập lại sự cương quyết của tổng thống Nixon đi tìm một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Việt Nam. Ngày 11 tháng 9, 1972, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp lại ở Ba Lê. Nhưng trong cuộc họp lần này tất cả sự thỏa thuận đã có từ những lần trước được viết ra thành văn kiện. Sự thỏa thuận, nói một cách tổng quát là: Vì Việt Nam có hai chính phủ, hai quân đội, và nhiều lực lượng chính trị khác, nên nếu đi đến một chính phủ hòa hợp hòa giải thì điều này phải được thực hiện bằng một giải pháp hoà bình, và hai bên tránh tìm cách triệt hạ nhau. VNCH sẽ không bị cưỡng ép theo một chế độ thân cộng hay thân Mỹ. Như vậy, lần đầu tiên trong cuộc hòa đàm, cộng sản bỏ ý định yêu cầu Hoa Kỳ thay thế chính phủ VNCH bằng một chính phủ thân cộng. (9)
Lần gặp vào ngày 26 tháng 9, Bắc Việt thêm vào bản thỏa hiệp một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Quốc Gia. Với nhiều tiến triển khả quan xảy ra cho cuộc hòa đàm, mọi người hy vọng hòa bình sẽ được thực hiện trong những ngày sắp đến. Ngày 8 tháng 10, 1972, Kissinger trở lại thương lượng tiếp. Đó là lần thứ 19 Kissinger băng qua Đại Tây Dương để hội đàm với Lê Đức Thọ. Bắc Việt và Hoa Kỳ thỏa thuận với nhau qua một bản dự thảo bằnh Anh ngữ, trong đó Bắc Việt đồng ý coi vấn đề chính trị và quân sự là hai vấn đề khác nhau và phải được giải quyết riêng rẽ; Hai bên đồng ý ngưng bắn tại chỗ; Và vấn đề chính trị của miền Nam sẽ được giải quyết bởi hai miền. Như vậy, bản dự thảo kết thúc một cuộc đối thoại dài mấy năm trời của hai người điếc. (10) Tuy nhiên bản dự thảo còn nhiều chi tiết cần được bổ túc thêm. Sơ thảo của bản hiệp định giữa Kissinger và Lê Đức Thọ bao gồm chín điểm:
1. Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ và độc lập của Việt Nam.
2. Cuộc ngưng bắn sẽ được thực hiện hai mươi bốn giờ sau khi hiệp định có hiệu lực. Quân đội Hoa Kỳ sẽ rút khỏi miền Nam trong vòng 60 ngày.
3. Tất cả tù binh sẽ được trao trả trong vòng 60 ngày.
4. Thành lập một cơ cấu hành chánh gọi là Hội Đồng Hòa Hội hợp Hòa Giải Quốc Gia, gồm ba thành phần, để tổ chức cuộc bầu cử.
5. Sự thống nhất VN sẽ được thực hiện từng phần qua phương cách hòa hợp.
6. Một Ủy Ban Kiểm Soát và Giám Sát Quốc Tế sẽ được thiết lập.
7. Tổ chức một hội nghị quốc tế trong vòng 30 ngày để bảo đảm hòa bình ở Việt Nam.
8. Tất cả các lực lượng hứa sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền và lãnh thổ của Lào và Cam Bốt.
9. Hoa Kỳ sẽ góp phần vào công cuộc tái thiết hậu chiến ở miền Bắc và Đông Dương.
Được sự khuyến khích của tổng thống Nixon, Kissinger gặp lại Lê Đức Thọ hai ngày 9 và 10 tháng 10, mỗi ngày 16 tiếng để tiếp tục thương lượng. Một số dị biệt của hai phía được giải quyết, và cả hai đi đến một thời khoá biểu thực thi hiệp định: Hoa Kỳ ngừng oanh tạc và ngừng thả mìn phong tỏa Bắc Việt vào ngày 18; Sau khi được tổng thống Thiệu chấp nhận, Hoa Kỳ và Bắc Việt sẽ ký bản thỏa hiệp ngày hôm sau, 19 tháng 10, 1972.
Bản hiệp định chính thức sẽ được bốn bên, VNCH, Bắc Việt, Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời, và Hoa Kỳ, ký tại Ba Lê vào ngày 26/10/1972. Và cuộc ngưng bắn sẽ được thi hành vào ngày, 27/10.
Mọi việc tiến triển tốt đẹp. Hai bên muốn thấy cuộc ngưng bắn xảy ra trước ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Bắc Việt sốt sắng hơn, vì họ nghĩ tổng thống Nixon sẽ không nhân nhượng nhiều sau khi được tái đắc cử. Tin tức của cuộc mật đàm giữa Lê Đức Thọ và Kissinger được chuyển đến đại diện của VNCH theo thường lệ. Tuy nhiên đại diện VNCH không biết gì về nội dung của bản hiệp định đang được trao đổi qua lại giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt, hay là thời khóa biểu thực thi hiệp định đó. Tiến sĩ Kissinger tin tưởng ông có thể thuyết phục chính phủ VNCH chấp nhận hiệp định ông thương lượng với Bắc Việt. Nhưng một bất ngờ xảy ra làm đình hoãn lịch trình của bản hiệp định: Ngày 11 tháng 10, toà đại sứ Pháp ở Hà Nội bị thiệt hại trong cuộc dội bom của Hoa Kỳ. Đại sứ Pháp, Pierre Susini bị thương nặng. Khi Lê Đức Thọ phản đối với Kissinger, Hoa Kỳ đã ngừng oanh tạc. (11) Hai bên soạn lại một thời khóa biểu mới: Ngày 21 ngừng dội bom; ngày 22 ký bản hiệp định sơ thảo tại Hà Nội; và ngày 30/10 là ngày chánh thức ký bản hiệp định tại Ba Lê.

Chú Thích Chương 2

1. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, Bộ Tổng Tham Mưu không còn quân tổng trừ bị khi hai sư đoàn Dù và TQLC hành quân ở Vùng I. Tình trạng trên được cải thiện sau 1972 (Xem tiểu mục tổ chức quân lực VNCH ở Chương 4) (chú thích của tác giả).
2. Theo Larry Berman trong No Peace, No Honor, trang 23, phái đoàn Hoa Kỳ và VNCH đến Paris ngày 9 tháng 5, và nói chuyện với Bắc Việt lần đầu vào ngày 13 tháng 5, 1968 (chú thích của dịch giả).
3. Cùng ngày, tổng thống Thiệu đọc một diễn văn trước quốc hội nói đến lập trường sáu điểm này. Đọc Đoàn Thêm, 1969: Việc Từng Ngày, trang 119.
4. Trên thực tế Hoa Kỳ đã bắt đầu giảm thiểu số quân có mặt tại Việt Nam từ tháng 7, 1969. Khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, 1969, Hoa Kỳ "tái phối trí" 25 ngàn quân. Xem Jeffrey Clarke, Advice and Support: the Final Years, Phụ Bản C, trang 524 (chú thích của dịch giả).
5. Bộ tư lệnh MACV biết điểm tụ quân và kế hoạch tấn công của Bắc Việt từ tháng 1, 1972. Đại tướng Abrams và Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Đô đốc Thomas Moore, xin lệnh của Nixon và Henrry Kissinger dùng B-52 phá hủy các điểm tập trung quân và xe tăng của địch, nhưng bị từ chối ba lần. Nixon và Kissinger muốn cho Bắc Việt tấn công trước rồi mới phản ứng. Đọc Lewis Sorley, A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Years in Vietnam (Harvest Books: New York, 1999), trang 307-321; Dale Andradé, Trial by Fire: The 1972 Easter Offensive, America's Last Vietnam Battle (Hippocrene Books: New York, 1995) trang 24-30; Philip B. Davison, Vietnam at War: The History 1946-1975 (Oxford University Press: Oxford, 1988) trang 669; Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972 (Center of Military: Washington, D.C., 1980), trang 9-14. Hai tác giả Lewis Sorley và trung tướng Philip Davison là sĩ quan tình báo cao cấp của CIA và MACV (chú thích của dịch giả).
6. Tác giả Cao Văn Viên muốn nói đến hai trung gian người Pháp tên Hertbert Marcovich và Raymond Aubrac, mà Kissinger nhờ đi Hà Nội để nhắn đề nghị của tổng thống Johnson với Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7, 1967. Marcovich là bạn của Kissinger, Aubrac là bạn của Marcovich; Aubrac quen thân với Hồ Chí Minh từ năm 1946. Kissinger liên lạc với Aubrac qua Marcovich. Sau lần liên lạc ở Hà Nội, tất cả các liên lạc về sau xảy ra ở Ba Lê giữa Mai Văn Bộ và Aubrac. Xem David Kraslow và Stuart H. Loory, The Secret Search for Peace in Vietnam (Vintage Books: New York 1968), trang 219-224. Cộng sản Việt Nam viết về những hội họp bí mật này trong, Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Tiếp Xúc Bí Mật Việt Nam-Hoa Kỳ Trước Hội Nghị Paris (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2000) (chú thích của dịch giả).
7. Tất cả chi tiết về những lần nói chuyện bí mật giữa Henry A. Kissinger và Lê Đức Thọ được trích theo quyển Kissinger (Boston-Toronto: Little, Brown and Co., 1974) của Bernard Kalb và Marvin Kalb (ghi chú của tác giả).
8. Kissinger, tr. 183-184 (ghi chú tác giả).
9. Trong lần mật đàm ngày 12 tháng 7, 1971, Lê Đức Thọ nằn nỉ Hoa Kỳ phải thay chính phủ Nguyễn Văn Thiệu bằng một chính phủ khác trong kỳ bầu cử tháng 10 năm 1971. Có lúc Lê Đức Thọ nhắn với Kissinger là "...có nhiều cách để thay Thiệu nếu quí ông muốn hạ bệ hắn [Thiệu]." Kissinger hiểu Lê Đức Thọ muốn nói đến chuyện ám sát. Xem Larry Berman, sách đã dẫn, trang 106-109; Trong The Palace File của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrol L. Schecter, trang 80-81 cũng có bàn đến chuyện ám sát đó (chú thích của dịch giả).
10. Marvin Kalb và Bernard Kalb, sách đã dẫn, trang 354 (chú thích của tác giả).
11. Marvin Kalb và Bernard Kalb, sách đã dẫn, trang 359, 361 (chú thích của tác giả).

No comments:

Post a Comment