Monday, April 30, 2012

Đêm Tâm Tình « Sài Gòn Còn Mãi Trong Tôi »

Sài Gòn không bao giờ mất tên Gs Lê Mộng Nguyên, Viện Hàn Lâm Pháp Quốc, Khoa Học Hải Ngoại

Kính thưa quí vị,

Các bạn thân mến,

Sài Gòn ơi, ta bỏ em đi từ dạo ấy

Ba mươi ba năm trời lẳng lặng trôi qua

Từ ngày ấy ta không bao giờ trở lại

Vì kinh thành đã mất hết dáng yêu xưa



Hồi ấy, tôi thuộc nhóm Giáo sư Turbo (Turbo-Prof) nghĩa là mỗi tuần phải lấy tàu từ Paris về Tỉnh để giảng dạy ít nhất 4 giờ rưỡi : nào là luật Hiến pháp, nào là luật Hành Chánh, nào là luật Bang Giao… và đặc biệt trong niên học 1974-1975 tôi phải dạy cả Thuế Pháp và Tài Chánh Công Hữu (Droit fiscal et Finances publiques). Tháng tư 1975, khác thường lệ tôi phải ở lại Besançon đến 3 ngày liên tiếp để chấm thi khẩu vấn tại Đại Học Luật khoa và Kinh Tế một số sinh viên, một tuần trước niên học chấm dứt. Trong Agenda tôi ghi rõ : 14 thí sinh ngày 28, 6 thí sinh ngày 29 và 30 thí sinh ngày 30/04/1975 với hàng cuối trang ngày 30 : SÀI GÒN THẤT THỦ !

Tôi còn nhớ lúc đầu thế chiến thứ hai 1939-1945, khi nghe PARIS bị chiếm đóng bởi Đức Quốc Xã vào tháng 06/1940, có một bà thầy Pháp dạy tại trường Quốc Học ở Huế đương giảng bài, ngừng lại khóc òa như một đứa trẻ con vừa mới mất Mẹ. Ngày 30/04/1975, tôi đương chấm thi vấn đáp, nghe tin sét đánh trước mặt đông đủ sinh viên, tôi tiếp tục làm bổn phận, nhưng lòng đau rưng rức...

Trái lại với Đức Quốc Xã không dám đổi tên Paris sang Thành Phố HITLER, Hồng quân Bắc Việt sau khi xâm chiếm kinh thành VNCH, không ngần ngại ra lệnh từ nay Sài Gòn là TP HỒ CHÍ MINH, thật kỳ quặc, và quá lố lăng… Trong một bài báo trên Mạng « Sài Gòn Bất Tử » của Nguyễn Thanh Nam có đoạn sau (tôi xin trích).

- Mày lấy vợ ở đâu ?
- Dạ, em lấy vợ Sài Gòn

Lấy vợ Sài Gòn, xin làm ơn đổi lại Lấy vợ Hồ Chí Minh cho đúng nghĩa

- Chị mua gà ở đâu ? Gà Sài Gòn chịu khó đổi lại Gà Hồ Chí Minh cho đúng nghĩa
- Đi Sài Gòn coi chừng chó, chó Sài Gòn dữ lắm. Chó Sài Gòn cần đổi lại Chó Hồ Chí Minh

vân vân …

Ngày xưa lúc còn nhỏ ở bên nhà, tôi có được xem phim La Belle de Saigon nghĩa là Cô Gái Đẹp Sài Gòn, bây giờ phải gọi Cô Gái Đẹp Hồ Chí Minh, thật là buồn cười…và nhất là đi ngược lại với thủ tục quốc tế (loại trừ cựu Liên Bang Nga Xô Viết và các nước còn Cộng Sản) không lấy tên người để đặt tên một nước, một miền hay một đô thị, và chỉ để dành tên đường hay đại lộ cho những vị anh hùng tổ quốc hoặc ân nghĩa nhân loại. Ngay thực dân Pháp dưới thời bảo hộ Đế quốc An Nam (1884-1945) cũng không dám đổi tên một thành phố, mà chỉ dè dặt đổi tên một cái cầu, cầu Trường Tiền ở Huế chẳng hạn trở thành Cầu Clemenceau (Georges Benjamin Clemenceau : 1841-1929), nhưng dân chúng vẫn tiếp tục gọi Cầu Trường Tiền là Cầu Trường Tiền, và biết bao văn nghệ sĩ sinh trưởng tại Huế đã có dịp ca ngợi nhịp cầu thơ mộng này với sông Hương núi Ngự… Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã diễn tả nỗi buồn Tháng Tư Đen của đồng bào Việt Nam, một cách thấm thía :

Sài Gòn ơi ! Ta mất người như người đã mất tên

như giòng nước quẩn quanh buồn

như người đi cách mặt xa lòng hỏi thầm em có nhớ không

Sài Gòn ơi ! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao

Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào

đời tươi thắm vạn sắc màu

nay còn gì đâu …(Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên)

Cũng như Paris kinh thành hoa lệ, Sài Gòn vẫn mãi mãi là Saigon đối với đồng bào chúng ta, hải ngoại và quốc nội. Sau bài ca nhung nhớ của Nguyễn Đình Toàn, chúng ta phải nói lên nỗi lòng tin tưởng vững chắc trong một tương lai sáng lạng : Sài Gòn ơi, ta mất người nhưng tên người vĩnh viễn trong tâm trí chúng ta, xin quyết chí – như biểu ngữ của Đại Hội Thế Giới 2007 tại Paris - nguyện thề tẩy trừ tên Hồ chí Minh đặng hồi phục tên Sài Gòn yêu dấu !

Đêm 30/04/1975, tôi lấy tàu từ Besançon trở lại Paris mà lòng buồn vô hạn, đau đớn như nàng Kiều từ nay đoạn trường trong kiếp lưu vong :

Ta mất nước như người mất quá khứ

Tháng Tư Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm

Ngày Ba Mươi như cuộc thế thăng trầm

Muôn đời hận như dân Chàm đã chết



Ta mất nước như người mất thương tiếc

Tháng năm dài lang bạt sống quê người

Luôn hướng về đất nước Việt xa xôi

Đau thương xót thương nhà ai hiểu thấu ?


Ta mất nước như người mất thơ ấu

Trời ban ngày sao tối như ban đêm ?

Xuân đã về sao vẫn lạnh buốt thêm ?

Hoàng hôn xóa bao hình trong ký ức !



Ta mất nước như người mất hạnh phúc

Đêm trăng mài lưỡi kiếm núi sông hờn

Ta nguyện thề quyết trả nợ nước non

Tranh đấu mãi cho Sài Gòn muôn thuở

Xin cảm ơn quí vị.

Gs Lê Mộng Nguyên


Bài nói chuyện của Nhà văn Từ Trì trong
Đêm Tâm Tình « Sài Gòn Còn Mãi Trong Tôi », Paris, 13/05/2007

Kính thưa quí vị,

Chúng ta bị mất Sài Gòn từ trên 30 năm qua. Trên 30 năm qua, một thành phố được người ngoại quốc thường mệnh danh là « Hòn ngọc Viễn Đông » đã phải sống trong bầu không khí ngột ngạt của một chính thể độc tài, đảng trị, phi nhân, hằng ngày chà đạp nhân quyền và dân quyền đến độ mất cả tên nguyên thủy, phải mang một cái tên mới hắc ám hãi hùng. Trên 30 năm qua, cái tên hung dữ mà bạo quyền cộng sản áp đặt lên Sài Gòn nói lên sự tàn bạo của Bắc quân khi họ thôn tính miền Nam. Vì nó luôn luôn nhắc nhở tới cái « chiến dịch Hồ Chí Minh » khủng khiếp mà những người cộng sản đã phát động để cưỡng chiếm vùng đất tự do còn lại của người dân Việt. Khi họ áp đặt tên mới cho Sài Gòn người cộng sản đã phủ nhận giá trị lịch sử và nét kiêu hùng của thành phố. Thật vậy, trong cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Sài Gòn tượng trưng cho các nỗ lực mở mang lãnh thổ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Sài Gòn là phiên âm sang tiếng Việt của cái tên Prei Kor khi thành phố này còn thuộc về Cao Miên. Khi chúa Minh, Nguyễn Phước Chu, lấy đất này vào năm 1698 thì Prei Kor được Việt hóa trở thành Sài Côn và sau đó là Sài Gòn. Khi những người Trung Hoa trung thành với nhà Minh, không chịu thần phục nhà Thanh sang tìm tự do bên Việt Nam, họ được chúa Nguyễn cho vào khai khẩn đất Sài Gòn Gia Định. Sự đóng góp của các người Minh hương trong công cuộc khai khẩn miền Nam cũng nói lên tinh thần bất khuất của người dân Việt tiền phong ở miền Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng. Sài Gòn còn biểu tượng cho tinh thần ham chuộng tự do của người dân Việt. Chúng ta không quên rằng từ năm 1954 đến năm 1975 Sài Gòn là thủ đô của người Việt tự do. Chúng ta không quên rằng sau khi Hiệp Đinh Genève chia đôi lãnh thổ năm 1954 đã có một triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam để tránh gông cùm cộng sản. Từ trên 30 năm qua, mỗi khi nghĩ tới thành phố Sài Gòn, mỗi người chúng ta không khỏi bùi ngùi tìm về những kỷ niệm thân thương. Chúng ta nhớ lại giọng ca Trần văn Trạch trên các làn sóng điện của Đài Pháp Á hay Đài Sài Gòn, trong thập niên 1950 : « Sài Gòn là viên ngọc trân châu trên Á Đông . . . » trong lòng chúng ta nao nao mơ về thành phố xa xưa. Chúng ta xót xa nhớ lại giong ca Mai Lệ Huyền trong thập niên 1970 : « Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi ». Chúng ta ngẩn ngơ nghe câu hát Phạm Duy : « Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát ». Chúng ta mơ màng trước câu thơ Nguyên Sa : « Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát ... » Và giờ đây chúng ta nuối tiếc khi nghe bài ca Ngô Thụy Miên : « Những thành phố em sẽ đi qua. Đây Ba Lê, đây Vienne, đây Luân Đôn, nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua, nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau ... ». Từng ấy kỷ niệm êm đềm chất chứa trong lòng mỗi người bỗng hiện về trong tâm tư : Đây đường Nguyễn Huệ với chợ hoa tươi mát mỗi khi Tết đến. Đây Nhà thờ Đức Bà đêm Giáng Sinh với tiếng chuông vang rền mừng thánh lễ nửa đêm. Đây đường Tự Do với những chàng trai lính Cộng Hòa về phép, đi hiên ngang dạo phố bên người yêu. Đây Sở Thú với những tà áo mầu tung bay phấp phới trong nắng chiều chủ nhật. Ôi biết bao kỷ niệm thân thương đã bị một cái tên oan nghiệt chôn vùi trong dĩ vãng. Nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi niềm hy vọng. Nhìn lại lịch sử thế giới chúng ta thấy thành phố Saint Petesbourg bên Nga, sau hơn 70 năm bị cộng sản đô hộ dưới cái tên không kém hắc ám là Leningrad, đã lấy lại được tên cũ khi chính quyền Nga Xô sụp đổ. Chúng ta mong rằng một ngày gần đây thành phố thân quí của chúng ta sớm lấy lại được cái tên Sài Gòn cổ truyền do tổ tiên để lại.

Nhà văn Từ Trì, Paris,

No comments:

Post a Comment