Saturday, October 19, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 18/10/2024 - Nga đánh mãi chưa chiếm được Pokrovsk ở miền đông, F-16 Ukraina lập công đầu ngoạn mục

 Les Echos ngày 16/10/2024 nhận xét quân đội Ukraina dù quân số và vũ khí ít hơn vẫn nhưng vẫn đứng vững trước đạo quân xâm lược. Tuy tổ chức những đợt tấn công liên tục hàng ngày, quân Nga vẫn chưa xuyên qua được hàng phòng thủ của Ukraina ở miền đông, và lần đầu tiên còn bị mất một oanh tạc cơ Su-34 vì F-16.

Các quân nhân thuộc lữ đoàn tác chiến 15 « Kara-Dag » thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraina gắn chất nổ vào một drone tác chiến trước khi điều khiển bay đi tấn công quân Nga ở gần Pokrovsk (Donetsk) ngày 09/10/2024. via REUTERS - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko
Thụy My

Ukraina trụ vững : Pokrovsk không thất thủ, F-16 diệt được Su-34

« Khó khăn, nhưng vẫn ổn », đó là đánh giá của các sĩ quan Ukraina trong thời gian gần đây. Pokrovsk, thành phố công nghiệp nhỏ của vùng Donetsk và là giao lộ đường sắt, đường bộ chiến lược để tiếp tế cho quân đội Ukraina, vẫn không bị thất thủ như những dự báo thường xuyên đưa ra vào giữa tháng Chín. Những ngày gần đây, Ukraina đã củng cố được tiền tuyến và làm chậm lại đáng kể đà tiến của quân Nga trong khu vực, chận được địch ở cách thành phố 7-8 kilomet.

Trong bản tin hôm qua trên Facebook, Bộ Tổng tham mưu Ukraina cho biết gần 200 đợt tấn công hay đấu pháo đã diễn ra ngày hôm trước ở các trục Siversk, Pokrovsk, Kourakhove và Lymanthuộc Donetsk, và Kupiansk, thuộc Kharkiv. Chỉ riêng tại Pokrovsk, đã đẩy lùi được 40 cuộc tấn công của Nga trong ngày hôm đó. Quân Nga cũng tiếp tục tiến ở phía bắc thành phố mỏ Vuhledar, chiếm được ngày 03/10 sau khi bao vây suốt 9 tháng, mất rất nhiều mạng lính và xe quân sự trong những trận đánh ác liệt. Ngược lại theo báo cáo ngày 14/10 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), lực lượng Ukraina tái chiếm được trung tâm Toretsk, và giữ vững các khu dân cư đã chiếm tại vùng Kursk của Nga.

Theo Les Echos, một trong những sự kiện ý nghĩa nhất trong những ngày gần đây là một oanh tạc cơ chiến thuật Sukhoi Su-34 đã bị tiêu diệt bởi một chiếc F-16 « Fighting Falcon » của Kiev do Hà Lan cung cấp, trang bị hỏa tiễn công nghệ cao AIM 9X. Ngày 12/10, các kênh Telegram thân Nga thông báo chiếc Su-34 đã bị bắn hạ ở cách tiền tuyến 50 kilomet trong khi đang thả bom lượn. Đây là lần đầu tiên một oanh tạc cơ Nga bị chiến đấu cơ Ukraina phá hủy khi đang bay, đặc biệt là bởi F-16 do Mỹ sản xuất, càng mang tính biểu tượng, từ nay có thể chặn đáng kể các hoạt động của Matxcơva.

Thực tế việc Nga tiến được ở miền đông Ukraina trong những tháng gần đây chủ yếu nhờ sử dụng ồ ạt bom lượn - loại bom từ thời Liên Xô được gắn thêm cánh xếp và hệ thống dẫn đường. Được máy bay thả xuống cách mặt trận vài chục cây số, những quả bom này có thể lượn lờ trên 50 kilomet, mang theo 1,5 tấn chất nổ dễ dàng hủy diệt các tòa nhà, hệ thống phòng thủ và những toán quân mà phi cơ và đội bay vẫn an toàn. Sự xuất hiện rất được chờ đợi của F-16 buộc Matxcơva phải xem lại chiến thuật này, hạn chế sử dụng các oanh tạc cơ, vừa đắt tiền vừa khó thay thế - một chiếc Su-34 trị giá 36 triệu đô la.

Dân biểu Ukraina mệt mỏi với nhiệm kỳ vô hạn định
Về chính trị trong nước, Le Monde cho biết Rada tức Quốc Hội Ukraina vốn là biểu tượng kháng chiến, đang chịu thử thách của chiến tranh.Không dân biểu nào quên được thời điểm tháng 2/2022, khi đại quân Nga đã tràn đến cửa ngõ thủ đô Kiev. Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại kể lại : « Chúng tôi vội vàng bỏ phiếu, mắt hướng lên trời, lo sợ một hỏa tiễn tấn công vào vòm kính của tòa nhà. Nhưng duy trì các cuộc họp là quan trọng để chứng tỏ với toàn thế giới là Quốc hội vẫn trụ vững, các định chế vẫn hoạt động » dù bị xâm lăng. Các dân biểu không chạy trốn như người dân vẫn nghi ngại, tỉ lệ tín nhiệm tăng cao chưa từng thấy.

Hai năm rưỡi sau, quân Nga không còn đe dọa được Kiev dù các drone địch vẫn thường xuyên bị chặn lại xung quanh trụ sợ Quốc hội. Tuy nhiên các khó khăn vẫn chồng chất. Thiết quân luật khiến không còn cuộc bầu cử nào, từ tổng thống đến Quốc Hội. Chẳng ai tranh cãi vì hiểu rằng với trên 6 triệu người di tản ra nước ngoài, 3,7 triệu sơ tán trong nước, 20 % lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng và những cuộc oanh kích thường xuyên, tổ chức bầu cử vừa không an toàn vừa thiếu dân chủ. Nhưng một thách thức lớn cho Ukraina : Làm thế nào duy trì được lâu dài hoạt động dân chủ khi đang chiến tranh và không thể thay thế những người đại diện ?

Tại Quốc Hội, các dân biểu đã mệt mỏi sau 32 tháng căng thẳng, vẫn phải làm việc cho đến khi nào chiến tranh kết thúc. Là người đại diện dân có nghĩa là phải sẵn sàng 24/24, không có kỳ nghỉ và còn bị đả kích sau một số xì-căng-đan, như vụ dân biểu Yuri Aristov lấy cớ đi công tác nhưng bị phát hiện tại một khách sạn sang trọng ở Maldives tháng 7/2023. Những dân biểu đối lập hạn chế chỉ trích trong thời chiến vì Nga tìm cách khai thác những bất đồng. Dân biểu thuộc đảng cầm quyền lại càng khó khăn hơn. Chiến thắng áp đảo của đảng do Volodymyr Zelensky thành lập đã đưa vào Quốc Hội nhiều người không có kinh nghiệm chính trị, xuất thân đa dạng, và nay không ít dân biểu muốn quay lại với cuộc sống trước kia. Hơn nữa lương và phụ cấp của họ vẫn đứng yên ở con số 40.000 hryvnia (880 euro).

Lực lượng mũ xanh bất lực trước cuộc chiến ở Liban
Ở Trung Đông, Le Figaro giải thích « Lực lượng mũ xanh Liên Hiệp Quốc (Finul) có thể làm gì trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah ? ». Một số sự cố đã xảy ra khiến 40 nước có binh lính tham gia Finul nhắc nhở cần thiết phải bảo vệ họ. Tuy nhiên lực lượng này trên lý thuyết có quyền dùng đến vũ lực trong trường hợp tự vệ chính đáng.

Tướng Pháp Olivier Passot từng chỉ huy tại đây cho biết lính mũ xanh có nhiệm vụ buộc tôn trọng nghị quyết « 1701 » của Liên Hiệp Quốc, nhằm giám sát khu vực tránh những hoạt động thù địch của Israel và Hezbollah, bảo vệ thường dân. Nhưng sau khi Israel rút quân năm 2000, Nhà nước Liban để cho vùng hoạt động của Finul dọc theo giới tuyến xanh trở thành vô tổ chức. Họ đồng lõa với tổ chức phi chính phủ Green Without Borders, trên thực tế là của Hezbollah, viện cớ trồng cây xanh để giới hạn hoạt động của Finul. Về chiến dịch trên bộ của Israel từ 19/09, Finul không thể ngăn trở vì không sở hữu cả không quân lẫn vũ khí hạng nặng.  

Kim Jong Un chôn vùi chính sách Vầng thái dương

Tại châu Á, Le Figaro chú ý đến việc Kim Jong Un cắt đứt với Seoul một cách ồn ào : cho nổ các đoạn đường trước đây dành cho việc trao đổi với Hàn Quốc. Với hành động lịch sử này, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã chôn vùi « chính sách Vầng thái dương ». Vụ nổ làm bật tung lớp đá dăm, một cột khói đen dày đặc tỏa lên phía trên khu rừng. Cách đường giới tuyến phân chia hai miền vài mét, những tiếng nổ lần lượt vang lên vào buổi trưa hôm qua 15/10. Phía bên kia rào kẽm gai, những người lính Hàn Quốc bắn cảnh cáo việc vi phạm thỏa thuận Bàn Môn Điếm năm 1953. Bộ tổng tham mưu Seoul loan báo, Bắc Triều Tiên đã làm nổ tung các đoạn đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc.

Chỉ trong vài phút, Kim Jong Un vừa phá hủy hai tuyến đường huyết mạch là biểu tượng cho nhiều thập niên nỗ lực xích gần lại với nhau trên bán đảo Triều Tiên. Hai con đường trên đây chạy từ tây sang đông khu phi quân sự ở vĩ tuyến 38 phân chia hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc nay bị Kim Jong Un gọi là « kẻ thù chính », bị thù địch hơn cả Nhật Bản, nước đô hộ cũ. Những tia hy vọng cuối cùng của « chính sách Vầng thái dương » nay tắt lịm, sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và Kim Jong Un ở Hà Nội năm 2019.

Nhà độc tài biết cách gây chú ý bằng cách khua chiêng gióng trống quyết định bước vào một giai đoạn mới. Theo Jenny Town, giám đốc trang web 38 North, đây là thông điệp gởi đến Seoul và cả Washington.Kim đã đi thăm một trung tâm làm giàu uranium vào tháng Chín, sau khi hứa hẹn gia tăng số vũ khí nguyên tử « theo cấp số nhân » năm ngoái ; và ký thỏa thuận quốc phòng chung với Nga vào tháng Sáu. Ngoài đạn pháo, lính Bắc Triều Tiên nay còn hiện diện trên mặt trận Ukraina – theo Kiev. Kim thế hệ thứ ba đã chính thức kết liễu dự án « thống nhất » giữa hai miền trong thập niên 90, thậm chí sửa đổi Hiến pháp « xã hội chủ nghĩa » của quốc gia 23 triệu dân.

Chung Yung Woo, cựu cố vấn tổng thống Hàn Quốc cho rằng chế độ Bình Nhưỡng cảm thấy bất an trước các thông tin từ phương Nam lan truyền trong dân chúng. Sự leo thang này diễn ra vào lúc cuộc chiến tuyên truyền đang mạnh mẽ. Bắc Triều Tiên tố cáo các drone Hàn Quốc bay trên Bình Nhưỡng đưa thông tin chỉ trích chính quyền. Seoul đã kích hoạt trở lại các giàn loa cổ vũ dân chủ dọc theo biên giới từ tháng Bảy, để cho các nhà hoạt động gởi những quả bóng có truyền đơn sang. Bình Nhưỡng trả đũa bằng những quả bóng chứa đầy rác. Cô em Kim Yo Jong của nhà độc tài đe dọa « những tay găng-tơ miền Nam » về một « thảm họa khủng khiếp » nếu tái phạm.

Cầu thủ ngôi sao Kylian Mbappé bị nghi liên quan một vụ cưỡng hiếp
Trên lãnh vực xã hội, sự kiện ngôi sao bóng đá Pháp Kylian Mbappé bị nghi ngờ liên quan đến một vụ cưỡng hiếp tại Thụy Điển khiến các báo đều chú ý. Theo hai tờ báo bình dân Aftonbladet, Expressen và kênh truyền hình công Thụy Điển SVT, cầu thủ nổi tiếng của Pháp đang bị điều tra về một vụ hiếp dâm. Tư pháp Thụy Điển không nêu tên nghi can, chỉ xác nhận có đơn tố cáo của một phụ nữ.

Từ năm 2018, Quốc Hội nước này đã thông qua đạo luật, theo đó không cần yêu tố cưỡng bức khi quan hệ cũng có thể bị quy tội hãm hiếp, và sau đó tỉ lệ bị kết án vì tội danh này đã tăng lên 75 %. Vụ việc được cho là xảy ra hôm 10/10 tại khách sạn năm sao Bank Hotel ở trung tâm Stockholm. Xì-căng-đan nhanh chóng lan rộng do dính đến tên tuổi cầu thủ trẻ là thần tượng của nhiều người. Mbappé nói rằng đó là « fake news » và đã nộp đơn kiện về vu khống.

Bản án có thể là cuối cùng về « Bức tường Berlin »
 
Về mặt pháp luật, 35 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một cựu mật vụ Đông Đức vừa bị kết án 10 năm tù vì đã sát hại một người muốn đào thoát sang Tây Đức, nửa thế kỷ sau vụ sát nhân này. Martin Naumann, trung úy thuộc mật vụ Stasi đã bắn chết Czeslaw Kukuczka, một người Ba Lan muốn vượt qua bức màn sắt. Cụ thể, ngày 29/03/1974 Kukuczka vào đại sứ quán Ba Lan ở Berlin đòi hỏi trong vòng 15 phải được sang Tây Đức, nếu không sẽ cho nổ quả bom trong va-li – theo phiên bản của chế độ Ba Lan thời đó. Vacxava thông báo cho Stasi, và cơ quan này cử người đi kèm người muốn đào thoát đến ga Friedrichstrasse - điểm nối giữa Đông và Tây - và trao giấy thông hành.

Nhưng trong hành lang đường hầm hướng về phía Tây Đức, mật vụ Martin Naumann đã lạnh lùng bắn thẳng vào lưng Czeslaw Kukuczka ở khoảng cách chỉ 2 mét. Vacxava nói rằng đây là một vụ tự tử, còn Stasi gắn huy chương cho Naumann vì «trung thành với đảng », « tuân theo nguyên tắc đấu tranh giai cấp ». Sau này khi hồ sơ được giải mật, người ta biết rằng nạn nhân không hề mang theo chất nổ, và bộ trưởng an ninh Đông Đức, Bruno Beater, đã ra lệnh khử Kukuczka.

Năm nay đã 80 tuổi, bị cáo Naumann vẫn bị lãnh án theo nhà sử học Daniela Münkin được Le Figaro dẫn lời là « để làm gương », và có lẽ là bản án cuối cùng trong lịch sử bức tường ô nhục đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng khi đi tìm tự do. Đây là một trong những phiên xử cuối về tội ác cộng sản Đông Đức. Một sự trùng hợp là trong vài tuần nữa, ngày 09/11 Cộng hòa Liên bang Đức sẽ kỷ niệm 35 năm ngày bức tường Berlin chấm dứt tồn tại.

No comments:

Post a Comment