Chương 6: Thảm Bại ở Cao Nguyên
Hai
ngày sau lần gặp lịch sử để bàn thảo về chiến lược tái phối trí ở Dinh
Độc Lập, tổng thống Thiệu tỏ ý muốn gặp tư lệnh quân đoàn II Phạm Văn
Phú tại bộ tư lệnh quân đoàn ở Pleiku. Đến thời gian này, Ban Mê Thuột
đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của địch, và các cuộc phản công của
quân đoàn chiếm lại thành phố không đem lại một hiệu quả nào. Không muốn
thấy chuyện chiếm lại thành phố quan trọng này bị đình hoãn, tổng thống
Thiệu muốn gặp vị tư lệnh chiến trường để bàn kế hoạch tái chiếm.
Pleiku đang bị áp lực mạnh; pháo của địch bắn dọa dẫm vào thành phố từng
hồi. Pleiku quá nguy hiểm để cho tổng thống thăm viếng; càng nguy hiểm
hơn để có một cuộc hội họp quan trọng. Lo ngại cho an ninh của tổng
thống Thiệu, tướng Phú đề nghị một địa điểm khác. Sau nhiều bàn cãi và
thảo luận, Cam Ranh được chọn cho cuộc họp vào ngày thứ Sáu, 14 tháng
3-1975.
Địa điểm được chọn phù hợp với ý nghĩa lịch sử của buổi họp.
Nơi gặp nhau là một tòa nhà do quân đội Hoa Kỳ xây trên một đồi cát vào
năm 1966, dùng làm nơi tạm trú cho chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng
thống Johnson. Cả ba nhân vật nhóm họp với tổng thống Thiệu ba ngày
trước lần này cũng đi theo trong buổi họp ở Cam Ranh: thủ tướng Khiêm,
trung tướng Quang, và tác giả (Đại tướng Cao Văn Viên).
Như thông lệ
của các buổi họp về quân sự, vị tư lệnh quân đoàn mở đầu buổi họp với
tường trình của ông về tình hình quân sự của ta và địch. Giọng nói của
tướng Phú bi quan khi ông nói về các biến cố quân sự đã xảy ra: tất cả
các thông lộ của vùng II như quốc lộ 14, 19, 21 đều bị địch quân cắt
đứt. Con đường quan trọng nhất là quốc lộ 19, chạy từ Pleiku ngang qua
cao nguyên về miền duyên hải Qui Nhơn, bị sư đoàn 3 CSBV chận ở Bình
Khê. Sư đoàn 22 bộ binh, dưới quyền chỉ huy của chuẩn tướng Phan Đình
Niệm, dùng ba trung đoàn cố gắng giải tỏa từng chốt của địch quân đóng
dài trên đoạn đường. Một trung đoàn khác của CSBV đang án ngữ ở Lệ
Trung, hướng đông Pleiku; và Pleiku thì đang bị áp lực bằng pháo binh và
địch đang hăm he tấn công từ hai hướng đông và tây. Tình hình Ban Mê
Thuột thì vô vọng: chúng ta không đủ quân để phản công, và không thể nào
đánh ngược vào bằng đường bộ.
Sau khi tướng Phú chấm dứt tường trình
của ông, tổng thống Thiệu chỉ hỏi một câu quan trọng nhất: Tướng Phú có
thể nào chiếm lại được Ban Mê Thuột không" Như mọi người có thể tiên
đoán câu trả lời của tướng Phú: câu trả lời của tướng Phú không xác định
và cũng không phủ định, ông chỉ xin tổng thống Thiệu thêm quân tiếp
viện. Quay sang tác giả, tổng thống Thiệu hỏi chúng ta còn bao nhiêu
quân trừ bị có thể cung cấp cho tướng Phú. Hỏi, nhưng chắc chắn tổng
thống Thiệu đã biết câu trả lời. Lực lượng trừ bị cuối cùng là liên đoàn
7 Biệt Động Quân, đã được gởi đến Vùng II theo lời yêu cầu của tướng
Phú khi ông thấy các hoạt động của cộng sản gia tăng. Bây giờ chúng ta
thật sự không còn đơn vị trừ bị nào để tăng viện cho tướng Phú.
Đây
là giai đoạn hiểm nghèo nhất của cuộc chiến: đã xử dụng hết quân, bây
giờ chúng ta phải đối diện một địch thủ liên tục đổ thêm quân vào trận
chiến như một thách thức. Hai đơn vị tổng trừ bị chánh là TQLC và Nhảy
Dù đã được gởi ra Vùng I từ năm 1972. Trước khi Ban Mê Thuột bị tấn
công, vì một lý do chính trị nào đó, tổng thống Thiệu định đem đơn vị
Nhảy Dù về phòng thủ Saigon. Thay vào chỗ của Nhảy Dù ở Vùng I là một
đơn vị vừa thành lập, lữ đoàn 468 TQLC, và một liên đoàn BĐQ. Như vậy,
Vùng I sẽ có tương đương hai lữ đoàn để thay vào ba lữ đoàn Nhảy Dù bị
lấy đi. Nhưng sau đó, chính tổng thống Thiệu hủy bỏ lệnh đưa liên đoàn
BĐQ ra Vùng I như đã định vì tình hình quân sự thay đổi quá nhanh. Lữ
đoàn 3 Nhảy Dù trên đường về Saigon bằng đường biển thì họ nhận lệnh cập
bến Nha Trang để tiến về Khánh Dương trên quốc lộ 21, chận bước tiến
của CSBV về miền duyên hải sau khi Ban Mê Thuột rơi vào tay địch. Vài
ngày sau, một cuộc thư hùng đẫm máu xảy ra giữa các sư đoàn cộng sản và
quân Dù ở Khánh Dương. Không đủ yểm trợ, lữ đoàn 3 Nhảy Dù tan rã, và
không trở về Saigon như đã định. Như vậy, đến lúc quan trọng nhất khi
tướng Phú cần quân tổng trừ bị thêm cho mặt trận, thì BTTM không còn gì
để cung cấp.(1)
Đến lượt tổng thống Thiệu phát biểu. Cũng giống như
lần ở dinh Độc Lập, tổng thống Thiệu hỏi những câu hỏi chính ông đã biết
câu trả lời, rồi nhắc nhở cho mọi người biết chúng ta đang nằm trong
hoàn cảnh nào, và lý do thúc đẩy quyết định của ông. Đứng trước tấm bản
đồ nam Việt Nam, trong khi tướng Phú lắng nghe chăm chú, tổng thống
Thiệu nói đến một chiến lược mới cần được áp dụng. Dùng tay chỉ rõ những
vùng đất tướng Phú phải cố giữ, ông nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn
Pleiku và Kontum nhập lại về phương diện kinh tế, dân số. Nhiệm vụ của
quân đoàn II là phối trí lại các đơn vị cơ hữu của quân đoàn để chiếm
lại Ban Mê Thuột. Và đó là lệnh của tổng thống.
Sau đó tổng thống
Thiệu hỏi tướng Phú tái phối trí ra sao, và dùng đường nào để đem quân
trở lại Ban Mê Thuột. Theo tướng Phú, quốc lộ 19, chạy hướng đông tây từ
Pleiku về miền duyên hải bị cô lập. Sư đoàn 22 bộ binh đang đánh giải
tỏa các chốt trên đường nhưng bị chận lại ở Bình Khê. Quốc lộ 14, hướng
nam bắc, nối Ban Mê Thuột và Pleiku bị cô lập ở Thuần Mẫn, hướng bắc Ban
Mê Thuột. Chúng ta có thể giải tỏa đoạn đường này nhưng rất khó, vì
địch đã biết được ý định của chúng ta. Tướng Phú dự định xử dụng liên
tỉnh lộ 7B, một con đường phụ, tách khỏi quốc lộ 14 khoảng 32 cây số ở
nam Pleiku, chạy theo hướng đông nam qua Hậu Bổn (Cheo Reo) về Tuy Hòa ở
miền duyên hải. Liên tỉnh lộ 7B là một con đường nhỏ, lồi lỏm, bị bỏ
hoang từ lâu. Trừ một đoạn ngắn bắt đầu từ nhánh chẻ ở quốc lộ 14 về Hậu
Bổn có thể sử dụng được, tất cả đoạn đường còn lại không ai biết tình
trạng như thế nào. Nhưng có hai chi tiết chúng ta biết chắc về con đường
7B là, (1) cầu bắc qua sông Ba ở phía nam của Cùng Sơn bị phá hủy không
còn xử dụng được. (2) đoạn đường chót đi vào Tuy Hòa rất nguy hiểm vì
quân đội Đại Hàn, trong thời gian trấn giữ đã gài mìn phong tỏa. Tuy
nhiên trước những hiểm trở, tướng Phú tỏ vẻ lạc quan về cách đối phó và
đương đầu. Tướng Phú nói yếu tố bất ngờ về chiến thuật là quan trọng; và
sự chọn lựa của ông đặt nặng vào yếu tố bất ngờ đó. Tướng Phú chỉ xin
BTTM cung cấp cho vật liệu tiền chế để làm cầu vượt sông Ba. Tác giả
chấp thuận ngay lời yêu cầu của tướng Phú.(2)
Di chuyển một đoàn quân
cấp quân đoàn kèm theo quân cụ nặng và quân xa, trên một đoạn đường dài
250 cây số của rừng núimiền cao nguyên là một công tác vô cùng nguy
hiểm. Yếu tố bất ngờ chỉ có được nếu quân di chuyển nhanh và không bị
cản trở. Dù lạc quan như thế nào đi nữa, người tư lệnh phải giả định sự
có mặt của địch và những cuộc phục kích đoạn đường rút quân.
So với
tất cả địa hình của nam Việt Nam, cao nguyên trung phần là một địa hình
lý tưởng để phục kích. Nơi đây đã xảy ra nhiều cuộc phục kích đẫm máu
của Việt Minh trong cuộc chiến Việt-Pháp 1946-1954. Với tư cách tổng
tham mưu trưởng, tác giả thấy cần thiết nhắc cho vị tư lệnh chiến trường
những nguy hiểm và khó khăn có thể xảy ra trên đoạn đường rút quân. Một
cuộc chuyển quân lớn lao, trên một quãng đường xa, đòi hỏi cấp chỉ huy
áp dụng những biện pháp an ninh và bảo vệ suốt lộ trình. Đoàn quân triệt
thoái phải được tổ chức sao cho các thành phần tiền quân, hậu vệ, và ở
giữa được bảo hệ hữu hiệu. Ngoài ra phải có phương tiện truyền tin hữu
hiệu để liên lạc nhau, và phải có phi cơ quan sát bao vùng cùng khu trục
yểm trợ tiếp cận cần thiết.
Sau cùng, tác giả nhắc đến một bài học
mà quân đội Pháp đã trả giá thật cao trong cuộc chiến Việt-Pháp, khi hai
đoàn quân của đại tá Le Page và Charton bị phục kích và tiêu diệt tám
cây số tây nam Đông Khê, dọc theo con lộ tẻ Quảng Liệt. Một thí dụ nữa
cũng trong một địa hình tương tự như địa hình tướng Phú sẽ chuyển quân
khi chiến đoàn GM-100 của Pháp bị hủy diệt trên quốc lộ 19 gần An Khê
vào năm 1954. Những vụ phục kích đẫm máu đó phải ghi nhớ nằm lòng.(3)
Khi
cuộc họp sắp tàn và chuẩn bị ra về, tướng Phú đột nhiên thỉnh cầu tổng
thống Thiệu một đặc ân: Tướng Phú nài nỉ tổng thống Thiệu thăng chức
chuẩn tướng cho đại tá Phạm Duy Tất, đương nhiệm tư lệnh Biệt Động Quân
Vùng II. Tác giả không biết nhiều về đại tá Tất, chỉ nghe nói ông ta là
một sĩ quan có khả năng, nhưng chưa có thành tích gì xứng đáng ngoài mặt
trận. Trong khi không phản đối hoàn toàn, tác giả thiết nghĩ, sự thăng
thưởng sẽ xứng đáng hơn nếu đại tá Tất chờ khi hoàn tất được một công
trận nào đó. Tổng thống Thiệu đồng ý với lý lẽ của tác giả và ngần ngại
quyết định. Nhưng tướng Phú năn nỉ lần nữa khi đưa tổng thống lên xe về,
tổng thống Thiệu đồng ý lời xin của tướng Phú. Sau khi được thăng cấp,
chuẩn tướng Phạm Duy Tất được chỉ định chỉ huy cuộc rút quân tái phối
trí. Điều này giải thích tại sao tướng Phú muốn thấy người sĩ quan tín
cẩn của ông được thăng chức.(4) Hai người tư lệnh phó của tướng Phú là
hai chuẩn tướng Trần Văn Cẩm và Lê Văn Thân không được giao một nhiệm vụ
chuyên biệt gì trong cuộc rút quân. Chuẩn tướng Cẩm được giao một nhiệm
vụ mơ hồ là "trông coi" cuộc rút quân.
Khi trở lại Saigon tác giả
gọi chuẩn tướng Trần Đình Thọ, phụ tá tổng tham mưu trưởng về Hành quân,
nói cho tướng Thọ biết nội dung buổi họp. Tham mưu trưởng của BTTM là
trung tướng Đồng Văn Khuyên đang đi thăm viếng ở ngoại quốc nên vắng
mặt. Tác giả ra lệnh cho tướng Thọ theo dõi cuộc rút quân tái phối trí;
giúp tướng Phú khi cần nhưng trong vòng kín đáo, vì đây là kế hoạch bí
mật dành riêng cho các đơn vị cơ hữu của Vùng II và đây là quân lệnh tối
mật của tổng thống ra lệnh cho tư lệnh chiến trường. Vì bản chất của
quân lệnh nói trên, BTTM không có thẩm quyền ra lệnh hay thông báo cho
các đơn vị không trực thuộc hay liên hệ vào cuộc rút quân.(5)
Kế Hoạch của Tướng Phú
Đến
giai đoạn này, tất cả mọi cố gắng của quân đoàn đánh giải tỏa các nút
chận trên các quốc lộ không được thành công như ý muốn. Từ Qui Nhơn, ba
trung đoàn của sư đoàn 22 giải tỏa quốc lộ 19 đến đoạn Bình Khê thì
khựng lại, mặc dù đã cố gắng chiến đấu. Từ Pleiku một lực lượng hỗn hợp
thiết kỵ và bộ binh của liên đoàn 25 BĐQ và thiết đoàn 21 xe tăng M-48,
giải toả chỉ được hơn 22 cây số đuờng 19 từ Pleiku xuống tới Lệ Trung,
còn cách xa mục tiêu là đèo Mang Yang. Cùng lúc, các lực lượng của sư
đoàn 23 bộ binh trên đường đánh giải toả quốc lộ 14 về hướng Ban Mê
Thuột, nhưng chỉ đi được nửa đoạn đường. Tất cả các cố gắng này thật sự
xảy ra trước khi Ban Mê Thuột bị tấn công và cô lập. Sư đoàn không quân ở
Pleiku chỉ có khả năng giới hạn: Phải cần đến 3 ngày, từ 12 đến 14
tháng 3, sư đoàn mới không vận được trung đoàn 45 và hai tiểu đoàn của
trung đoàn 44 đến Phước An. Vùng IV phải cung cấp thêm một phi đoàn trực
thăng UH-1 và bốn trực thăng CH-47 cho cuộc không vận này. Và khi tổng
thống Thiệu ra lệnh tái chiếm Ban Mê Thuột vào ngày 14 tháng 3, thiếu
tướng Phú không có chọn lựa nào khác hơn là đường 7B con đường duy nhất ở
vùng II còn di chuyển được về hướng đông.
Sau khi Ban Mê Thuột mất,
các lực lượng còn lại ở vùng II trong phạm vi Kontum-Pleiku là: 1 tiểu
đoàn của trung đoàn 44; 5 liên đoàn Biệt Động Quân (7, 21, 22, 24, và
25); thiết đoàn 21 kỵ binh (xe tăng M-48); 2 tiểu đoàn pháo binh 155 ly;
1 tiểu đoàn 175 ly; và các đơn vị Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Các
đơn vị tiếp vận còn lại gồm: Liên đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu; liên đoàn
231 Tiếp Liệu; 20 ngàn tấn đạn và bom của bộ binh và không quân; nhiên
liệu đủ cung cấp cho 45 ngày; và thực phẩm cho 60 ngày. Nhiệm vụ của
tướng Phú là di chuyển tất cả các đơn vị, quân liệu này về Nha Trang, và
từ Nha Trang tấn công lấy lại Ban Mê Thuột.
Kế hoạch căn bản trong
cuột rút quân của vị tư lệnh quân đoàn II là yếu tố bất ngờ. Theo lời
thuật lại của vị tham mưu trưởng quân đoàn, tướng Phú họp với các sĩ
quan tham mưu quân đoàn ngay buổi chiều sau khi nói chuyện với tổng
thống Thiệu. Trong buổi họp, ngoài tân chuẩn tướng Phạm Duy Tất, còn có
các chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, tư lệnh phó hành quân và chuẩn tướng Phạm
Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 Không Quân.(6) Trong buổi họp tướng Phú
nhắc lại lệnh của tổng thống và ra một số quân lệnh để áp dụng vào cuộc
tái phối trí. Kế hoạch tổng quát là, bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn II
cùng tướng Phú và chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 23 bộ
binh, sẽ về Nha Trang bằng phi cơ. Từ Nha Trang, tướng Tường sẽ phụ
trách kế hoạch giải tỏa quốc lộ 21 để đánh chiếm lại Ban Mê Thuột. Trong
lúc này trung đoàn 53 đang chống trả cộng quân ở phi trường Phụng Dực,
sư đoàn 23 đang có trung đoàn 45, một phần của trung đoàn 44 ở Phước An,
liên đoàn 23 BĐQ ở Buôn Hồ, và trung đoàn 40 của sư đoàn 22 bộ binh ở
Khánh Dương. Chuẩn tướng Tất được chỉ định làm tư lệnh cuộc rút quân từ
Kontum-Pleiku về Tuy Hòa theo liên tỉnh lộ 7B. Đại tá Lê Khắc Lý được
giao nhiệm vụ điều khiển tất cả các đơn vị tiếp vận và ban tham mưu quân
đoàn. Cuộc triệt thoái được đặc dưới quyền giám sát của chuẩn tướng
Cẩm.
Đội hình di chuyển theo kế hoạch của tướng Phú là, liên đoàn 20
Công Binh Chiến Đấu đi trước để sửa đường, cầu khi cần thiết. Một lực
lượng thiết kỵ đi kèm theo mỗi đoàn xe để bảo vệ. An ninh dọc theo thông
lộ do Nghĩa Quân và Địa Phương Quân phụ trách. Cuối cùng là hai liên
đoàn BĐQ cùng với một chi đoàn thiết kỵ đi bọc hậu cho đoàn quân di tản.
Ngày 19 được dự trù là ngày cuối cùng di chuyển khỏi Pleiku.
Vì cuộc
rút quân liên hệ đến hàng chục ngàn quân nhân, hàng trăm quân xa, pháo
binh và quân cụ nặng, ban tham mưu quân đoàn thiết lập một lịch trình di
chuyển cho bốn ngày, bắt đầu là ngày 16, hàng ngày sẽ có một đoàn quân
xa chừng 200-250 chiếc rời Pleiku theo liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa. Mỗi
đoàn xe đều có một lực lượng thiết kỵ hộ tống. Chi tiết lịch trình di
chuyển được tham mưu trưởng quân đoàn II ghi lại như sau:
16-3: các đơn vị quân cụ, đạn dược, nhiên liệu, và vài đơn vị pháo binh. Đoàn xe khoảng 200 chiếc.
17-3: Các đơn vị pháo binh còn lại, công binh, quân y, tổng cộng chừng 250 xe.
18-3: Bộ chỉ huy và ban tham mưu quân đoàn, quân cảnh, một phần bộ chỉ huy sư đoàn 23 và khoảng 200 quân nhân của sư đoàn 22.
19-3: Các lực lượng thiết kỵ và hai liên đoàn BĐQ đi bọc hậu.
Ngày
15, trong khi các đơn vị nằm trong kế hoạch gấp rút sửa soạn chuẩn bị
di chuyển, tướng Phú và một số sĩ quan tham mưu bay về Nha Trang. Cùng
lúc, tư lệnh phó quân đoàn, chuẩn tướng Cẩm, bay về Tuy Hòa chờ đoàn
quân di tản đầu tiên rút về từ Pleiku. Cũng trong ngày 15, một vài đoàn
xe lẻ tẻ bắt đầu rời Pleiku. Vì lệnh rút quân được bàn thảo và sửa soạn
trong bí mật, tỉnh trưởng của các tỉnh Phú Bổn, Pleiku và Kontum không
được thông báo. Khuya ngày thứ nhì của cuộc rút quân, ngày 17 tháng 3,
ba liên đoàn BĐQ ở Kontum được lệnh rút về Pleiku để chuẩn bị di tản.
Đến lúc đó tỉnh trưởng Kontum là đại tá Phan Đình Hùng mới biết tin và
vội vã rút theo. Nhưng đi được nửa đường Kontum-Pleiku thì bị phục kích
chết.
Sáng ngày 16 tháng 3, khi chiếc xe cuối cùng của đoàn quân xa
vừa rời thành phố thì tin di tản đã lan truyền khắp nơi. Liền sau đó,
dân chúng tìm mọi cách kể cả đi bộ để chạy theo đoàn quân di tản, đem
theo những gì họ có thể đem đi được. Đoàn dân di tản từ Kontum cũng nhập
vào đây, và từ Pleiku một làn sóng người, xe, bắt đầu cuộc hành trình
gian nguy theo đường 7B.
Hai ngày đầu tiên, 16 và 17, không có một
tai nạn nào quan trọng xảy ra. Chiều ngày 18 tháng 3, bộ tư lệnh quân
đoàn II về đến Hậu Bổn, tỉnh Phú Bổn. Một bộ tư lệnh dã chiến được thiết
lập tại đây. Chính tại nơi này, tất cả các đoàn xe và người chạy nạn từ
ba ngày trước bị kẹt lại. Đoạn đường từ Hậu Bổn về Tuy Hòa còn cả trăm
cây số nữa chưa giao thông được vì công binh chưa làm xong cầu nổi bắt
qua sông Ea Pha. Trong đêm đó quân địa phương Việt Cộng tấn công và pháo
kích vào đoàn người đang bị kẹt. Phi trường dã chiến Hậu Bổn, cách bộ
tư lệnh của đoàn quân hơn một cây số, bị địch tràn ngập. Quân ta và địch
giao tranh cho đến chiều ngày 19. Lính và dân bị thương nằm la liệt,
tình hình chung quanh Hậu Bổn hoàn toàn náo loạn, không còn một trật tự
nào. Một số lính người Thượng thuộc lực lượng Nghĩa Quân và Địa Phương
Quân bắt đầu cướp giựt hay bỏ hàng ngũ trốn đi. Hành động của các binh
sĩ người Thượng gây thêm hỗn loạn cho một đoàn dân quân đã không còn tin
vào một sự trật tự nào nữa. Với tình thế càng lúc càng lúc càng rối
loạn, tướng Phú chỉ định đại tá Đông, chỉ huy trưởng thiết đoàn 2, làm
tư lệnh đoàn quân trong lúc đó.
Đoàn quân xa và dân tị nạn rời Hậu
Bổn ngày 20 nhưng chỉ di chuyển được hơn 20 cây số thì phải đi chậm lại:
trước mặt đoàn di tản là Phú Túc đã bị địch chiếm. Đoàn quân tiến chậm,
vừa chống trả, vừa tiến đi. Không quân đến oanh kích, nhưng không may,
một trái bom rơi vào đoàn quân đi đầu gây thương vong gần một tiểu đoàn
BĐQ. Thiệt hại này lại gây thêm rối loạn nữa. Nhiều binh sĩ nhảy xuống
sông tránh đạn bị chết chìm; xe tăng và quân xa bị lún sình khi họ chạy
khỏi lề đường, qua mặt vượt lên phía trước.
Khi đến Cùng Sơn, cách
Tuy Hòa 65 cây số, đoàn di tản phải băng qua sông Ba. Từ đây, hương lộ
436, chạy dọc theo phía nam bờ sông là đoạn đường cuối cùng của cuộc
hành trình. Liên tỉnh lộ 7B từ khúc này về Tuy Hòa không còn xử dụng
được vì mìn của quân đội Đại Hàn gài trước kia. Một cầu nổi được đem từ
Nha Trang lên Tuy Hòa, nhưng vì đường bộ từ Tuy Hòa lên sông Ba không
thể đi được, trực thăng CH-47 phải chở từng đoạn cầu lên Sông Ba.
Ngày
22, cầu ráp xong và đoàn di tản vượt sông đi theo hương lộ 436 về Tuy
Hòa. Cuộc vượt sông không phải không có tai nạn: vì xe, người, tràn lên
cầu quá đông, cầu sập, gây một số thiệt hại và thương vong. Phải sửa
chữa cầu thêm lần nữa, số người còn lại mới qua sông được.
Sau bảy
ngày với bao nhiêu thiệt hại và thương vong, đoàn di tản mới đi được đến
đây. Nhưng chặng đường cuối không kém gian nan và nguy hiểm hơn đoạn
đường họ đã qua. Đoạn đường cuối cùng ngắn, nhưng có nhiều chốt chặn của
địch. Toán quân tiền đạo vừa bắt đầu di chuyển thì bị địch tấn công
ngay. Cố gắng giải tỏa các chốt chận đường của địch khó và chậm. Trời
mưa, lạnh, trong khi súng cối của địch bắn vào đoàn di tản để kềm chân
chúng ta. Với thời tiết đó, không lực không thể oanh kích yểm trở; tiểu
khu Tuy Hòa không còn quân để tiếp viện: đoàn di tản phải tự lo lấy với
những tàn lực còn lại của họ. Đối diện với những thảm cảnh, và thấu hiểu
được nỗi thống khổ đang xảy ra cho dân chúng trong đoàn quân di tản,
binh sĩ tiểu đoàn 34 thuộc liên đoàn 7 BĐQ liều mạng tràn lên tấn công
các cứ điểm của cộng sản đang chận đường. Với sự trợ giúp của vài thiết
vận xa M-113 còn lại, BĐQ và thiết kỵ hủy diệt các chốt của địch trên
quãng đường còn lại. Nghĩ là các nốt chận đã bị thanh toán và nguy hiểm
đã qua, xe cộ tranh nhau vượt lên. Một chiếc xe jeep dân sự rời đoàn
quân tiền đạo chạy vượt lên trước, nhưng chỉ được vài trăm thước thì bị
trúng đạn địch tan tành.
Ngày 27, sau khi chốt cuối cùng bị thanh
toán, đoàn di tản về đến Tuy Hòa khoảng 9 giờ đêm. Chánh quyền tỉnh
không ước lượng được tổn thất về nhân mạng, vật chất của đoàn di tản là
bao nhiêu. Hơn 300 xe của quân đội và dân sự ngừng lại xin nhiên liệu ở
trạm nhiên liệu của Nha Tiếp Liệu 2 lập ra. Khoảng năm ngàn người xin
tạm trú trung tâm tị nạn Tuy Hòa trong đêm đó. Một số người tị nạn tiếp
tục đi về Qui Nhơn, Nha Trang, hay đến cư ngụ với thân nhân của họ tại
địa phương.
Nhìn từ quan điểm quân sự, cuộc triệt thoái hoàn toàn
thất bại. hầu như tất cả các đơn vị rút về từ Kontum Pleiku đều bị thiệt
hại. Theo đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng quân đoàn, chỉ có năm ngàn
quân trong số 20 ngàn quân nhân trong các đơn vị yểm trợ, tiếp liệu về
được Tuy Hòa. Chỉ có 900 trong số năm liên đoàn BĐQ về trình diện ở Nha
Trang. Riêng tiểu đoàn 34 BĐQ, tiểu đoàn được dân di tản gọi là các "Anh
Hùng Phá Chốt," bị thiệt hại 50%. Tiểu đoàn được điều động ở lại Tuy
Hòa trong nhiệm vụ bảo vệ thành phố.
Lý Do và Hậu Qủa của Thất Bại
Trong
các chiến thuật quân sự, rút quân là một lối điều binh khó nhất. Rút
quân cần được soạn thảo kỹ càng, cần sự lãnh đạo của tất cả các cấp chỉ
huy. Cuộc triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum, trong ý nghĩa chiến thuật,
không phải là một cuộc rút quân. Đây là một cuộc tái phối trí, chuyển
quân có lịch trình và khả năng tự vệ. Nhưng sự di chuyển của đoàn quân
xa bị gián đoạn, ngăn trở bởi một luồng sóng dân tị nạn, với lộ trình
giao thông khó khăn và thiếu phương tiện qua sông. Sư đoàn 320 của cộng
sản sẽ không bao giờ truy kích kịp đoàn quân nếu chúng ta có được cầu
qua sông thiết lập đúng lúc, và giữ được trật tự trong đoàn dân quân di
tản. Yếu tố bất ngờ sẽ thành công như đã thành công trong vài ngày đầu
của cuộc di tản nếu chúng ta có được những lợi điểm nói trên.
Nhìn
lại chuyện đã xảy ra, chúng ta thấy được những sơ hở và dễ chỉ trích.
Nhưng dù tư lệnh quân đoàn II có giải thích thế nào về yếu tố bất ngờ và
bí mật của kế hoạch triệt thoái, lẽ ra ông phải bàn thảo kế hoạch với
toàn ban tham mưu và trực tiếp chỉ huy cuộc triệt thoái từ lúc bắt đầu
cho đến khi kết thúc. Kế hoạch của tướng Phú chỉ có vài người soạn và
biết; không có hội thảo và điều nghiên chung. Đại tá Lê Khắc Lý, tham
mưu trưởng quân đoàn, thú nhận ông không biết nhiều về kế hoạch của
tướng Phú. Tư lệnh Liên Đoàn 231 Yểm Trợ kể lại:
"Tôi hoàn toàn không
biết gì về lệnh triệt thoái. Lúc thấy một đơn vị pháo binh kế bên thu
dọn quân dụng, tập họp binh lính, thân nhân, đưa nhau lên xe chuẩn bị
đi, khi hỏi thì được cho biết, "Có lệnh di chuyển, chúng tôi rời Pleiku.
Ông cũng nên thu xếp nhanh lên." Tôi trở lại đơn vị, vội vàng lấy theo
một số quân dụng còn tốt, chất lên xe và đi theo đơn vị pháo binh. Tôi
không có thì giờ phá hủy dụng cụ để khỏi rơi vào tay địch. Tôi cũng
không báo cáo chuyện di chuyển của tôi về bộ tư lệnh Tiếp Vận Vùng II,
vì chuyện này lẽ ra không ai được biết."
Tư lệnh quân đoàn II đã tin
tưởng quá nhiều vào sĩ quan dưới quyền của mình, và đó là một sai lầm.
Cuộc triệt thoái thiếu đồng nhất và kiển soát ngay từ khi bắt đầu. Chuẩn
tướng Tất thì chỉ lo cho lính BĐQ dưới quyền của ông. Chuẩn tướng Cẩm
thì không có một quyền chỉ huy trực tiếp nào, lệnh của ông truyền đi từ
Tuy Hòa không có ảnh hưởng đối với tình thế xảy ra cho đoàn di tản. Cuộc
triệt thoái tự nhiên nằm dưới quyền điều khiển của vị tham mưu trưởng
quân đoàn cho đến đoạn đường Hậu Bổn mặc dù ông ta không có trách nhiệm
này.
Tỉnh trưởng của hai tỉnh Phú Bổn và Phú Yên thất bại trong nhiệm
vụ bảo vệ an ninh lộ trình: nói đúng hơn, họ không kiểm soát được các
đơn địa phương trong vai trò này. Nếu con đường 7B được bảo vệ, nếu phà
qua sông được thiết lập như ý, kết quả của cuộc triệt thoái đã xảy ra
khác hơn. Nhưng vì đặt quá nặng vai trò tối mật của cuộc triệt thoái,
tất cả các đơn vị và địa phương đã không trao đổi, tiên liệu các chi
tiết ảnh hưởng đến cuộc triệt thoái mà địch có thể nghĩ đó chỉ là một dự
án sửa đường như BTTM đã có ý thực hiện để gở mìn từ Cùng Sơn về Tuy
Hòa.
Sau cùng, sự thất bại bắt nguồn từ các cấp chỉ huy. Binh sĩ
không được thông báo về cuộc triệt thoái, thẩm quyền thiếu phương tiện
giải quyết vấn đề vô kỷ luật, và cũng không tổ chức phương cách ngăn
ngừa những hỗn loạn xảy ra trên con đường triệt thoái. Một trong những
thất bại hiển nhiên là giới hữu trách đã không nung đúc tinh thần các
đơn vị hộ tống, họ phải được nhấn mạnh là mạng sống của họ và đoàn di
tản tùy thuộc vào sự hủy diệt các chốt của địch trên đường triệt thoái.
Cuộc
triệt thoái khỏi cao nguyên là một thất bại chiến lược về phương diện
quân sự. 75 phần trăm lực lượng của quân đoàn II, gồm sư đoàn 23, BĐQ,
Thiết Kỵ, Pháo Binh, Truyền Tin, và công binh bị hao tổn chỉ trong 10
ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột cũng thất bại vì quân đoàn không
còn quân. Cộng sản chiếm được Kontum và Pleiku không tốn một viên đạn.
Với chiến thắng này, ba sư đoàn F-10, 316 và 320 càng phấn khởi đánh
mạnh hơn. Đến lúc đó cộng sản biết quân đoàn II chỉ còn lữ đoàn 3 Dù là
lực lượng cuối cùng cản bước họ ở Khánh Dương.(7)
Sự tự hủy diệt của
quân đội chúng ta ở vùng II là một ác mộng cho quân đội và dân chúng
VNCH về phương diện tâm lý và chính trị. Trong thâm tâm mọi người cảm
thấy nghi ngờ, lo lắng, trách móc và đổ tội nhau về sự thất bại. Lời đồn
nhường đất cho cộng sản được CS loan truyền ra, và một làn sóng người
tìm mọi cách rời vùng II tìm về vùng đất chưa bị cộng sản chiếm đóng.
Vùng I ở hướng bắc cũng bị ảnh hưởng từ những chấn động đó. Dân chúng,
rồi lính thất lạc hay bỏ hàng ngũ, ùn ùn kéo về hướng nam. Họ đến Phan
Rang, rồi Phan Thiết, rồi từ đó về Saigon. Tại thủ đô Saigon, các lực
lượng chống đối, thân cộng gia tăng tuyên truyền chống đối, gây ra nhiều
sự bất tín nhiệm của dân và chính quyền, trong khi tinh thần quân đội
sụt xuống mức độ thấp nhất. Nhiều cuộc biểu tình đòi thay tổng thống
Thiệu và hô hào chống Mỹ. Với tất cả biến động nguy ngập xảy ra, miền
Nam vẫn còn trông đợi, hy vọng một phép nhiệm mầu nào đó, sẽ đến để có
thể cứu vãn tình hình. (Còn tiếp...)
Chú thích:
1. Theo
đại tá Nguyễn Thu Lương, tư lệnh lữ đoàn 2 Nhảy Dù, sau khi BMT mất, đơn
vị ông được lệnh chuẩn bị nhảy dù xuống chiếm lại thành phố, rồi giữ
mục tiêu trong 10 ngày, chờ quân cơ hữu của Vùng II lên tiếp viện. Nhưng
vì một lý do nào đó, lệnh trên bị hủy bỏ. Sau đó ông nhận được lệnh
giao vùng trách nhiệm ở bắc Đèo Hải Vân cho lữ đoàn 147 TQLC. Trích theo
bản thảo của đại tá Nguyễn Thu Lương gởi cho dịch giả, và qua những lần
nói chuyện với đại tá Lương (ghi chú của dịch giả).
2. Đây là lệnh
trực tiếp của tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Phú tái phối trí lực
lượng cơ hữu (lực lượng của quân đoàn) để tái chiếm Ban Mê Thuột. Do đó
không có lý do gì BTTM gọi tướng Phú về Saigon để thiết kế việc rút lui.
Tư lệnh quân đoàn và bộ tham mưu phải có khả năng làm việc đó. Trong kế
hoạch rút lui, chính tướng Phú chọn đường liên tỉnh lộ 7B để có yếu tố
bất ngờ vì các trục lộ khác đã bị địch chặn giữ. Tướng Phú chỉ xin BTTM
cung cấp phương tiện qua sông (cầu trên sông Ba đã bị phá hủy từ lâu).
Tác giả chấp thuận ngay vì cầu nổi hay cầu sắt đều có sẵn, chỉ cần chyên
chở đến tại chỗ mà thôi. Cựu nhân viên tình báo CIA, Frank Snepp, trong
tác phẩm Decent Interval (Random House, New York: 1978), viết tác giả
(Đại Tướng Cao Văn Viên) là người chọn đường 7B để triệt thoái là hoàn
toàn đoán mò (chú thích và chữ nghiêng của tác giả).
3. Khi nói đến
các thất bại của quân đội viễn chinh Pháp ở Cao Bằng và đèo Mang Yang,
tác giả muốn nhắc khéo tướng Phú là nhiệm vụ tổng thống Thiệu trao cho
ông khó có thể thi hành cho thành công dựa vào hai lý do: (1) trong trận
đánh Ban Mê Thuột cộng sản đã dùng hơn ba sư đoàn bộ binh, cộng thêm
một số đơn vị đáng kể như thiết giáp, pháo binh và phòng không yểm trợ.
Trong khi đó quân đoàn II không có quân tăng viện thêm và trong tay chỉ
có gần hai sư đoàn, cùng với thiết giáp và pháo binh; (2) binh thư và
các bài học từ trường chi huy tham mưu đều nói đến những trở ngại gặp
phải khi hành quân rút lui, và những biện pháp phải áp dụng để tránh
thất bại. Đứng trước một tình thế như vậy, vị tư lệnh chiến trường có
quyền từ chối nhiệm vụ trao phó và xin từ chức. Lúc đó cấp trên có thể
cứu xét lại lệnh của mình hoặc chỉ định một cấp chỉ huy khác có khả năng
hơn thay thế (chú thích và chữ nghiên của tác giả).
4. Sự liên hệ
thân mật của tướng Phú và tướng Tất có thể bắt đầu từ khi hai người phục
vụ trong Liên Đoàn 77 Quan Sát Địa Hình, một đơn vị tình báo quân đội
tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt sau này (chú thích của dịch giả).
5.
Trung tướng Đồng Văn Khuyên (tham mưu trưởng liên quân kiêm tổng cục
trưởng tổng cục tiếp vận) được tổng thống Thiệu cho phép đem thân phụ
qua Nhật chữa bệnh. Tuy tướng Khuyên giữ chức vụ quan trọng, nhưng tác
giả thấy không cần thiết phải gọi tướng Khuyên về ngay, vì (1) sự thành
công hay thất bại của cuộc tái phối trí lực lượng tùy vào quan niệm và
sự thi hành của quân đoàn II có được nghiêm chỉnh hay không và, (2) BTTM
có khả năng theo dõi và giúp đỡ quân đoàn (chú thích của tác giả).
6.
Buổi họp còn có mặt của đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng quân đoàn
II. Vài chi tiết về tướng Phú, đại tá Tất, đại tá Lý, được ghi lại trong
Cuộc Triệt Thoái Khỏi Cao Nguyên (MinhHa & PhamHuan, San Jose:
California, 1993) của Phạm Huấn; và bài viết của đại tá Lý trong Lịch Sử
Ngàn Người Viết do Nguyên Sa và Lê Bá Chư chủ biên (Đời: California,
1995) (chú thích của dịch giả).
7. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu quân
ta có thể chiếm lại Ban Mê Thuột" Câu trả lời là có thể, nếu chúng ta
có được những điều kiện sau: (1) di chuyển ngay hai sư đoàn Nhảy Dù và
TQLC từ Đà Nẵng đến Pleiku bằng cầu không vận. Sau đó, tùy theo địa
hình, thời tiết và tình hình của địch, chúng ta có thể thả dù nguyên sư
đoàn Nhảy Dù xuống chiến trường Ban Mê Thuột. (2) Di chuyển 2 liên đoàn
BĐQ của quân đoàn III ra Đà Nẵng để tạm thời thay vào hai sư đoàn trên.
Hai liên đoàn BĐQ cũng có thể dùng để tăng cường cho quân đoàn II nếu
tình thế đòi hỏi. (3) Tăng cường tối đa số phi cơ trực thăng và khu trục
thuộc các sư đoàn không quân (ở quân đoàn III và IV) cho quân đoàn II.
(4) tạm thời ngừng hạn chế việc tiêu thụ xăng nhớt, đạn dược đủ loại cho
đến khi có lệnh mới. Phải lưu ý là thời gian di chuyển các đơn vị theo
kế hoạch này sẽ lâu hơn như những cuộc di chuyển quân vào năm 1972. Năm
1972 di chuyển sư đoàn Nhảy Dù từ Saigon đi Pleiku, và từ Pleiku đi Đà
Nẵng, bằng không vận chỉ mất chừng hai ngày. Năm 1975, theo ước tính,
cần đến bảy hay tám ngày để di chuyển một lực lượng tương tự từ Đà Nẵng
đi Pleiku đường tuy ngắn hơn nhưng chúng ta không đủ máy bay trưng dụng.
Tuy nhiên quân đội VNCH có thể xin chánh phủ trưng dụng phi cơ dân sự
của Hàng Không Việt Nam để chở quân. Vì vấn đề tương quan lực lượng,
trong giai đoạn đầu BTTM và bộ tư lệnh Không Quân cần giúp đỡ quân đoàn
II bằng cách thực hiện các điều (1) và (3) của kế hoạch, để quân đoàn II
có tạm đủ số quân và hỏa lực đối phó với địch ở chiến trường Ban Mê
Thuột. Bộ tư lệnh quân đoàn II phải thảo kế hoạch hành quân chi tiết
(đây là một cuộc hành quân tấn công) với nhiều phụ bản để các đơn vị
tăng phái và cơ hữu có thể thi hành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Kế hoạch
tái chiếm có vài khó khăn cần được nêu lên: (1) khi địch biết chúng ta
di chuyển hai sư đoàn Dù và TQLC ra khỏi quân đoàn I, họ có thể tấn công
mạnh vào các tỉnh địa đầu miền trung và tăng cường đánh phá các tỉnh
miền đông và đồng bằng sông Cửu Long. (2) mức tồn trữ nhiên liệu, đạn
duợc và các quân dụng có thể xuống đến mức báo động, trong khi đó viễn
ảnh được tiếp viện đầy đủ thì rất mơ hồ. Với tất cả tính chất hệ trọng
của vấn đề, kế hoạch trên cần có sự phê chuẩn của tổng thống Thiệu tổng
tư lệnh tối cao của QLVNCH trước khi thi hành (chú thích và chữ nghiêng
của tác giả).
Nguyễn Kỳ Phong
No comments:
Post a Comment