Hồi ký: Những Ngày Cuối của VNCH (Nguyên tác: The Final Collapse của Đại Tướng Cao Văn Viên)
Việt Nam Cộng Hòa mất về tay cộng sản sau ba mươi năm giao đấu trên chiến trường. CSVN đã chiến thắng qua lối đánh của họ dù gọi là chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng, hay chiến tranh giải phóng. Đây là nhắc nhở cho nhiều quốc gia khác: sẽ còn nhiều Việt Nam nữa trong tương lai. Từng quốc gia một, những quốc gia chống cộng lần lần bị xâm chiếm. Có thể đến một ngày nào đó, thế giới chỉ còn lại Hoa Kỳ, ba hay bốn cường quốc đồng minh, bao vây bởi những quốc gia cộng sản hay quốc gia thân cộng sản. Đây là viễn tượng bi quan chúng ta sẽ đối diện trong những thập niên sắp đến nếu chúng ta không nhận ra những khuyết điểm đã làm, để có thể tìm một đường lối hành động trong tương lai.
Sau khi đọc hết các chương trước, nếu để ý độc giả có thể nhận ra được những lý do đưa đến sự sụp đổ của miền Nam. Những lý do tác giả đưa ra trong sách này lý do lộ liễu hay ngấm ngầm là những lý do đưa đến sự thất thủ của miền Nam:
(1) Miền Nam đã ký một hiệp định trong đó cộng sản có nhiều ưu thế; và Hiệp Định Paris 1973 làm cho cán cân lực lượng nghiêng về phía cộng sản thêm sức mạnh và cho phép họ tấn công đánh chiếm miền Nam.
(2) Những hứa hẹn của tổng thống Nixon là Hoa Kỳ sẽ trả đũa mạnh trong trường hợp CSBV vi phạm hiệp định, đã không được tổng thống Ford thực hành khi CSBV tấn công miền Nam một cách lộ liễu.
(3) Sự giảm thiểu quân viện lớn lao và bất ngờ, gây nhiều trở ngại về khả năng tác chiến và làm suy sụp tinh thần dân miền Nam.
(4) Những quyết định chiến lược quyết định phải có của tổng thống Thiệu đưa ra quá trể để có thể thực hiện như mong muốn. Kế hoạch triệt thoái khỏi Cao Nguyên diễn ra quá vội vàng, đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng của Quân Đoàn I và II.
(5) Cấp lãnh đạo VNCH không thấy rõ sự thay đổi về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, khi Hoa Kỳ chuyển sang thái độ hòa hoãn, thoả hiệp với cộng sản quốc tế dù phải thất hứa với đồng minh. Vì không nhận rõ sự thay đổi ngoại giao của Hoa Kỳ, cấp lãnh đạo VNCH đã không uyển chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia cho phù hợp với thực trạng và tình thế. Sau hiệp định Paris 1973, VNCH vẫn trông đợi vào những hứa hẹn xa vời và bất thể hiện.
Lý do sau cùng: sau một thời gian chiến tranh dài, Việt Nam Cộng Hòa bị phá sản về phương diện kinh tế cũng như chính trị. Tinh thần đoàn kết quốc gia không còn; không có được một lãnh tụ nào có thể kêu gọi toàn dân đoàn kết lại cho một chính nghĩa chung. Tham nhũng, thiếu khả năng, và thờ ơ với nhiệm vụ, chính phủ không làm tròn trách nhiệm với người dân trong khi người dân mất dần niềm tin vào chánh phủ. Mặc dù với nhiều kế hoạch kinh tế có vẻ lạc quan bề ngoài, nền kinh tế quốc gia tiếp tục đi xuống đến mức chỉ còn một phép lạ mới cứu vãn được. Với những khuyết điểm đó, cơ cấu và nền tảng xã hội miền Nam từ từ bị vỡ tan từng mảnh. Băng hoại đến từ sự chia rẽ, thiếu niềm tin, hoang mang, và đôi lúc, có những ý nghĩ chủ bại: Với những ung nhọt đó, miền Nam như một trái cây chín mùi, dể rụng trước một cơn gió nhẹ.
Ngoài lý do chính kể trên, đi ngược về quá khứ, nhiều lý do khác thuộc về lãnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao quốc tế... cùng đưa VNCH đến sự sụp đổ hoàn toàn. Sau đệ nhị thế chiến, không ai chối cãi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ như một cường quốc trên thế giới. Nhưng đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, đối với Việt Nam nói riêng, hay đối với Đông Nam Á nói chung, thay đổi nhiều lần qua nhiều giai đoạn từ sau năm 1945: Thời gian đầu Hoa Kỳ không có đường lối ngoại giai nào; kế đến là một đường lối chống cộng mãnh liệt; sau cùng là nhân nhượng và thỏa hiệp. Những thay đổi ngoại giao này ảnh hưởng chiến lực quân sự cũng như viện trợ kinh tế cho vùng Đông Nam Á.
Tổng thống Franklin D. Rooservelt không có một ý định rõ ràng về chuyện ủng hộ người Pháp trở lại Việt Nam sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Chính phủ Truman cũng không có thái độ dứt khoát khi Pháp và Việt Minh có những xung đột đầu tiên trong năm 1945-1946. Hoa Kỳ từ chối khi Pháp yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp phương tiện chuyên chở để đưa quân Pháp trở lại Đông Dương; cũng như từ chối đứng về phía nguười Pháp đánh lại Việt Minh. Nhưng Hoa Kỳ cũng không chấp nhận lời kêu gọi ủng hộ một nền độc lập cho Việt Nam của Hồ Chí Minh. Vào tháng 7 và 8, sau khi chiếm được chính quyền ở Hà Nội, Hồ Chí Minh nhờ nhân viên Sở Tình Báo OSS gởi tổng thống Truman một lá thư thỉnh cầu Việt Nam được cho quyền tự trị giống như Phi Luật Tân trong thời gian chờ được hoàn toàn độc lập. Từ tháng 10-1945 cho đến tháng 2-1946, Hồ Chí Minh viết cho tổng thống Truman hay tổng trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ít nhất là tám lá thư, thỉnh cầu Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp vào chế độ thực dân của Pháp ở Việt Nam. Sử liệu không cho thấy Hoa Kỳ trả lời những thỉnh nguyện thư này. Như vậy, khi Hoa Kỳ không can thiệp, có nghĩa là Hoa Kỳ đứng về phía người Pháp.(1)
Nhưng vào năm 1949, sau khi Việt Nam được Pháp cho một chút độc lập như một quốc gia trong Liên Hiệp Pháp dưới sự lãnh đạo của Bảo Đại, Hoa Kỳ cũng không thật sự ủng hộ Bảo Đại vì nghĩ Bảo Đại là một lãnh tụ yếu và bù nhìn. Đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam chỉ thay đổi khi Mao Trạch Đông toàn thâu Hoa Lục vào cuối năm 1949. Khi Trung Cộng và Nga công nhận chính phủ Hồ Chí Minh vào tháng Giêng, 1950, Hoa Kỳ lập tức công nhận chính phủ Bảo Đại vào tháng 2 năm đó. Rồi ba tháng sau, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ viện trợ quân sự và kinh tế cho Pháp để giúp Pháp tiếp tục cai trị Đông Dương. Từ một ngân khoản nhỏ là 10 triệu Mỹ kim lúc khởi đầu, ngân quỹ viện trợ cho Pháp tăng lên gần 1 tỉ Mỹ kim vào đầu năm 1954. Cuộc chiến tranh thứ nhất ở Đông Dương được khởi sự bằng tiền Mỹ qua bàn tay Pháp.(2)
Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và phải ký Hiệp Định Geneva năm 1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của chính phủ Eisenhower nghĩ hiệp định Geneva quá bất lợi cho chiến lược của đồng minh, và Hoa Kỳ phải tìm cách chận đứng làn sóng cộng sản tràn xuống miền Nam. Chủ đích của đường lối ngoại giao Hoa Kỳ là "bảo vệ và duy trì một quốc gia ở miền Nam không cộng sản" đây là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm "và ngăn chận không cho cộng sản chiếm được đa số" trong cuộc bầu cử tổng quát trên toàn cõi Việt Nam, nếu cuộc bầu cử được tổ chức. Việt Nam Cộng Hòa bây giờ nhận viện trợ thẳng từ Hoa Kỳ. Quân đội VNCH, do người Pháp huấn luyện từ trước, được cải tổ sâu rộng những quân nhân trong quân đội cũ, dù với nhiều kinh nghiệm chiến trường, nhưng vì có liên hệ với người Pháp, bị cho về hưu. Một thế hệ quân nhân mới, một chế độ quân dịch mới được lập thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Mục đích là thành lập các đơn vị cấp sư đoàn dưới sự hướng dẫn của người Mỹ. Phương pháp huấn luyện và quân dụng của quân đội Hoa Kỳ được toàn bộ áp dụng. Để làm quen với hệ thống chỉ huy mới, sĩ quan bị bắt buộc theo học khoá Chỉ Huy và Lãnh Đạo. Một số trong những sĩ quan này được đưa sang Hoa Kỳ để tiếp tục được huấn luyện thêm ở những trung tâm quân sự. Khi thành tổng thống, Kennedy thay đổi đường lối ngoại giao quân sự của chính phủ Eisenhower bằng cách gia tăng sự hiện diện của người Mỹ nhiều hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ Kennedy chỉ cung cấp cố vấn chứ chưa thật sự cho lính tác chiến song song với quân đội VNCH. Sau khi Kennedy bị ám sát, tổng thống Johnson nới rộng cuộc chiến bằng cách đem nhiều quân tác chiến vào và bắt đầu dội bom Bắc Việt. Từ con số 3500 quân vào tháng 3-1965, Hoa Kỳ có hơn 550,000 quân ở Việt Nam vào đầu năm 1969.
Nhưng sau tổng thống Johnson, người tổng thống kế vị, Richard Nixon, thay đổi phương cách hổ trợ của Hoa Kỳ ở Việt Nam qua một kế hoạch gọi là Việt Nam Hóa. Kế hoạch này là một sản phẩm phụ của chủ thuyết ngoại giao mới. Thay vì đương đầu thẳng với cộng sản, ông kêu gọi hợp tác, đồng lòng, và sức mạnh của quốc gia là ba rường cột đưa đến hòa bình thế giới. Cái khác biệt của chủ thuyết Nixon về an ninh quốc phòng khác với những chủ thuyết ngoại giao của Hoa Kỳ từ năm 1945 cho đến nay là, Nixon đặt nặng chủ thuyết của ông vào "vai trò của đồng minh trong vấn đề phòng thủ chung." Tổng trưởng quốc phòng Melvin R. Laird chỉ trích chủ thuyết ngoại giao của Nixon như sau:
"Từ quan điểm phòng thủ Hoa Kỳ, thảm kịch thật sự của Việt Nam là chương trình Việt Nam Hóa không được bắt đầu sớm hơn năm 1969, với những kế hoạch có chủ tâm huấn luyện và trang bị quân đội VNCH hữu hiệu hơn, để họ có thể chiến đấu chống lại CSBV, và chống lại những quấy phá của Việt Cộng về vấn đề an ninh trong lãnh thổ. Cơ hội Việt Nam Hóa đã có từ đầu thập niên 60 (và không chỉ ở Việt Nam). Nhưng cơ hội đó bị bỏ qua một bên, thay vào đó là quyết định đem quân tác chiến vào Việt Nam và gia tăng sự có mặt của Hoa Kỳ trên mọi lãnh vực của cuộc chiến."(3)
Lấy thí dụ về khẩu súng cá nhân căn bản của quân đội VNCH, súng AR-15, sau này là M-16: AR-15 được thử nghiệm ngoài chiến trường từ năm 1964. Lữ Đoàn Nhảy Dù thích loại súng cá nhân này: nhẹ, dễ bảo trì, chính xác, đạn nhỏ, có thể mang trên người một số lượng lớn. Tuy đầu đạn nhỏ, nhưng sức công phá rất mạnh vì vận tốc nhanh của đạn. Nói tóm lại, đây là loại súng thích hợp cho quân nhân Việt Nam, ở chiến trường Việt Nam. Nhưng chỉ có hơn hai trăm khẩu AR-15 được đem qua thử nghiệm và xử dụng. Sau này súng M-16 chỉ được viện trợ đồng loạt để làm căn bản cho quân đội VNCH sau khi VC và CSVN chúng tỏ hỏa lực của họ qua loại vũ khí cá nhân như AK-47. Các loại vũ khí khác của CSBV cũng tỏ ra rất tối tân so với vũ khí cá nhân của chúng ta. Quân đội VNCH chỉ nhận được súng chống xe tăng M-72 và hỏa tiển TOW, sau khi cộng sản đã được trang bị hỏa tiễn chống người và xe tăng B-40, B-41. Tương tự, quân đội VNCH được trangbị đại bác 175 ly và xe tăng M-48 sau khi cộng sản đã có đại bác 130 ly và tăng T-54. Đó là một vài thí dụ về vũ khí trang bị ở chiến trường.
Phải công nhận, lệ thuộc vào vũ khí tối tân đôi khi cũng có nhiều vấn đề, nếu không nói là nguy hiểm. Trước năm 1954, trong khi chiến đấu song song bên cạnh quân đội Pháp một quốc gia không giàu như Hoa Kỳ Quân Đội Quốc Gia Việt Nam phải dung hòa giữa sức người và cơ giới. Nhưng đến năm 1955 khi nhận quân viện thẳng từ Hoa Kỳ, quân đội VNCH đã áp dụng chiến thuật đã học tập từ quân đội Hoa Kỳ, và áp dụng một cách triệt để trong suốt thời gian chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ. Nhưng lối đánh giặc kiểu đó được gọi là kiểu đánh giặc nhà giàu. Với văn minh khoa học tân tiến, Hoa Kỳ dùng kỹ thuật thay thế cho nhân lực: Thay vì đi bộ hành quân, chúng ta dùng thiết vận xa M-113; tất cả những cuộc tấn công đều được phi pháo yểm trợ tối đa. Khi quân viện bị cắt giảm, từ tình trạng dư thừa rơi xuống túng thiếu, tinh thần và khả năng tác chiến của quân đội VNCH bị sa sút. Từ đầu năm 1974, BTTM cố gắng áp dụng nhiều biện pháp để thay đổi, sửa chữa lối đánh giặc tốn kém đó, nhưng không còn đủ thời gian.
Còn người cộng sản thì sao" Có viện trợ hay không có viện trợ họ xoay sở ra làm sao" Sau cùng, họ đã chiếm miền Nam bằng xe tăng và đại pháo của Nga. Trong giai đoạn đầu chiến tranh, phải nói, vũ khí của Việt Minh và cộng sản có được đến từ Pháp và Nhật trong các trận phục kính hay thắng trận. Ngoài ra, họ dùng sức người thay cơ giới trong lối đánh giặc nhà ngèo của họ. Trong giai đoạn sơ thời của chiến tranh du kích, cộng sản ở miền Nam sống bám chặt vào dân ở nông thôn như loài dây leo cần một thân cây để sống. Họ đánh thuế vào nông và đặc sản địa phương để gây quỹ cho cuộc chiến. Chính phủ VNCH đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chận kế hoạch thâu thuế của cộng sản, nhất là vào các đặc sản như lúa và cao su.
Sau khi Mao Trach Đông toàn thâu Hoa Lục, từ năm 1950 trở đi, Việt Minh nhận rất nhiều quân viện từ Nga và Trung Cộng. Nhưng để dể hoạt động, Bắc Việt không bao giờ công bố chính xác số quân viện nhận từ các đồng minh cộng sản. Cũng như Trung Cộng có nhiều cố vấn trong quân đội Bắc Việt, nhưng họ không bao giờ công nhận điều này. Trái lại, CSBV lúc nào cũng giáo huấn cán bộ và binh sĩ của họ phải tự lực hơn là nhờ vào viện trợ nước ngoài. Dù nhờ vào số vũ khí tối tân và quan trọng để chiến thắng miền Nam, nhưng CSBV không bao giờ coi đó là một yếu tố quan trọng.
Về phía VNCH, chiến thuật và chiến lược của cuộc chiến lúc nào cũng nằm ở thế thụ động, phòng thủ. Vì mục đích của VNCH là chỉ ngăn chận chứ không bao giờ nghĩ chuyện tấn công ra miền Bắc. Hai lần trong cuộc chiến quân đội VNCH băng qua biên giới Lào và Cam Bốt để đánh vào căn cứ hậu cần của CSBV. Tuy nhiên những cuộc tấn công này vẫn có chủ đích phòng thủ và không bao giờ được hoạch định như một kế hoạch dài hạn. Mục đích chính của quân đội VNCH là bình định (có nghĩa là kiểm soát) dân số trong lãnh thổ. Từ nhiệm vụ chính đó, chiến lược quân sự của VNCH có hai mặt: một, bình định ở vùng đông dân cư; hai, truy lùng và triệt tiêu các đơn vị lớn của CS ở vùng thưa dân cư. Trong suốt cuộc chiến, chiến lược này bắt quân đội VNCH phải chạy theo sau đối phương vì CSBV lúc nào cũng nắm thế thượng phong về chiến thuật cũng như là vũ khí.
Nhiều người chưa thấu đáo về quân sự hỏi, tại sao chúng ta không đánh bại được cộng sản trong những năm đầu của cuộc chiến, khi quân ta đông hơn du kích quân cộng sản" Lý do chánh là chiến tranh du kích có qui tắc riêng và khác xa chiến tranh qui ước. Trong chiến tranh du kích, địch không có cơ sở hay căn cứ nằm lộ ra ngoài để họ cần bảo vệ. Du kích sống trà trộn với dân và ngay trong lãnh thổ của ta, hay ẩn núp ở mật khu của họ. Khi đông quân và ở thế thượng phong, họ tấn công. Ngược lại, họ lẫn trốn khi yếu thế. Sau mỗi trận đánh, cộng quân rút về mật khu để tái bổ sung, huấn luyện và trang bị. Chiến tranh với cộng sản ở Hy Lạp và Mã Lai Á hay Phi Luật Tân dễ hơn ở Việt Nam. Những quốc gia đó là những bán đảo, hay ở giữa biển, rất dể ngăn chận người và vật liệu xâm nhập từ ngoài vào. Nhưng VNCH có chung biên giới dài cả ngàn cây số với Bắc Việt, Lào và Cam Bốt. Biên giới dài vô tận đó, với núi đèo và rừng sâu tiện lợi cho việc thiết lập căn cứ, cộng sản ở miền nam dùng đó để tiếp nhận vũ khí, nhân sự từ quân đội chánh quy CSBV. (Còn tiếp...)
Chú thích:
1. Kết luận về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ , dựa theo "Tài Liệu Ngũ Giác Đài" đăng trên báo The New York Times năm 1971. Về liên hệ giữa Hồ Chí Minh và toán OSS ở Côn Minh, thư từ của Hồ Chí Minh gởi cho Bộ Ngoại Giao và tổng thống Truman, xin đọc Why Vietnam: Prelude to America's Albatross của Archimedes L.A. Patti (Los Angeles: University of California Press, 1980), (chú thích của tác giả).
2. Sau Thế Chiến Thứ II, từ năm 1946 Stalin tuyên bố sẽ có kế hoạch nhuộm đỏ thế giới. Để ngăn chận sự bành trướng của cộng sản, Hoa Kỳ đề xướng chủ thuyết Ngăn Chận, hay Chận Đứng (Containment), và coi đó như một chủ thuyết ngoại giao quốc gia, dùng để giới hạn làn sóng cộng sản quốc tế. Chủ thuyết này đã giúp các quốc gia như Hy Lạp, Phi Luật Tân, Mã Lai Á hay Đại Hàn tồn tại trước những tấn công của cộng sản. Tuy nhiên vì địa lý thiên nhiên, tình hình chính trị và nhân văn quá đặc biệt của các quốc gia Đông Dương, nếu chủ thuyết Ngăn Chận được bổ túc bằng chiến lược cô lập (sẽ nói ở phần cuối cuốn sách) thành một chiến lược chính trị địa lý (geopolitics) thì cục diện chiến tranh có thể biến chuyển thuận lợi cho VNCH, Lào và Cam Bốt (chú thích của tác giả).
3. Trích trong bài diễn văn "The Nixon Doctrine: From Despair to New Opportunities" của tổng trưởng quốc phòng Melvin R. Laird.
No comments:
Post a Comment