Chiến lược « chặt đầu rắn » của Israel khiến các lực lượng Hồi giáo ở Trung Đông khiếp đảm
Có
những ý kiến gần đây cho rằng việc Israel « đánh dập đầu rắn », tiêu
diệt liên tiếp các thủ lãnh Hamas và Hezbollah ở Trung Đông là « không
hiệu quả ». The Economist phân tích vì sao ý nghĩ này là sai lầm.
Người
biểu tình ở Tunisie ngày 07/10/2024 mang ảnh Ismail Haniyeh, thủ lãnh
nhánh chính trị của Hamas ; Hassan Nasrallah, thủ lãnh Hezbollah ; Yahya
Sinwar, thủ lãnh Hamas. Cả ba đều đã bị Israel tiêu diệt. REUTERS -
Jihed Abidellaoui
Thụy My
Thời thế đã khác trước
Từ
hơn một năm qua, Israel lần lượt trừ khử các thủ lãnh của Hamas và
Hezbollah. Nhân vật số một bị diệt, người thứ hai chuẩn bị lên thay lại
bị cùng chung số phận. Mỗi lần như vậy, nhiều viên chức và nhà phân tích
đều nói rằng hai nhóm này sẽ tái tổ chức và tìm lại sức mạnh trước đây.
Họ đưa ra ba lý do để nhấn mạnh việc ám sát không mấy ảnh hưởng đến
hoạt động của các phe này. Trước hết về lịch sử. Khi Israel khử được
Abbas Musawi, thủ lãnh Hezbollah năm1992, người lên thay là Hassan
Nasrallah lại có năng lực hơn. Tương tự, Hamas vẫn tồn tại sau khi người
sáng lập là Ahmed Yassin bị ám sát năm 2004.
Tuy nhiên The Economist lưu ý, Musawi là một trường hợp đơn lẻ, và 16 năm sau khi giết ông ta, Israel mới khử tiếp
một thủ lãnh có tầm cỡ tương đương. Còn lần này, khi diệt được
Nasrallah hôm 27/09, Nhà nước Do Thái đã triệt hạ được đa số chỉ huy của
Hezbollah. Hashem Safieddine, người được cho là sẽ kế nhiệm Nasrallah
và có thể cả Wafiq Safa, thủ lãnh an ninh cũng mất mạng. Ngay cả những
nhóm mạnh nhất cũng khó ngóc dậy được sau khi mất bốn, năm người đứng
đầu tổ chức. Hamas cũng mất hai người lãnh đạo : thủ lãnh quân sự cùng
với người phó, và mấy chục chỉ huy. Hàng ngàn cán bộ cấp trung của hai
nhóm bị chết hoặc bị thương trong các cuộc tấn công của Israel.
Bên
cạnh đó là tính chất khó thể thay thế của Nasrallah và Sinwar.
Nasrallah là nhân vật quyền lực nhất của « trục kháng chiến » Iran, được
giáo chủ hoàn toàn tin tưởng. Sinwar, ngược với những người tiền nhiệm,
hoàn toàn thống trị các nhánh khác nhau của Hamas, từ quân sự đến chính
trị và hải ngoại. Những ai lên thay khó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của
Iran như trước.
Hamas và Hezbollah, những định chế quyền lực bị Israel nhổ tận gốc
Thứ
nhì là về cơ cấu. Trước ngày 07/10/2023, Hamas là chính quyền thực tế ở
Gaza với mấy chục ngàn công chức được trả lương. Hezbollah là một Nhà
nước trong Nhà nước : phân bố việc làm cho những người ủng hộ, quản lý
một chuỗi cửa hàng thực phẩm và một ngân hàng. Nói cách khác, hai nhóm
này không đơn thuần là các tổ chức đấu tranh mà là định chế chính trị
kinh tế đã bắt rễ sâu sắc. Tuy nhiên những gốc rễ này đã bị Israel nhổ
bật trong năm qua.
Để lại đóng vai trò lãnh đạo Gaza, Hamas cần có tiền để trả lương cho các chiến binh và nhân viên hành chánh.
Nhưng kinh tế Gaza đã lụn bại : những thương gia trước đây nộp 360
triệu đô la thuế hàng năm cho Hamas đã thiệt mạng hay bị mất cơ nghiệp.
Hamas không còn độc quyền về bạo lực và tống tiền, vì có những băng nhóm
ngày càng thô bạo giành mất những chuyến hàng viện trợ và tổ chức bảo
kê. Còn tại Liban, Hezbollah là đảng giàu có nhất nay đang gặp khó khăn.
Một số chiến binh than phiền bị chậm trả lương, thường dân sơ tán không
được hỗ trợ về nhà ở và các nhu cầu khác.
Lý
lẽ thứ ba mang tính triết lý. Ông Josep Borrell, phụ trách đối ngoại
của Liên hiệp châu Âu nói rằng « Hamas là một ý tưởng và không thể giết
được ý tưởng ». Người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập cũng nói như vậy về
Hezbollah. Nhưng các nhà phân tích cũng từng tuyên bố tương tự về tổ
chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) cách đây mười năm đã chiếm được một
phần Syria và Irak. Daech chỉ tồn tại chưa đầy bốn năm đã bị đánh tan
không còn manh giáp, liên minh quốc tế tiêu diệt được mấy chục ngàn tay
súng. Dù Daech vẫn đang hoạt động dưới dạng du kích ở vùng nông thôn
Syria và Irak, nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có cơ hồi phục phần nào.
The
Economist nhấn mạnh, Hamas và Hezbollah là các định chế chứ không phải ý
tưởng. Ở Liban hiện nay, L’Express nhận thấy Tsahal đã rút ra các bài
học từ cuộc chiến năm 2006. Quân nhân được huấn luyên chu
đáo hơn về phối hợp không quân và lục quân, được trang bị cảm biến để
truyền thông tin về bộ chỉ huy theo hệ thống Torch. Le Nouvel Obs trích
đăng nhật ký của nhà văn Liban, Charif Majdalani. Bài viết mang tựa đề «
Con quái vật bỗng thức dậy » thuật lại chuỗi ngày kinh hoàng kể từ ngày
17/09, khi hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah bị nổ, đến 27/09 thủ
lãnh Hassan Nasrallah dù trốn trong boong-ke sâu 14 mét dưới lòng đất
vẫn bị bom xuyên thấu của Israel giết chết.
BRICS : Sự phục thù của Vladimir Putin
L’Express nhận định « BRICS, chiến thắng ngoại giao đáng lo của Putin »,
hoàn toàn tương phản so với cách đây một năm. Trong hội nghị thượng
đỉnh BRICS lần trước ở Johannesburg, Vladimir Putin chỉ dám xuất hiện
qua video vì sợ bị bắt theo lệnh Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Còn năm
nay Putin đã phục thù khi mời được gần hai chục nhà lãnh đạo các nước
đến dự tại thành phố bên bờ sông Volga ; trong số đó có Tập Cận Bình,
Narendra Modi, Massoud Pezechkian...
Về
quân sự, quân Nga tiến từ từ ở Donbass, trong khi phương Tây chia rẽ về
« kế hoạch chiến thắng » của Volodymyr Zelensky. Vào lúc tổng thống
Ukraina vất vả tìm kiếm sự ủng hộ, việc « các nước phương Nam » tập họp
lại xung quanh Putin, cộng thêm sự hỗ trợ quân sự của Iran và Bắc Triều
Tiên, làm viễn cảnh thê m u ám. Nhất là sắp đến một cuộc bầu cử có thể
giúp Donald Trump quay lại Nhà Trắng và chấm dứt viện trợ cho Ukraina.
Courrier
International nhận xét, dù không đạt được mục tiêu « phi đô la hóa »
như mong muốn để tránh né trừng phạt của phương Tây, tổng thống Nga đã
thoát khỏi cảnh cô lập trong thời gian Nga, đặc biệt có sự tham dự của
tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Phô diễn những màn ôm hôn,
bắt tay trước các phóng viên ảnh, Vladimir Putin có 17 cuộc hội đàm tay
đôi trong thời gian hội nghị, chủ yếu với các đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ,
Iran, Palestine, Ấn Độ, và với cả Guterres. Tờ Novaïa Gazeta Europe cho
rằng ngoại giao Nga chưa bao giờ có dịp tưng bừng như vậy với ba ngày
hội nghị đa phương và song phương, họp báo, dạ tiệc với món trứng cá và
rượu vang Krasnodar.
Hai nước Triều Tiên sẽ đối đầu ở Ukraina ?
Được
hỏi về hiện diện của lính Bắc Triều Tiên tại Nga, đã được nhiều nguồn
xác nhận kể cả các hình ảnh và video, ông chủ điện Kremlin không chối
cãi. Putin nói, nếu những hình ảnh đó có được là do phản ánh thực tế.
Hai nước đã ký hiệp ước đối tác chiến lược, trong đó điều 4 quy định hỗ
trợ cho nhau trong trường hợp bị ngoại xâm. Ông kết luận : « Và điều 4
chỉ là chuyện riêng của của chúng tôi ».
Courrier
International dẫn The Korea Times cho biết Hàn Quốc nay không loại trừ
khả năng chuyển giao vũ khí sát thương cho Kiev. Seoul có thể đưa cố vấn
sang để giám sát việc sử dụng vũ khí, thẩm vấn tù binh. Nhật Bản cũng
tỏ ra lo ngại. Nhật báo Asahi Shimbun dẫn lời một viên chức Hàn Quốc
khẳng định, đáp lại việc Bình Nhưỡng đưa quân sang, Nga có thể giúp Bắc
Triều Tiên triển khai vệ tinh quân sự và hiện đại hóa vũ khí. Một chuyên
gia lo sợ tình hình an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể thay đổi
hẳn, Matxcơva và Bình Nhưỡng thực tế đang là « liên minh quân sự ».
Ngược
lại, ông John Foreman từng là tùy viên quân sự Anh ở Nga, trên The
Economist coi đây là dấu hiệu tuyệt vọng của Nga, sự xuống sức của «
quân đội thứ nhì thế giới », sau khi đã có đến 600.000 lính Nga thương
vong. Về phía tướng Budanov của tình báo quân đội Ukraina cho rằng khác
với lính Nga không có động cơ và cam chịu, lính Bắc Triều Tiên bị nhồi
sọ và thân nhân ở quê nhà có thể bị hành quyết nếu mọi chuyện không ổn
thỏa, nên có lý do để lo lắng. Le Monde cuối tuần nhận xét, hai nước
Triều Tiên chưa bao giờ đối đầu trực diện từ sau khi cuộc chiến tương
tàn (1950-1953) kết thúc, và trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng
chiến tranh. Tại Ukraina, hai nước anh em thù địch một ngày nào đó có
thể lại đối mặt.
Kiev đứng trước mùa đông đầy âu lo
Trên
chiến trường Ukraina, đặc phái viên Le Point nói về « Mùa đông với tất
cả mọi nguy hiểm ». Đã sắp 1.000 ngày chiến đấu, Ukraina chuẩn bị cho
những tình huống tệ hại nhất. Quân Nga đang cố gắng cắt lực lượng
Ukraina ở Kursk ra làm đôi, và tại Donbass, thành phố Pokrovskcó
nguy cơ thất thủ trước khi mùa đông đến. Pháp ủng hộ « kế hoạch chiến
thắng » của tổng thống Volodymyr Zelensky, liên quan đến việc gia nhập
NATO và sử dụng vũ khí tầm xa đánh vào lãnh thổ Nga, nhưng Đức luôn tỏ
ra hoài nghi. Một nhà thương lượng cho rằng việc mời Ukraina vào NATO sẽ
giúp ông Joe Biden để lại dấu ấn trong lịch sử.
Tại
tỉnh biên giới Sumy, chuyến thăm mới đây của ngoại trưởng Pháp không
làm thay đổi cuộc sống thường nhật của người dân, theo nhịp độ các vụ
tấn công của Putin. Một lính cứu hỏa cho biết nếu đó là drone Shahed thì
cả tầng nhà bị tàn phá còn nếu là hỏa tiễn thì nguyên tòa nhà đổ sụp. Ở
thủ đô Kiev, từ 50 ngày qua, không đêm nào không có còi báo động.
Ukraina
đã phát hiện và phá hủy một kho chứa Shahed gồm 400 drone. Nhưng ngay
hôm sau chúng tái xuất, trung bình 100 chiếc một đêm, phân nửa nhắm vào
Kiev, đa số bị bắn hạ hoặc bị gây nhiễu. Matxcơva muốn gây khủng hoảng
cho dân chúng, và nhất là định vị các giàn phòng không. Các chuyên gia
lo ngại Putin gia tăng áp lực lên các trung tâm năng lượng của thủ đô.
Vào thời điểm phóng viên Le Point ở Kiev, nhiệt độ chỉ 3°C và mùa đông
thường xuống dưới mức 0°C.
Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập Đông Nam Á
Trên lãnh vực kinh tế, Courrier International trích dịch South China Morning Post, báo động « Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập Đông Nam Á ». Tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cỗ máy khổng lồ của Bắc Kinh phá hủy kỹ nghệ nội địa. Bị ràng buộc bởi các hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc, chính phủ các nước này bối rối không biết làm cách nào để đối phó.
Tờ báo cho biết đợt thủy triều hàng Trung Quốc giá rẻ đã đè bẹp các công ty nội địa, gieo rắc lỗ lã và thất nghiệp ở những nơi bị tràn qua. Phân nửa số nhà máy sứ ở tỉnh Lampang miền bắc Thái Lan đã phá sản, tại Indonesia, hàng ngàn công nhân dệt may mất việc. Tại Malaysia, cố gắng của chính phủ qua việc đánh thuế 10 % lên thương mại điện tử không đủ để bảo vệ công nhân trong nước.
Thương mại điện tử và hàng lậu từ Hoa lục giết chết sản xuất nội địa
Một chuyên gia ở Jakarta giải thích, từ khi thị trường phương Tây khó thâm nhập hơn và tiêu thụ nội địa giảm sút, Bắc Kinh chuyển sang tập trung vào Đông Nam Á. Đợt tấn công này nhờ vào thương mại điện tử mà Trung Quốc vẫn thống trị, bên cạnh đó là xây dựng những tuyến đường xe lửa mới và hiện đại hóa các cảng, giúp logistic hiệu quả hơn, chưa kể vô số hiệp định thương mại tạo điều kiện cho hàng made in China. Ngoài ra còn có lượng hàng nhập bất hợp pháp rất lớn : các ông chủ Hoa lục nhờ người Thái Lan đứng tên công ty để đưa hàng lậu vào thị trường. Nhiều lãnh vực chiến lược của nền kinh tế Thái Lan đã lọt vào tay người Hoa, nhất là hậu cần.
Ở Indonesia, công nhân dệt may biểu tình hồi tháng Bảy đòi được hỗ trợ, trước thị phần bị mất vì các sàn thương mại Trung Quốc như Shopee, Lazada, TikTok Shop. Mười mấy nhà máy dệt may đã ngừng hoạt động, khiến trên 13.000 công nhân Indonesia mất kế sinh nhai. Trước phản ứng mạnh mẽ này, chính phủ hứa sẽ đánh thuế từ 100 % đến 200 % vào một số mặt hàng Trung Quốc như quần áo, giày, đồ sứ, hàng điện tử. Bộ trưởng thương mại báo động nguy cơ sụp đổ của các công ty vừa và nhỏ Indonesia, đang đóng góp 60 % sản xuất và thâu dụng 120 triệu nhân công.
Cuba trong bóng tối mịt mùng
Đó là ngày thứ Bảy 19/10 ở Pinar del Río, cực tây đất nước. Những khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi, mắt trũng sâu trông như những nhân vật của một cuốn phim ngày tận thế. Từ thứ Sáu, cả nước chìm trong bóng tối vì nhà máy điện chính bị trục trặc. Các nhà máy điện ở Cuba đều đã trên 50 tuổi, không được duy tu đúng mức. Ngoài ra, dầu lửa từ Venezuela những tháng gần đây đã giảm hẳn, chế độ Caracas cần tiền, ưu tiên bán cho khách hàng Trung Quốc và Mỹ. Mua trên thị trường quốc tế thì không có tiền.
Người dân đưa bếp than ra sân hay đường phố. Bệnh viện nhi chỉ còn khoa hồi sức và ung thư được phục vụ. Có một số trường hợp cấp cứu trẻ em nhỏ tuổi uống nhầm dầu lửa mà cha mẹ trữ phòng khi cúp điện. Tối thứ Năm ở Vedado thuộc La Habana, cư dân ra đường ban đêm gõ nồi xoong phản đối. Không có ánh sáng, họ thêm can đảm - công an không thể nhận diện người biểu tình. Có thể nghĩ rằng họ đã quen, nhưng thực ra người ta không thể quen với những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên trán, những cuộc tấn công của loài muỗi, thức ăn vốn đã hiếm bị hư đi trong tủ lạnh, đồng phục học sinh nhăn nhúm, những tờ bìa cứng quạt cho em bé đang gào khóc vì nóng.
Trên trang Revolico chuyên rao vặt, giá máy phát điện tăng vọt, từ 500 đến 2.000 đô la. Một ít người may mắn được thân nhân ở Hoa Kỳ gởi máy sang. Những ngày cúp điện có hai Cuba khác nhau, nhưng khi cả nước mất điện trong thời gian dài như hôm 18/10, sự cố này mang lại bình đẳng cho người dân cả nước. Không còn xăng chạy máy phát, quạt máy hết pin…rốt cuộc ai cũng như nhau. Chính quyền nói rằng nên tin tưởng và kiên nhẫn, nhưng người Cuba nay chẳng còn cả hai.
No comments:
Post a Comment