Thân tặng Tuấn, Đa, các bạn toán Bear, cùng tất cả các chiến hữu đã nằm xuống cho chính nghĩa Quốc Gia, cùng các chiến hữu còn sống sót hiện đang vất vưởng tại quê nhà hay đang sống lưu vong nơi hải ngoại.
Sau sô thực tập đêm tại Sông Mao vào Giáng Sinh năm 1963, toán chúng tôi được nghỉ hai tuần phép. Ai về nhà nấy. Tôi, Đa,Tuấn về Sài Gòn, các anh em khác kẻ về Tùng Nghĩa, người về Sông Mao, Long Khánh. Trong thời gian nghỉ, tôi nhận được lệnh liên lạc với thiếu tá Sam để nhận công tác. Tôi về đến nhà được hai ngày chưa kịp đến sở, thiếu tá Sam đã đến gặp tôi. Ông trao cho tôi 12 tấm cheques, mỗi tấm 50,000 đồng với lời dặn: “ những tấm cheques này được trao lại cho vợ con, cha mẹ của những người đi công tác”, và chỉ có hiệu lực khi chúng tôi đã đặt chân xuống mục tiêu (MT). 50,000 đồng lúc bấy giờ là một món tiền rất lớn (nếu tôi nhớ không lầm, một lượng vàng lúc đó chỉ độ 3,4 ngàn đồng mà thôi). Tôi thầm nghĩ, người Mỹ đánh giá mạng sống của chúng tôi hơi cao đấy, nhưng chúng tôi tình nguyện ra đi để xâm nhập vào lòng đất địch không phải vì đồng tiền của Mỹ, mà vì chúng tôi theo đuổi lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam, phụng sự đất nước, bảo vệ chính nghĩa Quốc Gia. Nhưng thôi, có còn hơn không! Đằng nào chúng tôi cũng đã chấp nhận ra đi vào cõi chết, thân nhân chúng tôi có được đền đáp đôi chút, chúng tôi cũng thấy ấm lòng.
Những ngày vui của chúng tôi qua mau. Thấm thoát đã đến ngày tập trung. Tôi từ giã người vợ trẻ và đứa con thơ mới được một tuổi để lên đường. Vợ tôi không biết tôi đi đâu và làm gì! Bấy lâu nay, nàng vẫn tưởng tôi còn phục vụ ở số 3 Bạch Đằng. Tôi thường vắng nhà đi công tác vài ba tháng, nửa năm là chuyện thường, nàng không hề để ý, hỏi han. Tội nghiệp thay! Nếu tôi có mệnh hệ nào, nàng sẽ trở thành góa phụ trong lúc tuổi còn quá trẻ. Con tôi, khi lớn lên, sẽ không thể hình dung được bố nó là ai. Nhiều đêm nằm bên vợ con, tôi thầm thở dài, trằn trọc nhìn giấc ngủ vô tư của vợ con. Tôi thương thân mình, thương cho vợ, cho con. Đành thôi! Đất nước loạn ly, phải đòi hỏi những cống hiến của tuổi trẻ chúng tôi. Nếu chúng tôi không chịu thiệt thòi, mất mát,ai sẽ là người sẽ thay thế chúng tôi? Nếu chúng tôi cũng hòa nhập vào giòng đời bàng quan trước thế sự, mảnh đất tự do miền Nam này đến bao giờ mới thực sự thanh bình, thoát khỏi móng vuốt đe dọa của lũ quỷ đỏ vô thần cộng sản Bắc Việt xâm lược? Thế là tôi gạt nước mắt, âm thầm vĩnh biệt vợ con ra đi.
Chúng tôi vào phòng “hành quân” ở trại Quyết Thắng, Long Thành. Tất cả đều có mặt đầy đủ. Một vài anh có đôi chút ưu tư, nhất là những anh lớn tuổi, vợ con đùm đề. Còn các anh trẻ độc thân thì vẫn vui như tết, không cần biết đến ngày mai sẽ làm gì, đi đâu. Đại úy Sang, trưởng trại đến gặp chúng tôi, thông báo có chút thay đổi. Địch có vẻ đã cài được người vào ta, nên kế hoạch bị lộ từ nửa năm nay. Từ tháng 10 đến tháng 12, Sở bị mất 3 toán không có tin tức gì. Hình như tất cả đều bị bắt ngay vừa chạm đất. Tôi bàng hoàng. Tôi có ba người bạn học là Vũ Văn Hùng, Vũ Văn Chương, Nông Ngọc Mão mới đi tháng trước. Tôi còn nhớ những khuôn mặt đầy vẻ hào hứng, tự tin của tụi nó khi tôi đến chia tay tại cửa phòng hành quân. Vậy mà bây giờ tôi đã mất tụi nó vĩnh viễn rồi. Trong khi chờ đợi lệnh mới, chúng tôi bắt đầu vào một chương trình ôn luyện, chỉ được đi phép mỗi cuối tháng sau khi lãnh lương.
Khoảng giữa năm 1964, tôi nhận được lệnh của Sở đi tuyển mộ và thành lập toán Leaper chỉ có 8 người:
1- Đinh Công Châu (dân tộc Mường) Toán trưởng
2- Bùi Văn Giao (dân tộc Mường) Toán phó
3- Nguyễn Văn Thái (dân tộc Kinh) Truyền tin
4- Nguyễn Văn Tính (dân tộc Kinh)
5- Đinh Viết Nam (dân tộc Thổ,Cao Bằng)
6- Dương Văn Liễu (dân tộc Thổ)
7- Hoàng Văn Dõng (dân tộc Thổ)
8- Hoàng Văn Thế (dân tộc Thổ)
Tháng 10 năm 1964, lệnh trên cho toán Leaper lên đường trước với lời giải thích là tôi còn có công tác nên toán Bear của chúng tôi sẽ đi sau. Khi toán của Châu lên đường, tôi hàng ngày liên lạc với Ban Chỉ Huy trại để nghe ngóng tin tức. Một tuần sau, tôi nhận được tin buồn, cả toán Leaper đều mất tích! Sở không bắt được liên lạc ngay từ cái đêm thả! Tôi thầm lo, nhưng không dám phổ biến tin này sợ anh em trong toán nản lòng hay hoảng sợ rồi rã ngũ về nhà. Sau này tôi được biết thêm, cả toán bị dân quân du kích đón bắt ngay khi dù còn đang lơ lửng trên không. Giao và Nam bị bắn chết khi cố gắng trốn chạy. Còn lại, tất cả bị bắt sống. (hiện nay, Nguyễn Văn Tính định cư ở Melbourne, Úc Châu, số còn lại định cư tại Mỹ. Vừa qua, tất cả đều đã được Mỹ bồi thường cho mỗi người 40,000 Mỹ Kim.). Một tháng sau, chúng tôi nhận được lệnh cấm trại 100%. Chúng tôi chỉ được quanh quẩn ở khu gọi là “phòng hành quân”. Cho tới lúc đó, toán chúng tôi vẫn có mặt đầy đủ:
1- Tôi, trưởng toán.
2- Linh Văn Đa(dân tộc Thổ, Lạng Sơn)Toán phó
3- Hoàng Anh Tuấn (dân tộc Kinh) Truyền Tin
4- Đàm Văn Liên (dân tộc Tày, Cao Bằng)
5- Vy Văn Sình (dân tộc Tày)
6- Lô Viết San (dân tộc Tày)
7- La Văn Gioỏng (dân tộc Thổ)
8- Sẻ Khìu Sáng (dân tộc Thái Đen, Sơn La)
9- Lò Văn On (dân tộc Thái Đen)
10- Đinh Viết Lợi (dân tộc Mường)
11- Đinh Công Thạch (dân tộc Mường)
12- Bùi Văn Chính (dân tộc Mường)
Ngày 11/12/1964 (khoảng cuối tháng 10 âm lịch), lúc 4 giờ sáng, chúng tôi ra phi trường Long Thành cùng với vũ khí, quân trang quân dụng, lên một phi cơ Caribou đen thùi lũi để bay đi Nha Trang. Ở đây, chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi tới chiều. 7 giờ tối, chúng tôi lên máy bay hướng thẳng Thái Lan, có đại úy Dũng, sĩ quan liên lạc bên cạnh cố vấn Mỹ đi theo. Chúng tôi đáp xuống phi trường U Ta Pao, và được chuyển sang một chiếc DC6B không sơn phù hiệu gì cả. Phi hành đoàn toàn là người Mỹ. Đại úy Dũng lên máy bay, nói vắn tắt kế hoạch OP34A mà chúng tôi phải thi hành. Ngoài nhiệm vụ chính là kiểm soát, thâu lượm tin tức trên trục lộ 20 Tây Bắc giáp biên giới Lào-Việt, chúng tôi còn có nhiệm vụ “nằm vùng” tại quê nhà của mỗi người. Tuấn có nhiệm vụ nối liên lạc với anh em trên trục lộ Bắc Ninh-Bắc Giang ngược lên đến Chũ. Đa về vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Riêng tôi, phải tìm mọi cách kết nối các đơn vị nằm vùng rải từ Hà Nội đến Thanh Hóa. Lệnh này chỉ được phổ biến mật cho từng người vào giờ phút chót khi máy bay sắp cất cánh. Sau đó, đại úy Dũng bắt tay từng người và chúc chúng tôi thành công.
11 giờ 10 đêm hôm đó, máy bay chở chúng tôi thẳng về hướng Tây Bắc của tổ quốc Việt Nam. Mục tiêu hay điểm đáp của chúng tôi là Công Trường 40 (chuyên nuôi bò) ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chỉ cách biên giới Lào có 17 km. Dân vùng này đa số là người dân tộc Thái Đen. 1 giờ 15 sáng, máy bay hạ thấp dần, và chúng tôi được lệnh chuẩn bị.Đêm nay cuối tháng, không trăng sao. Đứng ở cửa máy bay, tôi chỉ thấy một mầu đen bao la. Tôi được biết khi đến không phận Lào-Việt Nam,máy bay phải bay rất cao để tránh Rada và các đài quan sát của địch, chỉ hạ thấp khi đến gần mục tiêu. Nếu nhận được ám hiệu, chúng tôi phải nhẩy ngay, nếu không, máy bay sẽ bay thẳng và trở về chờ chuyến khác. Tôi quay nhìn về phía sau để kiểm soát lần chót toán của mình. Bỗng đèn xanh bật sáng, không nghĩ ngợi, tôi lao mình vào khỏang không gian mờ mịt.
Khi dù bật mở, tôi nhìn xuống và nhận ra ngay mục tiêu ở phía dưới xa, chênh chếch bên trái tôi do ngọn lửa được đốt theo hình chữ “T” như đã được quy định. Tôi là người nhẩy đầu tiên, nên hơi xa mục tiêu. Những dù phía sau thả gần mục tiêu hơn. Thay vì lái dù theo hướng mục tiêu ngay, nhưng vốn tính thận trọng, tôi để dù rơi tự do, định khoảng nửa chừng sẽ điều chỉnh hướng cũng không muộn để tôi có thời giờ quan sát động tĩnh ở bên dưới. Được nửa chừng, sau khi quan sát thấy những bóng dù lơ lửng trên chữ “T” đang hạ dần xuống nhưng khu vực vẫn yên tĩnh, tôi chuẩn bị lái dù hướng về mục tiêu. Tôi mới nắm hai sợi dây điều khiển, bỗng nhiều tràng súng nổ ròn rã. Do ánh lửa hắt lên không trung, tôi thấy rõ ba anh bị trúng đạn khi dù chỉ còn cách mặt đất chừng vài chục mét. Từ phía chữ “T” hai bóng dù khạc đạn bắn trả, mà sau này tôi biết được là của toán phó Đa và Đàm Văn Liên, một cựu quân nhân kỳ cưu từ thời còn quân đội Liên Hiệp Pháp. Nguy rồi! Chúng tôi đã bị địch phục kích, được địch chờ đón ngay tại mục tiêu! Tôi lái vội dù vào mé rừng. Một loạt đạn cầy trước mặt tôi khi chân vừa chạm đất. Tôi ôm súng lăn vào bụi rậm. Một cánh dù hạ xuống cách tôi khoảng trăm mét. Tôi thấy hình dáng quen thuộc của Tuấn truyền tin, vội thét “Tuấn, tao đây”. Tuấn ôm súng lao về phía tôi, không kịp kéo theo máy truyền tin vì địch đang bắn xối xả về phía nó. Chúng tôi chạy ngược hướng chữ “T” lên một sườn núi cây cối rậm rạp. Lên được sườn núi rồi, chúng tôi mới an tâm vì núi đá nhấp nhô tạo nên những chướng ngại vật che chở chúng tôi. Tôi và Tuấn nấp sau một mô đá lớn chằng chịt những lá “han” (một loại lá khi chạm vào gây ngứa ngáy vô cùng) nhìn xuống mục tiêu. Bọn du kích lô nhô trong ánh lửa bập bùng hình như đã bao vây khắp cả vùng. Những người còn sống sót đều bị bắt và tập trung vào giữa. Một toán du kích đang lao về phía chúng tôi. Tôi và Tuấn lùi dần về phía đỉnh núi, ẩn trong một cái hang thiên nhiên. Hang tuy không sâu lắm, nhưng khá kín đáo vì dây leo và cây cỏ xen lẫn với lá “han” che kín khắp cả. Chúng tôi ai nấy đều mệt lả người. Tất cả mọi thứ đều bị mất hết, kể cả bản đồ, địa bàn, máy thu phát tín hiệu. Chúng tôi chỉ còn giữ được cây súng và vài ba băng đạn cùng cây dao đi rừng và một bi-đông nước. Tôi bàn với Tuấn đợi trời sáng, mặt trời mọc để định hướng rồi sẽ lần theo hướng Tây để đi về biên giới Lào. Tôi biết rằng điểm đáp của chúng tôi chỉ cách biên giới Lào có 17 km. Chúng tôi nhất định phải thoát sang Lào, dù bên đó chúng tôi có lọt vào Cánh Đồng Chum, căn cứ của bọn Pathet Lào nhưng cũng còn hơn là lẩn quẩn ở đây chờ tụi du kích đến bắt. Trong tình hình này, theo tôi, có thể bộ đội Bắc Việt cũng đã được điều động đến đây để bao vây chúng tôi.
Hôm đó, chúng tôi lần xuống bên kia chân núi, lọt vào một vùng rừng hoang vu không dấu chân người. Chúng tôi cứ thế luồn lách đi, đi mãi theo hướng Tây. Ngày đi, đêm nghỉ, vì ban đêm chúng tôi không thể định hướng. Qua ngày thứ ba, chúng tôi hết nước( một bi-đông được xử dụng trong ba ngày đã là một kỷ lục đối với chúng tôi rồi!). Bụng đói meo vì chúng tôi đã đánh mất tất cả lương khô ngay từ ngày đầu. Ba ngày nay, chúng tôi chỉ ăn toàn là đọt chuối rừng, thỉnh thoảng vớ được một, hai nải chuối chín cầm hơi. Tới một thung lũng, bất ngờ chúng tôi phát giác ra được một con suối nhỏ, nước chảy róc rách luồn qua những bụi nứa mênh mông chằng chịt. Nhìn Tuấn, môi nứt nẻ cười méo mó, tôi cũng không cầm được nỗi vui mừng muốn kêu lên nhưng kịp hãm lại được. Có thể chúng tôi vẫn còn ở trong lòng địch, phải cẩn thận. Tôi canh chừng để Tuấn xuống múc hai bi-đông nước đầy. Chúng tôi nghỉ lại bên bờ suối một đêm. Hôm sau, chúng tôi thám sát mở rộng, tìm ra được một con đường mòn, có lẽ do những người vào rừng chặt nứa tạo nên. Chúng tôi đoán là có bản làng ở gần đây. Tuấn nói là hồi đêm khi nó canh gác cho tôi ngủ, nó nghe có tiếng gà gáy ở phương nào vọng lại. Tôi không để ý lắm vì nghĩ là đó chỉ là tiếng gà rừng. Nay phát giác ra con đường mòn này, tôi tin chắc là chung quanh phải có bản làng. Đã có bản làng, nhất định phải có vườn tược, nương rẫy. Bây giờ đã chớm Đông, là mùa khoai sắn ở miền Bắc. Tôi bàn với Tuấn, cứ theo hướng con đường mòn mà đi, nhưng tránh xa lề đường để phòng gặp dân đi rừng. Chúng tôi lần mò đi cho tới khi mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu, quả nhiên bắt gặp một nương sắn (khoai mì). Tôi bảo Tuấn nấp trong bụi canh chừng cho tôi vào nhổ sắn. Tôi nhổ được chừng chục gốc, bẻ lấy củ ôm vào rừng. Chúng tôi rút sâu vào rừng khoảng một tiếng đồng hồ thì dừng lại. Hôm đó, chúng tôi được một bữa no căng bụng. Tôi ước tính, có lẽ chúng tôi đã sang tới bên phần đất của Lào, nên chủ quan, nổi lửa để lùi sắn. Sau này tôi mới biết đó là một lầm lỗi tai hại nhất mà chúng tôi sẽ phải nhận lãnh hậu quả ghê gớm sau này.
Qua ngày hôm sau, Tuấn bàn là phải lấy thêm sắn để làm lương thực đi đường, vì kinh nghiệm những ngày qua cho chúng tôi thấy lương thực là vấn đề sinh tử của chúng tôi trên đường đào thoát. Đây cũng là một ý kiến tai hại mà lúc đó tôi không nhận ra. Chúng tôi lần mò tới nương sắn cũ. Lần này, tôi canh gác để Tuấn vào nhổ. Được một lát, tôi nghe một tiếng “rắc” khô khan, có lẽ Tuấn vô ý làm gẫy cây sắn? Tôi chưa kịp nhìn, một tiếng quát vang lên nghe như một tiếng súng nổ ngang đầu:
- Dơ tay lên! Các anh đã bị bắt.
Tôi giật mình nhìn quanh. Bọn du kích không biết từ đâu tới đã vây kín chúng tôi. Không còn lối thoát. Vậy là chúng tôi bị bắt.
Một tên du kích mặt trẻ măng xông tới, tay cầm cây CKC quật túi bụi trên chúng tôi bắt nằm xuống. Bọn chúng lột giầy rồi trói thúc ké chúng tôi lại rồi giaỉ về một bản gần đó. Dân bản phần đông ăn mặc theo lối người Thái vùng Tây Bắc, không biết được thông báo từ hồi nào đã đến đứng đầy ở sân trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã. Chúng tôi bị giải tới giữa sân cờ. Một tên quát “nằm xuống”, tôi chưa kịp phản ứng thì một báng súng AK đã giáng lên người khiến tôi ngã chúi về phía trước kéo Tuấn ngã theo. Bọn chúng bắt chúng tôi quỳ giữa sân. Một tên có vẻ là Xã Đội Trưởng, đội nón cối đeo xà cột bước ra. Hắn nhếch cặp môi thâm xì, cười nham hiểm bầy ra mấy cái răng vàng bựa khói thuốc lào:
- Chúng mày có chạy đàng giời cũng không thoát khỏi lực lượng quân đội nhân dân bách chiến bách thắng của chúng tao!
Sau đó hắn kể tội chúng tôi. Nào là đồ phản quốc, lính đánh thuê, làm gián điệp cho giặc. Dân làng đứng reo hò đả đảo vang trời. Trong tiếng reo hò man rợ đó, tôi nghe những tiếng thét “giết hết chúng nó đi, để làm gì lũ giặc biệt kích đó”, khiến tôi xanh mặt, thầm nghĩ chắc mạng mình tới đây là hết. Rồi những hòn đá, khúc cây tới tấp đổ lên thân mình chúng tôi. Tôi bị một hòn đá ném ngay sau ót, máu chẩy dầm dìa xuống cổ. Tuấn bị một khúc cây ngay trán nằm lăn lộn, máu chẩy đầy hai tay đang ôm lấy mặt.. Cứ tình hình này, có lẽ chúng tôi sẽ bị dân làng hành hạ chết tươi bằng một lối giết người của thời thượng cổ. Tên Xã Đội Trưởng nhìn chúng tôi lăn lộn một hồi rồi mới đưa tay ra cản dân chúng, miệng thét bọn du kích dẫn chúng tôi vào trong trụ sở. Chúng tôi thoát chết, có lẽ tên Xã Đội Trưởng cũng chỉ muốn dằn mặt chúng tôi. Sau này, chúng tôi được biết là sở dĩ chúng tôi bị lộ khi trên đường đào thoát vì có một em bé chăn trâu trên đường về nhà thấy mấy gốc sắn bị nhổ nên khi về mách với cha mẹ. Cha mẹ chúng lên xã trình báo. Ngoài ra cũng có người trong bản trông thấy khói bay lên từ trong rừng không cách xa nương sắn bao nhiêu. Tôi tự giận mình đã quá vụng về và chủ quan, tưởng đã thoát được sang xứ Lào, không ngờ vẫn còn quanh quẩn trong vùng Mộc Châu! Thật uổng công cho chúng tôi đã miệt mài học về những trường hợp xử trí trong mưu sinh thoát hiểm! Giá mà chúng tôi chịu khó nhai sắn sống cầm hơi, giá mà chúng tôi không trở lại nhổ thêm sắn. Giá mà. . .giá mà. . .Tôi lắc đầu xua đuổi những chữ “giá mà” quái ác đó đi. Tên Xã Đội Trưởng còn cho chúng tôi biết thêm là tất cả những toán nhẩy Bắc của chúng tôi từ trước đến nay không có toán nào thoát. Toán nào cũng bị dàn chào ngay tại bãi đáp. Chúng tôi bị bán đứng! Địch đã xâm nhập vào bộ máy chính quyền VNCH của chúng tôi. Theo tên Xã Đội Trưởng, sau khi nhận được tin sẽ có một toán Biệt kích nhẩy xuống Mộc Châu, một trung đoàn bộ đội trên đường đi B (tức vào Nam) đã được lệnh dừng lại ở biên giới Lào để chặn bắt chúng tôi. Tôi ngao ngán thở dài. Chúng tôi là những con vật hy sinh, bị ném vào hỏa ngục một cách lạnh lùng không thương xót. Tuổi trẻ chúng tôi đã bị lợi dụng. Lý tưởng của chúng tôi đã bị bẻ cong. Chúng tôi đang trên đường đi vào Địa Ngục. Người ta thường bảo có mười tầng địa ngục, nhưng theo tôi, đường vào địa ngục cộng sản Bắc Việt còn thăm thẳm và khủng khiếp hơn truyền thuyết về địa ngục của Diêm Vương nhiều!
Chúng tôi được giao cho một đơn vị công an vũ trang, sau đó bị giải về trại tù Thanh Liệt (Hà Đông). Tại đây, tôi gặp lại anh em còn sống sót của toán. Chúng tôi bị kiên giam (mỗi người đều bị cùm chân, xích tay nhốt riêng rẽ trong một căn phòng chật hẹp tối om). Tuy vậy, tôi cũng tìm hiểu được những gì đã xẩy đến cho anh em trong toán. Vy Văn Sình, Lò Văn On, Đinh Công Thạch bị bắn chết tại chỗ, còn lại bị bắt sống ngay tại mục tiêu. Toán phó Đa bị chúng tra tấn dã man để hỏi tin tức về tôi và Tuấn. Không ai trong chúng tôi tiết lộ về công tác và nhiệm vụ thật sự của toán. Đó là một điểm son và là một niềm an ủi cho đến ngày nay.
1967, toàn bộ chúng tôi được chuyển đi giam giữ tại trại tù Phong Quang (Yên Bái). Đây là nơi giam giữ tù hình sự gồm đủ loại đầu trộm đuôi cướp, hãm hiếp, giết người. Nhưng đối với chúng tôi họ rất kính nể. Họ thường tỏ thái độ chống báng chế độ, chán ghét lũ công an,bộ đôi, và luôn tin tưởng VNCH sẽ thắng. Họ thường an ủi chúng tôi “ Các anh cứ yên tâm, chẳng bao lâu nữa quân đội Cộng Hòa sẽ ra đây giải thoát chúng mình” Chính nhờ họ mà chúng tôi lấy lại được niềm tin vào sự tất thắng của chính nghĩa Quốc Gia và cảm thấy tương lai không hẳn là mù mịt.
1970, Chúng tôi được chuyển về giam tại trại Tân Lập (Vĩnh Phú)
Tháng 8 năm 1972, Bất thình lình chúng tôi bị chuyển trại. Sau này nghe loáng thoáng bọn cán binh nói chuyên với nhau là việc chuyển trại để ngăn ngưà việc Mỹ có thể đột kích giải cứu tù binh Mỹ. Tuy trong trại chúng tôi chưa hề thấy có anh Mỹ nào bị nhốt ở đây. Sự kiện này ít ra cũng đã giúp chúng tôi củng cố thêm niềm tin để cố kéo dài kiếp sống nô lệ khổ sai thời thượng cổ.
Đoàn Molotova đưa chúng tôi ngược hướng Bắc đến tỉnh Hà Giang. Chúng tôi được đưa vào trại Quyết Tiến, tục gọi là Cổng Trời. Tôi không biết tại sao người ta lại đặt cái tên Cổng Trời cho trại tù ở mãi đỉnh cao nhất của đất nước này. Có lẽ đây là cái mốc chót của trần gian. Ai đã tới đây thì chỉ có nước là lên trời tức thiên đàng chứ không có ngày về, vì đây là một trại tù khủng khiếp nhất so với tất cả các trại tù mà tôi đã đi qua. Khủng khiếp từ sự hành hạ thể xác, lao động khổ sai, về cái đói kinh niên và nhất là về cái lạnh cắt da vào những tháng cuối năm. Tại đây tôi có nghe kể về nữ sĩ Thụy Ý (nếu tôi nhớ sai tên xin độc giả đính chính dùm) thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị đầy ải ở đây. Bà đã dùng đũa chọc mắt gắp ra đưa cho cán bộ và nói: “tao chỉ cần nhìn chế độ của chúng mày bằng một con mắt thôi”! Ghê gớm thay đởm lược của một người đàn bà! Cũng ở đây, tôi được biết không lực Mỹ đã oanh kích 11 ngày đêm liên tục xuống thành phố Hà Nội, khiến bọn Việt Cộng phải đem một số anh em chúng tôi ra trói vào chân cầu Long Biên để làm áp lực với Mỹ. Tôi rùng mình vì sự dã man, khát máu, không chút tình người của bè lũ cộng sản Bắc Việt.
Ngày 30/4/1975, tôi nhớ rất rõ cái ngày khủng khiếp này! Khi chúng tôi đang tập trung ở sân trại để sửa soạn đi lao động như thường lệ. Chúng tôi ngạc nhiên vì đã quá giờ mà không thấy tên cán bộ quản giáo nào tới phân công. Bỗng nhiên bọn vệ binh ở khu nhà gần cổng túa ra reo hò ầm ĩ, súng trong tay bắn chỉ thiên rầm rầm như pháo tết. Tôi nghe bọn chúng la hét “chúng ta thắng rồi! Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng”! Nhiều tên ôm nhau khóc như cha chết. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Lát sau, tên quản giáo chạy tới, mặt mày hớn hở.
- “Hôm nay các anh được nghỉ lao động. Quân Đội Nhân Dân đã chiếm được dinh Tổng Thống ngụy quyền Sài Gòn. Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Các anh về láng sinh hoạt. Chúng tôi sẽ cho các anh liên hoan để mừng ngày đại thắng của quân dân ta. Mỹ đã cút, ngụy đã nhào. Chủ tịch HCM muôn năm, Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm. Các anh hô to cùng tôi. Giải tán”
Tôi đứng dậy như người mất hồn. Tuấn nhào tới ôm lấy tôi khóc nức nở. Tôi cũng bật khóc trên vai nó như một đứa trẻ. Thế là hết! Bao nhiêu năm tháng tù đầy khổ sai như một tên nô lệ thời thượng cổ ở cái địa ngục khủng khiếp nhất trần gian này, chúng tôi vẫn cố gắng sống vì tin vào sự chiến thắng cuối cùng của chính thể VNCH, của chính nghĩa Quốc gia. Tất cả bây giờ đều sụp đổ tan tành. Chúng tôi loạng choạng đi về láng như những bóng ma không hồn trong một cõi âm ti thăm thẳm tanh nồng của loài quỷ dữ.
Tháng giêng 1979, Tôi và một số anh em phải chia tay. Không biết các anh em khác bị chuyển đi trại nào. Riêng tôi bị đưa về trại 5 Lam Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tại đây tôi gặp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Tôi nghe nói đại úy Phan Nhật Nam cũng bị giam tại đây nhưng tôi không được gặp vì ông bị biệt giam.
1980, Tôi lại bị chuyển đến trại Thanh Phong, thuộc địa phận Thanh Hóa. Tôi ở trại này hơn 4 năm. Tháng 9/1984, nhân ngày Quốc Khánh của Việt Cộng, tôi nhận được lệnh tha.
Hai mươi năm thoi thóp trong địa ngục, một loại địa ngục khủng khiếp có một không hai của nhân loại, tôi sống sót trở về trên một chuyến tầu xuôi Nam. Hạnh phúc được gặp lại vợ con như vất vưởng xa vời không hề ăn nhập vào thân xác tôi. Tôi có còn là một con người không? Tôi có còn là tôi không? Vợ con tôi chắc gì còn hiện hữu hay chấp nhận tôi như một người thân thương khi chứng kiến một bóng ma lê lết trở về từ cõi âm ti rùng rợn? Tầu lửa xập xình trôi, trôi mãi như đưa tâm hồn tôi lịm dần trở về cõi u mê nào đó của hai mươi năm về trước.
Melbourne vào ngày cuối năm ....
No comments:
Post a Comment