Thursday, March 15, 2012

Đại Tá Phan Văn Huấn / Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù




5- LIÊN ĐOÀN 81 BIỆT CÁCH DÙ THAM CHIẾN
Đến ngày 16 tháng 04 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, được tăng viện cho An Lộc, và khởi phát cuộc phản công tái chiếm lại ½ lãnh thổ phía Bắc An Lộc.
Từng đoàn trực thăng HU1D cất cánh từ căn cứ Lai Khê vào trưa ngày 16 tháng 04 năm 1972 đưa 550 Biệt Cách Nhảy Dù đến chiến trường An Lộc một cách an toàn.
Bãi đổ quân được chọn trên một khoảng ruộng trống, về phía Tây, Tỉnh lộ 245, cách Đồi Gíó 1 cây số về phía Đông Bắc.
Hợp đoàn trực thăng từng đợt 30 chiếc HU1D cho mỗi đợt đổ quân, có 4 trực thăng võ trang hộ tống bao vùng. Đợt đầu thả Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy và 4 toán trinh sát của Liên Đoàn 81 Biệt Cách, do Trung Úy Lê Văn Lợi chỉ huy, cùng Đại Đội 1 do Đại Úy Nguyễn Ích Đoàn chỉ huy và Đại Đội 2 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy; Chuyến thứ nhì gồm có Liên Đoàn Phó, Thiếu Tá Nguyễn văn Lân, cùng Đại Đội 3 do Đại Úy Phạm Châu Tài (có biệt danh là Hổ Xám) chỉ huy, và Đại Đội 4 do Đại Úy Đào Minh Hùng chỉ huy.
Sau khi được an toàn nhảy xuống trận địa, kiểm điểm quân đầy đủ, Trung Tá Huấn liền cho lệnh các đơn vị di chuyển đến chiếm cứ Ấp Srok Gòn, cận kề bên bãi đổ quân, bố trí xong xuôi, Trung Tá Huấn mở tần số truyến tin, liên lạc được với Tướng Hưng (Bộ Chỉ Huy Mặt Trận) và Đại Tá Lưỡng (Lực Lượng Dù) ở phía Nam để được hướng dẫn lộ trình an toàn cũng như tránh ngộ nhận giữa quân bạn trước khi tiến quân vào thành phố.
Trên đường tiến quân vào chiếm Ấp Srok Gòn, đơn vị Biệt Cách đi đầu, báo cáo về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, gặp được hai người Thượng, đang mò mẫm trở về Ấp, để tìm các con BÒ của dân làng đã bỏ chạy ra khỏi Ấp còn để lại từ hơn tuần qua, khi Cộng quân đến chiếm cứ. Với nhiều vết tích hầm hố, giao thông hào chiến đấu, còn nguyên vẹn, hai người dân Thượng còn cho biết, quân Cộng Sản cũng vừa mới rút đi, còn chưa kịp lấp lại hầm hố, đào xới tứ tung.
Chiếu theo tài liệu của nhân chứng sống Biệt Cách Dù, Thiếu Tá Phạm Châu Tài, trong tác phẩm “AN LỘC CHIẾN TRƯỜNG ĐI KHÔNG HẸN”, đoạn “Theo chân đoàn quân ma” có đoạn tường thuật như sau:
“Theo kế hoạch giải vây,hai đơn vị thiện chiến được sử dụng đến là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Cả hai đơn vị nầy đều nhảy thẳng vào An Lộc với hai nhiệm vụ khác nhau, một phía trong và một phía ngoài thị xã.
Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù sẽ quét sạch hành lang vây khốn bên ngoài chu vi phòng thủ và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù mở đường máu đánh thẳng vào An Lộc tiếp tay với quân trú phòng bên trong, chiếm lại phân nửa thành phố đã mất.
Người ta suy nghĩ, kế hoạch này là một ván cờ liều, một kế hoạch đánh xả láng “thí chốt để lấy xe” , và những đơn vị thi hành sẽ là những con thiêu thân bay vào ánh lửa. Đúng vậy, họ là những con chốt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những con chốt đã sang sông, đã nhập cung,và đã trở thành một pháo đài sừng sững trước mặt quân thù.
Ngày 14 tháng 04 năm 1972, từ Quận Chân Thành, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và một pháo đội được trực thăng vận vào một địa điểm cách An Lộc 04 cây số về phía Đông Nam.
Từ Ấp Srock Ton Cui, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù chiếm lĩnh cao điểm 169, còn được gọi là Đồi Gió, đặt 06 khẩu 105 ly, để yểm trợ cho Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn cùng Tiểu đoàn 5 và 8 Nhảy Dù tiến vào An Lộc.
Linh động và bất ngờ là hai yếu trong binh pháp, được Lữ Đoàn 1 Dù khai thác triệt để trong cuộc hành quân nầy.
Cộng quân bao vây An Lộc bị cú bất ngờ khi thấy lính Nhảy Dù xuất hiện phía sau, yếu tố bất ngờ đã làm địch quân hốt hoảng, trận đánh đẫm máu nổ ra và Nhảy Dù đã chiếm ưu thế, mở được một khoảng trống trong vòng vây kín mít từ phía Đông Nam hướng về An Lộc.
Cùng ngày 14 tháng 04 năm 1972 khi Lữ đoàn 1 Nhảy dù được trực thăng vận vào An Lộc, thì từ những khu rừng già vùng Tây Nam Xa Mát dọc theo biên giới Việt- Miên, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đang hành quân, được lệnh triệt xuất để trở về căn cứ Trảng Lớn thuộc Tỉnh Tây Ninh.
Sáng ngày 16 tháng 04 năm 1972 Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được vận chuyển qua Lai Khê bằng trực thăng Chinook CH-46.
12 giờ trưa cùng ngày, khi kho đạn Lai Khê bị đặc công Cộng Sản phá hoại nổ tung, là lúc toàn bộ 550 quân cảm tử của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù sẵn sang tại phi trường Lai Khê để được trực thăng vào An Lộc.
Nắng hè chói chang oi bức, ánh nắng lung linh theo cánh quạt của trực thăng tiễn đưa đoàn quân Ma đi vào vùng đất cấm. Địa điểm đổ quân là những đám ruộng khô cằn, nứt nẻ phía Tây tỉnh lộ 245, chung quanh là những cánh rừng thưa trải dài theo hướng Tây Bắc, khoảng cách 1 cây số đi về phía Đồi Gió.
Phải một hợp đoàn 45 chiếc trực thăng đa dụng HU-1D với hai đợt đổ quân mới thực hiện xong cuộc chuyển quân, và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã vào vùng hành quân lúc 04 giờ chiều ngày 16 tháng 04 năm 1972. Mở tần số liên lạc với Tướng Lê Văn Hưng trong An Lộc và liên lạc với Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù để biết vị trí quân bạn, sau đó nhanh chóng khai triển đội hình chiến đấu di chuyển về hướng Tây, len lỏi theo đường thông thủy giữa hai ngọn đối Gió và 169 âm thầm ngậm tăm mà đi.
Một sự kiện bất ngờ không may xảy đến khi đoàn quân đang di chuyển, một quả bom của Không quân Hoa Kỳ định đánh vào vị trí của Cộng Quân lại rơi ngay vào đội hình đang di chuyển của Biệt Cách Dù, gây thương vong cho một vài binh sĩ, trong đó có Thiếu Úy Lê Đình Chiếu Thiện. Lập tức trái khói vàng được bốc lên cao giữa đoàn quân để phi công nhận diện phía dưới là quân bạn.
Phải mất một thời gian ngắn cho việc tản thương, hai cố vấn Mỹ; Đại Úy Huggings và Thượng sĩ Yearta nhanh chóng liên lạc với Lữ Đoàn 7 Kỵ Binh Không vận Hoa Kỳ yêu cầu trực thăng cấp cứu và được thỏa mãn ngay. Đây là hai cố vấn thuộc lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ còn chiến đấu bên cạnh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù khi quân bộ chiến Mỹ đã rút lui ra khỏi chiến trường Việt Nam theo kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh được thi hành vào năm 1970.
Sự kiện thứ hai xảy đến là sự xuất hiện của 47 quân nhân thuộc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân từ đối 169 chạy tuôn xuống, mặt mày hốc hác vì mệt mỏi và thiếu ăn, bị thất lạc và phải trốn trong rừng. Họ đi theo Biệt Cách Dù để trở lại đơn vị gốc trong An Lộc.
Vài tiếng súng AK ròn rã ở phía Đông, có lẽ địch bắn báo động. Tiếp tục di chuyển vế hướng Tây Bắc để vào rừng cao su Phú Hòa. Tiếng súng nổ liên hồi, đứt khoảng phía trước, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đang chạm địch. Gặp Tiểu Đoàn Trưởng Nhảy dù- Trung Tá Hiếu cười méo miệng, nói như phân trần ” tụi nó đông như kiến và bám sát tụi moi như bày đỉa đói”.
“ Tụi nó đông như kiến” đã nói lên thực trạng chênh lệch lực lượng quân sự đôi bên mà ưu thế vế phía Việt cộng. Nhưng đã là lính thì phải cố gắng cho đến lúc tàn hơi, đã là một Biệt Cách Dù thì phải chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh cho màu cờ sắc áo của đơn vị.
Hoàng hôn phủ xuống thật nhanh, bóng tối lần lần bao trùm cảnh vật chung quanh. Súng vẫn nổ rải rác từng đợt, từng hồi trong rừng thẳm. Biệt Cách Dù chiếm ấp Srok Gòn trong im lặng và an toàn vì địch vừa rút ra khỏi đây. Lục soát, bố trí và dừng quân chung quanh ấp trong những công sự chiến đấu đã có sẵn của Việt Cộng.
Bóng đêm dày đặc, im vắng xa xa về hướng An Lộc- đạn pháo ì ầm nổ như tiếng trống cầm canh.
Sự đổ quân tăng viện ồ ạt của Việt Nam Cộng Hòa về phía Đông Nam cách An Lộc 4 km, đồng nhịp với các phi vụ đánh bom B52 tàn khốc về phía Nam của thành phố, đã làm cho Cộng quân hoang mang hốt hoảng. Lữ Đoàn 1 Dù là lực lượng đối kháng vòng ngoài để thu hút địch quân đồng thời tạo một lỗ hổng cho Biệt Cách Dù thâm nhập vào thành phố.
Sáng ngày 17 tháng 04 năm 1972, cùng một thời điểm Tiểu Đoàn 8 Dù tiếp cận ngoại vi tuyến phòng thủ của Thị Xã vế phía Nam, cạnh Quốc Lộ 13.
Cộng quân không ngờ Biệt Cách Dù đã lọt được vào Thị xã tiếp hơi cho quân tử thủ và mở cuộc tấn công ngay trong đêm đó vào các khu phố mặt Bắc…
Nói về liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy dù, mặc dù chỉ có 550 chiến sĩ được đổ quân vào An Lộc nhưng khả năng tác chiến có thể bằng hay hơn 2000 quân bộ chiến ( cấp Trung đoàn ) của các Công trường quân Cộng sản Bắc Việt, bởi chiến pháp linh động và bất ngờ, uyển chuyển theo tình hình, biết tùy theo thời tiết và địa thế, khi tấn công thì như vũ bão, sấm sét giáng lên đầu quân địch, khiến chúng không kịp trở tay, xuất hiện bất ngờ như những thiên thần trên trận mạc, đánh cận chiến tuyệt kỹ trên các hầm hố giao thông hào vào ban đêm, chui tường, đục lỗ tác chiến trong thành phố, cả ngày lẫn đêm rất điêu luyện ( lấy ít đánh nhiều, sát hại địch nhiều mà thương vong lại ít), đột kích bất ngờ thu dọn chiến trường nhanh chóng đã làm kinh tâm khiếp đảm địch quân trên tận dãy Trường Sơn heo hút gió ngàn, và trong thành phố tại ngã ba Cây Thị kỳ TẾT Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.
Thật là một đơn vị Biệt Kích = Commando thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hơn hẳn các đơn vị “đặc công” thiện chiến của Cộng Quân, và không thua bất cứ đơn vị Commando nào của các Quân Đội trên Thế Giới.
Theo như lời khai báo của hai dân Thượng, thì đơn vị trú quân tại Ấp Srok Gòn là Trung Đoàn 141 Cộng Sản Bắc Việt, đã vội vàng rút đi trong đêm 13 rạng ngày 14 tháng 04 năm 1972, đến bảo vệ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Cộng Sản Bắc Việt cũng như Cục R. Điểm đáng lưu ý là Đơn vị Biệt Cách Dù đã tránh được một cuộc chạm súng với đơn vị Trung Đoàn 141 của Công Quân, có quân số đông hơn Biệt Cách Dù đến 5 lần, và Ðịch được ưu thế phòng không và có công sự chiến đấu. Nhất là khi chuyến đầu đổ quân, không sao tránh khỏi đụng trận, các chiến binh Biệt Cách Dù kể cả các trực thăng đổ quân chắc chắn phải bị hao hụt ít nhiều, không còn được nguyên vẹn quân số, để tiếp tục làm tròn sứ mạng tiếp sức với Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, chiếm lại ½ diện địa phía Bắc, trong những ngày kế tiếp sau đó.
Trung Đoàn 141 thuộc Công Trường 7 của Cộng quân, thật sự đã ẩn phục tại Ấp Srok Gòn từ hơn tuần qua, và mới nhận được lệnh điều động rời khỏi vị trí, di chuyển về vùng Phi Trường Quản Lợi. Vì bị trúng kế “Điệu Hổ Ly Sơn”, đúng theo sự thiết kế của Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 Việt Nam Cộng Hoà.
Câu chuyện này, cho đến nay vẫn có rất ít người biết, kể cả đơn vị Biệt Cách Dù cũng không biết được là nguyên do nào mà đơn vị mình được đổ quân ngay vào lòng Địch, mà vẫn được an toàn tiến quân vào tiếp cứu quân Bạn đánh bại Quân Đoàn xăm lăng quân Cộng Sản Bắc Việt, một cách oanh oanh liệt liệt như thế.






No comments:

Post a Comment