Thursday, March 29, 2012

Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu


Những năm đầu (1961-1967
Ngày 7 tháng Năm, 1954, Việt Minh đã chiến thắng quân đội Pháp trong trận Ðiện Biên Phủ. Việt Nam bị chia đôi theo vĩ tuyến 17 và Tổng Thống Dwight D. Eisenhower hứa sẽ trợ giúp Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm xây dựng một lực lượng quân sự chống lại phía cộng sản. Ðến tháng Bẩy năm 1954, Hoa Kỳ đã có 342 cố vấn quân sự trong miền nam Việt Nam. Nhóm Cố Vấn Quân Viện (Military Assistance Advisory Group - MAAG). Mới đầu, cơ quan này chỉ chú trọng đến vấn đề phản tuyên truyền, những luận điệu tuyên truyền bôi nhọ chính quyền Ngô Ðình Diệm từ phía cộng sản.
Ðến năm 1961, miền Bắc đã dựng nên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thường được gọi là Việt Cộng, phát động chiến tranh Giải Phóng trong miền nam. Tổng Thống Kennedy được sự ưng thuận của Quốc Hội, gia tăng viện trợ kinh tế, quân sự cho người đã trở thành Tổng Thống VNCH Ngô Ðình Diệm. Sự giúp đỡ này nhằm gia tăng khả năng chống xâm nhập của Việt Cộng qua vài chương trình, trong đó có chương trình phát triển canh tác trên vùng cao nguyên.
Sự thật, chương trình này để che dấu một hoạt động bí mật do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA phác họa ra, nhằm mục đích thâu thập tin tức về các hoạt động của du kích cộng sản trong khu vực, và sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào vùng rừng núi cao nguyên, dọc theo biên giới. Sau khi nghiên cứu, đánh giá các nguồn tin tức, cơ quan CIA sẽ xây dựng một đơn vị Dân Sự Chiến Ðấu, tuyển mộ từ các sắc dân thiểu số (đồng bào Thượng).
Những toán A, Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ được trao cho nhiệm vụ bí mật của cơ quan tình báo CIA. Phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp trong nhóm Cố Vấn Quân Viện Hoa Kỳ (MAAG) sẽ yểm trợ, cung cấp phương tiện huấn luyện cho sắc dân thiểu số qua kế hoạch Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu. Tài liệu này là phần đầu trong hai bài viết về Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu do người Hoa Kỳ tổ chức. Phần đầu sẽ nói về việc xây dựng, phát triển (1961-1967), phần thứ hai sẽ nói về LL/DSCÐ (CIDG) trong kế hoạch Việt Nam Hóa (1968-1971), khi lực lượng này được chuyển giao cho Biệt Ðộng Quân QLVNCH.
Tại sao có lực lượng Dân Sự Chiến Ðấu? Thứ nhất, cơ quan CIA tin rằng, với một lực lượng võ trang bao gồm sắc dân thiểu số sẽ làm cho chính quyền miền Nam tăng thêm khả năng chống xâm nhập của địch vào những khu vực hẻo lánh. Thứ hai, nhóm sắc dân thiểu số đông đảo nhất là người Thượng, họ bị chính quyền “không màng đến”, coi như những “công dân hạng ba (hạng bét)”, nên rất dễ bị cộng sản tuyên truyền, xúi giục, và tuyển mộ. Hơn nữa, sự kiểm soát của địch trên vùng cao nguyên cũng là một điều đáng lưu ý.
Ðến năm 1961, sự xâm nhập của địch là một mối đe dọa cho chính quyền Ngô Ðình Diệm và quân đội VNCH. Chính quyền miền Nam yêu cầu sự trợ giúp của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp và cho phép người Hoa Kỳ tiếp xúc với những người lãnh đạo sắc dân Rhade. Sau đó cơ quan này sẵn sàng huấn luyện quân sự, trang bị cho người Rhade, nếu họ tuyên thệ trung thành với chính quyền miền Nam, và tổ chức việc phòng thủ xóm làng (buôn, bản Thượng).
Ngôi làng đầu tiên được chọn là Buôn Enao trong tỉnh Darlac, sau này gọi là “Thí Nghiệm Buôn Enao”. Theo một sắc lệnh của Tổng Thống (Hoa Kỳ), việc này đặt dưới quyền quản trị độc nhất của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp, không lệ thuộc vào quân đội VNCH cũng như cơ quan Cố Vấn Quân Viện (MAAG). Trong tháng Mười năm 1961, hai người Hoa Kỳ, David A. Nuttle, một viên chức trong cơ quan Dịch Vụ Tình Nguyện Thế Giới (International Voluntary Services), đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1959 trong những dự án nông nghiệp, người kia là Trung Sĩ Paul F. Campbell, Quân Y Lực Lượng Ðặc Biệt, thuộc Liên Ðoàn 1 LLÐB/HK đến buôn Enao.
Trung sĩ Campbell kể lại lần đầu tiên gặp gỡ những vị “trưởng lão” trong làng: “Nuttle giải thích cho họ rằng, chương trình nhằm cải thiện đời sống của đồng bào Thượng, việc làm rẫy, trồng tỉa, y tế. Chúng tôi sẽ đến những làng mạc như Buôn Enao để huấn luyện, chỉ dẫn việc bảo vệ xóm làng, không cho người lạ vào trong làng. Ngăn ngừa Việt Cộng và cả quân đội VNCH”. Chuyện này sẽ “tự lập, tự cường”, những người dân làng sẽ đứng lên bảo vệ xóm làng của mình.
Sau hai tuần lễ “thương thuyết”, và trung sĩ Campbell biểu diễn tài chữa bệnh cho dân làng rất thành công, những vị “trưởng lão” ưng thuận và tuyên thệ trung thành, để bắt đầu công việc tổ chức phòng vệ ngôi làng (Village Defense Program, VDP). Những người Thượng xây một hàng rào chiến lược bao quanh làng và đào hầm trú ẩn cho người già, đàn bà và trẻ con, đề phòng Việt Cộng tấn công. Họ xây cất một khu huấn luyện, một bệnh xá và tổ chức đường dây lấy tin tức, theo dõi những sự di chuyển của địch trong khu vực, và báo động khi bị tấn công.
Ðến giữa tháng Mười Hai năm 1961, “thí nghiệm Buôn Enao” hoàn toàn xong xuôi. Thêm năm mươi (50) đàn ông từ làng kế cận được huấn luyện như một lực lượng an ninh di động để bảo vệ Buôn Enao và khu vực lân cận. Sau khi hoàn tất ngôi làng “thí điểm đầu tiên”, vị tỉnh trưởng Darlac cho phép phát triển ra thêm bốn mươi buôn Thượng Rhade khác trong đường bán kính 15 cây số từ tâm điểm Buôn Enao và “ép buộc” vị trưởng làng, phó trưởng làng phải thụ huấn quân sự.
Chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) phát triển quá nhanh, trong khoảng thời gian từ tháng Tư cho đến tháng Mười năm 1962, thêm hai trăm (200) buôn Thượng khác được “đoàn ngũ hóa”. Ðến cuốn năm 1962, “chuyện làm ăn coi bộ khấm khá”, chính quyền miền Nam trao trách nhiệm chương trình này cho vị tỉnh trưởng Darlac với chỉ thị bao gồm thêm những bộ lạc người Jarai và Mnong.
Câu chuyện về Buôn Enao làm tăng thêm các hoạt động của Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ trong miền Nam. Lực Lượng Ðặc Biệt Việt Nam (LLÐB) được huấn luyện thêm. Những nhiệm vụ mới này đòi hỏi có thêm những toán A LLÐB/HK trong thời gian phục vụ sáu (6) tháng tại Việt Nam và thành lập Bộ Chỉ Huy LLÐB/HK tại Việt Nam. Ðến giữa tháng Chín năm 1962, Ðại Tá George C. Morton, trưởng ngành Chiến Tranh Ðặc Biệt, phòng 3 (Hành Quân), bộ chỉ huy Quân Viện (MACV) cùng với bẩy mươi hai (72) quân nhân LLÐB đến từ căn cứ Fort Bragg, tiểu bang North Carolina thành lập bộ chỉ huy C với bốn toán A trong Saigon. Ðến tháng Mười Một, phần còn lại của bộ chỉ huy đến làm việc. Bộ chỉ huy C lúc đó có mười bốn sĩ quan và bốn mươi ba binh sĩ LLÐB.
Ðại Tá Morton ra lệnh cho Trung Tá Eb Smith đem theo mười tám binh sĩ ra Nha Trang, thiết lập căn cứ hành quân LLÐB (Special Force Operation Base, SFOP), để sau đó sẽ di chuyển toàn bộ chỉ huy C ra khỏi Saigon. Từ vị trí “trung tâm” miền nam Việt Nam, Ðại Tá Morton chỉ huy, điều hành 530 chiến sĩ LLÐB (HK) gồm có bốn bộ chỉ huy B và hai mươi tám toán A/LLÐB, rải rác trong khắp miền nam Việt Nam.
Cùng với đà phát triển, Nhóm Cố Vấn Quân Viện (MAAG) được sắp xếp lại trở thành Bộ Tư Lệnh Quân Viện tại Việt Nam (MACV). Sự phát triển này tạo nên hai việc thay đổi lớn: MACV sẽ cố vấn và trợ giúp chính quyền miền Nam, tổ chức việc huấn luyện, quân trang quân dụng, và chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) trở thành Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu (LL/DSCÐ - CIDG).
Trong tháng Hai năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp (CSD) có nhiệm vụ điều hành LL/DSCÐ, theo dõi các đơn vị LLÐB/HK phục vụ trong lực lượng này, và phối hợp các hoạt động của lực lượng DSCÐ với cơ quan MACV. Ðến tháng Năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp nhận lãnh nhiệm vụ trang bị, hoạt động của LL/DSCÐ, còn Lực Lượng Ðặc Biệt Việt Nam thuộc về quân đội VNCH. Ðó là những thay đổi nhỏ trong sự làm việc chung giữa Hoa Kỳ và VNCH.
Vào ngày 23 tháng Bẩy năm 1962, Bộ Quốc Phòng (HK) ban hành quyết định 57 An Ninh Quốc Gia. Theo quyết định này, cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA sẽ bàn giao tất cả những hoạt động bán quân sự (như LL/DSCÐ) bí mật cho bộ tư lệnh Quân Viện Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Quân đội Hoa Kỳ sẽ phải lo vấn đề yểm trợ tiếp vận cho Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu. Bộ Quốc Phòng vẫn nắm giữ quyền bổ nhiệm vị chỉ huy trưởng LLÐB/Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ, mềm dẻo, hiệu quả trong việc thiết lập ngân khoản để điều hành LL/DSCÐ.
Trong kế hoạch Trở Lại (Switchback), nhiệm vụ của LL/DSCÐ thay đổi đôi chút. Việt Cộng là mục tiêu chính, nhưng không được tuyển mộ thêm sắc dân thiểu số (dân số họ vốn đã ít). Kế hoạch Trở Lại (Switchback) này phải được hoàn tất vào ngày 1 tháng Bẩy năm 1963. Lúc đó quân Mũ Xanh, LLÐB Hoa Kỳ đã huấn luyện quân sự đầy đủ cho các trại DSCÐ, lực lượng xung kích, tiếp ứng (Mobile Strike Force - Mike Force) để làm trở ngại cho sự xâm nhập, bành trướng của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng trong những khu vực xa xôi hẻo lánh, miền nam Việt Nam.
Những thành quả đạt được trong chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) và Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu (CIDG) từ tháng Năm 1962 đến tháng Mười 1963 gần như biến mất, vì những biến cố quân sự, chính trị xẩy ra trong miền nam.
Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng Mười Một năm 1963, đưa đến cái chết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và người em trai của ông ta, ông cố vấn Ngô Ðình Nhu. Biến cố lớn này là động lực thúc đẩy cơ quan Quân Viện MACV và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thay đổi theo tình thế. Trước đó, Tổng Thống Diệm không đồng ý cơ quan MAAG/MACV và cấp chỉ huy trong quân đội miền Nam nhúng tay vào công việc huấn luyện của LLÐB/HK, cũng như LL/DSCÐ.
Ngày 5 tháng Giêng năm 1964, chính quyền “quân đội”, dựa vào kế hoạch Trở Lại (Switchback), không chấp thuận LLÐB/VN biệt lập, đặt dưới sự chỉ huy, kiểm soát của QL/VNCH. Cơ quan MACV được quyền hành rộng rãi, nhanh chóng kiểm soát LLÐB/HK, các đơn vị Mũ Xanh Hoa Kỳ bị đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan cao cấp, cố vấn Hoa Kỳ trên các vùng chiến thuật thuộc cơ quan MACV.
Ðại Tá Theodore Leonard được chỉ định thay thế Ðại Tá Morton làm chỉ huy trưởng LLÐB/HK tại Việt Nam. Vị chỉ huy trưởng mới, Ðại Tá Leonard thẩm định và xác định lại vai trò của LLÐB/HK, và tập trung quyền chỉ huy, điều hành chương trình Dân Sự Chiến Ðấu. Vấn đề chỉ huy LLÐB/HK tại Việt Nam trực thuộc bộ tư lệnh Quân Viện Hoa Kỳ (MACV).
Trong nhiệm vụ mới được trao phó cho LL/DSCÐ, cơ quan MACV muốn biên giới nam Việt Nam phải được phòng ngự bằng những trại biên phòng LLÐB, tuyển mộ từ “lính đánh thuê” sắc dân Nùng. LL/DSCÐ được tổ chức lại theo kiểu chính quy, thành những đơn vị tác chiến (Strike Forces) để giảm bớt gánh nặng cho QL/VNCH.
Sự thay đổi trong vấn đề điều hành, quản trị và sự kỳ thị dân tộc thiểu số của giới chức thẩm quyền Việt Nam gần như “bóp chết” LL/DSCÐ. Ngày 19 tháng Chín năm 1964, năm trại DSCÐ (LLÐB) gần Ban Mê Thuột nổi loạn, chống lại chính quyền miền Nam. Tọa lạc trên vùng II chiến thuật, Ban Mê Thuột được coi như “Thủ Ðô” của người Thượng. Sau mười ngày, cuộc nổi loạn kết thúc, khi các cố vấn Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian, khuyến cáo giới chức, thẩm quyền VNCH rằng, có lợi cho cả đôi bên, nếu chính quyền VNCH công nhận một ít “quyền” của họ. Cuộc nổi loạn tạm thời chấm dứt mà phần cuối, nhiều vấn đề vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Lực Lượng Ðặc Biệt phải chấp nhận thực tế: cơ quan MACV không thích những lực lượng “ngoại lệ”; người Việt coi thường các sắc dân thiểu số, người Thượng; các trại DSCÐ biên phòng sẽ bị phá bỏ nhanh chóng cũng như khi chúng được xây dựng. Khi vấn đề nội bộ của quốc gia lung lay, quân Việt Cộng gia tăng các hoạt động. Bộ Quốc Phòng và cơ quan MACV nhận định rằng, nhiệm vụ của LLÐB trong tương lai và luật lệ làm việc (gia nhập DSCÐ) ở Việt Nam phải được quy định rõ ràng.
Ngày 1 tháng Mười năm 1964, Bộ Quốc Phòng chấp thuận, đưa 1297 quân nhân Mũ Xanh thuộc Liên Ðoàn 5 LLÐB (cả một đơn vị) từ căn Fort Bragg đến Nha Trang thay thế nhiệm vụ cho LLÐB/HK tại Việt Nam. Các quân nhân Mũ Xanh đang phục vụ tại Việt Nam (674 người) sẽ nhập vào liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ. Các quân nhân LLÐB/HK sẽ phải phục vụ một năm tại Việt Nam, kỳ hạn sáu tháng trước đây sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Năm, 1965.
Nhiệm vụ mới của liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ gồm có: Cố vấn cho cơ quan MACV về việc thiết lập (xây dựng), cũng như bỏ rơi (đóng cửa) các trại biên phòng LLÐB; xây dựng thêm trại LLÐB mới, cố vấn cho bộ tư lệnh LLÐB Việt Nam; và nếu nhu cầu cần thiết, sẽ huấn luyện cho các đơn vị LLÐB/VN và LL/DSCÐ. Trong nhiệm vụ mới này, liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ thiết lập bốn bộ chỉ huy C, mười hai bộ chỉ huy B, và bốn mươi tám toán A LLÐB vào tháng Hai, năm 1965.
Thời gian đầu, sự hiện diện của liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ chỉ có ảnh hưởng chút ít đến các toán A LLÐB (biên phòng) hoặc các đơn vị xung kích (Strike Force) DSCÐ. Lực Lượng Ðặc Biệt vẫn tiếp tục nhiệm vụ cố vấn, yểm trợ LL/DSCÐ trong khi các đơn vị xung kích bảo vệ các làng mạc của dân tộc thiểu số.
Trong dịp Tết vào cuối năm 1964, tình thế chiến trường tại Việt Nam có nhiều biến chuyển. Các đơn vị chính quy cấp lớn Việt Cộng bắt đầu xuất hiện, tấn công, gây tổn thất cho các đơn vị VNCH. Do đó, liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ phải tái xác định lại nhiệm vụ “chống xâm nhập” vào tháng Giêng năm 1965. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi những đơn vị lớn, trang bị tối tân qua Việt Nam trong mùa Xuân để đánh đuổi quân cộng sản. Trong khi chờ đợi các đơn vị cấp lớn Hoa Kỳ đến và bắt đầu hoạt động, Ðại Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh, bộ tư lệnh MACV ra lệnh “LLÐB và các đơn vị bán quân sự (LL/DSCÐ) phải đảm nhận nhiệm vụ tấn công trong vai trò người thợ săn 'Lùng và Diệt' địch quân”.
Với đà gia tăng xâm nhập của Việt Cộng và quân đội từ miền Bắc vào. Thay vì giúp đỡ chính quyền miền Nam tự phát triển quân đội và đảm nhận vai trò phòng vệ, những tướng lãnh cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ đã đưa vào chiến trường Việt Nam, những đơn vị chiến đấu lớn, tiếp tay với quân đội VNCH. Cơ quan MACV dự định sẽ “chính quy hóa” LL/DSCÐ, chuyển một số đơn vị DSCÐ chọn lọc qua Ðịa Phương Quân, và sẽ hoàn tất vào ngày 1 tháng Giêng (đầu năm) 1967. Tiếp theo là kế hoạch đưa hết quân Mũ Xanh LLÐB về lại Hoa Kỳ (Tướng Westmoreland tính chuyện 'Chiến Tranh Quy Ước'). Các đơn vị xung kích DSCÐ sẽ không còn nhiệm vụ bảo vệ xóm làng nữa mà sẽ phải tấn công địch quân trên các chiến trường trong miền nam Việt nam.
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, bộ tư lệnh MACV nhận định rằng, cán bộ LLÐB/HK chỉ huy DSCÐ rất giỏi về lấy tin tức, lùng và diệt địch, và có thể tự lực chiến đấu. Những khả năng này là một cây kiếm hai lưỡi của LLÐB và đơn vị xung kích DSCÐ. Những tin tức tình báo tác chiến thâu thập được được phân tích để gia tăng hiệu năng, củng cố thêm sức mạnh cho LL/DSCÐ. Nhu cầu lấy tin tức về sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt gia tăng trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968, việc phòng vệ các làng người dân tộc thiểu số giảm đi.
Các đơn vị DSCÐ được quân Mũ Xanh LLÐB Hoa Kỳ chỉ huy vẫn tiếp tục chạm trán với địch quân. Ðược trực thăng yểm trợ, bắt đầu từ tháng Năm 1966, LL/DSCÐ trở nên di động, tiếp ứng nhanh chóng. Là một đơn vị xung kích lưu động (Mobile Strike Force - Mike Force), chiến sĩ DSCÐ phải đi hành quân thường xuyên, làm đơn vị tấn công hoặc tiếp ứng cho các trại biên phòng, khi các trại này bị tấn công. Ðến tháng Chín năm 1966, LLÐB/HK thiết lập thêm hai mươi hai trại LLÐB mới, và tăng số trung đội trinh sát DSCÐ từ ba mươi tư lên bẩy mươi ba. Bộ tư lệnh Quân Viện MACV ra lệnh cho LÐ5/LLÐB/HK thiết lập trường huấn luyện “Recondo” (Trinh Sát Cảm Tử - Recondo School) ở Nha Trang. Trường này huấn luyện khóa học mười hai ngày “chiến tranh VN” cho tất cả các quân nhân LLÐB Hoa Kỳ mới qua Việt Nam và khóa Viễn Thám cho quân nhân từ các đơn vị tác chiến gửi về.
Với sự thành công, đạt được nhiều kết quả trong năm 1966, đặc biệt trong các trận đột kích ban đêm, Tướng Westmoreland ra lệnh cho Ðại Tá Francis J. Kelly, chỉ huy trưởng liên đoàn 5/LLÐB Hoa Kỳ xem xét lại việc sử dụng các toán A LLÐB trên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam và đưa ra những kế hoạch hàng năm để phối hợp với các vị tư lệnh vùng chiến thuật.
Chuyện “xét lại” này được bộ tư lệnh MACV đưa ra bản hướng dẫn: Mỗi toán A LLÐB và các trại biên phòng phải hoạt động tối đa trong nhiệm vụ trao phó. Những toán A LLÐB có thể được thay thế bằng cách hoán chuyển đơn vị xung kích DSCÐ sang quân đội VNCH. Phối hợp làm việc với các cố vấn trưởng tại các quân đoàn và phía Việt Nam Cộng Hòa. “Chỉ nói đơn giản, nhiệm vụ chúng tôi là trợ giúp để người Việt Nam tự giúp đỡ họ”. Trong tháng Tám năm 1966, Ðại Tá Kelly cho biết, nếu số quân nhân LLÐB/HK cắt giảm, LLÐB/VN sẽ phải điền khuyết vào để đảm nhận vai trò.
Ðến năm 1967, bộ tư lệnh Quân Viện MACV đưa ra một chương trình, nhưng không có thời khóa biểu nào đề ra để chấm dứt chiến tranh. Chỉ nói đến việc tăng cường quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam và sự phát triển đáng kể của QL/VNCH. Tuy nhiên, Ðại Tá Kelly vẫn đệ trình lên một chương trình về LL/DSCÐ và đã được các vị cố vấn trưởng Quân Ðoàn, cũng như các Tướng tư lệnh vùng chiến thuật chấp thuận. Chương trình này trình bày kế hoạch thay thế hoàn toàn LLÐB Hoa Kỳ vào cuối năm 1971.
Không may cho cả Hoa Kỳ và quân đội VNCH, phía Bắc Việt cũng có một... kế hoạch riêng của họ. Kế hoạch dài hạn của cơ quan MACV sụp đổ vào tháng Giêng năm 1968 khi quân cộng sản tổng tấn công nhân dịp Tết (Mậu Thân).
Theo tài liệu: Veritas Vol.5, No.4, 2009. Trang: 19, 20, 24-27
Dallas, Texas
vđh

Trong 5 Ngày Cuối Cùng Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam


Tình hình vào hạ tuần tháng 4/75 biến chuyển dồn dập. Áp lực địch ở mặt trận phía Đông ngày càng nặng, tôi được Quân Đoàn tăng cường Trung Đoàn 8/SĐ5BB do Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng chỉ huy. Lực lượng địch và Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III giằng co dữ dội trên tuyến Hưng Lộc, Ngã Ba Dầu Giây. Tôi buộc phải sử dụng hai quả bom CBU 55 của Không Quân Biên Hòa để chận đứng địch và giải cứu Chiến Đoàn 52/SĐ18-BB của Đại Tá Dũng khỏi bị tiêu diệt. Ở Sài Gòn có âm mưu lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi được móc nối đảo chánh nhưng cương quyết từ chối và tuyên bố chống lại. phi trường Biên Hòa đóng cửa.

Ngày 20/4-75 SĐ18BB của Tướng Lê Minh Đảo rút bỏ Xuân Lộc về Long Bình. Ngày 21/4/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Ngay ngày hôm sau, tại mặt trận, tôi viết thư cho Trung Tướng Charles Timmes, phụ tá Đại Sứ Martin ở Sài Gòn, đại ý nói: “Thưa Trung tướng, trong khi tôi đang ngăn chận các sư đoàn Cộng Sản ở đây thì cũng là lúc quốc hội Hoa Kỳ đang thảo luận có nên tiếp tục viện trợ thêm 300 triệu Mỹ kim cho Quân Lực VNCH không? Tình hình gần như tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng cho dù ngay bây giờ quốc hội Hoa Kỳ có chấp thuận viện trợ cho quân lực chúng tôi đi nữa thì cũng đã quá muộn rồi. Tuy nhiên tôi và toàn thể quân nhân các cấp thuộc quyền tôi nguyện sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng. Tôi chỉ xin Trung Tướng giúp cho gia đình tôi được di tản đến một nơi an toàn…”

Sau khi SĐ18BB được nghỉ 5 ngày bổ sung quân số và dưỡng quân, ngày 25/4/1975 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III điều động đơn vị này lên mặt trận Trảng Bom, Hưng Lộc, Ngã Ba Dầu Giây để thay thế Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III được rút về Biên Hòa dưỡng quân. Trung Đoàn 9/SĐ5BB được hoàn trả về hậu cứ ở Lai Khê. Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III trở thành lực lượng trừ bị Quân Đoàn.

Về tới Biên Hòa chưa kịp nghỉ ngơi, ngay chiều ngày 25/4/1975, có tin lực lượng địch chiến trường ???) Thiết Giáp và tiến ra hướng Quốc Lộ 15. Có lệnh Quân Đoàn, tôi liền phái Chiến đoàn 322 tăng cường 1 Tiểu đoàn TQLC do Trung Tá Nguyễn Văn Liên chỉ huy tấn công theo hướng Ngã Ba Long Thành và trường Thiết Giáp. Chiến đoàn vừa rời Quốc Lộ 15 tiến về hướng trường Thiết Giáp, thì chạm địch nặng và giao tranh dữ dội với chúng đến khuya, bắn cháy 12 chiến xa T-54 buộc chúng phải rút vào bên trong. Chiến thắng này làm nức lòng toàn dân ở Biên Hòa. Sau khi kiểm soát kết quả trận đánh, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân đoàn III hứa sẽ thưởng 1,200,000 đồng cho các chiến sĩ có công diệt chiến xa địch, mỗi chiếc hạ được 100,000 đồng.

Ngày 29/4/1975 có lệnh mới của Quân Đoàn. Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III ngoài Liên đoàn 33 BĐQ, được tăng phái thêm: Lữ đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, Lữ đoàn 4 Nhảy Dù (1 Tiểu đoàn) và Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, yểm trợ hỏa lực trực tiếp có: Tiểu đoàn 46 PB-155ly và Tiểu đoàn 61 PB-106 ly Quân Đoàn.

12 giờ trưa ngày 29/4/1975, Trung Tướng Toàn triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Bộ Tư Lệnh SĐ18BB ở Long Bình. Chỉ có Toàn, Đảo và tôi. Anh chỉ tay lên bản đồ ra lệnh cho SĐ18BB của Đảo phòng thủ khu vực Long Bình và kiểm soát xa lộ Biên Hòa, kế đó ra lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III của tôi phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa và đặt lực lượng Địa Phương Quân (ĐPQ) và Nghĩa Quân (NQ) của Tiểu Khu Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của tôi. Sau này đi tù, tôi mới biết ngay lúc này phía bên khu vực SĐ25BB ở Củ Chi đã bị địch chiếm, SĐ25BB đã bị đánh tan và Tướng Lý Tòng Bá đã bị địch bắt. Nguyễn Văn Toàn giấu tôi và Lê Minh Đảo tin xấu này. Anh chuẩn bị sắp xếp để bỏ trốn.

Vừa nhận nhiệm vụ xong, tôi chợt thấy xuất hiện Đại Tá Hiếu, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 43/SĐ18BB với giọng run run xúc động, Hiếu báo cáo: quân địch đang tấn công Trảng Bom và Trung đoàn 43BB đang rút quân về hướng Long Bình, mặt Đảo cau lại, Toàn nổi giận la hét Hiếu bắt Hiếu phải đem quân trở lại vị trí cũ, Hiếu làm như tuân lệnh, chào và lui ra. Trong thâm tâm tôi, tôi biết là mặt trận phía Đông Biên Hòa ở Trảng Bom của SĐ18BB khó có thể cầm cự nổi vì SĐ18BB đã bị kiệt sức sau trận đánh lớn ở Xuân Lộc không được bổ sung. Sự sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Giao nhiệm vụ cho tôi và Đảo xong, Toàn đứng dậy bắt tay hai chúng tôi và nói: “Hai anh cố gắng, tôi sẽ bay về Bộ Tổng Tham Mưu xin yểm trợ cho hai anh.” Xoay qua tôi, anh nói tiếp: Còn số tiền thưởng 1,200,000, tôi sẽ cho người mang đến Lữ đoàn.” Đấy là những lời nói cuối cùng của Tư Lệnh Quân Đoàn III.

Về đến Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III, tôi liền họp các Lữ đoàn Trưởng, Liên đoàn Trưởng, Chiến đoàn Trưởng, và các Đơn Vị Yểm Trợ. Tiểu Khu Trưởng và Tiểu Khu Phó Biên Hòa đã bỏ trốn từ mấy ngày trưc. Trước hết, tôi ban hành lệnh thiết quân luật ở Biên Hòa kể từ 15 giờ 00 ngày 29/4/1975, chỉ thị cho các đơn vị ĐPQ và NQ chung quanh thị xã Biên Hòa bố trí tại chỗ, ở đâu ở đó, không được rời vị trí, không được di chuyển. Cảnh sát Biên Hòa chịu trách nhiệm an ninh bên trong thành phố. Triệt để thi hành nguyên tắc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Để phòng thủ bảo vệ thành phố Biên Hòa, tôi phối trí Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III như sau:

- Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù: Bố trí trong khu phi trường Biên Hòa, giữ mặt Bắc BTL/Quân đoàn III.

- Lữ đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC): 1Tiểu đoàn bảo vệ BTL/Quân đoàn III, 1Tiểu đoàn bố trí phòng thủ mặt Nam BTL/Quân đoàn III.

- Lữ đoàn 4 Nhảy Dù (1Tiểu đoàn): Tổ chức phân tán thành nhiều tiểu đội chiến đấu nhỏ, giữ Cầu Mới và Cầu Sắt Biên Hòa, và đặt các nút chận trên đường xâm nhập vào thành phố Biên Hòa.

- Chiến đoàn 315: Bố trí án ngữ từ ngã Tý Lò Than đến ngã Tư Lò Than (gần trại Ngô Văn Sáng).

- Chiến đoàn 322: Bố trí án ngữ từ ngã tư Lò Than đến cổng phi trường Biên Hòa (trừ bị 1).

- Chiến đoàn 318: Bố trí án ngữ từ cổng phi trường Biên Hòa đến Cầu Mới Biên Hòa (trừ bị 2).

- Pháo Binh: Kế hoạch yểm trợ hỏa lực.

- BTLLĐ3KB/Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III: Đặt tại tư dinh Tư Lệnh Quân Đoàn III.

Vào khoảng 15 giờ 00 ngày 29/4/1975, tôi đang ăn cơm trưa với Bộ Tham Mưu trong tư dinh Tư Lệnh Quân Đoàn, thì thình lình chiếc trực thăng chỉ huy của Tướng Toàn đáp xuống bãi đáp trong vườn hoa tư dinh bên cạnh chiếc trực thăng chỉ huy của tôi. ThiếuTá Cơ (phi công) vào chào tôi và báo cáo cho tôi biết. Sau khi rời Long Bình, Cơ đưa Tướng Toàn và bộ hạ ra Vũng Tàu, nơi đó anh thấy có các Tướng Lãm và Hiệp chờ Tướng Toàn, rồi cả 3 người cùng đi bằng tàu đánh cá ra Hạm Đội Mỹ ở ngoài khơi. Tin Toàn bỏ trốn không làm tôi ngạc nhiên. Anh Cơ xin được ở lại làm việc với tôi. Tôi đồng ý vì đơn vị trực thăng của anh giờ này không còn ở Biên Hòa nữa.

Lúc 17 giờ 00 ngày 29/4/1975, tôi dùng xe Jeep có hộ tống đi một vòng quan sát tình hình trong và chung quanh thành phố Biên Hòa. Tình hình chung có vẻ yên tĩnh, dân chúng không ra đường, phố xá đóng cửa. Vào khoảng 18 giờ 00, quân cộng sản bắt đầu xâm nhập vào mặt Bắc và Đông Bắc thành phố từ hướng phi trường đụng với quân Biệt Cách Dù và TQLC. Giao tranh bắt đầu, 1 cánh quân BĐQ của Chiến đoàn 315 cũng đụng địch ở gần trại Ngô Văn Sang. Địch bám sát vào tuyến phòng thủ mặt Bắc và Đông Bắc của quân ta. Hai bên bám trận địa nằm cách nhau 10-15 mét. Cho đến giờ phút này, quân ta chiến đấu vững vàng tự tin. Không có tình trạng bỏ ngũ. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của hỏa lực Thiết Giáp, quân ta đẩy địch ra xa tuyến phòng thủ.

Lúc 20 giờ 00 tôi gọi trại Phù Đổng ở Sài Gòn. Nơi đây là Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp và là nơi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III vừa đặt bản doanh. Có trả lời nhưng không một ai có thẩm quyền để nhận báo cáo của tôi hoặc liên lạc với tôi. Tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, không có cách gì liên lạc được. Tôi nóng lòng chờ lệnh của Sài Gòn. Tôi tự hỏi Đại Tướng Dương Văn Minh, tân Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Quân Đội có giải pháp gì không? Có lệnh gì mới cho chúng tôi không?

Đến 22 giờ 10 có chuông điện thoại reo, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có gọi tôi ở đầu giây: “Tôi là Trung Tướng Có đây, tôi đang ở bên cạnh Đại Tướng, anh cho chúng tôi biết tình hình ở Biên Hòa như thế nào?” Thưa Trung Tướng, tôi giữ thị xã Biên Hòa, Lê Minh Đảo giữ Long Bình, Toàn đã bỏ chạy, phi trường Biên Hòa địch chiếm, áp lực địch rất nặng ở hướng Bắc và Đông Biên Hòa.” 1, 2, 3 phút trôi qua, ở đầu giây, Tướng Có nói tiếp ” “Đại tướng hỏi anh có thể giữ vững Biên Hòa đến 08 giờ 00 sáng mai, để Đại tướng nói chuyện với bên kia được không?” Tôi trả lời không do dự ” Được, tôi có thể giữ vững Biên Hòa đến 08 giờ 00 sáng mai.” Trong máy điện thoại, tôi nghe văng vẳng tiếng nói của Tướng Có báo cáo lại với Đại tướng Minh. Cuối cùng Tướng Có nói: “Lệnh của Đại tướng cho anh: Chỉ huy phòng thủ bảo vệ Biên Hòa đến 08 giờ 00 sáng ngày 30/4/1975. Chúc anh thành công.” Tôi đáp nhận.

Vào khoảng 23 giờ 45 khuya, địch bắt đầu pháo dữ dội vào thị xã Biên Hòa, chúng tập trung một lực lượng hỗn hợp bộ binh chiến xa cấp Trung đoàn từ Ngã Ba Hố Nai – Xa Lộ tấn công về hướng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Chiến đoàn 315 của Trung Tá Đỗ Đức Thảo xông ra chận địch. Hỏa lực chiến xa M-48 của ta áp đảo địch. Giao tranh quyết liệt. Một số chiến xa địch bị bắn cháy. Địch rút lui.

Lúc 02 giờ 00 sáng ngày 30/4/1975, Tướng Lê Minh Đảo gọi tôi ở đầu máy PC-25: “Báo anh hay tôi bị quân địch tràn ngập, Long Bình đã bị chúng chiếm.” Tôi liền hỏi: “Anh hiện giờ ở đâu? Có cần gì tôi không?” Đảo đáp: “Tôi hiện ở gần Nghĩa trang Quân Đội, đang rút đi về hướng Thủ Đức.” Tôi cảm thấy đau buồn và tội nghiệp Lê Minh Đảo vô hạn. Những năm cuối cùng của cuộc chiến, tôi và Đảo rất vất vả. Hai chúng tôi có mặt ở khắp các mặt trận, vì Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III của tôi là lực lượng cơ động số 1, và SĐ18BB của Đảo là lực lượng cơ động số 2 của Quân Đoàn. Trong tù, bọn cán bộ cộng sản rất để ý đến hai chúng tôi vì đã gây cho chúng rất nhiều tổn thất nghiêm trọng và chúng coi hai chúng tôi là hai tên chống cộng “điên cuồng” nhất.

Vào khoảng 03 giờ 30 sáng, địch lại pháo vào Biên Hòa, lần này chúng pháo rất mạnh và chính xác. Tôi đoán chúng định tấn công dứt điểm Biên Hoà sau khi đã chiếm được Long Bình. Tôi chuẩn bị sẽ tung cả 3 Chiến đoàn Thiết Giáp vào trận đánh quyết định, nhưng thật bất ngờ, chúng vừa xuất hiện 1 đoàn chiến xa dẫn đầu, bộ binh theo sau, liền bị Chiến đoàn 315 đánh chận đầu và bọc sườn, chúng bèn rút chạy ngược ra xa lộ. Kể từ đó, thị xã Biên Hòa trở nên yên tĩnh.

Đúng 08 giờ 00 sáng ngày 30/4/1975, tôi cố gắng gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để liên lạc với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có nhưng không được. Tôi liền họp các Lữ đoàn Trưởng, Liên đoàn Trưởng, Chiến đoàn Trưởng, và các Đơn vị trưởng Yểm Trợ. Chúng tôi trao đổi tin tức và thảo luận tình hình ở mặt trận, tình hình trong thành phố Biên Hòa. Áp lực địch bên ngoài không còn nữa. Chung quanh bên ngoài thị xã, chỉ có hoạt động lẻ tẻ của du kích, bên trong thành phố vắng vẻ. Đặc biệt đêm qua, tôi có cho tăng cường canh giữ nhà giam Biên Hòa. Không có tình trạng dân chúng xuống đường hô hào ủng hộ cộng sản. Tôi sung sướng nhất là thấy tinh thần của chiến sĩ ta rất tốt, không có tình trạng đào ngũ. Tuyệt nhiên cũng không có tình trạng hãm hiếp cướp bóc trong thành phố, các sĩ quan thi hành quân lệnh nghiêm chỉnh. Trong đêm qua có nhiều tốp lính bạn thuộc SĐ18BB rã ngũ định chạy qua thành phố, tôi ra lệnh chận lại, đuổi họ trở ra, cương quyết không cho vào thành phố đang giới nghiêm vì sợ có tình trạng gây mất tinh thần rã ngũ giây chuyền như đã xảy ra ở miền Trung trước đây.

Bây giờ là 08 giờ 30 ngày 30/4/1975, tôi kết luận buổi họp: “Biên Hòa không còn là mục tiêu tấn công của địch nữa. Tôi nghĩ rằng giờ này các lực lượng chủ lực cộng sản BV đang tập trung tấn công Sài Gòn. Rõ ràng chúng bỏ Biên Hòa, dồn lực lượng đánh vào Thủ Đô. Chúng ta mất liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu. Bây giờ tôi quyết định kéo toàn bộ Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III về tiếp cứu Sài Gòn.” Tất cả các Đơn vị trưởng ủng hộ quyết định này của tôi.

Tôi liền ban hành Lệnh Hành Quân và điều động Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III tiến về Sài Gòn theo kế hoạch sau đây: Lấy đường xe lửa Biên Hòa-Sài Gòn và xa lộ Đại Hàn làm hai trục tiến quân chính.

a) Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù + Lữ đoàn 4 Nhảy Dù (1 Tiểu đoàn) do Đại Tá Phan Văn Huấn chỉ huy: Tiến bên phải đường sắt hướng Sài Gòn. Đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên phải đường sắt, chờ lệnh.

b) Lữ đoàn 2 TQLC do Trung Tá Liên (TQLC) chỉ huy: Tiến bên trái đường sắt hướng Sài Gòn. Đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, co cụm lại, bố trí bên trái đường sắt, chờ lệnh.

c) Lữ đoàn 3 Kỵ Binh + Liên đoàn 33 BĐQ: Bố trí yểm trợ quân BCD, ND, và TQLC rời vị trí phòng thủ, rút an toàn qua Cầu Mới Biên Hòa trước. Sau đó, lấy xa lộ Đại Hàn làm trục chính, tiến về Sài Gòn theo thứ tự như sau:

- Chiến đoàn 315 do Trung Tá Đỗ Đức Thảo chỉ huy: Đi trước, đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí bên này cầu Bình Triệu, chờ lệnh.

- Chiến đoàn 322 do Trung Tá Nguyễn Văn Liên (TG) chỉ huy: Đi sau CĐ 315, đến ngoại ô Bắc Sài Gòn, bố trí sau CĐ 315, chờ lệnh.

- Chiến đoàn 318 do Trung Tá Nguyễn Đức Dưỡng chỉ huy: Đi sau cùng, đến Sài Gòn, bố trí sau BTL và Đơn vị Yểm Trợ, chờ lệnh.

Trước khi lên trực thăng Chỉ Huy, tôi duyệt đoàn quân lần cuối. Quân ta từ từ rời thành phố Biên Hòa trong vòng trật tự, quân phục chỉnh tề, tác phong nghiêm chỉnh, không hề nao núng, giống y như những lần hành quân trước đây khi còn Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy xông trận trên chiến trường Campuchia. Lúc này là 09 giờ 00 ngày 30/4/1975.

Tôi lên trực thăng Chỉ Huy của Tướng Toàn do Thiếu Tá Cơ lái, chiếc trực thăng Chỉ Huy thứ hai bay theo sau. Tôi cho trực thăng bay lượn trên thành phố Biên Hòa, quan sát thấy tình hình bên dưới vẫn yên tĩnh. Các cánh quân ta vẫn tiến đều đặn về hướng Sài Gòn. Những ổ kháng cự, những chốt của địch dọc trên trục tiến quân của ta bị đè bẹp hoặc bị nhổ nhanh chóng. Tôi đang suy nghĩ và lo lắng. Tôi lo vì không liên lạc được với SàiGòn, khi quân ta về đến nơi, sợ quân bạn ở Biệt Khu Thủ Đô bắn lầm. Tôi đang miên man suy nghĩ cách đối phó thì đột nhiên Thiếu Tá Cơ hỏi tôi: “Thiếu Tướng có muốn ra đi không? Tôi sẽ đưa Thiếu Tướng đi.” Tôi liền hỏi lại: “Còn anh thì sao?” “Khi đưa Thiếu Tướng đi xong, tôi sẽ trở về, tôi sẽ ở lại với vợ con còn ở Biên Hòa.” “Cám ơn anh, tôi cũng ở lại với anh em. Tôi đã quyết định việc này từ lâu rồi.”

Chúng tôi bay về hướng Gò Vấp, tôi biểu Cơ lấy cao độ. Xa xa phía dưới, tôi thấy những đoàn quân xa chở đầy quân, những chiến xa, những pháo kéo của quân CSBV như những con rắn dài trên xa lộ Biên Hòa và trên Quốc Lộ 13 bò vô Sài Gòn. Hai trực thăng của chúng tôi đáp xuống trại Phù Đổng nơi đặt BCH TGB và BTL/Quân đoàn III. Tôi vội đi vào văn phòng tìm sĩ quan trực. Tôi thấy các nhân viên văn phòng chạy qua lại nhớn nhác. Tôi không gặp một ai có thẩm quyền, chỉ có 1 Trung úy mang huy hiệu Quân đoàn III, tôi nói tôi muốn sử dụng điện thoại để liên lạc với BTL Biệt Khu Thủ Đô (BKTĐ) báo cho họ biết gấp các cánh quân của tôi sắp về tới cửa ngõ Bắc Sài Gòn để tránh bắn lầm nhau. Tôi gọi nhiều lần, gọi một cách tuyệt vọng, không có ai ở đầu máy trả lời. Rồi tôi gọi Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu, cũng không liên lạc được. Lúc bấy giờ tôi nghe nhiều loạt đạn pháo binh địch nổ ở hướng sân bay TSN. Giờ này, các cánh quân Thiết Giáp của tôi cũng vừa đến Bình Triệu gần khu nhà thờ Fatima.

Trong khi tôi đang lúng túng trong việc liên lạc với BKTĐ và Bộ Tổng Tham Mưu, thì thình lình tôi nghe lời kêu gọi ngưng chiến đấu của Tổng Thống Dương Văn Minh phát ra từ một máy thu thanh đâu đấy. Tôi nhìn đồng hồ tay: 10 giờ 25 phút.

Thế là hết. Kể từ giờ phút này, tôi tự chấm dứt quyền chỉ huy của mình và xem nhiệm vụ của LĐ3KB và Luc Luợng Xung Kích Quân Đoàn III đến đây là kết thúc. Tôi để cho các đơn vị tự động buông vũ khí đầu hàng theo lệnh của Tổng Thống. Tôi không có gì để nói thêm, chỉ thầm cám ơn tất cả các chiến hữu đã cùng tôi chiến đấu đến phút cuối cùng của cuộc chiến và cùng tôi giữ tròn khí tiết của người chiến sĩ đối với Quân Đội và Tổ Quốc.

Quan Điểm và Kết Luận

Sau khi ngưng chiến theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, tôi bị địch bắt, truy vấn, tù đầy 17 năm và sang Mỹ năm 1993 theo diện tỵ nạn chính trị. Mỗi năm cứ đến ngày 30/4, tôi đọc đi đọc lại nhiều bài viết của bên cộng sản cũng như của bên ta về cuộc chiến Việt Nam. Có không ít bài viết lờ mờ hoặc viết sai về một số sự kiện trong cuộc chiến. Đặc biệt khi viết về Biên Hòa thì không có bên nào nói đúng. Ai cũng biết Biên Hòa là vị trí chiến lược số 1 của miền Nam, Việt Nam, phi trường Biên Hòa còn là nơi đặt bản doanh BTL/Quân đoàn III và Vùng III Chiến Thuật, đầu não của bộ máy quân sự miền Đông. Biên Hòa là cửa ngõ quan trọng bậc nhất ở phía Bắc thủ đô Sài Gòn. Để mất Biên Hòa là mất Sài Gòn, mất miền Nam Việt Nam.

Nhưng cho đến bây giờ, tôi chưa thấy một tài liệu nào nói rõ về Biên Hòa trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN. Thế mà tôi vẫn giữ im lặng cho đến ngày hôm nay, vì nghĩ rằng cuối cùng rồi sự thật lịch sử cũng được phơi bày. Vả lại khi viết về cuộc chiến tranh mà mình là nhân chứng trực tiếp, không khỏi phải nói nhiều rất nhiều về mình, cái mà tôi không hề thích vì như Pascal nói: “Cái tôi là đáng ghét” (Le moi est haissable). Nhưng anh Nguyễn Minh Tánh đã viết sai sự thật về Lữ Đoàn 3-Kỵ Binh (LĐ3KB) do tôi chỉ huy, đã xúc phạm đến DANH DỰ của chúng tôi nên tôi có bổn phận với những người đã hy sinh và những người còn sống, phải cải chính và nói lại cho rõ để không phụ lòng những chiến sĩ anh hùng đã cùng tôi chấp nhận ở lại chiến đấu đến cùng.

Những năm đầu trong ngục tù, cán bộ cộng sản luôn truy vấn tôi kịch liệt. Chúng làm tổng kết chiến tranh để rút kinh nghiệm chiến trường, chúng ngạc nhiên trước sức chiến đấu của LĐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III, đặc biệt chúng bắt tôi viết đề tài Những nguyên nhân nào mà LĐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III do tôi chỉ huy không bị tan rã trước sức tấn công của quân đội cách mạng.

Chính miệng chúng nói với tôi: “Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III là đại đơn vị duy nhất của Quân Đội SàiGòn chiến đấu tới cùng cho đến khi có lệnh ngưng bắn.” Chúng kể ra những thành tích chiến đấu của Chiến đoàn 318 trên chiến trường Campuchia thời Tướng Đỗ Cao Trí của LĐ3KB và Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn III mà chúng gọi là những tội ác “Trời không dung Đất không tha” và kết tội tôi đã kéo dài chiến tranh nhiều năm.

Chúng đã chọn và định đưa một số chúng tôi ra Tòa Án Chiến Tranh của chúng để xét xử như những tội phạm chiến tranh nếu không có áp lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Cộng Đồng thế giới tự do cũng như của dư luận Quốc Tế lúc bấy giờ.

Tôi không hề ân hận việc mình đã làm, không hề hối tiếc hay than van về những hậu quả mà mình phải gánh chịu sau khi bị bắt. Nếu phải làm lại từ đầu, thì tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi biết rằng làm như thế là tôi mất tất cả, mất tất cả trừ
DANH DỰ.
Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi


 
Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt năm 1952, Trường Thiết Giáp Pháp tại Saumur năm 1955, và Trường Thiết Giáp Hoa Kỳ tại Fort Knox năm 1959.
Với tư cách cố vấn trưởng cho Tư Lệnh Thiết Giáp QLVNCH, tôi gặp Tướng Khôi lần đầu tiên vào năm 1966 khi ông dàn Thiết Kỵ 5 QLVNCH tại Xuân Lộc. Tôi theo chân ông trong nhiều cuộc hành quân để thăm dò chuẩn bị cho sự tham chiến của Trung Đoàn Thiết Kỵ 11 QLHK.
Tháng 5 năm 1966, Tướng Khôi cung cấp Thiết Đoàn 1/5 (M41A3) để được không vận ra Đà Nẵng ("When Tanks Took Wings," ARMOR, May-June 1994)
Vào đầu năm 1970, Chiến Đoàn 318 cuả Tướng Khôi đi tiên phong trong cuộc hành quân hỗn hợp Mỹ/Việt vượt biên vào lãnh thổ Cam Bốt, khiến cho Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 3 của ông được mệnh danh "Patton của Vùng Mỏ Vẹt."
Tháng 11 năm 1970, Tướng Khôi tổ chức và huấn luyện Lữ Đoàn Thiết Giáp Quân Đoàn 3 và chỉ huy Lữ Đoàn này tại Cam Bốt, trước cũng như sau thời gian theo học US Army Command & General Staff College tại Fort Leavenworth năm 1972-73.
Năm 1971-72, tôi thường gặp Tướng Khôi tại nhiều nơi tỉ như An Lộc và Lộc Ninh, trong những lúc Lữ Đoàn của ông đánh đông dẹp tây tại những mặt trận sôi bỏng trên lãnh thổ Cam Bốt.
Sau khi được phóng thích khỏi trại tù cải tạo sau 17 năm, Tướng Khôi hiện cư ngụ tại Springfield, VA.
Tướng Khôi là một trong số những vị lãnh đạo Thiết Giáp cừ khôi nhất tôi được quen biết: táo bạo và xông xáo, nhưng không húc bậy, biết dùng di động tính và hỏa lực đề tạo chấn động gây khiếp đảm ngay cả trên chiến trường Việt Nam. Tướng Khôi đồng thời cũng biết chế biến và uyển chuyển để tận dụng những lợi khí có trong tầm tay. Nếu Tướng Khôi là chỉ huy trưởng của một chi đoàn thiết giáp thuộc Third Army trong Đệ Nhị Thế Chiến, thì hẳn là Tướng Patton đã phải nhìn nhận hai chiến binh đồng hạng: Creighton Abrams và Trần Quang Khôi.

Raymond R. Battreall
Đại Tá, Thiết Giáp (Hưu Trí)
(Armor, March-April 1996)

Ghi chú: Cháu vừa đọc một số thông tin về ông cháu, Trần Quang Khôi. Ông cháu hiện giờ sống tại South Riding, và không còn ở Springfield đã nhiều năm qua. Đó chỉ là một tiểu tiết trong trường hợp ông muốn cập nhật thông tin trên trang nhà của ông... Cháu xin cám ơn ông về thì giờ của ông. (Trần Quang Phú, 31/08/2008)

Wednesday, March 21, 2012

Hồi Ký Chiến Trường ( Đời Nhảy Tóan ) Biệt Kích Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật





Khác hơn thường lệ, chiều nay mới bốn giờ toán chúng tôi đã được ăn cơm. Xong một lân nữa lệnh kiểm soát lại đồ đoàn. Toán chờ xuất phát. Thiếu úy Điệp (Phạm ngọc Điệp) trưởng toán (One zero), sáng nay đã bay Covey Ov10 quan sát bãi đáp, dự thuyết trình mục tiêu. Chuyến này Trung sĩ Quang (Trần Quang) toán phó (One one) phụ trách điện đàm, còn lại là bốn toán viên Biệt kích quân (BKQ). Tôi BKQ Hải (Nguyễn văn Hải) Thông dịch viên. BKQ Nguyễn duy Châu Khinh binh (point man) BKQ Hào (Lê thanh Hào) M79 sau cùng BKQ Cường (Nguyễn mạnh Cường) đoạn hậu.
Sáu người trong toán được đưa lên chiếc xe bít bùng, đậu trong sân. Đây là cãn cứ đươc xây dựng đặc biệt để người bên ngoài không thể nhìn thấy gì bên trong. Thiết kế ba dẫy nhà liền nhau tạo thành chữ U. Mọi cửa phòng bên trong, mở ra chung mọt cái sân. Phía trước cái cổng sắt đặc liền, luôn có người gác, cửa đóng im ỉm. Đó là căn cứ Biệt kich nằm trong phi trường Nakhon Phanom (NKP). Xe bít bùng mở cửa sau, rồi de khớp vào cánh cửa hông của chiếc trực thăng CH53 Jolly Green. Bằng cách này người bên ngoài không thể nhìn thấy cái gì được chuyển từ xe lên trực thăng .Tức thì ,cửa trực thăng được đóng lại ngay, rồi tiếng đề pa của động cơ cánh quạt rít lên, từ từ xoay nhấc bổng rời bay đi.
Nhìn qua khuôn cửa, trời đă nhạt nắng. Lên đến cao độ, trực thăng bay với sự hộ tống của hai Khu truc cơ A1 Skyraider đến từ lúc nào và đang bay kèm hai bên. Xem đồng hồ đã qua nửa giờ bay, nhìn qua cửa,bóng chiếc Covey OV10 (FAC) ánh lên cùng nắng chiều tà. Thiếu tá Thụ (Nguyễn văn Thụ) Sĩ quan Điều Nghiên và Không Thám, ra hiệu cho Toán chuẩn bị.





Một Thượng sĩ người Mỹ đã đứng trước cuộn thang dây. Không có bãi đáp, Toán được xâm nhập bằng thang dây. Trực thăng nặng nề hạ độ cao. Ngoài cửa sổ chiếc A1 đang lao xuống dọn bãi đáp bằng đại bác 50, tiếng như bò rống. Toán đã sẵn sàng.Trực thăng ồ một tiếng lớn, rít lên rồi từ từ đậu bên trên ngọn cây bao quanh một hố bom trống trải. Toán từng người một leo bám vào thang dây lẹ làng đáp đất .
Toán đã tiếp được đất an toàn, coi như xâm nhập thành công ...Có tiếng rên và tôi quay ngoắt lại. Cường nhóc sao nửa mặt đầy máu. Nhanh như cắt tôi nắm lấy máy truyền tin từ Quang gọi Covey báo cáo tình hình và mô tả vết thương. Nhìn máu chan hòa nửa gương mặt, Hào đang loay hoay phụ băng vết thương. Trước tình thế tôi thật sự nghĩ là nghiêm trọng và xin triệt xuất. Hỏi nguyên do chỉ vì cạnh ngoài chấn thang tự nhiên đập thẳng vào đầu. Người Mỹ trên Covey hỏi lại một lần nữa. Tôi đáp chắc chắn cái đầu nó bị bể. Thế rồi lệnh triệt xuất được truyền xuống. Trực thăng trở lại, sáu người leo lên thang, lựa chỗ cho đủ đứng rồi móc cái móc từ người vào thang. Thiếu úy Điệp người cuối cùng ở vị trí cuối thang ra hiệu trực thăng bay đi.
Về đến phi trường NKP trời đã về đêm, dưới ánh sáng đèn trên trực thăng tôi thấy Cường nhóc ngoài cái băng trên đầu, trông nó như chả làm sao cả. Tôi giật mình khi người y tá vào trong khoang tầu săn sóc vết thương cho Cường. Thiếu tá Thụ đứng bên tỏ vẻ lo lắng vì thấy vết thương quá nhẹ... Xe bít bùng chở Toán đang đường về căn cứ. Ngồi trong xe ai ai củng tỏ vẻ ngượng ngập nhất là tôi và Thiếu úy Điệp. Nhìn cái băng cá nhân tí tẹo trê trán Cường nhóc mà thấy xốn sang trong dạ và chuẩn bị đối phó bởi báo cáo của mình không xác thực . Xe đã vào trong sân căn cứ. Thiếu tá Thụ vội vàng, trước nhất xuống xe đi thẳng vào phòng Hành quân, dẫy nhà bên hai Toán người Thượng nhìn có vẽ soi mói trong ánh đèn pha trên cột cao dội ánh sáng chói chan xuống sân. Một Trung sĩ người Mỹ gọi tôi và Điệp lên phòng Hành quân. Cửa vừa mở, hai tôi bước vào chưa kịp dơ tay chào, đã gặp ngay nét mặt nộ khí xung thiên của Thiếu tá người Mỹ trưởng căn cứ. Sau một hồi dữ dằn mắng chửi với khoa tay múa chân, khỏi cần thông dịch. Ông ta giờ có vẽ nguôi và đang giải thích về chi phi cùng những khó khăn của một quá trình xâm nhập. Thiếu tá Thụ ngồi bên hoàn toàn yên lặng... Bây giờ thì " Này các bạn, với tư cách Trưởng căn cứ, tôi tuyên bố Toán của các bạn đang trong muc tiêu " Rồi tiến đến bắt tay Thiếu úy Điệp và vỗ vào vai tôi ông nói giọng gằn từng tiếng " Nhớ, đừng quên học thêm tiếng Anh bạn ạ".
Thiếu tá Thụ đánh thức chúng tôi dậy vào lúc năm giờ sáng, thông báo ba mươi phút nữa Toán đươc đưa ra sân bay. Cường nhóc ở lại NKP... Toán còn lai năm người hành quân.
Chiếc MC130 Blackbird, loại có râu móc trước mũi đề bốc Toán theo kiểu James Bond 007 (Fulton Skyhook Extraction System). Cửa sau đã mở sẵn chờ đợi cửa sau của xe bít bùng chở Toán. Thiếu tá Thụ không đi theo. Máy bay lập tức ra phi đạo rồi cất cánh. Hơn nửa giờ bay, giờ phi cơ đang chuẩn bị hạ cánh, cái cảm giác nặng chịch trong lòng cùng buốt hai tai, tạo cho tôi cảm giác bay bổng nhưng rất khó chịu trong người. Một xe GMC chạy đến tận cửa sau máy bay đón chúng tôi. Nhìn vào nóc nhà xây trước mặt, trên nóc nhà hàng chữ. Phi trường Kontum. GMC chở Toán đên một khu vực cũng nằm trong phi trường, trên sân sáu chiếc Kingbee sơn mầu blackbird đang chờ, sẵn sàng cất cánh.

Từ trực thăng, cảnh núi rừng trùng điệp. Bên dưới, đám mây trắng kéo thành một vệt dài dưới ánh nắng như chưa đủ sức làm tan loãng. Gió phần phật lốc vào làm ran rắt trên mặt cùng tiếng ầm ĩ của động cơ trực thăng. Người xạ thủ trực thăng, cạnh tôi mời thuốc hút.
Đảo một vòng, trực thăng chở Toán bắt đầu đáp xuống, theo sau những chiếc đã xuống trước. Đoàn King Bee sáu chiếc, chỉ chở năm hành khách. Dưới bãi đáp, một Trung úy người Mỹ thông báo phi hành đoàn cùng toán trưởng vào dự thuyết trình. Ngay tức thì, Thiếu úy Điệp, đưa cây Car 15 cho tôi, rồi vào phòng Hành quân.
Hai chiếc Kingbee cất cánh và một trong hai chở theo Toán. Vượt qua những ngọn đồi thoai thoải tiếp nhau, xa xa dẫy núi xanh mờ chắn ngang. Gió dữ dằn tung lốc ào ạt quanh quanh. Những đám mây lạ lạc bất thần tạt cái lạnh êm êm. Hai chiếc Cobra, đến từ lúc nào đang song hành hộ tống. Sự phối hợp không quân bài bản, nhuần nhuyễn với độ chính sác cao. Dưới kia giòng sông đỏ ngầu mầu đất ngoằn ngoèo chia cắt giữa núi cao và đồi cây. Xa kia, tầng mây trắng như cố bám lấy núi rừng và tuyệt vời hơn nữa, những đám mây mỏng nhỏ lang thang tạo thành bức tranh thần tiên lãng đãng. Người xạ thủ trực thăng ra dấu Toán chuẩn bị. Nhìn ra ngoài, đã thấy rõ chiếc OV10 (FAC) bay đằng xa. Theo thuyết trình hai chiếc Kingbee sẽ đáp xuống cùng một lúc hai bãi đáp khác nhau và chỉ có một chiếc là chở Toán, nhằm đánh lừa địch. Trực thăng hạ độ cao. Chiếc Cobra đang dọn bãi bằng đại liên sáu nòng và M79 tự động. Bằng vào một động tác hạ nhanh, trực thăng sát đất rồi trườn xa một quãng. Đáp vội trên con suối cạn, đá lởm chởm. Toán chúng tôi nhanh chóng thoát vào rừng cây.
Cơn mưa ngày qua để lại dấu tích dễ nhận trên bề dầy của lá rụng, nơi sinh sản và cũng là căn cứ của loại vắt độc hại. Mùi khai nồng, hăng hắc của cây lá bung lên như muốn giao tình với ánh nắng trên cao. Nhưng nắng chẳng đủ sức xuyên qua tàn cây xòe rộng dù rằng nắng đang trực diện với đất. Lặng lẽ chúng tôi cố gắng di chuyển thật nhanh để tránh cái lộ của bãi xâm nhập. Khi máy bay đi rối, chắc chắn ở gần đây, địch sẽ đến và thám thính.
Dự đoán không lầm, khi anh em ngồi nghỉ rồi ăn trưa, đất vẫn còn nhão, thêm sự tĩnh lặng, lẫn tiếng thú rừng thi thoảng âm vang rồi vọng lại. Tiếng súng địch bắn để báo động cho nhau. Rõ nhất vẫn là tiếng gà rừng mà tất nhiên không thể thiếu ở bất cứ một khoảnh rừng nào. Thiếu úy Điệp cùng Châu đang căn lại bản đồ lấy phương hướng. Hào thì vẫn cái mùi mắm ruốc xả kinh niên mà mỗi chuyến hành quân, vợ tịch thu hết lương khô, xong phát cho một hũ Ruốc xả có thề ăn dè được cả tháng. Có tiếng Covey lên bao vùng, tôi mở điện đàm chờ đợi. Toán phó Trần Quang đã giao điện đàm cho tôi để thế chỗ Cường nhóc đoạn hậu. Tiếng Đại úy Ginh (Trần trung Ginh) trên Covey gọi Toán, tôi chuyển ngay bức điện đã làm sẵn, rồi nhanh chóng di chuyển, đâm xâu vào mục tiêu.



Khu rừng thật rậm rạp. Châu vất vả lắm để mở đường. Len tỏi, lạng lách, đánh vật với cây rừng, khi mà yêu cầu đi đúng đường. Chốc chốc hắn lại phải xem la bàn. Thiếu úy Điệp đi kế Châu, cây Car 15 luôn sẵn sàng bảo vệ. Trời quá chiều, ánh nắng hắt những tia cuối cùng. Muỗi như vã vào mặt và vắt thì nhiều vô kể, nó đi tìm mồi như người làm xiếc, di chuyển uốn dẻo thân mình rồi bung tiến tới mồi rất chính xác nếu chúng tôi lộ ra khoảng da thịt. Điệp đả chọn được chỗ nghỉ ăn cơm chiều. Có tiếng hú vọng lại, trầm ấm, lan tỏa rồi hình như lại dội lại. Trên tàn cây lao xao tiếng chim gọi nhau, thiếu đi giọng hót mượt mà ban mai. Tiếng súng địch quân vẫn thi thoảng nổ gọi nhau hay báo hiệu gì đó... Tay lấy lọ thuốc muỗi, xoa thêm vào mặt và tay để đối phó với sự tấn công quyết tử của vắt và muỗi. Nhá nhem tối, Toán đi tìm chỗ ngủ, lý tưởng nhất vẫn là gốc cây to, rễ bạnh. Trung sĩ Quang lên đi đầu. Di chuyển êm, chậm chạp và cẩn thận nghe ngóng. Trời tối hẳn, ánh trăng tỏa vằng vặc từ lúc nào. Đứng nghe ngóng một hồi lâu. Thiếu úy Điệp ra lệnh ai hút thuốc thì hút đi... Cẩn thận vì khói thuốc tỏa rất xa và đó là cái mùi không có ở núi rừng. Kinh nghiệm cho thấy, có Toán địch theo dõi cả ngày, đem đến, chỉ vì mùi thuốc lá dễ nhận, địch âm thầm bao vây và tấn công. Xong , Quang gài lại trái mìn M14 rồi di chuyển tìm chỗ ngủ. Địa điểm ngủ đêm đã được đồng ý. Toán chúng tôi hạ bàn tọa... Một đám mây đen lao thẳng vào mặt trăng, trời bỗng tối xầm rồi lại sáng. Ba lô là gối, lá cây rừng làm nệm. Dưới ánh trăng từng ngọn gió nhẹ lay động cây lá truyến tải ánh sáng phản chiếu lung linh. Cảm giác như lạc vào cõi kinh dị. Nghĩ bụng phải nhắm mắt lại ngay và đừng suy nghĩ cố mà tìm giấc ngủ. Đây là một kinh nghiệm, vì đã có những toán viên không ngủ được trong tình cảnh này, đã thút thít khóc gọi mẹ, để rồi bị chế giễu và sa thải, hay những toán viên đào ngũ chỉ vì đã từng để lại tiếng thở dài trong đêm hành quân.
Trời sáng, sương đêm còn ướt nơi ngực, là đà quẩn trong gió, sương mù mỏng dần theo gió núi lành lạnh. Thông lệ Toán có một tiếng đồng hồ đễ vệ sinh và chuẩn bị cơm nước trong ngày. Point man Châu trở lại vị trí dẫn đầu, giờ đang cùng Thiếu úy Điệp căn lại phương hướng, xong  Điệp đưa cho tôi bức điện tin vừa viết bằng mật mã. Bất giác tôi nhìn Châu, khăn mầu lá cây cột trên trán, cái răng vàng nhìn thấy rõ bởi cái miệng hắn hô, trên gương mặt lầm lì, xa vắng như nhớ vợ. Tự nhiên tôi bật lên tiếng cười. Lệnh di chuyển, ngoái lại thấy Trần Quang đang xóa dấu vết. Tiếng súng báo hiệu hôm nay, bên này đã trả lời. Cánh rừng bớt rậm, nhưng cây lớn nhiều. Thỉnh thoảng vài trái cây ném xuống từ trên cao, nhìn lên thằng khỉ đang nhăn răng cười tay gãi gãi vào nách. Không gian bao trùm âm thanh núi rừng, nắng chếch trên cao, sưởi ấm cái lạnh bên dưới nhưng không đủ sức. Châu bất thần ngồi xuống tay ra thủ hiệu dừng lại, mắt nhìn Điệp và tôi. Quan sát động tĩnh rồi ngó về phía trước... Một con đường mòn chắn ngang hướng di chuyển. Phân công ba người yểm trợ, Điệp và tôi lum cum đi lên thám thính... Con đường rất ít lá cây, có nơi nhẵn nhụi, lạ lùng nơi kia loang một vũng nươc nhỏ như có ai mới vừa tiểu tiện. Hoảng hốt tôi kéo Điệp trở lui, miệng lầm bầm "đồng chí mái" Điệp hỏi lại "sao Hải biết". Đến nơi đòng đội đang chờ, tôi giải thích... Vết lỗ đái nhỏ, xâu in trên đất, tại vũng nước loang tròn, hạn chế thì dứt khoát đó là tác phẩm của phụ nữ, các bà. Gọn ghẽ và thẩm mỹ. Thiếu úy Điệp phất tay ra dấu, vượt đường mòn từng người một, yểm trợ lẫn nhau, đi trên lá cây. Bở hơi tai, chúng tôi đến đươc nơi có thể ngồi nghỉ. Có tiếng Covey trên bầu trời. Điệp vội vàng thêm vài chi tiết vào bức điện. Đại úy Ginh từ Covey đang gọi Toán, tôi trả lời và mau chóng chuyển ngay bức điện. Bây giờ tôi mới nhân rõ Thiếu tá Thụ trên Covey. Hai ông đều nói tiếng bắc nên dễ lộn.


5
Tiếp tục tiến vào mục tiêu. Nửa tiếng ăn buổi trưa, Toán vội vã di chuyển để tránh địch theo dõi. Châu dừng lại bên tảng đá cao ngút đầu, ngồi xuống rồi đưa tay chỉ. Một con suối rộng, nước chảy lặng lờ trong kẽ đá. Xa xa mà mắt thường có thể nhìn thấy, bên bờ suối, trên dốc thoai thoải, nép vào những cây cao. Hai dẫy nhà bằng cây rừng tre lá, ẩn nấp dưới những tàng cây. Thấp thoáng vài bóng người. Bên này suối, xa hơn một tí, những ngôi nhà ngắn và nhỏ, lọt xâu giữa những tảng đá lớn. Vài tên bộ đội đang lấy nước.
Toán nhanh chóng di chuyển càng xa càng tốt, nhắm hướng hạ lưu. Thấy có vẻ ổn, Toán dừng lại bàn bạc và đồng ý xin không kích. Định vị trên một vị trí có vẻ kín đáo và thuận tiện cho tác chiến. Tôi vừa ăn trưa vừa lo bắt liên lạc với FAC (Covey OV10), nhưng không được đành phải xài tới hệ thống máy cấp cứu P90. Một lúc sau, khọt khẹt và tiếng trả lời hoi: Sóng cấp cứu của ai lên với tần số...Tôi thông báo mật danh và được trả lời hãy đợi.
Mười phút trôi qua, động cơ ì ì của Covey càng lúc càng rõ. Trong máy PRC74 đã nghe rõ tiếng gọi Toán. Một ông tây điều không, trả lời mật danh và chuyển lên bức khẩn điện, tôi yêu cầu Không-quân. Mười phút sau khi nghiên cứu bức điện và điều không. Lời yêu cầu được chấp thuận. Báo cáo với Điệp, hiểu ý Quang và Hào lẳng lặng lấy trong ba lô hai trái mìn Claymore, hỏi ý Điệp nên gài ở đâu. Chớp nhoáng Toán đã ở vào vị trí chiến đấu. Nép vào góc hai cục đá to, giữ cái PRC74 ở vào nơi tương đối an toàn. Tôi đang ở giữa bốn đồng đội. Trên tầng cây cao sau lưng, tiếng kêu ré lên đuổi nhau ầm ĩ của đàn chim, chúng đang tung chưởng đánh nhau.
Covey lúc này đang vòng trên đầu chúng tôi. Hắn gọi Toán và xin mở cửa sổ (ý muốn thấy vị trí Toán bằng chiếu gương).Tôi cầm cái gương dưa lên mắt, ngó hướng mặt trời, lấy ánh sáng hội tụ tròn mờ trong gương và qua lỗ nhắm giữa gương chỉnh điểm ánh sáng tròn mờ lên thẳng Covey đang bay....À thấy rồi, xin cho mục tiêu. lúc này không còn cần mật mã, mà nói trực tiếp và bạch hóa.
-Lima charlie (tên Covey)nghe đây, ngay tại triền suối, hướng Tây, khoảng cách 1000 mét
-Pa pa oscar (tên Toán) nhận rõ, chuẩn bị panel cho oanh kích.
Một Phantom F4 lúc này đang bay trên trời.
-Papa oscar đây là Li ma charlie. Tao sửa soạn làm tình, xin cho ý kiến và trải panel vàng.
Một cú bay xuống như tia chớp, chiếc Covey lao nhanh trực chỉ mục tiêu và trái rocket đã được bắn ra. Nhìn làn khói trắng bốc lên, tôi ước lượng và gọi Covey.
-Lima charlie. Mục tiêu 200 mét về hướng bắc. Ngay triền suối.
-OK Papa oscar. Hãy nhìn đây.
Covey đảo nửa vòng cung, đầu chúc xuống, thêm một trái rocket thứ hai xuống mục tiêu. Máy bay múc thẳng lên cao, nghiên nghiên rồi ngừa bụng lên trời, tí sau mới lật lại, bay bình thường. Với câu hỏi:
-Papa oscar. Đúng mục tiêu chưa. Tao chơi có khá không?
-Lima charlie, Đúng rồi, thật tuyệt. Anh trình diễn giống như Elvis Presley.
-Cám ơn cám ơn Papa oscar. Ha, ha, ha, ha.
Liền tiếp theo sau, chiếc F4 xà xuống một trái bom ghim ngay mục tiêu khói trắng chỉ điểm.Tiếng nổ vang dội và một cột khói lửa bao trùm bốc cao. Ngay đầu tiên hắn đã xài loại 500 cân anh.Trên bầu trời lúc này còn thêm chiếc A1 Skyraider chả biết đến từ lúc nào? bất thần theo sau chiếc F4
6Máy bay như ngừng lại khi khai hỏa một loạt đại bác 50 và rồi hất ra tung tóe như đậu vãi những trái bom bi cứ như nắm tay một, rồi nghiêng nghiêng tăng tốc vút lên cao. Chợt tôi hoảng hốt, nhìn thấy làn đạn xanh, đỏ từ dưới đất bắn lên.

-Lima charlie. Đồ chơi có gai, ngươi thấy gì không?  xanh, đỏ đang lên với bạn.
 -Cám ơn, Papa oscar, thấy rõ 5 trên 5, có lẽ còn trước cả bạn. Nó sẽ câm họng.

Chiếc Phantom tiếp đến bổ nhào xuống và cắt một lúc hai trái bom, rồi biến mất sau cột khói mịt mù. Tiếng nổ khủng khiếp tạo sư chấn động, mà chỉ nhũng kẻ có tinh thần thép mới không khỏi sợ hãi khi mắt chứng kiến cảnh hãi hùng bom đạn, khói lửa bao trùm

-Papa oscar ghi nhận có tiêng nổ phụ. Xin xác nhận.
 -Lima charlie...Đúng rồi và cháy dữ dội, có thể là kho tồn trữ nhiên liệu.

Trên cao họ tinh tường thật, lúc này bình tâm tôi mới nhận ra và báo cáo...Tới tấp đánh vào mục tiêu, chiếc A1 bổ nhào ném thêm hai trái bom Napalm. Một vệt dài toàn lửa cháy dần loang, tung lên những cuộn khói đen kịt. Trên bầu trời đã mất hút chiếc F4 và chiếc A1 cũng nhỏ dần. Sau đám mây cuồn cuộn trắng. Chỉ con lại chiếc Covey quần đảo, để ghi nhận cùng xác định kết quả.

-Papa oscar...Tạm biệt, thằng nhóc. Ta đã biết mi là ai rồi. Chuyển lời khen đến mi, con trai. Ta đi lo phần việc tiếp theo.
 Tháo gỡ hai trái mìn claymore phòng thủ. Quang và Hào đã sẵn sàng di chuyển. Ngoái nhìn mục tiêu, vẩn tiếng nổ rời rạc và lửa khói bốc cao. Toán nhanh chóng vượt con suối trống trải. Biến vào khu rừng bên kia... Tiếng súng quanh quanh vẫn bắn cú một truyền tin ... hay đang có một cuộc lùng sục của địch. Chiều tà mang mầu nắng vàng ệch soi rọi trên khuôn mặt mỗi người. Tàng cây rừng thưa cao nghất không đủ sức che chắn ánh nắng chiếu ngang tạo cảnh thu não lòng trên cùng hình ảnh năm cái bóng đổ dài như ma quái chập chờn. Cố gắng di chuyển thật nhanh để kiếm tìm sự che chắn. Toán bất chấp sự hiểm nguy, vì chẳng còn con đường khác. Phải nhanh chóng thoát khỏi khu rừng thưa náy.


Mọi lo lắng rồi cũng qua, địa thế lại thuận tiện. Chúng tôi ăn cơm trong ánh sáng còn sót lại trong ngày. Tìm được chỗ ngủ, khi bóng tối bao trùm. Núi rừng bỗng trở nên yên lặng kỹ quái, như cố đẩy lùi những xao động vừa qua. Vài tiếng hú gọi nhau thê dài như có vẻ nhớ nhau. Trong ánh trăng chiếu rọi xuyên cành. Năm chúng tôi im lìm, lặng lẽ đi vào giấc ngủ.


7
Tiếng ngáy của thằng Hào làm tôi tỉnh giấc, chửi thề trong bụng, tôi nhoài người đưa tay lay gọi nó "mẹ cái thằng, đồ chết tiệt, ăn cho đẫy mám ruốc vào, ngủ rồi ngáy " Xem đồng hồ, mới bốn giờ sáng. Tôi nín cười vì bất chợt được thưởng thức bản hợp tấu tiếng người ngáy và gà gáy xen lẵn tiếng đệm âm trầm của thú rừng xa xa. Điệp hình như cũng đã thức. Trần Quang xích lại phía tôi rủ hút thuốc. Tôi buột miệng dút khoát"không được".Anh trăng treo ngang in nguyên cành lá trên gương mặt tẽn tò của Quang đã xấu lại càng xấu thêm.
Hai trái claymore phòng thủ đã được thu hồi.Toán chuẩn bị di chuyển. Sương mù dầy đặc làm hạn chế tầm nhìn và cái lạnh ướt hai hàng mi. Có tiêng súng nổ rồi bên này đáp lại. Địch đang truyền tin cho nhau. Đến một con suối cạn, bên kia dốc cao. Ngồi quan sát địa hình... Châu và Điệp đang so lại bản đồ và địa bàn. Hướng đi được xác định, phải vượt suối và khắc phục dốc cao. Châu và Điệp sang trước, ba người bên này yểm trợ. Đã có nhửng hòn đá theo chân của Châu, Điệp lăn xuống lòng suối, phát ra những tiếng va chạm lớn theo đà lăn, gây sự nguy hiểm, chú ý nếu địch ở gần đây. Bắt đầu ba người còn lại vượt qua dưới sự yểm trợ của hai người sang trước.
Vào ngay hướng đi của Toán, phía trước thoai thoải cánh rừng thưa, cây cao,bóng cả. Nắng chói rọi một mầu vàng vào từng đốm bãi cỏ bên dưới mà không bị che khuất bởi những tàn cây dâm mát. Xa xa tít ngoài, bìa rừng xanh thẵm, đẹp như tranh vẽ.
Địa thế thật bất lợi và rất nguy hiểm cho di chuyển và tác chiến. Lộ nguyên hình trong nhiệm vụ Thám-sát đồng nghĩa với nhất chín,nhì bù. Thiếu úy Điệp ra lệnh phòng thủ đợi Covey, vì thường vào giờ này đã lên bao vùng. Một con khỉ đực lông vàng, to lớn có vẻ đầu đàn, nhăn nhở cười trên cây, tay gãi gãi mân mê khoe quả quí. Ở phía xa kia  lũ chim líu lo, đanh đá đánh nhau hay đùa giỡn ầm cả một góc rừng. Có tiếng ì ì quen thuộc của Covey rồi Thiếu tá Thụ gọi. Tôi gửi ngay bức điện, Điêp đưa cho hồi sáng rồi trao máy cho Điệp trực tiếp xin yểm trợ ...Lệnh chấp nhận và Toán bắt đầu di chuyển. Covey vọng ngay trên đầu.
Bở cả hơi tai, mồ hôi nhễ nhại. Cuối cùng cũng đã vượt qua trở ngại. Yên tâm hơn với địa thế hiện tại. Vẫn tiếng súng cú một quen thuộc, rồi tiếng đáp trả. Sự đe dọa tinh thần căng thẳng hay một cuộc bao vây đang hình thành vì điên tiết bởi trận oanh kích ngày qua. Point man Châu bỗng dừng lại. Tôi và Điệp lên quan sát. Con đường rộng, cách chúng tôi chừng tám hay mười mét, ngang hướng đi của Toán. Lên tiếp cận con đường, Điệp chụp ảnh và ghi nhận... Đường rộng hai mét, dấu vết thường xuyên và đang sử dụng, lá cây không bao phủ hết, lòi cả đất. Một vết trượt ngắn để lại dấu dép nghiên nghiên. Ngoắc tay ra hiệu cho Toán đi lên, chúng tôi vượt qua con đường.
Nửa tiếng nghỉ ăn trưa. Một tiếng hú lạ tai dài hơi ở hướng bắc, bên này cũng hú đáp lại. Chúng tôi nhìn nhau, lòng cũng đã hiểu. Sự sợ hãi ập tới chen lấn và len lỏi trong tôi. Nhưng rất may chỉ thoáng qua. Ý tưởng vượt khó, lồng lẫn vài gương mặt mấy em cava, xinh sắn thơm như mít, đã làm tâm hồn dịu lại. Mồ hôi chẩy dài trên mặt người đi đầu thật vất vả. Cái mặt bóng lưởng bởi thuốc bôi trừ muỗi và vắt nay lại càng bóng thêm vì mồ hôi. Bất giác mọi người nhìn nhau như muốn hỏi... Tiếng chim ré lên lao xao như đang gặp người lạ... "Kệ mẹ nó, tiếp tục, chả có chi"  Tiếng nói khẽ của Thiếu úy Điệp nghe đanh vả gọn. Vẻ lừng khừng. Châu lại tiếp tục mở đường.
Một cơn dâm buổi chiều, che khuất ánh nắng đã ngả về tây. Ranh giới của rừng rậm,lui dần về phía sau. Trước mặt dốc thoai thoải trống trải tối mù bởi nhũng tàn cây xòe rộng. Nhũng cây cổ thụ vút lên cao vẻ thách thức. Một con đường lớn băng ngang ở phía trước chia cắt bên kia rừng chồi non, bên này cổ thụ. Toán khựng lại, án binh bất động. Thật đáng ghét, đành chờ tối hẳn... Trung sĩ Quang và Hào vùa giăng xong hai trái mìn phòng thủ. Vẫn tiếng súng phát một của địch, vẫn tạo ngay sự khủng bố tinh thần. Chẳng làm chúng tôi mê mụ đi.
8
Cơm vừa xong,thì trời vừa tối. Ngồi đợi trăng lên, nhưng thiết nghĩ trăng cũng chẳng đủ sức soi rọi qua những tàn cây rậm rạp, nhưng có thể cũng đủ để không khỏi va chạm. Âm thanh núi rừng bỗng bừng bừng trỗi dậy,ma quái, huyền bí, não nuột tiếng thú khàn đục vọng dội thê lương như mãi mãi cô đơn. Ánh trăng vừa treo chếch, cũng là lúc Toán tới chạm con đường. suýt vấp ngã bởi chỗ trũng trên con đường, bước băng ngang khoảng năm bước, lại một vết trũng. Cho tôi hiểu ra rằng, đây là con đường cho xe hơi chạy. Báo cáo xong với Điệp... Lệnh qua đường, tìm chỗ ngủ.
Lắng nghe động tĩnh, nhìn đồng hồ đã mười giờ đêm. Thấy an toàn. Điệp ra lệnh cho Quang và Hào đi gài claymore phòng thủ... Cố dỗ giấc ngủ, bằng cách nghĩ một chuyện vui rồi vật vờ chìm dần... Bỗng giật bắn người lên, tiếng nhẹ xoay người từ đồng đội. Vểnh tai dựng đứng, nghe cho rõ hơn... Từng bước, từng bước. Tiếng bước chân và cành cây khô gẫy. Địch đang di chuyển thẳng vào Toán. Ánh trăng lao xao qua kẽ lá, không đủ để nhìn rõ quang cảnh. Tiếng bước chân bỗng ngừng lại. Không khí nặng nề lại nặng thêm. Tôi suy đoán địch chỉ cách chúng tôi chừng bốn hay năm mét. Nhưng rồi có tiếng khụt khịt, xong đi thẳng về chỗ chúng tôi. Thở phào nhẹ nhõm, mọi người hiểu ngay chỉ là thú rừng. Đến gần, con heo rừng cao cả thước đứng đánh hơi một chặp, mới chịu ra đi... Mẹ kiếp, đêm đến thấy vợ chưa về, bực tức đi tìm... Làm hú hồn.
Nằm yên được một chặp.Trong đêm tĩnh lặng.Tiếng động cơ ì ì nặng chịch, ngay sau lưng chúng tôi. Chắc chắn trên con đường tối qua, với hai vết lõm hai bên. Gà gáy lao xao tứ phía, lâu lâu xen lẫn tiếng người ồn ào nhưng chẳng rõ nói gì. Trăng đang gặp núi cao bên hông, tỏa ánh sáng mờ đục đùa giỡn cùng sương mù bay bay theo gió. Nghĩ lại quả là đêm của những giật mình.
Liên lạc xong với Covey, chúng tôi lại bỏ sau lưng những gì đã qua. Ngày mới lại đến, bình thường như đang trong mục tiêu.?! Mới mười giờ sáng, cái không khí oi nồng, nắng gắt trên cao và gió, gió biến đâu mất. Thời tiết tạo những cơn mưa đầu mùa. Thấy một địa thế ưng ý. Thiếu úy Điệp cho Toán nghỉ lại ăn trưa. Một chiếc phản lực lang thang ầm ĩ trên không. Ăn cơm xong, tôi thấy đau bụng lạ kì. Mượn chai dầu gió của Châu, dùng móng tay cái tôi cạo hai bên khủy tay, nhưng chẳng hết đau. Hay tại hũ mắm ruốc của Hào mà mình đã xin, sơi khi sáng.Điệp nhìn tôi e ngại. Tôi kêu Quang đưa viên thuốc và rồi  "Điệp coi dùm ba lô máy". Tôi tất tả ra ngoài, vẹt xong lá cây, khoan khoái phóng thích của nợ. Kéo quần lên trong trạng thái thoải mái. xoay lưng chưa kịp về chỗ. Súng ầm ầm nổ chát chúa. Tôi chỉ kịp nghe tiếng của Điệp "Hải chạy đi"
9
Nhanh như chớp, tôi nhắm thẳng hướng bốn người vừa khuất. Mặc cho gai rừng quất vào mặt và cổ, cố sức phóng cho kịp đồng đội chạy trước... Thế rồi cám ơn Chúa, chúng tôi cũng đã cùng nhau một nơi. Vui thoáng qua. Bất giác tôi và mọi người cùng nhìn nhau. Chiếc ba lo máy của tôi vẫn còn trong trận địa. Ứa gan và hoảng hốt, rút vội cái máy P90 phóng làn sóng cấp cứu. Rồi nóng nẩy, điên tiết tôi nói "Trở lại lấy máy ngay,chần chừ là không kịp" Tự động tôi lao lên trước dẫn đầu, trở lại trận địa, mà cách đây chẳng bao xa.
Bên dưới gốc cây, chiếc ba lo nằm ngang, chứng tỏ khi ra lệnh rút Điệp đả cố kéo mang theo. Quan sát động tĩnh, tôi cẩn thận nhôm từng bước, bốn đồng đội yểm trợ phía sau. Chỉ còn lại khoảng ba mét nữa,tôi dần bò vào.Ngồi dậy sốc cái ba lo vô vai,thở phào nhẹ nhõm. Chỉ là đám trinh sát địch. Dưới kia hai tên địch chết nằm xấp, vũ khí văng xa. Thiếu úy Điệp ra dấu lại đây, di chuyển. Tôi ra thủ hiệu chờ một tí, lẹ làng băng xuống lấy cây AK gần nhất, tiếc rẻ nhìn cây AK còn lại, tôi tặc lưỡi... Ôi, cũng chỉ làm quà cho mấy ông Tây mà thôi.
Cây rừng chằng chịt, cản trở nhiều và lấy đi bao sức lực. Nhìn đôi găng tay đen của Châu, đã thấy rõ những vết sước tráng ởn... Mừng rỡ khi nghe tiếng Covey. Bật điện đàm tôi gọi ngay.
-Hotel bravo đây Whisky yankee Toán đụng địch, xin trợ giúp khẩn cấp.
-Whisky yankee. Tao đang tới, yên tâm.
Tôi nhận ra ngay tiếng nói đặc biệt của Đại úy Storter, thanh tao như gái.
Lấy cẩm nang mật mã, tôi đọc và gửi lên Covey báo rõ tình hình và xin triệt xuất vì Toán đã bị lộ.
Tam nghỉ mệt ngồi chờ quyết định. Hào đang mân mê cây AK và lắc lắc tay ra dấu vô ích, súng hết đạn rồi.Trong máy có tiếng gọi Toán và Đại úy Storter thông báo, yêu cầu đã được chấp thuận và xin cửa sổ nhà tôi. Móc trong túi áo ngực lấy cái gương,chiếu thẳng lên Covey.
-Whisky yankee. Đi về hướng đông 200 mét,có bãi đáp.
Thông báo cho Thiếu úy điệp. Toán vội vã di chuyến, tẽ ngang hướng đông, được chừng 100 mét. Phía trước cây rừng thưa, từng bụi rậm rải rác chen lấn nhau. Điệp ra dấu ngồi xuống, quan sát địa thế. Toán đang đứng trên ngọn đồi. xa xa một khoảng trống bãi cỏ vàng, nhởn nhơ dưới ánh nắng vàng quá trưa. Thót người vì tiếng hú ngay sau lưng, kèm theo tiếng người. Rất nhanh, Toán đều tìm được mỗi người một gốc cây và sẵn sàng. Tôi gọi ngay cho Covey báo đụng địch và xin trợ giúp... Tiếng chân người xen lẫn những cánh tay vẹt cây rửng, từ từ đến thẳng chúng tôi... Sự căng thẳng, hồi hộp trên từng nét mặt, gần tôi, Hào đưa tay vuốt mồ hôi trên mặt. Tôi, tim như ngừng đập theo từng tiếng bước chân của địch. Châu và Điệp tay đang mở bao bi đông nước trong có chứa khoảng hai mươi trái lựu đạn mini... Loạt đạn đầu tiên của Trung sĩ Quang đã làm hai tên địch đi đầu vật ngửa, mà chẳng kịp nhìn thấy ai...Tiếng hô hoán, ra lệnh bỗng chốc ầm ĩ sau loạt đan của Quang. Tiếp đó,cái không khí nặng nề lại đè lên hiện trường, kèm theo mùi thuốc súng cộng lá cây rừng. Bên này đồi ,nghe thấy tiếng quát thúc dục. Toán chúng tôi đang bị bao vây bằng hai cánh quân. Địch đã đến gần và trực diện với chúng tôi bằng những loạt đạn phủ đầu áp đảo. Nép vào gốc cây, nhìn nhũng vết đạn cày sước, đất bắn tung tóe. Tôi gọi Covey trong lúc bốn đồng đội tác chiến.
-Hotel bravo. Anh có mang theo đồ chơi không,bật khói vàng cho anh chơi nhá.
-Whisky yankee, rất tiếc tôi không trang bị đồ chơi.Hãy cố gắng...Con hổ mang đang trên đường đến... Chạy ra bãi đáp sau lưng.
Bằng vào hỏa lực của mình.Toán cầm cự nhờ vào địa thế thuận lợi trên cao. Chúng tôi chơi lựu đạn dễ dàng và chính xác. Quang bò ra sau chúng tôi lo gài trái claymore để mở đường máu, tay đang sởi cuộn dây điện bấm mìn... Bất thần tiếng hô "Muốn sống đầu hàng đi, chúng mày bị vây chặt rồi "Đáp trả bằng một băng đạn vào chỗ tiếng nói. Nóng nẩy và điên tiết tôi gào lên "chửi thề".  Bên dưới Quang đã gài mìn xong ra hiệu cho Toán rút xuống từng người. Đòn cân não và những loạt đạn qua lại chứng tỏ địch không đông... Giờ này địch đã chiếm được vị trí cao mà chúng tôi mới bỏ lại. Bên gốc cây to, bạnh.  Điệp chỉ chiếc balo rách, đạn cày phá tung bên hông, nước trong bi đông giờ còn nhỏ giọt. Trên kia bốn cái xác địch nằm dài xuôi tay quanh những tay súng lâu lâu xuất hiện bắn xối xả vào chúng tôi. Địch đang chờ tiếp viện để làm cỏ Toán tôi.
10 /last
Tiếng súng xối xả của cả hai bên đánh bật đi tiếng Covey, mà có để ý mới nghe thấy. Tôi vẫn bấm mở máy điện đàm để Covey có thể theo dõi tình hình và thưởng thức diễn tiến trận đánh bằng âm thanh. Có tiếng thét thúc dục của cấp chỉ huy địch. Những lằn đạn cày sới, hất tung đất cát lên cao và lả tả vỏ cây văng vãi trên đấu và vai. Cây M79 của Hào tỏ ra thật hữu hiệu, áp đảo trận địa. Hào chứng tỏ sự nhanh nhẹn,t hông minh, chính xác trong tác chiến. Cây M79 của hắn thật tuyệt vời đã làm khưng lại cuộc tấn công, vì sau tiếng nổ của những trái M79. Phía địch gần như phải lo chống đỡ hoặc ẩn núp. Nhuần nhuyễn trong bài bản chiến thuật, lúc này mới thấy được tính hữu dụng của những giờ khó nhọc thực tập. Chiếc Covey xà xuống thật thấp, bay theo kiểu khủng bố với tiếng động cơ hết cốt. Xẹt,ào ào trên trận địa. Đèn xanh đã được bật,t rong chiến thuật quen thuộc. Covey gọi tôi.
Whisky yankee Phá vòng, chạy thẳng ra bãi đáp hướng đông.
Tôi báo cáo cho Điệp, hiểu Điệp ra lệnh chơi lựu đạn... Bất chấp Toán đồng loạt đứng lên. Mỗi người tay lựu đạn lấy hết sức ném về phía đối phương. Trung sĩ Quang nổ trái claymore. Toán chúng tôi hè nhau, vắt giò lên cổ, chạy thục mạng, nhắm hướng đông có bãi đáp. Dưới sự che khuất bởi khói và đất cát mịt mù của lựu đạn và mìn nổ. Cố hết sức, kết cục cũng ra được tới bìa rừng và thấy rõ những chấm đen của trực thăng đang lao tới. Thoải mái và phần nào lạc quan. Nét hân hoan hiện lên tửng khuôn mặt chờ đợi trực thăng bốc về.
-Whisky yankee. Con trai,mở cửa đi
Thiếu úy Điệp ra khỏi tàn cây rồi lắc gương.
-Whisky yankee. Thấy rồi. tiến ra khoảng trống, một trưc thăng sẽ bốc hết Toán.
Tiếng trực thăng chém gió đang quần ngự trên đầu. Hai chiếc Cobra, vòng chờ đợi sự điều khiển của Covey. Trên cao bốn chiếc Kingbee vẫn chưa chịu hạ thấp.
-Whisky yankee, ra ngay bãi đáp và chuẩn bị panel vàng. Hải, coi chừng phía bìa rừng.
Toán chạy thẳng ra bãi trống, phất panel vàng theo mật lệnh, trong lúc loạt rocket đầu tiên bốn, năm trái đươc phóng xuống nổ tung dài theo bìa rừng... Xa luân chiến... Tiếp theo sau, Cobra thứ hai, bay đầu chúc chúc... Tiếng đại liên mini, cùng 40ly tự động nghe phần phật, rồi nổ văng vãi dưới đất. Hai chiếc Cobra đảo vòng hai cũng là lúc chiếc Kingbee đang xuống bãi đáp. Phía sau hỏa lực của Cobra lập thành hàng rào thép cho Kingbee. Chiếc Cobra thứ hai lù lù phía sau... Nằm vội xuống đất, trong khi từ bìa rừng, cách Toán khoảng 50 mét, tiếng súng thi nhau nổ... À,mày chơi cú chót... Tôi thấy rõ chiếc Kingbee xẹt ngang qua đầu. Cây đại liên M60 phun ra lửa. Người xạ thủ đứng hẳn lên, vãi đạn xuống bìa rừng. Nhưng trực thăng bỗng bốc lên cao.
Hỏa lực của Cobra chơi bằng đủ mọi đồ chơi hiện có.Toán chúng tôi nằm chết dí tại bãi đáp. Địch đang nỗ lực chơi máy bay, tạm tha cho chúng tôi. Vẫn xa luân chiến, hai Cobra thi nhau tận dụng mọi hỏa lực và đang áp tải chiếc Kingbee xuống bãi. Người xạ thủ trên Kingbee nổ tới tấp vào bìa rừng, trong khi hỏa lực từ Cobra cày tung tóe đất cát. Một địa ngục lửa thép... Nhưng, rõ ràng là một thằng điên đứng chạy với cây thượng liên nồi xối xả bắn vào trực thăng. Lạ lùng cây M60 trên trưc thăng không làm hắn ngã được. Kingbee đáp hẳn xuống bãi. Hai Cobra vẫn bân bịu ở bìa rừng. Nhưng không thể ngăn được chừng cả chục tên địch đứng chạy bắn đuổi theo chiếc Kingbee. Trên trực thăng, tôi dơ cao khẩu AK chiến lợi phẩm dí dí thẳng vào mặt đối phương.
Toán về đến CCC (Snowden Hall) . Trời vừa ập tối. Nhân viên phòng Hành-quân ra đón, tay bắt mặt mừng. Chiếc Kingbee đang được soi đèn đếm vết đạn. Ông Thiếu tá người Mỹ dơ cao cây AK tôi mới trao, miệng cười ha hả. Trên sân lúc này chỉ còn ba chiếc Kingbee, hỏi ra, một chiếc bận đưa người xạ thủ bị thương lên tận Pleiku.
Toán Hải Sơn CCN (Command Control North)
Chiến Đoàn 1 Xung Kích / Sở Liên Lạc / Nha Kỹ Thuật