Chương 8
Tôi bảo Thu:
- Em chuẩn bị đi, sắp tới chỗ có vắt rồi đấy!
Thu hỏi lại tôi:
- Vắt là cái gì anh?
- Trời đất! Em hỏi thiệt hay hỏi chơi?
- Em hỏi thiệt mà. Em không biết vắt là gì?
- Em biết con đĩa không nào?
- Dạ không ạ!
- Con đĩa mà em cũng không biết à?
- Em không biết thật.
- Em chưa bao giờ lội ruộng à?
- Dạ… hình như chưa bao giờ.
- Trời đất ơi! Đúng là nàng công chúa chuyên môn sống trong lầu son gác tía. Em không lội ruộng, nghĩa là sao? Chính tôi, tôi cũng không hiểu được việc đó.
- Em thú thật với anh là em chưa rời Hà Nội một ngày nào, có chăng thì cũng chỉ đi bằng xe hơi, tàu hoả. Xe tàu chạy băng băng qua những cánh đồng xanh mát mắt. Và em cũng thấy vui như trong bài hát Tiếng Vọng Đồng Quê: “Cây xanh lá xanh trời xanh, chim líu lo trên cành, lom khom người đang cấy…” thế thôi!
- Chết chữa!
- Thú thật với anh đây là lần đầu tiên trong đời chân em lội xuống bùn.
Tôi cười:
- Thôi được rồi, để anh giải thích cho em hiểu “vắt” là con gì nhé !
- Dạ vâng!
- Vắt là một loại sâu bọ, nó có thể cắn và hút máu mình từ ba đến năm phân khối một lúc.
- Eo ôi ! Khiếp thế!
- Ồ, anh nói thật mà ! Để chốc nữa rồi xem. Nó đeo trên mình mà cắn có khi hằng hai ba tiếng đồng hồ mà mình không hay biết gì hết. Đến chừng mình hay gỡ nó ra được thì nó no căng ra bằng ngón tay, chích một cái thì máu xịt ra đỏ tươi.
- Nó có nhiều không anh ?
- Nói đến vắt thì phải nói như muỗi vậy. Nghĩa là vô số.
-Eo ôi!
- Nếu qua một vùng có vắt thì nó đầy đàn như mạ gieo, ở dưới đất có đã đành, trên nhánh cây cũng đầy hết.
- Vậy làm sao đi?
- Thì cứ đi bừa qua thôi… Đặc điểm của nó là chui rúc vào những chỗ hiểm hóc khó trông thấy.
- Eo ôi khiếp!
Năm Cà Dom đang lim dim ngủ bỗng lên tiếng:
- Con vắt lợi hại lắm đó đồng chí văn công ạ ! Liệu liệu mà đề phòng. Nó nguy hiểm hơn cả cọp beo và rắn rết. Mồm nó có bộ răng hình ba chia. Sở dĩ tôi biết rõ vậy là vì tôi bị vắt cắn rất nhiều. Sau khi gỡ nó ra lau sạch máu ở da mình, tôi trông thấy rõ cái dấu răng ba chia của nó in rõ nét bằng sợi tóc như khắc trên da mình . . Cái vết thương nhỏ thế mà máu mình chảy ra rất nhiều.
Năm Cà Dom ngồi bật dậy và tiếp:
- Tôi nghe có một đồng chí bị vắt cắn, chẳng may lại bị cắn ở cổ mà lại trúng nhằm động mạch. Chú vắt cắn no rồi thì buông tay rơi xuống. Vết thương cứ chảy máu, cho đến lúc quá nhiều đồng chí kia ngất đi không ngồi dậy nổi. Sau đó nghe nói đồng chí đó chết, không biết có đúng vậy không ?
- Có thật không anh ? Eo ôi ! Khiếp quá, làm sao em đi được ?
- Nghe câu chuyện thì cũng có lý, vì động mạch bị thương thì máu chảy rất nhiều, mà hễ máu chảy nhiều thì ngất xỉu. Cái đó dễ hiểu thôi. Trong lúc mệt quá, lại ngủ say không hay. Cũng có thể chết lắm !
Thu ngồi nghe chuyện mà cứ “eo ôi” từng chập một.
Tôi sực nhớ một câu chuyện thời kháng Pháp của cô nữ sinh thuộc nữ học đường Gia Long vừa mới ra bưng biền Đồng Tháp kháng chiến. Một hôm tôi dắt cô bạn ra đồng để hái rau về ăn mắm. Cô đang lội , bỗng một chú đĩa trâu to bằng ngón tay cái đeo vào bắp chân. Cô bạn hốt hoảng quá, không biết làm sao gỡ nó ra. Cô cứ giơ bắp chân lên mà la bài hãi. Tôi chạy tới, nhưng không kịp.
Sẵn con dao trong tay, cô bạn chặt đại vào con đĩa. Con đĩa thì còn nguyên, nhưng da cô bị đứt một đường rất sâu. Tôi phải xé áo băng cho cô bạn và cõng cô ta về nhà.
Tôi kể câu chuyện đó cho Thu nghe. Tôi chủ quan tưởng rằng đó là một câu chuyện vui giải trí lúc mệt nhọc, chẳng ngờ nó làm tăng sự sợ hãi đối với Thu.
Tội nghiệp, Thu cứ lo lắng hỏi mãi về tai hại do con vắt có thể gây ra. Tôi phải nói ngược lại. Tôi nói:
- Nói chơi vậy chớ chẳng ăn thua gì. Mình lại đi sợ con vật bé tí ti hay sao ?
Thu ngồi tần ngần ra, vẻ mặt vô cùng thiểu não. Tôi trông Thu mà thương hại vô ngần.
Cái thân nam nhi của mình thì dầm mưa dãi nắng chi chi cũng được, xơ xác rách nát ra xem cũng không đến nỗi nào, nhưng một người con gái đẹp mà tung vào rừng núi thì phí phạm quá. Ví như ta đốn một cây kiêng quý đã uốn hình con rồng, con phượng làm củi chụm nấu tấm cho heo ăn vậy.
Tôi biết giờ này Thu bước đi trong đoàn cùng với tôi về phía Nam nhưng con tim của Thu thì lao ngược về phía sau, tìm đường về Hà Nội.
Có lẽ Thu ân hận về những tình cảm có lúc xốc nổi của mình. Tuổi trẻ sao tránh khỏi được tình cảm đó, nhất là khi nó được phỉnh nịnh tâng hót bằng những lời ca ngợi xúi giục và hứa hẹn?
Ghê gớm thay cho miệng lưỡi con người !
Rồi khi đổ người ta vào con đường này, họ hầu như không còn trách nhiệm gì nữa.
Riêng tôi thì dù cái chết ở trước mắt, tôi cũng phải cố gắng mà đi. Tôi không chịu đựng được một cuộc sống gò bó, bực bội và ngạt thở nữa. Tôi phải đi về xứ sở, nguyên quán của tôi. Tôi là cây dừa. Tóc tôi là lá dừa. Da thịt tôi là sớ thịt cây dừa.
Máu tôi là do nước dừa kết tinh. Chân tôi có triệu ngón bám vào đất như những mẩu rễ dừa muôn đời ăn sâu vào đất. Tôi đứng giữa quê hương tôi, chân lún giữa bãi phù sa của dòng sông Cửu Long thắm đỏ máu tiền nhân và đồng đội, tóc dừa tôi xanh lên vì gió nắng màu mỡ đầy sinh tố vùng nhiệt đới của quê hương Miền Nam.
Thân cây dừa kết thành chiến lũy ngăn những vàm sông chống giặc ngoại xâm, trái dừa trở thành những chùm bom rụng xuống đầu giặc những năm kháng chiến chống Pháp. Dừa đã trở thành một giống cây thiêng liêng cao quý tượng trưng cho đất nước trù phú, cho con người bất khuất.
Tôi lớn lên giữa những hàng dừa. Tôi mang trong tôi khí tiết của Cây Dừa. Hay tôi chính là cây dừa.
Tôi không thể mọc lên, xum xuê hoa lá ở một cái đất núi non. Không ai đem cây dừa lên núi mà trồng cũng như không ai đem nứa mà cặm xuống nước mặn. Một giống cây có mảnh đất riêng của nó huống chi là con người.
Cho nên tôi dù có chết tôi cũng đi về.
Có lẽ ông già Noël, ông Chín, Năm Cà Dòm tâm trạng như tôi. Đi xa nhà xa cửa lâu quá mà, anh cố trung với đảng hiếu với dân mãi ư? Anh sẽ trở thành đứa con bất hiếu, người chồng bất nghĩa và người cha vô trách nhiệm. Cái luân lý thông thường nhất đối với người Việt Nam là phụng thờ cha mẹ, nuôi đay con cái, bảo bọc vợ hiền, mà mỗi người đi tập kết đều không làm được, còn nói chi đến những chuyền cách mạng ( !) đâu đâu.
Tôi thèm một cách ghê gớm được trở lại nhà, đi trên bãi cỏ đầu ngõ nhà nhặt những lá khô ở thềm nhà. Tôi muốn được ngồi ăn cơm với cha tôi với mẹ tôi ở chiếc bàn đó, ở căn nhà đó, chắc nay đã xiêu vẹo … nơi tôi đã từng ngồi ăn những bữa cơm bình thường nhất trong đời, nhưng từ khi tôi xa nhà thì tôi không còn tìm ở đâu ra những bữa ăn như vậy nữa .
Cái việc làm cao quý nào cũng phải mang lại kết quả tốt đẹp cho con người không sớm thì chầy. Ở đây những người chịu đựng quá nhiều mất mát hầu hết, cả tuổi thanh xuân, mong được hưởng một lạc thú nho nhỏ về gia đình, nhưng cũng không có.
Những người Nam trên dưới bốn mươi tuổi đi trên đường này đều là những người xa vợ trên mười năm hoặc chưa có vợ. Hai hạng người này đều mong về tận quê nhà, có phải chăng để hy sinh cho giai cấp ? Hãy lắng lòng lại mà trả lời.
- Không !
Giai cấp thuần nhất là một sự bịa đặt, một điều chỉ có trong sách vở. Thực tế thì chẳng có bao giờ. Vì trong giai cấp lại có giai cấp, rồi trong những giai cấp đó lại có những giai cấp khác nữa.
Vậy thì cái mục đích của họ đi về Nam, bị bao bọc bên ngoài bằng một cái lớp áo đấu tranh và bị hiểu lầm!
Tôi suy từ tôi mà ra điều đó.
Vô số người Nam tập kết bốn mươi tuổi chưa vợ? Thật vậy mà!
Những người này bôn ba “về nước” là để cưới vợ. Họ đã cắn răng chịu đựng những trận mưa phùn những ngày nắng hạ những giông bão cùng những buổi đẹp trời là để thực hiện cái câu “ta về ta tắm ao ta, trâu đồng ta ăn cỏ đồng ta”.
Bởi vì họ đinh ninh rằng ở miền Nam những thiếu nữ mơn mởn đào tơ trong “những vùng giải phóng rộng hơn những vùng giải phóng thời kháng chiến chống Pháp” luôn luôn mơ tưởng như Joséphine mơ Nã Phá Luân, như Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ vậy.
Tội nghiệp thay, họ vẫn bị lừa một cách rất khôn ngoan và rất chánh trị. Có ai đâu mơ những mái tóc hoa râm ? Trừ những mụ nạ dòng?
Ấy đó kết quả thiết thực là nhiều đoàn người vì ở rừng cho nên vẫn không tìm ra vợ, một số người thì “hốt ổ” hai, ba con là sự thường!
Cuộc đời, trong khái niệm thời gian thì đi nhanh như vó câu qua cửa số, còn trên dãy Trường Sơn này thì nhịp độ chậm chạp dềnh dang ghê gớm. Người ta có cảm giác rằng mình đang dẫm chân tại chỗ, và lún xuống giữa những đồi cát sa mạc của bệnh tật và bi lụy.
Cậu giao liên Tấn đã trở về. Cậu ta lắc đầu nguẩy nguậy:
- Các cha non đi đâu mất hết rồi !
- Đi đâu được mà đi ?
- Ai biết . Ai có chân nấy chớ !
- Nhưng chân nó gãy, nó đi là nhờ chân người khác ?
- Chân ai thì chân, nhưng nó không còn ở chỗ đó nữa.
Tôi hỏi:
- Cậu đã trở lại đến chỗ bờ suối đó à ?
- Chớ sao !
- Sao nhanh vậy kìa !
- Tôi nói gian cho bà móc nhãn tôi mà !
Rồi Tấn nói tiếp:
- Dắt các anh tôi phải chờ, chớ từ đây tới bờ suối đâu có bao xa. Đường chim bay không đến hai cây số. Nhưng vì leo lên tuột xuống, đi chậm hơn rùa mà lại mệt nhọc kinh khủng cho nên tưởng như mình đã đi hằng chục cây số vậy. Hồi tôi mới ra đây, đi trên đường này tôi cũng có cảm giác như các anh vậy thôi.
Tấn nói tiếp:
- Cái nòng pháo họ đã đưa tới bờ suối rồi. Tôi bảo họ đi cùng tôi Nhưng họ đã không đi, lại còn chửi tôi như chửi chó. Họ bảo tôi là vô nhân đạo chọn cái con đường thất âm đức như vậy mà bắt họ khiêng pháo đi.
Tôi vọt miệng hỏi:
- Bộ không có con đường nào khác hay sao cậu ?
- Chắc anh tưởng bổ khỏe cho tôi lắm sao ? Tôi sướng ích gì mà dắt các anh đi con đường mẹ rượt này chớ !
Tôi lại hỏi tới:
- Sao không tìm con đường nào khá khá hơn.
- Tôi đã bảo với các anh là không có con đường nào khác mà !
Tôi lặng thinh.
Tấn bảo:
- Bây giờ thì mình đi chớ. Liệu đi sớm đi. Chiều là bị mưa đó. Mưa xuống là vắt nó ra nó đón đường không qua nổi nhé các ông các bà!
- Đi thì đi.
Thu biết lo xa nên Thu đi trước. Rồi kế tôi đi sau.
- Có dốc không anh ? Thu hỏi cậu giao liên.
Tấn nói:
- Dốc cao dốc thấp, dốc đứng dốc lài, dốc nhiều dốc ít, dốc nguy hiểm nhiều hay nguy hiểm ít, chớ không chỗ nào bằng phẳng bước sướng chân được mười lăm hai mươi bước.
Bỗng Tấn quay lại:
- Có vắt rồi đấy nhé !
Rồi Tấn dừng hẳn lại bảo:
- Các anh chuẩn bị xem cái ống bồ hòn của mình đi. Còn chị văn công thì phải túm ống quần lại cho chắc, buộc nhiều nận. Không thì… nguy hiềm đấy.
Thu bỏ ba lô xuống, lấy dây trong ba lô ra, lấy cả đôi tất ni-lông màu da người mỏng dính. Có lần Thu đã cho tôi xem và khoe rằng lúc đi Stockholm biểu diễn Thu đã mang đôi tất cao này chống lạnh và mua nó ở Hà Nội mất chín đồng bạc nghĩa là bằng nửa tháng lương tối thiểu của một công nhân.
Thu sợ vắt quá nên Thu dùng cả đôi tất quí này để chống vắt. Thu mang vào. Chao ôi ! Cặp chân ngà trắng muốt với những đường nét mềm mại vô cùng lại được bọc trong một lớp ni-lông mỏng dính, làm cho sự tưởng tượng của người trông thấy nó càng tăng lên gấp bội.
Vâng, cái gì mơ màng mơ hồ thì người ta phải tưởng tượng, phải ước mơ, nhất là nó vừa hiện ra đó, nó lại biến đi như lẩn khuất sau tấm màn sương mỏng.
Thu mang tất xong, buông hai ống quần xuống, và nghe theo lời của anh giao liên, Thu lấy dây buộc từng chặng từ dưới mắt cá lên đến đầu gối như bó bánh tét.
- Được đấy thế mới chắc ăn. Còn ống bồ hòn đâu chị ?
- Sẵn đây rồi !
- Các anh nhớ nhé. Sắp sửa đánh nhau với lũ vắt đấy ! Để rồi xem ! Khiếp lắm !
Rồi đoàn người lại đi. Tấn giải thích:
- Trước kia, đúng ra là chỉ có một khu rừng bề dài độ hai cây số có vắt thôi. Qua nhanh cái là xong. Nhưng bây giờ nó lan tràn ra rồi. Cái trận địa vắt dài gấp ba gấp bốn lần. Là vì những đoàn từ Bắc vào Nam, khi đi qua khỏi khu vực này đã mang theo một số vắt trong mình. Mối người ít nhất là một con vắt.
Một trăm người một trăm con mà ngày nào cũng có ít lắm là hàng trăm người vào. Ngược lại, những người từ Nam ra Bắc cũng mang theo số vắt y như vậy ra phía Bắc. Những con vắt di cư ấy hiện nay đã có đất đai, có quê hương rồi. Và nó kết thành một dãy liền với đám cố cựu chống lại những kẻ nào quấy rầy bọn nó. Những kẻ đó chính là chúng mình đây.
Tấn dừng lại, nhìn Thu và nói tiếp:
- Chị có dây thun nên buộc hai ống tay áo nữa.
- Chi vậy cậu ? Ống tay áo mà ăn thua gì ?
- Úy chị đừng xem thường nó !
- Tại sao ?
- Vì nó đeo cả trên nhánh cây mà. Vắt nó khôn lắm chị ơi. Nó biết đánh hơi người và biết đón người đi qua, để chốc nữa rồi chị sẽ thấy. Nó bò ra tận ngoài chót nhánh cây bỏ vòi ra. Cái vòi nó quơ quơ như cái vòi voi tí hon để tìm đối tượng. Hễ ngửi đúng đối tượng rồi, nó búng một cái tách thế là văng qua đeo vào tai, hoặc vai, hoặc tay mình. Nó cứ thế mà bò và tìm chỗ thịt ngon mà cắm vòi vào, hút máu.
Thu rùng mình.
Tôi bảo:
- Thôi đi, đừng có nói nữa, cô ấy không dám đi đấy.
Trông Thu nai nịt mà thảm thương. Vừa đáng thương lại vừa tức cười. Giống như một nữ lâu la của một đảng cướp núi.
Tấn giục:
- Thôi đi ! Kẻo trời mưa tới thì khổ.
Rồi cả đoàn lôi thôi lếch thếch kéo nhau đi. Vừa leo trèo, vừa bò lê, vừa lấy tay làm chân, lấy đầu gối làm chân, và lấy chân làm tay. Đi trên chặng đường này thì càng có nhiều tay càng tốt. Tay để bám, để níu, để ôm để làm đủ mọi động tác giữ thân mình lại khỏi phải rơi xuống hố, trợt lăn xuống sườn núi.
Khổ đời nhất là chân phải mang dép. Cái đế dép dày mo làm cho bàn chân mất cảm giác, và làm cho nó không có sức bám trực tiếp vào mặt đất. Đi dép thì hay trợt hay ngã, khó leo trèo. Thay vì đôi chân của mình phải được võ trang thêm những cái ống giác nhám đặc biệt như chân thằn lằn thì nó lại bị thay vào đó là cái đế dép trơn lỉnh.
Tấn bảo:
- Tới xứ vắt rồi đây nhé quí bà con.
Ai nấy vừa đi vừa dớn dác nhìn, để tìm đối thủ, nhưng không ai trông thấy.
Sự mệt nhọc lôi hút tâm trí của người đi đường theo một hướng khác. Cho nên không ai để ý gì cả.
Khu rừng đặc biệt lầy lội. Những lớp lá khô chồng chất lên nhau có lẽ đến hàng trăm năm, lớp cũ lớp mới đã biến thành phân, bùn đen như than bùn ở vùng U Minh. Nhưng ở đây thì than bùn này gớm ghiếc hơn, cũng như những con suối độc.
Lội vào những lớp bùn này người ta cảm thấy như da thịt mình bị bỏng, tuột ra theo mỗi bước đi. Chất độc trong bùn bị hút vào lỗ chân lông và thâm nhập vào cơ thể, làm cho người ta thấy gây gây sốt. Cái không khí đầy thán khí và cả một vùng cây lá dày đặc không có ánh sáng mặt trời, làm cho da thịt mình như bị vô số mũi kim châm.
Dưới bóng những cây cổ thụ tàng lá dày đặc như mái tôn, mái sắt này không một loại cây nào nảy mầm được. Và con người lành mạnh bước vô đây thì ngã bệnh ngay. Đúng là rừng thiêng nước độc.
Tôi cũng đã sống ở rừng U Minh, nhưng rừng U Minh đáng yêu hơn nhiều. Những cây tràm, vỏ sùi lên như những mảnh lụa màu mỡ gà ngả màu nâu. Bông tràm trổ trắng tinh khắp cả một dãy giang sơn với những đàn ong bốn phương đến hút mật bông tràm và trả lại cho đời những giọt mật tinh chế mỡ màng hơn. Lá tràm xanh cứng, chứa đầy dược chất tiết ra một mùi hương thơm bát ngát cả một vùng trời.
Nước rừng U Minh đỏ sậm không như màu phù sa thắm tươi sông Cửu Long, chạy một dòng từ rừng sâu đổ ra sông lớn. Người đi rừng khát nước có thể vốc lên uống cho kỳ đã khát mà không sợ bệnh.
Còn đất rừng U Minh thì sốp như phân. Cây chuối, cây mì cặm xuống đó rồi cứ bỏ quên đi, vài tháng sau trở lại đốn lấy buồng, nhổ lấy củ . Nhiều vùng trong rừng U Minh cho ta than bùn năng nhiệt rất cao. Những người đi rừng đôi khi bị sa lầy vào những vùng sình lầy này, nếu không biết cách thì sẽ bị chìm mất tích vào đáy vũng bùn.
Còn cá tép, rùa rắn, chim chóc, sấu ở U Minh thì không sao kể xiết. Heo từng, nai cũng rất nhiều. Nếu rừng Trường Sơn mà dễ yêu và người như rừng U Minh thì chúng tôi đâu có trở thành thân tàn ma dại như ngày hôm nay.
Đi cái rừng Trường Sơn mà nghĩ về rừng U Minh với những mơ ước vô tận.
Chỉ cầu mong cho lá rau lá rác được hiền lành và dễ tìm như ở vùng U Minh thôi thì cũng đỡ cho chúng tôi rồi. Rau kim thất, rau tàu bay, đọt choại, đọt vừng, đọt chiết v.v. . . Nội bấy nhiêu đó cùng với giọt nước hiền lành của U Minh cũng đủ bồi đắp thịt da cho chúng tôi rồi.
Ở U Minh có bao giờ chúng tôi bị sốt rét !
U Minh lúc thời kỳ kinh tế khan hiếm đâu có mùng ngủ đâu có quần áo mặc. Dân U Minh toàn ngủ trần, mặc quần gai áo bố. Nhiều người đi rừng lỡ đường, tìm một gốc đớn to. Rễ dớn đan vào nhau như những lớp vải mùng, cứ dở nó lên chui vào đó, ngủ vừa ấm vừa khỏi bị muỗi đốt.
Muỗi U Minh có đốt cũng không việc gì.
Cho nên đất U Minh “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh, ” mà người dân vẫn khỏe mạnh không bệnh tật.
- Dừng lại bắt vắt nửa giờ !
Tấn đang đi bỗng quay lại ra lệnh.
Mọi người dừng lại, và tự nhìn mình. Tôi đâu có thấy gì đâu:Tôi cứ nhìn sơ qua tay chân quần áo và lấy làm sung sướng vì thấy mình không bi chú vắt nào đeo hết.
Tấn nói:
- Xem kỹ trong quai dép và các kẽ ngón chân.
Tôi bắt đầu thấy ngứa ngáy. Tôi bèn rút chân ra khỏi dép. Trời ơi ! Tôi trố mắt ra nhìn. Những kẽ ngón chân đều bít hết.
Những chú vắt đỏ lưởng căng tròn như những múi bưởi chín.
Cứ lấy bò hòn quét vào là nó rụng hết.
Tôi sực nhớ ra cái ống bồ hòn đeo ở thắt lưng. Tôi lấy cái que nhúng vào bã bồ hòn và quét lên những kẽ ngón chân. Bọn quỉ tí hon đang chụm mỏ vào nhau hút máu tôi, bi phép thần thông rưới bất ngờ ngã lăn ra rơi xuống, nhiều con phún cả máu ra đỏ loang mặt đất.
Tôi tiếp tục chấm nước bồ hòn vào những chùm vắt rơi rụng thưa dần. Những chú rơi xuống đất bò lổm ngổm tìm hơi người hoặc nằm im ọc máu ra không nhúc nhích.
Còn nhiều chú cứ đeo dính trong kẽ chân mình đẫm nước bồ hòn, nhưng hình như chúng đang hút được nguồn béo bổ bất ngờ mà quên thuốc độc đang xối trên lưng.
Tôi ngại, không dám dùng tay để gỡ bắt chúng nó, tôi bèn lấy một cái que mà gạt chúng đi, nhưng chúng đã bám chắc vào da thịt tôi hầu như chúng đã trở thành da của tôi vậy.
Buộc lòng tôi phải bắt bằng tay. Những chú vắt nhớt nhòm trơn thột thật khó nắm và rứt ra. Tôi phải vất vả lắm mới “giải phóng” cho hai bàn chân của tôi.
Xong tôi lại quét nước bồ hòn vào khắp hai bàn chân tôi, chờ cho nó khô lại quét thêm lớp nữa lớp nữa cho chắc ăn.
Nhìn lại vùng đất tôi đang đứng đã thấy nhiều nơi nhuộm máu và trên những lõm máu ấy những chú vắt đang nằm hấp hối vì bị tôi rải chất độc hoặc đang bò thật nhanh tìm mồi. Chúng nó rất hăng hái vì say mùi máu.
Thân hình của chúng như chiếc cung chưa giương đặt trên mặt đất rồi đít đun tới, khi đít vừa chạm mõm thân hình chúng cong lên như những chiếc móng ngựa thì mõm lại lập tức bổ tới ngay, thu ngắn đường đất một quãng độ ba phân tây. Cứ thế, cứ thế.
Hàng chục chú vắt tiến tới cùng một phía, chằng khác một tiểu đội xung kích đang xông tới mục tiêu.
Chúng quờ quạng một chốc rồi đổi hướng. Chúng lại nhắm về phía bàn chân tôi mà thẳng tiến.
Một chú vắt màu nâu, to nhất đám, có sọc trắng trên lưng da láng ngời dẫn đầu đoàn xung kích. Chú ta vươn những bước rất dài cho nên đã bứt xa lũ em út ở phía sau. Khi đến gần bàn chân tôi thì chú ta dừng lại, không đi nhanh nữa.
Chú ta dựng đứng lên với tất cả bề cao và quơ quơ cái vòi trong không khí như một chiếc ăng-ten có mắt thần để tìm mồi. Trông thật khiếp đảm. Ở phía sau chú ta mấy anh nữa cũng làm theo cái kiểu ấy.
Tôi cứ lặng nhìn để xem chú to đầu làm ăn ra sao ?
Khi chú ta đến bên bàn chân tôi thì cái mõm của chú chĩa ra hẳn phía trước nhọn hoắc như mũi con quay kéo vải. Còn đít chú to bằng dầu cây đinh thì gắn chặt dưới đất. Xong chú mới ngoặc xuống dán vào bàn chân tôi như một cái móc câu ghim vào thịt tôi.
Nhưng lập tức chú ta rụt mõm lại ngay, thun cổ lại, và cái vòi ngoáy ha như có vẻ bực tức, khó chịu lắm. Vì nó chạm vào chất đắng bồ hòn mà lại ! Nhưng cái đít của chú ta vẫn cứ cắm chặt trên mặt đất ở nguyên chỗ cũ chứ không chịu lùi trong lúc cái vòi bỏ tới bỏ lui, hai ba lần để tìm chỗ tốt. Cuối cùng nó cắm được vào da tôi và nhấc cả thân hình lên bàn chân tôi.
Chú ta bò xung xăng trên lưng bàn chân tôi một cách đắc thắng và kiêu hãnh. Cái vòi chú cứ quơ quơ rồi lại bập xuống kéo cái đít đi tới Chàng hiệp sĩ cơi cái lưng bàn chân tôi là một mảnh vườn hoang không người.
Nhưng tôi đã chấm nước bồ hòn chực sẵn và chờ cho cái mõm kia quơ lên kiêu ngạo thì tôi cho một giọt thuốc rơi đúng vào đầu! Chàng hiệp sĩ bị trời giáng bất ngờ không đỡ kịp, co quắp người lại, vo tròn như một hạt đậu và lăn xuống đất mình mẩy đằm nước dơ do nhớt của chú ta và nước bồ hòn hóa hợp.
Những tên đàn em của chàng hiệp sĩ có sọc lưng cũng nghển cổ lên và sắp đổ bộ lên cái mảnh đất mầu mỡ do chàng ta phát hiện.
Nhưng tôi lại cho bồ hòn rơi tới tiếp xuống đầu chúng đánh tan ngay cuộc tấn công và lập tức tôi nhảy sang chỗ khác với sự yên tâm rằng mình đã dụ địch gom lại một nơi và đã tiêu diệt chúng sạch sành sanh rồi.
Nhưng tôi tỉnh người ra ngay. . .
Lúc nhúc chung quanh tôi, những cái cây tăm ai cẩm dày đặc mà mỗi cái đầu tăm quơ qua quơ lại rất đều nhịp như có một ngọn gió đay đưa.
- Vắt! Trời ơi vắt !
Vắt gì mà ghê thế. Có thể nói không có một chỗ nào trống để tôi đặt bàn chân vào hay nói khác hơn, bất cứ bước vào đâu, tôi cũng dẫm lên ít nhất là vài ba chú vắt.
Vừa ngửi thấy hơi người chúng ào ào bò tới ngay, và cùng một lúc có đến năm, bảy chú bám vào bàn chân tôi mà leo lên. Tôi lại chạy đi. Rồi tôi lại chạy đi, không thể đứng yên ở một chỗ.
Rõ ràng lũ vắt có tri giác. Chúng rất khôn ngoan. Từ trong những đám lá mục chúng nhoi lên và bò thẳng ra đường mòn. Khi đến mép đường mòn thì chúng dừng lại và bỏ vòi ra ngửi. Chúng quơ quơ cái vòi với vẻ thèm khát ác liệt. Nhiều con bò vào một cái dấu chân và cứ dừng ở đấy mà dò dẫm. Hình như chúng ngửi thấy hơi người để lại trên dấu chân đó, nhưng chúng rất tức vì không tìm ra da thít người.
Tấn quát lên:
- Mò trong nách trong háng bà con ơi !
Nãy giờ Tấn đang tiếp sức “giải phóng” cặp chân cho cô nữ văn công. Dù Thu đã dùng tất ni-lông mang lên rất cao, nhưng vắt vẫn cứ chui hẳn.vào mà cắn, hoặc có những con chỉ chui đầu vào mà hút máu thôi.
Thu phải cởi tất ra lấy que tấm nước bồ hòn và gạt từng con một. Đôi tất của Thu không còn tác dụng.
Rồi cả đoàn lại đi. Càng đứng lâu một chỗ thì càng làm mồi cho chúng nó.
Tấn lại kêu lên:
- Coi chừng nó đeo đầy quai ba lô rồi nó bò lên chui vào tai đấy.
Bỗng Thu kêu lên thất thanh:
- Ối! ối! ối !
- Cái gì vậy?
- Cái gì la dữ vậy?
Thu đang đi bỗng ném cái ba lô xuống đất và chạy lủi vào một bên đường.
Tấn bảo:
- Cứ bình tĩnh, không sao đâu, cứ quết bã bồ hòn nhiều vào là nó rụng đi thôi.
Chúng tôi phải quay mặt đi.
- Xong chưa ? Năm Cà Dom hỏi.
- Bắt được chưa Thu !
Một chập sau Thu lại kêu. Lần này thì chú vắt không tấn công chỗ hiểm hóc bằng lần trước. Nó chỉ đeo dính ở sau cạnh tai.
Thu vừa phủi ha lịa vừa nhảy cà tưng như đạp phải lửa.
Tôi gắt:
- Đưa đây coi ?
Thế là tôi bắt con vắt ra. Hắn ta đã hút no máu của cô nàng. Tôi nắm căng hắn ra và rứt hắn làm đôi và ném xuống đất. Tiện chân tôi chà dẫm lên như chân voi chà một trái cà.
Nhưng không đúng như thế. Khi tôi rút chân lên thì hai mẩu mình con vật vẫn còn ngo ngoe.
Tấn cười:
- Thế là anh đã biến một con thành hai con !
- Giỡn cậu ! Năm Cà Dom nói.
- Ủa, tôi nói thiệt mà!
- Ai đồn chú như vậy đó ?
- Hồi nhỏ ở nhà, tôi nghe người ta bảo con đĩa ai làm gì nó cũng không chết , trừ ra đốt nó mà thôi.
- Rồi sao nữa ?
- Tôi nghe lời người ta tôi bắt một con đã, tôi lấy gai quít căng nó ra phơi nắng trên mặt đất hai ba ngày, tới chừng trời mưa xuống là nó ngo ngoe ngay !
- Dóc tổ!
- Dóc trời đánh nó!
- Ừ thì trời đánh nó chứ đâu có đánh chú !
- Anh nói tức quá t Tôi thấy, tôi làm rõ ràng mà !
- Đẩy cây thoa mỡ bò chú em ơi.
Tấn không chịu thua, cứ nói sấn tới:
- Một lần khác, tôi lấy dao bằm một con đĩa ra trăm mảnh bỏ trong lá môn đổ nước vào, túm lại. Ba ngày sau tôi dở ra, thấy một bầy đĩa con.
-Thật à?
- Chính mắt tôi trông thấy đây mà !
Năm Cà Dom cười khì khì.
- Tôi cũng biết một chuyện khác nói về sự bất tử của loài đĩa. Như thế này nhé. Một nàng dâu nhà nọ đi xúc cá bị đĩa chui lọt vô lỗ tai mà không biết. Con đã ấy chun lên sọ và đục khoét phía bên trong hằng ngày để tìm thức ăn. Nàng dâu thấy ngứa ngáy da đầu, cho nên mỗi lần nấu cơm sôi nàng có thói quen lấy cái vung nồi úp lên đầu một chốc cho đỡ ngứa. Bà mẹ chồng thấy cơm thường hay sống bèn để ý.
Thì bắt gặp cái cử chỉ đó của nàng dâu. Bà ta rầy. Cô dâu chỉ cất cái nắp vung một lúc rồi khi bà mẹ chồng vừa đi khỏi bếp thì cô nàng lại lấy cái vung úp lên đầu. Một hôm bà mẹ lại bắt gặp. Bà ta giận quá, sẵn chiếc đũa bếp của cô dâu đang sơ cơm, bà ta bèn giật lấy và gõ nhẹ vào đầu cô dâu, chẳng ngờ nó vỡ ra như một cái nồi đất, và đổ xòa ra mặt đất . Các bạn biết cái gì không ?
- Không.
- Óc chớ gì!
- Không phải óc, mà là một đàn điã mẹ điã mén. Chúng bò lểnh nghểnh trên mặt đất đen ngời ngời.
- Trời đất, kỳ lạ vậy !
- Thì đã bảo là cô dâu bị đĩa chui vào tai mà.
- Rồi sao kỳ vậy ? Tấn hỏi.
- Thì nó chui vào tai, nó chui lên óc, nó đục khoét óc nó ăn óc để sống và sinh đẻ ra càng ngày càng đông chớ sao, và cái xương sọ bị khoét mỏng dần, cho nên bà mẹ chỉ gõ nhẹ một cái là nó vỡ toang ra . . .
- Thiệt sao anh ?
- Thiệt chớ sao không thiệt ?
- Anh có thấy thật không ?
- À… cha chả, cái đó thấy thì không có thấy đâu.
- Vậy sao anh biết tỉ mỉ vậy ?
- Còn cậu sao cậu cũng biết tỉ mỉ vậy ?
Tấn cười xòa, biết ông bác sĩ Năm Cà Dom thấu cáy mình nên lặng im, nhưng Tấn cũng không tự ái.
Tôi đang đi bỗng thấy một vật gì nâu nâu to bằng ngón tay cái đang ngọ nguậy trong bùn. Tôi ngỡ là con sùng, nên tiện chân, tôi dẫm lên thật mạnh. Máu từ dưới đế dép tôi bắn ra ngoài. Một làn máu in trên mặt đất. Tôi gọi Thu. Thu dừng lại. Tôi trỏ cho Thu cái xác con vật và làn máu còn tươi roi rói và hỏi:
- Thu biết máu ai không?
- Máu ai vậy anh ?
- Của nhà nữ múa sĩ chớ còn của ai nữa.
- Eo ôi ! Thu lắc đầu – ăn cả ngày không được giọt máu mà tự nãy giờ mất không biết bao nhiêu là máu.
Năm Cà Dom xen vào:
- Cứ xem như mình chiến đấu bị thương thôi. .
- Chậc ! Vô lý quá !
- Mỗi người có cái lý của mình. Những người bắt mình đi trên con đường này thì cho rằng đó là chân lý, còn mình thì lại cho rằng vô lý Nhưng cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng là chân lý. Cho nên lũ vất mới được những bữa tiệc no nê.
Năm Cà Dom cười hắc hắc:
- Những chú vắt ở khu rừng này từ mấy năm nay đã biết mùi tanh của máu thịt. Nếu không có con đường này thì chúng mãi mãi là những kẻ ăn chay trường. Còn bây giờ thì chúng đã là những kẻ sát nhân uống máu người không tanh. Chắc chúng phải cảm ơn thiên hạ lắm lắm !
- Cảm ơn ai ? Tôi hỏi.
Năm Cà Dom cười:
- Muốn cảm ơn ai thì cảm! Hì hì !
Ông Chín đi ở phía sau cũng với cái rừng cây cặm trên lưng ông. Cái rừng rậm di động ấy quến vắt rất có hiệu quả. Ông mặc quần đùi cho nên thỉnh thoảng ông dừng lại để dùng cái que gạt những chú vắt đeo trên bắp chân ông. Ông bị vắt đeo nhiều nhất, máu trên chân ông chảy xuống những dọc dài như sọc vải, như để trang trí thêm cho những bắp thịt teo tóp xệu xạo của lão già ngoại ngũ tuần.
Ông Chín lặng thinh bắt từng chú vắt một, không kêu ca, cũng không tỏ một thái độ nào đối với chúng. Có lẽ ông cho là trong lúc này phải vận dụng lập trường giai cấp để chống lại với bọn vắt là có hiệu quả nhất.
Còn ông già Noël thì càng đi, càng tụt hằn lại phía sau. Giờ đây hai chiếc gậy của ông ta cũng kiệt sức. Nhìn vào ông ta, tôi chỉ còn trông thấy có “bộ râu” phất phơ dưới cái quai của chiếc nón tai bèo, một màu trắng dấu hiệu của sự bệnh hoạn và không còn sinh lực.
Anh chàng này bất cần đến ai. Tôi gặp anh ta ở rất nhiều chặng đường nhưng tôi chưa hề thấy anh ta kêu ca bất mãn về bất cứ việc gì, gạo muối, đường đi, mưa gió.
Anh ta cứ lầm lủi đi như một cái bóng mờ nhạt giữa hoàng hôn, giữa những người khác, đồng đội đồng hành của anh. Tôi đoán chắc anh ta có một sự chịu đựng ngấm ngầm ghê gớm bên trong để cuối cùng đạt được một việc gì, mà đến một ngày nào đó sẽ có một sự bùng nổ bất ngờ.
Đôi khi tôi cũng muốn gợi chuyện, nhưng anh ta không tỏ vẻ thích thú hoặc ưng chịu trao đối với ai bất cứ chuyện gì.
Mưa bắt đầu đổ hột, như cậu giao liên dự đoán. Những hạt mưa rất to, rơi rất nhanh và chỉ nhoáng một cái là mưa tầm tả ồ ạt xuống đầu lũ khách yếu đuối này.
Mọi người lấy vải mũ ra choàng. Những con người dầu ọp ẹp tàn tạ đến đâu mà khoác áo choàng vào trông cũng oai phong. Bởi vì nhìn vào họ người ta đâu có thấy được sự gầy gò, bệ rạc.
Bỗng Năm Cà Dom kêu toáng lên:
- Bỏ mẹ rồi ! Bắt được thằng ăn trộm!
- Ăn trộm gì ? Đâu đâu ?
Năm Cà Dom ném ba lô xuống đất ngoáy hẳn một cánh tay ra sau lưng và kêu lên:
- Nó đây này ! ở chỗ “vói không tới” đấy.
- Cái gì chớ ! Tôi hỏi.
-Dở áo lên thì thấy!
Tôi làm theo lời Năm. Quả nhiên một chú vắt to bóng lưởng như một quả ớt nâu. Tôi bắt lấy thủ phạm chưa kịp ban cho hắn ta một cái hình phạt nào thì Năm quay lại bảo:
- Đưa đây cho tôi !
- Đây !
Năm cầm lấy con vật đầy nhớt nhau bỏ vào cái ống đựng bồ hòn và lấy cây que ấn tuốt hẳn xuống. Năm Cà Dom cười hắc hắc:
- Mày cắn tao thì tao trị mày ở đời là thế. Nếu mày không chạm tới tao thì tao để mày yên thân.
Tôi ghé mắt nhìn vào. Thủ phạm bị chất đắng cạo sạch nhớt trắng ra như bị trộn nước sôi, bao nhiêu máu hút được của thiên hạ ọc ra hết, và hắn ngọ nguậy một cách tuyệt vọng trong cái mớ chất độc kia.
Năm Cà Dom cười:
- Mày ở đây thế nào cũng bị sốt rét. Tao cho mày uống bồ hòn thay ki-nin!
Năm Cà Dom sắp sửa mặc áo vào thì tôi phát hiện trong nách chàng một chùm vắt. Tôi kêu lên, vừa chỉ điểm cho Năm vừa bắt tiếp với Năm.
Bắt xong lũ vắt đó, nhìn xuống chân thì thấy hai bàn chân của tôi lẫn của Năm đều bị một đám vắt khác phủ kín. Chúng bò tứ tung cái mõm chúng chìa ra vung vít như một lũ đói khát đang chạy trên một mâm cỗ vĩ đại, quýnh quáng, lóa mắt, điên dại không biết phải chĩa món thế nào trước.
Tôi giơ chân lên rảy lia lịa, nhưng không rớt đi chú nào. Chúng rạp mình xuống và mõm chúng như những mũi dùi bắt đầu mọp xuống cắm lút vào da thịt tôi. Tấn bảo:
- Các anh phải vừa đi vừa gỡ, chớ nếu dừng lại thì chúng đeo đầy chân ngay, không bao giờ gỡ sạch được. Đấy nhìn cái ba lô kia kìa!
Quả thật, trên ba lô lại lểnh nghểnh những chú vắt. Chúng bò trên quai, trên miệng ba lô, không khỏi chúng đã chui vào ba lô. Tấn nói tiếp:
- Ta cứ đi thôi. Mưa xuống chúng nó hoạt động mạnh lắm. Bồ hòn mình phết trên chân trôi hết, chúng càng đeo tợn. Nhưng dù không mưa chúng cũng không sợ, bồ hòn.đã lờn đối với chúng cũng như sốt rét không sợ kí nín vậy mà. Tôi nghĩ chúng có thể sợ một món thôi !
- Món gì ?
- Ớt!
- Có thể chúng sợ, nhưng ở đây làm gì tìm ra được một trái ớt ? Nghe anh nhắc tới ớt tôi thèm rớt nước miếng.
Rồi chúng tôi lại đi.
Trời mưa. Đói lạnh, vắt. Bùn lầy. Cái nào cũng là cái lưỡi dao gọt đẽo sức khỏe của chúng tôi. Đầu đội mưa chân lội bùn, da thịt bị vắt cắn. Bụng lại tóp ve, bi-đông ọc ạch nước suối. Vinh quang cho lắm, người ta cũng không ham.
Chúng tôi đến cái nơi gọi là trạm lúc mặt trời mặt trăng đều mất hết. Tôi cũng không biết giờ đó là giờ nào ?
Không củi, không bếp núc. Ai chế tạo ra được món gì thì xơi món nấy. Nhiều người cứ để bụng đói mắc võng leo lên nằm. Trong số đó có tôi và Thu.
Tôi cố tìm một sự nghỉ ngơi toàn vẹn sau cơn rã rời tứ chi.
Tôi thay quần áo, mò tìm khắp nơi để lôi óc những thằng kẻ trộm định hoặc đang hút máu mình xem mình là miếng mồi ngon béo bổ cho chúng. Chúng chui rúc kỹ lắm ! Mình không ngờ máu mình lại bị tiêu xài phí phạm đến thế.
Cái mồm chúng đỏ loét, nhưng chúng hãy còn thèm. Chúng muốn thỏa mãn cuồng vọng. Chúng đói thịt người.
Hãy giật chúng ra khỏi mâm cỗ, nắm lấy cổ chúng mà giơ lên cho thiên hạ nhìn rõ: này là những tên thủ phạm !
Yên trí rằng mình sẽ được nằm yên trong đêm nay. Cơn đói sẽ bị xóa nhòa vì thần kinh được thỏa mãn, nghỉ ngơi.
Nhưng tôi nhầm. Khi bụng đói thì không một giác quan nào yên ổn được. Và khi nằm yên. tôi mới hiểu hoàn toàn cơn đói.
-Thu ơi!
- Dạ.
- Em yên tâm chưa?
- Yên tâm gì ạ ?
- Yên tâm rằng mình đã đi qua thêm một cái ải.
- Em không bao giờ yên tâm được. Em không muốn gì cả.
- Về Hà Nội, muốn không ?
- Cái chuyện đó thì ngoài ý muốn.
- Nghĩa là em không muốn ?
- Không phải không muốn mà muốn không được ! ..
- Bây giờ thì em chỉ còn đi tới thôi !
- Đó cũng là việc ngoài ý muốn ! .
- Nghĩa là, như em vừa nói em muốn mà không được ?
- Không, ở đây thì khác hẳn lại.
- Em cứ thế mãi. Em không bao giờ thay đổi ý định à ?
- Em suy nghĩ kỹ rồi.
- Nhưng bây giờ thì làm sao ?
- Để em xem đã.
-Xem gì?
- Để rồi anh sẽ thấy ! Biết đâu đấy !
Tôi nói:
- Anh rất hiểu em, nhưng anh không thể giúp em, cũng không ngăn em.
Chúng tôi lặng im. Lần nào Thu đề cập tới chuyện khúc mắc này của tình cảm thì in như rằng cả hai đều bế tắc.
Tôi biết Thu không có can đảm quay lại, nhưng đi tới nữa thì Thu quả là một kẻ bất đắc chí.
Trời tối quá. Le lói một vài ánh lửa như linh hồn của những người hấp hối. Những đốm linh hồn còn bám víu vào trần gian bằng những sợi tơ mong manh như tơ nhện mà chỉ một luồng gió thổi qua cũng đủ tung nó vào cõi hư vô vĩnh viễn.
Bỗng nhiên một trụ võng của tôi gẫy đổ, tôi rơi ngay xuống đất. Sình lầy đẫm dưới lưng tôi.
Tối quá. Thán khí dày đặc không thể cho hai lá phổi thanh sạch được mà làm cho chúng càng nặng nề hơn.
Thì ra lúc nãy trong khi mò mẫm tìm cọc mắc màn tôi đã quờ nhằm một gốc cây mục.
Tôi phải dời chỗ. Cả chiếc tăng tôi cũng phải dời đi. Tôi mắc một đầu vào cây cọc màn của Thu. Đó là một sự mất tự do cho cả hai người nhưng tôi không biết tìm đâu cho ra một cây cọc chắc chắn..
Rồi tôi lên võng nằm.
Năm Cà Dom im thin thít. Anh ta sử dụng thời giờ rất khoa học như bản thân anh ta là một cái máy chịu sự điều khiển của chính anh. Có lẽ anh ta đang ngủ.
Tôi lại tiếp tục trò chuyện với Thu. Tôi nói.
- Có những cặp vợ chồng không yêu nhau, nhưng vẫn có con hoài hoài. Và cuộc đời cứ kéo lê mãi như thế.
Thu thở dài:
- Em ngán ghê cơ anh ạ!
- Ngán nỗi gì?
- Nỗi gì em cũng ngán cả!
- Nhưng có gì đâu mà phải ngán ?
-Có chứ!
- Gì nào ?
- Chuyên môn, đời sống cá nhân.
- Ai chẳng thế.
- Anh thì có gì đâu mà ngán. Anh cứ viết lách đều đều. Vượt cái Trường Sơn này rồi anh tha hồ mà sáng tác. Và khi về đến quê anh rồi thì anh gặp lại cả gia đình. Còn em thì.. . trái ngược với anh cả. Cố chân em hỏng rồi, có lành cũng sượng không nhạy và khỏe như xưa Và em càng đi vào thì càng xa gia đình. Thu bỗng hét lên thất thanh. Ớ ớ… anh ơi, anh ơi ! … Rồi Thu ngất lên.
Tôi ngồi bật dậy.
- Gì thế? Gì thế?
- Ơ… Ơ… bớ bớ…
Tiếng Thu bị tắt trong cổ họng. Tôi quờ quạng tìm lấy chiếc đèn pingìn rọi sang Thu. Trong vệt sáng xanh nhạt của chiếc đèn pin tôi nhìn thấy một mảng tuyết trắng muốt trên đó nạm một mẩu cẩm thạch đen ngời ngời.
Tôi nhìn không chớp mắt cái hình tượng nghệ thuật đó. Nhưng Thu lại dẫy dụa và kêu lên kinh hãi. .
Tôi chạy vọt sang và bất giác tôi đưa tay ra cào cái vật đen ngời đang bám chặt vào đùi nàng. Nhưng cái vật đó, chú vắt, đeo chắc quá .
Tôi bắt mãi mà không kết quả. Có lẽ tôi cũng hốt hoảng vì tiếng kêu và sự vùng vẫy bạt mạng của nàng.
- Cứu em ! Cứu em !
Tôi quát:
- Thì nằm êm xem nào !
- Ơ Ơ… Chết em, chết em !
- Cái gì mà ghê thế!
Vừa quát tôi vừa đè chặt đùi nàng xuống võng và gỡ chú vắt ra và vút cái tôi vứt nó ra rừng. Cái thân hình tròn nung núc của nó vút đi trong không khí như một đầu đạn và rơi xuống đất như một quả dâu.
Tôi vụt nghĩ. người thiếu nữ này tuy không bị thương nhưng máu nàng đã nhuộm thắm một hòn đất vô đanh của rừng này.
Tôi nằm mà tay cứ mằn mò từ bụng ngực đến sau lưng. Từ chân đến mặt mũi, cạnh tai không bỏ một chỗ nào.
Cái không khí của khu rừng này thật ẩm ướt. Ngủ phải đắp chăn mà không hết lạnh
No comments:
Post a Comment