Wednesday, September 18, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 18/09/2024

Sau hai năm rưỡi chiến tranh, hòa bình vẫn ngoài tầm với của Ukraina
Le Figaro ngày 17/09/2024 cho biết « Các đồng minh của Kiev hy vọng có được lối thoát thông qua đàm phán ». Sau gần 30 tháng chiến tranh, vấn đề thương lượng một lần nữa lại được âm thầm đặt ra. Từ phía phương Tây, nhưng cũng ở Kiev, vì tổng thống Volodymyr Zelensky nay cho rằng chiến thắng vẫn có thể đạt được bằng ngoại giao.
Quân nhân Ukraina, Dmytro tuần tra khu vực xung quanh một tòa nhà bị phá hủy vì Nga oanh tạc ở Myrnohrad, Ukraina ngày 17/09/2024. AP - Evgeniy Maloletka
Thụy My

Phương Tây lặng lẽ chuẩn bị cho hòa đàm

Trên chiến trường, quân Nga vẫn đe dọa Pokrovsk. Gió có thể xoay chiều nhờ cuộc tiến công bất ngờ vào Kursk giúp Ukraina kiểm soát được 1.300 km2 lãnh thổ của Nga, nhưng không biết kéo dài được bao lâu. Về chính trị, Hoa Kỳ vẫn chưa cho phép Kiev sử dụng hỏa tiễn tầm xa đánh vào các mục tiêu quân sự ở sâu trong đất Nga, sợ rằng chế độ Matxcơva sụp đổ sẽ dẫn đến nước Nga tan rã, không thể kiểm soát được vấn đề nguyên tử.

Đức loan báo giảm viện trợ, Pháp mất đà từ kh giải tán Quốc Hội, bầu cử tổng thống Mỹ vần vũ những áng mây đen. Trong trường hợp tệ hại nhất, Donald Trump có thể cắt viện trợ của Ukraina ; J.D Vance, người đứng chung liên danh đòi biến Ukraina thành vùng đệm với tư cách trung lập, có nghĩa là vẫn trong miệng sói của Nga. Còn Kamala Harris có thể đi theo đường hướng của Barack Obama : xoay trục sang châu Á, giảm quan tâm đến châu Âu. Một viên chức Pháp tóm tắt : « Dù tổng thống Mỹ là ai, viện trợ cũng sẽ giảm và người Ukraina khó theo đuổi chiến tranh ». « Các nước phương Nam » thì tỏ ra thực dụng, trong khi Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên hỗ trợ cho Nga.

Thế nên mới có khuynh hướng tái thúc đẩy « kế hoạch hòa bình ». Volodymyr Zelensky là người đầu tiên mở ra cánh cửa thương lượng vào đầu mùa hè, đề nghị tổ chức một hội nghị hòa bình với, lần này có sự tham gia của Nga. Cuối tháng Chín, ông sẽ trao đổi với Joe Biden và Kamala Harris về « kế hoạch vì chiến thắng ». Pháp cổ vũ cho một « giải pháp lâu dài và thương thảo, với Ukraina trong thế mạnh ». Theo thông tin của Le Figaro, sau bầu cử tổng thống Mỹ hội nghị lần tới có thể diễn ra vào tháng 11 ở Abu Dhabi.

Lời đáp từ Washington và Matxcơva  
Một viên chức Pháp đặt câu hỏi, vấn đề nào quan trọng hơn : Một chiến thắng quân sự giúp Ukraina thu hồi những lãnh thổ bị chiếm, hay chiến thắng về chính trị, có nghĩa là một quốc gia tự do dân chủ hội nhập với Liên Hiệp Châu Âu và NATO, dù phải từ bỏ tạm thời một số vùng đất ? Nhân vật này nêu ra mô hình nước Đức vào cuối Đệ nhị Thế chiến. Bốn mươi năm sau, bức tường Berlin sụp đổ và Đông Đức thống nhất với Tây Đức thành một quốc gia dân chủ tự do. Một giải pháp giúp cả hai bên đều có thể tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên dẫn đến một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng : Làm thế nào bảo đảm an ninh cho Ukraina vào ngày mà vũ khí đã im tiếng ?

Lời đáp vừa ở Nhà Trắng vừa tại Kremlin. Ở Washington, vì Joe Biden cho đến nay vẫn phản đối việc Ukraina gia nhập NATO. Liệu việc rút khỏi cuộc đua có thể giải thoát ông khỏi áp lực chính trị, ưu ái hơn với Kiev ? Và ở Matxcơva, vì mọi người biết rằng « con gấu tấn công khi xung đột đóng băng ». Một khi Vladimir Putin còn cầm quyền, thì không có gì bảo đảm chiến tranh không tái diễn. Và hiện nay tổng thống Nga vẫn đặt điều kiện cho hòa bình là Ukraina phải đầu hàng !

Putin chỉ muốn tạm nghỉ để đánh tiếp chứ không phải hòa bình

Trả lời Le Figaro, thủ tướng Litva, bà Ingrida Simonyte nhấn mạnh : « Vladimir Putin có lẽ cần tạm ngưng chiến một thời gian, nhưng không phải là hòa bình ». Quyết tâm của người Ukraina vẫn không suy suyển, tuy nhiên không giống như các nước dân chủ, tại Nga, Putin có thể gây áp lực tối đa lên người dân. Ông ta tha hồ đầu tư bao nhiêu tùy ý vào quân sự, bất chấp thiệt hại cho dân Nga.

Nhưng bà cho rằng trước những vấn đề kinh tế hiện nay, Putin không thể kéo dài bao lâu cũng được. Những lằn ranh đỏ, kể cả vũ khí nguyên tử là cách đánh lừa của ông ta, nhằm thao túng dư luận phương Tây. Nữ thủ tướng Litva khuyến cáo không nên run sợ khi Kremlin đe dọa vì như vậy Putin sẽ còn dấn tới. Nếu không chậnđược nhà độc tài này, toàn thế giới sẽ rút ra bài học : Vào thế kỷ 21, một nhà lãnh đạo đủ bệnh hoạn để có thể thay đổi biên giới châu Âu bằng vũ lực.

Trump lại bị mưu sát : Diễn biến mới trong chiến dịch bầu cử Mỹ
 
Về vụ mưu sát ông Donald Trump, Les Echos nhận xét không có việc hưu chiến trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Tối hôm qua, ứng cử viên Cộng Hòa nói rằng nghi can hành động từ hệ quả những bài diễn văn « cánh tả cộng sản » của Biden và Harris.

Hôm Chủ nhật, khi Donald Trump chơi gôn ở West Palm Beach tại Florida, một nhân viên mật vụ phát hiện một người đàn ông vũ trang và đã nổ súng khiến người này bỏ chạy mà chưa bắn phát nào, sau khi đã rình rập gần 12 tiếng đồng hồ xung quanh câu lạc bộ gôn của Trump. Một khẩu súng có kính ngắm loại SKS, hai túi ba lô và thiết bị ghi hình được tìm thấy gần đó. Nghi can Ryan Wesley Routh, một người Mỹ 58 tuổi ủng hộ Ukraina, bị khởi tố vì tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp và có một khẩu súng đã xóa số đăng ký, có khung hình phạt lần lượt là 15 và 5 năm tù giam. Ngay từ khi Nga xâm lăng Ukraina, Routh đã ủng hộ viện trợ quân sự cho Kiev và vài tuần sau đã có mặt ở Ukraina. Nghi can khoe rằng đã tuyển mộ nhiều người sang chiến đấu cho Kiev, nhưng chỉ là hoang tưởng.

Chỉ còn bảy tuần nữa đến bầu cử tổng thống, chiến dịch lần này kịch tính chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ : Vụ ám sát Donald Trump bất thành, Joe Biden bất ngờ từ bỏ tranh cử và Kamala Harris thay thế. Le Figaro lưu ý, thường khi sau khi bị mưu sát, nạn nhân sẽ giành được nhiều cảm tình của công chúng, nhưng lần này thì chưa hẳn, khi nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc.

Chiến lược kỳ lạ của Donald Trump : Đóng cửa với cử tri ôn hòa
Le Monde cho rằng chiến lược của Donald Trump rất kỳ lạ : đóng cửa trước những người ôn hòa, trong khi Kamala Harris tỏ ra trung dung để thu hút những cử tri còn đang do dự. Bản thân một cuộc tranh luận truyền hình không giúp thắng cử, nhưng vụ so găng vừa rồi giữa Donald Trump và Kamala Harris hôm 10/09 đã bộc lộ điểm yếu về chiến lược của Donald Trump.

Ông không khai thác thế mạnh của mình kinh tế. Dù lạm phát đã giảm còn 2,5 %, Trump có thể tập trung tấn công vào khủng hoảng địa ốc, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhấn mạnh đến vật giá tăng cao trong bốn năm. Tuy không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền Biden, nhưng góp phần giúp nhớ lại thời kỳ giá sinh hoạt dễ chịu khi Donald Trump làm tổng thống. Mê chơi gôn, ông đã quên mất nỗi lo thường nhật của người dân. Thay vào đó, nhà tỉ phú lại nói về việc di dân Haiti ở Ohio ăn thịt chó mèo.

Nhưng tệ hại nhất là ông đã bỏ rơi những người trung lập cho đảng Dân Chủ. Donald Trump không hướng về những cử tri đang không biết bầu cho ai vì nghi hoặc trước Kamala Harris, hay những người bảo thủ ôn hòa. Ngược lại, ông càng cực đoan hơn, đặc biệt về nhập cư, không vẽ ra được một tương lai cho Hoa Kỳ với những ý tưởng cụ thể. Tóm lại, Donald Trump tiến hành chiến dịch cứ như là cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa vẫn tiếp diễn, xuất hiện cả với một số nhân vật nổi tiếng cực hữu như Laura Loomer, đang bị chính những người ủng hộ trung thành nhất của ông đả kích.

Cuộc đua sát ván có thể được quyết định với vài chục ngàn lá phiếu
Donald Trump là nạn nhân của chính ông. Trump chỉ tin vào trực giác - sự nhạy cảm này đã giúp ông đứng bật dậy hô « Fight ! Fight ! » sau vụ mưu sát ở Pennsylvania hôm 13/07, tạo ra cả một làn sóng ủng hộ ông. Tin rằng được ân sủng, Trump kêu gọi đoàn kết. Nhưng chữ « đoàn kết » đối với cựu tổng thống còn kèm theo những chữ không nói ra là « đứng sau tôi ». Nikki Haley, đối thủ cuối cùng của ông trong bầu cử sơ bộ đã đến ủng hộ Trump nhưng được tiếp một cách lạnh nhạt. Lẽ ra Trump nên nồng nhiệt đón chào, hướng đến cử tri của bà vốn chiếm 15 % đến 20 % tại nhiều bang.

Về phía Kamala Harris từ khi bước vào cuộc đua đã không ngừng kêu gọi những cử tri đang lưng chừng. Đã đành sự ủng hộ của các nhân vật bảo thủ ồn ào nhất như Liz Cheney và cha là cựu phó tổng thống Dick Cheney không kéo được nhiều người, nhưng giúp các cử tri ôn hòa coi việc bầu cho Kamala Harris có thể là một hành động yêu nước, chống lại Donald Trump. Cựu tổng thống không quan tâm đến nhũng phát biểu của các diễn giả Cộng Hòa trong đại hội đảng Dân Chủ ở Chicago. Đây là một chọn lựa nhiều rủi ro, nếu cuộc bầu cử được quyết định bởi vài chục ngàn lá phiếu trong những bang chủ chốt.

Theo Les Echos, trong số những yếu tố như giàu nghèo, học vấn, màu da, tuổi tác, thành phố hay nông thôn, giới tính mới mang tính quyết định trong cuộc bầu cử lần này. Theo một nghiên cứu khả tín, tại 7 bang bản lề có đến 55 % cử tri nữ cho biết sẽ bỏ phiếu cho Kamala Harris, chỉ 40 % bầu cho Donald Trump. Dù tỉ lệ khác biệt không quá cao, nhưng trong cuộc đấu sát nút như hiện nay, như vậy đã đủ.

Ủy viên Thierry Breton từ chức : Pháp yếu thế trước Bruxelles ?
 
 Về thời sự nước Pháp,cánh tả Pháp tiếp tục bất hòa, cảnh sát và tư pháp điều tra những đường dây đưa người vượt biên - khi từ đầu năm đến nay đã có 46 di dân chết đuối khi toan vượt biển Manche. Bên cạnh đó, sự kiện ủy viên châu Âu Thierry Breton từ chức được tất cả nhật báo đề cập đến. Libération nhận định « Phía sau vụ từ chức của Thierry Breton là ảnh hưởng Pháp bị mất ở Bruxelles ». Theo tờ báo, sự ra đi của ủy viên châu Âu người Pháp hôm qua cho thấy Emmanuel Macron đã đầu hàng bà Ursula von der Leyen.

Chính quyền Pháp liên tục có những tình huống kịch tính, cả tốt đẹp (như Thế vận hội) lẫn xấu (như những náo động trên chính trường). Sau giai đoạn đầy hồi hộp từ việc giải tán Quốc hội, chọn lựa thủ tướng rồi đến thành phần nội các, nay đến lượt ủy viên châu Âu ra đi sau khi tố cáo trên mạng xã hội, một ngày trước phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu. Người ta biết rằng quan hệ giữa ông Thierry Breton và bà Ursula von der Leyen vốn căng thẳng. Bà Leyen không chấp nhận quan điểm tự do của ông Breton : ông từng chống lại việc bà tái tranh cử, nêu vấn đề đạo đức, và tự ý cảnh cáo Elon Musk.

Nhưng vấn đề không chỉ là sự xung khắc giữa hai nhân vật đều tự cao. Elysée nhanh chóng tiến cử cựu ngoại trưởng đã từ chức, Stéphane Séjourné, để phụ trách « vấn đề chủ quyền trong kỹ nghệ, công nghệ và tính cạnh tranh của châu Âu ». Ông Macron như vậy đã hy sinh ông Breton để vẫn giữ được một chức vụ ở Ủy ban Châu Âu, nhưng không bao gồm quốc phòng, một hồ sơ chủ chốt vào lúc thế giới đang tái vũ trang. Điều đó có nghĩa là Pháp đã đánh mất ảnh hưởng. Đối với Le Figaro, Emmanuel Macron sau khi giải thể Quốc hội vào tháng Sáu lại tiếp tục gây thiệt hại khi nhượng bộ bà Ursula von der Leyen.

Thierry Breton có thể làm phật lòng một số người, nhưng ông đã thúc đẩy được nhiều vấn đề chiến lược, từ kỹ thuật số, viễn thông đến quốc phòng, nguyên tử, không gian. Tờ báo không có gì phiền trách Stéphane Séjourné, nhưng việc ông « nhảy dù » xuống Bruxelles mang lại cảm giác một tổng thống mà ảnh hưởng giảm dần đang tìm chỗ đứng cho những người thân cận. Sau khi chấp nhận cho bà Leyen tiếp tục làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Emmanuel Macron lại giúp bà thanh toán đối thủ, chẳng khác nào khuyến khích bà cứng rắn hơn. Thế là nước Pháp vẫn đòi hỏi « tự chủ chiến lược » nay bị Bruxelles đối xử như một nước nhỏ, và Đức có thể qua mặt để điều khiển châu Âu.

No comments:

Post a Comment