Chương 25
Một buổi trưa tôi đang đi bỗng nghe gọi. Tôi quay lại và sau một thoáng ngớ ngẩn, tôi kêu lên:
- Ơ kìa, Liêm!
- Ai đó, Xuân Vũ ! Cậu cũng về quê à ? Lẫm rẫm mà các cậu cũng khá he !
Tôi đi lên, bắt tay bạn và hai người cùng đi. Tôi hỏi:
- Vẫn ở bộ đội à?
- Vẫn, nhưng cứ làm “đại sự” ở rừng Lào.
- Giờ thì có về “nước” được chưa?
- Chừ. . . ừa ? Còn. . . Tết mới về được! Nước Nam Kỳ về không được nước Bắc Kỳ cũng không về được. Có nước mà cũng như không !
- Thế sao đi lang thang ở đây ?
- Ồ ! Ở đây là ngã năm ngã bảy mà. Ối thôi ! Nói không xiết đâu ! Lũ mình như thiên lôi, kêu đánh đâu thì đánh đó, mẹ nó !
Liêm ngó quanh quất và rỉ tai :
- Tập kết là một sai lầm ! Cậu có thấy không ?
- Sao lại không. Nhưng cóc thằng nào dám hé môi.
- Tớ thì tớ nói bừa đi chứ. Liêm chép miệng . Chúng mình chỉ đi chung một quãng thôi. Cậu ngồi lại đây, à kìa chúng nó tới rồi, mình sẽ cho cậu một món quà. Cậu đoán xem nào.
Có trời mà biết nổi. Gã tùy tùng của Liêm đến. Liêm bảo hắn:
- Cậu nào giữ mắm ruốc, vít ra một cục gói lại kỹ để tôi tặng ông bạn của tôi đang trên đường về “nước” thay cho tôi đây.
Liêm cầm gói mắm ruốc trao cho tôi và nói:
- Của quý đấy ông bạn. Nay mai rồi cậu sẽ hiểu.
Tôi nhận món quà của bạn, gọn lỏn trong lòng bàn tay mà ứa nước mắt. Một thằng bạn gần mười năm không gặp mặt, có lẽ đã lên cấp tá rồi. thế mà chỉ tặng cho bạn một cục mắm ruốc chưa đầy một lạng.
Liêm nói:
- Thế là mười hai năm chúng mình sống trên Miền Bắc cậu nhỉ?
- Ừ!
- Ớn quá.
- Ớn thật.
Ớn có nghĩa là thế nào nhỉ ? Không có thể giải thích nó như người ta tìm nghĩa những chứ khó trong tự điển. Muốn hiểu chữ đó phải hỏi người Nam sống trên đất Bắc. Họ sẽ giải thích cho anh bằng những sự kiện, bằng những chuyện lưu truyền trong dân gian, bằng những bức thư và bằng cuộc đời của mỗi người trong đám họ.
- Ở vùng này, người ta đãi khách quí trong bữa cơm với mẩu mắm ruốc bằng ngón tay cái ém chặt trong một cái mẽ chén sành và đặt lên trên đó mấy hòn than. Cậu biết chưa?
- Chưa!
- Vậy cậu chưa vỡ lòng bài học ở rừng. Chỉ nội chiều hôm nay thôi, là cậu sẽ ở bên kia vĩ tuyến mười bảy. Đêm nay cậu sẽ ngủ ở Miền Nam rồi. Đấy. Chỉ còn mấy bước nữa thôi mà mình không thể có được cái hạnh phúc của cậu. Ác thiệt ! Liêm lắc đầu. À mà này có ai mách cho cậu mua nữ trang giả không ?
- “Nữ trang giả ” gì ?
- Thế là cậu không biết rồi. Cái thứ mạ kền, mạ vàng nó bày đầy ở bờ Hồ đó. Đem vào đây, qua khỏi giới tuyến mười bảy nó có giá trị của những món đồ thật. Cậu hiểu chưa ?
Tôi lẩm nhẩm rồi nói:
- Thế thì chính mình là món nữ trang ấy đây !
- Riêng cậu thôi. Còn tớ thì vẫn là hàng giả. Mạ kền ? … Liêm bỗng chẩu mồm sang tôi. Mạ kền, mạ vàng. Có thứ nào, có thằng nào thật, tớ hỏi cậu ! Sì . . . Mạ mạ tất ! Luôn cả ông thợ mạ ổng cũng tự mạ rồi. Cậu thấy không ?
Tôi lặng thinh, lòng chua xót. Trong chỉ có mấy phút mà anh bạn nhà lính của tôi đã nói lên một cách tài tình tất cả nỗi lòng của anh, cũng là của tôi, và của hằng vạn người. Tôi hỏi:
- Sao cậu không xin về ?
- Tớ đếch thèm ! Xin à ? Người ta sẽ bảo: Đảng chưa cần. Bao giờ đảng cần thì đảng sẽ gọi.Thế thì xin làm gì cho mang tiến xin ?
Đi vào Nam là đi vào máu lửa, đi chết, vô đó đâu phải để ăn giỗ như người ta lầm tưởng, mà mình phải xin? Đã không gọi mình thì thôi, việc gì mình phải xin ? Tớ cho cậu biết nhé. Có thằng mang lon trung tá vậy mà khi được gọi, anh chàng trả lời với tổ chức rằng để anh ta suy nghĩ. Lập tức cái lon đó rơi ngay! Khà khà !
– Liêm vẫn nói liền mạch- Còn mình, không phải gan góc gì đâu. Bom đạn thì da thịt ai cũng thế thôi. Nếu ở một nơi nào khác thì mình đã ra lính lâu rồi lo tìm nghề mà mần ăn, gần bốn mươi tuổi đầu, vẫn độc thân. Cái nghiệp cơm thùng nước chậu gần hai mươi năm nay. Ngấy lắm !
Có mấy người ở phía sau đi tới. Liêm kéo tay tôi dạt qua mé đường và ngưng hẳn câu chuyện. Chờ họ đi khỏi xa, Liêm lại tiếp, với sự hăng hái gia tăng:
- Sở dĩ mình còn nấn ná cò sống cái đời lính là vì mình còn mong có một ngày ơn trên ngó xuống và bảo với mình là “đảng cần anh đi Nam.” Cậu hiểu tớ chứ? Bọn cùng cấp với tớ đi vô nhiều rồi.
Nhưng còn tớ thích trơ mặt mo ra đó. Tớ nghe tin không chính thức rằng ở ngoài bộ tổng có nghiên cứu lý lịch của tớ và không rõ ai thọc mách màngười ta kết luận rằng tớ có liên quan với vụ”anh hùng quân đội” Nguyễn Văn Song bỏ sư đoàn 330 trốn về Nam.
Cái thằng vớ vẩn quê ở miền đông mà người ta lại tặng cho danh hiệu ” anh hùng ” số một Nam Bộ đó. Cậu có biết cái vụ đó không nào?
- Có có nhưng mà…
- Ừ, thì hãy cứ biết tới đó. Đấy nó bảo là lúc đó tớ có biết ý định của thằng Song mà tớ đếch thèm báo cáo cho tổ chức. Hì hì ! Tớ biết thế nào được ? Chỉ có điều là nó sai tớ dẫn đơn vị đi lùng bắt anh chàng về, tớ lùng khắp Thanh Hóa, Nghệ An cả tháng trời mà không gặp. Nó có giỏi sao không đi lùng ?
Liêm rút khăn tay ra lau mồ hôi trên mặt và lại tiếp:
- Còn cái cớ thứ hai là nó bảo tớ có liên quan với một số nhà văn Nam Bộ. Tớ có tư tưởng Nhân Văn Giai Phẩm.
Liêm mấp điếu thuốc còn dài nhưng đã tắt queo:
- Nhưng con người của mình đâu thuộc về mình. Mình không có quyền quyết định một việc gì hết cả, mình như một lũ nhái trong giỏ ông câu. Cứ nhảy lung tung trong giỏ đó coi như được tự do lắm vậy. Chừng nào cá lóc táp thì ông câu thọc tay vào xách giò lôi ra từng chú rồi con thì móc vào đùi đem cắm câu, con thì móc từ họng ra đít đem nhắp cá. Thế thôi.
Liêm ngừng một chốc rồi quay sang tôi:
- Cậu có biết anh em Nam Bộ mình đổ bên xứ Lèo bao nhiêu xương máu không ? Đâu có báo tử báo tiếc gì ? Ơ ờ. . . Cậu có biết cái thằng cha gì hồi trước trưởng phòng chính trị miền Tây không nhỉ. Cái thằng cha đách chó gì, mình vụt quên khuấy đi. Nó vừa được đưa vào đo.
Vợ nó buôn lậu, thông đồng với tụi Gia Nã Đại và nước ngoài. Chả là chồng mụ ta là chính ủy sân bay mà, nên mụ được chân bán vé tàu bay. Hắn ta vẫn biết mà cố lờ đi. Hằng nghìn cây Parker, vàng, kim cương cậu à v.v…
Cơm gạo tám ăn không hết đổ bừa ra hằng ngày. Nhưng chưa hết, khi ở trên phát hiện được, bèn cho một tay xuống điều tra. Điều tra riêng tư trong chỗ kín cổng cao tường thế nào không rõ, mà cặp lon rơi mẹ nó vô cái hồ bao của mụ ta. Thằng chồng mất chức luôn, nhưng mới vừa rồi đây anh ta được đảng “cần”.
Đảng cho mang lại cái sự vinh quang lên trán và tống vô Nam cho đỡ cái mặt mo. Đấy, rồi để rồi cậu xem, nay mai cậu có gặp lại hắn ta, cậu sẽ thấy cái tài của thằng cha thợ mạ và và cái vật đã được qua tay thợ mạ.
Tôi nói:
- Nhưng mà thôi anh ạ. Nói mãi cũng chẳng qua được người ta. Cứ giả đui giả điếc cho người ta phết lên một lớp phấn vàng rồi người ta tống khứ mình về Nam là hay nhất.
-Nhưng mình đâu cần phả imạ. Mình là vàng thật mà. Mạ sao ăn?
- Đôi khi cũng phải ráng mà ăn, phải ăn, phải ngậm, phải nuốt trửng nữa là đằng khác. Tôi dịu giọng.
- Anh biết tôi là thằng hiền như cục đất mà nó không để yên thân. Nhưng nào có phải riêng chúng mình. Tất cả những thằng tập kết, tâm sự không có xe tàu nào mà chở cho hết.
Liêm thở dài:
- Ớn quá cậu à!
- Ừ thì ớn quá đi chứ sao!
- Lắm lúc nhìn quân hàm trên áo tôi, tôi hỏi sao tôi là thằng Nam Bộ mà còn ở đây, còn mang những thứ này ?
- Thì đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy chứ còn sao nữa.
Liêm bỗng ngoặc sang chuyện khác:
- Này, mình cho cậu biết nhé. Cơn đường vào Nam là con đường lót bằng xương và tưới bằng máu, cậu nhé ! Những đốt xương nối lại với nhau sẽ bằng bề dài còn đường này. Không phải như dạo chợ đâu.
Những cái thằng ngốc ở các trường đi B dân chánh của các cậu nó chẳng hiểu mẹ gì hết ! Cứ nói ầu cho các cậu phấn khởi ào lên. Chúng nó chẳng mất gì, mà lại được khen, chúng bịa toàn chuyện hay ho. Vô tới chừng vài trạm thì chỉ có gặp giênh giênh tiếp đón rồi đấy… thôi tạm biệt nhé.
- Bao giờ thì ta lại gặp nhau ?
- Biết bao giờ? Liêm cười chua chát. Có thể là chẳng bao giờ.
Lại một cuộc chia tay trong lúc vừa gặp mặt. Tôi cứ nắm chặt tay Liêm, không đành buông ra.
- Thôi đi nhé ? Nhắn lời tao thăm tất cả đồng bào và hôn dùm tao một mảnh đất.
Giọng Liêm tắt nghẹn. Liêm quay mặt.
Tôi đứng tần ngần giây lâu, nhìn đôi vai gầy của Liêm. Liêm đứng chống nạnh, ngẩng lên, có lẽ Liêm không muốn nhìn thấy hạnh phúc của kẻ được về quê. Tôi biết anh chàng đang nuốt nước mắt. Tôi không nói được, tôi bước đi, vài bước, lại quay lại, mong Liêm quay lại để hai đứa nhìn nhau thêm lần nữa nhưng Liêm vẫn đứng mãi như thế cho đến khi tôi qua khỏi khúc quanh.
Ngọn sông Bến Hải một buổi chiều rất nắng. Rừng sầm mặt lại và những cơn gió lạnh đặc làm cho tôi rùng mình.
Khi qua một chiếc cầu tre bắc qua lạch suối, những chân cầu run rẩy dưới nước với sức nặng của đoàn người. Người giao liên báo cho chúng tôi biết đây là con sông Bến Hải mọi người đều cảm thấy bàng hoàng.
- Bến Hải thật à ?
- Thật chớ.
- Đây là Bến Hải à !
- Vâng ! Đây là ngọn sông Bến Hải đây !
Mọi người đều ngó quanh như tìm kiếm một điều gì đặc biệt của khoảng không gian nơi mà ngọn sông Bến Hải chảy ngang này. Cũng cây cối cũng những vệt nắng như bất cứ buổi chiều nào ở trong rừng. Cũng những hạt sỏi tắm trong làn nước trong veo. Cũng những con bướm bay dọc theo bờ suối tìm nhụy hoa.
Thế nhưng sao lòng tôi thấy dâng lên một nỗi mềm vừa vui sướng vừa đau khổ. Tôi thấy kể từ nay bước chân tôi thu ngắn rất nhanh con đường thiên lý khốn cùng này. Mỗi một bước đi thấy quê hương ló dạng thêm dần.
- Cây cầu này giống những chiếc cầu khỉ Nam Bộ quá ta !
- Ừ nhỉ, mình đi lâu quá rồi quên cả những nét độc đáo của quê hương.
Những câu nói vui đơn sơ nhưng gợi lại biết bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc.
Cũng sông nước, cũng những nhịp cầu mộc mạc nhưng nó làm cho lòng người lâng lâng như có lẫn ít men rượu. Vâng đây là Bến Hải, con sông bầm tím xót đau như một vết roi tàn bạo quật ngang lưng Đất Nước eo thắt của miền Trung quằn quại, con sông nhỏ mang niềm thống hận lớn, muôn đời !
Con sông Gianh ở phía sau nó, nhưng ra đời trước nó, cái bóng hình mờ qua hằng mấy thế kỷ và lùi xa hằng trăm dậm giang sơn.
Vâng đây là Bến Hải con sông mà toàn thế giới đều biết đến con sông ranh giới trên địa dư và trong tư tưởng trong tình cảm của dân hai miền Việt Nam.
Trên một thân cây, bờ Bắc tôi trông thấy những thanh gỗ đã mục nhưng còn mang những dòng chữ “Giới Tuyến Tạm Thời” viết bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Pháp. Ở bờ suối bên kia cũng có một gốc cây đóng vai tuồng đó.
Nối liền hai tấm bảng là chiếc cầu khỉ. Chiếc cầu bất cứ ở đâu cũng đều là sự nối liền của đôi bờ nhưng ở đây, chiếc cầu này lại làm nhiệm vụ canh chừng cho sự chia đôi đất nước.
Ở đường quốc lộ, cầu Hiền Lương cũng như thế. Hai màu sơn chia đôi những nhịp cầu. Ba nhịp rưỡi một màu, ba nhịp rưỡi kia một màu khác. Tôi không muốn nói là màu gì nhưng tôi nghĩ rằng màu gì thì màu chứ không đồng màu được. Có lẽ là không bao giờ chiếc cầu ấy được sơn một màu.
Con người đi trên mặt đất, dù vẫn là đất nước của một quốc gia, một Tổ quốc, nhưng từ Bắc vào Nam, hay từ Nam ra Bắc đến đây đều cũng phải dừng lại. Phải tự bắt mình dừng lại. Không thể vượt qua. Dù năm tháng có làm phai mờ những dòng chứ kia hay làm mục rã những tấm gỗ kia, cái lạch nước này vẫn còn giá trị một ranh giới của hai quốc gia.
Thế mà chúng tôi lại vượt qua. Cho nên ngoài những tình cảm về quê hương đất nước, tôi lại còn có thêm một tình cảm của một con người đang làm một việc gì không phải đối với luật pháp, một chuyện bất lương. Biết rằng đó là chuyện bất lương mà vẫn làm.
Tôi phản đối tới cùng việc đưa những đội quân miền Bắc, vượt qua ranh giới đã được qui định bởi công pháp quốc tế này, còn những người miền Nam tập kết nếu họ muốn trở về quê quán thì họ phải được trở về như những Việt Kiều đi xa xứ nay hồi hương, nghĩa là sự hồi hương của họ cũng phải được tổ chức công khai và họ phải được đưa đón hẳn hoi.
Không một người Nam Bộ nào muốn sống trên đất Bấc kể cả những ông ủy viên trung ương đảng hoặc những ông cao cấp khác.
Bước xong tấc cầu cuối cùng sang phía Nam tôi thấy người tôi như đổi khác đi. Cái chất Nam Bộ của tôi dậy lên mãnh hệt hơn bao giờ hết.
Tôi quay lại nhìn phía sau tôi. Chiếc cầu vẩn đứng chênh vênh đó với những đốt xương khẳng khiu với những cái chân gầy gò run rẩy dưới dòng nước đang đổ.
Cái nền xanh của cây lá làm nổi bật hình ảnh chiếc cầu. Phía sau đó là miền Bắc, nơi tôi đã sống không lâu chứ ít ra cũng đã mười hai năm trời với những tình cảm vui buồn với những ngày mưa nắng, với những ràng buộc riêng tư cửa đời tôi.
Giã từ một miếng đất đầy kỷ niệm, lòng tôi thấy nao nao buồn. Tôi không bao giờ trở lại đó nữa trừ khi tôi bị một phép thuật bất ngờ mà tôi không cưỡng lại được.
Trước mặt tôi là Quê hương xa cách và ước mơ hội ngộ. Nó như tảng đá nam châm vĩ đại, có sức hút vô biên như lòng quả đất đối với vạn vật.
Tôi như ngây, như dại, như vừa uống một ngụm rượu mạnh ngon lành.
Ờ nhỉ, đây là miền Nam rồi đây, cái chỗ mình đang bước đây là đất miền Nam, cái cây đang đứng kia là cái cây của miền Nam, cả những hạt cát, những con bướm đang nhởn nhơ đó nữa, tất cả đều là của miền Nam, cái không khí tôi đang thở đây cũng không phải là cái không khí mình vừa thở cách đây vài phút. Qua cái cầu con kia rồi thì tất cả đều phải đổi khác đi, phải mới đi, những chuyện không tốt đẹp phải để lại bền kia cầu.
Bất giác tôi nhìn ngoáy lại phía sau rồi dừng hẳn. Nắng chiều nhuộm bãi cát một màu vàng ánh, trên bãi cát có một người đang đứng. Anh ta hơi gầy nhưng cặp chân rất khỏe. Cái bóng anh ta ngã dài trên bãi cát. Anh ta cầm cái mũ tai bèo trên tay. Anh cúi rạp người xuống, cái đầu gục gặc như đang nói nhắn lại một kẻ vô hình nào đang đứng bờ bên kia những điều gì.
Rồi anh ta đội mũ lên mang ba lô đi ít bước, lại quay lại xá xá. Những người còn đang đi trên cầu cười to lên.
- Anh làm gì thế?
- Dạ, em vái ạ!
Anh ta đáp rồi vượt lên một cách thản nhiên.
Tôi nghĩ: “đúng là anh ta vái cả mũ. “
Hồi còn ở Hà Nội, tôi có nghe một câu chuyện tương tự như vậy cứ tưởng là của các ông Nam Bộ bất mãn bịa chuyện nhưng hôm nay tôi mới biết rằng đó không phải là chuyện bịa.
Tôi đi song song với anh bạn. Và vỗ vai anh ta.
- Quê ở đâu đó ?
- Gia Định.
- Này, cha làm kiểu đó nó biết cha bất mãn, nó bắt cha quay lại đa nghẹn ! Cha nội !
- Còn lâu ! Anh bạn sìa môi ra như muốn thử thách.
- Chớ cha không ớn à?
- Tết ! – rồi lại cả quyết – Thằng nào giỏi theo đây mà bắt tôi. Tôi nói thiệt ngay bây giờ, tôi gục ngã xuống tôi chết thì cái xác của tôi vẫn lăn về phía Nam chứ không khi nào để cho người ta lôi ra phía Bắc.
Đúng là “vái cả mũ ! “ Vái cả mũ tất cả cái gì ở phía sau lưng tôi
No comments:
Post a Comment