Phần 1
Đây là cuốn sử liệu sưu tầm trên mạng. Bản quyền thuộc về các tác giả có tên phía dưới.
Những chiến hữu và thân hữu có tên dưới đây đều có chung một Hoài Bão, bảo một Ý Chí, và một Tâm Niệm như nhau, trong công cuộc hình thành quyển sử liệu CHIẾN THẮNG AN LỘC 1972 nầy.
Chúng tôi, với tình huynh đệ chi binh, không nêu tên theo cấp bậc cũng như vai trò trong Ban Biên Soạn mà chỉ nêu tên theo tuổi tác.
• Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường
• Trung Tá Trần Văn Tính
• Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh
• Đại Úy Lê Hoàng Ân
• Bà Lê Thị Kim Liễu, Đại học Rice, Houston
Tôi sống ẩn dật trên đất Mỹ đã trên 30 năm, tuổi đời đã gần 80, bỗng nhiên nhận được bức tâm thư của nhóm anh em Quân Nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hiện cư ngụ tại Tiểu Bang Texas, gửi cho tôi, để hỏi ý kiến về việc thực hiện cuốn sách “Trận Chiến Thắng An Lộc năm 1972”.
Đọc xong bức Tâm Thư, lòng tôi rất bồi hồi, tưởng nhớ lại những chuyện xảy ra xa xưa trong cuộc đời Binh Nghiệp của mình, nhất là Trận An Lộc, tinh thần và ký ức phấn chấn trở lại, sau bao nhiêu năm tháng, ngỡ như mọi sự việc đã được vùi sâu tận cõi lòng của một con Người đang sống lưu vong, tha hương từ lâu nay rồi.
Đọc nội dung bức Tâm Thư, cá nhân tôi rất cảm kích tinh thần bất vụ lợi, mang đầy ý nghĩa cao cả, hy sinh cho đại cuộc, của nhóm Anh Em Quân Nhân tại Texas, với hoài bảo là làm sáng tỏ Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, nhất là cuộc chiến đấu kiên trì và oai hùng của tất cả Quân Dân Cán Chính Tỉnh Bình Long vào năm 1972, để lưu truyền lại cho các Thế Hệ con cháu mai sau.
Từ đó tôi vội vàng moi trí nhớ, lục lại được một số giấy tờ và sách báo của những thông tin Việt, Pháp, từ năm 1972 đã viết và khen ngợi Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có tham dự trong trận chiến An Lộc, đã kiên trì và anh dũng đánh bại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản phương Bắc vào năm 1972, mà tôi còn lưu trữ, và liền gửi những tài liệu có liên quan đến Trận An Lộc, cho người đại diện theo địa chỉ ghi trong Bức Tâm Thư, kèm theo đôi dòng ca ngợi và khuyến khích.
Tôi thành thật cám ơn tất cả các anh em đã hỏi ý kiến của tôi, và cầu chúc các Anh Em trong nhóm chủ trương biên tập, vượt qua mọi trở ngại khó khăn, để đạt đến mục tiêu cuối cùng, đúng theo như ý nghĩa của Bức Tâm Thư, và mong rằng có nhiều Quân Nhân cũng như các Công Dân Việt Nam Cộng Hòa khác, những ai đã từng chiến đấu hay chứng kiến suốt 93 ngày đêm, trong nội ngoại vi Tỉnh Bình Long, nên nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi đầy ý nghĩa chính đáng này, của nhóm Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Tiểu Bang Texas.
Chúc Anh Em Thành Công Trọn Vẹn.
Ngày 10 tháng 11 năm 2006
Trung Tướng Nguyên Văn Minh
Cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III
CHƯƠNG 1 - TÀI LIỆU THAM KHẢO
A- TÀI LIỆU ĐƯỢC GIẢI MẬT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT- NAM VÀ CÁC SÁCH BẰNG TIẾNG MỸ
* COMBINED ARMS RESEARCH LIBRARY (tài liệu này được giảng dậy tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp của Quân Đội Hoa Kỳ, Fort Leavenworth)
* A BETTER WAR (The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s last years in Viet Nam) của tác giả Lewis Sorley : giáo sư của Trường West Point và Trường Đại Học Chiến Tranh Bộ Binh, đồng thời thuộc Ban Tham Mưu của Bộ Quốc Phòng. Sau đó ông trở thành công chức cao cấp của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương.
* AMERICAN’S LAST VIETNAM BATTLE của Dale Andradé
* THE EYEWITNESS HISTORY OF THE VIETNAM WAR 1961-1972 của GEORGE ESPER (THE ASSOCIATED PRESS)
* THE VIETNAM WAR DAY BY DAY của JOHN BROWMAN
* AFTER ACTION REPORT, “THE BATTLE OF LOC- NINH” của Thiếu Tá Mark Smith (cố vấn của Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại Lộc Ninh năm 1972)
* THE BATTLE OF AN LOC của tác giả James H. Willbanks, cố vấn của Chiến Đoàn 52, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc năm 1972
B- TÀI LIỆU VÀ NHỮNG SÁCH BẰNG TIẾNG VIỆT* Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III ghi về Trận Chiến An Lộc năm 1972 :
• Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc
• Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh đặc trách Chiến Trường Ngoại Biên và An Lộc
• Trung Tá Huỳnh Văn Bé, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn 3/Quân Khu III
* TRUNG ĐOÀN 8 BỘ BINH VÀ TRẬN CHIẾN AN LỘC của Chuẩn Tướng MẠCH VĂN TRƯỚNG, Nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh
* THIÊN ANH HÙNG CA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ của Phạm Phong Dinh (về Sư Đoàn 18 Bộ Binh, tác giả trích từ cuốn băng cassette của Tướng Lê Minh Đảo gửi cho tác giả).
* AN LỘC ANH DŨNG của nhà xuất bản Đại Nam phát hành năm 1972
* VIỆT NAM THÔNG TẤN XÃ (các bản tin liên quan tới Trận AN LỘC và trích bản của sách báo ngoại quốc ca tụng về Trận AN LỘC)
* LỮ ĐOÀN 1 NHẨY DÙ của Vương Hồng Anh
* AN LỘC – MÙA HÈ ĐỎ LỬA của Phan Nhật Nam
* Tưởng niệm 30 tháng 04 : tử chiến với Cộng Quân trước giờ G do Vương Hồng Anh tổng hợp trích trong bản tin Việt Báo ngày 30 tháng 04 năm 2004 (Mục Tham Khảo)
* “Mẹ Viêt Nam ơi, dân ta có tộI tình gì” của tác giả Pierre Darcourt, do Dương Hiếu Nghĩa dịch thuật, trích trong Đặc San “Thế Giới” tháng 05 năm 2004, trang 22, chương XIII.
* Hồi ký của Thượng Tướng Cộng Sản Bắc Việt Hoàng Cầm : ”Chặng Đường Mười Nghìn Ngày”.
C- CÁC MẠNG LƯỚI TOÀN CẦU:
* BIỆT ĐỘNG QUÂN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ
* BIỆT CÁCH DÙ VÀ LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ
* WEBSITES của Viện Đại Học Rice, Houston, Texas : những bài liên quan đến trận chiến An Lộc và cuộc chiến tranh Việt Nam do bà Lê Thị Kiêm Liễu sưu khảo và biên soạn.
* WEBSITE “VIỆT NAM LỊCH SỬ 1954-1975”* 362avnco.com.anloc1.html
* freevb.org/qlvnch/Jennifer/anloc_e1.html
D- TÀI LIỆU CỦA NHỮNG NHÂN CHỨNG SỐNG đã từng trực tiếp chiến đấu hoặc có mặt tại An Lộc trong thời gian cuộc chiến, hiện đang có mặt tại Tiểu Bang TEXAS, CALIFORNIA và tại các tiểu bang khác trên đất nước Hoa Kỳ cũng như đang cư ngụ tại Pháp, Úc, Canada và các nước tự do khác trên thế giới, v.v… gửi về cho Ban Biên Soạn ở Tiểu Bang TEXAS, Hoa Kỳ.
CHƯƠNG 2 - BỐI CẢNH MÙA HÈ ĐỎ LỬA
MÙA HÈ ĐỎ LỬA, một mùa hè thời gian dài như thế kỷ đối với người dân cũng như người Chiến Sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong năm 1972. Mùa Hè Đỏ Lửa, bắt đầu vào ngày 30 tháng 03 năm 1972, khi Quân Cộng Sản Bắc Việt xua toàn bộ 14 Sư Đoàn quân chính quy, khoảng 120,000 quân Bộ chiến + 1200 chiến xa đủ loại, chia làm 3 mũi tấn công vào lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta tại BA mặt trận : QUẢNG TRỊ (30 Tháng 03); KONTUM (14 Tháng 04), và AN LỘC, TỈNH BÌNH LONG (05 Tháng 04 năm 1972). (1)
Chú thích (1) :“Thiết Giáp! The Battle of An Lộc, April 1972”, tác giả Trung Tá James H. Willbanks. Combined Arms Research Li- brary (Command and General Staff College). Đề mục The North Vietnamese Strategy trang 8-10/64.
Kết cuộc là Quân Cộng Sản Bắc Việt đã bị QUÂN DÂN VIỆT NAM CỘNG HOÀ anh dũng đánh lui toàn bộ. Địch quân đành phải chịu ngậm đắng nuốt cay, rút lui và phải để lại chiến trường hơn 2/3 nhân mạng tử vong, bị thương, và hầu như toàn bộ chiến cụ nặng như Chiến Xa T.54, PT.76, các chiến xa cơ động phòng không, các khẩu pháo tầm xa 130 ly, và các giàn phóng hoả tiễn 107 ly và 122 ly, bị huỷ diệt (xem bản đồ 1).
Tại lãnh thổ Quân Đoàn 3/Quân Khu III (Việt Nam Cộng Hoà), Cộng quân tung 4 Sư Đoàn gọi là Công Trường (C.T.) như Công Trường 5, Công Trường 7, Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt và Công Trường Bình Long tân lập của Cục R. Từ biên giới Cambodia, quân Cộng Sản Bắc Việt ồ ạt tấn công vào thị xã nhỏ bé An Lộc, một thị xã có khoảng 20,000 dân trên một diện tích khoảng 4 cây số vuông bên trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Địa danh An Lộc là thị xã của tỉnh lỵ Bình Long với tổng số khoảng 45,000 dân, trên diện tích khoảng 2,240 cây số vuông, Bắc và Tây giáp ranh nước Cambodia, Đông giáp ranh Tỉnh Phước Long (Việt Nam Cộng Hoà), Nam giáp ranh Tỉnh Bình Dương (Việt Nam Cộng Hoà), Tây Nam giáp ranh Tỉnh Tây Ninh (Việt Nam Cộng Hoà), Nằm dọc theo Quốc Lộ 13, từ ranh giới nước Việt Nam Cộng Hoà và nước Cambodia, với những rừng cây cao su ngút ngàn, và vài ngọn đồi thoai thoải chung quanh thị trấn: Đồi 100 về hướng Tây, Đồi Đồng Long về hướng Bắc, Đồi Gió và Đồi 169 về Đông Nam. Đó là những cao thế địa hình dùng làm các cứ điểm quân sự rất thuận lợi trong việc phòng thủ bảo vệ Thị xã AN LỘC. Thị xã An Lộc chỉ cách Thủ Đô SÀI GÒN 100 cây số về hướng Bắc. Mục đích của địch là tạo áp lực quân sự trước cửa ngõ Thủ đô nước Việt Nam Cộng Hoà (Sài Gòn), và ra mắt Chính phủ của cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (là công cụ bù nhìn của Cộng Sản Bắc Việt đẻ ra), đồng thời để hổ trợ cho hoà đàm Ba Lê đang hồi kết thúc.
Từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 04 năm 1972, địch mở màn bằng các trận đánh dương Đông kích Tây trên Quốc Lộ 22 phía Bắc tỉnh Tây Ninh, và đã tung vào trận chiến đơn vị C30B, gồm 2 Trung Đoàn là Trung Đoàn 24 địa phương và Trung Đoàn 271 của Công Trường 9, 2 tiểu đoàn đặc công, và 1 đơn vị thiết giáp (gồm 6 chiếc M.41 và M.113 chiến lợi phẩm chiếm được của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà),và 1 tiểu đoàn súng cối và phòng không 12 ly 8, mục đích để cầm chân Sư Đoàn 25 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà đang có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ Tình/Tiểu Khu Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An, tạo THẾ NGHI BINH (Tây Ninh là DIỆN) nhưng ĐIỂM là Bình Long (AN LỘC).
Mặt trận An Lộc được khởi diễn vào đêm 04 rạng 05 tháng 04 năm 1972 khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt xuất phát từ biên giới Cambodia xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà tấn công quận lỵ Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, rồi đến Tỉnh Lỵ Bình Long ( An Lộc ) cho đến :
* ngày 07 tháng 07 năm 1972 là ngày được xem như kết thúc trận chiến, là ngày toàn thắng của Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc Bình Long, sau 93 ngày đêm tử thủ,
* ngày mà cả 4 Công Trường quân Cộng Sản Bắc Việt bị Quân Dân tỉnh Bình Long đánh tan nát, gây kiệt quệ cả về tinh thần lẫn khả năng tác chiến, và buộc phải âm thầm rút lui trong tủi nhục ra khỏi trận chiến, với sự thiệt hại thật nặng nề, về nhân mạng cũng như quân dụng ( khoảng 70 đến 80 % quân số và chiến cụ nặng Chiến Xa T.54 + PT.76 + các xe Thiết Giáp Phòng Không di động + đại bác tầm xa 130 ly + các giàn phóng hoả tiễn 122 và 107 ly bị phá huỷ), do sự phối hợp chiến đấu oai hùng của Quân Dân Cán Chính tỉnh Bình Long chiến đấu trên diện địa, với sự yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ và Việt Nam oanh kích và oanh tạc trên các lộ trình tiến công của địch,
* ngày mà toàn thể Quân Dân Cán Chính tử thủ Bình Long đón chào vị Nguyên Thủ Quốc Gia kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cùng phái đoàn đáp trực thăng xuống An Lộc để ủy lạo và tưởng thưởng cho những Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà hữu công và an ủi thăm hỏi dân chúng tỉnh Bình Long, trong lúc vẫn còn tiếng pháo kích của Cộng quân vào thành phố. Tổng Thống và phái đoàn đã nhìn tận mắt một Thị Xã nhỏ bé với diện tích khoảng 4 cây số vuông bị đổ nát bởi trên 200 ngàn quả pháo đủ loại trên mặt đất, xen lẫn mùi thuốc súng và mùi hôi thối của xác chết xông lên, của khoảng 8 ngàn thường dân vô tội và chiến binh tử vong trong những cơn mưa pháo của địch quân vào thị xã này.
* ngày mà tất cả các vị có mặt trong phái đoàn tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gồm nhiều vị Tướng Lãnh Việt, Pháp, vào ủy lạo Quân, Dân, Cán, Chính tại mặt trận An Lộc, đã chứng kiến tận mắt chiến tích oai hùng này. Sự chiến đấu kiên trì của Quân Dân tỉnh Bình Long đã giáng trả cho đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt một trận để đời. Kết quả của trận chiến An Lộc thậtlà kỳ diệu đã làm đảo ngược những tiên đoán của các nhà quân sự và các giới quan sát Tây Phương có mặt tại Sài Gòn trong thời gian đó. Tướng Vanuxem của Pháp, người từng tham gia trong cuộc chiến Việt Nam, từng là Tư Lệnh Quân Khu Tả Ngạn sông Hồng Bắc Việt trước năm 1954, đã ví trận chiến An Lộc như một Điện Biên Phủ thứ nhì, một trận chiến quyết định tại An Lộc cho Hoà Đàm Ba Lê tương tự như trận Điện Biên Phủ đã quyết định cho Hoà Đàm Genève năm 1954. Lịch sử đã không tái diễn như vậy; lần này Tướng Vanuxem cùng giới quan sát quốc tế rất đổi ngạc nhiên trước một kỳ công to tát của toàn quân và toàn dân Việt Nam Cộng Hoà tại An Lộc, là một chiến tích vĩ đại và điển hình để nói lên tinh thần chiến đấu hào hùng kiên cường bất khuất bằng quyết tâm chống Cộng Sản để bảo vệ lý tưởng Tự Do Dân Chủ cho Miền Nam Việt Nam. Trận chiến An Lộc, một trận chiến lẫy lừng về trình độ tác chiến phòng ngự, đã đi vào quân sử một cách vẻ vang, đã làm rạng danh người Chiến Sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong công cuộc chiến đấu bảo vệ quê cha Đất Tổ Việt Nam,
* ngày mà vị Lãnh Đạo Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà quỳ trước nghĩa trang Biệt Cách Dù, ngậm ngùi cầu nguyện trước Anh Linh của 68 Chiến Sĩ Biệt Cách Dù và hàng ngàn các chiến sĩ thuộc các quân binh chủng và dân thường vô tội khác, đã bỏ mình vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc trong suốt 93 ngày đêm chiến đấu thề quyết tâm tử thủ không ngừng nghỉ tại chiến trường An Lộc,
* ngày mà hai câu thơ của cô giáo Pha được đi vào lịch sử của Trận Chiến Thắng An Lộc :
AN LỘC ĐỊA, SỬ GHI CHIẾN TÍCH
BIỆT CÁCH DÙ VỊ QUỐC VONG THÂN
Chiến thắng An Lộc năm 1972 đã tượng hình từ năm 1971 sau những cuộc hành quân Toàn Thắng của Quân Khu III do cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí phát động, dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ của nước Cambodia) để tiêu diệt Cục R, bản doanh đầu não của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đồng thời là căn cứ hậu cần của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng không may, Đại Tướng Đỗ Cao Trí phải đền xong nợ nước vì lý do chiếc trực thăng chở ông bị nổ tung khi vừa mới cất cánh tại Tây Ninh, đến bây giờ cũng không ai biết đích xác về nguyên nhân gây ra tai nạn này.
Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.
Trong cái thế chẳng đặng đừng, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh buộc lòng phải có quyết định cho lệnh rút các lực lượng cơ hữu của Quân Đoàn 3 trở về nội địa Việt Nam Cộng Hoà để bảo toàn lực lượng, hoàn tất vào ngày 31 tháng 05 năm 1971.
Việc rút đoàn quân trên 2 Sư Đoàn (Sư Đoàn 18 Bộ Binh + 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân + Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh + Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ + Liên Đoàn 30 Công Binh Chiến Đấu) về đến nội địa vừa kịp lúc. Nhờ vậy mà khi quân Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Quân Khu III vào ngày 05 tháng 04 năm 1972, phần lớn lực lượng kể trên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã là thành phần nòng cốt, tương đối đủ khả năng cấp thời để chống trả lại 4 Sư Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.Cuộc rút quân từ chiến trường ngoại biên năm 1971 về nội điạ Việt Nam Cộng Hoà là một cuộc hành quân lui binh đúng lúc trước tình hình biến chuyển ngõ hầu có đủ lực lượng phòng thủ diện địa, nhất là việc phòng thủ An Lộc trong trận chiến năm 1972 khi lực lượng bạn chỉ có một phải chống trả lực lượng địch đông hơn gấp sáu lần, trong khi đó địch có pháo binh và chiến xa yểm trợ trực tiếp, ta không có chiến xa chỉ có các phi vụ B.52 và các phi tuần phản lực của Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Việt Nam Cộng Hoà yểm trợ.
Việc địch quân được biết trước cuộc rút quân là điều tối kỵ của binh pháp và là một chuyện chẳng đặng đừng mà Trung Tướng Nguyễn Văn Minh phải ra lệnh thi hành. Sự kiện này đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm và cuộc đời binh nghiệp không những cho riêng Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, mà còn cho tất cả những chiến sĩ liên quan đến Trận Chiến An Lộc.( xem bản đồ số 1)
CHƯƠNG 3 - MẶT TRẬN LỘC NINH
1. ĐIỂM LÀ AN LỘC, ĐƯỢC KHỞI ĐẦU BẰNG TRẬN TẤN CHIẾM LỘC NINH
Trận tấn chiếm Lộc Ninh được xem như khởi diễn vào khoảng 17 giờ 45 ngày 04 tháng 04 năm 1972, là trận mở màn cho trận chiến An Lộc, khi đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chạm trán nặng và bất ngờ với Trung Đoàn E.6 Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, tại vùng hoạt động 4 cây số, Tây Lộc Ninh. Cả đại đội trinh sát của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, bị địch tràn ngập và tiêu diệt hoàn toàn trong khoảnh khắc, chỉ còn lại một hiệu thính viên mang máy còn sống sót, gọi báo cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, về tình hình chiến xa và bộ binh địch, đang tràn ngập và cận chiến xáp lá cà, với các chiến sĩ trinh sát 9 Việt Nam Cộng Hoà, và đang tiếp tục tiến về hướng Quận Lỵ Lộc Ninh. Người chiến sĩ anh hùng hiệu thính viên, của Đại Đội Trinh Sát, vẫn tiếp tục báo về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tình hình những sự di chuyển của địch, cho đến chiều ngày 06 tháng 04, tiếng nói của Người Hiệu Thính Viên quả cảm, im bặt vào khoàng 18 giờ 30. Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-) Việt Nam Cộng Hoà, mọi người đều biết tình hình chiến trận bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, cùng cố vấn trưởng, và toàn thể các đơn vị trong căn cứ Hoả Lực, kể cả Chi Khu Lộc Ninh, đều ban hành lệnh báo động ứng chiến (2)
Chú thích: (2) After Action Report “The Battle of Loc Ninh” (4-7 April 1972) của tác giả Thiếu Tá Mark Smith, trang 5/13
Lúc 05 giờ 50 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, mở màn cho cuộc tấn công của chiến dịch mà Cộng Quân được mang tên là “Nguyễn Huệ”, Cộng Quân bắt đầu pháo kích vào Quận Lỵ, để dọn đường cho bộ binh và chiến xa đang xâm nhập vào vùng Quận Lỵ Lộc Ninh.
Đến 06 giờ 00 sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972, từ phía Tây và Tây Bắc, Cộng quân tung vào chíến trường Lộc Ninh, Quận Lỵ của Tỉnh Bình Long, khoảng 30 cây số Bắc An Lộc, toàn bộ Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, gồm có Trung Đoàn 275, Trung Đoàn 174, Trung Đoàn E.6, được tăng cường Trung Đoàn 95C của Công Trường 9, + Trung Đoàn địa phương + đại đội chiến xa trực thuộc trung đoàn 203 Chiến Xa hỗn hợp (T.54, PT.76), tổng cộng 10 chiếc tham chiến + Trung Đoàn phòng không cơ động 271, dưới sự yểm trợ hoả lực của Trung Đoàn Pháo nặng 42D 130 ly (tầm xa 30 cây số) + các giàn phóng hoả tiễn 122 ly và 107 ly. Tổng cộng quân số địch tham dự trận mở màn Lộc Ninh vào khoảng 15,000 cán binh cộng sản (Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh).
Phía lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, gồm có các đơn vị : Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh, do Đại Tá Nuyễn Công Vĩnh chỉ huy, Thiết đoàn 1 (-) do Trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy, (gồm các Chiến Xa M.41 + Thiết Vận Xa M.113) + Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, Trung Đội Pháo Binh 105 ly, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát, trực thuộc Chi Khu Lộc Ninh, chỉ huy bởi Trung Tá Nguyễn Đức Thịnh, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lộc Ninh. Tổng cộng quân số khoảng 3,000 chiến binh Việt Nam Cộng Hoà. (Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát). Như vậy, lực lượng tương quan là 1 chống 5.
Khởi đầu trận đánh, quân Cộng Sản Bắc Việt mở trận mưa pháo vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, 5 cây số phía Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà (căn cứ hoả lực Alpha) và Thiết Đoàn 1 (-) đóng tại căn cứ dã chiến (căn cứ Hoa Lư vùng ngã ba Lộc Tấn, dọc theo Quốc Lộ 13 từ Bắc xuống Nam), 10 cây số Bắc Lộc Ninh, cùng lúc pháo vào Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Quận/Chi Khu Lộc Ninh, nơi có các Khẩu Đội 105 ly trú đóng, theo chiến thuật “Bịt Pháo Công Đồn”.
Nhận biết ý đồ của địch, Đại Tá Vĩnh khẩn điện cho Trung Tá Dương cắt bớt một Chi Đoàn gữi trở về cho Chiến Đoàn 9 (-) Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Công Hoà, để phòng thủ Quận Lỵ Lộc Ninh và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, cấp thời di chuyển về phía Nam Quốc Lộ 13.
Chi Đoàn 3/1 hỗn hợp Chiến Xa và Thiết Vận Xa do Trung Úy Lê Văn Hùng làm Chi Đoàn Trưởng, rời vị trí đơn vị Mẹ trong đêm, nhưng khi chỉ còn cách Quận Lỵ Lộc Ninh 5 cây số về hướng Bắc, bị lọt vào ổ phục kích quân địch, có Chiến xa T.54 và PT.76 trợ chiến, và bị mất liên lạc với Thiết Đoàn 1 cũng như Bộ Chỉ Huy/Chiến Đoàn 9 Việt Nam Cộng Hoà, sau nửa giờ giao tranh.
Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 (-) liền báo cáo về cho Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, đã mất liên lạc với đứa con Chi Đoàn 3/1, nhưng tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, tần số liên lạc bị gián đoạn, vì trong giờ phút đó hầm truyền tin của Chiến Đoàn 9 bị Cộng quân pháo sập, mãi cho đến sáng hôm sau, Đại Tá Vĩnh mới lên tần số, Ông chỉ thị cho Trung Tá Dương rút hết lực lượng còn lại tại ngã ba Lộc Tấn gồm Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn (-)Hỗn Hợp (Chi Đoàn 2/1) + Tiểu Đoàn 2/9 (-) tùng thiết và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng + 1 khẩu đội Pháo Binh 105 ly, khẩn rút về tăng cường phòng thủ cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Quận Lỵ Lộc Ninh .
Dọc theo Quốc Lộ 13 xuôi về hướng Nam, khi nhận diện được điểm địch phục kích, mà Chi Đoàn 3/1 bị đánh tan vào đêm trước, Thiết Đoàn 1 (-) thình lình khám phá ra ổ phục kích của địch quân, gồm Chiến xa T.54+ PT.76, và hàng ngàn cán binh, đồng loạt hô xung phong, tiến đánh xáp lá cà, với các chiến sĩ tùng thiết (Tiểu Đoàn 2/9), và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng. Sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt một cách anh dũng trước địch quân đông hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ tùng thiết cùng các con ngựa sắt M.41 và M.113 và Tiểu Đoàn 74 Biệt Đông Quân Biên Phòng, đành phải thúc thủ trước các chiến xa T.54 và PT.76 của Cộng quân.
Trung Tá Dương và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn (-) với 2 Thiết Vận Xa, tung phá vòng vây, vượt được khỏi nơi phục kích khoảng 1 cây số về phía Nam, rồi cũng bị chận đánh, phải bỏ xe mà chạy bộ đến ngày hôm sau,cuối cùng cũng bị Cộng quân chặn bắt cùng với 15 chiến sĩ Thiết Kỵ của Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 1 (-),vào khoảng 11 giờ 00 sáng ngày 07 tháng 04 năm 1972). (3)
Chú thích: (3) Lời tường thuật của nhân chứng sống Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn TrưởngThiết Đoàn 1/5 và Trung Sĩ Lê Hoàng Long thuộc Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng .
06 giờ 00 sáng ngày 06 tháng 04 năm 1972, Cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào các cứ điểm phòng ngự trong Chi khu Lộc Ninh, hơn 3,000 quả pháo đủ loại thi đua nhau nổ trên trận tuyến, bất kể là Quân hay Dân sự, rồi từng đợt biển người ồ ạt tấn công vào hai cứ điểm chánh : Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Bộ Chỉ Huy Quận/ Chi Khu Lộc Ninh .
A.- Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ còn lại Tiểu Đoàn 3/9 + 1 Đại Đội của Tiểu Đoàn 2/9 + thành phần của Pháo Đội 105 ly (còn sử dụng được 6 khẩu), đôi khi phải hạ nòng bắn trực xạ vào Chiến Xa và Bộ binh địch, đang áp dụng chiến thuật xung phong biển người cận kề trước tuyến phòng thủ. Các chiến sĩ Chiến Đoàn 9 và Pháo Đội Pháo Binh, đã đẩy lui nhiều đợt xung phong của Bộ Binh địch có chiến xa T.54 và PT.76 yểm trợ. Trận chiến kéo dài đến chiều tối, Quân Bạn càng lúc càng ít đi vì bị thương và tử trận trên chiến tuyến, còn địch, càng lúc càng đông, cho đến khi phòng tuyến phía Bắc và Đông Bắc bị Cộng quân tràn ngập, Đại Tá Vĩnh cùng Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, các cố vấn Mỹ và một số anh em của Pháo Đội Pháo Binh, sau khi phá hủy hết các các khẩu đại pháo, rút ra khỏi vị trí phòng thủ, đồng thời nhờ Đại Uý Mark Smith, cố vấn Mỹ, gọi các phi tuần phản lực Hoa Kỳ đánh bom Napalm thiêu gọn bọn quỷ đỏ đang tràn ngập căn cứ. Cố vấn trưởng Trung Tá Richard Schott, vì bị thương nặng biết là không thể chạy được, đã tự sát để cho những người cố vấn khác có cơ hội thoát ra được. (4)
Chú thích: (4) After Action Report “The Battle of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith trang 11/13
Và sau đó, đoàn quân còn lại chưa đầy 100 quân, lần mò trong đêm tối, rút về phía Nam, lại bị địch chận đánh, khiến mọi người bị tản mác thất lạc., Đại Tá Vĩnh cùng một số chiến sĩ còn lại của Chiến Đoàn 9 và vị cố vấn Mỹ duy nhất còn lại là Đại Úy Mark A. Smith, buộc phải buông súng đầu hàng. Riêng Đại Tá Vĩnh, một quân nhân già dặn và can đảm, bị bắt khi mình mẩy và bộ đồ trận trên thân người đẫm đầy máu, vì bị nhiều thương tích trong lúc chiến dấu.
Tần số liên lạc của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, im bặt vào lúc 10 giờ 30 tối đêm 06 tháng 04 năm 1972.
B.- Tại Bộ Chỉ Huy Quận/Chi Khu Lộc Ninh: Sau khi mất liên lạc truyền tin với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, ngầm biết Chiến Đoàn 9 đã tan, và sau khi biết lực lượng của Thiết Đoàn 9 (-)và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng từ phía Bắc rút về đã bị đánh tan,cũng như lực lượng tiếp ứng từ phía Nam bị chận đánh, phải tháo lui trở lại, Trung Tá Thịnh liền họp Bộ Chỉ Huy Chi Khu và cố vấn trưởng, Thiếu Tá Thomas A. Davidson, quyết định phân tán rút lui,lợi dụng trời tối, vượt hàng rào phòng thủ về hướng Nam để vượt thoát vòng vây.
Trung Tá Thịnh là con người có vóc dáng nhỏ, nhanh nhẹn, da ngăm đen, nhưng thật rắn rỏi và kiên cường, sau khi thoát được vòng vây, len lỏi trong rừng sống như đồng bào Thượng, đôi lần gặp mặt Cộng quân, nhưng Trung Tá Thịnh làm bộ trả lời nhiều câu hỏi bằng tiếng Việt không thông, nên bị chúng đuổi đi, vì ngỡ rằng là Người Thiểu Số. Bôn ba lặn lội đầy gian lao khổ cực, cuối cùng cũng về đến An Lộc vài ngày sau đó. Trung Tá Thịnh được trực thăng bốc về Lai Khê, và sau khi nghỉ ngơi, sức khỏe và tinh thần được hồi phục, Trung Tá Thịnh được Trung Tướng NGUYÊN VĂN MINH, Tư LệnhQuân Đoàn3/Quân Khu III, bổ nhiệm làm Quận Trưởng /Chi Khu Trưởng Chi Khu Võ Đắc, thuộc Tỉnh Bình Tuy vào tháng 08 năm 1972. Còn cố vấn trưởng chi khu Thiếu Tá Thomas A. Davidson, chỉ sau đó 4 ngày, đã về đến phía Đông An Lộc, được một đơn vị Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hoà đang án ngữ phía Đông tiếp cứu, vào ngày 10 tháng 04 năm 1972.
Riêng Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đang trú đóng tại căn cứ hoả lực Alpha (5 cây số phía Nam biên giới Việt Miên) liên tục bị địch quân pháo kích, và gia tăng áp lực tấn công, nên phải âm thầm rút lui trong đêm tối xuôi về phía Nam sau khi đã phá hủy hoàn tòan các khẩu pháo trong căn cứ trong đêm 05- 04-72, và rồi sáp nhập với Thiết Đoàn 1 (-) của Trung Tá Dương cùng di chuyển về Lộc Ninh và sau đó, bị đánh tan giữa đường.
Mặt trận Lộc Ninh kể như chấm dứt sau 48 giờ giao tranh ác liệt, Quân Cộng Sản Bắc Việt đã làm chủ tình hình chiến trận.(Xem bản đồ số 2)
2. CÂU CHUYỆN SAU TRẬN LỘC NINH
Sau khi làm chủ tình hình tại Quận Lộc Ninh, Cộng quân liền trưng dụng tất cả các xe chở hàng và chở hành khách của dân chúng, ép buộc những tài xế của những xe này phải tuân lệnh chúng, lái xe để chuyên chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ, từ Lộc Ninh về khu đồn điền cao su Mimot, trong nội địa Cambodia và trong chuyến trở lại, chở các cán binh bổ sung cho các đơn vị Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt.
Một trong những tài xế, cũng là chủ nhân của chiếc xe hàng đang hành nghề chuyên chở những bành mủ cao su cho các đồn điền Pháp từ Lộc Ninh về Sài Gòn tên là Nguyễn Văn Nại, 42 tuổi (vào thời điểm năm 1972), là cậu ruột của chiến hữu Không Quân Trần Văn Long,đang hành nghề địa ốc (Broker) tại Austin,TX. Chiến hữu Long kể lạI rằng, khi ông cậu còn sống đã kể lại cho chiến hữu Long nghe, cuộc đào thoát đầy gian truân và nước mắt, của gia đình ông cậu như sau :
Vào các ngày 07 và 08 tháng 04 năm 1972. ông Nại bị Công quân bắt buộc dùng chiếc xe hàng của ông để làm công việc chuyển vận, Ông không bằng lòng lái xe, Cộng quân hăm dọa, đem cả gia đình gồm vợ và 3 con nhỏ, tuổi từ 12 đến 2, ra bắn bỏ, buộc lòng ông Nại phải lái xe cho Cộng quân. Lái từ buổi trưa ngày 07 tháng 04 năm 1972 đến Mimot rồi trở về Lộc Ninh. Đến chiều ngày 08-04-1972. Ông Nại cởi chiếc đồng hồ vàng đeo trên tay, lo lót cho một tên cán bộ Cộng Sản, đặc trách kiểm soát đoàn xe tại bến xe Lộc Ninh, Ông xin phép được về nhà cũng tại Lộc Ninh để thăm gia đình, xem vợ con như thế nào. Ông hứa khi xong, sẽ trở lại lái xe như thường. Tên cán bộ nhìn thấy chiếc đồng hồ vàng, cũng ưng thuận ngay, và dặn dò về nhà xong rồi phải trở lại liền, Ông Nại cám ơn, rồi chạy bộ trở về nhà. Trong lúc đó, gia đình vợ và 3 con của ông cũng đang lo chuẩn bị rời bỏ nơi cư ngụ tại Lộc Ninh, để về Bình Dương. Vợ ông đã móc nối được với một người Thượng trước đây đã giúp cho ông Nại trong việc chuyên chở mủ cao su. Người Thượng này rất thông thuộc đường rừng từ Lộc Ninh về An Lộc, chịu hướng dẫn gia đình ông Nại trốn chạy.
Trời vừa tối, gia đình ông Nại được người Thượng hướng dẫn rời Lộc Ninh băng tắt đường rừng về An Lộc.
Dọc đường, khi băng xuyên qua một con suối, phía trên có cầu bắt ngang, phía trên cầu có nhiều cán binh Cộng Sản di chuyển qua lại, thì bỗng nhiên đứa con trai 2 tuổi ré lên tiếng khóc. Sợ bị bại lộ, ông Nại liền bịt miệng và bóp cổ đứa trẻ, để không thoát ra tiếng khóc, đồng thời thúc dục gia đình vượt qua giòng suối dưới chân cầu. Tay ông bóp cổ người con không biết nặng nhẹ như thế nào mà sau đó ít phút, ông thấy người con buông xuôi hay tay không còn nhúc nhích được nữa, Ông nghĩ rằng đứa con ông đã chết, ông cũng không dám nói với vợ ông.
Đến khi vượt qua cái chỗ nguy hiểm, ông ngừng lại và cùng với mọi người lo cứu cấp đứa trẻ,nhưng cũng vẫn không thấy cử động. Ông đành rơi nước mắt,vác con trên vai, lòng thì thật sự tan nát, cùng mọi người tiếp tục vượt rừng hướng về An Lộc. Sau 3 đêm 2 ngày, gia đình ông Nại cũng về đến được An Lộc.Trên đường di chuyễn, khi dừng chân, ông Nại đặt con xuống bên lề đường, nhưng lại cảm thấy đứa nhỏ đã bắt đầu cử động. Nhìn kỹ lại, thì thấy đứa bé còn sống. Thật là cám ơn Trời Phật, và sau đó gia đình ông Nại theo đoàn dân di tản lội bộ từ Bình Long đến tỉnh Bình Dương. Gia đình ông được tạm cư tại nhà một người bà con tại Tỉnh Bình Dương, sau đó 4 năm ông Nại qua đời, gia đình và đứa bé 2 tuổi (1972) đến nay đã 36 tuổi đã có vợ con và vẫn còn ở tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam.
3. KẾT QUẢ TỔN THẤT ĐÔI BÊN:
ĐỊCH: 2,150 tử trận 2 T.54 + 1 PT.76 bị Pháo Binh Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ.
BẠN: 600 tử trận và 2,400 bị địch bắt làm tù binh . Thiết Đoàn 1 (-) gồm 38 Chiến Xa M.41 và Thiết Vận Xa M.113 bị địch chiếm đoạt hay bị địch bắn hạ.
1 Pháo Đội của Căn Cứ Alpha+ Khẩu Đội Pháo Binh của Chiến Đoàn 9 tăng cường (8 khẩu 105 ly và 155 ly, được phá huỷ hoặc bị hư hại).
DÂN CHÚNG: Ước độ 200 chết và 300 bị thương, và một số thường dân bị bắt dẫn về biên giới Miên để làm dân công tải đạn hoặc làm tài xế lái xe vận tải.
4. BÌNH LUẬN TRẬN CHIẾN LỘC NINH
A.- Cộng quân đã thành công trong chiến thuật gọi là bỏ qua tuyến phòng thủ phía trước, như Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng và Thiết Đoàn 1 (-) Kỵ Binh của Việt Nam Cộng Hoà, và huy động nguyên cả Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt + 1 Đại Đội Chiến Xa của Trung Đoàn 203, chĩa mũi dùi chính, chia làm 3 hướng Tây, Bắc và Đông đánh thẳng vào Bộ Chỉ Huy đầu não của Chiến Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà và Quận/Chi Khu Lộc Ninh, với quan niệm, tạo áp lực tấn công, tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 và Chi Khu Lộc Ninh, thì lực lượng vòng ngoài, sẽ phải co rúm lại (rút về) để tiếp ứng, và vì muốn tiếp ứng kịp thời, thì phải vội vã rút lui, kém đề cao cảnh giác, nên chỉ cần tổ chức một cuộc phục kích cấp Trung đoàn có xe tăng T.54 trợ chiến, là có thể tiêu diệt được đoàn quân bên ngoài rút về tiếp ứng.(Trung Đoàn 95 C Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đảm trách trận đánh này),Khi cái vỏ bên ngoài bị đánh bể, thì ruột bên trong sẽ không còn ai tiếp ứng phòng vệ, công thêm phải đương đầu với một lực lượng nhiều lần đông hơn, và khí thế mạnh hơn, tất nhiên phải thất thủ hay đầu hàng . (Lộc Ninh thất thủ sớm hơn 3 ngày, chiếu theo ước tính của Bộ Chỉ Huy chiến dịch Miền Cộng Sản Bắc Việt).
B.- Đây là trận đánh mà Cộng quân đã chuẩn bị tương đối dầy đủ, như xây dựng một con lộ ngầm dưới mặt nước của một con suối, ăn thông ngang qua rừng từ Lộc Ninh về biên giới Miên, chính con lộ ngầm này, Cộng quân dùng để di chuyển các chiến lợi phẩm và tù binh Việt Mỹ xuyên qua Miên; Đã gây cho phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hai cái bất ngờ : 1.- Áp dụng chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển người), 2.- lần đầu tiên xử dụng chiến xa tại chiến trường Miền Nam cho nên binh sĩ vả kể cả cấp chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bị mất tinh thần ngay từ giờ phút đầu, khi thấy xe tăng của địch xuất hiện, tạimột nơi mà theo lý thuyết các chiến xa này không thể đến được.
C.- Tham khảo theo tài liệu của một nhân chứng sống, tựa để là After Action Report, the Battle of Lộc Ninh, của cựu Đại Uý cố vấn Mỹ, của Chiến Đoàn 9/Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Mark Smith viết lại, thì giữa vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9 Việt Nam Cộng Hoà Đại Tá Vĩnh và toán Cố Vấn Mỹ (Trung Tá Richard Schott, Thiếu Tá Albert E. Carlson, Đại Úy Mark A. Smith, Trung Sị Nhất Thường Vụ Howard Lull, Trung Sĩ Kenneth Wallingford có một sự bất đồng sâu đậm trong việc phối hợp điều quân để chống trả quân địch (5)
Chú thích: (5) After Action Report, “The Battle Of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith trang 3/13
D.- Về cái chết oanh liệt của cố vấn trưởng, Trung Tá Schott, đã phải tự sát vì vết thương trên đầu quá nặng, để cho các cố vấn còn lại khỏi phải vướng bận về ông khi trên đường rút lui ra khỏi căn cứ phòng thủ. Tài liệu này còn viết rằng, sau khi toán cố vấn Mỹ rút ra khỏi vị trí, thì Đại Úy Smith còn quay trở lại để định kéo xác Trung Tá Schott, nhưng khi vừa tới nơi đã thấy ba tên Cộng Sản Bắc Việt đang quay quần bên xác chết, tước lon, lột bảng tên và một tên thì đang dùng dao định cắt đầu ngườI chết . Thật là bọn man rợ vô lương tri, cả ngườI chết rồi mà cũng không tha, còn lột lon, lắc đầu.( Theo lời cựu Trung Tá James Willbanks, tác giả quyền The Battle of An Lộc, vào năm 2002. toán Tìm Những Người Mỹ Mất Tích Tại Việt Nam, Lào và Cao Miên, đã tìm thấy hài cốt của Trung Tá Schott tại địa đểm hầm chỉ huy của Chiến Đoàn 9 cũ (thời điểm 1972) bây giờ đã là một khu vườn trồng cây hột điều (6) .
Chú thích: (6) The Battle of An Lộc, James Willbanks, trang 177.
CHƯƠNG 4 - MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ
(15 cây số Bắc An Lộc)
1. DIỄN TIẾN
Theo tin tức tình báo ghi nhận được, sau khi Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt làm chủ tình hình Lộc Ninh, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt và Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R), di chuyển vào trú đóng trong vùng Lộc Ninh. Còn hậu cần và Cơ Sở Chỉ Huy Chiến Dịch Nguyễn Huệ vẫn còn trú đóng trong vùng đồn điền cao su Mimot gần quốc lộ 7 trên lãnh thổ Cambodia.
Theo lệnh của Hà Nội, tất cả các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt tại Mặt Trận Bắc Quân Khu III trong chiến dịch Nguyễn Huệ, phải dứt điểm An Lộc trước ngày 20 tháng 04 năm 1972, để ra mắt cái Chính Phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau khi thành công trong việc tấn chiếm Lộc Ninh, phải tạm dừng quân, để chỉnh đốn hàng ngũ, bổ sung quân số, tái tiếp tế lương thực, đạn dược, nhiên liệu, di tản tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ trở lui về điểm tiếp nhận hậu cần, v.v…, trước khi tiếp tục tiến về hướng Nam (An Lộc) để tiếp xúc với các cánh quân của Công Trường Bình Long và Công Trường 9 đang có mặt trong vùng, từ 5 đến 10 cây số phía Bắc, và Công Trường 7 đang hình thành tuyến phục kích tại vùng phía Nam An Lộc.
Việc Bổ Sung Quân Số : Cộng quân dùng phương cách di chuyển bằng đường bộ, cả bằng xe vận tải đủ cỡ,kể cả xe hàng dân sự mà chúng trưng dụng, lẫn những xe GMC của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà còn bỏ lại. Chuyến đi thì chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ trong đó có Đại Úy Smith, chuyến về thì chở cán binh bổ sung cho chúng.
Việc Tái Tiếp Tế : Cộng Sản Bắc Việt chủ trương nguồn bổ sung dựa vào chiến lợi phẩm, tịch thu được của quân dân Việt Nam Công Hoà.
a.- Về lương thực, quân Cộng Sản Bắc Việt, cho tìm các nơi có dự trữ gạo của quân dân Việt Nam Cộng Hoà, cho lệnh lục soát trên người từng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà, kể cả sống hay chết, để tịch thu hết các khẩu phần lương khô, rồi phân phát lại cho tất cả các cán binh Cộng Sản, bất cần đến sự đói no của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà;
b.- vể đạn dược và nhiên liệu: quân Cộng Sản Bắc Việt cho lệnh đi tìm các kho xăng dự trữ của Quân Dân Việt Nam Cộng Hoà, ngay cả trong bình chứa xăng của những chiến xa M.113, M.41 và cả những xe đò chở hành khách, xe chở hàng dân sự, ở những chiếc nào không còn dùng được để châm vào những trang bị cơ giới, cũng như tất cả đạn và vũ khí đủ loại còn sử dụng được nhầt là đạn súng cối 81 ly, Cộng quân sẽ dùng được cho súng cối 82 ly của các đơn vị bộ binh Cộng Sản Bắc Việt.
c.- nhân lực cho việc khuân vác, Cộng quân bắt cả Quân lẫn Dân Việt Nam Cộng Hoà đi làm tạp dịch và khuân vác.
Tất cả công việc này, Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt, phải hấp tấp thực thi cả tuần lễ, mà vẫn chưa hoàn tất, dưới áp lực càng lúc càng đè nặng bởi các vụ oanh tạc, đủ loại, của Không Lực Hoa Kỳ.
Một trung đoàn của Công Trường Bình Long và 1 trung đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt đã tổ chức tuyến phục kích dài 3 cây số trên Quốc Lộ.13 hướng lên Lộc Ninh, để chặn đánh Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đang đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, do Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh làm Chiến Đoàn Trưởng. Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, còn có tên là Hùng Tâm, đóng tại vị trí 3 cây số phía Đông cầu Cần Lê, trên Liên Tỉnh Lộ 17. Hai trung đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, có hai nhiệm vụ chính yếu là chận đánh viện quân của Việt Nam Cộng Hoà từ hướng An Lộc lên tiếp viện và chận bắt các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà tháo lui từ Lộc Ninh về An Lộc.
Trận chiến Cầu CẦN LÊ khởi diễn vào sáng sớm ngày 06-04-1972. Khi nhận được lệnh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, từ Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy, đang có mặt tại An Lộc . Lệnh tức tốc gửi một Tiểu Đoàn lên tăng viện Lộc Ninh - Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52, liền xuất quân đi cứu viện. Xuất phát từ Liên Tỉnh Lộ 17, Tiểu Đoàn 2 Chiến Đoàn 52 vừa ra đến ngã ba Quốc Lộ 13 và Liên Tỉnh Lộ 17, bị 2 Trung Đoàn của Công Trường Bình Long và Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt phục kích chận đánh.
Sau một giờ chống trả mãnh liệt, với sự yểm trợ không ngừng của các khẩu Pháo 105 và 155 ly trong căn cứ hoả lực Hùng Tâm, Tiểu Đoàn 2/52 đã gây cho địch tổn thất thật đáng kể. Mặc dù được Pháo Binh yểm trợ rất đắc lực, Tiểu Đoàn 2/52 vẫn không thể tiến lên được, và trước áp lực địch càng lúc càng gia tăng, vị Tiểu Đoàn Trưởng, gọi máy về cho Trung Tá Thịnh, xin lệnh rút lui trở về căn cứ với sự thiệt hại trung bình.
Khi 2 Trung Đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt khai hoả chận viện, tại ngã ba Liên Tỉnh Lộ 17 và Quốc Lộ, phía Đông căn cứ, cùng lúc căn cứ hoả lực Hùng Tâm bắt đầu bị pháo kích, và thấy địch xuất hiện ở mặt phía Tây và Tây Bắc của căn cứ hoả lực. Như vậy thì cả ba mặt Đông, Tây và TâY Bắc, đều nhận thấy có địch, áp lực càng lúc càng nặng.Để bảo toãn lực lượng, Trung Tá THỊNH khẩn điện về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trình sự việc lên Tướng Hưng, xin cho rút lui khỏi căn cứ di chuyễn về An Lộc. Nhận được sự chấp thuận của Tướng Hưng vào đêm 07 tháng 04 năm 1972.
Cuộc hành quân triệt thoái của Chiến Đoàn 52 (-) bắt đầu vào sáng ngày 8 tháng 04 năm 1972. Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 48 (tăng phái cho Chiến Đoàn 52), do Thiếu Tá Nguyễn Yêm, Tiểu Đoàn Trưởng, dẫn đầu, cũng theo Liên Tỉnh Lộ 17 tiến về phía Đông. Trên đường từ Liên Tỉnh Lộ 17 ra Quốc Lộ 13, cánh quân đầu của Tiểu Đoàn 1/48 chạm địch, trong khi đó phía sau là đoàn xe 20 chiếc kéo theo 6 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly, và các xe chở đạn dược, đi sau cùng là Tiểu Đoàn 2/52 do Thiếu Tá Nguyễn Văn Dưỡng làm Tiểu Đoàn Trưởng. Cộng quân lại tiến công đánh xáp lá cà với các chiến binh Tiểu Đoàn 1/48, lần này, Cố Vấn Trưởng Chiến Đoàn là Trung Tá Walter D. GINGER, gọi trực thăng võ trang và các phi tuần Phản Lực Cơ Hoa Kỳ đến yểm trợ rất đắc lực.
Cuộc chiến kéo dài đến chiều tối, mà vẫn không vượt qua được khỏi tuyến phục kích của Cộng quân, buộc lòng Trung Tá Thịnh phải cho lệnh lui quân trở về căn cứ hoả lực, để phòng thủ qua đêm, chờ tìm biện pháp cho kế hoạch mới.
Kiểm điểm lại, ta mất 3 khẩu pháo 105 ly. Một số chiến sĩ bị thương và tử trận được mang trở về căn cứ hoả lực. Trung Tá Thịnh khẩn báo tình hình lên Tướng Hưng, nhất là khi thấy một số đông lực lượng Cộng quân đang chuẩn bị dứt điểm Căn Cứ Hoả Lực. Tướng Hưng ra lệnh cho Chiến Đoàn 52 Bộ Binh (-) phá huỷ hết chiến cụ nặng, chỉ còn lại BỘ BINH mà thôi, băng tắt đường rừng về An Lộc càng sớm càng tốt.
Sau khi thi hành lệnh phá huỷ các chiến cụ nặng, gồm các khẩu pháo, đạn dược và tất cả xe cộ, Chiến Đoàn 52 (-) được rảnh tay. Vào lúc 08 giờ sáng ngày 09 tháng 04 năm 1972, Chiến Đoàn 52 (-), tái xuất phát, trực chỉ về An Lộc. Lần này Tiểu Đoàn 1/48, được lãnh ấn tiên phong dẩn đầu đoàn quân, chặng giữa là Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, đoạn hậu thì giao cho Tiểu Đoàn 2/52, có nhiệm vụ làm thế nghi binh, mặt Tây và Tây Bắc (Căn Cứ Hoả Lực), phòng hờ các cánh quân của Cộng Sản Bắc Việt truy kích cắt đứt đoàn quân đang di chuyển. Nói về Tiểu Đoàn 1/48 khai thông đường máu, đánh tan cánh quân địch trên Liên Tỉnh Lộ 17, thừa thắng xông lên quét tan một đơn vị khác của địch trên Quốc Lộ 13, rồi trực chỉ về phía Nam hướng An Lộc. Khi được tin Tiểu Đoàn 1/48 phá vỡ tuyến phục kích đầu, Tiểu Đoàn 2/52 liền rời vị trí Căn Cứ Hoả Lực di chuyển tiếp nối với đoàn quân bạn đang trên lộ trình ép về phía Đông ven rừng.
Sau khi được báo động Chiến Đoàn 52 (-), đột phá vòng vây, rút lui, các cánh quân Cộng Sản Bắc Việt liền tập trung truy kích, trung đoàn của Công Trường Bình Long bọc chận đầu Tiểu Đoàn 1/48 còn 1 đơn vị khác của Cộng Sản Bắc Việt rượt đuổi kịp và xáp chiến với Tiểu Đoàn 2/52 đang bảo vệ đoạn hậu. Một trận thư hùng đánh xáp lá cà được diễn ra ác liệt. Cố Vấn Mỹ điều động các trực thăng võ trang tác xạ rất chính xác vào các đơn vị Cộng quân đang bao vây ngăn cản đường rút quân của Chiến Đoàn 52 (-). Mặc dầu bị chặn lại giữa đường, nhưng Chiến Đoàn 52 (-) vẫn còn giữ được đội hình, đánh bật Cộng quân ra ngoài. Cuộc chạm trán nẩy lửa này được diễn ra suốt một ngày một đêm. Các Cố vấn Mỹ rất tận tình gọi không quân yểm trợ quân Bạn. Ban ngày thì được các phi tuần phản lực đánh bom Napalm và oanh kích, ban đêm thì có RỒNG GIÀ AC.130 (Spectre Gunship) bao vùng. Đại Úy Cố Vấn Mỹ tên Zumwalt bị miểng của quả B.40 văng trúng mặt, thương tích trầm trọng. Cố Vấn Trưởng, Trung Tá Ginger, xin trực thăng tản thương, giữa các lằn đạn cận kề tại chiến trận, trực thăng vừa đáp xuống để tản thương Đại Uý Zumwalt và một số chiến binh Việt Nam Cộng Hoà bị thương nặng, liền bị ngay một tràng AK.47 bắn bừa lên trực thăng gây tử thương cho một sĩ quan phi hành tên Robert L. Hors và một y tá trên chiếc trực thăng có sơn dấu hồng thập tự đỏ . Trực thăng vẫn được cất cánh an toàn, mặc dù bị thủng nhiều lỗ đạn, nhờ còn viên phi công chánh là Đại Uý John B. Whitehead thuộc Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích Hoa Kỳ điều khiển chiếc trực thăng ra khỏi vùng nguy hiểm (7).
Chú thích: (7) “Thiết Giáp ! The Battle of An Loc”, tác giả Trung Tá James H. Willbanks, trang 19/64
Rồi đến Trung Tá Trung Đoàn Phó Chiến Đoàn 52 (-), Hoàng Văn Hiến và Trung Tá Cố Vấn Trưởng Ginger cùng Trung Sĩ Nhất Winland cũng bị thương, trong khi hướng dẫn các phi tuần phản lực, oanh kích Cộng quân. Mặc dù cả toàn ban Cố Vấn Hoa Kỳ đều đã bị thương tích, Trung Tá Ginger vẫn không gọi trực thăng tản thương rời đơn vị Chiến Đoàn 52 (-).Ông đã ở lại chiến trường, và tận tình hướng dẫn không quân Hoa Kỳ oanh kích, địch quân chết hàng đoàn trong những đợt tập trung xung phong biển người. Thật đáng ca tụng và khen ngợi tinh thần trách nhiệm của toàn thể toán Cố Vấn của Chiến Đoàn 52 (-) Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Mãi hai ngày sau khi Chiến Đoàn 52 (-), đột phá được vòng vây, đến gần An Lộc, thấy đã có được sự an toàn cho đoàn binh lui quân, Trung Tá Ginger mới chịu gọi trực thăng đến tản thương, về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn để chăm sóc vết thương đã có từ hai ngày trước.
Trận chiến được xem như ác liệt và đẫm máu. Tiểu Đoàn 1/48 do Thiếu Tá Nguyễn Yêm, Tiểu Đoàn Trưởng, tả xung hữu đột, như Triệu Tử Long trong trận Tương Dương Trường Bảng thời Tam Quốc Chiến vậy. Cuộc chiến đấu trong thế lui quân kéo dài suốt 2 ngày. Nhờ sự chỉ huy tài ba của Trung Tá Thịnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 (-) và sự tận tình trợ lực của toán Cố Vấn Hoa Kỳ và tất cả các Chiến Sĩ dũng cảm, gan lỳ của Chiến Đoàn 52 (-), cuối cùng đơn vị này cũng về được đến An Lộc vào buổi sáng ngày 11 tháng 04 năm 1972. Chiến Đoàn 52 (-), mặc dầu bị xáp chiến nhiều lần, nhưng vẫn còn giữ được gần 1/2 quân nhân các cấp trên tổng số 1,000 khi khởi phát đến trấn đóng tại Căn Cứ Hoả Lực Hùng Tâm. Riêng Trung Tá Trung Đoàn Phó Hoàng Văn Hiến chẳng may bị mất máu quá nhiều trên đường di chuyễn, đã trút hơi thở cuối cùng trước khi về đến An Lộc.
Tương quan lực lượng của trận cầu CẦN LÊ được ghi nhận như sau:
ĐỊCH: Công Trường Bình Long Cộng Sản Bắc Việt gồm có 3 Trung Đoàn bộ chiến: Trung Đoàn Thép, Trung Đoàn Đồng Nai, và Trung Đoàn Phước Long. Tại mặt trận Cầu Cần Lê địch chỉ sử dụng có hai trung đoàn: Trung Đoàn Thép của Công Trường Bình Long và 1 Trung Đoàn của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, tổng cộng tham dự trận đánh có khoảng 4,400 cán binh bộ chiến, chưa kể Sư Đoàn Pháo 69 yểm trợ hoả lực.
BẠN: Chiến Đoàn 52 (-) = 900 chiến sĩ + Pháo Đội Pháo Binh hổn hợp = 100. Tổng cộng : 1,000 Binh Sĩ.
SO SÁNH THỰC LỰC: 1 chống 4. Có một đơn vị Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ : Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích.
2. TỔN THẤT ĐÔI BÊN
ĐỊCH: khoảng 3,200 bị loại khỏi vòng chiến do các Chiến Sĩ Chiến Đoàn 52 (-) bắn hạ và do máy bay oanh kích và tác xạ.
BẠN: Tử thương = Khoảng gần 600 và 1 viên phi công Hoa Kỳ của Tiểu Đoàn 229 Trực Thăng Xung Kích Hoa Kỳ. Tự phá huỷ: 3 khẩu pháo binh 105 ly và 4 khẩu 155 ly, 20 chiếc xe GMC và tất cả đạn dược của Pháo Binh.
Sau khi bứng được Căn Cứ Hoả Lực Cầu Cần Lê, Công Trường Bình Long vượt qua Quốc Lộ 13 tiếp tục di chuyển về hướng Đông, Đông Nam (phi trường Quản Lợi) 5 cây số Đông An Lộc, bủa gọng kềm từ hướng Đông, Đông Bắc, Đơn vị của Công Trường 9, rút thì tiếp tục di chuyển về phía Tây An Lộc, án binh bất động, dường như làm thành phần trừ bị cho Quân Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, còn Công Trường 7 Cộng Sản Bắc Việt thì di chuyển đến tuyến ẩn phục vùng 5 cây số Nam An Lộc xuyên qua các Xã Xa Trạch, Xa Cam, Tân Khai, Tàu Ô đến Quận Chơn Thành Tỉnh Bình Long, tổ chức chốt kiền dọc theo Quốc Lộ 13 về hướng Nam, với ba nhiệm vụ linh động : thứ nhất là chặn bắt hết quân của Việt Nam Cộng Hoà nếu có tháo lui từ An Lộc trở về Bình Dương, thứ hai là tổ chức tuyến phục kích (Chốt Kiền) để chặn viện binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thứ ba là dùng làm nỗ lực chính để tấn công dứt điểm An Lộc khi tình hình chiến trận thuận lợi. Công Trường 7 còn được sự yểm trợ của Sư Đoàn 69 Pháo nặng 130 ly, Tiểu Đoàn Chiến Xa của Trung Đoàn Thiếp Giáp 203 với T.54 và PT.76, Trung Đoàn Cơ Giới Phòng Không và hoả tiễn 122 ly, các đơn vị cấp Trung Đội Bộ Binh của Công Trường 7 còn được trang bị loại vũ khí tối tân của Nga Sô là loại hoả tiễn tầm nhiệt cầm tay SA.7, loại khắc tinh của các trực thăng để khống chế các trực thăng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh bay trên cao độ từ 4,000 đến 7,000 bộ, lập một hàng rào hoả lực dầy đặc trên vùng trời phía Nam An Lộc nhất là tại vùng Xa Cam, khiến cho việc tiếp tế và tản thương về phía Việt Nam Cộng Hoà bị bế tắc.
3. BÌNH LUẬN VỀ CUỘC RÚT LUI CỦA CHIẾN ĐOÀN 52 SƯ ĐOÀN 18 BỘ BINH TẠI MẶT TRẬN CẦU CẦN LÊ.
Tương quan lực lượng giữa đôi bên quá chênh lệch (1 chống 4, trên trận thế “nổi” rút quân, không có công sự như là phòng thủ). Địch quân đã ở vào vị thế Phục Kích và Truy Đuổi cũng như áp dụng chiến thuật thí quân BIỂN NGƯỜI, nhưng vẫn không đánh tan được Chiến Đoàn 52 (-), mà ngược lại còn bị tổn thất gấp 5 lần hơn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Các Chiến Sĩ của Chiến Đoàn 52 (-) trong đó có Tiểu Đoàn 1/48 thật là xuất sắc và thiện chiến, nếu đem so sánh một Tiểu Đoàn 1/48 có thể đánh thủng cả trung đoàn của quân Cộng Sản Bắc Việt phục kích và bao vây.
Vị Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 (-), Trung Tá Nguyễn Bá Thịnh, gốc Dù, từng là cựu Huấn Luyện Viên Khoa Tác Chiến của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, cũng là cấp chỉ huy tài giỏi và linh hoạt ứng phó thật tài tình trong mọi hoàn cảnh và trạng huống ; hay nói cách khác, kỹ thuật lãnh dạo chỉ huy giỏi và rất được các cấp dưới quyền và toàn thể toán cố vấn Mỹ kính nễ. Tinh thần hy sinh cao cả vì chức vụ cố vấn của Trung Tá Walter D. Ginger, dù rằng đã bị thương nhưng không hèn nhát xin tản thương, mà vẫn ở lại mặt trận cùng sống chết với bạn Đồng Minh Việt Nam Cộng Hoà. Một điểm son cho toán cố vấn Sư Đoàn 18 Bộ Binh là ngay khi Chiến Đoàn 52 (-) về đến An Lộc, thấy không còn vị cố vấn nào vì đã bị thương và di tản về Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ tại Sài Gòn để trị liệu Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 18 Bộ Binh liền cắt cử toán cố vấn khác thay thế tức thì để điền khuyết cho Chiến Đoàn 52 (-) tại An Lộc. Trưởng toán là Thiếu Tá Raymond Haney và cố vấn phó là James Willbanks (cũng chính là tác giả của tập tài liệu cho vấn đề tham khảo này). Thành thật ca ngợi tinh thần trách nhiệm toàn thể toán cố vấn Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Đoàn 3 (năm 1972).
Trái lại toán cố vấn Mỹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà thì hơi khác, qua hai sự kiện sau đây:
a.- Ngày 11-04-1972 trong lúc Trung Đoàn 8 Bộ Binh đang sắp toán tại sân bay Dầu Tiếng chờ trực thăng đến bốc thả vào An Lộc thì Trung Tá Abramawith Cố Vấn Trưởng Trung Đoàn 8 Bộ Binh đến nói với Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 Mạch Văn Trường là : - Lệnh của MACV là nơi nào không an toàn thì Cố Vấn Mỹ có quyền không đến. An Lộc sắp trở thành chiến trường đẫm máu, toán Cố Vấn Mỹ Trung Đoàn 8 sẽ đi về Lai Khê, là hậu cứ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, không theo Trung Đoàn vào An Lộc !!! Đại Tá Trường đành phải chấp nhận sự không có mặt của toán Cố Vấn Mỹ khi Trung Đoàn 8 Bộ Binh đổ quân vào An Lộc.
b.- Ngày 07-04-1972, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng di chuyển Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Cố Vấn Mỹ từ Lai Khê lên An Lộc (An Lộc là Quận Châu Thành của Tỉnh Lỵ Bình Long) để thống nhất chỉ huy các lực lượng Chính Quy và Diện Địa của Tiểu Khu Bình Long, tổ chức phòng thủ chống lại cuộc tấn công cấp Quân Đoàn của Việt Cộng âm mưu đánh chiếm Tỉnh Lỵ Bình Long (An Lộc). Nơi đây Công Binh Sư Đoàn đã làm sẵn một căn cứ dã chiến bằng bao cát lót vỉ sắt PAP (Plain Aluminum Plate) khá vững chắc cho Bộ Chỉ Huy Tiền Phuơng Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở phía Đông An Lộc gần ga xe lửa. Tình hình lúc này thì Tỉnh Lỵ Bình Long hoàn toàn bị Việt Cộng bủa lưới bao vây. Pháo binh địch đã bắt đầu bắn vào Tỉnh Lỵ, Địch chỉ mới bắn lai rai để điều chỉnh tác xạ vào các mục tiêu : sân bay, bãi đáp trực thăng, các căn cứ quân sự, và các mục tiêu khác nhu nhà thương, nhà thờ, chùa chiền, và các con đường chính dẫn vào thị xã nhất là các Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 5 và của Tiểu khu Bình Long. Đại Tá Miller Cố Vấn Trưởng nói với Tướng Hưng : Vị trí Bộ Chỉ Huy Hành Quân Sư Đoàn 5 Bộ Binh làm bằng bao cát và vỉ sắt không chống được các loại pháo hạng nặng, hoả tiễn 122 ly của địch quân, nên toán cố vấn ở đây không có đủ an toàn. Ông và toán Cố Vấn Mỹ Sư Đoàn, sẽ rời An Lộc để về lại Lai Khê. Tướng Hưng không đồng ý cho Cố Vấn Mỹ rút khỏi An Lộc. Ông nói :
“Trận chiến sắp tới, Sư Đoàn rất cần Cố Vấn Mỹ để có sự yểm trợ hoả lực về không yểm của không lực Hoa Kỳ, Sự có mặt của Cố Vấn Mỹ ở lại đây rất cần thiết cho vấn đề giúp liên lạc với Không Quân Hoa Kỳ. Nếu Ông muốn có vị trí an toàn hơn, tôi sẽ đưa Ông đi tìm vị trí khác ở gần đây”. Tướng Hưng dắt Đại Tá Miller đi vào trung tâm Thị Xã An Lộc, cạnh bệnh viện Bình Long, nơi đây có một thành lính do quân đội Nhật Hoàng xây cất từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, đúc bằng xi măng cốt sắt, hầm sâu dưới mặt đất, có đường giao thông hào, rất kiên cố, có khả năng chống bom của phi cơ Đồng Minh. (Trại này trước đây được sử dụng làm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, có tên là Trại Đỗ Cao Trí. Năm 1971 Mỹ rút quân, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long dời về Compound Mỹ ở phía Nam An Lộc, Trại Đỗ Cao Trí đang bỏ trống). Quan sát xong, Đại Tá Miller không còn lý do từ chối nên toàn bộ Ban Cố Vấn Mỹ Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa, đã ở lại An Lộc với Tướng Hưng tử thủ suốt 3 tháng. Đại Tá Miller đã giúp Tướng Hưng rất nhiều trong việc sử dụng không lực Hoa Kỳ yểm trợ rất hữu hiệu cho chiến trường An Lộc.
Căn cứ thành chìm này còn có cái tên là “Thành Đỗ Cao Trí”, 800 thước phía Tây Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh cũ.
Một điểm mà chúng tôi muốn luận bàn thêm về Trận Chiến An Lộc, những cái MAY RỦI, VÔ TÌNH của Trận Chiến. Như trường hợp kể trên, nếu không có sự từ chối của Đại Tá Miller ở vào giờ phút chót đó, thì nơi địa điểm cũ (Hầm Nổi) là mục tiêu Pháo của Cộng Quân, đã được Cộng Quân điều nghiên và điều chỉnh toạ độ pháo xong xuôi, cho đến khi Cộng Quân mở cuộc mưa pháo vào An Lộc, căn cứ nổi đó trở thành BÌNH ĐỊA, hứng không biết bao nhiêu quả đạn pháo 130 ly và hoả tiễn, từ những ngày đầu cuộc chiến, và Bộ Chỉ Huy đầu não của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh nếu còn ở vị trí cũ, chắc chắn đã bị chôn vùi dưới đống bao cát và vỉ sắt tung rách tả tơi, trong đó toàn Bộ Tham Mưu kể cả Tướng Hưng có lẽ cũng đã bị chôn vùi và bị banh thây vào đêm 12 qua những ngày 13, 14, tháng 04 năm 1972 rồi. Đó có phải là một trong những cái may mắn do TRỜI ĐỊNH hay không?
Quyết định của Tướng Hưng cho lệnh Chiến Đoàn 52 (-) Bộ Binh phá huỷ hết các Chiến Cụ Nặng, chứng tỏ Tướng Hưng là một vị TƯỚNG GIỎI, TƯỚNG BIẾT ỨNG PHÓ VỚI TÌNH HÌNH VÀ HOÀN CẢNH, LÀ MỘT TƯỚNG BIÊT TRỌNG TÍNH MẠNG BINH SĨ HƠN LÀ CHIẾN CỤ, nhờ vậy các binh sĩ Chiến Đoàn 52 (-) Bộ Binh mới được rảnh rổi tay chân để quần thảo với quân địch đông hơn gấp nhiều lần.
No comments:
Post a Comment