Friday, November 30, 2012

Đường Đi Không Đến 22


22. 22

Ông Chín tự nãy giờ nằm im, có lẽ ông không hài lòng về sự bịa đặt của chúng tôi để tâng ông lên. Đoán chừng như vậy, tôi hỏi:..


- Ông Chín ơi, thức ngủ?

Ông Chín không đáp.

Một chốc, tôi nhắc lại với Thu cái chết của anh binh sĩ bạc phận và tấm mộ bia. Trên đời biết ai là bạc phước nhất? Vì dụ nhu anh binh sĩ nọ, anh ta chết tức tối đau đớn thực đấy nhưng ít ra anh ta cũng còn được chôn cất và còn có một bia, ấm áp nấm mộ.

Thu nói:

- Eo ôi! So với bộ đội thì mình sướng hơn nhiều! Em thấy nhiều anh khiêng pháo oằn cả xương sống, cong queo cả đôi chân mà leo dốc đều đều. Có những cặp chân còn bằng những cái cọc màn không hơn không kém!

- Hở hở? Ai nói cái gì mà cọc màn? – Từ tầng trên có tiếng gầm lên. Tôi nghe chính là tiếng của ông Chín.

Tôi nghe vạt tre nghiến ken két thì đoán chắc ông Chín trở mình hay đã ngồi dậy. Ông Chín nói vọng xuống bọn tôi:

- Phải cô văn công nói chân bộ đội là cái cọc màn đó không?

Thu đáp:

- Dạ không, cháu nói thấy chân bộ đội bằng cái cọc màn mà phải khiêng pháo thì cháu thương tâm quá.

- Khô….ông! Tôi nghe rõ ràng là những cái cóc màn biết đi mà! Cha chả trời đất! Bộ đội ta chân đồng, chân sắt, đạp lùi vạn dậm gai chông mà cô bảo đó là những cái cọc màn biết đi thì còn trời đất gì nữa hử?

Ông Chín nói tiếp giọng gay gắt hẳn lên:

- Tôi hỏi lập trường cô để ở đâu chứ?

- Dạ cháu thấy vậy thì cháu nghĩ vậy chớ sao mà phải động tới lập trường ạ! Chẳng qua là cháu nói chơi …

Ông Chín quát:

- Nói như vậy mà là nói chơi à? Tôi cho cô hay đây là vấn đề lập trường rõ chưa? Người có lập trường vững chắc không nói như cô. Cô ăn nói như vậy là không còn đủ tư cách của cán bộ cách mạng nữa. Như vậy là quá hồ đồ cô hiểu chưa?

Thu không chịu thua, tôi ngồi bật dậy trên võng.

- Cháu xin lỗi cụ…

Thôi chết rồi! Kẻ vui miệng, người hay bắt bẻ!

Thực tình lúc đầu tôi cũng tưởng là ông Chín nói chơi cho vui, chẳng ngờ ông nói thật. Ông Chín đề cập tới lập trường một cách nghiêm chỉnh.

Thu giận quá, nói không ra tiếng:

- Cháu xin lỗi ông Chín, cháu nói vậy có can phạm gì đến lập trường đâu mà ông Chín nói cháu những tiếng quá đáng.

Ông Chín cũng giận quá nói khàn cả tiếng:

- Cô nhìn bộ đội đang đi chiến đấu đổ máu cho quê hương mà cô bảo là những cây cọc màn biết đi có phải cô láo xược không?

- Ơ hay! Có chi đâu mà láo với xược? Chân bộ đội quá gầy guộc thì cháu bảo nom như những cây cọc màn chứ có gì mà cụ phải gắt ầm lên như thế? Cháu không đồng ý.

- Này! – Ông Chín chỉ trỏ xuống sàn – Này cô kia, nếu có cơ quan cô ở gần đây thì tôi sẽ báo cáo để cô lãnh một hình thức kỹ luật. Tại sao cô khinh rẻ quân đội cách mạng như thế? Cô cũng là văn công văn kiết sao cô lại có một cái nhìn tệ hại như thế kia?

Tôi bảo nhỏ Thu:

- Thôi đi em, đừng nói nữa. Ông Chín là người khó tính nên ổng hay nói này nói nọ vậy thôi, rồi ổng quên hết!

Nhưng tôi vừa dứt tiếng thì ông Chín đã gầm lên:

- Tôi không phải là người khó tính đâu nhé! Tôi chỉ nói những điều đúng đắn thôi, các đồng chí chớ nên hiểu lầm.

Ông Chín vẫn tiếp tục giải thích:

- Đâu phải là chuyện nói chơi, ở đây, chúng ta cần lập trường. Lập trường không thể thiếu được, lập trường thay cho cơm ăn thay cho nước uống, thay cho cả máu chúng ta trên đường này. Vậy mà đồng chí mang nó ra đây nói chơi à? – Ông Chín vỗ ngực phạch phạch – Tôi cân nặng 75 kí lô nhưng tôi kém hơn những cái cọc màn biết đi ấy vì tôi thuộc thành phần địa chủ, đồng chí hiểu chưa?

Cách mạng cần những người gầy ốm chân như cọc màn đó, chứ đâu cần những người béo tốt như tôi, như đồng chí!

Bây giờ thì Thu không chịu đựng nữa. Thu nói hơi to:

- Cháu biết ông Chín là người đúng đắn….

Ông Chín nhảy cỡn lên:

- A hay! Đồng chí định chửi tôi có phải không? Này! này tôi bảo cho mà biết đồng chí chỉ đáng con tôi.

- Dạ cháu đáng cháu nội ông cũng được!

- A! Đồng chí định rủa tôi chết sớm đó hả?

Câu chuyện lằng nhằng như thế đó, cắt đầu này thì nó lại mọc ra nơi khác.

Tôi để cho một lão già gàn và một nữ sinh bất khuất cãi nhau chơi. Ai cũng có lý lẽ vững vàng hết cả. Ông già cứ ôm cái lập trường đầy rong rêu và bón bằng sách vở cũ rích như cái bụi tre ở nông thôn được vun bồi bằng những mớ miểng sành, miểng chén, những ông táo ông lò hết xài; còn cô nữ văn công viện ra những tin tức mới về tình hình Cộng Sản quốc tế, từ những “cây cọc màn biết đi” kéo dài đến chủ nghĩa xét lại.

Tội nghiệp nãy giờ anh giao liên nằm im thin thít không nói tiếng nào. Có lẽ anh ta chán ngán vì những chuyện thế này. Việc hay ho nhất đối với anh ta là làm sao xoi đường cho thủng để cho dòng người kia khỏi bị ứ đọng lại, nếu không nó sẽ réo ầm lên mà đòi gạo đòi muối, to hơn cơn suối giận dữ ngày nước lũ.

Anh giao liên đã ngủ một giấc dài, thức dậy lục đục nấu trà uống. Ông Chín cũng ngồi dậy uống với anh ta.

Gió rét căm căm. Sau một ngày nóng bức, hơi rừng núi xông lên, vây riết những sinh vật đang ngọ nguậy trong sự bất lực thèm khát và rụi tàn. Ông Chín còn trà Chính Xuân hẳn hoi. Ông cất kỹ trong ba-lô không dám uống, bây giờ đem ra thì nói đã mất hết mùi và lên mốc.

Tôi nghe có trà thì cũng mon men lên góp mặt vào buổi trà đàm.

Anh giao liên này rất trẻ. Anh ta là người Nam Bộ. Tôi nhận ra điều đó là vì tôi nghe trong câu chuyện anh ta nói đến một thứ rau mà chắc chắn ở Miền Trung và Miền Tây Nam Bộ mới có: đó là rau dừa.

Rau dừa là thứ rau mọc ở ruộng nước sâu và vào mùa mưa. Người ta hái cái ngọn non của nó ăn với mắm kho và đặc biết nó có vú, vú nó trắng phau mởn mởn như một lại bông đá và mong manh như bọt xà-phòng.

Cái vú rau dừa trắng nổi phêu phêu trên mặt nước gợi cho người ta sự ngon lành của bữa cơm đạm bạc ở đồng quê, đậm đà tình quê hương.

Cho nên khi nghe đến rau dừa, thì lòng tôi thực sự rung động. Ở giữa núi rừng làm sao mà tìm được một thứ gì quen thuộc của xứ mình. Cho nên tôi hỏi ngay anh giao liên:

- Anh ở tỉnh nào vậy?

- Em tên là Mai, quê ở Bạc Liêu.

- Trời đất, ở xa vậy!

- Xa thì xa chứ biêt sao bây giờ?

- Sao ra đây chi đây?

- Thì đi làm cách mạng mà, ở đâu đi không tới?

- Nhưng tôi muốn hỏi anh vì lý do nào anh trôi dạt ra tới tận ngoài này?

- Thì tình nguyện thôi.

- Lúc này ở trong mình dễ thở không?

- Dễ thở là mấy năm trước kia, bây giờ thì khó thở rồi. Trốn trực thăng chạy mệt đứt hơi.

- Ủa, vậy sao tôi nghe nói chiến thuật “Trực Thăng Vận” bị ta bẻ gãy tan tành hết rồi mà?

Cậu giao liên phì cười:

- Gãy ông nội tôi chớ gãy! Vô trỏng rồi biết! Có gãy giò thì có!

Rồi anh ta giải thích cái lý do ly hương của anh ta:

- Tôi đang công tác ở tỉnh. Ở đó có chuyện gì đâu mà làm. Ở không mãi tôi cũng chán cho nên tôi đi giăng câu kiếm cá ăn. Cá ở Cà Mau thì anh phải biết. Câu bao nhiêu cũng có. Ăn cá mãi phát chán rồi nấu canh chua chỉ húp nước canh thôi.

Tưởng xứ nào cũng sướng như xứ mình cho nên nghe lời kêu gọi của cấp trên em từ giã gia đình cắp nón ra đi với bộ đồ dính da.

Núi non ở Nam Bộ không có. Cho nên vừa trông thấy núi là chúng em chạy ra leo núi chơi cho thoả thích. Chạy sướng thật, chân mình cứ leo cứ bám trên đá mà bước lên, tuy có mệt nhưng vẫn cứ thích.

Cậu giao liên tiếp:

- Chẳng ngờ rằng núi ở xa trông thì đẹp nhưng muốn nhìn cảnh đẹp phải no bụng. Leo chơi vài lần thì thích thật, nhưng chỉ leo vài ngày rồi thì chán. Nhiều đứa ngồi khóc cha khóc mẹ suốt ngày không chịu đi công tác nữa. Nhiều đứa phăng theo đường mòn mò ra đường cái lên xe hơi trở về xứ. Riêng em…ở đây mãi rồi, đi đâu cũng khó coi. Bụng làm dạ chịu chớ trách ai!

Mai thở dài:

- Bây giờ núi trở thành kẻ thù của em rồi. Em không ghét gì bằng ghét núi!

No comments:

Post a Comment