Friday, November 30, 2012

Đường Đi Không Đến 1



1. 1


Bộ đội ở phía sau đi tới. Họ khiêng, họ vác, họ gánh. Lặng lẽ, nặng nề, từng nhóm, từng người, có khi năm bảy chục thước mới có một tốp, một người..Cự ly hành quân chẳng rõ được qui định là bao nhiêu.. Đó là vì Trường Sơn hiểm trở, nhưng trước nhất là vì đôi chân…

Thấy bộ đội đi, tôi và Lâm nhường bước, nép vào đường. Quần áo họ mốc cời, có cái vai áo rách toạc xuống nửa cánh tay, nhiều mái đầu như rú rậm, họ đi ngang đã nghe thấy một mùi chua khét lạ lùng. Nòng súng họ nhét giẽ rách, hoặc để trống hốc, sét rơi ra vàng oách. Nhiều ngườl gánh hẳn hoi bằng một thanh tre tươi. Ba lô một đầu súng và cạt-túc-se một đầu, như gánh những xâu thịt lợn. Người đi sau chót vừa đi vừa rên khừ khừ.

Tưởng đơn vị đã đứt đuôi, tôi sửa soạn cho đoàn của tôi tiếp tục đi nhưng nhìn lại thì thấy đơn vị còn lục tục ở phía sau.

Đột nhiên Lâm hỏi tôi :

- Này về tới Nam Bộ, anh sẽ ăn món gì trước nhất?

- Chè đậu! – Tôi đáp không cần suy nghĩ.

Vì sao tôi không suy nghĩ? Bây giờ, khi nhớ lại, tôi mới hiểu ra rằng đi đường mất calori nhiều quá, lúc nào cũng thèm đường. Đâu chỉ có một kí lô đường cát trắng được phát cho từ Hà-Nội mà đi hơn 1 tháng, trèo đèo lội dốc suốt ngày mà không dám đem đường ra ăn. Đường được xem như một thứ tiên được. Lúc sắp quỵ xuống kìa mới dám nghĩ tới thứ thuốc tiên đó! Cái cách ăn đường cát của những gã chân chỉ lội Trường Sơn đã làm cho nó trở thành tiên dược. Đâu có phải bỏ nó vô nước khuấy cho tan ra rồi uổng, mà phải chờ đến lúc khuya canh vắng, bên cạnh mình không còn ai thức mới sẻ lén mở ba lô ra lấy cái túi đường còn kha khá đó ra rồi mở sợi dây buộc túi đường một cách vô cùng cẩn thận, kẻo người bên cạnh nghe thì chết. Xong, mới bằng một cử chỉ vừa cẩn thận, vừa trang trọng, dốc ngược cái túi lên, tay giữ miệng túi sát vào mồm, tay bóp đít cái túi khe khẽ cho đường chảy vào mồm. Những hạt đường của Cu-Ba anh em (!) lăn trên thành túi ni lông nghe như những hạt sõi lăn trên sườn núi. Đợi đến khi số hạt đường nhất định đã rơi vào mồm thì chủ nhân mới bèn bóp cái miệng túi lại và khãy nhè nhẹ cho những hạt còn vô tình hay cố ý dính lại đấy rơi hẳn vào mồm chủ nhân, rồi mới buộc thắt nó lại. Những hạt đường đã nằm trọng miệng của chủ nhân rất yên trí rằng chúng không bao giờ bị thương, bởi lẽ rất giản đơn là chủ nhân không bao giờ dám nhai, bởi lẽ rất giản đơn nữa là nếu nhai thi đường sẽ chạm vào răng và gây nên những tiếng động và một khi cái tiếng động ấy bị lọt vào tai của một anh chàng ‘Vô Ngại Tưởng Quân’ nằm bên cạnh thì không chóng thì chầy chủ nhân của túi đường sẽ đau khổ vì bị vị tướng quân này không ngần ngại xin… đường. Mà trên đường Trường Sơn này thì những vị vô ngại tướng quân đó ở chỗ nào cũng có.

Vl thế cho nên ăn đường cũng phải cần thận tối đa, nghĩa là để cho những hạt đường tự tan chảy ra trong mồm một cách tự nguyện. Điểm nầy cũng còn thêm một ý nghĩa là như vậy chủ nhân sẽ có đủ bình tỉnh và thời gian mà thưởng thức cái vị ngọt ngào của đường Cu-Ba và nghe tình đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em đi vào máu huyết của mình (!)

Nhưng đó chỉ đó là một lối tiêu thụ bình thường – để đề phòng các Vô Ngại tướng quân thôi. Còn nhiều cách khác nữa.

Vì đường nó quý quá làm vậy cho nên khi được Lâm hỏi ăn gì thì tôi đáp ngay rằng “chè”. Không phải tiếng nói của lá phổi, cổ họng mà là tiếng nói của tâm tư, của nguyện vọng.

Vì sao? Vì lâu nay, mỗi lần cảm thấy sức khoẻ mình xuống dốc trông thấy một cách thảm hại, tôi chỉ nghĩ có một điều: “Ăn”! Ăn là khoẻ ngay, là đi nhanh, là vượt dốc trèo đèo như gió, là chống được sốt, là lạc quan yêu đời, là tin tưởng Đảng Bác thêm ngay, nhưng ăn thì có cả trăm món, làm sao tạo ra ngay cho được giữa rừng thẳm núi cao này? Chỉ có đường là đơn giản nhất. Nhiều khi tôi chỉ cần nếm một muỗng nhỏ đường mà cảm thấy khoẻ lên rất chóng, như vừa uống thuốc tiên.

Cái tiếng ‘chè đậu’ của tôi tung ra như một quả khói mù, nhưng đồng thời cũng như một giọt nước mát xối vào mặt mọi người giữa trưa nắng cháy. Những người đứng gần tôi tựa hẳn ba lô vào vách đá cho đỡ nặng đôi vai lắng nghe tôi nói tiếp.

Tôi cảm thẩy tôi thông minh hơn chính tôi ngày thường gấp bội, thông minh hơn cả Tào Tháo khi ông ta thấy binh sĩ khát cháy cổ thì gạt chúng bảo rằng phía trước một có một vườn mơ – nhưng tôi không giống Tào Tháo vì chính tôi cũng thèm chè như mọi người trong đoàn, chứ không như họ Tào hoặc họ này họ khác ngồi mát ăn bát vàng mà xua lũ con cháu vào con đường đi không đến mà bảo rằng sắp đến nơi rồi và sẽ có mâm cao cổ đầy ở cái đích sắp trông thấy đó.

Tôi nói tiếp để phát triển thêm cái mòn chè của tôi :

- Chè đậu trắng, các bạn ạ! Hạt to hơn đầu đũa ăn, hạt lép đã nhặt hết rồi, chỉ còn hạt trộng – tôi nói tiếp – đem nấu với đường móng trâu, chớ không nấu với đường thốt nốt, vì đường thốt nốt hơi chua, để ăn sống thì tuyệt vời còn đem nấu chè thì không bằng đường tán đâu. Nấu phải cho thật ngọt, ngọt gắt cổ họng, nếm vô một miếng là tằng hắng ngay. Đấy.. nấu xong nhắt xuống múc ra từng chén, chén trứng sáo to nhé, rồi mới rưới nước cốt dừa lên – nói đến đây tôi dừng lại nhìn từng người một. Gương mặt người nào người ấy sáng rỡ lên.

Tôi cũng thấy hăng hái hơn lên. Tôi đưa hai tay ra phía trước, hai bàn ấy úp vào nhau làm như đang vắt dừa. Tôi nghiến răng và bóp vặn hai bàn tay vào nhau tỏ vẻ quyết vắt cho thật khô với một sự vui sướng thèm thuồng ác liệt, với sự tưởng tượng trông thấy món chè đặc biệt đang dọn ra trước mắt mình.

Nhưng than ôi! qua cái cử chỉ ấy tôi hiểu rõ sức lực của tôl. Nó đâu còn đủ cho tôi làm cái việc đó. Nói trắng ra là nếu có một trái dừa phải vắt ở giữa lưng Trường Sơn này thì tôi không thể vắt lấy nổi nước cốt. Tôi cảm thấy hai cánh tay tôi rã rời, một sự rã rời làm tôi phải ngạc nhiên.

Giờ đây tôi vẫn còn nhớ hình đáng của hai cánh tay và hai bàn tay tôi lúc ấy. Màu da vàng vì sốt, sạm vì nắng, thâm vì sương gió và chướng khí núi rừng. Tôi không có chữ để gọi chính xác cái màu hổn hợp của ba màu kể trên. Tôi ngậm ngùi, nhưng vì là người có trách nhiệm nên tôi cố giấu sự bi quan, mà vẫn vui vẻ lao theo cái món chè.

Tôi đã “vắt dừa” xong và hăm hở nói tiếp:

- Nước cốt đặc quẹo giống như sữa. Nếm thử một miếng xem, ôi chao béo ngậy. Đây tùy thích của từng người, ai muốn béo thì “thím xực” luôn hai muỗng. Đấy, chè đã dọn ra rồi mời các bạn cùng múc nước cốt dừa rưới lên ai muốn xơi mấy chén cứ xơi… Xơi ngay trong lúc chè hãy còn nóng để cho nước cốt dừa quến vào thành một khối vừa béo vừa ngọt nuốt đến đâu nghe bổ đến đấy!

Lâm nói:

- Riêng tôi thì tôi muốn ăn một chén, còn xin một chén.

- Úy, lố tiêu chuẩn sao?

- Không! Một chén xin sau là để phơi sương, sáng mai dậy tập thể dục nhảy xuống sông tắm rồi lên ăn liền.

- Có súc miệng không? – Một người hỏi.

- Khà.. khà khà.

- Cái thằng nói làm nhớ nhà Má Chín ở Cai Lậy quá!

Chúng tôi ăn chè gió xong, bộ đội cũng vừa dứt đuôi. Tôi bảo:

- Tôi, anh em mình chuẩn bị đi!

Người nào người ấy mặt nhăn như bị, cất ba-lô lên vai, đành để lại bát chè đậu nước cốt dừa ấm hổi phía sau lưng.

Nhưng kìa có một người lê tới cùng đi về một phía với chúng tôi – nghĩa là Miền Nam.

Bất giác tôi ngó xuống đất. Tôi sợ hãi quá. Tôi sợ nhìn thấy tôi trong cái con người ấy. Đó là một người, vâng, đúng là một con ngưòi vì anh chàng có đủ tất cả những gì mà một con người bình thường nhất cũng có, và có cái mà con vật không có, nhưng anh ta không còn giống bất cứ một người bình thường nào trên trái đất, mà chỉ có thể đồng hoá vói chúng tôi trên dãy Trường Sơn này thôi.

Đó là một người gầy đét, gầy nhom, gầy như chiếc que, nói theo tiếng Nam Bộ, ốm tong ốm teo. Nói tóm một câu là gầy đến mức độ không thể gầy được nữa.

Má anh ta không còn thịt, để lòi ra những góc cạnh trên mặt, mắt anh mở thau láu, không phải vì tỉnh táo mà có lẽ vì đôi mi cứng đờ không khép lại được nữa. Bộ răng trên còn nguyên, nhô hẳn ra ngoài càng gây cho mọi người một sự gớm ghiếc của người chết với chiếc môi trên nhếch lên. Trong người anh cái bộ phận không gầy, vì không gầy đi được là bộ răng nầy.

Mái đầu anh che kín dưới làn mũ tai bèo. Vành mũ cong chụp xuống che kín đôi tai, đồng thời như cũng muốn che lấp lấy đôi tai, không cho nó thu nhận bất cứ sự việc gì bên ngoài, vì tất cả sự việc gì bên ngoài cũng không hay ho cả. Nên làm một kẻ mắt mù tai điếc mà lên bước trên con đường tối đại vinh quang nầy.

Còn chiếc mũ nữa, tôi không thể chỉ nói về nó có bấy nhiêu thôi, vì đó là chiếc mũ tai bèo của giải phóng quân “bách chiến bách thắng”. Nó có điểm hay là muốn dùng nó làm gì cũng được: khăn lau mồ hôi, giẻ nhắc nồi, thấm chí (mà lại rất thông dụng) chỗ ngồi không đẹp người ta cũng không ngần ngại dùng đến nó. Chiếc nón của bạn này được giữ dính vào đầu anh ta bởi một cái quai nhỏ bằng chiếc đũa choàng qua hầu. Điều đó rất bình thường nhưng ở đây anh bạn lại treo một chiếc khăn lông nhỏ ướt lòng thòng xuống trước ngực như bộ râu vĩ đại của lão già Noël.

Chân anh lê đi, khỏi phải nói, với sự tiếp sức của hai chiếc gậy bằng mây mà hai tay anh cố chống tới đều đều – một thứ chân giả mà trông ra có vẻ có nhiều sức lực hơn đôi chân thiệt của anh ta. Anh ta đi qua trước mặc chúng tôi, không nhìn ai.

Không hiểu anh ta thuộc đơn vị nào, đau ốm từ bao giờ và nhất là anh ta suy nghĩ những gì, khi lê bước chân trên con đường vào Nam theo lệnh của Đảng-Bác giải phóng Miền Nam.

Tôi đã gặp anh ta trên nhiều chặng đường cho nên tôi quen mặt anh ta, nhưng tôi muốn xem đó là một điều gì không có thực mà đó chỉ là một cái bóng, một cái vong hồn vất vưởng hiện lên như một thứ ma quái giữa chốn hoang vu mà thôi.

Bởi vì làm sao lại có thể có một cán bộ, một đội viên hay một dân công với hình hài tư thế và bước đi như vậy được trên con đường tối hậu vinh quang này? Vâng, anh ta đang đi giải phóng Miền Nam trong một cuộc hành quân thần tốc.

Nhưng cuộc đời vẫn công bằng chính trực. Nó không để cho ai phải chịu riêng đau khổ một mình. Cho nên không những trên đường này có ông già Noël mà còn có cả bà Noël nữa.

Bà Noël đó là cô Thu trong đoàn tôi. Cô vừa trật chân bốn hôm nay nhưng cô không dám nằm lại vì sợ cái nỗi đêm khuya thân gái dậm trường, ở giữa núi rừng ma thiêng nước độc và đầy những cọp hùm rắn rết này, một thân gái bồ liễu như cô thì làm sao mà dám nằm lại?

Hơn thế nữa khi ra đi, ông chủ nhiệm ủy ban thống nhất – Trung Tướng Nguyễn Văn Vịnh có đến gặp chúng tôi và bảo rằng đoàn chúng tôi về đến nơi sẽ có Chính Phủ Liên Hiệp, tình hình sáng sủa hơn bây giờ nhiều. Như vậy ai mà nằm lại cho được. Còn một giò cũng phải nhắc cò cò đi tới chớ.

Lâm nhìn tôi và Thu, nói: - Bà Noël đi trước đi! Đụng đầu mãi mà chẳng có tí quà nào cả!

Thu không cười. Cũng không ai cười. Vì cười cũng là một hình thức vận động làm cho mất nhiệt lượng đi. Đã không cười, Thu lại còn hơi cáu. Thu chống gậy lê cái chân sưng phù đi tới và càu nhàu:

- Buốt tận tủy đây còn quà với cáp!

Tôi thấy thương tâm quá. Với lại cũng có một phần trách nhiệm, nên tôi không nở bỏ Thu rơi lại phía sau.

Cứ bước một bước Thu lại nhăn mặt. Thu phải cân nhắc từng bước một, phải tìm một chỗ phẳng rồi mới từ từ đặt chân lên. Thu sợ tất cả mọi hòn đá trên mặt đường. Mà cái mặt đường vinh quang, đường giải phóng Miền Nam này có chỗ nào là không lởm chởm đá và gai?

Thu quen đi guốc cao gót nhảy múa trên sạp phẳng như mặt hồ Gươm và uốn mình theo những điệu nhạc làm rung động lòng người. Thu quen trình diễn dưới ánh điện rực rỡ và quen nghe những tràng vỗ tay tán thưởng tài nghệ của nàng. Đôi chân của nàng làm bằng sáp chứ đâu phải đúc bằng đồng bằng sắt như chân pháo binh bộ binh.

Ấy vậy mà chưa học xong chương trình múa ba-lê nàng đã xung phong đăng ký vào Nam biểu diễn cho đồng bào Sàigòn xem (!).

Tôi nhìn bàn chân và cổ chân của Thu. Thật đáng ngại. Nó bầm xanh. Thịt da có lẽ đã thối ở bên trong. Nó đang mưng mủ. Tôi nghĩ dại, đời cô văn công ca múa này, thế là hết. Nó mà xì mủ ra, gì chưa biết chớ phải lấy Trường Sơn làm nhà ít nhất là nửa năm.

Anh em khặc khừ qua mặt chúng tôi hết. Tôi cũng không nhớ rõ lúc bấy giờ là bao giờ. Chúng tôi không thích mặt trời, mặt trăng và ngay cả mặt người, người thân đi bên cạnh cũng không thích nhìn nốt. Có gì hay ho đâu?

Chỉ còn tôi và Thu sót lại sau rốt. Tôi thấy Thu không thể đi nổi nữa. Tôi bèn bảo Thu cởi ba-lô đưa tôi mang hộ. Thu không ngần ngại tí nào. Có lẽ nếu tôi không bảo, Thu cũng sẽ nhờ tôi. Ba-lô tôi đã nặng, lại còn đeo thêm dùm người ta. “Ốc không lo phận ốc lại còn làm cọc cho rêu” là thế. Tôi và Thu bỗng trở nên đôi bạn đồng hành khắn khít không phải vì tình cảm mà vì hoàn cảnh.

Vậy là tôi không lo bị cô đơn dọc đường. Nhưng mỗi đứa đau một bệnh. Tôi thì sốt, còn Thu thì què. Đứa nào cũng sợ bệnh mình cứ nặng thêm lên và lo bạn mình chóng lành hơn mình và bỏ mình lại với rùng núi và người ngợm không quen.

Hai đứa chỉ đi một quảng ngắn thì Thu ngôi phệt xuống và kêu nhức. Thu rưng rưng nước mắt và ôm cái bàn chân như ôm một cục than lửa, muốn bốc nó lên mà trái lại không dám sờ đụng nó.

Tôi hỏi trỏng: - Không ráng lên nổi chút nữa à?

Thu lắc đầu mếu máo. Tôi hơi bực mình nhưng cũng thương tâm. Tôi hỏi:- Thu có dầu nóng không?

- Không!

- Có thuốc đỏ không?

- Không, anh ạ!

- Có cù-là không?

- Có … nhưng hết rồi!

Tôi bực mình quát to:- Cái gì cũng không vậy ?

Thu cúi đầu. Thu nhìn hai bàn chân của mình sưng to như một chiếc bánh bò. Đi Trường Sơn không gì đáng sợ bằng sốt rét, không gì quý hơn đôi chân. Thế mà Thu lại đau chân.

Tôi ngồi xuống bên Thu, nhìn cô nàng. Đây là lần đầu tiên từ một tháng nay tôi mới có dịp nhìn kỹ một người con gái, hay đúng ra, nhìn kỹ một con người.

Thu đã biến đổi rất nhiều so với Thu trước đây hơn một tháng. Cái cổ Thu cao lên trông thấy, và những ngón tay thì gầy đi, để lồi lên những đốt xương, còn những ngón chân, hai bàn chân, niềm tự hào của Thu, bây giờ trông đến thảm hại. Tôi không dám nhìn nữa.

Thu tự hào vì đôi chân Thu đẹp. Thu biết rõ điều đó là vì chính nó nâng Thu bay lên như đôi cánh. Cho đến bây giờ tôi mới thấy xót thương. Cứ nghĩ lại cuộc sống trước đây một tháng của Thu thì tôi thấy thương người con gái vô ngần. Chân vũ nữ múa ba-lê mà lại mang ra thử thách với đồi núi, với đá tai mèo Trường Sơn. Hà Nội đã đạt kỷ lục trong lối dùng người của họ. Phải nói thêm rằng lối dùng người tàn nhẫn của họ.

Tôi hỏi Thu:- Bây giờ em tính thế nào?

- Anh hỏi thế nào là thế nào?

- Nghĩa là … – Tôi ngập ngừng không muốn nói rõ ý. Tôi muốn hỏi nếu đôi chân của Thu không lành thì Thu tính thế nào? Nhưng câu hỏi đó là cây kim sẽ chích vào bọc nước mắt đầy ứa của đôi mắt Thu cho nên tôi lặng thinh và rẽ sang ý khác.

Tôi hỏi:- Sao em không có chuẩn bị gì hết vậy?

- Anh cũng biết vì sao mà!

- Ờ. Phải! Cái thằng cha bí thư toàn nói láo. Đi Trường Sơn cái gì cũng ..cha Tây. Cứ ăn no phè phè rồi đi như đi dạo. Chặng nào cũng có căng-tin!

Thu thở dài, Thu đưa tay gãi mấy vệt bùn trên bàn chân đau, lại thở dài và lắc đầu. Còn tôi thì cứ căm gan thằng cha bí thư.

Thu ngước lên nhìn tôi và nói:

- Vì cả tin cho nên em đâu có chuẩn bị làm cho cho vô ích. Em còn khuyên bạn em về Hà Nội chỉ nên lượn phố cho bõ những ngày xa cách sắp tới; mình phải đi xa hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, tuy nói là đi giải phóng Miền Nam ắt sẽ có ngày về, nhưng ngày đó là ngày nào ai mà đoán trước cho được. Về Hà Nội thì em mặc áo dài, hết cái này đến cái khác, đi luợn phố cho mệt mới về.

Thu lặng thinh giây lâu rồi mới tiếp:

- Không biết các anh có tình cảm đó không, chứ riêng em thì thật là trẻ con như vậy đó. Nhiều khi em ứa nước mắt, em nghĩ chắc bây giờ mấy cái áo của em chúng nó đang nhớ em lắm. Chậc! bây giờ rủi mà phốc được về Hà Nội thì không dám chường cái mặt ra đâu. Và mặc áo dài đâu có được nữa, nó rộng thùng thình ai mà xem cho?

Thu bị lôi cuốn theo tình cảm của Thu về Hà Nội. Sự thực tôi thấy thương Thu và nhớ Hà Nội. Không biết thương Thu hơn hay nhớ Hà Nội hơn, có lẽ hai tình cảm như nhau, bởi vì trong Thu có Hà Nội mà Hà Nội bao giờ cũng in đậm bóng hình Thu. Tôi còn thương Thu vì càng đi Nam thì Thu càng xa quê, còn tôi thì càng gần. Cuộc đi này có phải chăng chỉ có lợi cho tôi?

Đôi lúc tôi cũng có cái tình cảm lạ kỳ này: tại sao lại bắt Thu phải bỏ nhà trường mà đi trên con đường khổ ải này? Và phải chăng khi ra đi Thu tỏ ra rất tự nguyện, bây giờ đây Thu vẫn còn tự nguyện hành quân và vẫn còn thấy những điều của các vị lãnh tụ nói với Thu là đúng? Nếu thế thì Thu khóc làm chi khi nhìn thấy đôi chân ngọc của mình sưng húp?

Tôi nói với Thu:

- Anh đâu có đồ gì đâu mà mặc đi bát phố như em. Mùa hè thì sơ-mi trắng pôpơlin quần kaki, mùa đông thì cũng thế, thêm một bộ áo bông vĩ đại khoác bên ngoài, nếu có mưa thì trùm một cái áo đi mưa dày mo may bằng hai tấm vải bạt Trung Quốc, đầu trùm một cái kê-pi có tai, thế thôi! Anh ra đi đâu có để lại cho bạn bè cái gì đâu, ngoài đôi giày hả họng và cái áo “tố lãm” của anh?

Thu cười:

- Vậy em tưởng anh có ít nhất vài ba com-lê chứ?

- Làm gì!

- Còn xe đạp anh để lại cho ai?

- Cho anh em trong xưởng Thống Nhất.

- Sao anh lại cho những người công nhân trong xưởng là những người dễ mua xe hơn những người khác?

Tôi phì cười:

- Em ngây thơ quá. Là vì anh chưa mua nổi nghe chưa?

- Anh chưa mua nổi hay là anh chưa có phiếu?

- Chưa mua nổi mà cũng chưa có phiếu em ạ.

- Vậy càng hay, còn em thì thật oái oăm. Lúc mình có tiền thì bình bầu không được phiếu, còn khi có phiếu rồi thì lại hết tiền. Cho nên mãi tới em lên đường chiếc xe đạp vẫn còn năm trong giấc mơ.

Rồi chúng tôi lại đi, càng lúc càng chậm chạp, còn câu chuyện thì cứ nhạt dần.

Hôm qua anh chị em bị một trận mưa suốt dọc đường. Ở rừng núi mà lại đi với giao liên thì làm sao mà nghỉ được, vả lại có nghỉ thì cũng không có chỗ đứng cho nên mưa thì cứ mưa, đoàn cứ phải “can đảm” “anh dũng” xông pha mưa gió vậy. Cho nên bây giờ tôi đã bắt đầu nghe ơn ớn trong nguời rồi. Cơn sốt đến rất nhẹ nhàng dễ biết. Dễ biết hơn nữa vì nó đã đến với tôi nhiều lần và tôi đã cắn răng chằn mắt mà tống cố nó đi một cách hết sức dũng cảm. Nó đi nhưng tôi biết nó sẽ trở lại bởi vì nó biết chắn chắn sẽ có một lần nào đó, tôi sẽ đón lấy nó hoàn toàn. Lần đó là lần này đây.

Hôm qua, đến nơi, sau khi mắc tăng căn võng tôi thay quần áo ngay, và lần đầu tiên trong đời tôi biết kí-nin đắng như thế nào. Rồi tôi nấu cơm ăn xong ngủ cũng rất ngon, sáng dậy trước khi lên đường tôi lại uống thêm hai viên kí-nin loại nặng nữa.

Khi rời Hà Nội tôi định không mang cái túi thuốc của nhà trường cấp cho- cái gói nặng hơn kí-lô và gồm bằng mấy chục thứ thuốc, có cả thuốc trị rắn cắn- vì tôi cho rằng tôi không thể ngã bệnh được với cái quá trình mười hai năm ở Hà Nội, không hề đi bệnh viện của tôi. Chẳng ngờ cái quá trình đó không còn uy lực trên chặng đường này nữa. Với con sốt rét rừng voi cũng ngã.

Miệng tôi bắt đầu thấy đắng, những đốt xương sống như rời ra, tay thấy lười cử động, chân thì cứ lê đi nhưng càng lúc càng chậm, đầu choáng váng và mắt hơi hoa lên.

Nắng loang lổ trên đường đá lởm chởm. Tôi tìm những chỗ nắng mà bước. Nắng chạm vào da tôi, gây nên một phản ứng khó chịu. Tôi cảm thấy gây gây ngần ngật không ấm áp tí nào như mọi khi sau cơn mưa gặp nắng. Lũ vi trùng trong máu tôi, tôi như trông thấy rõ từng chú một như những chú kiến chạy hàng đàn, mỗi chú ngạm một hồng huyết cầu của tôi như mỗi chú kiến tha một hạt gạo. Sự chuyển động của hằng triệu con vật li ti đó làm cho tôi mất thăng bằng, cơn lạnh nổi lên từ trong máu, trong tủy, làm thể nào ánh mặt trời xoá tan đi được?

Các bắp thịt của tôi như bị dãn ra hết không còn sức bật nữa và tôi nghe máu tôi loãng ra như có ai pha nước lã vào đấy. Tôi vung tay gồng mình thoi vào thinh không như bốc-xơ tập võ một mình. Tôi vặn mình sang bên này sang bên kia. Tôi cố vận chuyển tất cả những bắp thịt của tôi để chống lại cuộc tấn công thầm lặng của lũ vi trùng nhưng cuối cùng, tôi đã run lên.

Và cuối cùng tôi phải bảo Thu chờ tôi đi rẽ vào rừng đốn lấy một chiếc gậy. Tôi rút con dao trong lưng ra, một con dao găm, cán gỗ có ngấn, đánh vẹc-ni màu nâu, lưỡi dao dầy như lưỡi búa. Đó là con dao của hợp tác xã xứ xã hội chủ nghĩa rèn, trao cho mỗi con người đi giải phóng Miền Nam, con dao mà chúng tôi đã nguyền rủa ngay từ khi đốn cái cành tre đầu tiên làm đũa. Tôi chọn một cái cây nhỏ, ít nhánh và ngay ngắn trong một bụi của nó. Đó là một thứ cây rất giống cây mật cật của rừng U Minh nhưng thu nhỏ lại còn độ một phần mười. Tôi tưởng nó mềm lắm chỉ độ vài dao là hạ được rồi, chẳng ngờ tôi giạng thẳng cánh tay bổ đến hơn mười lăm phút mà chẳng ăn thua. Đối với một việc nhỏ như vậy còn tính nhầm thay huống gì những chuyện lớn ví dụ như chuyện vượt Trường Sơn này. Tôi nhìn theo con dao, khổ quá cái lưỡi của nó dày ù, tôi đã mài mấy lần, hễ nó càng mỏng, đem đốn cây thì nó lại càng mẽ. Thực tình những người thợ rèn cũng rất đáng thương. Họ đâu có đủ thép pha vào sắt kia. Nhà máy nấu thép ở Thái Nguyên chưa xây xong. Nghe đâu người ta có nấu thử một mẻ tốt lắm đạt yêu cầu quốc tế, không thua thép Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng khổ thay họ chỉ nấu có một mẽ để coi chơi thôi, chớ không nấu nhiều. Thật là bực mình, cũng như tôi rất bực mình khi thấy trong những tủ kính mậu dịch, hàng bán thì ít mà hàng mẫu “miễn hỏi giá và không bán” thì nhiều.

Vâng, thép trong con dao găm này không đủ làm cho con dáo bén đến độ cần thiết cho người đờì, nói đúng chữ nghà nghề là con dao non. Cũng như những kẻ đi trên con đường này khi mới xuất phát thì tưởng mỗi người như một lưỡi gươm linh, chém một nhát là rụng đầu đối phương, nhưng khi đi được ít chặng thì cái lưỡi gươm đó bỗng nhiên trở thành non nhão lạ thường, cũng như con dao găm nầy đốn mãi không ngã đến cái cây lớn hơn ngón tay cái.

Tôi lôi được cái gậy ra đường thì tay chân rụng rời. Thu biết tôi sốt. Tôi mà đi gậy là chuyện không thường. Thu hỏi:

- Anh sốt phải không?

Tôi gục đầu giữa hai đầu gối và không đáp.

Chung quanh tôi, trời đất tối sầm lại. Đốn một cái cây, đó là cái thước đo sức mạnh khỏe của tôi. Tôi quá tự tin cái sức khỏe của mình. Trên đường đi tôi luôn luôn nhắc nhở anh em không nên uống nước suối sống nhưng chính tôi lại làm việc đó một cách vô cùng hồn nhiên. Tôi ngủ ít khi nằm gọn trong màn vì màn mắc trên võng thì tù túng quá, tôi luôn luôn thò đầu ra ngoài. Đó là hai cách rước vi trùng sốt rét vào mình nhanh chóng và nhiều nhất. Vì thế, là người khỏe nhất đoàn, tôi lại là người ngã ngựa sớm nhất của đoàn.

Bây giờ thì tôi không còn cần gì hết. Tôi không muốn cử động, không muốn ai động đến tôi. Nếu tôi ví một cách chính xác thì tôi là một cái bánh tráng nhúng nước treo trước gió. Tôi chỉ muốn nằm quặp xuống đây gối đầu lên một hòn đá, và hoá đá luôn. Tôi muốn lịm đi rồi chết hẳn không biết đau đớn gì càng tốt.

Nhưng tôi là đứa cháu của Bác và Đảng, và con yêu quí của nhân dân Miền Nam, là bạn của Ốt-Trốp-Xơ-Ki nhân vật anh hùng của Thép Đã Trui, thì làm sao có tư tuởng lạc hậu như thế được.

- Đi anh, đi – Thu giục tôi.

Tôi cố ngóc cổ dậy và mở mắt nhìn. Chung quanh tôi như tẩm kí-nin một màu vàng oách. Tôi chống tay lên cái đầu gối đứng đậy với sự giúp sức của Thu. Thu đã mang lấy ba-lô của nàng, không để cho tôi mang giúp nữa. Quả tình là bây giờ tôi yếu hơn Thu, và bây giờ tôi mới biết thế nào là cơn sốt.

Chúng tôi lê chân đi với nhau, chậm chạp như nhau và đau đớn rên siết như nhau.

- Anh sốt lắm phải không?

- Như có lửa trong máu – tôi tiếp – nhưng đối với anh thì sốt dễ chịu hơn rét.

Tôi sợ Thu chần chờ bận bịu với tôi nên tôi bảo:

- Em đi trước đi!

- Em đi với anh chứ.

- Không nên lướng vướng với kẻ ốm. Thu cứ đi đi.

- Cả đoàn không ai ở lại đây hết.

- Được rồi, chừng nào tôi tới thì tôi tới.

Tôi biết Thu là cô gái rất đôn hậu, ăn ở có tình nghĩa, Thu rất khổ tâm vì Thu không giúp được gì tôi trong buổi này.

Hôm Thu ngã trặc chân không đi được thì chính tôi là người đề ra ý kiến đầu tiên khiêng Thu đi. Ý kiến đó được đề ra, trước tiên trong chi bộ bị phản đối dữ dội nhưng tôi đã cương quyết giữ ý kiến của tôi bằng nguyên tắc tổ chức, bằng tình cảm và bằng cử chỉ thực tế. Tôi đã xung phong đi chặt cây đòn đầu tiên và khiêng chặng đầu tiên. Sau đó thì mọi người dù bất mãn cũng phải kê vai vào đòn khiêng.

Thu thấy tôi đứng dậy và liếc nhìn tìm chỗ ngã lưng thì Thu sa sầm mặt lại:

- Anh ở lại một mình thì làm sao?

Tôi cứ lặng lẽ ngồi phệt xuống đất như một tảng đá bị đứt giây rơi xuống đất.

Thu không nở rời tôi. Nàng hỏi:

- Em còn nước đây anh có uống không?

Nước ở trên đường Trường Sơn mà sao không uống. Có bao giờ ai dám mời ai. Đã không mời lại còn giấu và không bao giờ dám nhận mình còn nước dù nước khua lỏng bỏng trong bi-đông đó. Nước là máu đối với người, là thuốc bổ đối với cơ thể, ai đi cho máu và đem thuốc bổ của mình cho người khác bao giờ? Ấy vậy mà Thu cho tôi, cho tôi một cách thật sự, thật tình và tôi thì không dám nhận.

Tôi nói:

- Anh không khát em ạ!

- Sao lại không khát. Anh đang sốt, anh cần nước hơn em.

- Bao giờ khát anh sẽ xin…

Thu mở nút bi-đông và ngồi xuống để kê miệng bi-đông vào miệng tôi. Thu không cởi cái bi-đông ra được vì khi mang đồ đạc, Thu cũng như mọi người đều mang bi-đông vào trước rồi mới quàng ruột tượng và các món khác chồng lên. Đó là một sự cố ý, để khỏi bị mất bi-đông (mất vì rơi rớt, vì bỏ quên hoặc bị ăn cắp) và để mỗi khi nâng bi-đông lên miệng của chính mình cũng khó khăn và vì thế người ta sẽ ít uống nước.

Thu ngồi xuống một cách khó khăn vì chân đau nhưng Thu đành chấp nhận một sự hy sinh con con. Thu ngồi trên một chân và đưa bi-đông vào mồm tôi. Tôi vẫn lắc đầu, tôi thấy cơn khát tan biến đi mất.

- Cám ơn em!

Rồi tôi bảo:

- Thôi em cứ đi trước đi cho kịp đoàn (mặc dù tôi biết không thể nào Thu bắt kịp) còn anh thì ngồi tại đây…- Tôi bi quan đến nỗi muốn nói rằng: nằm lại đây và làm phân bón cho cây Trường Sơn thêm xanh và đỉnh Trường Sơn thêm cao, cho vinh quang của Bác và Đảng cao ngất và chói lòa khắp biển Đông. Nhưng tôi tốp lại cái ý nghĩ đó kịp thời và tôi nói với giọng lạc quan hơn–…anh nằm lại đây đến mai anh sẽ tiếp tục đi, sốt một cơn có nghĩa lý gì!

Thu càng bận bịu tôi càng giục càng gắt gỏng và cuối cùng có lẽ Thu nhận ra rằng tôi nói đúng nên Thu đi.

Trên Trường Sơn này bỏ nhau là chuyện tất nhiên. Người bỏ đi hình như cũng không ân hận gì hết. Còn người bị bỏ lại cũng không – hoặc không nên – lấy đó làm buồn, vì cái luật chung là ai cũng là kẻ bị bỏ rời và ai cũng sẽ bỏ rơi người khác, cho nên cuối cùng rồi không ai ân hận, không ai trách ai.

Vì ở lại làm gì? Thuốc men thì đứa nào cũng có, còn nấu cơm nấu cháo thì dễ dàng thôi, ai mà chẳng tự làm lấy được? Nếu rủi có chết thì cứ nằm đấy vài hôm rồi cũng rã tan.

Tôi nhìn Thu chống gậy lê bước trên con đường nhấp nhô những hòn đá. Tôi nghĩ đến một màn múa tuyệt đẹp trên sân khấu nhà hát lớn thành phố Hà Nội, cũng đôi chân ấy, nhưng giờ đây nhiều khi qua suối, tôi được nhìn rõ hơn – đôi chân đẹp nhất Hà Nội.

Rồi Thu khuất hẳn trong mắt tôi. Tôi gục đầu xuống trên hai đầu gối, môi thấy khô khan. Tôi đã không uống ngụm nước của Thu mời – tôi cũng không hiểu tại sao – trong lúc tôi đang khát cháy cả ruột gan, có lẽ vì tự ái và tự trọng.

Tôi định gục đầu ngồi như thế cho đến bao giời thì đến, nhưng tôi ngồi chưa yên thì tôi đã ngạc nhiên: cái mặt phẳng mà tôi ngồi tự nãy giờ, ô hay không phải bằng đá núi mà là bằng sắt. Nhưng tại sao lại có một tảng sắt to thế nằm giữa chỗ này? Câu hỏi đó làm cho tôi tỉnh dậy và bắt đầu tìm hiểu. Sự tìm hiểu đó kéo dài không quá cái tích tắc thì tôi đã nhận ra đó là cái đế súng cối. Nó bằng sắt thép thật. Đáng lẽ nó phải được nâng niu lau chùi và luôn luôn ở những nơi thích đáng nhưng vì nó bị vứt ở đây cho nên nó mới ra nông nỗi ấy. Nó mất hết chức năng, mất hết giá trị. Ai đi qua cũng dẫm lên, ai muốn ghé đít ngồi thì cứ ghé. Mấy ai còn nhìn ra nó như tôi. Mà dù có nhìn ra nó đi nữa thì phỏng tôi đã làm được việc gì đối với nó? Nó đã rỉ sét. Màu sét làm cho nó tiệp với màu đất nâu. Tôi bỗng thấy tỉnh người và tôi chua xót nghĩ đến số phận của tôi một cách duy tâm, rằng sự “gặp gỡ” giữa tôi và cái đế cối này là một điềm gở cho tôi. Tôi vốn là một con người hay suy nghĩ thì làm sao tôi không suy nghĩ cho được khi tôi ngồi ở đây mà sốt.

Anh binh sĩ nào đã vứt cái đế cối xuống đây? Cái đế súng cối này đã từ trên vai một binh sĩ nào tuột xuống đây? Nó không muốn rơi xuống đây nhưng vì người ta vứt nó xuống nên nó phải nằm ở đây, nhưng binh sĩ đó tên gì? Ở đâu? Anh ta đã vác cái khối sắt này từ bao lâu và anh ta đã nghĩ gì khi trút cái quả núi con này xuống đây?

Trời ơi! Tôi không hiểu được cái sức lực nào đã chuyển nỗi cái đế cối 82 ly qua những dãy núi trùng điệp này. Trong khi tôi chỉ mang có một cái ba-lô đựng toàn của riêng tôi, nghĩa là những đồ ăn, đồ ngủ mà chỉ tôi xài, không ai có quyền động tới. Trong khi mà tôi tìm từng những mẫu giấy trong cái vỏ lưỡi lam, và tất cả những đồ vật có sức nặng bằng cái nút áo trở đi để giảm chính. Trong khi mà tôi chỉ mang giúp cho anh bạn chí thân của tôi một cái áo mỏng nặng không đến 300 gờ-ram và chỉ trên một quảng đường ngắn thì anh chiến sĩ này đã vác, ngoài cái ba-lô của anh ra, cả cái đế cối này, một cái món đồ vật của anh nhưng không phải là của anh, không phải trên một quảng đường mà là suốt cả con đường.

Đừng ai chê trách anh, đừng ai buộc tội anh. Tôi xin làm biện hộ sư cho anh tới cùng. Anh chiến sĩ ấy là con người, anh ta phải biết suy nghĩ, phải có lương tri, vì thế anh ta đã vứt cái gánh nặng đó đi. Anh vứt nó đi là phải. Bất cứ anh bộ độ con cháu Cụ Hồ nào trên đường Trường Sơn này vứt súng đi cũng đều không đáng chê trách. Người ở ngoài cuộc không thể hiểu được con người đã lao lực như thế nào. Tôi chua xót nghĩ đến cái vai gầy không còn thịt đã bị cái đế cối kia cạp cho tận xương, tới cái xương sống nhu lưng đê sông Hồng uốn lượn nao núng vào mùa nước đổ, tới hai hàng xương sườn nỗi vòng lên và suýt bật tung ra mỗi lần chiếc đế cối kia, vì một cử động nhanh hoặc bất thường, đè nặng xuống vai anh ta hơn, tới hai cái chân cũng bị những mảnh đá tai mèo róc hết thịt để lộ ra những chiếc xương cong dưới sức nặng cũng của chiếc đế sắt và mỗi bước đi, những cái khớp xương cứ khua lụp cụp như những ổ đạn của những chiếc xe lâu ngày không vô mỡ bò, tới những ngón chân như những cây gậy toè đầu đã để lại máu trên những phiến đá. Tôi nghĩ đến những bộ phận của con người bình thường nhất từ cái tóc, từ cái tai cho đến cái răng, cái mũi của anh chiến sĩ, quả tình đáng thương hại. Anh ta là một người không còn giống người nào trên trái đất kể cả tôi, là đồng bào, đồng hành, đồng chí của anh. Tôi vụt đứng dậy vì không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng cái đế cối này là một nấm mộ dưới đó là một bộ xương đang rã ra và vong hồn còn treo lơ lửng đâu đó trên những cành cây trên đầu tôi.

Anh chiến sĩ đã không trút khỏi cái khối nặng của Bác và Đảng đặt trên lưng anh vì anh đi giải phóng Miền Nam với cái đế cối kia mà. Anh đã vấp ngã, tôi nghĩ vậy. Mà khi cái đế cối kia sau khi đã nằm chễm chệ trên lưng anh mấy tháng trời, nó nhân dịp đó mà trả ơn cho anh bằng cách là đè anh bẹp dí như một chiếc rập nhẹp đề một con chuột. Và trung thành với chủ nó cho đến giờ phút cuối cùng, cái khối sắt ấy đã lấy thân ra làm nấm mộ che đậy sương gió cho anh.

Tôi chua chát nghĩ đến nhân vật anh hùng của truyện dài Paven Coóc-sa-ghin trong “Thép Đã Trui”. Vâng, thép trong xứ Việt Nam cũng đã trui như thế đấy và con người được gắn thêm cái danh hiệu vinh quang “đi giải phóng Miền Nam” cũng đã được trui như thế ấy.

Tiếp theo chương 2 

No comments:

Post a Comment