Thế vận hội quay về với Paris sau đúng 100 năm, đã không phụ lòng người xem và khiến cho những người dân thủ đô đã chạy trốn vì ngại đông đảo hay phiền phức phải hối tiếc. Ukraina bất ngờ tấn công sang vùng Kursk gần biên giới Nga khiến Kremlin vô cùng bối rối. Xin mời quý thính giả cùng điểm qua hai chủ đề nổi bật nhất trên báo chí tuần này.
Người hâm mộ chào mừng kình ngư trẻ tuổi của Pháp Léon Marchand, đoạt bốn huy chương vàng bơi lội trong Thế vận hội Paris 2024, tại Công viên các nhà vô địch trước tháp Eiffel, ngày 06/08/2024. REUTERS - Tingshu Wang
Thụy MyNước Pháp tự tin, rộn ràng với Paris 2024
Chiếm trang bìa tuần báo Le Point là bức ảnh nhà vô địch bơi lội trẻ tuổi, thần tượng mới của người Pháp Léon Marchand đang tươi cười, với tít lớn «Nước Pháp tự tin vào chính mình». Le Nouvel Obs đăng hình hai cậu bé vịn vào một cây cột nhìn xuống đám đông đang theo dõi quả cầu lửa lơ lửng ở vườn Tuilleries, chạy tựa «Lòng nhiệt thành tìm lại được».
Le Figaro số cuối tuần nhận định «Paris 2024, nước Pháp hạnh phúc», với ảnh đông đảo khán giả phất lá cờ tam tài trên khán đài gần tháp Eiffel, tóm tắt : Những nhà vô địch bằng vàng, hàng loạt huy chương, khung cảnh thi đấu tuyệt vời, công chúng sôi nổi...Thế vận hội mang lại một khoảng thời gian hân hoan cho người Pháp. Chọn bức hình thi đấu bóng chuyền với hậu cảnh vẫn là tháp Eiffel, Libération đưa tít «Thế vận hội: Paris siêu sao», nhận xét khi cho tranh tài trong bối cảnh độc đáo, tổ chức hoàn hảo, đám đông vui tươi, trong hai tuần lễ Paris trở thành thủ đô lễ hội, trình ra với thế giới khuôn mặt đẹp đẽ nhất của mình.
Kinh đô ánh sáng, thủ đô thế vận
Trong bài xã luận «Niềm vui Olympic không hậu ý», Le Nouvel Obs nhận xét từ sau thành công của lễ khai mạc, không khí hội hè tràn ngập thủ đô nước Pháp. Số người theo dõi trên các phương tiện truyền thông cao kỷ lục, sự nồng nhiệt của công chúng vượt quá mọi mong đợi. Club France, nơi cổ động viên có thể cùng theo dõi các trận thi đấu và gặp gỡ các vận động viên Pháp đêm nào cũng «cháy vé».
Lòng tự hào được biểu lộ qua bài quốc ca «Marseillaise» được hát vang tại các sân vận động và trước những màn hình lớn. Những hình ảnh ngoạn mục khó quên: đấu kiếm dưới vòm kính của Grand Palais, đua ngựa trong vườn thượng uyển cung điện Versailles, ba môn phối hợp ở sông Seine và từ cầu Alexandre-III, đua xe đạp qua những con đường hẹp chật ních người hâm mộ ở khu đồi Montmartre cổ kính…
Libération gọi là «Ma thuật». Trong mười lăm ngày, dưới trận mưa như trút hay ánh nắng thiêu đốt, thành phố Paris đã quyến rũ không chỉ khách thập phương mà cả những người dân thủ đô vốn hay phàn nàn. Paris chưa bao giờ diễm lệ và thoải mái như thế. Các nhà tổ chức đã táo bạo đưa thể thao ra khỏi sân vận động để đặt vào ngay trung tâm quảng trường Concorde nổi tiếng (skateboard, BMX, breaking), khu vực Invalides (bắn cung, marathon) … Chỉ cần hòa mình vào đám đông vui tươi, sôi động, hỏi thăm đường nơi một cảnh sát, hiến binh mà niềm vui chung đã khiến họ thân thiện hơn, để cảm nhận tinh thần tập thể. Chưa bao giờ Paris xứng đáng với cái tên « Kinh đô Ánh sáng » như vậy.
Những người mơ mộng đã chiến thắng
Nhà văn Daniel Rondeau trên Le Point cho rằng «Với Thế vận hội, những người mơ mộng đã chiến thắng». Điều bất khả đã trở thành thực tế : thủ đô nước Pháp biến thành một công viên Olympic khổng lồ.
Cứ ngỡ rằng nước Pháp - với một chính phủ tạm thời, Quốc Hội tê liệt, bị đe dọa đánh sụt điểm tín nhiệm tài chánh, cộng thêm thời tiết đỏng đảnh – đang trên đường đi xuống. Rồi ngọn lửa thiêng từ đỉnh Olympia đã đến và Paris bỗng thay hình đổi dạng, thành trung tâm xinh đẹp của thế giới. Những đền đài nổi tiếng đóng vai hậu cảnh tự nhiên cho các cuộc thi đấu, người Pháp cười vui, nhảy múa trên hè phố. Nỗi hân hoan tràn ngập, như hồi tháng 8/1944, những chiếc xe jeep của tướng Leclerc tiến vào Paris vừa được giải phóng. Các sân vận động đầy nghẹt khán giả, nửa triệu người dự khán cuộc đua xe đạp. Thế vận hội đã khơi dậy lòng nhiệt thành và không nên để tắt.
Theo Le Nouvel Obs, đành rằng những di sản của nước Pháp là độc đáo, nhưng Thế vận hội đã thổi bùng thêm sức sống. Le Figaro ghi nhận các nước hết sức ấn tượng trước sự thay đổi này, và số lượng đặt vé Thế vận hội cho người khuyết tật bỗng tăng vọt. Libération cho rằng Céline Dion có lý khi cất lên bài «Tụng ca tình yêu» trên tháp Eiffel. Paris, thành phố của ái tình đã chứng kiến bảy vận động viên các nước đưa ra lời cầu hôn với người yêu, ở cạnh tháp Eiffel, bên sông Seine và khu Arena Porte de la Chapelle. Thêm một kỷ lục nữa bị phá: hồi Thế vận hội Tokyo 2021, thần Cupidon chỉ bắn trúng có hai mũi tên.
Phe chống đối Thế vận hội tắt tiếng
L’Express đánh giá Paris 2024 «thành công rất lớn», đồng thời nêu ra «sự im lặng nói lên nhiều điều» của những người chống Thế vận hội.Từ khi khởi đầu các cuộc tranh tài, trước sự hào hứng của người dân, các dân biểu Nước Pháp Bất Khuất (LFI) và thủ lãnh của đảng này là Jean-Luc Mélenchon im hơi lắng tiếng. Nhưng họ ở đâu ? Ngày 25/07, một hôm trước lễ khai mạc, phe này thông báo lập một «ủy ban điều tra nhân dân» về Olympic. Họ cho rằng đó là «thể thao kinh doanh», «phục vụ cho chính sách của Macron». Hai tuần sau, Thế vận hội được tưng bừng theo dõi trên cả nước, chẳng nghe tin tức gì về «cuộc điều tra quy mô» đó nữa.
Mélenchon im lặng, nhưng một số nhân vật cực tả không kìm được lời khen ngợi trước thành tích của «Teddy Riner vĩ đại» hoặc «Léon Marchand siêu đẳng», «Thể thao tập hợp mọi người và đó là điều tốt đẹp». Tâm trạng vui mừng có phần bối rối này chính là sự vinh danh cho thành công lớn lao của sự kiện : nếu ngay cả những người chống đối Thế vận hội cũng phải tắt tiếng, chính là vì họ cũng nhận ra niềm hứng khởi từ ngày hội thể thao trong dân chúng. Và may thay, «chỉ có bọn ngu mới không bao giờ thay đổi ý kiến».
Cánh tả tìm kiếm xung đột, dự báo thất bại…
Tương tự, Le Point lý giải «Thế vận hội đã chứng tỏ những ý kiến bi quan là sai lầm ra sao». Paris 2024 thành công rực rỡ, cho thấy sự lệch pha khổng lồ giữa xã hội Pháp và chính giới. Tuần báo viết, bạn có nhớ «quả lựu đạn đã rút chốt mà cái gọi là Mặt trận Bình dân Mới quẳng vào tổng thống Pháp», chỉ một tiếng đồng hồ trước khi ông lên truyền hình nói về Thế vận hội Paris hay không ?
Liên minh cánh tả vốn không ngừng nói rằng họ về đầu, đòi hỏi bổ nhiệm làm thủ tướng một người mà dân Pháp chẳng ai biết đến là bà Lucie Castets, phụ trách tài chánh ở Tòa Đô chánh Paris. Lẽ ra phe tả nên khiêm tốn hơn: Ở vòng một bầu cử Quốc Hội, họ chỉ có được 28 % số phiếu, tệ hại nhất kể từ khi Đệ ngũ Cộng Hòa được thành lập. Nhưng nhờ sự liên kết để chặn cực hữu, cánh tả bỗng chiếm được 1/3 số ghế ở Hạ Viện, và bèn đòi áp dụng một chương trình phi lý được chế tạo cấp tốc để tranh cử.
Emmanuel Macron muốn «hưu chiến» nhân Olympic. Hưu chiến nào ? Ta sẽ phá tan Olympic của ông ấy ! Thi đua thì có người thắng kẻ bại, vậy là không bình đẳng giữa người với người. Các «chuyên gia về khủng bố» liên tục nói là thách thức an ninh bị đánh giá thấp, các cơ sở sẽ không hoàn thành đúng hạn, những khó khăn cho người Paris là khó thể chấp nhận. Bộ máy gieo rắc tin đồn với sự hỗ trợ của mạng xã hội khẳng định điện Élysée sẽ không tránh khỏi thất bại, đang chuẩn bị kế hoạch B thậm chí C để cố cứu vãn…
Không may cho những người tìm kiếm xung đột, là Pháp không sẵn sàng cho nội chiến. Ngược lại, đó là một dân tộc thích tập hợp lại với những phút giây hân hoan tập thể. Không phải thế hệ nào cũng có được may mắn nhìn tướng De Gaulle bước đi trên đại lộ Champs-Élysées, nên hãy vui với những người hùng mới trong thể thao, theo Le Point. Tất nhiên, giai đoạn vui tươi của Olympic sẽ khép lại, chính trị lại bắt đầu. Mọi người đã quên ứng cử viên thủ tướng ảm đạm của cánh tả vẫn tiếp tục xuôi ngược trong một nước Pháp đã thay đổi tâm trạng.
Đột kích vào Kursk, Ukraina gây bất ngờ lớn
Về thời sự quốc tế, Trung Đông âm ỉ chiến tranh, ở Venezuela Maduro nhất định bám lấy chiếc ghế tổng thống, tại Bangladesh sinh viên đuổi được thủ tướng độc tài... Nhưng sự kiện gây chú ý nhiều nhất là Ukraina bất ngờ tấn công sang bên kia biên giới Nga khiến Kremlin không kịp trở tay.
Le Point đặt câu hỏi «Mục tiêu các vụ xâm nhập vào đất Nga của Ukraina là gì ? ». Tuy đây không phải là lần đầu tiên, nhưng lần này không phải là những cuộc đột kích vài tiếng đồng hồ với khoảng 100 dân quân, mà Kiev huy động cả thiết vận xa Marder, Bradley, và một trực thăng MI-28 của Nga bị drone bắn hạ - điều chưa từng thấy từ trước đến nay.
Nếu cắt đứt một phần tuyến đường sắt nối Lgov (phía tây Kursk) với Belgorod, hậu cần và việc điều quân Nga sang Kharkiv sẽ bị rối loạn. Vụ «khiêu khích với quy mô lớn» theo Vladimir Putin, trước hết cho thấy một lần nữa Kremlin lại bất lực trong việc bảo vệ chính lãnh thổ của mình ; đồng thời giúp người Ukraina thêm phấn chấn. Kiev có thể tìm cách trấn giữ những vùng đất chiếm được, để trao đổi sau này cùng với các tù binh Nga.
The Economist cho biết kể từ khi chiến dịch bắt đầu sáng 06/08, Nga đã mất kiểm soát ít nhất 350 km² lãnh thổ, khoảng mấy chục lính Nga tử thương hay bị bắt. Matxcơva đang phải chạy đua với thời gian để chặn bước tiến và ngăn Ukraina đóng quân. Những trận đánh dữ dội diễn ra ở Soudja và Korenevo, cách biên giới lần lượt 10 và 15 kilomet; một số đơn vị nhỏ hơn của Ukraina tách ra để chiến đấu sâu hơn. Trên mạng xã hội phổ biến những hình ảnh các tòa nhà bị phá hủy, xác lính nằm rải rác trên đường, một nhóm tù binh đông đảo...
Cái tát đau điếng cho Vladimir Putin
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov nói rằng đã chận được 1.000 chiến binh Ukraina, nhưng theo The Economist có ít nhất bốn lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraina, như vậy lực lượng tấn công thực ra nhiều hơn. Ukraina đã gài mìn con đường chính dẫn đến đông nam Belgorod và có lực lượng phòng không quan trọng. Với đà tiến này, Kiev có thể đưa thêm quân dự bị vào, dù lực lượng ở Donetsk đang rất mỏng.
Vụ đột kích vào Kursk vẫn được một màn sương mù bao phủ, các chính phủ phương Tây không hay biết, và cả lực lượng đóng ở biên giới cũng được điều đi bất ngờ. Cú sốc này nhắc lại chiến dịch thần tốc ở Kharkiv, cuối 2022. Sau trận Kiev, Kharkiv và Kherson, đây là thất bại thứ tư của bộ tham mưu Nga. Trước đây những vụ đột kích xuyên biên giới chủ yếu do tình báo quân đội tổ chức, lần này do tân tổng tham mưu trưởng Oleksandr Syrsky chỉ huy. Uy tín của ông đặt cược vào trận đánh này.
Vẫn còn quá sớm để nhận định, ván cờ còn tùy thuộc nhiều yếu tố trong đó có phản ứng của Nga. Quân Nga sẽ được điều từ Kharkiv sang hay đánh mạnh hơn ở Donbass ? Chưa hẳn Kiev muốn chiếm Soudja, nơi có đường ống dẫn khí vì việc trung chuyển cũng có lợi cho Ukraina. Các trang mạng thân Nga cho rằng Kiev muốn giành lấy nhà máy điện nguyên tử Kursk cách biên giới 60 kilomet để trả đũa việc Nga chiếm Zaporizhia. Tuy nhiên việc này khó thể diễn ra vì cần hỗ trợ hậu cần : thiết giáp tiêu thụ nhiều xăng và phải bảo dưỡng.
Mục tiêu thiết thực hơn là tạo ra một « vùng đệm », sẽ là thế mạnh khi đàm phán. Dù khó thể duy trì lực lượng lâu dài trên đất Nga, nhưng cuộc đột kích vào Kursk là một cái tát công khai cho Vladimir Putin. Và đây là điều đáng kể với một dân tộc cả năm qua vẫn chờ đợi tin tức tốt lành.
No comments:
Post a Comment