Monday, September 16, 2024

Tình báo Ukraina : Bắc Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với Kiev

 

Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina Kyrylo Boudanov, hôm 14/09/2024, khẳng định trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, « Bắc Triều Tiên hiện là vấn đề lớn nhất » đối với chính quyền Kiev, do Bình Nhưỡng là nguồn cung cấp đạn dược « mạnh mẽ nhất » cho Matxcơva.

« Trong số tất cả các đồng minh của Nga, vấn đề lớn nhất mà Kiev phải đối mặt xuất phát từ Bắc Triều Tiên, do khối lượng vũ khí nước này cung cấp cho Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ chiến tranh » trên các mặt trận tại Ukraina. Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina, Kyrylo Boudanov, tuyên bố như trên trong khuôn khổ hội thảo về chiến lược châu Âu, Yalta European Strategy – tổ chức tại thủ đô Kiev vào hôm qua. Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm quan chức này nhấn mạnh « Bình Nhưỡng cung cấp một số lượng đạn pháo rất lớn » cho Nga để phục vụ cuộc chiến do Matxcơva khởi động. Đây là một điểm hết sức « nguy hiểm » đối với Ukraina. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga nhưng với số lượng thấp hơn nên Kiev « không lo sợ bằng ».

Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược và tên lửa cho Nga, điều mà chế độ Bình Nhưỡng một mực bác bỏ. Tuy nhiên AFP nhắc lại rằng theo điều tra của tổ chức Conflict ArmementResearch, những mảnh vỡ tên lửa thu thập được trên chiến trường Ukraina cho phép xác định đó là tên lửa do Bắc Triều Tiên chế tạo. Cũng trong phát biểu hôm qua tại hội nghị về chiến lược cho châu Âu, tướng Boudanov tiết lộ rằng Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo Iskanda và đã nhiều lần sử dụng bom bay nhắm vào những mục tiêu dân sự và quân sự trên lãnh thổ Ukraina. Điểm đáng chú ý cuối cùng được lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina nêu ra liên quan đến khả năng Matxcơva dự trù chấm dứt chiến tranh Ukraina « trước năm 2026 » tránh để cuộc chiến kéo dài làm suy yếu kinh tế Nga.

Các tuyên bố trên được đưa ra vào lúc Anh, Mỹ và cả Đức đều loại trừ khả năng cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa để nhắm vào sâu trong lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, điều này không cấm cản tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden khẳng định « quyết tâm» từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ tăng cường sức mạnh cho Ukraina để đương đầu với Nga.  NATO thì lấy làm tiếc là « nhẽ ra Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn ngừa chiến tranh Ukraina ».

Nga và Ukraina trao đổi 206 tù binh
Về chiến sự, Kiev sáng nay cho biết đã bắn chặn được tên lửa của Nga tại khu vực Odessa, miền nam Ukraina. Chiến sự tiếp diễn không ngăn cản Nga và Ukraina trao đổi 206 tù binh vào hôm qua. Đây là đợt thứ nhì diễn ra trong tuần nhờ có vai trò trung gian của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Kiev cho biết đã phóng thích 82 binh sĩ và 21 sĩ quan của Nga. Đây là những người bị Ukraina bắt giữ « ngay từ những tháng đầu của cuộc chiến », tức là từ 2 năm trước. Trong số này có những người đã cầm súng bảo vệ Mariupol vào mùa xuân 2022, theo phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky.

Trái lại, thông cáo của Matxcơva thì nói rõ các quân nhân Nga được trao trả đã bị bắt từ sau tháng 8/2024 khi mà Ukraina bắt đầu đánh vào vùng lãnh thổ Kurk của nước Nga. Hãng tin Anh, Reuters ghi nhận Ukraina bất ngờ đánh vào vùng Kursk của Nga, bắt giữ được ít nhất 600 lính Nga và dùng những người lính này để đổi lấy tự do cho các quân nhân Ukraina. Theo lời ông Dmytro Loubinets, đặc trách về hồ sơ trao đổi tù binh với Nga, tính đến ngày 14/09/2024 đây là đợt trao đổi từ binh lần thứ 57 giữa hai nước đang tham chiến và trên 3.600 quân nhân Ukraina đã « được trở về ».
Biển Đông : Philippines rút tàu hải cảnh khỏi bãi cạn Sa Bin trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

Ngày 15/09/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa. Con tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát. Tàu Magbanua ở bãi Sa Bin, cùng với tàu chiến cũ nát Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, là hai điểm nóng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc.

Trong thông cáo, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đưa ra lời giải thích : « Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbunua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về đảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành ».

Theo AFP, thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trong tuần này. Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu « rút ngay lập tức » con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.

Ngày 15/09, ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi cạn Sa Bin, Trung Quốc tái khẳng định « chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận ». Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 km.

Tàu Teresa Magbunua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai bên đã xảy ra trong thời gian này. Một ví dụ gần đây là đoạn video được người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của Hải cảnh Trung Quốc « đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Philippines » khiến tàu Teresa Magbunua bị hỏng nhưng không có người bị thương.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye và chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế hoặc khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Kể từ khi tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền ở Philippines năm 2022, Manila đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Teheran tăng cường an ninh trước kỷ niệm 2 nămphong trào đòi tự do cho phụ nữ Iran bùng phát
Cách nay hai năm, ngày 16/09/2022, Mahsa Amini, 26 tuổi, bị cảnh sát đạo đức Iran sát hại vì không đội khăn trùm đầu đúng « cung cách của người Hồi Giáo ». Vụ việc đã khơi dậy phong trào đòi tự do và quyền sống cho phụ nữ Iran. Dù bị thẳng tay đàn áp nhưng từ đó đến nay, « một cuộc cách mạng văn hóa vẫn đang âm ỉ » tại Cộng Hòa Cách Mạng Hồi Giáo Iran.

Theo các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nữ quyền, ít nhất 551 người chết và hàng ngàn người bị bắt giam từ 2 năm qua, sau khi bùng phát phong trào đòi tự do và quyền được sống cho phụ nữ Iran. Teheran đã hành quyết 6 người đàn ông có liên quan đến phong trào « nổi dậy » này. Lần gần đây nhất là vào tháng 08/2024, ngay sau khi tân tổng thống Massoud Pezeshkianvừa nhậm chức.

Chính quyền Iran vẫn « theo đuổi mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi trong công luận để giệttrừ mọi mầm mống chống đối ». AFP trích dẫn  số liệu từ tổ chức nhân quyền Iran Human Rights, trụ sở tại Na Uy, cho biết hơn 400 người bị hành quyết trong 8 tháng đầu năm nay. Human Rights Watch ghi nhận : thân nhân những người đã bị chế độ của giáo chủ Khamenei giết hại tiếp tục bị « sách nhiễu » và thậm chí là bị bắt giữ vì bị vu khống.

Gần đến kỷ niệm 2 năm ngày cô Amini bị sát hại, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ghi nhận « cảnh sát Iran tuần hành nhiều hơn, hiện diện thường xuyên trên đường phố, tại những nơi công cộng » ở Iran. Quốc Hội nước này chuẩn bị thông qua một dự luật siết chặt thêm cái được cọi là « văn hóa đoan trang của phụ nữ Hồi Giáo Iran và văn hóa đội khăn trùm đầu » của người đạo Hồi. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc lên án Teheran « tăng cường các biện pháp đàn áp nữ giới và bạo hành nhắm vào phụ nữ ».
Thiên tai : Đông Âu đối mặt với trận bão Boris

Ba Lan, Rumani, Cộng Hòa Séc và Slovakia đang phải đối mặt với trận bão lớn Boris. Tính đến sáng Chủ Nhật, 15/09/2024, đã có ít nhất 4 người chết tại khu vực đông nam Rumani, 1 người tại miền nam Ba Lan và 4 người mất tích tại Cộng Hòa Séc do bị nước cuốn trôi.

Hàng ngàn người phải sơ tán trong đêm qua tại Ba Lan và Cộng Hòa Séc, hàng trăm ngàn hộ gia đình bị mất điện. Từ chiều tối thứ Sáu, 13/09, hơn 100.000 lính cứu hỏa Séc được huy động trong công tác giúp đỡ thường dân sơ tán khỏi các vùng tâm bão. Chính quyền Séc ban bố tình trạng khẩn cấp tại vùng Moravia, phía đông bắc nước này. Còn tại Ba Lan chiều qua, đích thân thủ tướng Tusk đã đến khu vực bị mưa bão để kêu gọi người dân di tản. Tình hình đang ngày càng xấu đi, theo tường thuật vào sáng nay của thông tín viên RFI Adrien Sarlat từ Walbrzych :

« Tại Walbrzych, nơi chúng tôi vừa đến hôm qua, mưa to gió lớn suốt cả đêm. Nhiều khu vực đã bị ngập nước. Tình hình sẽ càng xấu đi trong những giờ sắp tới, và nhất là nước ngập ở dưới các hầm. Tại nhiều thị trấn chung quanh, hậu quả của trận bão Boris đã khá tai hại. Theo thông báo mới đây, có một người thiệt mạng ở Klodzko. Đây là một trong bảy địa phương mà dân cư đã phải sơ tán trong đêm qua. Có những nơi, nước dâng cao lên đến 6 mét vào sáng nay. Hàng ngàn người phải đi tránh bão.

Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk hôm qua đã đến tận đây và kêu gọi dân cư địa phương tuân thủ lệnh sơ tán trong lúc mà một số người dường như không ý thức được mức độ nguy hiểm của trận bão này. Một số nơi đã xóa kỷ lục từ năm 1997 về lượng nước mưa đổ xuống trong một thời gian nhất định. Mưa, giông sẽ còn kéo dài cho đến mai. Ở khu vực miền nam Ba Lan, tình trạng tồi tệ nhất vẫn đang ở trước mặt ».


Yagi – Miến Điện : 74 người chết, 89 người mất tích

Tại Miến Điện, theo các thống kê chính chính thức, bão Yagi đã khiến gần 160 người chết và mất tích. Chính quyền Naypyidaw cầu viện quốc tế trợ giúp khắc phục hậu quả thiên tai. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang chuẩn bị đón bão Bebinca. Trận bão này sẽ đi qua Thượng Hải trong đêm Chủ Nhật 15 rạng ngày 16/09/2024. Nhiều chuyến bay đến và đi từ Thượng Hải đã bị hủy bỏ vào sáng nay. Hoạt động hàng hải bị đình chỉ cho đến hết ngày thứ Hai 15/09/2024.

No comments:

Post a Comment