Đọc hồi ký này không biết là ai nữa, vì cuối bài tên tác giả ghi Thiếm Tư?. Xin nhắc lại ngày di tản chiến thuật vào thời điểm đó là 12:00 giờ trưa ngày 30/3/1975. Đến phi trường Phan Rang đỗ xăng và ngũ lại ở phi trường đêm đó. Sáng 07:00 giờ ngày 01/4/1975 tất cả phi cơ được lệnh bay về phi trường Tân Sơn Nhất. Sài Gòn.
Bài viết này hình như là của pilot pđ 215 và nhân vật được tác giả viết ( đánh dấu màu xanh trong bài) là KQ. Vĩnh Hiếu pd215 với bài Phi vụ cuối cùng trong Hồi ký mới xuất bản gần đây.
Mời các anh đọc.
Kb.Minh




Phi Vụ Cuối Cùng 2
Những ngày cuối tháng 3/75, tình hình chiến sự ở miền Trung vô cùng nóng bỏng và thay đổi hàng ngày, thậm chí thay đổi hàng giờ. Sư Ðoàn 2 Không Quân mà Phi Ðoàn 219 (Long Mã) của chúng tôi là đơn vị trực thuộc đang đồn trú tại Phi Trường Nha Trang là Phi Ðoàn trực thăng bị tổn thất nặng nhất trong đợt tấn công Ban Mê Thuột của Cộng Sản Bắc Việt, mở màn cho đợt xâm lăng trắng trợn, phá bỏ tất cả các Hiệp Ước mà chúng đã ký kết từ trước để nhuộm đỏ miền Nam. Phi Ðoàn 219 chúng tôi đã bị bất khiển dụng gần 1/5 quân số (vừa tử trận và bị thương) trong đợt tấn công bằng bộ binh và hỏa tiển 122 ly vào Ðài Kiểm Báo Ban Mê Thuột (sân bay L19 ở cây số 3) mà Phi Ðoàn 219 có một Biệt Ðội đang đồn trú tại đó vào đêm 10/3/1975.
Quân số đã thiếu thì nay lại càng thiếu hơn, cho nên chúng tôi phải bay và trực hành quân liên tục. Vào ngày 1/4/75 thì tình hình xáo trộn và nhốn nháo đã bắt đầu xảy ra ở thành phố Nha Trang, khi có rất nhiều dân và các sắc lính đã bị rã ngũ từ các quân trường của Huấn Khu Dục Mỹ và các tỉnh hướng Bắc, như Bình Ðịnh và Phú Yên, đổ dồn về. Phần đường bộ thì Quốc Lộ 1 đã bị nghẹt cứng người và xe cộ từ Thành (Diên Khánh) đến Cam Ranh, cho nên mọi người đều dồn vào hai nơi được xem là an toàn và có phương tiện để tiếp tục di chuyển về Sài Gòn. Ðó là Phi Trường Nha Trang và Cảng Hải Quân Cầu Ðá. Tất cả các cổng chính của Phi Trường Nha Trang đều bị bao vây bởi lính Biệt Kích, Nhảy Dù ở Bộ Tư Lệnh đồn trú kế bên Phi Trường Nha Trang, lính Biệt Ðộng Quân ở Dục Mỹ kéo về, lính Thủy Quân Lục Chiến, ở Ðà Nẵng vào, đang đổ bộ từ xà lan lên bờ, và dân chúng chạy nạn.
Là ngày xuống "ca" vì Phi Ðội của chúng tôi đã đi bay ngày hôm trước, nhưng tất cả quân nhân cơ hữu phải có mặt tại Phi Ðoàn từ sáng sớm do lệnh thiết quân luật đã được ban hành trên toàn lãnh thổ Tiểu Khu Khánh Hòa. Các hợp đoàn hành quân đã cất cánh từ sớm (như trong bài viết "Phi vụ cuối cùng" của Pilot Dzỏm đã trình bày), số hoa tiêu, cơ phi và xạ thủ còn lại đều có mặt ứng chiến tại Phòng Hành Quân hay nằm xả hơi tại phòng nghỉ Phi Ðoàn. Câu chuyện "Phi vụ cuối cùng # 2" của tôi sẽ nói về công việc của những người còn lại ở Phi Ðoàn 219 ngày hôm đó (1/4/75), mà tôi là một hoa tiêu trực thăng đã lỡ khóc, lỡ cười trong một phi vụ cuối cùng của đời bay bổng. Tôi kể ra đây thì xấu hổ, nhưng để trong lòng thì ấm ức, vì đâu phải chỉ một mình thằng Pilot Dzỏm bạn tôi là thằng bị nạn duy nhất của ngày hôm đó đâu?!...
Khoảng 8 giờ sáng thì Phòng Hành Quân Chiến Cuộc báo cho Phi Ðoàn biết tất cả số trực thăng còn khiển dụng, và ra lệnh "cắt" tên phi hành đoàn cho tất cả các tàu đó. Nếu số hoa tiêu, cơ phi và xạ thủ còn dư lại thì cũng đều được ghi tên hết vào bảng phi lệnh, nghĩa là không còn một người nào còn ở lại Phi Ðoàn. Tôi thầm nghĩ chắc lệnh di tản sắp được ban hành.
Tất cả phi hành đoàn đều ra vị trí tàu đậu để làm tiền phi, quay máy và đổ đầy xăng. Ngày thường thì khi đưa hay đón phi hành đoàn, chúng tôi đều được xe step-van hay xe pick-up đưa đón tận nơi tàu đậu nhưng hôm nay thì toàn thể mọi người đều đi check tàu cùng một lúc, nên chúng tôi phải đi bộ. Phi hành đoàn của tàu tôi mừng rơn trong bụng khi trông thấy số đuôi của tàu mình nằm ở ụ thứ ba, có nghĩa là chỉ cách Trạm Hàng Không Dân Sự và Phòng Phi Ðạo 219 khoảng vài chục mét. Vừa check tàu tôi vừa nghĩ ngợi, chắc phi trường có thể di tản nội ngày hôm nay... Nếu thế thì làm sao tôi kịp đưa vợ và hai đứa con của tôi vào phi trường bây giờ? Không thể chần chờ, sau khi đổ đầy xăng và đưa tàu vào ụ, thay vì vào Phòng Hành Quân Phi Ðoàn chờ lệnh, thì tôi ra nhà để xe lấy chiếc Honda 67 của tôi chạy ra phố, nhưng cũng không quên trang bị cho mình một khẩu M16 và cây P38 lúc nào cũng kè kè bên hông. Nếu có ai tìm tôi thì họ nghĩ tôi vẫn còn ở bãi đậu trực thăng và đang check tàu.
Trước tiên tôi chạy ra cổng Long Vân (cổng Trung Tâm Huấn Luyện KQ) nhưng ở đây Quân Cảnh và lính phòng vệ phi trường không cho ra, vì lúc này ở ngoài cổng một số lính Biệt Ðộng Quân đang nổ súng chỉ thiên đe dọa phá cổng để tràn vào phi trường. Tôi quay ngược xe về hướng cổng Hoàng Diệu (cổng Sư Ðoàn 2), nhưng vẫn gặp trường hợp tương tự với một số đông lính Thủy Quân Lục Chiến vừa từ sà lan ngoài biển đổ bộ vào. Ðến lúc này thì tôi nghĩ chỉ còn cổng Phước Hải, nằm ở hướng Tây phi trường, chỉ dành riêng cho lính Không Quân cơ hữu, may ra sẽ có ít người biết đến cổng này. Ðến nơi tình hình cũng không khá hơn hai cổng kia cho nên Quân Cảnh nhất quyết không cho tôi ra, mặc dù trong số đó có người tôi quen. Các anh Quân Cảnh còn tính đến trường hợp nếu cho tôi ra cổng lúc này, thì "họ" có thể bắt tôi để làm áp lực phải mở cổng cho họ vào. Ngán ngẩm, tôi chạy xe về lại Phi Ðoàn, không buồn kiếm thứ gì "bỏ bụng" mặc dầu lúc này đã quá mười hai giờ trưa...
Vào khoảng gần hai giờ chiều thì Phòng Hành Quân Chiến Cuộc ra lệnh tất cả phi hành đoàn ra tàu quay máy và nhận lệnh sau. Với bản tánh lề mề, chậm chạp, lại thêm chắc mẩm con tàu của mình nằm rất gần, cho nên tôi thủng thẳng xách túi đựng nón bay tà tà ra khỏi Phi Ðoàn sau chót.
Lúc này tình hình trật tự tại phi trường đã thay đổi hoàn toàn. Buổi sáng phi trường yên vắng bao nhiêu thì bây giờ xô bồ và bát nháo bấy nhiêu. Sân của Trạm Hàng Không Dân Sự đầy người, trong đó không chỉ là hành khách đáp máy bay về Sài Gòn mà còn có rất nhiều người do các Cha và Dì Phước hướng dẩn vào phi trường. Thoát ra khỏi được đám đông ở sân Trạm Hàng Không Dân Sự để hướng về chiếc trực thăng của tôi thì tôi lại hoàn toàn thất vọng, vì trên taxiway lúc này đầy nghẹt lính Không Quân đang hốt hoảng chạy về các chiếc trực thăng đang quay máy. Từ xa tôi thấy chiếc trực thăng của tôi đã quay máy, tôi khen thầm trong bụng rằng thằng co-pilot của tôi coi vậy mà khá, chỉ chờ tôi lên ghế lái là dzọt!
Ði ngang qua chiếc trực thăng thứ nhất tôi sững sốt và chưng hững. Quái lạ. Người ở đâu mà ngồi nghẹt cả máy bay thế này? Qua chiếc trực thăng thứ hai cũng thế. Ðầy nghẹt người, toàn là lính Không Quân, có đến hai chục. Tôi nghĩ thầm trong bụng với số lượng người đông như thế thì máy bay cất cánh sao cho nổi? Tôi qua chiếc thứ ba, là chiếc trực thăng của tôi, thì tôi thấy phi hành đoàn đầy đủ nghĩa là đã có trưởng phi cơ, co-pilot, cơ phi và xạ thủ. Lại còn dư thêm hai ông pilot nữa chứ. Tôi tiến đến gần thì .. hỡi ôi! Trên ghế trưởng phi cơ là thằng bạn thân của tôi, còn ghế bên kia thì không phải là thằng "co-pilot" được cắt bay với tôi hồi sáng, mà lại là một thằng khác. Tôi tức quá mở cửa và hỏi nó:
-Máy bay mày đâu mà lại bay chiếc của tao?
Không trả lời câu hỏi của tôi mà nó còn la lớn như ra lệnh:
-Tìm chiếc nào còn trống thì bay. Lẹ lên!
Tình hình lúc này không cho phép tôi đôi co với nó, phải tự tìm máy bay khác để lái mà thôi. Khoác túi đựng nón bay lên vai, tôi tà tà đi về hướng các máy bay còn lại. Ðến tàu nào cũng nghẹt cứng người với đầy đủ phi hành đoàn. "Ðiệu này thì bay giống chó gì được!" Tôi tức mình chửi đổng. Tất cả các tàu đều đã quay máy nên tôi càng nôn nóng hơn nữa, không khéo tôi sẽ bị bỏ lại "mình ên". Cuối cùng tôi nhìn về cuối phi đạo phụ, gần POL (chổ refill xăng cho trực thăng): còn một chiếc gunship đang đậu im lìm, cánh quạt còn cột cứng ngắt. Tôi nghĩ thầm rằng đó là tàu khiển dụng, vì nếu tàu bất khiển dụng thì không đậu chổ đó. Tuy nhiên tôi cũng phân vân, nếu tàu bay được thì sao cho đến giờ này mà tàu vẫn còn cột cánh quạt? Phi hành đoàn đang ở đâu? Thời gian cấp bách không cho phép tôi nghĩ ngợi mông lung. Tôi vội tiến đến tàu, trong bụng không chắc lắm nhưng cứ liều, vì nếu đến nơi mà tàu không bay được thì tôi không thể nào quay ngược trở lại kịp để làm "hành khách" của các bạn mình... Rồi tôi lại tự trấn an: nếu không di tản được hôm nay thì về lại với vợ con rồi sau đó tìm cách khác mà đi. Bề nào thì vợ con tôi vẫn còn bị kẹt lại ngoài nhà ông bà ngoại mà...
Từ xa, tôi đã thấy có người ngồi lúc nhúc trong tàu. Tiến đến gần hơn thì tôi không thấy phi hành đoàn đâu cả. Hai ghế lái vẫn còn trống. Tôi mở cửa và hỏi:
-Phi hành đoàn tàu này đâu rồi?
-Nãy giờ em không thấy ai hết.
Một anh Trung sĩ phi đạo trả lời tôi, và nói thêm:
-Lên bay đi Trung úy. Tàu "OK", em kiểm xong hồi sáng.
-Ðược rồi. Anh mở cánh quạt và clear cho tôi quay máy.
Tôi nhìn đồng hồ xăng. Xăng đầy. "OK" thì bay. Sợ gì. Ðến lúc này tôi nhìn lại thì chỉ có một mình tôi, không co-pilot, không cơ phi, không xạ thủ. Rồi lại thêm là tàu gunship: chần dần hai bó rocket, hai súng minigun với đầy đủ cấp số đạn, kèm theo chật cứng người và hành lý! Thôi kệ cứ quay máy thử tàu rồi tính sau. Tôi chắc mẫm là tàu này phải có phi hành đoàn cho nên tôi quay máy và chờ... Kiểm soát các phi cụ xong, hoàn toàn yên tâm, tôi quay lại phía sau thì không thấy bóng một áo bay nào cả, mà toàn là dân "không phi hành", chỉ có anh Trung sĩ phi đạo là được "nửa này, nửa nọ", nên tôi ra lệnh cho anh ta đếm được bao nhiêu người trên máy bay. Mười sáu người cả thảy. Tôi biết không thể nào cất cánh được với chiếc tàu gunship lại cộng thêm mười sáu người. Một mình một chợ biết làm sao đây? Trong khi đó thì hợp đoàn từ từ di chuyển ra taxiway. Ðến lúc này thì tôi biết chắc chắn là phi hành đoàn tàu này đã "an vị" trên các tàu khác rồi, biết đâu chừng họ đang bay chiếc tàu của tôi khi sáng?!
"Bắt cóc bỏ dỉa", tôi biểu anh Trung sĩ phi đạo lên ngồi ở ghế co-pilot, đồng thời ra lệnh cho tất cả những người trên tàu phải bỏ lại hành lý, nếu không thì phải rời tàu. Chỉ còn có phương cách đó, chứ lúc này người nào họ đã lên được tàu thì không bao giờ họ chịu xuống cả. Có hai người nhảy xuống khỏi tàu và mang theo hành lý đi ngược về hướng Trạm Hàng Không Dân Sự. Còn lại đúng mười bốn người. Vẫn còn bị quá tải. Tôi release hai bó rocket và ra lệnh quăng hết những thùng đạn và những thứ không cần thiết. Tôi đưa tàu vào hướng gió và nhấc tàu lên thử. Chưa được một feet, tàu tuột "tua", alarm réo lên eo éo, và .. rớt xuống cái "bịch"! Ðiệu này thì làm sao cất cánh cho nổi đây? Biết là không ai sẽ xuống tàu, nhưng tôi vẫn quay ra sau và năn nỉ họ xuống cho tàu nhẹ bớt mới mong cất cánh nổi... Không ai chịu xuống cả. Trong khi đó thì hợp đoàn đang liên lạc tần số nội bộ để sửa soạn cất cánh. Tôi quyết định giữ im lặng tần số để hợp đoàn cất cánh xong sẽ tính, coi như tôi đi solo không có trong hợp đoàn.
Thật sự mà nói, nếu không có hai khẩu minigun thì tàu cất cánh được ngay, nhưng làm sao mà tháo nó ra được khi trong tay chúng tôi không có một thứ đồ nghề nào cả. Ðến nước này thì chỉ còn có một cách là cứ để máy nổ chờ xăng giảm bớt cho nhẹ tàu mà thôi. Biết đâu, vì đợi quá lâu mà tàu chưa cất cánh được, có người mất kiên nhẫn sẽ rời tàu thì sao... Công cóc! Vẫn còn đủ mười bốn người. Tôi đưa tàu vào hướng gió và nhấc lên thử. Mừng rơn vì thấy tàu vẫn nằm yên ở độ cao ba feet, có thể cất cánh được rồi. Tôi mở tần số liên lạc với hợp đoàn (đã cất cánh và đang hướng về Cam Ranh). Tôi nghe trên tần số:
-Trail. Ðây Lead gọi.
-Nghe Lead năm trên năm.
-Hợp đoàn cất cánh đủ chưa?
-Thiếu thằng gun 2. Ðang liên lạc mà chưa thấy nó lên tiếng.
Thì ra thằng gun 2 là tôi đây, vả lại tôi có mở tần số liên lạc đâu mà nghe tôi lên tiếng...
-Gun 2. Ðây Trail gọi. Nghe rõ trả lời?
-Nghe Trail năm trên năm.
-Vị trí đang ở đâu?
-Vẫn chưa cất cánh được vì tàu quá nặng.
-Có cần hợp đoàn chờ hay không?
-Không cần thiết. Tôi sẽ cất cánh ngay bây giờ.
-OK. Ðáp Phan Rang chờ lệnh.
-Roger!
Tuy báo cáo như vậy để hợp đoàn yên tâm khỏi chờ đợi, chứ thật tình lúc đó tôi cũng không biết là tàu có cất cánh nổi hay không?.. Tôi gọi Ðài Không Lưu để xin chỉ thị cất cánh. Ðài clear và cho lệnh tôi cất cánh ở phi đạo phụ, hướng về phía biển nhưng phải bay trên đầu Quân Y Viện Nguyễn Huệ, vượt qua những đọt cây dương cao ngất ngưỡng và dây điện giăng ngang. Ðiệu này thì không thể cất cánh được rồi vì như thế sẽ hơi bị gió ngang. Không có co-pilot "beep" phụ RPM thì tuột "tua" là cái chắc. Tôi mở monitor nội bộ và hỏi:
-Anh có biết cái núm để "beep" trên cyclic hay không?
Không nghe tiếng trả lời, tôi nhìn lại thì thấy co-pilot bất đắc dĩ của tôi không có nón bay. Chán mớ đời! Chỉ còn nước cất cánh liều, băng ngang phi đạo chính, một hành động mất an phi trầm trọng mà nếu bình thường thì có thể bị Phòng An Phi ký tặng cho chục ngày trọng cấm. Nhưng trong lúc hổn loạn như thế này, mạnh ai nấy tìm cách thoát thân, thì tôi không còn dư thì giờ để lựa chọn... Trên phi đạo chính lúc này có một chiếc C130 đang taxi chầm chậm vô bãi đậu của Trạm Hàng Không Dân Sự, trong khi đó có hàng trăm người dân túa ra hướng phi cơ, được dẩn đầu bởi các Cha và Dì Phước. Không để mất cơ hội hiếm có này, vì Ðài Không Lưu sẽ không cho phép một máy bay nào cất và hạ cánh trong lúc trên phi đạo đang có một chiếc C130 taxi vào bãi đậu. Tôi không gọi Ðài Không Lưu để xin lệnh cất cánh nữa, vì nếu có gọi Ðài thì cũng sẽ được cho lệnh cất cánh về hướng phi đạo phụ mà thôi. Tôi đưa mũi máy bay về hướng Cầu Ðá, lấy trớn nhanh dần, băng ngang qua phi đạo chính, vượt qua đầu chiếc C130 và lấy cao độ ra biển. Trên tần số UHF, Ðài Không Lưu la ỏm tỏi, và giận dữ hỏi tên phi hành đoàn của chiếc trực thăng vừa cất cánh ngang qua phi đạo. Tôi nín thinh, tiếp tục lấy cao độ và hướng về Cam Ranh để liên lạc với hợp đoàn. Tới đâu thì tới, cất cánh an toàn là tốt rồi. Lúc này không còn ai rảnh để lo ba cái chuyện an phi này đâu.
Hợp đoàn cố bay chậm và đợi tôi ở không phận Cam Ranh. Khi nhìn thấy hợp đoàn tôi cố bay nhanh hơn nhưng tàu rung quá tôi theo không kịp. Lúc này tôi liên tưởng tới những đoạn phim chiếu cảnh bầy chim thiên di từ miền Bắc về miền Nam tránh tuyết, trong đó có những cánh chim yếu ớt bay vật vờ theo đàn nhưng cuối cùng đành lìa đàn tức tưởi, không kịp về đến chổ dung thân. Và lúc này tôi đây cũng vậy. Tôi cố đưa con tàu về chốn bình yên, nhưng tôi nghĩ nó sẽ không về tới được Sài Gòn, vì tàu gunship lại cõng thêm mười bốn con người, thì tàu bị overtorque là lẽ đương nhiên.
Hợp đoàn đáp tại Phan Rang, và những chuyện xảy ra sau đó đã được thằng bạn Pilot Dzỏm của tôi kể chi tiết trong câu chuyện "Phi vụ cuối cùng". Duy có một điều khác là chiếc gunship bất đắc dĩ mà tôi đã lái thì bị over torque, và phải bỏ lại ở phi trường Phan Rang. Tôi chia tay em không một lời từ giã, không bịn rịn nhớ thương, không hẹn hò tái ngộ, để em nằm hiu quạnh nơi xứ cát nóng khô cằn chớ không đưa được em về đến Sài Gòn, nơi mà Pilot Dzỏm đã đưa được em UH1H của nó về nơi "đất hứa", và nơi đó nó đã tâm sự với em hơn cả tiếng đồng hồ rồi mới bịn rịn chia tay trong nức nở, nghẹn ngào. Nghĩ cho cùng thì tôi còn tệ hơn thằng Pilot Dzỏm bạn tôi nhiều lắm...
Ôi! Phi vụ cuối cùng sao mà thương đau đến thế!
Thím Tư.