chiến tranh 1945-1975
'Nửa Ðường Gẫy Cánh'
Ðỗ Quốc Anh-Thư
*
Vào lúc buổi sáng ngày 30-4-1975. Trong lúc miền Nam nước Việt đang bước vào "cơn hấp hối", Tuấn và Bình đứng bên cạnh nhau trong căn cứ Đồng Tâm. Hai người bàn luận, tìm cách lấy phi cơ, về đón thân nhân.
- Bây giờ anh tính sao?
Bình suy nghĩ trong giây lát rồi nói:
- Để gia đình tôi tạm trú ở đây. Tôi và anh bay về Thủ Đức, đón Diễm Hiền và Thảo, rồi tất cả chúng ta xuống Cần Thơ.
- Vùng Thủ Đức đã bị VC chiếm rồi, tôi cả quyết không thể nào bay về đó được nữa. Nếu bây giờ, Bình đi với tôi, lỡ có chuyện gì, Thu Mai và các cháu bị kẹt ở đây thì khốn.
Dứt lời, Tuấn đứng im lìm như pho tượng gỗ. Nhưng tâm trí anh đang quay cuồng trong cơn biến loạn.
*
Nhớ lại đêm pháo kích ở Tân Sơn Nhất, Tuấn cùng mấy anh em Không Quân, đã tự động lấy trực thăng võ trang, bay lên tìm vị trí pháo binh của Cộng Quân để xạ kích. Sau khi "hoàn tất phi vụ", chiếc gunship không còn viên đạn nào, Tuấn đáp xuống Nhà Bè để đổ xăng. Đợi đến sáng hôm sau, Tuấn bay trở lại Tân Sơn Nhất. Trong lúc đó, VC vẫn còn pháo kích lác đác vào phi trường. Nhưng trên phi đạo, thỉnh thoảng vẫn có phi cơ cất cánh. Đa số là phi cơ vận tải của Hoa Kỳ, chở nhân viên của họ sang đảo Guam.
Lúc bước xuống phi cơ, Tuấn cùng phi hành đoàn đã chứng kiến thảm cảnh kinh hoàng và vô cùng đau thương: Xác người chết -- Quân Nhân và hành khách Dân Sự -- nằm ngổn ngang dọc theo đường đi và trên thềm xi-măng của bãi đậu phi cơ. Nơi đây, hàng chục, hay cả trăm chiếc máy bay, đủ loại, bị trúng đạn pháo kích. Ở đầu phi đạo W7, nhiều chiếc UH và khu trục cơ A-37, bị cháy đen thui. Thỉnh thoảng, xe tuần tiễu của đội ngũ Phòng Thủ phi trường, chạy qua. Ở mấy trạm canh gác, có nơi Binh Sĩ vẫn cầm súng, sẵn sàng tác chiến, có nơi vắng tanh.
Khi bước vào phòng Hành Quân của Không Đoàn 43CT, Tuấn không thấy ai. Anh cùng phi hành đoàn gunship, bước ra ngoài thì gặp dăm ba anh em Không Quân, hấp tập đi về phía đài kiểm soát. Thế rồi, phi hành đoàn gunship của Tuấn, tự động "tan hàng". Vì hoàn cảnh khác nhau, nên anh em đành phải chia tay. Tuấn vội bước ra ngoài, đi tới, đi lui gần nửa tiếng đồng hồ, mới kiếm được chiếc UH, tạm khả dụng. Anh hấp tấp, bay về Thủ Đức đón gia đình.
Nhưng hỡi ơi! Mỗi lần đáp xuống thì bên dưới -- không hiểu quân bạn, hay quân địch -- bắn lên tới tấp. Lần cuối, anh liều mạng nhào xuống, phi cơ bị trúng đạn, chảy dầu. Tuấn buộc lòng phải bay trở lại Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, anh dùng xe gắn máy, chạy về Thủ Đức. Nhưng tất cả các ngả đường đều có VC xuất hiện. Tuấn bèn trở lại Tân Sơn Nhất thì cổng phi trường đóng kín, không ai có thể ra vào. Tuấn bàng hoàng, bước đến đứng bên lề đường, trước khu Lăng Cha Cả ở cổng Phi Long. Khi nghe tiếng phi cơ vang lên, anh nhìn lên trời. Hàng loạt trực thăng CH-53 của Mỹ xuất hiện trên không phận Sài Gòn. Mấy phi tuần khu trục Phantom F-4 cũng bay vút qua. Vài ba người hy vọng hão huyền, vừa đi băng qua đường, vừa nói với nhau:
- Mỹ đổ quân vào Sài Gòn để tham chiến!
Ngược lại, Tuấn đứng im lặng, đôi mắt từ từ ngấn lệ. Khi nhìn đoàn trực thăng của Mỹ tới tấp bay vào Sài Gòn để đón nhân viên của họ, Tuấn hiểu: Miền Nam đang ở trong cơn hấp hối, không còn cách nào cứu vãn được nữa! "Nước mất nhà tan"! Còn cảnh nào đau lòng hơn thế nữa không?
Sáng sớm hôm sau là ngày 30.4.1975, Tuấn hấp tấp đến khu Nhà Bè. Anh hy vọng, khi mấy chiếc trực thăng đáp xuống đó đổ xăng, thể nào anh cũng gặp bạn hữu. Tuấn sẽ nhờ họ, chở vào Tân Sơn Nhất, tìm kiếm chiếc UH nào khả dụng, để bay về Thủ Đức thêm lần nữa xem sao? Nhưng không may, trong giờ phút sinh tử này, tất cả bạn hữu đều vội vàng đi đón thân nhân của họ. Không ai chở Tuấn vào phi trường. Cuối cùng, Tuấn đành phải theo chiếc UH của Sư Đoàn II KQ, bay xuống Cần Thơ. Khi chiếc phi cơ này đáp xuống căn cứ Đồng Tâm đổ xăng, Tuấn gặp Bình ở đây.
*
Khi gặp Bình, Tuấn được an ủi phần nào. Nhưng anh vẫn bị "cơn ác mộng" ở phi trường Tân Sơn Nhất, ám ảnh nặng nề. Tuấn đứng im lặng, đôi mắt nhìn về phía chân trời xa thẳm, trong lòng bấn loạn, lo nghĩ liên miên.
- Anh em mình thử bay xuống Bình Thuỷ. Đến nơi, anh lấy chiếc UH khác, liều mạng thêm lần nữa, bay về Thủ Đức đón Diễm Hiền và các cháu. Chỉ có điều tôi không biết là tình hình ở dưới Bình Thuỷ thế nào? Sáng hôm qua, tôi gọi điện thoại thăm mấy người bạn ở dưới đó, cả chục lần mà không được. Nên tôi phải cho gia đình tạm trú ở quán ăn trong căn cứ Đồng Tâm này.
Tuấn đứng suy nghĩ, cả phút sau mới trả lời:
- Chuyện ấy, tôi thấy khó thành công. Tuy nhiên, cứ làm thử như Bình nói, xem sao. Xuống Bình Thuỷ, làm sao lấy được phi cơ? Vả lại, khi bay về Thủ Đức, biết nơi nào an toàn mà hạ cánh? Mấy lần trước, vừa cho phi cơ xuống thấp, tôi bị VC bắn tới tấp, tưởng là tiêu mạng rồi!
Đoạn Tuấn tỏ ý chua xót:
- Thảm hoạ đang diễn ra, vô phương cứu vãn. Tôi còn biết làm gì hơn là lo cho gia đình. Nhưng bây giờ, gia đình tôi mỗi người một ngả. Nhiều lúc tôi nóng lòng, như người "ngồi trên đống lửa". Không biết thân phận của Diễm Hiền, của Thảo, của mấy đứa trẻ thơ bây giờ ra sao? .....
..... Còn anh, sau khi đem gia đình vào Tân Sơn Nhất thì phải "trả giá quá đắt": Cả nhà suýt chết hai lần, một VC ném bom, một lần VC pháo kích như mưa. Nhưng bây giờ, gia đình anh được đầy đủ bên nhau. Có phần, anh đã gặp may mắn. Có phần, anh đã dự liệu và "liều lĩnh đúng" khi bay về Thị Nghè đón Thu Mai và các cháu. Nếu không e ngại vùng Thị Nghè gần Tổng Thống Phủ, tôi đã cho gia đình tạm trú với gia đình anh ở đó thì bây giờ, đâu đến nỗi mỗi người..... một ngả.... như thế này!
Nói đến đây, Tuấn nghẹn lời. Bình bèn thúc dục Tuấn xuống Bình Thuỷ:
- Thôi đi, càng sớm càng hay. "Còn nước, còn tát".
Tuấn theo Bình, bước vào phòng lái chiếc UH, để di chuyển chiếc trực thăng này đến trạm đổ xăng ở kế bên. Lúc vừa đổ xăng xong, Tuấn đang sửa soạn cho phi cơ cất cánh thì chiếc UH khác chở đầy hành khách, từ từ hạ cánh, đậu ngay phía bên phải bãi đáp. Tuấn và Bình tò mò nhìn xem, có ai quen không: Vài ba anh em Không Quân bước xuống. Có anh Hoa Tiêu trẻ, vội vàng chạy đến nói với Tuấn và Bình:
- Em vừa mới nghe đài phát thanh Sài Gòn... Dương Văn Minh dâng miền Nam cho giặc Cộng rồi! Hắn kêu gọi Quân Đội mình buông súng! Hiện thời ở ngoài khơi Vũng Tàu, hướng 150 độ, khoảng 15 dặm, Hạm Đội Mỹ đang đón đồng bào và Quân Nhân, đi lánh nạn Cộng Sản.
Nghe như tiếng sét đánh bên tai, Tuấn mếu máo, đưa hai tay lên ôm mặt, sụt sùi khóc. Bình vội vàng chụp lấy cần lái phi cơ. Đôi mắt anh cũng từ từ ngấn lệ. Qua làn nước mắt, Bình nhìn người bạn sấu số sa vào cảnh đoạn trường: Nước mất nhà tan!
Ngồi bên cạnh Bình, trong lòng Tuấn đau như cắt: Hình ảnh của từng đứa trẻ ngây thơ, của Diễm Hiền, của Thảo, đang hỗn độn hiện ra trong ký ức. Tuấn biết rõ, suốt mấy ngày hôm nay, cả nhà anh mong đợi, từng giây từng phút, nhưng chẳng thấy anh đâu. Nghĩ đến lời hứa hẹn về đón gia đình, Tuấn đau xót không thể nào diễn tả được. Bây giờ, chẳng còn hy vọng nào nữa! Tuấn nghĩ rằng, chuyện về Sài Gòn đón gia đình, đã trở thành chuyện hão huyền. Anh chỉ có thể đi lánh nạn cùng với Bình, rồi lủi thủi sống một mình nơi "xứ lạ quê người". Từ đây, gia đình và quê hương, "nghìn trùng xa cánh"! Hết ngày này qua tháng khác, Diễm Hiền và Thảo, cùng mấy đứa trẻ thơ, sẽ mỏi mòn mong Tuấn trở về, nhưng không bao giờ nhìn thấy anh nữa.
Khi Cộng Sản nắm trọn quyền hành, làm sao mà gia đình Tuấn, tránh khỏi thảm cảnh bị công an hành hạ, đe dọa và hạch hỏi đủ điều? Chúng sẽ dùng đủ mọi thủ đoạn đê hèn để lừa gạt phụ nữ và đầu độc trẻ thơ. Dưới ách đô hộ của chế độ phi nhân, Diễm Hiền và Thảo, chân yếu tay mềm, biết làm gì để nuôi đàn trẻ thơ dại? Ôi đau thương! Còn thảm cảnh nào xót xa, hận sầu bằng thảm cảnh "nước mất nhà tan"?
Bình là bạn tâm giao của Tuấn. Nỗi khổ đau của Tuấn cũng là nỗi khổ đau của Bình. Anh nhớ lại, sau khi Cộng Sản chiếm được miền Bắc năm 1954, Tuấn và Thảo theo cha di cư vào Nam lánh nạn. Bà mẹ của Tuấn bị kẹt lại trong vùng Cộng Sản. Trên chuyến tàu Serpent, chở đồng bào tỵ nạn vào Sài Gòn, Tuấn và Thảo nhớ mẹ, ngồi bên cạnh cha, sụt sùi khóc hết ngày này sang ngày khác. Hôm nay 30.4.1975, Tuấn đau xót gấp bội phần. Cộng Sản chiếm trọn đất nước VN. Thế là hai lần quốc hận, hai lần gia đình Tuấn tan nát!
Tiếng động cơ của chiếc UH vẫn nổ đều. Tuấn và Bình vẫn ngồi bên nhau, sụt sùi trước thảm cảnh "nước mất nhà tan". Nhưng rồi, thoáng qua Bình nhớ đến cảnh hỗn loạn, giành giật phi cơ đã xẩy ra ở miền Trung trước đây. Nên anh vội vàng lau nước mắt, rồi cho phi cơ cất cánh đi đón Thu Mai và gia đình --- tạm trú trong quán ăn gần đó.
Vừa đến nơi, Bình hấp tấp bước ra khỏi phi cơ rồi chạy vào trong quán ăn. Anh hối hả, nói với Thu Mai:
- Dương Văn Minh dâng miền Nam cho giặc Cộng rồi em ạ. Mình đi Bình Thủy để anh Tuấn kiếm chiếc trực thăng khác, bay về đón Diễm Hiền và Thảo. Nhanh lên em!
Thế là cả gia đình Bình vội vàng, chạy về phía chiếc UH. Trong giây lát, chiếc UH cất cánh, bay về hướng Bình Thủy. Khi phi cơ lên khoảng 2 ngàn bộ, Tuấn nói với Bình:
- Đổi hướng, bay ra ngoài khơi Vũng Tàu, tìm Hạm Đội Mỹ.
Bình ngạc nhiên khi Tuấn đổi ý. Anh quay sang nhìn Tuấn: Đầu đội nón bay, đôi mắt ướt lệ, vẻ mặt sầu thảm. Thấy Bình vẫn tiếp tục bay thẳng đi Bình Thuỷ, Tuấn ép mạnh cần lái sang bên trái và nói:
- Xuống Bình Thủy, vô ích. Có khi còn làm gia đình anh bị kẹt ở đó. Bay thẳng ra ngoài biển, tìm Hạm Đội Mỹ.
Thế là chiếc UH đổi hướng, bay về phía Vũng Tàu. Bình điều khiển phi cơ, trong khi Tuấn ngồi sụt sùi khóc.
Từ ngày nhập học Trường Võ Bị Quốc Gia đến bây giờ, Tuấn và Bình đã phục vụ trong quân ngũ trên 11 năm. Đi đâu, đôi bạn cũng có nhau như hình với bóng: Cùng với anh em Kingbees, đảm trách phi vụ "Không Số", thả biệt kích "Lôi Hổ" vào sào huyệt VC; tham gia trận đánh qua Cao-Miên; dự trận "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972. Nhiều lần xém chết, kể cả chuyện bị cao xạ bắn trong trận Hạ Lào. Tất cả các trận đánh lớn trước đây, Việt Cộng đều bị thảm bại trước sức đối kháng mãnh liệt của Quân Đi VNCH. Đến bây giờ, vì lệnh xuẩn động triệt thoái Quân Đoàn II ra khỏi Pleiku của Nguyễn Văn Thiệu, mà Quân Dân miền Nam mất tinh thần, hàng ngũ bị rối loạn rồi thảm bại!
Quả là vận nước suy đồi. Trong lúc quốc biến mà giao quyền cho nhóm "Tướng Tá Phản Loạn". Lịch sử ghi nhận, phé nhóm Dương Văn Minh và sư hổ mang Thích Trí Quang là bọn tặc tử. Chúng đã giật xập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Bây giờ chúng lại kết thúc nền Đệ Nhị Cộng Hòa bằng cách kêu gọi Quân Đội buông súng, để cho giặc Cộng vào chiếm miền Nam.
Mặc dù Bình phải điều khiển phi cơ, nhưng hận sầu trong lòng anh vẫn dâng cao. Còn Tuấn, ngồi bên ghế trái, trông như kẻ mất hồn. Càng bay xa bờ biển, Bình càng cảm thấy lo âu. Trong khi đó, trên bảng phi cụ, kim đồng hồ chỉ số lượng xăng xuống dần. Thế mà, Bình nhìn ngang nhìn ngửa, chỗ nào cũng mênh mông một mầu nước biển xanh biếc! Anh thầm nghĩ, phi cơ chỉ còn đủ xăng để bay, khoảng nửa tiếng, hay 45 phút nữa là nhiều. Nếu không gặp Hạm Đội Mỹ, chiếc UH sẽ rơi xuống biển. Bình lo sợ cho gia đình, tội nhiệp nhất là mấy đứa trẻ thơ ngồi ở phía sau.
Trên phi cơ, không có chiếc phao nào. Bình biết làm sao bây giờ? Mấy anh em Quân Nhân đi theo -- ngồi phía sau Bình -- thì chắc hẳn đều biết bơi. Nhưng còn Thu Mai và mấy đứa trẻ? Còn cô Hằng, cô Hương và cậu Thiện thì sao? Năm phút, rồi mười phút trôi qua ....
... Liếc mắt nhìn bảng phi cụ thêm lần nữa, Bình giật mình. Đèn đỏ hiện lên, báo hiệu chỉ còn "20 phút xăng" nữa thôi! Bình đổi sắc mặt. Thấy vậy, Tuấn nhìn khắp nơi, nhưng bốn phía vẫn mênh mông, biển khơi và biển khơi một mầu xanh biếc. Anh nói an ủi Bình:
- Cho RPM xuống thấp, bay bình phi, có thể bay được nửa tiếng nữa.
Bình làm theo. Trong lúc hoảng sợ, nhịp tim Bình đập mạnh.
- Mình bay lạc hướng, hay sao mà mãi chưa thấy dấu hiệu nào của Hạm Đi Mỹ?
Anh lẩm bẩm, rồi quay đầu về phía sau, nhìn Thu Mai và mấy đứa trẻ. Thêm lần nữa, Bình lại ân hận dẫn gia đình vào chỗ chết! Càng nhìn đồng hồ chỉ xăng, anh lại càng cảm thấy ân hận và đau lòng. Đoạn anh luống cuống:
- Không hiểu sao, kim chỉ xăng lại xuống quá nhanh như vậy. Vặn UHF sang tầng số khẩn cấp.
Trong khi Tuấn vặn máy vô tuyến qua tần số cấp cứu thì Bình sửa soạn, lời cấp cứu bằng tiếng Mỹ: "Mayday! Mayday....."! Mặc dù Bình cẩn trọng như thế, nhưng trên thực tế, khi chiếc UH hết xăng, đâm xuống mặt biển, ai biết ở chỗ nào mà đến cấp cứu? Bình nhìn trái, nhìn phải, rồi lại nhìn về phía trước: Vẫn biển khơi mênh mông, một mầu xanh biếc. Gần hơn, Bình nhìn rõ những làn sóng bạc đầu đang nhấp nhô, như chờ đón chiếc phi cơ của Bình rơi xuống.
"Chiếc UH này sẽ biến thành chiếc quan tài, chôn vùi cả gia đình mình dưới đáy đại dương"?
Thầm nghĩ như vậy rồi Bình lại tự an ủi:
"Cả gia đình chết như vậy, còn hơn là chết trong trận mưa pháo vừa rồi. May mà gia đình mình thoát khỏi thảm cảnh, chết đau đớn, chết từng người, hay chết tan thây lúc VC pháo kích".
Đột ngột, Tuấn vỗ vai Bình rồi nói:
- Trên máy vô tuyến, hình như có... tiếng kêu... cấp cứu? Vì tiếng gió hú, tôi nghe loáng thoáng, hình như có tiếng "Mayday! Mayday"! Anh có nghe thấy không, hay là tôi bị ảo giác?
Tuấn và Bình đều im lặng cả phút để lắng nghe, nhưng chỉ có tiếng gió hú mà thôi.
- Đám mây xám? Hay cái quái gì ở hướng 10 giờ? Anh nhìn thấy rõ không?
Bình chăm chú nhìn theo tay Tuấn chỉ.
- Chắc là mây, mây xám. Tôi không nhìn thấy gì khác hơn.
- Toàn là mây không à!
Vài ba phút, rồi lại thêm vài ba phút nữa trôi qua. Bình cảm thấy ngộp thở. Anh luống cuống, nhìn trái, nhìn phải, rồi nhìn Tuấn. Tuấn cũng hồi hộp, nhìn Bình: Cả gia đình Bình cùng Tuấn, sẽ bị chôn vùi dưới lòng đại dương? Lúc Bình quýnh quáng, chiếc UH mất thăng bằng. Thấy vậy, Tuấn hỏi:
- Anh còn nhớ cách đáp khẩn cấp trên mặt nước không?
- Nhớ lờ mờ. Mười mấy năm rồi, từ khi học ở Ft Rucker, có bao giờ mình thực tập nữa đâu.
Bình vừa nói, vừa điều khiển phi cơ. Trong khi ấy, Tuấn nhìn tới, nhìn lui, nhìn bên trái, nhìn bên phải. Bất ngờ, anh đập vào tay Bình, rồi rối rít nói:
- Rẽ.... rẽ về hướng 10 giờ. Anh nhìn thấy gì không?
Bình vội vàng làm theo. Ngay sau đó, anh mở tròn đôi mắt: Không hiểu sự thật, hay anh đang ở trong giấc mơ? Cột khói! Cột khói ở giữa đại duơng đang bay lên cao cả ngàn bộ!
- Đúng rồi! Đúng rồi! Cột khói! Hạm Đôi Mỹ đốt khói để làm dấu hiệu cho phi cơ và các tàu tỵ nạn dễ nhận diện vị trí của họ. Vậy mà hồi nẫy, nhìn từ xa, mình cứ tưởng là mây.
Bình mừng thầm -- như kẻ nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm". Nhưng liệu, chiếc UH còn đủ xăng để Bình bay đến nơi có "ánh sáng" hay không? Hai bàn tay Bình run run khi nhìn lại đồng hồ xăng trên bảng phi cụ. Anh ước đoán, khó mà có thể bay đến đó được? Nhưng không còn chọn lựa nào hơn, Bình chỉ còn cách, nhắm hướng bay thẳng đến đó.
Hú vía! Sau giây phút "thập tử nhất sinh", chiếc UH đã bay gần đến cột khói. Đến khi nhìn thấy rõ 3 chiếc chiến hạm ở phía trước, Bình cảm thấy hồi hộp hơn trước: Liệu phi cơ còn đủ xăng để bay đến đó không? Anh vội vàng cho chiếc UH xuống thấp. Không may, gặp cơn gió lốc thổi qua, chiếc UH mất thăng bằng, lắc qua lắc lại.
- Để tôi lái cho.
Bình vừa buông cần lái, vừa liếc mắt nhìn Tuấn. Mặc dù Tuấn vẫn còn để lộ vẻ u sầu, nhưng có phần bình tĩnh hơn Bình. Hẳn là lúc đường cùng, Tuấn không còn thiết tha gì nữa. Trong khi Tuấn điều khiển phi cơ, Bình nhìn xuống mặt đại dương. Nước biển xanh biếc, nhấp nhô những làn sóng bạc mầu. Lúc Tuấn cho chiếc UH rẽ về phía chiếc Tuần Dương Hạm, Bình nhìn thấy ở đó có 3 chiếc trực thăng khác của Không Quân VN, đang nối đuôi nhau, bay vòng tròn để chờ đến phiên, đáp xuống boong tàu. Tuấn vừa giảm cao độ, vừa cho chiếc UH, bay theo 3 chiếc phi cơ ấy. Bình đăm đăm nhìn xuống mặt biển. Có cả chục chiếc tàu gỗ nhỏ bé và sà-lan, chở đầy đồng bào tỵ nạn, đang vây xung quanh chiếc Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge -- trông giống như đàn kiến khi bão lụt, bám chung quanh chiếc lá trôi trên mặt nước.
Khi chiếc UH xuống thấp, chỉ còn cách mặt biển khoảng 700 bộ, Bình chứng kiến thảm cảnh tỵ nạn Cộng Sản ngoài biển khơi: Cả chục chiếc tàu gỗ, rất nhỏ bé mà chiếc nào cũng chở đầy ắp người và người. Kẻ đứng, người ngồi, sát bên nhau, tưởng "không còn kẽ hở". Trong giây phút này, ai cũng cầu mong, được chiếc Tuần Dương Hạm cứu vớt. Nếu không, họ sẽ bị sóng gió chôn vùi dưới đáy biển.
Thoáng qua, Bình cảm thấy mừng: Sau mấy lần suýt chết, gia đình anh thoát khỏi thảm họa Cộng Sản. Nhưng rồi, chỉ trong giây phút, niềm vui ấy tan biến ngay. Nhìn Tuấn u sầu, Bình lại cảm thấy xót xa trước thảm cảnh đoạn trường của người bạn xấu số.
Đồng thời, khi nhớ đến Sài Gòn, Bình ngậm ngùi khôn tả. Anh nghĩ đến bà nội, cô Lý và hai em ở khu chung cư Minh Mạng. Tiếp theo là ba mẹ cùng chị em ở Thị Nghè. Hình ảnh cô chú Quang và mấy cậu em ở trại Tam Hà cũng lần lượt hiện rõ trong trí nhớ của Bình. Lại còn gia đình Phong ở khu Bàn Cờ. Làm sao Bình tránh khỏi u sầu khi phải bỏ quê hương và những người thân yêu sa vào thảm họa Cộng Sản?
Chiếc UH do Tuấn lái, tiếp tục bay vòng tròn trên chiếc Tuần Dương Hạm, sau chiếc trực thăng Chinook. Anh nhìn đồng hồ đeo trên tay, rồi nhìn bảng phi cụ: Xăng chỉ còn nửa khấc nữa thôi. Thấy vậy, Bình toát mồ hôi, chân tay bủn rủn. Khi chiếc UH hết xăng, rơi xuống biển, liệu Hải Quân Hoa Kỳ có cấp cứu không? Cả nhà sẽ chết chìm dưới biển. Nỗi lo sợ trong lòng bùng lên, làm Bình có cảm giác như đang "ngồi trên đống lửa". Anh nóng lòng, mong cho chiếc UH, được lệnh đáp. Tuấn cũng tỏ vẻ luống cuống, rồi tự hỏi:
- Tại sao.... mình lại phải chờ lâu quá như thế này?
Lúc bay gần chiếc Chinook, qua khung cửa kính, thấp thoáng Bình nhìn thấy đồng bào tỵ nạn, ngồi lố nhố bên trong.
- Trời ơi!
Bình hoảng hốt la lên. Tuấn liếc mắt nhìn xuống biển. Hai anh đều sửng sốt, không ngờ chiếc Chinook ấy đã đâm đầu xuống biển! Lẽ ra, chiếc Chinook chỉ chờ vài phút nữa là đến lượt đáp. Nhưng tại sao? Hết xăng hay tại sao, chiếc Chinook lại rơi xuống biển như thế!
- Sao không thấy Hải Quân Mỹ đến cấp cứu?
Bình rùng mình nhìn "xác" chiếc Chinook, từ từ chìm xuống đáy biển! Anh thầm hỏi:
- Sao không thấy ai, đẩy cửa phi cơ, bơi ra?
Thế là phi hành đoàn cùng dân chúng tỵ nạn bị chôn vùi dưới đáy biển!
Chẳng lẽ, tất cả các thuỷ thủ Mỹ bận việc khác? Chẳng lẽ, chiếc Tuần Dương Hạm thiếu người, thiếu phương tiện cấp cứu hay sao?
Thêm lần nữa, Tuấn và Bình cùng nhìn vào bảng phi cụ. Kim đồng hồ đã tiến đến vạch đỏ. Bình rưng rưng nước mắt. Anh quay lại phía sau, nhìn Thu Mai, nhìn mấy đứa trẻ đang mở tròn cặp mắt ngây thơ. Hẳn là lần cuối? Qua làn nước mắt, Bình nhìn xuống chiếc Tuần Dương Hạm. Nhiều Quân Nhân Mỹ đang đi lại trên boong tàu. Bên cạnh mấy khẩu đại bác phòng không, đều có binh sĩ đứng canh gác.
...........................
Ðỗ Quốc Anh Thư
*
Mời quý vị đọc toàn bộ eBook
Nửa Đường Gẫy Cánh
Truyện Dài Thời Chiến Tranh
1945-1975
Downloads Miễn Phí
Ấn Bản Lần Thứ Tư: eBook Version
Copyrightâ 1985 & 2007
All rights reserved
Free downloads for personal,
educational or academic uses, but NOT
for trade or commercial purposes (1).
· Hai biến cố lịch sử xẩy ra ngày 20-7-1954 và 30-4-1975, đã làm cho hàng triệu người "đổi đời" đột ngột và vô cùng đau thương. "Nửa Đường Gẫy Cánh" chỉ là câu chuyện điển hình, cốt truyện được xây dựng trên sự thật -- xẩy ra trong thời gian chiến tranh.
· Thảm cảnh miền Nam trong cơn hấp hối và nỗi hận sầu "nước mất nhà tan" của hai Hoa Tiêu Không Quân VNCH trên Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge ngày 30-4-1975.
· Những bí ẩn của phi vụ "Không Số" -- do Hoa Tiêu VNCH và Hoa Kỳ đảm trách -- cùng hoạt động của các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào.
· Câu chuyện kinh hoàng và thảm cảnh đau thương của dân chúng VN trên hành trình tỵ nạn Cộng Sản nơi biển Đông: Từ tàu Greenboard đến tàu American Racer, trong trại tạm trú Wake Island và Fort Chaffee.
· Thảm cảnh đoạn trường của 2 cựu SVSQ Trường Võ Bị QGVN cùng hàng triệu người dân Việt: Một đời người, hai lần quốc hận, phải sống trong thảm cảnh "nước mất nhà tan".
No comments:
Post a Comment