Friday, November 30, 2012

Đường Đi Không Đến 35 - END


Chương 35

Năm Cà Dom bơi trở về, vừa ho vừa khạc. Năm vuốt mặt và kêu lên:

- Nguy quá! Gãy hết một cái xương bắp chân. Chịp! Nằm lại đây thôi. Đi đâu nữa mà đi?

Tiếng anh binh sĩ gãy chân rên rẫm lúc to lúc nhỏ, như một tiếng kêu của một oan hồn. Anh ta kêu bố kêu mẹ, rồi kêu làng nước, anh ta kể lể chuyện khiêng nòng pháo nặng như thế nào, nó đè anh ta suýt gãy xương sườn mà cấp chỉ huy không cho nghĩ và lần này thì gãy chân.

Năm Cà Dom gọi tôi:

- Ông bạn văn sĩ này!

- Có tôi đây.

- Ông bạn đi trên còn đường này thấy rất nhiều điều phải không?

- Tất nhiên!

- Ông bạn kể tôi nghe một điều xem.

- Chính bản thân ông bác sĩ Năm Cà Dom là một điều rất hay ho.

Năm Cà Dom phá lên cười và đập vào võng nghe phành phạch:

- Đúng! Đúng chính là cái việc tôi về tới đây được là cả một sự đời. Này ông bạn à! nhiều khi mình chửi bới tục tằn mình thấy cũng ngượng, nhưng mình không thể dùng văn hoá mà phải xài “giấy năm trăm” mới thoả mãn!

Tôi hỏi lại:

- Còn anh, anh phải kể cho tôi nghe một điều chớ?

Năm Cà Dom cười hắc hắc và nói ngay:

- Chánh phủ sẽ có nguồn lợi to sau khi hết xài con đường này. Anh biết không? Mỗi bộ xương bán cho Viện Giải Phẩu 650 đồng chẵn chòi. Mà trên đường này thì riêng tôi, tôi cũng đã thấy đến ba bộ… và chung quanh đây, như anh nói, cũng có ít nhất ba bộ…

- Tôi cũng có gặp một bộ. Và đặc biệt có một bộ xương Mỹ. Xương Mỹ chắc bán giá khá hơn.

- Sao anh biết là xương Mỹ?

- Vì nó còn sống nhưng chắc chắn nó sẽ rủ xương trong cái củi giam nó.

Năm Cả Dom nói:

- Tôi không cần thấy như anh tôi cũng biết. Đặc điểm của xương Mỹ là to và dài như xương trâu xương bò.

- Anh so sánh tàn nhẫn thế!

Năm Cà Dom cười:

- Tựu trung con người cũng chỉ là một con vật đi hai chân thôi, nhất là trên con đường này!

Đêm sâu hun hút. Tiếng nước đổ từ trên nguồn ầm ì nghe xa lơ xa lắc như một kỷ niệm vùi lấp trong sương mù. Tiếng nước đổ như dội vào tâm tư tôi, như gội sạch cho tôi những bụi bặm ưu phiền của một chặng đường, của suốt một con đường qua.

Cái tấm mộ bia của anh chàng “bệnh tư tưởng”, hai bàn chân lòi ra dưới mô đất, cái bộ xương trong hốc đá, và đây nữa cái giá súng tổ tam tam với ba khẩu AK, mỗi một cái hình tượng đó là một cây số dựng lên trên đường tôi đang đi, và đứng sừng sững trong đầu tôi.

Bên cạnh tôi, Thu nằm im. Anh bác sĩ vui tính thì cứ trở mình, võng cứ khua sột soạt. Còn tôi như một tín đồ bất đắc chí đang mượn cái cảnh mưa gào thác đổ mà sám hối lại bản thân mình.

Tôi tự thú nhận với tôi rằng tôi đã nản chí, tôi không còn muốn phấn đấu nữa. Tôi muốn làm một chiếc lá trên dòng suối cuồng dâng này. Tôi nhớ lại lời của Lâm một chiều mưa. Câu nói ấy thỉnh thoảng lại vang lên trong tâm trí tôi. Bây giờ, cùng với cái tình huống nguy ngập này, nó lại trở lại với tôi như một người bạn, như một kẻ thù, như một sự ve vuốt, như một lời hăm doạ.- “Lần đầu tiên tao cảm thấy tao đi không đến nơi”.

Đối với tôi hôm nay, đây không phải là lần đầu tiên tôi cảm thấy điều đó. Mà điều đó là cái điều tôi cảm thấy thường xuyên mỗi khi tôi ăn cơm, mỗi khi tôi lên cơn sốt. Nhưng tôi cũng tự bảo tôi: có chết hãy chết ở nơi gần Sàigòn nhất. Với cái phương hướng đó, tôi cố lê thân xác tôi nhích tới từng trạm một.

Nhưng đến đây, bên bờ con suối đầy dẫy những đau thương vô lý, tôi lại cảm thấy tôi góp vào đó một sự đau thương và vô lý bằng cả cái con người tôi.

Các bạn người Nam ơi, ai đã từng sống trên đất Bắc những năm dằng dặc mưa phùn gió bấc ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời thấy bóng núi mịt mù trong mưa mà không nhớ quê hương ruột đứt ra từng đoạn. Ai sống trên đất Bắc mà chẳng mong ngày về Nam dù biết mình không về đến nhưng cũng cứ đi về. Như ông Chín, như ông già Noël kia, như biết bao nhiêu người nữa. Cứ đi, dù có chết, cũng chết trên đường về.

Bây giờ thì tôi biết rằng tôi khó lòng mà về được quê nhà trên mặt đất, vậy thì tôi hãy cho phép tôi gửi tâm hồn tôi vượt qua cảnh tượng hãi hùng này mà về thăm quê hương trong tơ tưởng, trong ký ức của tôi.

Bất giác tôi đưa tay vuốt nước trên trán như muốn lau sạch bụi bặm trên tấm gương kỷ niệm để cho tôi nhìn lại những hình ảnh xa xưa và thân yêu nhất, như những hình ảnh sau cùng.

Mái nhà, bờ ruộng với những hàng trâm bầu râm mát trưa hè. Và đây rồi,cái kỷ niệm sâu sắc nhất của cậu học sinh trường làng. Trên con đường đá xanh đầy ổ gà từ làng lên quận, một chú ngựa còm kéo chiếc xe ọc ạch với lão già đầu bạc cầm con roi nẹt đen đét trong không khí.

Không hiểu sao mỗi lần tôi nhớ tới quê tôi thì tôi lại bắt gặp cái hình ảnh ấy. Chiếc xe ngựa quá thân thuộc với tuổi thơ của tôi. Từ lúc chú ngựa hãy còn tơ sung sức, đã từng oanh liệt đuổi theo xe hơi cho đến ngày chú ngựa gầy yếu đi, cam chịu cho chúng bạn lướt qua mặt mình, tôi vẫn đi chiếc xe ấy.

Rồi cho đến khi chú ngựa kiệt sức, lão già đem treo một mớ cỏ non trên đầu cần câu buộc dọc theo gọng xe để khuyến khích chú ngựa chạy nhanh lên, tôi cũng không đi chiếc xe nào khác.

Một hôm tôi nói với lão già:

- Sao bác chơi chi ác vậy?

Lão già chỉ cười, cái cười thoả mãn của một người thi hành một quỷ chước thành công.

Vì là khách quen cho nên một hôm tôi được chứng kiến một cảnh não nùng. Hôm đó chiếc xe sắp về tới chợ. Cái dốc cầu quá cao. Lần nào về đến đây lão già cũng hò hét nẹt roi vang trong không khí. Lần này cũng thế. Chú ngựa bỏ vó rầm rập xuống mặt đường đá xanh, toé lửa, cố lôi chiếc xe lên đến nửa dốc. Bỗng nó bỏ vó lơi hẳn đi. Mớ cỏ non đang nhảy múa tung tăng trước mặt nó bỗng lắc lư như quả lắc đồng hồ.

Lão già vừa nẹt roi, vừa quát, nhưng chiếc xe sựng lại rồi tuột dốc.

Lão già vội nhảy xuống đất, cắn chiếc roi vào mồm và hai tay bắt bánh xe lăn tiếp với con vật.

Nhưng chiếc xe quá nặng và đằng sau chiếc xe còn có cả hằng chục năm lao lực, cho nên lão già dù có tài cán mưu kế đến đâu cũng không đẩy nổi chiếc xe và con ngựa già kiệt sức của lão lên dốc.

Chiếc xe tụt dần và bỗng đánh rầm một cái, chiếc xe lật ngang qua. Lão già chạy vụt tới nắm lấy cái hàm thiếc của chú ngựa lôi nó đứng dậy, nhưng chú ngựa đã ngã xuống, bốn vó bơi lia, cùng với hai bánh xe quay tít trong không khí.

Lão già vội vã rứt lấy mớ có non đã héo ở ngọn cần câu nhét vào mồm con vật đã sùi bọt lên trắng xoá, và thân mật bảo:

- Ăn đi,ăn đi con, là khoẻ ngay!

Con vật như nghe thấy lời nói ân nghĩa đó của lão chủ, nó cố há mồm mà nhận lấy cái phần thưởng độc nhất của đời nó trước khi nó trợn đôi mắt lên mà nhìn lão chủ… lần cuối cùng.

Con ngựa khổ đã chết lâu rồi. Và lão già cũng đã qua đời vì bệnh hoạn và không còn phương tiện để sinh sống.

Nhưng cái mớ cỏ non vẫn còn nhảy múa trước mặt tôi mỗi khi tôi nhớ lại chiếc xe ngựa chạy trên đường làng. Cái mớ cỏ non treo trước mắt đó, mà tội nghiệp, chú ngựa chạy hoài không đến. Ngày nay trên con đường đầy ổ gà đó chẳng biết còn có chú ngựa con nào chạy theo mớ cỏ non như vậy nữa không?

Chao ôi! Sao giữa cảnh hãi hùng này mà tôi nhớ lại một chuyện buồn làm chi vậy?

Tiếng rên rỉ của anh lính gãy chân làm cho tôi chợt nhớ ra rằng mình đang nằm bên bờ một con suối lũ.

Trời vẫn mưa. Nước đã dâng lên sát đít võng tôi.

Gió hú trên những ngọn cây cao như bước đi của những đám cô hồn tìm chỗ nghỉ chân.

Một nhánh cây thò vào trước đầu võng của tôi chập chờn như một mớ cỏ non nhún nhay. Nếu quả thật đó là mớ cỏ non thì đây chính là chiếc xe đã gãy đổ dọc đường.

Lạ thật những chuyện mới xảy ra hôm qua thì tôi cứ thấy nó mờ mịt xa xưa như hàng chục năm qua. Còn những việc cách đây mấy mươi năm thì tôi lại cứ tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.

Tôi cũng không muốn phân biệt cái đã qua và cái hiện tại. Mà tôi cũng không dám nghĩ tới ngày mai. Ngày mai của tôi ư ? Trên đường Trường Sơn này hay ở đâu mà con đường này dẫn đển, dù trái đất có xoay, dù trời mưa hay trời nắng thì cái ngày mai đó cũng là sự lập lại của ngày nay và của ngày hôm qua.

Tôi nghếch đâu lên mép võng, giương mắt cố nhìn ra ngoài. Trời mưa đen đặc thấy gì đâu!

Ôi chao, con đường với những chặng đường…Ở phía sau lưng tôi, cái mộ bia của anh binh sĩ bên cạnh hai bàn chân thòi ra mô đất và cái bộ xươong trong hốc đá lẫn lộn tới chiếc xe chỏng gọng với hai bánh quay tít và bốn vó con ngựa chòi đạp trong không khí. Còn phía trước mặt tôi thỉ chỉ là… Và….

Sàigòn, hè 1973



HẾT

No comments:

Post a Comment