Chương 7
Cũng trên đường này một hôm tôi ngồi nghỉ bên bờ suối, tôi móc túi ra lấy tấm ảnh của cha tôi ra đưa cho anh em xem. Một anh bạn nói ngay với tôi;
- Anh giống in bố anh.
- Cả bên nội bên ngoại tôi đều bảo thế. Tôi đáp.
Nhưng anh bạn tôi lắc đầu:
- Anh giống bố anh, chuyện đó đã đành, nhưng tôi muốn nói là anh đã bằng tuổi bố anh trong ảnh này.
Tôi mới sực nhớ ra rằng mình đâu còn trẻ trung gì. Vậy mà cứ nghĩ rằng mình còn ngây thơ khờ dại. Đúng như lời anh bạn nói, hồi cha tôi bằng tuổi tôi bây giờ thì tôi đã mười sáu tuổi, tôi đã học gần hết ban trung học Pháp rồi.
Còn tôi bây giờ mình trần thân trụi, đi theo cách mạng hai mươi năm vẫn cái ba lô trên lưng với cái “chí lớn ngang trời” đựng trong cái ba lô, nói thì cụ thể vậy mà mò mãi không đụng , tìm mãi không ra và đốt đuốc tìm cũng không thấy.
Trên đời này có cái gì mà người ta phải mất bằng ấy tuổi tác tháng năm để dốc sức đi tìm mà không thấy không. Bemard Palissy thiêu đốt hết gỗ ván trong nhà nhưng đã tìm ra chất sơn. Cái chất sơn đó bù lại sự khổ tư khổ tưởng của ông ta.
Gutenberg tìm ra được máy in, Newton tìm ra luật hút của trái đất Và tất cả những nhà khoa học vật lý, triết lý, không có ai phải mất nhiều công sức và thời gian như thế để tìm mà không thấy le lói một tí ánh sáng nào.
Còn nhũng người đi trên đường này, không phải quãng đường Trường Sơn mà là cả con đường này từ 1945 đến 1965 hai mươi năm chẳn, thấy cái gì ở cuối đường ?
Phải chăng:
- Vách đá không nấc thang.
- Suối sâu không cầu.
- Sông rộng không đò toàn những trở ngại không có phương tiện để vượt và:
- Gạo không có, thuốc cũng không, sốt rét triền miên.
- Muối không đủ ăn, súng nặng như núi.
- Quai dép đứt hết, áo quần rách ra và ở trên đầu thì luôn luôn dội xuống, nào:
- Quyết tâm chiến thắng.
- Nghị quyết nọ, nghị quyết kia.
- Lời kêu gọi của ông này ông nọ, anh Ba, anh Tư. Tôi lượt kê ra đây những ” món ” mà tôi tổng kết trên con đường vinh quang này,dành riêng cho mỗi chiến sĩ, đó là chưa kể những thứ bệnh tật và thiếu thốn kỳ cục khác xảy ra bất kỳ.
Đó, một con người đi trên con đường này gánh trên vai đội trên đầu mang trong lòng bằng bao nhiêu thứ đó, thì đi “giải phóng ” miền Nam bằng cái gì ? Và bao giờ thì giải phóng xong ?
Cho nên tôi nhiều đêm nằm giữa sự lặng im ghê rợn của núi rừng nghĩ đến cái ngày mai của mình, mà ớn lạnh. Nó là:
- Sốt rét.
- Dốc đèo !
Không có gì khác hơn. Nếu có cái gì khác hơn thứ đó là cơn sốt rét nặng hơn, dốc đèo cao hơn. Thế thôi.
Và kiểm điểm lại cái quyết tâm còn sót lại của mình:
- Về để gặp lại gia đình. Đó là ý nghĩ cao siêu nhất sau hai mươi năm trời đi làm cách mạng của tôi.
Đi tìm cái gì cho xa xôi, khi cái mà mình đi tìm thì mình đã có ngay ở bên cạnh mình.
Chủ nghĩa Cộng Sản tối kỵ với chủ nghĩa cá nhân. Cho nên chủ nghĩa Cộng Sản không bao giờ thực hiện được. Bởi chừng nào còn con người thì còn chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân chỉ có thể bị diệt vong khi trên mặt đất này chỉ còn có một con người mà thôi. Cho nên không thể có chủ nghĩa Cộng Sản khi còn loài người.
Con người ! Đó là một sản phẩm vừa xấu vừa tốt và Bất Diệt. Còn lại trong tôi cái gì riêng tư, cá thể, sau hai mươi năm đi tìm cái thế giới Đại Đồng.
Và quanh tôi là gia đình của tôi, cha mẹ anh em tôi. Làm người ai cũng muốn vươn lên sống có lý tưởng, nhưng lý tưởng không phải là không tưởng. ”
Lý tưởng nào rồi không dẫn tới việc ăn ngon mặc đẹp ? Vậy thì người đã có sẵn những điều đó rồi, còn đi tìm cái gì ? Tôi cảm thấy chủ nghĩa Cộng Sản không hợp với cá nhân tôi từ khi tôi biết rõ bộ mặt thật của đảng, sau một thời gian ngần đi kháng chiến, hay nói cho cẩn thận hơn là vài năm, qua tác phong và đạo đức của một số lãnh tụ.
Tôi vốn sinh trưởng trong gia đình không thuộc thành phần “lý tưởng” và tôi lớn lên cũng không cùng với giai cấp “lý tưởng. ”
Vô đảng là một sai lầm của tuổi trẻ, một sự sai lầm to nhất và nó đáng giá bằng sự mất mát cả tuổi thanh xuân , một sai lầm không thế sửa chữa được.
Nhiều kẻ đã chạy theo một thời trang, một tiện nghi, một kiểu cách (mode) chớ không phải đi theo lý tưởng nhiệt tình. Vì ai cũng thừa biết rằng có đảng thì mới mong lên chức được mà chức tước, ở chế độ nào cũng vậy, nó đi đôi với nồi gạo túi tiền.
Vậy xin hỏi câu hỏi có vẻ thô lỗ, thử xem sao: “Anh vô đảng vì đảng hay vì tiền ? ” trong đảng có bao nhiêu đảng viên vì đảng, có bao nhiêu người vì tiền mà luôn luôn bô bô cái mồm vì đảng !
Tôi còn nhận thấy ở một cơ quan văn hóa nọ, khi kết nạp đảng viên mới thì toàn những bồi bếp, gác cổng được chú ý còn trí thức mài mòn hết cả trí óc vì phục vụ chánh sách đường lối của đảng thì lại bị cho lùi ra xa, vì thành phần của họ không “cơ bản”.
Tôi tin chắc có rất nhiều người không thấy vinh quang gì khi được mang cái danh hiệu chiến sĩ tiền phong của giai cấp vô sản Nhất là học sinh.
Họ vô đảng không phải vì tiền, cũng không phải vì đảng và cũng phải chạy theo cái “mốt” nào cả, vì lúc bấy giờ họ chưa biết vô đảng là một cái “mốt”. Vậy xin hãy nói thằng ra rằng đa số người vô đảng là vì không hiểu đảng là cái gì hết’
Sau khi kháng chiến được năm năm (1951) tôi đã bỏ cơ quan đi về Sàigòn nhưng rủi thay trên đường đi tôi lại gặp anh bạn thân mà sẽ có dịp tôi nhắc tới sau này cản tôi lại.
Không phải vì lập trường mà vì tình cảm bạn bè với nhau, tôi đã nghe theo anh bạn này cũng không phải vì lập trường mà vì tình bạn. Vì không đi được cho nên năm 1954 tôi phải đi tập kết.
Và cũng nhờ trời đất phù hộ cho nên sau mươi hai năm ly biệt quê hương tôi đã về Nam ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Tôi vẫn viết. Tôi viết hơn hai ngàn trang truyện và tiểu thuyết, chẳng đảng nào ngó ngàng tới cả, trong vòng ba năm.
Tôi thấy không sao, không mất mát gì, nghĩa là vẫn vui vẻ, không khổ tâm vì không được đảng chú ý, chỉ khổ tâm vì không có tiền mua gạo. Tôi mới rút ra kết luận: nếu không là đảng viên, người ta vẫn cầm bút không hại gì cả mà lại càng được tự do hơn.
Nhưng thôi, tôi không kể lể dài dòng. Lìa bỏ chế độ Cộng Sản để đi sống bất cứ chế độ nào khác, tôi cũng không mảy may tiếc rẻ. Đó là một sự may mắn cho cả tôi lẫn đảng.
Trên cái con đường mà tôi đi – mà người ta nói là đi lên chủ nghĩa xã hội – thiên đường của thế gian, tôi chỉ là một kẻ bộ hành bất đắc chí.
Cứ mỗi bước đi, tôi lại suy nghĩ, lại dằn vật, tiếc rẻ, ân hận. Tôi càng leo lên cái dốc núi đứng sững này thì tôi càng cảm thấy tôi đi xuống, hay tôi chỉ leo lên thật cao để rồi lao đầu xuống vực thẳm.
Thu càng leo càng ục ịch, chậm chạp, càng thở ra, càng chắt lưỡi. Tôi biết rõ Thu muốn dừng lại từ bên kia bờ con sông vô danh chi đó. Sang sông vào một buổi hoàng hôn hỗn mang không tả xiết và khi vừa lên bờ là phải cắm đầu chạy khoảng bốn cây số để vượt cái vòng đai trắng chất độc, cho nên Thu lại cũng không thể nằm lại mà phải cuốn võng theo tôi.
Chứ nếu Thu nằm lại (để làm “bê quay”) thì anh trạm trưởng sẵn sàng chứa chấp cô nàng vì anh ta nom chừng đã có ý định với cô nữ văn công rồi!
Cho nên càng đi vào thì Thu càng khổ tâm vì khó lòng làm bê quay được nữa. Trên mặt đất thì Thu đã vượt cái lằn mức phân ranh Nam Bắc như tôi vẫn nói, nhưng một cái Bến Hải thứ hai, còn trong tâm tư thì con sông đó vẫn cứ ở trước mặt Thu, mà Thu tưởng không bao giờ vượt nổi. Bỗng Thu ngừng lại và ngó xuống:
- Dốc gì dốc thế này anh!
- Thi dốc núi chứ còn dốc gì ? Tôi phát cáu, trả lời cộc lốc. Đi cố lên kẻo ở đằng sau người ta quát cho.
- Ai giỏi thì lên trước, chứ em không đi mau được.
Tôi lặng thinh.
Thu tiếp:
- Em muốn làm cái đèn đỏ sau lái xe và cuối cùng tắt luôn chứ em đâu có muốn làm cái đèn pha phía trước.
Tôi không nói nữa. Vì leo dốc mà càng nói thì càng mất sức huống chi lại những chuyện không bồi dưỡng gì cho tinh thần. Tôi nhìn hai ống chân của Thu.
Mồ hôi tuôn xuống ròng ròng đọng trong lòng dép đẫm ướp cả bàn chân như Thu vừa mới lội dưới nước lên. Ở phía sau, phía dưới tôi là một lũ rùa, đúng là rùa leo núi.
Ông Chín với đám lá ngụy trang bảo thủ sum suê như một cái bụi cây lào xào rung động, ông già Noël với hai chiếc gậy nhưng trên cái dốc này thì cặp gậy hầu như vô ích không dùng vào đâu được, nên ông ta phải dùng cả hai tay để bám vào rễ cây, để bò như hai chân. .
Các bạn độc giả thử nghĩ đùm cho tôi xem những người lính phải khiêng cái nòng pháo đi trên con đường này thì họ phải đứng làm sao? Khi mà cái gót người đi trước bao giờ cũng suýt chạm vào mũi người đi sau đi sau, hay người đi sau luôn luôn bị đe dọa bằng cái tai nạn là người đi trước nếu sút tay sẽ nện nguyên cặp mông lên mặt mình.
Anh giao liên Tấn đứng trên một cái rễ cây ngất ngưỡng ở phía chót vót trên đầu tôi. Anh ta đứng dạng háng ra, tay chống nạnh tay ngoắc lia:
- Nhanh lên ! Nhanh lên !
Thu cố bường lên và đưa tay cho anh ta. Anh ta xoạc hai chân ra thật rộng, rồi một tay bám chắc vào một cái rễ ở phía sau lưng, một tay thòng xuống cho Thu.
Thu đưa hai tay lên bám chặt vào đó. Anh giao liên cố rút cái khối vừa bằng thịt xương vừa bằng vải vóc sắt nhôm đó lên, như kéo cả một quả núi.
- Hè ! Anh giao liên hô lên.
- Hè ! Thu cũng đáp lại để hợp đồng hai cái lực kéo và bật . Cả hai cùng đem hết sức kéo và đu người lên. Tấn đã thành công trong việc lôi tuột Thu lên. Thu nằm soài ra trên đất.
Tôi cũng đến nơi. Tôi ngắm nghía mãi không thấy có cách nào khác giúp mình leo lên bằng cái cánh tay của. Tấn. Nhưng Tấn đã lắc đầu. Tấn nói:
- Không được đâu anh. Anh nặng lắm ? Tôi lôi anh lên không nổi đâu mà tôi sẽ cắm đầu xuống hố.
Tấn đi đi lại lại mãi mà không có cách nào giúp tôi. Còn tôi thì cảm thấy mình không thể trèo nổi một bước nữa để vượt lên trên cái mặt phẳng ở ngay trước mũi đó.
Bỗng Tấn đứng sát mép đá và nói:
- Anh bám lấy cổ chân tôi đây này ? Được không ?
Tôi giơ tay lên bám thử vào và nói:
- Tôi sợ cậu chịu không nổi. Cái chân sẽ như cái cây trốc gốc.
- Thế thì chịu.
- Để tôi coi ? Năm Cà Dom ở phía sau bò trườn lên trước mặt tôi và đưa hai tay bám vào mép đá cất bổng mình lên một cách nhẹ nhàng. Đứng lên ngay, Năm Cà Dom quay lại bảo:
- Nắm tay tôi đây !
- Chắc không ?
Vút cái là Năm đã lôi bật tôi lên. Và vút vút! Năm lôi lên một hơi mấy người nữa, trong đó có cả ông Chín và ông già Noël. Hai người này ngồi phệt dưới đất gục đầu vào hai đầu gối mà thở.
Trông ông Chín tôi càng thương hại. Mà nhìn ông già Noël tôi càng thương hại hơn. Hai người này rồi sẽ đi làm sao?
Đầu gối ông Chín thì đã sưng lên, còn cặp giò của ông già Noël thì chỉ còn lại như hai cái cọc màn, không hơn không kém.
Đá tai mèo đã róc hết thịt xương trên cặp chân tươi trẻ này, đã biến chúng thành cặp chân hương (nhang) tưởng như không còn chống đỡ nỗi cái thân cò lép của anh ta.
Tấn nói:
- Bây giờ nghỉ xả hoi một chốc đi. Chờ phía sau đi tới.
Người nào người ấy rũ ra, không còn ai muốn nói chuyện gì, chỉ có bác sĩ Năm Cà Dom là tươi tỉnh hồn nhiên.
Năm Cà Dom nói:
- Bây giờ mà có một ly nước chanh he!
Không ai nói gì.
Năm Cà Dom không cần thiết sự hưởng ứng của những người nghe. Năm Cà Dom cứ thản nhiên nói tiếp:
- Leo cái dốc này bằng đá một trận banh ở làng, trên một cái sân đầy lỗ chân trâu. Đá thì rất ẩu, còn cái sân thì lúc nào cũng sẵn sàng bẻ lọi cặp giò mình bằng những lỗ chân trâu đó.
Năm Cà Dom cười hề hề:
- Nhưng có một điều rất khoái chí là hễ đờ-mi-tăng là có nước chanh uống. Một thùng nước chanh vĩ đại được khiêng ra tận sân cỏ cho cầu thủ. Cầu thủ uống đã đành, mà những tay ba xạo cũng nhảy vô ăn ké làm một vài ly dễ dàng.
Bây giờ mình không ước mong cái thùng nước chanh đó mà mình chỉ mong sao được một cái mẩu vỏ chanh thả lêu bêu trong thùng nước. Mình vớt ra bỏ vô miệng ngậm thì đỡ mệt xiết bao phải không các bác?
Nghe cái hơi nước chanh của Năm Cà Dom mang đến tận miệng, mọi người như tỉnh ra dần. Năm Cà Dom nói tiếp:
- Có những trận đá banh cầu thủ được đãi dừa nạo! Trời đất ơi! Bây giờ bất ngờ tôi mới nhớ tới trái dừa của xứ Nam Kỳ, trái dừa không ở đâu trên đất nước mình có được. Nó bổ thấu mây xanh đi! Các bạn nghĩ đang mệt mà uống một quả dừa xiêm có vắt tí chanh thì đã vô cùng!
Nước dừa xiêm hồi thời kháng chiến chống Pháp, chính tôi đã từng dùng thay cho xê-rum, tiêm vô mạch máu kia mà! Nhưng nên nhớ trái dừa bẻ ra khỏi buồng dừa không nên quăng nó xuống đất vì có thể cơm dừa vỡ ra pha lẫn trong nước tiêm vô máu không tốt, mà phải cắn cái cuống của nó đem xuống đất. Nước dừa thật là tinh khiết, tiêm vào có thể bồi bổ cơ thể ngay.
Tôi thầm nghĩ:
- Thằng cha bác sĩ này thiết thực và tâm lý vô cùng. Nó ném ra câu chuyện nào cũng đúng lúc, đúng tình cảm con người… mỗi câu chuyện như điểm một cái vô yếu huyệt tình cả.
Trái dừa Nam Bộ được nhắc đến ở đỉnh dốc Trường Sơn này và trong cơn khát cháy cổ họng phải chăng đã làm dịu đi cơn khát?
- Thôi nhé! Uống dừa xong, bây giờ tiếp tục đi! – Tấn bảo.
- Đi thì đi, sợ gì? – Năm Cà Dom nói.
- Nhưng kìa anh Tấn, anh lính gãy chân đâu rồi?
Mọi người mới sửng sốt, quay lại nhìn không thấy đoàn cáng anh lính gãy chân đâu nữa. Cả anh Khẩu đội trưởng cũng không thấy ở đây.
Tấn nói:
- Thì hồi nãy thấy họ cũng theo sau mình mà!
- Họ đi nhưng vất vả lắm.
- Anh có nhớ lúc nào không thấy họ theo mình nữa không?
Tôi đứng sựng ra một chốc rồi nói:
- Tôi nhớ là… hình như là…
Năm Cà Dom cướp lời tôi:
- Hình là hình như gì. Lúc mà chuyển qua cái rễ cây lủng lẳng ở trên vách núi đó, nhớ chưa? Nhớ rõ chưa? Đến cái chỗ đó thì đường tắt không còn lối đi nữa, mà muốn đi tiếp phải níu cái rễ đó. Trời đất ơi! Đường đi gì bất nhơn sát đức vậy? Phải níu vào cái rễ tòng teng đó, không biết nó có đủ sức treo mình không. Mà thấy người trước đánh đu sang được thì mình cũng cứ làm theo.
Cha chả! Có hai sự nguy hiểm. Một là mình sút tay. Hai là cái rễ đó đứt đi. Rơi xuống hố thì có ngớu xương, không lượm được một miếng thịt.
Như vậy thì làm sao mà cái đám cáng đưa anh lính gãy chân qua chỗ đó được? Hoạ may có cánh?
Tấn đứng lặng thinh ra vẻ suy nghĩ. Có lẽ trong lúc đi vừa nhọc vừa cố gắng leo trèo cho nên anh ta đã quên khuất đi những người xấu số đó.
- Bây giờ các anh ngồi đây chờ tôi nhé. Tôi trở lại tìm xem. Khổ hết sức.
Năm Cà Dom nói:
- Cậu biết trước con đường này hiểm trở như vậy sao còn để cho họ đi.
- Không đi thì nằm lại đó à?
- Chớ sao!
- Nằm lại đó, ai chịu trách nhiệm?
- Vậy chớ họ nằm cả đêm qua ở ven suối thì ai chịu trách nhiệm. Chẳng có ai chịu trách nhiệm về họ cả. Chẳng phải cậu, mà cũng chẳng phải tôi.
Tấn lặng thinh. Tấn đưa tay lên cào đầu lia lịa bằng năm ngón tay xoè ra như cái bừa cào, như để xua đi mọi sự rối rắm trong đầu.
- Tôi muốn bỏ phứt mẹ nó đi cho rồi.
- Cái đó tùy cậu.
- Tôi đi chuyến này về là xin nghỉ luôn.
- Cái đó cũng tùy cậu nốt.
Nói xong, Năm Cà Dom tìm chỗ mắc võng rồi ngả lưng ngon lành.
Bao giờ nghỉ xả hơi, tôi cũng để ý xem cái chân đau của Thu, nhưng ít khi tôi dám nhắc tới cái vết thương đó. Nó vừa là vết thương vừa là vết thương lòng.
Động tới nó, Thu vừa đau lại vừa đau trong tim
No comments:
Post a Comment