Kỷ niệm 35 năm người Việt tị nạn tại hải ngoại. Kính tưởng niệm tất cả vong linh đồng bào Việt Nam đã tử nạn trên biển Đông hay nơi rừng sâu trong cuộc Hành Trình Tìm Tự Do từ sau tháng 4 năm 1975
Lời Nói Đầu
Thời điểm 30 tháng 4 / 1975, kết thúc một cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, “huynh đệ tương tàn”, nhưng để lại bắt đầu một cuộc chiến khác, dai dẳng hơn, trong mấy mươi năm qua, giữa những người dân Việt yêu nước và lý tưởng dân chủ, tự do đối đầu với sự chuyên chế, phi nhân, ngu muội của bạo quyền cộng sản Việt Nam đang làm chủ nhân ông một nước Việt đã liền lạc về một mối từ Bắc đến Nam.
Đã hàng triệu người dân Việt bỏ nước ra đi để mưu tìm một đời sống mới có được sinh khí của ánh sáng tự do, dân chủ và phồn vinh. Đã có bao lớp người Việt vong thân trong lòng biển mặn ngàn khơi hay nơi rừng sâu, nước độc trong hành trình tìm tự do. Trong bao đớn đau hiểm nghèo, may mắn ngày nay đã có hơn ba triệu người Việt tị nạn đang được sống an bình tại nhiều quốc gia văn minh, tiên tiến tại hải ngoại.
Trong dòng đời viễn xứ trăm bờ bến lạ, người Việt lưu vong đã với sức cần lao nhẫn nại mưu sinh, vươn cao lên trong xã hội xứ người và lòng vẫn hoài trông về đất Mẹ. Trong hạnh phúc sự nghiệp cuộc đời và tình yêu đôi lứa vuông tròn, người Việt hải ngoại vẫn hằng mong có được một ngày “Chắp đôi cánh tin yêu, hy vọng bay cao, trở về quê hương có dòng sông tuổi thơ êm đềm, dựng lại mái nhà Việt Nam xiêu vẹo, bên đàn trẻ nhỏ, cùng kể chuyện Âu, Cơ, Phù Đổng, dòng Lạc Việt kiêu hùng”. Với khát vọng đó, người Việt hải ngoại đã quần tụ lại thành nhiều cộng đồng vững mạnh để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thành lập nhiều hội đoàn, đảng phái, mưu tìm một con đường ánh sáng mới cho một ngày về xây dựng một quê hương không cộng sản. Mỗi năm, đến ngày 30 tháng 4, người Việt ở khắp nơi trên thế giới thường tổ chức ngày Quốc Hận, tưởng niệm các chiến sĩ “vị quốc vong thân” và vong linh những đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biên, kể cho con cháu nghe những chuyện kinh hoàng trong tháng tư đen tại miền Nam, hay những hiểm nguy trong hành trình viễn xứ tìm tự do. Có rất nhiều người đã viết thành truyện, in thành sách, thuật lại những hãi hùng của riêng mỗi người gặp phải trên biển khơi, rừng thẳm trước khi đến được bến bờ tự do, hoặc kể về những lao đao, khốn khổ khi ở trong trại tị nạn chờ ngày được đi định cư. Mỗi câu chuyện là một cảnh đời trắc trở, gian truân gây nhiều xúc cảm; là những kinh nghiệm sống rất quý báu và đáng trân trọng.
Tôi đã được sống đời an lành tại Hoa Kỳ 28 năm qua. Mỗi năm, tôi vẫn thường làm một người thầm lặng tham dự lễ kỷ niệm tháng tư đen, và nghe, đọc chuyện đời vượt biên của nhiều người. Đến nay, năm 2010, người Việt tị nạn hải ngoại kỷ niệm 35 năm đời lưu vong. Con số 35 năm, ghi dấu một thời gian dài đằng đẵng, tự nhiên tôi thấy có nhiều cảm xúc và sự hứng thú để viết lên chuyện của mình. Chuyện kể chia thành hai truyện khác nhau.: 1 / Khát Vọng Tự Do. 2 / Hành Trình Viễn Xứ. Nhưng nội dung hai truyện có sự nối tiếp, liên kết những chi tiết sống thực từ ngày 28 / 4 / 1975 đến ngày tôi được đặt chân lên nước Mỹ vào cuối tháng 4 / 1982. Mong rằng truyện của tôi sẽ đem đến ít nhiều kỷ niệm nơi mỗi người đọc như thấy có mình trong đó.
Chút Tình Mong Manh
Diệu có dáng vóc mãnh mai với cái eo nhỏ, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt lá răm, mủi dọc dừa, cái miệng xinh xinh có cặp môi son đỏ mọng cong cớn như một nụ hồng mới chớm nở. Thêm mái tóc dài uốn dợn xỏa xuống bộ ngực vun cao của cô tăng thêm nét đài các, kiêu sa. Sắc đẹp của cô khiến cho nhiều con trai trong xóm chợ Thị Nghè chết mê, chết mệt. Nhưng “bụt’ nhà không thiêng, chẳng có chàng nào lọt vào mắt xanh của cô. Người ta thường nói con gái có mắt lá răm thì đa tình, lãng mạn lắm. Ở tuổi mới 18, cô đã bồ bịch với nhiều thanh niên dân chơi ở nội thành Sài Gòn. Tôi quen Diệu nhờ thường ngày đến chợ ăn cơm tại hàng cơm của dì Sáu, mẹ cô. Cũng gần một năm rồi. Cô học xong lớp 11 trường Trưng Vương thì nghỉ vì tánh ham chơi theo nếp yêu cuồng sống vội của một số người trẻ trong thời chiến. Khi không đi chơi, cô ra phụ hàng cơm cho dì Sáu. Nhà cô ở gần cầu Thị Nghè. Có nhiều lần, cô đưa tôi về nhà ngồi nghe cô hát. Thích vẻ đẹp của cô và có tình thân với cô như vậy, nhưng tôi không nghĩ là tôi sẽ yêu cô, vì thấy không hợp với cách sống của cô.
Chiều nay, Diệu mặc áo thun trắng ngắn tay bó sát thân mình, và cái quần Jean xanh ống loa bạc màu thắt dây nịch trắng, trông rất trẻ trung, mi-nhon. Chờ tôi ăn cơm xong, Diệu rủ tôi đi ăn chè đậu ở gần chợ. Thấy tôi nhìn cô chăm chăm, cô để ly chè xuống, nở nụ cười tươi, hỏi :
- Sao anh không ăn mà cứ nhìn em mãi thế ?
- Tại Diệu đẹp quá, không nhìn không được.
- Nhìn gần năm nay rồi chưa chán sao ?
- Có ai chán cái đẹp bao giờ. Nhất là ngưòi đẹp như em, Tây Thi tái thế cũng không bằng.
Diệu phá lên cười ha hả :
- Anh đang tán em đó phải không ?
Tôi cười cười :
- Được em cho ăn chè thì cũng phải biết nịnh em chớ.
- Anh thích em như vậy sao nhiều lần em rủ anh đi chơi mà anh không đi ?
- Thì đang đi ăn chè với em nè.
- Xời ! Ở đây, xóm nhà. Đi chơi là đi vô nội thành xem ciné hay bát phố Lê Lợi mua sắm, uống cà phê, nghe nhạc kìa.
- Anh sợ bị quánh.
Diệu nhăn mặt :
- Anh đàn ông, con trai gì mà nhát vậy ! Mà anh sợ ai quánh ?
- Thì mấy bạn trai của em chớ ai.
Diệu hứ lên một tiếng rồi nói :
- Anh đừng lo. Mấy tên đó ngán em lắm. Em bảo gì làm đó. Với lại, đi chơi lung tung với họ nhưng em chẳng thấy yêu tên nào cả.
- Vậy người em thật sự yêu là ai, cho biết được không ?
Diệu mỉm cười :
- Bí mật. Không thèm nói với anh. Rồi với nét tư lự thoáng hiện lên trên khuôn mặt xinh đẹp, Diệu nói tiếp : - Em thích nếp sống hiện sinh vì thấy chiến tranh trên quê hương mình kéo dài quá, chẳng biết ngày mai mình còn sống hay chết, nên chơi cho đã, tới đâu thì tới. Như vậy thấy vui hơn. Chứ ai cụ non như anh vậy.
Tôi triết lý :
- Hiện sinh không phải là sống bất cần đời đâu. Thuyết hiện sinh đúng nghĩa của nó là sống lạc quan, vui vẻ, hưởng thụ hạnh phúc với những gì khả năng mình có được trong hiện tại, cùng lúc biết lo nghĩ cho tương lai được thăng tiến hơn. Chứ hiện sinh không có nghĩa là sống đua đòi, buông thả không biết ngày mai.
Diệu lại nhăn mặt :
- Anh giảng đạo đó hở. Thôi, mình đi dạo một vòng đi anh.
Chúng tôi rời xe chè, sóng đôi nhau đi dọc theo đường Hùng Vương. Đi được một lát, thấy tôi vẫn im lặng, Diệu gợi chuyện :
- Hôm nay em muốn anh được vui chút khi đi chơi với em, để nguôi ngoai nỗi đau vừa mất đi người em trai tuần trước. Em anh tên gì và sao mới 17 tuổi lại đi lính vậy ?
Tôi xúc động trả lời Diệu :
- Cảm ơn em quan tâm đến chuyện buồn của anh. Em anh tên Hỷ. Nó nói thích đời lính phong sương và oai hùng, nên tình nguyện gia nhập lính Biệt động quân cả năm qua. Không ngờ chiến tranh sắp tàn nó lại hy sinh !
- Anh có mấy anh chị em ?
- Anh có năm anh chị em. Hai người anh và một người em trai đã hy sinh vì đất nước. Riêng thằng út chết vì bệnh năm nó hai tuổi. Còn người chị tên Mùi, lấy chồng là lính Biệt kích Mỹ, có hai con trai. Đơn vị anh rễ bị chuyển qua Campuchia từ năm 1970. Hai tuần nay, cộng sản Khmer Đỏ đã chiếm được Nam Vang. Anh rất lo, không biết chị Mùi và gia đình bây giờ sống chết ra sao nữa.
- Chuyện đời anh nghe não nùng quá. Em chia buồn với anh. Sau câu nói an ủi, Diệu chợt nhìn qua tôi bằng ánh mắt long lanh, ẩn chứa cái vẻ gì rất tha thiết, rồi nói tiếp : - Anh nắm tay em đi. Em muốn mình giống như cặp tình nhân đi hóng mát. Có thể đây là lần cuối mình gần nhau.
Tôi lưỡng lự một chút rồi mới nắm bàn tay Diệu. Đã hai mươi mốt tuổi, lần đầu tiên tôi mới nắm tay con gái, nhất là con gái đẹp như Diệu. Bàn tay cô mềm mại, mịn màng truyền vào người tôi cái cảm giác xao xuyến, lâng lâng một niềm vui khó tả. Tôi nhìn lại cô, thấy cô đang nở nụ cười rất tươi, có vẻ cũng vui lắm khi tôi nắm tay cô. Tôi hỏi :
- Sao em nói lần cuối mình gần nhau ?
- Hôm nay, Việt cộng đã đến cửa ngõ Sài Gòn. Nước mình sắp mất rồi. Anh không biết sao ?
- Có. Một khách hàng nhà in nói mấy hôm trước Việt cộng pháo nhiều hỏa tiển vào Sài Gòn làm đổ sập nhiều khu nhà, dân chết và bị thương gần trăm người. Người khách khác nói hôm nay, tướng Minh được ông Trần văn Hương trao cho chức Tổng thống thì Việt cộng cũng đã tiến vào gần Chợ Lớn, rồi Bà Quẹo, vành đai Bộ tổng tham mưu, và gần với chổ mình đang đi chơi nè.
- Ở đâu anh ?
- Ở bên kia cầu Sài Gòn. Nên mình đừng đi xa quá, rủi có đánh nhau ở cầu Sài Gòn là chạy không kịp.
- Có anh đỡ đạn cho em mà sợ gì. Diệu cười khúc khích sau câu nói. Nhưng sau khi dứt cười thì cô lại nói với giọng buồn buồn: - Vậy là hết cứu nổi !. Việt cộng sẽ vào Sài Gòn nay mai. Bố em đã một lần từ Bắc chạy vào Nam trốn họa cộng sản. Bố nói Việt cộng nó độc tài, gian xảo và tàn bạo lắm. Bố mẹ em tính sẽ rời Việt Nam vài ngày tới để có được đời sống tự do. Nếu đi lọt thì gia đình em sẽ đến Mỹ hay Úc. Vì vậy mà em nói là lần cuối đi chơi với anh.
- Nghe em nói hai chữ lần cuối sao anh thấy buồn quá.
Diệu khẻ bóp nhẹ tay tôi :
- Anh không còn người thân, hay là anh đi theo gia đình em nhé ?
- Anh cũng chưa biết nữa. Để từ từ xem tình hình ra sao. Bây giờ quay trở lại nhà đi em. Anh Hải Vân chắc đang trông anh lắm.
Trên đường về, Diệu hỏi :
- Anh Quý. Anh đã từng yêu cô nào chưa ?
Tôi cười xòa :
- Anh chưa biết thế nào là yêu. Với lại có quen cô nào đâu để mà yêu.
- Xời ! Anh biết làm thơ, viết truyện, lại là họa sĩ nữa, thiếu gì cô thương anh.
- Anh không phải họa sĩ. Anh chỉ là thợ vẽ học nghề sư phụ Hải Vân. Còn văn, thơ chỉ tập tễnh viết vài bài, có ra gì đâu. Anh mới học lớp 11. Em không biết sao ?
- Vậy sao anh được làm trưởng bút nhóm Hương Hồng ? Hai phó nhóm lại là sinh viên Văn khoa, Luật khoa năm thứ hai.
- Nhờ anh là người đứng ra vận động sáng lập nhóm. Cả 36 nhóm viên đều do anh liên lạc đưa họ vào nhóm. Nên họ cảm tình bầu anh làm trưởng nhóm thôi.
- Em vào sinh hoạt với nhóm anh một lần là thấy chán. Toàn hát hò chơi trò con nít gì đâu không.
Tôi bật cười :
- Vui chơi lành mạnh của học sinh, sinh viên mà. Làm sao hợp với tính cách dân chơi hiện sinh thứ thiệt của em.
Diệu hứ một tiếng :
- Nói xỏ, nói xiên gì đây ? Em giận, nghỉ chơi với anh bây giờ.
Tôi cười ha hả :
- Cho anh xin can. Không có Diệu cười nói ở bên anh, mặt trời sẽ nguội lạnh; trái đất sẽ ngừng quay; biển, hồ khô cạn; và anh sẽ là thân cây mục nát gục chết ở ven đường !
Diệu cũng bật cười :
- Anh xuất khẩu thành thơ mấy câu nghe cũng ngộ, vui vui. Em hết giận rồi. Tha anh đó.
Đến gần xóm chợ, Diệu lại thắc mắc :
- Anh Quý nè. Em thấy trong bút nhóm anh có nhiều cô nữ sinh đẹp lắm mà. Sao anh không yêu cô nào đi.
Tôi im lặng một lúc rồi tâm sự thật lòng :
- Những cô nhóm viên đó đều là con nhà giàu. Vui chơi thân thiện trong nhóm với tánh cách anh em, bạn bè trong sáng thì được. Chứ anh không dám nghĩ đến chuyện yêu cô nào, vì anh… mặc cảm là con mồ côi, nhà nghèo.
Diệu lặng thinh không nói nữa, nhưng bàn tay cô lại khẻ bóp nhẹ tay tôi. Đưa Diệu về đến sân nhà cô thì tôi thả tay cô ra, dù lòng vẫn muốn được nắm mãi bàn tay mềm dịu của cô. Bổng nhiên, cô quàng hai cánh tay trắng nõn nà quanh cổ tôi, đặt lên môi tôi một nụ hôn…rồi vụt chạy vào nhà. Trời đất ! Cũng lần đầu tiên tôi được con gái ôm và hôn môi như vậy. Nụ hôn đầu đời của tôi với con gái không do tôi chủ động. Mùi vị nụ hôn thật ngọt ngào, êm ái, thêm hương thơm con gái từ người Diệu tỏa ra khi cô ôm tôi, làm cả người tôi ngây ngất, rạo rực. Tôi đứng ngẩn tò te một hồi lâu mới quay bước. Trên đường về nhà in, hương vị nụ hôn của Diệu vẫn còn vương vấn trên môi tôi, chếnh choáng hồn tôi.
Bỏ Lỡ Cơ Hội
Anh Vân đang ngồi ở ghế dài trước cửa vừa thấy tôi thì quở :
- Mày đi đâu cả buổi chiều ? Tao chờ mày hoài sốt ruột quá.!
- Em xin lỗi anh. Tại nhỏ Diệu rủ em đi chơi vòng vòng hóng gió.
- Mày với nó sao rồi ?
- Dạ… cũng thường thôi.
- Mấy lần nó đến đây thăm mày, tao thấy nó có vẻ dân chơi bạt mạng quá. Mày dính nó thì khổ cả đời.
- Dạ…em hiểu. Em xem Diệu như bạn thân thôi chứ không có gì. Nói rồi, tôi lãng qua chuyện khác, hỏi anh : - Anh Vân. Liệu Tổng thống Minh có xoay chuyển được tình thế không anh ?
Anh Vân lắc đầu :
- Hết rồi ! Quân cộng đang bao vây Sài Gòn. Một, hai ngày nữa là tụi nó vô luôn dinh Độc lập. Bây giờ nhà in họ đóng cửa luôn. Mày không ăn ngủ ở đây được nữa. Về lại nhà Khánh Hội ở. Tao đã lấy túi xách quần áo của mày ra sẵn đây rồi.
- Dạ. Nhưng em xin anh cho em về cư xá sĩ quan Cửu Long thăm anh chị Hồ Đấu vài ngày, xem tình hình ảnh chỉ ra sao. Rồi em sẽ về nhà Khánh Hội.
- Cũng được. Vậy tao về.
- Dạ.
Anh Vân là họa sĩ nổi tiếng trong nhóm hoạ sĩ CVD, gồm Kha Thùy Châu, Hải Vân và Lê Đằng. Anh đã nuôi dưỡng và dạy nghề vẽ cho tôi ba năm nay. Có rất nhiều kỷ niệm vui giữa anh và tôi. Anh có tính thích nói chuyện tếu lâm chọc cười em út. Những ngày, những đêm thức trắng phụ anh vẽ quảng cáo cho các đoàn cải lương và vẽ cảnh cho các show ca nhạc truyền hình, tôi thấy vui lắm. Tôi còn được theo anh giúp việc trang trí cho các phim của nữ nghệ sĩ Kim Cương. Kỷ niệm vui nhất là lần cùng với anh chị Vân và ban kịch của nhà báo Tuyết Sĩ đi Đà Lạt trình diễn vở kịch “Những người không chịu chết” của kịch tác gia Vũ khắc Khoan, tại trường Đại học Chính trị kinh doanh, do nữ nghệ sĩ Thanh Lan thủ vai chính. Anh Vân và tôi phụ trách cảnh trí và ánh sáng. Lần đầu tiên tôi mới biết Đà Lạt đẹp thế nào. Ở dọc hai bên những con đường đi lên các đồi thông đều có hoa Dã quỳ nở rộ một màu vàng tươi thắm. Trời lập thu se se lạnh. Gió thổi vi vu; thông reo vi vút; chim hót líu lo. Xa xa là rừng xanh trùng điệp, đồi núi chập chùng, sương mù lãng đãng. Phong cảnh nên thơ, đẹp tuyệt vời. Anh Vân chụp cho tôi rất nhiều hình làm kỷ niệm. Một tuần ở Đà Lạt là thời gian đẹp nhất tôi không bao giờ quên.
Chờ anh Vân rồ ga chiếc xe Vespa vọt đi, tôi mới chầm chậm dắt xe đạp rời khỏi nhà in với chút lưu luyến. Nơi đây đã là chổ ăn ở, làm việc của tôi hơn một năm qua. Ra tới đường lộ, tôi đạp xe chạy vù vù chỉ hai mươi phút sau về đến cư xá Cửu Long. Vào nhà, thấy anh chị Đấu ngồi ở phòng khách với vẻ buồn trên khuôn mặt, hiểu được sự ưu tư của anh chị, tôi khẻ nói :
- Anh. Chị. Em lo cho anh chị nên về thăm anh chị vài ngày.
Giọng anh Đấu rầu rầu :
- Ừ. Có em về chơi đỡ buồn. Tắm rửa gì đi em.
Chị Hương hỏi :
- Anh Hải Vân cho về hả. Ăn uống gì chưa ?
- Dạ. Em mới ăn cơm ở chợ. Mấy cháu đâu rồi chị ?
- Tụi nó đang ở trên gác. Mày lên chơi với tụi nó đi.
Tôi dạ rồi leo lên gác ngay. Tôi biết anh chị đang cần yên tịnh vì nhiều nỗi lo lắng. Chị Cúc Hương là con của má nuôi tôi hồi tôi còn nhỏ ở Phan Rang. Tôi thương chị như chị ruột. Anh Hồ Đấu, chồng chị Hương, là thiếu tá phục vụ tại Bộ tư lệnh Hải quân ở bến Bạch Đằng
Trưa hôm sau, 29 tháng 4, vào giờ ăn cơm, anh Đấu cho biết, sáng sớm này Việt cộng đã bắn nhiều hỏa tiển và đạn pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều phi cơ và gây cho đám dân tụ tập nơi đó chờ di tản rơi vào hổn loạn và bị thương nhiều người. Hiện giờ, Việt cộng đã vào tới khu Lăng Cha Cả, tuy có gặp sự kháng cự của quân ta, bị ta bắn cháy vài xe tăng T54, nhưng chẳng thắm gì với chúng. Cùng lúc, có nhiều cánh quân của Việt cộng từ nhiều hướng áp sát quanh thành phố. Nhiều người báo tin, tòa đại sứ Mỹ sẽ tổ chức di tản tất cả người Mỹ và những người làm việc cho Mỹ ngay trong ngày hôm nay. Tình thế đã tuyệt vọng.
Ăn trưa xong, tôi đi vòng vòng trong cư xá. Nhiều người thân của các sĩ quan tụ tập bàn tán thời sự. Họ nói có tin đồn Việt cộng đã chuẩn bị hàng vạn đạn pháo, hỏa tiển và sẽ rót vô thành phố Sài Gòn vào sáng sớm 30 tháng 4. Sài Gòn sẽ đổ nát, tan hoang, tử vong vô số. Lòng tôi lo lo. Người dân có tội gì phải chịu cảnh bi đát như thế ?! Đến xế chiều, tiếng trực thăng di tản người vần vũ trên bầu trời gần cư xá Cửu Long. Tôi ra giữa sân nhìn từng chiếc trực thăng bốc người từ hướng tòa đại sứ Mỹ bay ngang qua Bộ tư lệnh Hải quân rồi bay ra biển. Đồng thời, trực thăng từ biển bay đến tòa đại sứ. Xem mãi đến tối, vẫn cứ trực thăng bay ra, bay vào liên tục, chẳng biết bao giờ mới dứt, tôi vào nhà. Nhiều sĩ quan Hải quân trong cư xá Cửu Long dẫn gia quyến tay kéo va li, vai mang túi xách lũ lượt đi qua cầu để đến Bộ tư lệnh Hải quân ở bến Bạch Đằng. Bấy giờ khoảng 9 giờ tối. Tôi hỏi anh Đấu :
- Bộ tư lệnh Hải quân cho di tản hở anh ?
Anh Đấu lại rầu rầu trả lời :
- Chẳng Bộ tư lệnh nào cho phép cả. Nhưng có nhiều tướng, tá chỉ huy các quân binh chủng giờ này đã chạy tuốt ra hàng không mẫu hạm Mỹ ở ngoài khơi rồi. Khuya nay, vài tàu từ Bộ tư lệnh Hải quân sẽ nhổ neo vượt biển. Những người này qua đó để đi theo tàu.
- Sao anh chị không đi di tản ?
Anh Đấu nghiêm nét mặt :
- Quân đội chưa thật sự tan hàng. Ai đi thì đi, anh không đi. Anh có danh dự của một sĩ quan, không thể đào ngũ.
Chị Hương thì nói :
- Má chị và má anh Đấu còn ở Phan Rang. Anh chị đâu thể bỏ người thân mà ra đi. À, Quý, mày nên đi. Mày không còn ai thân thích nữa, ở lại làm gì ?
Anh Đấu cũng đốc vào :
- Phải đó, Quý. Em nên đi đi. Qua Mỹ có tương lai hơn. Ở lại với đám Việt cộng gian ác này thì cuộc đời em sẽ đen thui.
Tôi phân vân :
- Em chưa biết sao nữa. Để em suy nghĩ chút.
Tôi ra ngồi chồm hỗm ở hiên nhà. Nhiều loạt đạn nổ tạch tạch liên hồi ở bên kia sông Bạch Đằng. Không biết của Việt cộng hay quân mình bắn. Nhiều người trong cư xá vẫn lũ lượt đi qua cầu. Tôi nhớ lại thời ở trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi, tỉnh Tây Ninh, tôi thích được đi Mỹ khi có trung úy Bonny xin tôi làm con nuôi anh ổng ở Mỹ. Tiếc là chị Mùi không cho đi. Bây giờ, dịp may trước mắt, sao có thể không đi ?. Nghĩ tới, nghĩ lui một hồi, tôi vào nhà nói với anh chị Đấu :
- Thấy người ta đi nhiều quá, em nôn nao. Thôi thì em cũng đi.
Chị Hương nói ngay :
- Vậy vào trong lấy cơm ăn một bụng cho no, rồi đi.
Tôi dạ và đi vào bếp lục cơm, ăn vội vàng một chén. Trở ra phòng khách, thấy anh chị Đấu vẫn ngồi trầm lặng, không ai nói chuyện với ai. Cả mấy cháu nhỏ cũng ngồi im thin thít trước nỗi buồn của cha mẹ. Tôi ngồi xuống bên anh chị, lòng bịn rịn. Chị Hương hối :
- Đi lẹ đi mày. Chần chờ gì nữa.
- Đi đi Quý. Kẻo hụt chuyến tàu bây giờ. Anh Đấu vừa nói vừa vỗ vỗ tay lên vai tôi. Anh nói tiếp : - Qua Mỹ được rồi thì viết thư về cho má với chị Hương theo địa chỉ ở Phan Rang, chứ cái nhà này chắc không còn nữa. Thôi, đi lẹ đi em.
Tôi đến ôm các cháu rồi quay lại lí nhí nói với anh chị Đấu :
- Anh chị ở lại giữ gìn sức khỏe, nhiều may mắn.
Anh chị Đấu đứng lên tiễn tôi ra ngoài sân. Mắt tôi cay sè :
- Thưa anh chị, em đi.
Anh chị Đấu cùng nói :
- Em đi bình an.
Tôi dạ, dạ rồi lủi thủi theo đám người di tản đi qua cầu. Trên người tôi không có một hành lý gì mang theo. Đến Bộ tư lệnh Hải quân, một cảnh tượng hổn loạn hiện ra trước mắt tôi ở bến tàu. Cả mấy trăm người đang nhốn nháo tranh nhau lên tàu. Tiếng la hét của nhiều người hối thúc lẫn nhau, cùng những tiếng gọi cha, gọi mẹ, gọi anh, gọi chị, gọi em hòa lẫn với những tiếng khóc thét đau đớn của nhiều con nít bị cha mẹ kéo lê lên tàu, thêm tiếng bình bịch của trực thăng bay ngang, nghe lùng bùng cả hai tai tôi. Những người đi cùng lượt với tôi chạy ào ào nhập vào đám đông, cũng chen chúc, xô đẩy nhau không khoan nhượng. Trên tàu đã đầy người mà dòng người dưới bến vẫn tràn lên, tràn lên. Phía sau tôi có thêm mấy tốp người từ hướng trường Trưng Vương chạy vào bằng xe gắn máy. Vừa đến nơi, sợ hụt chuyến tàu, họ phóng khỏi xe ngay khi máy xe vẫn còn nổ, quăng đi tất cả va li, túi xách cho nhẹ người để chạy thật nhanh vào đám đông đó. Thấy cảnh hoảng loạn vậy, tôi lừng khừng đứng giữa bến tàu, không dứt khoát nên đi hay ở. Một lúc sau, có tiếng tàu hụ từng hồi báo hiệu chuẩn bị rời bến. Phản xạ tự nhiên khiến tôi chạy vù đến phía trước. Khi đã nhập vào đám đông thì tôi cũng giống như mọi người, cố sức nhào tới. Dù bị nhiều người xô qua phải, qua trái, lấn lui, tôi vẫn luồn lách được tới cầu thang tàu. Chỉ vài bước nữa tôi sẽ lên được trên boong tàu. Trong giờ phút quan trọng đó, bổng trong đầu tôi chớp lên những hình ảnh chị Mùi, ba, má, anh em ruột thịt của tôi. Tôi suy nghĩ thật nhanh trong đầu. Ở lại, biết đâu có ngày chị Mùi từ Campuchia về gặp mình. Còn có thể thỉnh thoảng đi thăm mộ ba, má, anh, em. Thêm chuyện tôi đã hứa với anh Hải Vân sẽ về nhà Khánh Hội. Nếu tôi tiếp tục ở với anh Vân, học giỏi nghề vẽ, đời sống chắc sẽ vui lắm. Qua Mỹ một mình, không có người thân, không có nghề nghiệp, biết sống làm sao ? Còn nụ hôn ngọt ngào của Diệu buổi chiều này nữa…Và, quê hương ! Hai tiếng “quê hương” thân yêu trong giờ phút này tự dưng nổi lên trong đầu tôi, len lỏi vào hồn tôi một thứ tình cảm gì thiết tha, êm đềm lắm khiến tôi thấy lưu luyến không thể xa lìa. Hình ảnh người thân và những suy nghĩ mông lung chớp chớp lên trong đầu khiến tôi không màng đến sự chen lấn nữa. Tôi bị đẩy dần ra phía sau. Cuối cùng, tôi tách khỏi đám đông, ra đứng ở xa xa nhìn cảnh mọi người vẫn đang cơn say men húc ngã nhau ở cầu thang để giành một chổ đứng trên tàu. Tôi cứ đứng như trời trồng giữa bến tàu, không biết đã bao lâu. Rồi tiếng tàu hụ kéo dài từng hồi và từ từ rời bến. Vài người rớt xuống sông kêu la thảm thiết. Còn lại mấy chục người không lên tàu được ngồi gục đầu buồn bã. Có vài người nằm lăn ra đất khóc sướt mướt. Họ khóc đã mất đi cái sinh lộ cho khát vọng được sống đời tự do nơi phương trời xa lạ. Riêng tôi, đáng lẽ đã dễ dàng có được cái sinh lộ đó, nhưng tôi lại bỏ lỡ cơ hội ! Nhiều năm sau, tôi vẫn luôn tự trách mình dại dột.
Ngày Tàn Cuộc Chiến
Tôi lại lủi thủi đi về nhà anh chị Hồ Đấu. Trời đã khuya lắm. Trực thăng vẫn bay qua, bay lại ở đằng xa. Tôi gõ cửa. Trong nhà im lìm. Chắc anh chị Đấu đã ngủ. Đứng lặng một hồi, tôi gõ tiếp vài lần nữa thì được chị Hương ra mở cửa. Thấy tôi, chị ngạc nhiên hỏi :
- Ủa ! Sao mày lại về ?
- Dạ…em… gần lên tàu thì hổng biết sao không muốn đi nữa.
Chị Hương nói với giọng gay gắt :
- Trời ! Bao nhiêu người muốn đi mà không được. Còn mày một thân, một mình lại bỏ đi cơ hội. Có phải mày điên không ?
Tôi cười giả lả :
- Dạ…lỡ rồi chị. Tàu đã rời bến.
Chị Hương dịu giọng :
- Thôi, vào ngủ đi.
- Dạ.
Tôi nằm trên ghế dài ở phòng khách, trằn trọc mãi. Tiếng phành phạch của trực thăng bốc người di tản vẫn vang động đều đều trong đêm đen cho đến rạng sáng. Tôi chợp mắt được một chút thì có tiếng nhiều bước chân trong nhà. Anh chị Đấu đã thức. Trời đã sáng tỏ. Cả nhà ăn sáng xong thì nghe trên radio có tiếng Tổng thống Dương văn Minh tuyên bố đơn phương ngừng bắn. Sau đó là tiếng chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh yêu cầu binh sĩ chấp hành lệnh của Tổng thống. Thời khắc đó là 8 giờ rưởi sáng ngày 30 tháng 4. Tôi vội đạp xe chạy ào ào ra Thị Nghè để nghe ngóng tình hình. Nhớ đến nụ hôn dịu ngọt của Diệu chiều hôm qua, tôi ghé thăm cô. Nhà không có ai, cửa khóa bên ngoài. Tôi lại đạp xe dọc theo đường Hùng Vương, ra tới ngả tư Hàng Xanh thì nghe nhiều tiếng súng nổ ở phía cầu Sài Gòn. Đi lần về hướng cầu, đứng từ xa xa, tôi thấy lố nhố quân mình ở trên cầu. Có mấy chiếc xe tăng của bên mình đậu chắn giữa cầu. Nhiều người lính lom khom chạy tới, chạy lui khiêng người bị thương. Tiếng súng nổ tạch tạch liên hồi. Đạn pháo của hai bên nổ ầm ầm vang rền khu vực cầu. Khoảng nửa tiếng sau, quân ta rút lui về Hàng Xanh. Tôi hoảng hốt đạp xe chạy thục mạng về Thị Nghè. Tôi lại đến nhà Diệu. May quá, lần này có Diệu ra mở cửa. Nhìn khuôn mặt Diệu bơ phờ, hốc hác, tóc tai rũ rượi, quần áo trên người nhầu nát, rồi nhìn trong phòng khách có vài va li, túi xách, tôi ngạc nhiên hỏi :
- Diệu. Sao trông em thê thảm vậy ? Gia đình mới đi đâu về ?
Diệu ngồi phịch xuống ghế dài với dáng vẻ mệt mỏi, vừa ngáp vừa nói :
- Gia đình em mới từ tòa đại sứ Mỹ về. Cả bố mẹ và em, suốt đêm đến sáng phải vất vả chen lấn mà không tranh nổi với người khác để vào được tòa đại sứ. Người ta đông quá, xô đẩy mẹ con em té lên, té xuống. Còn mạng mà về lại nhà là may rồi. Em buồn quá.
Tôi ngồi xuống bên Diệu, an ủi :
- Đừng buồn nữa em. Số mạng khiến mình phải sống với cộng sản thì đành chịu vậy. Còn bố và mẹ đâu ?
- Về tới nhà là bố mẹ đi ngủ liền.
- Sao em không ngủ ?
- Thức trắng đêm em mất ngủ luôn. Nhưng chắc nói chuyện với anh chút rồi em cũng đi ngủ. Mà anh đi đâu vậy ?
- Anh chạy vòng vòng xem tình hình, với lại thấy nhớ em nên đến thăm.
Diệu mỉm cười :
- Xạo đi ! Anh mà nhớ em. Nhớ mấy cô ở nhà in thì có.
- Mấy cô đó có chồng hết rồi. Đụng vô là toi mạng. Anh còn ham sống lắm. Tôi cười cười nói đùa với Diệu rồi bắt qua chuyện chiến sự: - Vừa rồi anh ra khu Hàng Xanh thấy lính mình đánh nhau ác liệt với Việt cộng để giữ cầu Sài Gòn. Nhưng lính mình thua, bỏ chạy hết. Bây giờ chắc tụi cộng đang vào Thị Nghè mình đó.
Diệu lo lắng :
- Liêu chúng nó có làm gì nguy hiểm đến bố em không ? Bố em là công chức.
- Anh không biết nữa. Anh có người anh nuôi là thiếu tá Hải quân ở cư xá Cửu Long. Ảnh cũng đang lo lắng cho số phận người chiến bại.
Tôi vừa nói dứt câu thì nghe nhiều tiếng súng nổ liên tục.
Diệu hoảng hốt :
- Có đánh nhau nữa kìa anh. Tụi cộng vào Thị Nghè thật rồi.
Tiếng súng nổ rát hơn. Tôi vội đứng lên, đến cửa sổ, nhìn về phía cầu Thị Nghè. Tôi thấy một số lính mình ở trên cầu đang chỉa súng, nả đạn hàng loạt về phía đường Hùng Vương. Diệu hiếu kỳ cũng đến cửa sổ, đứng dựa vào người tôi, xem trận đánh. Cô thảng thốt kêu lên :
- Trời ơi ! Có mấy người lính trúng đạn kìa anh.
Vừa lúc đó, vài người lính khác bỏ chạy. Ổ kháng cự cuối cùng của quân ta để chặn bước tiến của Việt cộng bị bẻ gãy nhanh chóng. Ngay sau đó, mấy chiếc xe tăng Việt cộng với cờ xanh, đỏ, sao vàng chạy rầm rập qua cầu, tiến vào nội thành Sài Gòn. Lúc đó khoảng 10 giờ rưởi sáng. Diệu gục đầu lên vai tôi, mếu máo :
- Vậy là hết rồi anh !
Tôi dìu Diệu trở lại ghế. Cô nằm dài ra, im lặng nhìn tôi, mắt còn ngấn lệ. Tôi cũng ngồi im lặng nhìn cô. Trong giờ phút này, chẳng có chuyện gì để nói nữa. Chỉ có im lặng nhìn nhau là sự cảm thông tuyệt đối về nỗi buồn mất nước. Khoảng nửa tiếng sau, chợt nhớ đến anh chị Đấu, tôi đứng lên nói với Diệu :
- Thôi, em đi ngủ đi, cho khỏe. Anh phải về xem anh chị Đấu có chuyện gì không.
- Vâng. Em cũng mệt lắm rồi, nằm đây ngủ luôn. Anh đóng cửa lại giùm em.
Rời nhà Diệu, tôi đạp xe một mạch về nhà anh chị Đấu. Thấy anh Đấu đang ngồi buồn thiu một mình ở phòng khách, tôi nói ngay :
- Vừa rồi em tận mắt thấy quân mình đánh nhau với Việt cộng ở cầu Sài Gòn và cầu Thị Nghè. Mình thua rồi anh. Việt cộng đã tiến vào nội thành Sài Gòn.
Anh Đấu thở dài :
- Thế cuộc đã vậy, đành chịu !
Đúng 12 giờ trưa, trên radio vang vang tiếng của ông Dương văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Anh Đấu buồn bã nằm dài ra trên ghế, im lặng. Chị Hương rươm rướm nước mắt. Chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc trưa ngày 30 / 4 / 1975 trong sự tức tưởi, nghẹn ngào của toàn thể quân, dân miền Nam Việt Nam. Vào buổi tối, đài phát thanh Sài Gòn phát bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh công Sơn. Còn đài truyền hình Sài Gòn, suốt từ chiều đến khuya, phát hình liên tục các phim chiến đấu của quân Việt cộng, khoe khoang những thành tích chiến thắng của chúng. Thủ đô Sài Gòn đã thật sự đổi chủ. Ngày 30 / 4 / 1975, thời điểm lịch sử mang dấu ấn khắc ghi sâu đậm nỗi đau thương của một chế độ tự do, nhân bản bị sụp đổ vì sự bỏ rơi của đồng minh Mỹ, để có thêm một nửa lãnh thổ của nước Việt Nam hình cong chữ S phải mang vào cổ cái tròng xiềng xích của cộng sản độc tài, phi nhân, bạo tàn, vong bản..
Khát Vọng Tự Do
Ngày hôm sau, từ sáng đến trưa, nhiều vợ con của các sĩ quan cư xá Cửu Long đi lục lọi các nhà đã bỏ đi di tản. Họ khuân nhiều chiến lợi phẩm như bàn, ghế, đồ đạc lỉnh kỉnh mang về nhà. Có người lấy được xe Honda, xe đạp. Sau khi ăn cơm trưa, tôi từ giã anh chị Đấu để về Khánh Hội. Tôi đạp xe đi qua cầu đến Bộ tư lệnh Hải quân rồi vòng ra đường Cường Để, nơi có trường nam trung học Võ trường Toản và trường nữ trung học Trưng Vương. Giấy trắng đầy khắp đường lộ, bay bay theo từng cơn gió. Nhiều người dân đang đua nhau hôi của ở các văn phòng công, tư sở. Tôi đi tới đài truyền hình ở kế bên trường đại học Văn khoa. Dừng xe lại nhìn vào đài truyền hình, tôi thấy có vài bộ đội Việt cộng canh gác. Nơi đây có nhiều kỷ niệm vui trong ba năm qua khi tôi thường phụ giúp anh Hải Vân trang trí cảnh cho các show ca nhạc lớn của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời đó. Có nhiều chương trình ca nhạc nhỏ, anh Vân giao cho một mình tôi thực hiện cảnh trí. Tôi thở dài. Những ngày vui nơi đây sẽ không còn nữa ! Chợt nhớ đến Diệu, tôi đạp xe về hướng Thị Nghè. Vẫn là cảnh nhiều người dân đang hôi của và giấy trắng ngập đường bay bay trong gió. Qua khỏi cầu, tôi rợn mình khi thấy ở giữa đường có mấy xác lính nát bét vì bị xe tăng Việt cộng cán. Chưa có ai dọn xác giùm. Nhiều giày, vớ, quần, áo rằn ri của lính mình cởi bỏ, vương vãi cùng khắp trên đường Hùng Vương ra tới ngả tư Hàng Xanh. Tôi xót xa khi nhìn thấy những chứng tích đó của phía bại vong !. Cuộc chiến tranh nào cũng có lúc kết thúc. Nhưng kết thúc trong sự bại vong về phía mình thì bi thảm quá ! Đành phải cam chịu !
Khi cuộc chiến tàn, buồn vương đôi mắt
Nụ cười lịm tắt
Lệ đắng bờ môi
Máu anh em tôi, máu đồng bào tôi
Thấm đẫm quê hương này
Ngày hòa bình về, Tự Do biến mất
Chỉ còn xích xiềng trói chặc chân tay
Bao cảnh đời lây lất
Sống trong đọa đày, chất ngất đau thương !
Tôi quay xe chạy đến nhà Diệu. Nhà lại cửa đóng, then gài, khóa kỹ. Tôi gõ cửa và gọi Diệu ơi, Diệu ơi nhiều lần, vẫn không ai lên tiếng. Tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ mới đây lại đi di tản nữa. Mà giờ phút này Việt cộng đã có mặt ở khắp nơi trong Sài Gòn, Gia Định, còn chổ nào để di tản ?! Trời cũng xế chiều, tôi đạp xe về nhà anh chị Vân ở Khánh Hội. Trên đại lộ Lê Lợi, vài xe Jeep chạy ào ào, chở nhiều thanh niên mặc đồ dân sự, đeo băng đỏ, chỉa súng M16 bắn chỉ thiên liên tục để thị uy với mọi người trên phố. Đó là những tên “cách mạng 30”, thừa lúc thời thế còn đang hổn quân, hổn quan, làm nhiều điều xằng bậy hiếp đáp dân lành. Về sau, chúng cũng bị Việt cộng cho đi “thanh niên xung phong” hết; làm lao động nặng như vét kinh, phá rừng, vác cây, cuốc đất ở các khu “kinh tế mới”.
Nhà ở Khánh Hội là nhà bác Tươi, má vợ anh Vân. Bác Tươi và các anh chị em vợ của anh Vân rất tốt với tôi, coi tôi như người thân trong gia đình. Hơn một năm qua ăn ở, làm việc tại nhà in Thị Nghè, nhưng mỗi cuối tuần tôi đều về nhà Khánh Hội tắm rửa, ăn cơm với gia đình bác Tươi và ngủ lại. Bây giờ về ở luôn, tôi được bác Tươi cho ở cùng phòng với Minh, con trai út của bác. Trong nhà hiện có sáu bộ đội Bắc Việt ngang nhiên vào “ở ké”. Anh nào cũng trẻ măng, khoảng 18 đến 20 tuổi. Mọi người trong gia đình đều phải giữ gìn lời ăn, tiếng nói, và phải giả vờ tỏ ra thân thiện với chúng. Tôi hỏi anh Vân chừng nào họ đi, anh nói không biết và dặn tôi đừng có nói gì bậy bạ mà mang vạ vào thân. Cũng may, một tuần sau thì các tên bộ đội này rút đi. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm.
Thương xá Rex bao gồm khách sạn, nhà hàng, tiệm café, ba rạp chiếu bóng Rex và Mini Rex A, B, tọa lạc trên góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, ngay đầu tháng 5 đã bị Việt cộng vào tiếp thu theo quy chế hợp doanh với ông bà Ưng Thi. Anh Vân được ông bà Ưng Thi nhận vào làm công việc trang trí cho cả thương xá. Hàng ngày, anh Vân chở tôi đi phụ anh công việc vẽ quảng cáo phim và làm các biểu ngữ treo trong thương xá. Ngày 7 tháng 5, nghe vài người nói Việt cộng tổ chức lễ mừng chiến thắng ở dinh Độc lập, nên sau khi làm xong mấy biểu ngữ, tôi xin anh Vân cho đi xem. Tôi mang theo máy chụp hình. Ra khỏi thương xá, tôi lại nghĩ, Việt cộng mừng chiến thắng thì kệ chúng, mình có gì vui mà đi xem. Thôi thì đi rảo phố xem cảnh người dân buôn bán trong chế độ mới. Phố xá vẫn tấp nập người mua bán. Nhiều toán lính Việt cộng đeo băng đỏ, vai mang súng Ak đi vòng vòng trên phố giữ an ninh. Tôi đi dọc theo đường Nguyễn Huệ, đến bến Bạch Đằng thì nghe một tiếng nổ ầm thật lớn ở bờ sông. Tôi chạy đến xem. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt. Một người vừa tự sát bằng lựu đạn. Bên cạnh anh là tấm bảng có viết mấy hàng chữ : “Đả đảo cộng sản. Tôi là quân nhân, phản đối lệnh đầu hàng của Dương văn Minh. Tự do hay là chết”. Tôi vội lấy máy ảnh chụp lia lịa. Vừa chụp xong thì bổng nhiên có ai phía sau giựt ngay máy ảnh. Tôi quay lại. Hai anh lính Việt cộng đang chỉa súng vào người tôi.
Tôi bị áp giải về trụ sở an ninh quận nhất đang đặt tạm tại vũ trường Maxim’s gần bến Bạch Đằng. Có nhiều tội phạm khác đang đứng, ngồi lố nhố trong vũ trường. Hai anh lính Việt cộng chỉ tay vào tôi và nói với người chỉ huy :
- A trưởng. Tên này chắc là tình báo CIA. Nó chụp hình lính “ngụy”tự sát ở bờ sông.
- Nhốt nó lại, chờ đìều tra viên đến thẩm vấn nó.
Tôi chẳng biết A trưởng là chức vụ gì. Chắc lớn lắm. Sau này tôi mới biết chỉ là chức tiểu đội trưởng chỉ huy một tiểu đội. Tôi bị họ còng tay, đẩy vào một phòng nhỏ. Buổi chiều, tôi được cho ăn một chén cơm chan nước muối mở hành. Đến tối, điều tra viên vào phòng hỏi cung :
- Mày thành thật khai báo, sẽ được cách mạng khoan hồng. Mày làm việc cho tổ chức nào ?
- Tôi không có làm cho tổ chức nào cả.
- Mày không có sao lại chụp hình lính “ngụy” tự sát ?
- Tôi chỉ tình cờ đi ngang, thấy chuyện lạ nên vô tình chụp thôi.
Điều tra viên gằn giọng :
- Mày nói láo. Không ai dám chụp hình này cả. Chỉ có mày chụp. Nói. Tổ chức nào ? Ai chỉ huy mày ?
Tôi phải tỏ ra vẻ mặt thật thành khẩn :
- Tôi là dân lành, thực tình không biết tổ chức nào. Không có ai chỉ huy tôi cả.
- Mày ngoan cố ! Không khai rõ, tao cho điện giật chết ngay.
Tôi thấy sợ. Từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên bị dính vào chuyện quân cơ. Trong thời thế nhiễu nhương này, Việt cộng muốn giết ai lại không được. Tôi càng cố tỏ ra thành khẩn hơn :
- Tôi xin thề, tôi hoàn toàn không biết gì hết để khai báo. Tôi là dân thường, vô tình chụp hình thôi.
Điều tra viên hét lớn :
- Mày nói láo. Mày là nhân viên CIA. Khai ngay. Chỉ huy mày là ai ? Đang ở đâu ?
- Tôi không có.
- Láo ! Láo ! Láo ! Cùng với những tiếng hét là mấy cú đấm liên tiếp như trời giáng vào mặt tôi khiến tôi thấy trời đất quay cuồng. Máu mủi tôi trào ra lênh láng. Điều tra viên hỏi tiếp : - Mày sợ chưa ? Tụi CIA trả mày bao nhiêu tiền ?
Tôi mếu máo :
- Anh có đánh tôi chết, tôi cũng không biết gì để khai.
- Mày ngoan cố ! Tao đánh mày chết luôn.
Tiếp liền câu nói là điều tra viên đấm thêm mấy cái vào mặt tôi và thoi liên tiếp vào bụng tôi. Tôi ngã nằm lăn lóc trên sàn nhà, ôm bụng quằn quại. Thấy tôi đã thấm đòn mà vẫn không khai gì, điều tra viên bỏ ra ngoài. Hôm sau, điều tra viên bắt tôi chui vào thùng phi, ngồi thụp xuống. Anh lấy cây sắt đánh mạnh vào thùng phi từng hồi khiến tôi muốn điếc hai lổ tai. Đầu tôi nghe bưng bưng như muốn nổ tung. Vừa đánh vào thùng phi, anh vừa hỏi cung. Vẫn là những câu hỏi hôm qua và tôi vẫn trả lời không biết gì. Mỗi khi chịu không nổi tiếng binh binh như tiếng sét đánh, tôi thò đầu lên khỏi thùng phi thì anh đấm vào mặt tôi ngay. Bị tra khảo một hồi, tôi ngất đi. Ngày hôm sau nữa, tôi lại bị tra khảo như thế và cũng bị ngất xỉu. Việt cộng thấy tôi thật tình không biết gì nên thả cho về nhà.
Nghe tôi kể lại chuyện bị bắt và bị tra khảo như vậy, anh Vân cho tôi uống thuốc bổ và ăn cháo gà cho khỏe. Anh Năm, đại úy Địa phương quân, anh em cột chèo với anh Vân, giã cua với rau gì đó rồi vắt ra nước cho tôi uống. Anh nói uống vậy sẽ tan máu bầm trong những chổ bị đánh. Nghỉ ngơi một tuần, tôi tiếp tục mỗi ngày đến thương xá Rex làm việc với anh Vân. Vài tháng sau, tôi đi học lớp 12 A trường trung học Hưng Đạo. Thời gian này, anh Năm và anh Hồ Đấu đã bị đi tù “cải tạo” cùng với cả trăm ngàn sĩ quan khác của chế độ cũ. Đời sống vừa học vừa làm rất bận, nên dù nhớ Diệu, tôi cũng không có dịp đi thăm cô. Một ngày cuối tháng 11, nhớ Diệu quá, tôi đạp xe đến xóm chợ Thị Nghè. Thật buồn ! Gia đình Diệu đã dời đi nơi khác. Đến ngày lễ giáng sinh, đang đứng trước cửa thương xá Rex ngắm người qua lại trên phố Lê Lợi, tôi chợt nhìn thấy Diệu được một thanh niên ôm eo đi ngang qua. Diệu đang nói cười vui vẻ với người bạn trai nên không thấy tôi. Diệu vẫn trẻ trung, xinh đẹp rực rỡ, và chắc vẫn đang sống theo nếp “hiện sinh” yêu cuồng sống vội của cô như ngày nào, dù chế độ có thay đổi. Tôi biết cô không phải là mẫu người để tôi yêu, nhưng nụ hôn đầu đời tôi có được do cô chủ động ban cho vẫn ám ảnh tôi mãi cho đến ngày có một hình bóng khác thế vào trong tim tôi.
Bạch, cô bạn học cùng lớp, 19 tuổi, không đẹp như Diệu nhưng có nét dễ thương, duyên dáng, tính dịu dàng, ít nói. Nhờ ngồi chung bàn, sát bên nhau, nên tôi và Bạch trở thành bạn ngay từ những ngày đầu nhập học. Qua Bạch, tôi quen thêm Thủy, Loan và Minh. Chúng tôi thành nhóm bạn chơi thân với nhau, thường rủ nhau đi ăn chè đậu, bò bía sau giờ học, hoặc tụ tập ở nhà Thủy để tâm sự chuyện đời của nhau và nghe Thủy chơi đàn guitar classic. Bạch, Thủy, Loan đều là con sĩ quan cấp tá chế độ cũ từ Quy Nhơn chạy vào Sài Gòn trong biến cố tháng tư đen. Các cô vẫn thường tâm sự, khát vọng của các cô bây giờ không phải là chuyện học hành lên cao trong chế độ mới này, mà là tìm kiếm con đường vượt biên để có được cuộc sống tự do ở Mỹ. Thời gian này, người Sài Gòn cũng hay bàn tán với nhau về chuyện vượt biên. Họ thường tụ tập ở các quán café vỉa hè, rỉ tai cho nhau nghe về những gia đình người quen đã đi thoát, hay gia đình nào bị công an bắt giữ lại, hoặc cho nhau biết về giá cả phải đóng bao nhiêu cây vàng mỗi người cho chủ tàu tổ chức chuyến đi. Họ truyền tai nhau về đời sống ở Mỹ, tự do, vui sướng lắm, vì nước Mỹ văn minh, giàu mạnh nhất thế giới. Qua Mỹ sẽ được chính phủ Mỹ cấp cho tiền và nhà ở, không lo thiếu thốn gì cả. Nghe họ nói chuyện, tôi càng thấy tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội được đi Mỹ “miễn phí” trong đêm 29 tháng 4 tại bến tàu.
Sau mấy tháng chơi thân với nhau, Minh cặp bồ với Thủy. Còn tôi, đến đầu năm 1976 thì quên hẳn Diệu để cảm thấy người lý tưởng tôi yêu là Bạch. Tôi thường làm thơ tặng cô và chép bài giùm cho cô. Nhưng tình yêu của tôi là tình đơn phương. Có lần, tôi hỏi dò cô :
- Lâu nay, Quý hay tặng thơ cho Bạch và chép bài giùm Bạch, Bạch đáp lại Quý thế nào nè.
Bạch ỡm ờ :
- Quý muốn gì Bạch cũng chìu theo hết.
Tôi hỏi tới :
- Quý muốn gì cũng được, thiệt không ?
Bạch mỉm cười :
- Thiệt !
Tôi xem đó là sự đón nhận của Bạch đối với tình yêu của tôi dành cho cô. Tôi mừng quá, muốn ôm cô ngay trong lớp, nhưng kịp kềm chế lại. Tôi định bụng giờ tan học sẽ mời cô đi ăn kem. Tôi tưởng tượng lúc đó sẽ được cô cho tôi nắm tay cùng đi phố, như trước đây tôi với Diệu. Nhưng khi tan học, cô đã nhanh chân lấy xe đạp đi mất tiêu. Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Hình ảnh cô cứ chập chờn trong đầu tôi. Tình yêu trong tôi cứ lớn dần theo ngày tháng. Trên đường đi, khi ăn uống, lúc làm việc, tôi cứ nhớ đến cô. Nhóm bạn chúng tôi vẫn mỗi tuần cùng đi chơi hay gặp nhau tại nhà Thủy. Những lúc đó, Bạch đối với tôi nửa xa, nửa gần; vừa như đáp lại tình cảm của tôi, vừa như có một khoảng cách nào đó khiến tôi không thể mạnh dạn chính thức tỏ tình với cô. Có một chàng bên lớp 12 B, trưởng ban văn nghệ trường, cũng đang trồng cây si Bạch. Hắn quen cô nhờ cùng sinh hoạt với cô trong ban văn nghệ. Mỗi ngày, vào giờ ra chơi, hắn đến đứng ở cửa lớp nhìn cô chăm chăm. Một ngày cuối tuần trong tháng 5 / 1976, tôi, Minh và Loan đến thăm Thủy, vừa lúc thấy hắn chở Bạch trên chiếc Honda từ nhà Thủy chạy ra. Tôi vỡ mộng tình ! Tôi còn được gặp lại Bạch trong ngày thi tốt nghiệp lớp 12. Chúng tôi vẫn tỏ ra thân thiết và giúp nhau ôn bài trước giờ thi. Nhưng tôi hiểu, tình yêu đã xa tầm tay. Sau lần gặp đó là “nghìn trùng xa cách”. Cả Thủy, Loan và Diệu nữa, tôi cũng không có dịp nào gặp lại. Không biết cái ước mơ của Bạch, Thủy, Loan, Diệu mong được chắp cánh bay đến phương trời tự do có trở thành hiện thực không ? Có lần nhớ về các cô, tôi buồn buồn, khe khẽ hát hai câu nhạc Trịnh : “ Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…”. Rồi tôi bật cười. Rõ lẩn thẩn, có cô nào dành cho tôi tình yêu đâu mà “người tình” với “hẹn thề” !...
Từ khi Việt cộng chiếm miền Nam thì tất cả cơ sở thương mại lớn ở Sài Gòn đều bị chúng tiếp thu, biến thành quốc doanh, trở thành tài sản riêng của nhà nước. Nhiều thương gia uất ức nhảy lầu tự tử. Thương xá Rex, sau vài tháng hợp doanh cho có hình thức thì cũng bị chuyển qua quốc doanh. Không những chúng cướp đoạt các cơ sở thương mại lớn mà còn chiếm hữu ngang xương nhà dân nữa. Biệt thự của ông bà Ưng Thi bị Võ văn Kiệt chiếm lấy để ở. Thương xá Rex đổi tên : Khách sạn Bến Thành, thuộc công ty Du lịch thành phố. Nhân viên cũ gọi là lưu dụng. Công nhân viên mới toàn con, cháu của Việt cộng, hay bộ đội chuyển ngành. Có nhiều con cháu của cán bộ đảng viên từ ngoài Bắc được đưa vào giữ các chức tổ trưởng. Nhờ suốt một năm phụ giúp anh Vân vẽ trang trí cho thương xá Rex nên sau khi tốt nghiệp Tú tài, tháng 6 / 1976, tôi được ký hợp đồng chính thức trở thành công nhân viên Khách sạn Bến Thành, cùng với anh Vân lo vẽ quảng cáo cho ba rạp chiếu bóng Rex và Mini Rex A, B. Tôi ăn ở luôn tại khách sạn. Đồng lương công nhân viên không đủ sống, bửa no, bửa đói. Cơ quan này, vừa kinh doanh với khách nội địa vừa chuyên tiếp các phái đoàn nước ngoài của khối cộng sản quốc tế, nên nhân viên nữ nhiều lắm. Cô nào cũng xinh đẹp như hoa xuân. Xui cho các cô, gặp phải ông chủ nhiệm từ rừng về rất háo sắc. Có lần, tôi thấy cô thư ký phòng chủ nhiệm, áo dài bị bung hết hàng nút, ôm ngực chạy ra ngoài. Vài cô bạn thân của tôi làm ở tổ nhà kho hay tổ vũ trường lên phòng vẽ thăm tôi, kể cho tôi biết đã bị chủ nhiệm sàm sỡ, sờ soạng tùm lum. Các cô chống cự thì bị ông đe dọa đuổi. Trong hoàn cảnh nhiều gia đình bị cưỡng ép đi “kinh tế mới”, muốn giữ được hộ khẩu tại thành phố phải có việc làm, nên các cô đành nhịn nhục. Giữa năm 1977, ngay trong cuộc họp toàn cơ quan, tôi mạnh dạn đứng ra phê bình chủ nhiệm về những hành vi không đứng đắn của ông. Thế là bị ông trả thù bằng cách tống cổ tôi đi “nghĩa vụ quân sự” vào ngày 31 / 7 / 1977.
Sau khi chiếm lấy các cơ sở thương mại lớn, đến năm 1978, Việt cộng tiến hành đánh “tư sản” đợt hai, chiếm giữ các cơ sở thương mại cở vừa. Nhiều nhà dân bị chúng cướp đoạt. Người dân Sài Gòn uất ức, rủ nhau đi vượt biên bằng đường biển hoặc đường rừng. Phong trào vượt biên tìm tự do của người Sài Gòn và cả miền Nam bắt đầu lên mạnh từ năm này. Dẫu biết bỏ nước ra đi là cả sự ngậm ngùi, cay đắng, lại phải chịu đựng những gian truân, nguy hiểm trên đường, có thể bỏ mạng trên biển.khơi ngàn trùng hay nơi rừng sâu nước độc, nhưng với sự thù ghét tận cùng chế độ cộng sản, và với khát vọng được sống cuộc đời mới vui sướng, hạnh phúc nơi miền đất tự do, nhân bản, người dân vẫn hàng hàng, lớp lớp ra đi.
Cuối năm 1978, đơn vị tôi bị đưa đi đánh Khmer Đỏ ở Campuchia. Trong năm này, tôi nghe tin vợ chồng anh chị Phượng, con thứ bảy của bác Tươi, bị chết trên đường vượt biên. Giữa năm 1979, sau khi chiếm được Nam Vang, đơn vị tôi chuyển về đóng quân ở Kampongcham. Tôi được cho về Sài Gòn nghỉ phép vài ngày. Có người bạn tên Quang rủ tôi đi vượt biên. Quang nói nhờ quen biết với chủ tàu nên chỉ cần nộp hai cây vàng cho chủ tàu là được cho đi. Như bao người dân, tôi đã quá chán ghét cái chế độ độc tài, gian ác của Việt cộng nên cũng thèm lắm cái đời sống tự do, dân chủ ở các nước Âu Mỹ. Nhưng đào đâu ra vàng bây giờ ?
No comments:
Post a Comment