Wednesday, August 14, 2024

XUNG ĐỘT ĐÔNG BẮC Á GẦN KỀ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cùng ông Fumio Kishida (khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản), và bà Tomomi Inada (khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản) trong cuộc gặp 2+2 tại Tokyo, ngày 20/3/2017. Ảnh: David Mareuil / AP / Pool
Thùng thuốc súng Đông Bắc Á ngày càng đầy có thể dẫn tới một cuộc chiến ác liệt giữa Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga đối đầu Nhật Bản, Đại Hàn, Hoa Kỳ.

Từ sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã đóng vai trò chính yếu bảo vệ Khu vực Đông Bắc Á. Vai trò này thay đổi theo sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc.

Bắc Kinh không che đậy tham vọng chủ nhân khu vực Đông Bắc Á làm bàn đạp cho Hải quân Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất (do Hoa Kỳ quy định). Chuỗi đảo số 1 bao gồm Quần đảo Kuril, Quần đảo Nhật Bản, Quần đảo Lưu Cầu, Đài Loan (Formosa), miền bắc Philippines và Borneo, do đó kéo dài suốt từ Bán đảo Kamchatka ở phía Đông Bắc đến Bán đảo Mã Lai ở phía Tây Nam. Chuỗi đảo thứ nhất tạo thành một trong ba học thuyết về chuỗi đảo nằm trong chiến lược chuỗi đảo thuộc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Bản đồ Nhật Bản như chiếc vòng cung nhốt Trung Quốc và Nga trong Biển Nhật Bản, khó thoát ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất.

Hạm đội Bắc Dương và Hạm đội Nam Dương của Từ Hy Thái Hậu đứng thứ 8 trong các Hạm đội Hải quân Quốc tế vào thời kỳ đó đã bị các Hạm đội Nhật Bản với chiến hạm nhỏ hơn và đại bác yếu hơn mà vẫn tiêu diệt trọn vẹn Hải quân Trung Hoa.

Mãi đến thời Tập Cận Bình, Bắc Kinh mới có ba chiếc Hàng không mẫu hạm đe dọa các quốc gia láng giềng và khơi dậy tham vọng phá Chuỗi hải đảo số 1.

Vào thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã có số lượng chiến hạm nhiều hơn Hải quân Nhật Bản mà chưa có thể đưa chiến hạm vượt qua khỏi Chuỗi đảo số 1. Tập Cận Bình cam đoan sẽ đưa Đài Loan trở về đất mẹ, nhưng, đã tập trận bao vây Đài Loan mà vẫn chưa đủ khả năng hành động mạnh hơn.

Bắc Kinh chưa thu phục Đài Loan vì Hoa Kỳ đã có kế hoạch khống chế tham vọng tràn ra Thái Bình Dương của Tập Cận Bình. Bắc Kinh thừa sức đánh chiếm Đài Loan, nhưng, không thể thực hiện mà chỉ phô diễn sức mạnh quân sự trong từng giai đoạn ngắn. Đánh dễ, giữ khó!

Sau năm 1945, Tokyo xây dựng một xã hội thương mại thay vì một quốc gia hoàn toàn độc lập, tự chủ. Quân đội Nhật Bản đã trưởng thành được xếp hạng 8 trên thế giới, nhưng, không đủ khả năng tự vệ nếu bị tấn công từ bên ngoài. Chuyện đối phó với các thế lực quân sự trên thế giới đã có Hoa Kỳ lo.

Cựu Tổng thống Donald Trump từng yêu cầu các quốc gia đồng minh toàn thế giới phải thi hành đầy đủ nghĩa vụ một quốc gia độc lập, tự chủ bên cạnh Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nghĩa là một quốc gia phải có đầy đủ khả năng tự vệ trước kẻ thù chờ Hoa Kỳ can thiệp.

Sau Đệ nhị Thế chiến hầu hết các nước núp dưới chiếc dù bảo vệ của Hoa Kỳ ít quan tâm tới xây dựng một quốc gia đúng như danh nghĩa.

Nhật Bản như một tập đoàn kinh doanh nên không mấy đặt vấn đề xây dựng một Quân đội hùng mạnh đúng nghĩa.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) vẫn chưa phải là một lực lượng chiến đấu thực sự. Nó không được chuẩn bị để tiến hành một cuộc chiến về mặt tổ chức, hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, phần cứng và vũ khí, thay thế thương vong trong chiến đấu, lực lượng dự bị hoặc thậm chí về mặt tâm lý.

JSDF không có khả năng tiến hành các hoạt động chung – kết hợp cả ba quân chủng là một vấn đề lớn.

Nhân sự của JSDF nói chung là xuất sắc nhưng họ phải chịu đựng sự đối xử tồi tệ trong nhiều thập niên về lương, nhà ở và phúc lợi, cũng như sự thiếu tôn trọng từ tầng lớp chính trị Nhật Bản và giới thượng lưu.

JSDF có quy mô chỉ bằng một nửa số cần thiết để hoàn tất nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MDF) và Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) cần được tăng gấp đôi quy mô.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) có khoảng 140,000 cần được tân trang thành một đơn vị chiến đấu thay vì giống như Vệ binh Quốc gia.

Vấn đề tuyển quân trong năm qua chỉ được 50% do các điều khoản dịch vụ kém cỏi và sự thiếu tôn trọng đối với JSDF. Với sự lãnh đạo và hỗ trợ về mặt chính trị, không có lý do gì JSDF không thể thu hút đủ tân binh?

Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) có 2,400 phụ nữ trong cố 42,000 thành viên, nhưng, Nữ Trung tá Miho Otani 45 tuổi được bổ nhiệm làm Hạm trưởng Khu trục hạm Yamagiri ngày 09/06/2016 là 1 trong 8 tàu thuộc lớp chống ngầm chủ lực của Lực lượng MSDF. Truyền thống Nhật Bản cũng như đa số dân tộc Châu Á để thiếu tin tưởng vào tài năng cầm quân của nữ giới.

Nhật Bản cần cải tổ khả năng quân sự cấp tốc nhất để thừa sức đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông Trung Hoa ECS mà Hải Quân đóng vai trò chính.

Nhật Bản đang tăng cường năng lực hàng hải với các Tàu mặt nước Không người lái (USV) nhằm đáp trả các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông trên các phương diện tình báo, giám sát và hỗ trợ tác chiến. Bạch thư Quốc phòng năm 2024 của Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của USV trong việc tăng cường Quốc phòng.

Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của Nhật Bản đã tăng số chiến hạm và năng lực với 88 Khu trục hạm vào năm 2023 so với 50 Khu trục hạm của Tokyo. Lịch sử ghi nhận 25 trong số 28 cuộc Hải chiến thì bên nào có hạm đội lớn hơn đã giành chiến thắng.

Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) đã nhận chiếc Tàu ngầm Tấn công trị giá 800 triệu USD, là chiếc đầu tiên trong hạm đội tàu ngầm lớp Taigei (Đại kình), không sử dụng năng lượng hạt nhân. Chiến hạm được trang bị 6 ống phóng 533mm tương thích với ngư lôi Type 89, Type 18 hoặc tên lửa diệt hạm UGM-84 Harpoon.

Chiến hạm thứ hai thuộc lớp Taigei là Hakugei (Cá voi trắng), được khởi đóng tháng 1/2019, hạ thủy tháng 10/2021 và dự kiến được biên chế tháng 3/2023.

Trước sức mạnh quân sự của Bắc Kinh làm cho Tokyo thức tỉnh qua những bước cần thiết: (1) Nhật Bản không thể khoán trắng cho Hoa Thịnh Đốn về sinh mạng dân tộc. (2) Cần cân bằng thế lực giữa chính trị và quân sự trong nước. (3) Hợp tác bình đẳng với Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng ở Châu Á-Thái Bình Dương. (4) San bằng xung đột lịch sử với Đại Hàn để tập trung nỗ lực cùng Hoa Kỳ ngăn chặn, hoặc giết chết tham vọng thống trị Châu Á của Trung Cộng.

Quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) rất phức tạp nên cần phải tìm được sự đồng thuận cao độ trên các phương diện quá khứ lịch sử, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật để tìm ra đáp số.

Quan hệ song phương cũng xuất phát từ mối quan hệ đa phương nên rất cần thiết để đối đầu với Đế quốc Cộng sản Nga-Tàu-Triều.

Đại-Dương

No comments:

Post a Comment