Thursday, April 19, 2012

Hồi Ký Cuộc Ðời Ðổi Thay

 
Ðêm Chờ Sáng và cũng là Ðêm Cuối Cùng chấm dứt Ðời Binh Nghiệp 21 năm của tôi.
Sau khi bị thương ở Vùng I Chiến thuật và được biệt phái qua hành chánh, tôi làm việc tại quận Dĩ An được 7 năm, về Ðức Hòa 1 năm rồi trở về lại quận Dĩ An đúng một tháng trước ngày miền Nam bị thất thủ.

Tình hình lúc nầy hết sức là căng thẳng, Quận và Chi khu ráo riết đặt kế hoạch phòng thủ chống chiến xa địch. Căn cứ phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Chi khu là căn cứ cũ của lực lượng Ðại Hàn rất kiên cố, hơn nữa sau Hiệp đinh Paris đầu năm 1973, các đơn vị Ðồng Minh sau khi rút đi đã để lại cho chúng tôi rất nhiều vũ khí đạn dược và gần 100 cây M72 chống chiến xa, do Ðại úy Thành Trưởng Ban 4 Chi Khu ngoại giao xin giữ lại, nên anh em chúng tôi cũng yên tâm.
Trước ngày 30/4/75, Ðại úy Thành có nhắc nhở và đề nghị tôi cho phân phối hết đồ quân tiếp vụ cho trại gia binh, tôi đã chấp nhận ý kiến sáng suốt nầy, nếu chúng tôi bị bao vây cũng có lương thực cầm cự được một thời gian. Cựu Ðai úy Thành đã vượt biên sau khi đi tù và gia đình ông nay đang sống tai San Jose.

Một quyết định khó khăn: Tôi phải ở lại đến giờ phút cuối cùng với anh em chiến sĩ và đồng bào. Tình hình tại quận còn rất yên tịnh, chưa có việc gì xảy ra, chúng tôi chưa bị quân Cộng sản tấn công và pháo kích, nhưng một số chiến sĩ cũng nao núng vì nghe tin chỗ nầy di tản chiến thuật chỗ kia rút quân, người thì mang gia đình xuống tàu kẻ xuống ghe đánh cá ra khơi, và một số người đã được phi cơ Mỹ cho di tản từ phi trường TSN trước đó mấy tuần. Ông Bà Ngoại mấy cháu của chúng tôi sợ nguy hiểm đến tánh mạng của mấy cháu nhỏ, nên mang hết về Saigon cho tôi rảnh tay lo nhiệm vụ, phần vợ tôi thì nhứt quyết ở lại căn cứ để yểm trợ tinh thần tôi, nên anh em chiến sĩ và đồng bào cũng bớt hoang mang, lo lắng.

Một điều nữa làm cho tôi đắn đo không thể bỏ quận được, vì trong 7 năm tôi được sát cánh làm việc ngày đêm với anh em Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, Viên chức quận xã ấp và lực lượng CSQG làm việc trong tình thương mến đậm đà. Các cơ quan và đơn vị hết lòng làm tròn trọng trách nên mấy năm qua tình hình Dĩ An rất yên tịnh, dân chúng sống thanh bình làm ăn phát đạt. Quân được Dân thương mến và khắng khít thật là tình Dân với Quân như cá với nước.
Khi tôi được cấp trên đổi về lại quận cũ, anh em chiến sĩ vui mừng như gặp lại người anh cả đã vắng mặt đi xa mới về, và đồng bào cũng vui vẻ đón nhận tôi như một đứa con biệt ly nay trở về quê cũ, nên tôi xem quận Dĩ An như có mối tình thiêng liêng gắn liền với đời tôi. Tôi hết lòng cám ơn những chiến sĩ và viên chức và lực lượng CSQG đã hăng say cộng tác với tôi trong nhiều năm. Tôi xin nghiêng mình trước những anh linh của những người đã hy sinh vì tổ quốc.

Ðến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi Nghĩa quân Nguyễn Văn Giữ, người cận vệ can đảm đã theo tôi suốt bao nhiêu năm. Vì lúc ấy tôi đi đứng phải chống gậy nên ông đã giúp, đỡ đần tôi những lần nhảy trực thăng hay leo đồi lội suối trong các cuộc hành quân, ông luôn bên cạnh để bảo vệ tôi. Ông đã chết trong trại cải tạo năm 1979 vì bạo bịnh mà không có thuốc chữa. Thỉnh thoảng chúng tôi có gởi quà về gia đình để đền đáp công ơn ông đã giúp tôi suốt thời gian tôi làm việc tai Dĩ An.

Tất cả các chiến sĩ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân và Viên chức quận, xã, ấp cũng như CSQG đều tuân lệnh Thượng cấp quyết ở lại cố thủ. Nhưng đến đêm 29 rạng 30 tháng 4, chúng tôi bị bỏ rơi chới với vì mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu tỉnh Biên Hòa và không biết phải nhận lệnh nơi đâu. Ðông Tây Nam Bắc chẳng còn ai yểm trợ, trong khi đó chúng tôi được tin tình báo là một Trung đoàn Cộng sản BV cùng chiến xa T54 đã di chuyển từ hướng Tân Uyên tới rừng Cò Mi phía Bắc quận Dĩ An rồi dừng lại đấy. Chúng tôi tiến thối lưỡng nan, thôi đành phải liều quyết tử thủ tới đâu hay đến đó, anh em chúng tôi không biết trông chờ vào ai, nên đành phó mặc số phận cho Trời định.

Thật là một đêm hãi hùng, hồi họp, tất cả từ quan tới lính súng chống chiến xa, súng đại liên và súng cá nhân cầm tay, thức sáng đêm chờ địch nơi phòng tuyến. Tiếng súng pháo binh và đại bác của chiến xa ta và địch nổ vang dội từ hướng Hậu Nghĩa và căn cứ Sư đoàn 25 BB tại Củ Chi. Nhìn những ánh sáng hỏa châu chiếu chập chờn một góc trời ở phương Tây, phương Ðông và phương Bắc, và nhìn về hướng Saigon thấy ánh đèn phi cơ trực thăng lên xuống, chúng tôi đoán là Mỹ đang tiếp tục bốc người của họ di tản, anh em chúng tôi rất não lòng không biết vận mạng quận Dĩ An nói riêng và vận mạng miền Nam sẽ ra sao? Mong chờ đến sáng rồi sẽ tính. Nhưng vào gần sáng toán quân thám thính ở tiền đồn gọi máy báo về Bộ Chỉ Huy Chi Khu là chiến xa địch đã đổi hướng bọc xa lộ vòng đai từ hướng Lái Thiêu trực chỉ Saigon.

Giã từ vũ khí trong sự uất hận và tủi nhục .

Sáng hôm sau lúc10 giờ, tiếng nói Ðại Tướng Dương Văn Minh loan báo trên đài phát thanh Saigon ra lệnh tất cả các đơn vị buông súng đầu hàng. Cái tin sét đánh làm cho mọi người từ quan tới lính, cả trại gia binh và dân chúng đều bàng hoàng rơi lệ. Tôi liền dùng máy truyền tin thông báo cho các chiến sĩ và viên chức quận, xã, ấp hủy diệt tất cả tài liệu, hãy rời đơn vị và nhiệm sở với những lời chúc lành cùng họ và gia đình, và nói vài câu giã từ trong nghẹn ngào uất hận, không cầm được nước mắt.
Sau đó vợ chồng chúng tôi và một số anh em chiến sĩ có gia đình tại Thủ Ðô rời căn cứ di chuyển về Sài Gòn. Toán di tản của chúng tôi gồm có một xe Jeep, trên xe có tôi, vợ tôi một tài xế và hai cận vệ, một Thiếu úy BCH Chi khu và Ðại úy Vân, Giang đoàn trưởng Giang cảnh sông Ðồng Nai, tỉnh Biên hòa. Ðại úy Vân là em vợ của tôi vì thương chị nên ở lại với chúng tôi trong đêm cuối cùng.
Trưa ngày 29/4/75 theo lịnh của Bộ chỉ huy Giang cảnh, Ðại úy Vân cho mấy chiếc tàu của Ðại đội Giang cảnh về căn cứ ở Nhà Bè nhưng ông ở lại với chúng tôi từ chiều ngày ấy. Nếu ông muốn ra khơi để gặp Ðệ Thất Hạm đội thì quá dễ dàng. Theo sau xe Jeep của tôi còn có một chiếc xe GMC và một chiếc Dodge 4x 4 chở các anh em của Bộ chỉ huy Chi Khu đi theo.

Mới ngày nào khi ra phố hay vào xã ấp gặp gỡ đồng bào, anh em chúng tôi lấy làm hãnh diện với dân chúng vì công cuộc bình định lãnh thổ được tốt đẹp. Nhờ những công lao nhọc nhằn của anh em chiến sĩ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, Viên chức xã ấp và lực lượng CSQG, nên người dân được vui hưởng cảnh thanh bình trong mấy năm qua. Nhưng sáng hôm nay, khi chúng tôi đi ngang qua khu phố chợ, đông đảo đồng bào đứng nhìn chúng tôi đi qua, tôi cảm thấy xấu hổ như muốn độn thổ vì nay mình là lính bại trận. Thoáng nhìn nét mặt u-buồn của đồng bào tôi biết là họ muốn âm thầm, lặng lẽ tiễn đưa và từ giã chúng tôi ra đi trong sự nghẹn ngào và thương tiếc!

Ra đến ngã ba Cây Lơn và Quốc lộ số 1, toán BCH chúng tôi tháp tùng đoàn quân di tản của các đơn vị thuộc SÐ18, các đơn vị thuộc QÐ III gồm Công binh, Pháo binh vv.. kẻ đi xe người đi bộ lũ lượt đi về hướng Gia Ðịnh. Ðến gần cầu Gò Dưa xe Jeep của tôi bị vài tên du kích trong làng bắn một quả B40 nhưng không trúng và rơi nằm ngay giữa đường lộ trước đầu xe. Chú tài tránh quả đạn và phóng ga chạy nhanh cho ra khỏi tầm mắt mấy thằng du kích nầy. Thật buồn! và bực tức, tôi chửi thầm : Ðồ khốn kiếp! trước đây một ngày chúng bây thấy bóng dáng anh em chiến sĩ chúng tao là chúng bây chạy chết cha! Bây giờ theo lịnh cấp trên chúng tao đã buông súng mà chúng bây hành động hèn hạ như thế. Nếu xe Jeep bị trúng một trái B40 thôi thì chắc chắn chúng tôi bị tiêu mạng.

Trên đường di tản từ Quốc lộ số 1 về tới Gia định, chúng tôi gặp thấy xác của những người chiến sĩ Dù và BÐQ? nằm rải rác đó đây lẫn lộn cả những thây của dân cúng có cả phụ nữ và trẻ con, quang cảnh thật vô cùng thê thảm. Khi về đến Chợ Lớn chúng tôi vẫn còn nghe lác đác những tiếng súng nổ ở hướng trường đua Phú Thọ của các anh em chiến sĩ Nhảy Dù có lẽ tức mình rồi bắn chỉ thiên như có vẻ không bằng lòng tuân lịnh đầu hàng.
Khi về tới nhà cha mẹ vợ gần hãng Beer ở Chợ Lớn, chúng tôi từ giã các chiến sĩ để ai về nhà nấy. Các anh em khóc sụt sùi và hứa hẹn hôm nào sẽ trở lại thăm chúng tôi. Nhưng tôi tự nói trong lòng : Than ôi! Biết ngày mai sẽ ra sao ???
Ngày 30/4/1975 đã chấm dứt đời Binh nghiệp của tôi đúng 21 năm, vì ngày nhập ngũ của tôi cũng vào tháng 4 năm 1954.

Nguyễn Minh Châu
(Trích trong tập Hồi Ký Cuộc Ðời Ðổi Thay)

No comments:

Post a Comment