Thursday, March 29, 2012

Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu


Những năm đầu (1961-1967
Ngày 7 tháng Năm, 1954, Việt Minh đã chiến thắng quân đội Pháp trong trận Ðiện Biên Phủ. Việt Nam bị chia đôi theo vĩ tuyến 17 và Tổng Thống Dwight D. Eisenhower hứa sẽ trợ giúp Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm xây dựng một lực lượng quân sự chống lại phía cộng sản. Ðến tháng Bẩy năm 1954, Hoa Kỳ đã có 342 cố vấn quân sự trong miền nam Việt Nam. Nhóm Cố Vấn Quân Viện (Military Assistance Advisory Group - MAAG). Mới đầu, cơ quan này chỉ chú trọng đến vấn đề phản tuyên truyền, những luận điệu tuyên truyền bôi nhọ chính quyền Ngô Ðình Diệm từ phía cộng sản.
Ðến năm 1961, miền Bắc đã dựng nên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thường được gọi là Việt Cộng, phát động chiến tranh Giải Phóng trong miền nam. Tổng Thống Kennedy được sự ưng thuận của Quốc Hội, gia tăng viện trợ kinh tế, quân sự cho người đã trở thành Tổng Thống VNCH Ngô Ðình Diệm. Sự giúp đỡ này nhằm gia tăng khả năng chống xâm nhập của Việt Cộng qua vài chương trình, trong đó có chương trình phát triển canh tác trên vùng cao nguyên.
Sự thật, chương trình này để che dấu một hoạt động bí mật do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA phác họa ra, nhằm mục đích thâu thập tin tức về các hoạt động của du kích cộng sản trong khu vực, và sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào vùng rừng núi cao nguyên, dọc theo biên giới. Sau khi nghiên cứu, đánh giá các nguồn tin tức, cơ quan CIA sẽ xây dựng một đơn vị Dân Sự Chiến Ðấu, tuyển mộ từ các sắc dân thiểu số (đồng bào Thượng).
Những toán A, Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ được trao cho nhiệm vụ bí mật của cơ quan tình báo CIA. Phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp trong nhóm Cố Vấn Quân Viện Hoa Kỳ (MAAG) sẽ yểm trợ, cung cấp phương tiện huấn luyện cho sắc dân thiểu số qua kế hoạch Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu. Tài liệu này là phần đầu trong hai bài viết về Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu do người Hoa Kỳ tổ chức. Phần đầu sẽ nói về việc xây dựng, phát triển (1961-1967), phần thứ hai sẽ nói về LL/DSCÐ (CIDG) trong kế hoạch Việt Nam Hóa (1968-1971), khi lực lượng này được chuyển giao cho Biệt Ðộng Quân QLVNCH.
Tại sao có lực lượng Dân Sự Chiến Ðấu? Thứ nhất, cơ quan CIA tin rằng, với một lực lượng võ trang bao gồm sắc dân thiểu số sẽ làm cho chính quyền miền Nam tăng thêm khả năng chống xâm nhập của địch vào những khu vực hẻo lánh. Thứ hai, nhóm sắc dân thiểu số đông đảo nhất là người Thượng, họ bị chính quyền “không màng đến”, coi như những “công dân hạng ba (hạng bét)”, nên rất dễ bị cộng sản tuyên truyền, xúi giục, và tuyển mộ. Hơn nữa, sự kiểm soát của địch trên vùng cao nguyên cũng là một điều đáng lưu ý.
Ðến năm 1961, sự xâm nhập của địch là một mối đe dọa cho chính quyền Ngô Ðình Diệm và quân đội VNCH. Chính quyền miền Nam yêu cầu sự trợ giúp của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp và cho phép người Hoa Kỳ tiếp xúc với những người lãnh đạo sắc dân Rhade. Sau đó cơ quan này sẵn sàng huấn luyện quân sự, trang bị cho người Rhade, nếu họ tuyên thệ trung thành với chính quyền miền Nam, và tổ chức việc phòng thủ xóm làng (buôn, bản Thượng).
Ngôi làng đầu tiên được chọn là Buôn Enao trong tỉnh Darlac, sau này gọi là “Thí Nghiệm Buôn Enao”. Theo một sắc lệnh của Tổng Thống (Hoa Kỳ), việc này đặt dưới quyền quản trị độc nhất của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp, không lệ thuộc vào quân đội VNCH cũng như cơ quan Cố Vấn Quân Viện (MAAG). Trong tháng Mười năm 1961, hai người Hoa Kỳ, David A. Nuttle, một viên chức trong cơ quan Dịch Vụ Tình Nguyện Thế Giới (International Voluntary Services), đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1959 trong những dự án nông nghiệp, người kia là Trung Sĩ Paul F. Campbell, Quân Y Lực Lượng Ðặc Biệt, thuộc Liên Ðoàn 1 LLÐB/HK đến buôn Enao.
Trung sĩ Campbell kể lại lần đầu tiên gặp gỡ những vị “trưởng lão” trong làng: “Nuttle giải thích cho họ rằng, chương trình nhằm cải thiện đời sống của đồng bào Thượng, việc làm rẫy, trồng tỉa, y tế. Chúng tôi sẽ đến những làng mạc như Buôn Enao để huấn luyện, chỉ dẫn việc bảo vệ xóm làng, không cho người lạ vào trong làng. Ngăn ngừa Việt Cộng và cả quân đội VNCH”. Chuyện này sẽ “tự lập, tự cường”, những người dân làng sẽ đứng lên bảo vệ xóm làng của mình.
Sau hai tuần lễ “thương thuyết”, và trung sĩ Campbell biểu diễn tài chữa bệnh cho dân làng rất thành công, những vị “trưởng lão” ưng thuận và tuyên thệ trung thành, để bắt đầu công việc tổ chức phòng vệ ngôi làng (Village Defense Program, VDP). Những người Thượng xây một hàng rào chiến lược bao quanh làng và đào hầm trú ẩn cho người già, đàn bà và trẻ con, đề phòng Việt Cộng tấn công. Họ xây cất một khu huấn luyện, một bệnh xá và tổ chức đường dây lấy tin tức, theo dõi những sự di chuyển của địch trong khu vực, và báo động khi bị tấn công.
Ðến giữa tháng Mười Hai năm 1961, “thí nghiệm Buôn Enao” hoàn toàn xong xuôi. Thêm năm mươi (50) đàn ông từ làng kế cận được huấn luyện như một lực lượng an ninh di động để bảo vệ Buôn Enao và khu vực lân cận. Sau khi hoàn tất ngôi làng “thí điểm đầu tiên”, vị tỉnh trưởng Darlac cho phép phát triển ra thêm bốn mươi buôn Thượng Rhade khác trong đường bán kính 15 cây số từ tâm điểm Buôn Enao và “ép buộc” vị trưởng làng, phó trưởng làng phải thụ huấn quân sự.
Chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) phát triển quá nhanh, trong khoảng thời gian từ tháng Tư cho đến tháng Mười năm 1962, thêm hai trăm (200) buôn Thượng khác được “đoàn ngũ hóa”. Ðến cuốn năm 1962, “chuyện làm ăn coi bộ khấm khá”, chính quyền miền Nam trao trách nhiệm chương trình này cho vị tỉnh trưởng Darlac với chỉ thị bao gồm thêm những bộ lạc người Jarai và Mnong.
Câu chuyện về Buôn Enao làm tăng thêm các hoạt động của Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ trong miền Nam. Lực Lượng Ðặc Biệt Việt Nam (LLÐB) được huấn luyện thêm. Những nhiệm vụ mới này đòi hỏi có thêm những toán A LLÐB/HK trong thời gian phục vụ sáu (6) tháng tại Việt Nam và thành lập Bộ Chỉ Huy LLÐB/HK tại Việt Nam. Ðến giữa tháng Chín năm 1962, Ðại Tá George C. Morton, trưởng ngành Chiến Tranh Ðặc Biệt, phòng 3 (Hành Quân), bộ chỉ huy Quân Viện (MACV) cùng với bẩy mươi hai (72) quân nhân LLÐB đến từ căn cứ Fort Bragg, tiểu bang North Carolina thành lập bộ chỉ huy C với bốn toán A trong Saigon. Ðến tháng Mười Một, phần còn lại của bộ chỉ huy đến làm việc. Bộ chỉ huy C lúc đó có mười bốn sĩ quan và bốn mươi ba binh sĩ LLÐB.
Ðại Tá Morton ra lệnh cho Trung Tá Eb Smith đem theo mười tám binh sĩ ra Nha Trang, thiết lập căn cứ hành quân LLÐB (Special Force Operation Base, SFOP), để sau đó sẽ di chuyển toàn bộ chỉ huy C ra khỏi Saigon. Từ vị trí “trung tâm” miền nam Việt Nam, Ðại Tá Morton chỉ huy, điều hành 530 chiến sĩ LLÐB (HK) gồm có bốn bộ chỉ huy B và hai mươi tám toán A/LLÐB, rải rác trong khắp miền nam Việt Nam.
Cùng với đà phát triển, Nhóm Cố Vấn Quân Viện (MAAG) được sắp xếp lại trở thành Bộ Tư Lệnh Quân Viện tại Việt Nam (MACV). Sự phát triển này tạo nên hai việc thay đổi lớn: MACV sẽ cố vấn và trợ giúp chính quyền miền Nam, tổ chức việc huấn luyện, quân trang quân dụng, và chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) trở thành Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu (LL/DSCÐ - CIDG).
Trong tháng Hai năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp (CSD) có nhiệm vụ điều hành LL/DSCÐ, theo dõi các đơn vị LLÐB/HK phục vụ trong lực lượng này, và phối hợp các hoạt động của lực lượng DSCÐ với cơ quan MACV. Ðến tháng Năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp nhận lãnh nhiệm vụ trang bị, hoạt động của LL/DSCÐ, còn Lực Lượng Ðặc Biệt Việt Nam thuộc về quân đội VNCH. Ðó là những thay đổi nhỏ trong sự làm việc chung giữa Hoa Kỳ và VNCH.
Vào ngày 23 tháng Bẩy năm 1962, Bộ Quốc Phòng (HK) ban hành quyết định 57 An Ninh Quốc Gia. Theo quyết định này, cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA sẽ bàn giao tất cả những hoạt động bán quân sự (như LL/DSCÐ) bí mật cho bộ tư lệnh Quân Viện Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Quân đội Hoa Kỳ sẽ phải lo vấn đề yểm trợ tiếp vận cho Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu. Bộ Quốc Phòng vẫn nắm giữ quyền bổ nhiệm vị chỉ huy trưởng LLÐB/Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ, mềm dẻo, hiệu quả trong việc thiết lập ngân khoản để điều hành LL/DSCÐ.
Trong kế hoạch Trở Lại (Switchback), nhiệm vụ của LL/DSCÐ thay đổi đôi chút. Việt Cộng là mục tiêu chính, nhưng không được tuyển mộ thêm sắc dân thiểu số (dân số họ vốn đã ít). Kế hoạch Trở Lại (Switchback) này phải được hoàn tất vào ngày 1 tháng Bẩy năm 1963. Lúc đó quân Mũ Xanh, LLÐB Hoa Kỳ đã huấn luyện quân sự đầy đủ cho các trại DSCÐ, lực lượng xung kích, tiếp ứng (Mobile Strike Force - Mike Force) để làm trở ngại cho sự xâm nhập, bành trướng của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng trong những khu vực xa xôi hẻo lánh, miền nam Việt Nam.
Những thành quả đạt được trong chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) và Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu (CIDG) từ tháng Năm 1962 đến tháng Mười 1963 gần như biến mất, vì những biến cố quân sự, chính trị xẩy ra trong miền nam.
Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng Mười Một năm 1963, đưa đến cái chết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và người em trai của ông ta, ông cố vấn Ngô Ðình Nhu. Biến cố lớn này là động lực thúc đẩy cơ quan Quân Viện MACV và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thay đổi theo tình thế. Trước đó, Tổng Thống Diệm không đồng ý cơ quan MAAG/MACV và cấp chỉ huy trong quân đội miền Nam nhúng tay vào công việc huấn luyện của LLÐB/HK, cũng như LL/DSCÐ.
Ngày 5 tháng Giêng năm 1964, chính quyền “quân đội”, dựa vào kế hoạch Trở Lại (Switchback), không chấp thuận LLÐB/VN biệt lập, đặt dưới sự chỉ huy, kiểm soát của QL/VNCH. Cơ quan MACV được quyền hành rộng rãi, nhanh chóng kiểm soát LLÐB/HK, các đơn vị Mũ Xanh Hoa Kỳ bị đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan cao cấp, cố vấn Hoa Kỳ trên các vùng chiến thuật thuộc cơ quan MACV.
Ðại Tá Theodore Leonard được chỉ định thay thế Ðại Tá Morton làm chỉ huy trưởng LLÐB/HK tại Việt Nam. Vị chỉ huy trưởng mới, Ðại Tá Leonard thẩm định và xác định lại vai trò của LLÐB/HK, và tập trung quyền chỉ huy, điều hành chương trình Dân Sự Chiến Ðấu. Vấn đề chỉ huy LLÐB/HK tại Việt Nam trực thuộc bộ tư lệnh Quân Viện Hoa Kỳ (MACV).
Trong nhiệm vụ mới được trao phó cho LL/DSCÐ, cơ quan MACV muốn biên giới nam Việt Nam phải được phòng ngự bằng những trại biên phòng LLÐB, tuyển mộ từ “lính đánh thuê” sắc dân Nùng. LL/DSCÐ được tổ chức lại theo kiểu chính quy, thành những đơn vị tác chiến (Strike Forces) để giảm bớt gánh nặng cho QL/VNCH.
Sự thay đổi trong vấn đề điều hành, quản trị và sự kỳ thị dân tộc thiểu số của giới chức thẩm quyền Việt Nam gần như “bóp chết” LL/DSCÐ. Ngày 19 tháng Chín năm 1964, năm trại DSCÐ (LLÐB) gần Ban Mê Thuột nổi loạn, chống lại chính quyền miền Nam. Tọa lạc trên vùng II chiến thuật, Ban Mê Thuột được coi như “Thủ Ðô” của người Thượng. Sau mười ngày, cuộc nổi loạn kết thúc, khi các cố vấn Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian, khuyến cáo giới chức, thẩm quyền VNCH rằng, có lợi cho cả đôi bên, nếu chính quyền VNCH công nhận một ít “quyền” của họ. Cuộc nổi loạn tạm thời chấm dứt mà phần cuối, nhiều vấn đề vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Lực Lượng Ðặc Biệt phải chấp nhận thực tế: cơ quan MACV không thích những lực lượng “ngoại lệ”; người Việt coi thường các sắc dân thiểu số, người Thượng; các trại DSCÐ biên phòng sẽ bị phá bỏ nhanh chóng cũng như khi chúng được xây dựng. Khi vấn đề nội bộ của quốc gia lung lay, quân Việt Cộng gia tăng các hoạt động. Bộ Quốc Phòng và cơ quan MACV nhận định rằng, nhiệm vụ của LLÐB trong tương lai và luật lệ làm việc (gia nhập DSCÐ) ở Việt Nam phải được quy định rõ ràng.
Ngày 1 tháng Mười năm 1964, Bộ Quốc Phòng chấp thuận, đưa 1297 quân nhân Mũ Xanh thuộc Liên Ðoàn 5 LLÐB (cả một đơn vị) từ căn Fort Bragg đến Nha Trang thay thế nhiệm vụ cho LLÐB/HK tại Việt Nam. Các quân nhân Mũ Xanh đang phục vụ tại Việt Nam (674 người) sẽ nhập vào liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ. Các quân nhân LLÐB/HK sẽ phải phục vụ một năm tại Việt Nam, kỳ hạn sáu tháng trước đây sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Năm, 1965.
Nhiệm vụ mới của liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ gồm có: Cố vấn cho cơ quan MACV về việc thiết lập (xây dựng), cũng như bỏ rơi (đóng cửa) các trại biên phòng LLÐB; xây dựng thêm trại LLÐB mới, cố vấn cho bộ tư lệnh LLÐB Việt Nam; và nếu nhu cầu cần thiết, sẽ huấn luyện cho các đơn vị LLÐB/VN và LL/DSCÐ. Trong nhiệm vụ mới này, liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ thiết lập bốn bộ chỉ huy C, mười hai bộ chỉ huy B, và bốn mươi tám toán A LLÐB vào tháng Hai, năm 1965.
Thời gian đầu, sự hiện diện của liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ chỉ có ảnh hưởng chút ít đến các toán A LLÐB (biên phòng) hoặc các đơn vị xung kích (Strike Force) DSCÐ. Lực Lượng Ðặc Biệt vẫn tiếp tục nhiệm vụ cố vấn, yểm trợ LL/DSCÐ trong khi các đơn vị xung kích bảo vệ các làng mạc của dân tộc thiểu số.
Trong dịp Tết vào cuối năm 1964, tình thế chiến trường tại Việt Nam có nhiều biến chuyển. Các đơn vị chính quy cấp lớn Việt Cộng bắt đầu xuất hiện, tấn công, gây tổn thất cho các đơn vị VNCH. Do đó, liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ phải tái xác định lại nhiệm vụ “chống xâm nhập” vào tháng Giêng năm 1965. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi những đơn vị lớn, trang bị tối tân qua Việt Nam trong mùa Xuân để đánh đuổi quân cộng sản. Trong khi chờ đợi các đơn vị cấp lớn Hoa Kỳ đến và bắt đầu hoạt động, Ðại Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh, bộ tư lệnh MACV ra lệnh “LLÐB và các đơn vị bán quân sự (LL/DSCÐ) phải đảm nhận nhiệm vụ tấn công trong vai trò người thợ săn 'Lùng và Diệt' địch quân”.
Với đà gia tăng xâm nhập của Việt Cộng và quân đội từ miền Bắc vào. Thay vì giúp đỡ chính quyền miền Nam tự phát triển quân đội và đảm nhận vai trò phòng vệ, những tướng lãnh cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ đã đưa vào chiến trường Việt Nam, những đơn vị chiến đấu lớn, tiếp tay với quân đội VNCH. Cơ quan MACV dự định sẽ “chính quy hóa” LL/DSCÐ, chuyển một số đơn vị DSCÐ chọn lọc qua Ðịa Phương Quân, và sẽ hoàn tất vào ngày 1 tháng Giêng (đầu năm) 1967. Tiếp theo là kế hoạch đưa hết quân Mũ Xanh LLÐB về lại Hoa Kỳ (Tướng Westmoreland tính chuyện 'Chiến Tranh Quy Ước'). Các đơn vị xung kích DSCÐ sẽ không còn nhiệm vụ bảo vệ xóm làng nữa mà sẽ phải tấn công địch quân trên các chiến trường trong miền nam Việt nam.
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, bộ tư lệnh MACV nhận định rằng, cán bộ LLÐB/HK chỉ huy DSCÐ rất giỏi về lấy tin tức, lùng và diệt địch, và có thể tự lực chiến đấu. Những khả năng này là một cây kiếm hai lưỡi của LLÐB và đơn vị xung kích DSCÐ. Những tin tức tình báo tác chiến thâu thập được được phân tích để gia tăng hiệu năng, củng cố thêm sức mạnh cho LL/DSCÐ. Nhu cầu lấy tin tức về sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt gia tăng trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968, việc phòng vệ các làng người dân tộc thiểu số giảm đi.
Các đơn vị DSCÐ được quân Mũ Xanh LLÐB Hoa Kỳ chỉ huy vẫn tiếp tục chạm trán với địch quân. Ðược trực thăng yểm trợ, bắt đầu từ tháng Năm 1966, LL/DSCÐ trở nên di động, tiếp ứng nhanh chóng. Là một đơn vị xung kích lưu động (Mobile Strike Force - Mike Force), chiến sĩ DSCÐ phải đi hành quân thường xuyên, làm đơn vị tấn công hoặc tiếp ứng cho các trại biên phòng, khi các trại này bị tấn công. Ðến tháng Chín năm 1966, LLÐB/HK thiết lập thêm hai mươi hai trại LLÐB mới, và tăng số trung đội trinh sát DSCÐ từ ba mươi tư lên bẩy mươi ba. Bộ tư lệnh Quân Viện MACV ra lệnh cho LÐ5/LLÐB/HK thiết lập trường huấn luyện “Recondo” (Trinh Sát Cảm Tử - Recondo School) ở Nha Trang. Trường này huấn luyện khóa học mười hai ngày “chiến tranh VN” cho tất cả các quân nhân LLÐB Hoa Kỳ mới qua Việt Nam và khóa Viễn Thám cho quân nhân từ các đơn vị tác chiến gửi về.
Với sự thành công, đạt được nhiều kết quả trong năm 1966, đặc biệt trong các trận đột kích ban đêm, Tướng Westmoreland ra lệnh cho Ðại Tá Francis J. Kelly, chỉ huy trưởng liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ xem xét lại việc sử dụng các toán A LLÐB trên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam và đưa ra những kế hoạch hàng năm để phối hợp với các vị tư lệnh vùng chiến thuật.
Chuyện “xét lại” này được bộ tư lệnh MACV đưa ra bản hướng dẫn: Mỗi toán A LLÐB và các trại biên phòng phải hoạt động tối đa trong nhiệm vụ trao phó. Những toán A LLÐB có thể được thay thế bằng cách hoán chuyển đơn vị xung kích DSCÐ sang quân đội VNCH. Phối hợp làm việc với các cố vấn trưởng tại các quân đoàn và phía Việt Nam Cộng Hòa. “Chỉ nói đơn giản, nhiệm vụ chúng tôi là trợ giúp để người Việt Nam tự giúp đỡ họ”. Trong tháng Tám năm 1966, Ðại Tá Kelly cho biết, nếu số quân nhân LLÐB/HK cắt giảm, LLÐB/VN sẽ phải điền khuyết vào để đảm nhận vai trò.
Ðến năm 1967, bộ tư lệnh Quân Viện MACV đưa ra một chương trình, nhưng không có thời khóa biểu nào đề ra để chấm dứt chiến tranh. Chỉ nói đến việc tăng cường quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam và sự phát triển đáng kể của QL/VNCH. Tuy nhiên, Ðại Tá Kelly vẫn đệ trình lên một chương trình về LL/DSCÐ và đã được các vị cố vấn trưởng Quân Ðoàn, cũng như các Tướng tư lệnh vùng chiến thuật chấp thuận. Chương trình này trình bày kế hoạch thay thế hoàn toàn LLÐB Hoa Kỳ vào cuối năm 1971.
Không may cho cả Hoa Kỳ và quân đội VNCH, phía Bắc Việt cũng có một... kế hoạch riêng của họ. Kế hoạch dài hạn của cơ quan MACV sụp đổ vào tháng Giêng năm 1968 khi quân cộng sản tổng tấn công nhân dịp Tết (Mậu Thân).
Theo tài liệu: Veritas Vol.5, No.4, 2009. Trang: 19, 20, 24-27
Dallas, Texas
vđh

No comments:

Post a Comment