Monday, September 16, 2024

Tình báo Ukraina : Bắc Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với Kiev

 

Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina Kyrylo Boudanov, hôm 14/09/2024, khẳng định trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, « Bắc Triều Tiên hiện là vấn đề lớn nhất » đối với chính quyền Kiev, do Bình Nhưỡng là nguồn cung cấp đạn dược « mạnh mẽ nhất » cho Matxcơva.

« Trong số tất cả các đồng minh của Nga, vấn đề lớn nhất mà Kiev phải đối mặt xuất phát từ Bắc Triều Tiên, do khối lượng vũ khí nước này cung cấp cho Nga và ảnh hưởng trực tiếp đến cường độ chiến tranh » trên các mặt trận tại Ukraina. Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina, Kyrylo Boudanov, tuyên bố như trên trong khuôn khổ hội thảo về chiến lược châu Âu, Yalta European Strategy – tổ chức tại thủ đô Kiev vào hôm qua. Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm quan chức này nhấn mạnh « Bình Nhưỡng cung cấp một số lượng đạn pháo rất lớn » cho Nga để phục vụ cuộc chiến do Matxcơva khởi động. Đây là một điểm hết sức « nguy hiểm » đối với Ukraina. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga nhưng với số lượng thấp hơn nên Kiev « không lo sợ bằng ».

Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp đạn dược và tên lửa cho Nga, điều mà chế độ Bình Nhưỡng một mực bác bỏ. Tuy nhiên AFP nhắc lại rằng theo điều tra của tổ chức Conflict ArmementResearch, những mảnh vỡ tên lửa thu thập được trên chiến trường Ukraina cho phép xác định đó là tên lửa do Bắc Triều Tiên chế tạo. Cũng trong phát biểu hôm qua tại hội nghị về chiến lược cho châu Âu, tướng Boudanov tiết lộ rằng Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo Iskanda và đã nhiều lần sử dụng bom bay nhắm vào những mục tiêu dân sự và quân sự trên lãnh thổ Ukraina. Điểm đáng chú ý cuối cùng được lãnh đạo tình báo quân sự Ukraina nêu ra liên quan đến khả năng Matxcơva dự trù chấm dứt chiến tranh Ukraina « trước năm 2026 » tránh để cuộc chiến kéo dài làm suy yếu kinh tế Nga.

Các tuyên bố trên được đưa ra vào lúc Anh, Mỹ và cả Đức đều loại trừ khả năng cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa để nhắm vào sâu trong lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, điều này không cấm cản tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden khẳng định « quyết tâm» từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ tăng cường sức mạnh cho Ukraina để đương đầu với Nga.  NATO thì lấy làm tiếc là « nhẽ ra Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn ngừa chiến tranh Ukraina ».

Nga và Ukraina trao đổi 206 tù binh
Về chiến sự, Kiev sáng nay cho biết đã bắn chặn được tên lửa của Nga tại khu vực Odessa, miền nam Ukraina. Chiến sự tiếp diễn không ngăn cản Nga và Ukraina trao đổi 206 tù binh vào hôm qua. Đây là đợt thứ nhì diễn ra trong tuần nhờ có vai trò trung gian của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Kiev cho biết đã phóng thích 82 binh sĩ và 21 sĩ quan của Nga. Đây là những người bị Ukraina bắt giữ « ngay từ những tháng đầu của cuộc chiến », tức là từ 2 năm trước. Trong số này có những người đã cầm súng bảo vệ Mariupol vào mùa xuân 2022, theo phát biểu của tổng thống Volodymyr Zelensky.

Trái lại, thông cáo của Matxcơva thì nói rõ các quân nhân Nga được trao trả đã bị bắt từ sau tháng 8/2024 khi mà Ukraina bắt đầu đánh vào vùng lãnh thổ Kurk của nước Nga. Hãng tin Anh, Reuters ghi nhận Ukraina bất ngờ đánh vào vùng Kursk của Nga, bắt giữ được ít nhất 600 lính Nga và dùng những người lính này để đổi lấy tự do cho các quân nhân Ukraina. Theo lời ông Dmytro Loubinets, đặc trách về hồ sơ trao đổi tù binh với Nga, tính đến ngày 14/09/2024 đây là đợt trao đổi từ binh lần thứ 57 giữa hai nước đang tham chiến và trên 3.600 quân nhân Ukraina đã « được trở về ».
Biển Đông : Philippines rút tàu hải cảnh khỏi bãi cạn Sa Bin trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

Ngày 15/09/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa. Con tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát. Tàu Magbanua ở bãi Sa Bin, cùng với tàu chiến cũ nát Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, là hai điểm nóng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc.

Trong thông cáo, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đưa ra lời giải thích : « Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbunua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về đảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành ».

Theo AFP, thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trong tuần này. Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu « rút ngay lập tức » con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.

Ngày 15/09, ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi cạn Sa Bin, Trung Quốc tái khẳng định « chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận ». Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 km.

Tàu Teresa Magbunua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai bên đã xảy ra trong thời gian này. Một ví dụ gần đây là đoạn video được người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của Hải cảnh Trung Quốc « đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Philippines » khiến tàu Teresa Magbunua bị hỏng nhưng không có người bị thương.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye và chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế hoặc khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Kể từ khi tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền ở Philippines năm 2022, Manila đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Teheran tăng cường an ninh trước kỷ niệm 2 nămphong trào đòi tự do cho phụ nữ Iran bùng phát
Cách nay hai năm, ngày 16/09/2022, Mahsa Amini, 26 tuổi, bị cảnh sát đạo đức Iran sát hại vì không đội khăn trùm đầu đúng « cung cách của người Hồi Giáo ». Vụ việc đã khơi dậy phong trào đòi tự do và quyền sống cho phụ nữ Iran. Dù bị thẳng tay đàn áp nhưng từ đó đến nay, « một cuộc cách mạng văn hóa vẫn đang âm ỉ » tại Cộng Hòa Cách Mạng Hồi Giáo Iran.

Theo các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nữ quyền, ít nhất 551 người chết và hàng ngàn người bị bắt giam từ 2 năm qua, sau khi bùng phát phong trào đòi tự do và quyền được sống cho phụ nữ Iran. Teheran đã hành quyết 6 người đàn ông có liên quan đến phong trào « nổi dậy » này. Lần gần đây nhất là vào tháng 08/2024, ngay sau khi tân tổng thống Massoud Pezeshkianvừa nhậm chức.

Chính quyền Iran vẫn « theo đuổi mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi trong công luận để giệttrừ mọi mầm mống chống đối ». AFP trích dẫn  số liệu từ tổ chức nhân quyền Iran Human Rights, trụ sở tại Na Uy, cho biết hơn 400 người bị hành quyết trong 8 tháng đầu năm nay. Human Rights Watch ghi nhận : thân nhân những người đã bị chế độ của giáo chủ Khamenei giết hại tiếp tục bị « sách nhiễu » và thậm chí là bị bắt giữ vì bị vu khống.

Gần đến kỷ niệm 2 năm ngày cô Amini bị sát hại, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ghi nhận « cảnh sát Iran tuần hành nhiều hơn, hiện diện thường xuyên trên đường phố, tại những nơi công cộng » ở Iran. Quốc Hội nước này chuẩn bị thông qua một dự luật siết chặt thêm cái được cọi là « văn hóa đoan trang của phụ nữ Hồi Giáo Iran và văn hóa đội khăn trùm đầu » của người đạo Hồi. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc lên án Teheran « tăng cường các biện pháp đàn áp nữ giới và bạo hành nhắm vào phụ nữ ».
Thiên tai : Đông Âu đối mặt với trận bão Boris

Ba Lan, Rumani, Cộng Hòa Séc và Slovakia đang phải đối mặt với trận bão lớn Boris. Tính đến sáng Chủ Nhật, 15/09/2024, đã có ít nhất 4 người chết tại khu vực đông nam Rumani, 1 người tại miền nam Ba Lan và 4 người mất tích tại Cộng Hòa Séc do bị nước cuốn trôi.

Hàng ngàn người phải sơ tán trong đêm qua tại Ba Lan và Cộng Hòa Séc, hàng trăm ngàn hộ gia đình bị mất điện. Từ chiều tối thứ Sáu, 13/09, hơn 100.000 lính cứu hỏa Séc được huy động trong công tác giúp đỡ thường dân sơ tán khỏi các vùng tâm bão. Chính quyền Séc ban bố tình trạng khẩn cấp tại vùng Moravia, phía đông bắc nước này. Còn tại Ba Lan chiều qua, đích thân thủ tướng Tusk đã đến khu vực bị mưa bão để kêu gọi người dân di tản. Tình hình đang ngày càng xấu đi, theo tường thuật vào sáng nay của thông tín viên RFI Adrien Sarlat từ Walbrzych :

« Tại Walbrzych, nơi chúng tôi vừa đến hôm qua, mưa to gió lớn suốt cả đêm. Nhiều khu vực đã bị ngập nước. Tình hình sẽ càng xấu đi trong những giờ sắp tới, và nhất là nước ngập ở dưới các hầm. Tại nhiều thị trấn chung quanh, hậu quả của trận bão Boris đã khá tai hại. Theo thông báo mới đây, có một người thiệt mạng ở Klodzko. Đây là một trong bảy địa phương mà dân cư đã phải sơ tán trong đêm qua. Có những nơi, nước dâng cao lên đến 6 mét vào sáng nay. Hàng ngàn người phải đi tránh bão.

Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk hôm qua đã đến tận đây và kêu gọi dân cư địa phương tuân thủ lệnh sơ tán trong lúc mà một số người dường như không ý thức được mức độ nguy hiểm của trận bão này. Một số nơi đã xóa kỷ lục từ năm 1997 về lượng nước mưa đổ xuống trong một thời gian nhất định. Mưa, giông sẽ còn kéo dài cho đến mai. Ở khu vực miền nam Ba Lan, tình trạng tồi tệ nhất vẫn đang ở trước mặt ».


Yagi – Miến Điện : 74 người chết, 89 người mất tích

Tại Miến Điện, theo các thống kê chính chính thức, bão Yagi đã khiến gần 160 người chết và mất tích. Chính quyền Naypyidaw cầu viện quốc tế trợ giúp khắc phục hậu quả thiên tai. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang chuẩn bị đón bão Bebinca. Trận bão này sẽ đi qua Thượng Hải trong đêm Chủ Nhật 15 rạng ngày 16/09/2024. Nhiều chuyến bay đến và đi từ Thượng Hải đã bị hủy bỏ vào sáng nay. Hoạt động hàng hải bị đình chỉ cho đến hết ngày thứ Hai 15/09/2024.

Đức tái lập các biện pháp kiểm soát biên giớiđể chống nhập cư trái phép

Một chốt kiểm soát ở Frankfurt, khu vực biên giới Đức - Ba Lan, ngày 16/09/2024. REUTERS - Annegret Hilse

Hôm nay, 16/09/2024, chính phủ Đức đã tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới trong 6 tháng để đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp. Berlin sẽ bố trí cảnh sát để kiểm tra tại biên giới với các nước nằm ở phía tây và bắc của Đức, bao gồm Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch. Cho tới nay chỉ có những người đi từ các nước ở phía đông và nam gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo và Thụy Sĩ mới bị kiểm tra.

Minh Phương

Về nguyên tắc, các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ như vậy bị cấm trong Khu vực Schengen, nhưng trong trường hợp có mối đe dọa đối với trật tự hoặc an ninh, các biện pháp này có thể được thực hiện trong thời hạn 6 tháng và có thể được gia hạn, nhưng không được quá 2 năm. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu lo ngại rằng điều này có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến nhiều nước khác trong khu vực làm theo. Trong khi đó, Berlin biện minh cho quyết định trên với lý do "bảo vệ an ninh nội bộ trước các mối đe dọa hiện nay của khủng bố Hồi giáo và tội phạm xuyên biên giới".

Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux cho biết về những hệ quả của các biện pháp kiểm soát biên giới này:

“Thành phố Frankfurt Oder khá giống với thành phố Strasbourg của Pháp nằm cạnh miền đông nước Đức. Ở phía tây sông Oder là thành phố của Đức, trong khi đó phía đông của dòng sông lại là thành phố Slubice của Ba Lan. Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, chính quyền đã nỗ lực đoàn kết hai dân tộc, gần như bị chia cắt bởi đường biên giới trong thời kỳ chế độ Cộng Sản ...

Việc Đức tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới vào tháng 10/2023 để chống nạn nhập cư bất hợp pháp đã giúp giảm bớt các vụ nhập cảnh trái phép. Nhưng những biện pháp đó cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người dân, theo giải thích của Andreas Oppermann, nhà báo địa phương làm việc cho kênh truyền thông RBB :

“Đây là một bất lợi rất lớn đối với người dân Slubice, vì thành phố này thường xuyên bị tắc nghẽn. Không chỉ vậy, đây cũng là bất lợi đối với chính những cư dân tại thành phố Frankfurt bên bờ sông Oder, chẳng hạn những người làm việc ở Slubice nhưng đã phải từ bỏ công việc, vì họ không bao giờ có thể biết liệu mình có đến đúng giờ hay liệu họ có thể trở về nhà hay không. Việc kiểm soát biên giới đã phá vỡ mọi thứ được xây dựng trong suốt 20 năm qua giữa hai thành phố.”


Trên khoảng 300 km biên giới giữa Ba Lan và Đức, những hình ảnh tương tự xuất hiện khắp nơi. Các phương tiện giờ chỉ có thể lưu thông trên một làn đường và chỉ được chạy với vận tốc 20 km/giờ tại các cửa khẩu đường cao tốc biên giới. Điều này đã gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở phía Ba Lan. Những người lao động xuyên biên giới bực tức. Trong khi đó, các tổ chức của giới chủ thì lo lắng về quyết định này của Đức, vốn đi ngược lại các hiệp định thương mại tự do của châu Âu.

Sunday, September 15, 2024

Biển Đông dậy sóng, nguy cơ xung đột tăng cao

The Economist báo động « Những ‘trận bão’ mới đang hình thành trên Biển Đông », với một giai đoạn đầy nguy hiểm từ thái độ cứng rắn của Trung Quốc và Philippines trong yêu sách chủ quyền biển đảo.

Ảnh tư liệu : Cờ Philippines trên một con tàu cũ của hải quân nước này mắc cạn năm 1999 và trở thành tiền đồn đánh dấu chủ quyền của Manila tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, ngày 29/03/2014. REUTERS - Erik De Castro

Thụy My
Bị tòa quốc tế tuyên bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn bành trướng
Cách đây 8 năm, Trung Quốc đã thua trận chiến tư pháp : Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye tuyên bố đòi hỏi chủ quyền hết sức phi lý của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ. Trung Quốc phản ứng bằng cách tiếp tục chiếm đóng và quân sự hóa các đảo nhỏ, rạn san hô, ngăn trở các nước khác đánh cá và khai thác dầu khí.

Hiện nay xung đột đang tăng cao. Hôm 17/06, tuần duyên Trung Quốc thậm chí còn dùng búa đe dọa thủy thủ Philippines đang trên đường tiếp tế cho một chiến hạm cũ trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) và hôm 31/08 tàu Trung Quốc đã tông vào Teresa Magbanua, tàu tuần tra lớn nhất của Philippines ở bãi cạn Sabina (tức bãi Sa Bin thuộc cụm Bình Nguyên của Trường Sa), làm lủng một lỗ ở mạn tàu. Những vụ đụng độ này gây phản ứng rộng rãi trên mạng xã hội trước những hình ảnh lính Trung Quốc hung hăng tấn công bằng vòi rồng.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam, Philippines và Malaysia phản kháng sự hiếu chiến của Bắc Kinh bằng những cách thức khác nhau, và nay đã lên tiếng mạnh mẽ hơn. Trên Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa yên tĩnh nhất vì đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974, xây dựng phi trường quy mô và bố trí chiến đấu cơ trên đó. Đáng lo ngại nhất là quần đảo Trường Sa.

Sự quyết đoán của Philippines và thế khó xử của Hoa Kỳ
Việt Nam bắt chước chiến thuật của Trung Quốc, củng cố những tiền đồn trên các đảo ở Trường Sa, nhưng Bắc Kinh không phản ứng. Malaysia tỏ ra dễ chịu, cho phép Trung Quốc tuần tra các ngư trường và buôn bán dầu. Philippines là nước quyết đoán nhất. Từ 2023, chính phủ của tổng thống Ferdinand Marcos đã quay mặt với Bắc Kinh, cho phép Hoa Kỳ lập thêm một số căn cứ quân sự mới, đồng thời có những tuyên bố cứng rắn, cho tuần tra thường xuyên để bảo vệ chủ quyền.

Mối nguy đối với Hoa Kỳ là các vụ đụng độ trên biển diễn biến xấu đi, trở thành đối đầu quân sự, và Mỹ phải bảo vệ Philippines theo hiệp ước hỗ tương quốc phòng. Hồi tháng Năm, tổng thống Marcos khẳng định nếu một công dân Philippines tử thương do xung đột, sẽ « gần như một hành động chiến tranh » và cho rằng Mỹ sẽ can thiệp. Tuy nhiên Hoa Kỳ ở thế khó xử vì không muốn một cuộc chiến tranh rộng lớn, còn nếu không hậu thuẫn một đồng minh quan trọng sẽ mất uy tín, và Trung Quốc tha hồ làm mưa làm gió trên Biển Đông với các yêu sách bất hợp pháp.

The Economist cho rằng trước hết cần phối hợp các nỗ lực giữa Hoa Kỳ và các đồng minh, đặc biệt là Philippines. Dù theo hiệp ước thì Washington phải ra tay trong trường hợp một tàu của nhà nước Philippines bị tấn công vũ trang, nhưng không có nghĩa là Manila có quyền tự ý leo thang.

Cùng công khai lên án và phối hợp hành động : Phương thuốc răn đe
Năm nay Manila đã gây căng thẳng khi điều tàu đến bãi Sa Bin vì nghi Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một công trình nào đó. Nhưng Philippines không có sự hiện diện liên tục tại rạn san hô này, như vậy là thay đổi nguyên trạng – điều mà Bắc Kinh rất ghét.

Hải quân Philippines can thiệp gần Bãi Cỏ Mây mà không báo trước cho Hoa Kỳ hay ông Marcos. Một số thành viên diều hâu trong Quốc Hội Mỹ cũng cổ vũ Manila có những hành động đầy rủi ro trên biển trong khi không có quyền lực yểm trợ. Theo The Economist, tốt nhất là nên phối hợp chặt chẽ khi đi qua những vùng biển tranh chấp, công khai thông tin và có sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ trước đó.

Ưu tiên thứ hai là tính minh bạch. Thế giới càng thấy thái độ của Trung Quốc là ngang ngược, hiếu chiến, thì càng không có tính chính danh. Trước đây nhiều nước bị áp bức nhưng giữ im lặng, nay Philippines đi đầu khi công bố cụ thể những vụ đối đầu trên biển. Các nạn nhân khác nên làm theo để tạo nên một nhóm quốc gia rộng rãi hơn phản kháng với Trung Quốc.

Đã có nhiều nước châu Âu lên án các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, ASEAN cần phải tiếp bước. Dù một số nước thân cận Trung Quốc như Cam Bốt và Lào cản trở, nhưng các thành viên còn lại cần lên tiếng, tất cả đều có lợi khi luật pháp hàng hải quốc tế được tôn trọng. Biển Đông đang trở nên nguy hiểm hơn, nhưng một chính sách răn đe rõ ràng của Hoa Kỳ và các đồng minh, đồng thời nhiều tiếng nói tố cáo các hành động tồi tệ của Bắc Kinh, sẽ là phương cách để cố gắng duy trì hòa bình.

Tình trạng « con vua thì lại làm vua » ở Đông Nam Á

Cũng liên quan đến Đông Nam Á, Le Monde cuối tuần nhận thấy chính trường thường do các gia tộc khống chế, từ Thái Lan, Indonesia đến Cam Bốt, Philippines. Tờ Financial Times mới đây ghi nhận, các « nepo babies » - từ ngữ chỉ con cái của những người nổi tiếng, « dựa hơi » thế lực của cha mẹ - đang trở lại cầm quyền tại Đông Nam Á, cả ở những nước dân chủ lẫn phi dân chủ.

Trở thành thủ tướng Thái Lan năm 38 tuổi hôm 16/08, Paetongtarn Shinawatra biểu hiện sự phục thù của gia đình bà. Người cha là Thaksin bị đảo chánh năm 2006 và người cô Yingluck lên nắm quyền năm 2011 bị truất phế năm 2014. Paetongtarn nằm trong số những « con ông cháu cha » đầy quyền lực ở Đông Nam Á.

Tại Cam Bốt, cách đây một năm Hun Manet lên nối ngôi Hun Sen trong một cuộc bầu cử không ai cạnh tranh được. Ở nước dân chủ Philippines, « Bongbong »Marcos, con của nhà độc tài bị lật đổ năm 1986, đã lên làm tổng thống năm 2022 sau hơn ba thập niên. Tại Indonesia hồi tháng Hai, Prabowo Subianto, con rể của nhà cựu độc tài Suharto đắc cử tổng thống, còn phó tổng thống chính là con trai của tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo.

Gia đình trị đi kèm độc tài hay dân chủ nửa vời
Ngoài Cam Bốt độc tài, các chế độ gia đình trị khác tự cho là đi theo con đường thứ ba, lửng lơ giữa dân chủ và độc tài, với « giá trị châu Á », khái niệm được xúc tiến trong thập niên 90 bởi Lý Quang Diệu (Singapore) và Mahathir Mohamad (Malaysia). Tuy nhiên sự quay lại với tình trạng « cha truyền con nối » cũng gây ra những phong trào phản kháng.

Chẳng hạn ở Indonesia, hôm 22/08 một cuộc biểu tình lớn đã khiến Quốc hội phải rút lại dự luật cho phép bầu thống đốc dưới 30 tuổi. Đó là nhằm ngăn Joko Widodo (tức « Jokowi ») đưa con trai út 29 tuổi ngồi vào ghế thống đốc Java Centre hay Jakarta vào tháng 11 tới. Dân chúng phẫn nộ vì năm ngoái Tòa Bảo hiến đã hạ tuổi ứng cử viên phó tổng thống từ 40 xuống 35, nhờ đó con trai lớn của « Jokowi » là Gibran Rakabuming Raka nghiễm nhiên lên làm phó.

Trường hợp Thái Lan thì gia tộc Shinawatra quay lại chính trường bằng cửa hậu, qua việc bắt tay với các kẻ thù cũ để ngăn chận phong trào dân chủ Move Forward. Ở Philippines, « Bongbong » Marcos được bầu lên với sự ủng hộ của Rodrigo Duterte và con gái nhà độc tài này là Sara Duterte được làm phó tổng thống, nhưng nay hai gia đình này đang xung khắc. Nếu thành công kinh tế của Nhật Bản và sau đó là các « con cọp châu Á » đã kích thích « giá trị » đặc thù của châu lục, thì các nhà độc tài nay coi Bắc Kinh là hình mẫu. Hun Sen củng cố chế độ gia đình trị của mình với sự hậu thuẫn vô điều kiện của một « con ông cháu cha » khác là thái tử đỏ Tập Cận Bình.

Putin lại dọa « lằn ranh đỏ »


Chuyển sang Ukraina, nơi chiến tranh vẫn đang ác liệt, Le Figaro cuối tuần chú ý đến việc Vladimir Putin lại đưa ra « lằn ranh đỏ » khi có tin phương Tây sắp sửa cho phép Kiev sử dụng hỏa tiễn tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga.

Putin khẳng định nếu phương Tây bật đèn xanh « có nghĩa là NATO tham chiến chống lại Nga », đe dọa sẽ trả đũa. Từ nhiều tháng qua, Ukraina vẫn đòi hỏi được tự do sử dụng các hỏa tiễn Scalp và Storm Shadow có tầm bắn từ 250 đến 500 kilomet của Pháp và Anh, cùng với ATACMS (từ 150 đến 300 kilomet) do Hoa Kỳ cung cấp. Kiev cũng muốn có các hỏa tiễn hành trình loại mới JASSM (300 đến 800 kilomet).

Với những vũ khí này, quân đội Ukraina có thể tấn công vào hậu cần quân Nga, và những phi trường nơi các oanh tạc cơ cất cánh. Việc Iran chuyển cho Nga các hỏa tiễn đạn đạo và cuộc tiến công của Ukraina sang vùng Kursk là các yếu tố thuận lợi cho Kiev. Tuy nhiên phương Tây vẫn dè dặt. Lời hăm dọa của Putin đã mở đường cho những cho những « Z-patriot », những kẻ dân tộc chủ nghĩa ở Nga. Họ kêu gọi « không nên sợ đối đầu với NATO », xem lại chủ trương về vũ khí nguyên tử.

Nga phản công nhưng chưa tái chiếm được Kursk

Le Monde cuối tuần quan tâm đến việc Matxcơva sau hơn năm tuần rốt cuộc đã tung ra cuộc phản công vào Kursk để cố đẩy lùi lực lượng Ukraina. Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định « trong hai ngày » đã giành lại được « 10 khu vực dân cư » ở phía tây lãnh thổ đã bị Ukraina chiếm đóng vào đầu tháng Tám. Hãy còn quá sớm để đánh giá cuộc phản công của Nga có thành công hay không vì không có bằng chứng rõ ràng.

Được biết bộ tham mưu Nga đã huy động khoảng 6.000 quân thiện chiến gồm lính dù và thủy quân lục chiến. Quân Nga vượt sông bằng thiết giáp nhẹ rồi tấn công, chiếm lại ba làng Snagost, 10-y Oktyabr và Vnezapnoie. Một nguồn tin thân cận quân đội Nga nói rằng ít nhất một sư đoàn dù đã được đưa từ Donbass về Kursk ; ban đầu rất thành công có lẽ do bất ngờ, nhưng quân Nga không tiến thêm được. Chuyên gia quân sự Ievhen Dyky thì cho rằng không có yếu tố bất ngờ ở đây, sở dĩ Ukraina không xây dựng phòng tuyến kiên cố vì ưu tiên cho các nhóm cơ động. Trong tình thế hiện nay, Kiev càng khẩn cấp cần được phép sử dụng vũ khí tầm xa. Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích sự chần chừ của Mỹ đã giúp Nga có thể di chuyển các mục tiêu quân sự vào sâu hơn.

Tại thành phố Pokrosvk đang bị quân Nga uy hiếp nặng nề, đặc phái viên Libération cho biết những cư dân còn ở lại trong khi chờ đợi được di tản, phải làm quen với tình trạng giới nghiêm, cúp điện, thiếu nước uống và khí đốt. Ở Kharkiv, đặc phái viên Le Monde ghi nhận người dân thành phố này đều có thân nhân sống ở bên kia biên giới chỉ cách vài chục cây số. Một số đã từ mặt nhau, số khác vẫn giữ liên lạc nhưng hố ngăn cách ngày càng sâu sắc kể từ cuộc xâm lăng.

Michel Barnier làm thủ tướng Pháp : Cánh hữu quay lại
image.png

Thời sự nước Pháp chiếm trang bìa của hầu hết các tuần báo. Le Point đăng ảnh thủ tướng Michel Barnier mà tuần báo gọi là « Nhiếp chính » với câu hỏi, liệu ông có thể giúp nước Pháp ra khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách hiện nay hay không. « Michel Barnier ở điện Matignon : Cánh hữu quay lại » là tựa chính của Le Figaro Magazine. L’Express đưa biếm họa tân thủ tướng Michel Barnier đang cõng trên lưng tổng thống Emmanuel Macron, chạy tít « Làm thế nào trụ được trong ba năm ? ».

Courrier International chọn hình vẽ tổng thống Pháp lái xe với thủ tướng Đức ngồi bên cạnh, chiếc xe nghiêng đang về bên phải, với dòng tít « Scholz-Macron : Ưu tiên ngả sang hữu ». Về mặt xã hội, Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho cuốn sách của tác giả Mona Chollet bàn về việc làm thế nào tránh được xu hướng tự nhận lỗi về mình khiến cuộc sống không được trọn vẹn. Riêng The Economist nhìn sang Hoa Kỳ, dự báo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ « sẽ tệ hại đến mức nào ».

Le Figaro Magazine nhận định việc bổ nhiệm ông Michel Barnier làm thủ tướng đánh dấu sự trở lại của cánh hữu. Tuy không phải là chọn lựa ban đầu của ông Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng biết cách tự khẳng định mình trước tổng thống.Barnier đưa các nhân vật Những Người Cộng Hòa (LR) vào chính phủ, không phá đi những chính sách mà Macron đã dày công xây dựng, cho phép duy trì sự ổn định. Ít nhất là trong khi thủ lãnh cực hữu Marine Le Pen không cùng với cánh tả bỏ phiếu bất tín nhiệm.

L’Express băn khoăn, liệu tân thủ tướng có nói thật về món nợ liên quan đến hồ sơ môi trường hay không. Tuần báo thiên tả Le Nouvel Obs cho rằng cuộc bầu cử Quốc Hội đã bị « đánh cắp », chỉ trích ông Emmanuel Macron « bán linh hồn cho quỷ » khi bắt tay với cực hữu. Tuy Michel Barnier là một nhân vật giàu kinh nghiệm, thân châu Âu, từng là nhà đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu về Brexit ; nhưng ông chỉ kéo dài chính sách của Macron đồng thời phải làm hài lòng cực hữu, trước hết về nhập cư.

Ai « tước đoạt cuộc bầu cử », Macron hay Maduro ?
Tuy nhiên tuần báo thiên hữu Le Point phản bác « Kẻ tước đoạt bầu cử không phải là người mà Mélenchon tố cáo ». Thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon nói rằng chính phủ Pháp « chối từ dân chủ », nhưng lại tránh lên án Venezuela. Qua cặp kính méo mó của Mélenchon, tổng thống Nicolas Maduro vẫn là hình mẫu, tuy Maduro đã gian lận bầu cử.

Người chiến thắng thực sự là Edmundo Gonzalez với 7,3 triệu phiếu bầu so với 3,3 triệu cho Maduro, mới đây phải chạy sang Tây Ban Nha tị nạn - quốc gia này chưa bao giờ công nhận Maduro đắc cử, « một khi không chính thức công bố các kết quả kiểm phiếu ». Khoảng 2.400 người biểu tình Venezuela bị bắt, hơn 20 người thiệt mạng. Đó là mô hình « xã hội chủ nghĩa » mà Mélenchon ca ngợi. Nhưng theo Courrier International, chế độ Maduro chưa thể ca khúc khải hoàn : thủ lãnh đối lập, bà Maria Corina Machado vẫn ở lại Venezuela để tiếp tục tranh đấu.

 

Sunday, September 8, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI: Ông Trump đưa ra những đề xuất mới trong bài phát biểu về kinh tế hôm 5/9

Đề cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã trình bày tầm nhìn kinh tế của mình cho đất nước trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào thứ Năm (5/9). 

Dưới đây là những đề xuất mới mà ông Trump đã đưa ra:

Quỹ tài sản không có giới hạn
Ông Trump tuyên bố nếu được bầu, ông sẽ thành lập một quỹ tài sản không có giới hạn để đầu tư vào “những hoạt động quốc gia lớn“, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường cao tốc và sân bay.

Ông Trump cho biết quỹ này sẽ được thành lập “thông qua thuế quan và những thứ thông minh khác” nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Giảm thuế cho các nhà sản xuất trong nước

Ông Trump cam kết sẽ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống 15% đối với các công ty sản xuất sản phẩm tại Hoa Kỳ.

Mặc dù ông Trump đã tuyên bố rằng ông muốn cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15%, nhưng trước đó ông chưa gắn mức thuế suất thấp hơn đó với việc duy trì hoạt động sản xuất trong nước.

Ông Trump đã cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 và vào tháng 6/2024, ông đã tuyên bố sẽ cắt giảm hơn nữa.

Ông Trump đã nhắc lại đề xuất xóa bỏ thuế thu nhập từ tiền boa, một ý tưởng mà ông đã đưa ra lần đầu tiên vào tháng 6/2024 để lôi cuốn những người làm dịch vụ. Luật hiện hành yêu cầu nhân viên phải báo cáo tiền boa của mình là thu nhập.

Elon Musk là quan chức giám sát tính hiệu quả

Ông Trump cho biết ông sẽ thành lập một ủy ban độc lập về hiệu quả của chính phủ do người ủng hộ ý tưởng này là tỷ phú Elon Musk đứng đầu, để loại bỏ lãng phí trong chính phủ liên bang. Ông Trump không nêu chi tiết về cách thức hoạt động của cơ quan này nhưng cho biết ủy ban mới đó sẽ xây dựng một kế hoạch để loại bỏ “gian lận và thanh toán không đúng cách” trong vòng sáu tháng kể từ khi thành lập.

Ý tưởng này không phải là mới lạ. Các chính trị gia khác đã đề xuất các cơ quan điều tra tương tự và Tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa Ronald Reagan đã thành lập Ủy ban Grace để làm điều tương tự trong nhiệm kỳ tổng thống 1981-89 của mình. Nhiều cơ quan đã được thành lập riêng, để điều tra gian lận và tình trạng kém hiệu quả trong chính phủ liên bang, bao gồm Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ và hàng chục tổng thanh tra riêng biệt.

Tình trạng khẩn cấp năng lượng
Ông Trump cam kết ban hành tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để thúc đẩy nguồn cung năng lượng trong nước. Ông Trump cho biết ông sẽ sử dụng tuyên bố tình trạng khẩn cấp này để loại bỏ các rào cản hành chính đang cản trở các dự án năng lượng mới.

Tổng thống có thể sử dụng tuyên bố đó để viện dẫn một loạt các quyền hạn đặc biệt, mặc dù các nỗ lực giúp các công ty năng lượng lách luật có thể sẽ bị thách thức tại tòa án và Quốc hội.

Cấm thế chấp nhà đối với những người di cư bất hợp pháp
Ông Trump nêu rõ ông sẽ cấm thế chấp nhà đối với những người di cư sống bất hợp pháp tại California, sau khi đưa ra tuyên bố mà không có bằng chứng rằng họ đang đẩy giá nhà lên cao. Ông Trump không cung cấp thông tin chi tiết về cách ông sẽ ban hành lệnh cấm như vậy và không nói liệu lệnh cấm có áp dụng ngoài California hay không. Các ngân hàng có thể hợp pháp cung cấp thế chấp cho những người di cư không có giấy tờ, nhưng không thường xuyên làm như vậy.

Giá nhà phải chăng

Ông Trump cam kết sử dụng không hạn chế một số phần đất liên bang để xây dựng nhà ở quy mô lớn, với các khu vực sẽ có “thuế suất cực thấp và có rất ít quy định“.

Mặc dù trước đó ông Trump đã nói rằng ông sẽ không hạn chế đất liên bang để xây dựng nhà ở mới, nhưng đây có vẻ là lần đầu tiên ông cam kết tạo ra một chế độ thuế và quản lý đặc biệt để thu hút những người xây nhà đến những khu vực đó.

Ông Trump trước đây đã lên tiếng phản đối các đề xuất nới lỏng các hạn chế về phân vùng địa phương ngăn cản việc xây dựng căn hộ, nhà song lập và các hình thức nhà ở giá rẻ khác trong các khu dân cư dành riêng cho nhà ở gia đình đơn lẻ.

Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa trong bốn năm tới vốn đã được thông qua tại đại hội toàn quốc của đảng này gần đây kêu gọi thúc đẩy việc sở hữu nhà thông qua các khoản giảm thuế và loại bỏ các quy định, mặc dù không nêu rõ các chi tiết cụ thể.

Ông Trump công bố kế hoạch bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk vào chính quyền
 
Cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk làm lãnh đạo ủy ban kiểm toán chính phủ nếu đắc cử, để tránh việc hàng nghìn tỷ USD bị chi tiêu lãng phí.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/9 phát biểu trước các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở New York, cho biết nếu ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, tỷ phú Elon Musk sẽ được giao nhiệm vụ giám sát toàn bộ quy trình kiểm toán tài chính và hiệu suất hoạt động của chính quyền liên bang.

Ủy ban giám sát hiệu quả chính phủ là ý tưởng của ông Musk, nhưng đây là lần đầu tiên ông Donald Trump xác nhận sẽ thông qua kế hoạch và chọn ông chủ của mạng xã hội X làm người lãnh đạo.

Ủy ban sẽ có 6 tháng để xây dựng kế hoạch hành động nhằm loại bỏ hoàn toàn gian lận và những khoản thanh toán sai. Điều này sẽ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD”, ứng viên Nhà Trắng đảng Cộng hòa khẳng định.

Tôi mong chờ được phục vụ nước Mỹ nếu có cơ hội. Không cần lương, không cần chức danh, không cần công nhận”, ông Musk viết trên X.

Bharat Ramamurti, cựu quan chức kinh tế của Tổng thống Joe Biden, cho rằng điều này đồng nghĩa ông Trump ủng hộ cắt giảm an sinh xã hội, bảo hiểm Medicare và chế độ phúc lợi cho cựu chiến binh.

Ông Trump cũng đang đề xuất cắt giảm hàng nghìn tỷ USD thuế với người giàu. Đó là mục tiêu cơ bản của ông ấy: Nhiều tiền hơn cho những người bạn giàu có, ít tiền hơn cho phần còn lại”, Ramamurti nói thêm.

Cựu tổng thống Trump từng hứa sẽ cắt giảm thuế mạnh tay, cam kết biến Mỹ thành trung tâm tiền điện tử của thế giới và bãi bỏ Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Biden, vốn hướng tới giảm chi phí cho năng lượng sạch và thuốc men, trấn áp những người gian lận thuế.

Ông Musk công khai thể hiện ủng hộ ông Trump từ sau vụ cựu tổng thống bị ám sát hụt ở Pennsylvania hồi tháng 7. Vị tỷ phú cũng xác nhận đã quyên tiền ủng hộ chiến dịch Trump, nhưng con số thấp hơn mức 45 triệu USD mỗi tháng mà truyền thông đồn đoán.

Ông Zelensky tuyên bố Ukraine kiểm soát 1300 km2, Nga mất hơn 6.000 quân ở Kursk
 
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tóm tắt kết quả tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự của Ukraine tại tỉnh Kursk của Nga trong cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (còn được gọi là định dạng Ramstein).

Ông Zelensky cho biết: "Hôm nay đánh dấu một tháng kể từ khi quân đội chúng tôi bắt đầu chiến dịch ở khu vực Kursk của Nga. Đây là vùng biên giới mà ông Putin đang chuẩn bị mở rộng chiến tranh vào lãnh thổ Ukraine. Ông ta đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mới vào thành phố Sumy của chúng tôi. Chúng tôi đã đảo ngược tình thế và đang đẩy chiến tranh vào Nga thông qua cuộc phản công của mình".

Ông Zelensky tiết lộ rằng lực lượng Ukraine hiện đang kiểm soát 1.300 km2 lãnh thổ trên hơn 100 khu định cư ở tỉnh Kursk.

"Một phần đáng kể lãnh thổ này đã bị quân đội Nga bỏ rơi. Họ chỉ bỏ chạy khi thấy lực lượng của chúng tôi tiến đến", ông Zelensky nói.

Ông cũng báo cáo rằng Nga đã mất khoảng 6.000 binh sĩ (tử trận và bị thương) trong tháng đầu tiên của chiến dịch của Ukraine tại tỉnh Kursk.

Cuộc tấn công Kursk bắt đầu vào ngày 6/8. Vào ngày 10/8, ngày thứ năm của cuộc tấn công sâu vào nước Nga của quân đội Ukraine, Tổng thống Zelensky thừa nhận rằng Ukraine đã đưa chiến tranh vào lãnh thổ Nga.

Tuesday, September 3, 2024

Nền Tảng Dân Chủ Của Hoa Kỳ Đang Bị Đảng Dân Chủ Phá Hoại

 

Đảng Dân Chủ đã tổ chức Đại Hội Đảng Toàn Quốc tại Chicago từ ngày 22 tới 25/8/2024.  Diễn giả trong 4 ngày đại hội, từ Bill Clinton, Hillary Clinton, tới Barack Obama, Michelle Obama, Nancy Pelosi, . . . tất cả đều không đề cập tới những vấn đề quan trọng của đất nước mà chỉ tập trung vào việc tấn công cựu TT Trump.  Trong ngày đầu tiên họ đã nói tới tên cựu TT Trump tới 147 lần.  Họ đổ lỗi cho cựu TT Trump là người đã gây ra khủng hoảng biên giới, lạm phát, kinh tế suy yếu, chia rẽ đất nước và những tệ hại khác hiện đang xảy ra.  


Khi đọc diễn văn nhận đề cử, Kamala Harris cũng chỉ tấn công cựu TT Trump mà không đưa ra một chủ trương, một đường lối hoạt động nhằm giải quyết những quan tâm, lo lắng và ước vọng của cử tri.  Kamala đã xuyên tạc cựu TT Trump sẽ cấm phá thai trên toàn quốc, sẽ cắt giảm an sinh xã hội và Medicare, sẽ hủy bỏ Obamacare, sẽ tăng thuế hàng hóa, . . .  Tất cả những điều này hoàn toàn sai sự thật, và chính CNN đã phải lên tiếng phủ nhận. 

Các diễn giả chính trong đại hội đảng Dân Chủ đã đổ lỗi cho cựu TT Trump về những vấn nạn đang xảy ra tại Hoa Kỳ là hoàn toàn vô lý.  Ký giả Scott Jennings của CNN, một tiếng nói của đảng Dân Chủ, đã phải nhìn nhận: “Cựu TT Trump không gây thảm họa cho đất nước vì Barack Obama làm Tổng Thống từ 2009 tới 2016, Joe Biden làm Tổng Thống và Kamala Harris làm Phó Tổng Thống từ năm 2021 tới nay, Trump mới có 4 năm, sao lại đổ lỗi cho Trump?  Trong 16 năm qua, đảng Dân Chủ đã kiểm soát đất nước này 12 năm, như vậy không thể đổ lỗi cho Trump về sự chia rẽ đất nước, về những đau khổ mà người dân đang phải chịu đựng.”

Đầu năm 2020 truyền thông báo chí đã xôn xao về tin Obama sẽ đề cử Biden làm ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ.  Trong suốt mùa tranh cử, Joe Biden đã trốn ở nhà, không có những cuộc vận động tranh cử nhưng ông ta vẫn giành được chiến thắng.  Kết quả bầu cử Tổng Thống năm 2020 vẫn còn nhiều vấn đề đáng nghi ngờ. Joe Biden đã gây tai họa cho đất nước.  Joe Biden không những là một Tổng Thống yếu kém mà ông ta còn bị những người trong bóng tối chỉ huy.  Rất nhiều lần Biden đã tỏ ra ngớ ngẩn, đứng im trên sân khấu, ngưng phát biểu và nói lẩm bẩm một mình.  Mỗi khi có họp báo, Biden đọc những câu hỏi đã được viết sẵn và chỉ gọi những phóng viên có tên trong danh sách.  Biden phân trần “Tôi phải làm đúng theo chỉ thị.”  Biden không được tự do làm công việc của một Tổng Thống, ông ta phải làm theo chỉ thị của một thế lực ngầm.  Tới nay người dân đã biết rõ Obama chính là người lãnh đạo thế lực ngầm. 

Cuối tháng 7 vừa qua, một tuần sau khi cựu TT Trump thoát chết trong một vụ ám sát, lãnh đạo đảng Dân Chủ gồm Obama, Chuck Schumer và Nancy Pelosi đã áp lực Biden rút lui khỏi cuộc tranh cử và đưa Kamala Harris ra thay thế.  

Kamala Harris được chính thức đề cử là ứng cử viên Tổng Thống

Đại Hội Toàn Quốc đảng Dân Chủ tại Chicago trong tuần qua đã chính thức đề cử Kamala Harris là ứng cử viên Tổng Thống của đảng.  Joe Biden đã giành được phiếu của hơn 14 triệu cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ nhưng vẫn bị đảng Dân Chủ loại khỏi cuộc bầu cử.  Người dân đã thực sự không có tiếng nói, họ đã không bỏ phiếu cho Kamala trong cuộc bầu cử sơ bộ.  Giờ đây họ phải chấp nhận một ứng cử viên Tổng Thống không có một cuộc họp báo chính thức, không đưa ra một đường lối hoạt động cụ thể ngoại trừ việc tuyên bố sẽ kiểm soát giá cả hàng hóa, thực phẩm, một việc làm theo sách lược của cộng sản.

Ngày 24/8/2024 vừa qua, New York Post đã phổ biến bài “Why Kamala Harris’ DNC nomination reminds me of the Soviet Union” của Rebekah Koffler, một bình luận gia, một cựu sĩ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.  Rebekah sanh tại Nga, tới Hoa Kỳ khi còn rất nhỏ, đã tình nguyện vào quân đội Hoa Kỳ sau biến cố 9/11.  Nhà bình luận này khẳng định: “Là một người đến từ Liên Xô, việc Harris được đề cử khiến tôi nhớ lại sự độc tài toàn trị của đảng cộng sản. Mặc dù Hoa Kỳ không phải là một nước theo cộng sản nhưng chủ trương, hành động của đảng Dân Chủ có những điểm tương đồng với cộng sản.  Đảng Dân Chủ đã theo bài bản của Liên Xô khi họ đề cử Kamala Harris làm ứng cử viên Tổng Thống của đảng.”  Rebekah nhấn mạnh “Đảng Dân Chủ đã rập khuôn của Liên Xô: Boris Yeltsin bất ngờ từ chức và Vladimir Putin lên nắm quyền.  Biden đột ngột bị loại bỏ, Kamala Harris được đưa lên thay thế.  Harris không tin tưởng chủ nghĩa tư bản, muốn áp dụng chính sách của Liên Xô, kiểm soát giá cả thị trường. Đây là dấu hiệu của một nhà nước độc tài, phải chăng đó là con đường Hoa Kỳ muốn đi tới?”

Đảng Dân Chủ luôn cáo buộc cựu TT Trump là người phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ, nhưng sự thật, chính đảng này đã và đang phá hoại nền dân chủ của đất nước.  Đảng Dân Chủ đã nỗ lực loại bỏ ứng cử viên Tổng Thống của đảng đối lập.  Từ năm 2016, khi cựu TT Trump ra tranh cử Tổng Thống, Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ đã mướn một cựu gián điệp Anh ngụy tạo hồ sơ vu khống cựu TT Trump có thông đồng với Nga.  Hồ sơ này không dựa trên một bằng chứng cụ thể nào.  Hillary Clinton đã xử dụng để tấn công đối thủ Donald Trump.  Liên tục hai năm sau đó cựu TT Trump còn bị Hạ Viện do đảng Dân Chủ nắm đa số, dưới sự lãnh đạo của Nancy Pelosi đưa ra đàn hặc, truất phế nhưng họ đã bị thất bại. 

Vào cuối tháng 10 năm 2020, ngay trước tuần lễ bầu cử Tổng Thống, New York Post phổ biến hồ sơ tham nhũng của cha con Biden được tìm thấy trong laptop bỏ quên của Hunter, con trai Biden.  Ngay lập tức, Ủy Ban Tranh Cử của Biden đã mua chuộc 51 cựu viên chức tình báo, yêu cầu họ viết thư xác nhận vụ laptop là tin giả do Nga tung ra.  Biden đã lừa dối cử tri, đã cầm lá thư này trên tay cho mọi người nhìn thấy trong cuộc tranh luận với cựu TT Trump.  Những công ty Big Tech: Google, Facebook, Twitter và đa số truyền thông thiên tả đã tiếp tay với đảng Dân Chủ xóa bỏ vụ laptop này, cho rằng đây là âm mưu của Nga. Trong một cuộc điều trần tại Hạ Viện, Mark Zuckerberg khai rằng FBI đã làm việc với Facebook trong vụ laptop này.  Đa số cử tri khẳng định họ đã không bỏ phiếu cho Biden nếu họ được biết vụ laptop này là tin chính xác.  

Trong hai năm qua, từ khi cựu TT Trump tuyên bố tái tranh cử Tổng Thống năm 2024, Bộ Tư Pháp đã đưa cựu TT Trump ra tòa trong nhiều vụ kiện.  Khi những vụ kiện này không đạt được kết quả như đảng Dân Chủ mong muốn, họ lại tìm cách loại tên cựu TT Trump ra khỏi cuộc tranh cử tại 16 tiểu bang Dân Chủ.  Nỗ lực này cũng bị thất bại, và cuối cùng vụ ám sát đã xảy ra, không rõ ai là kẻ chủ mưu.  Thật may mắn, cựu TT Trump đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.  Một sự thoát chết kỳ lạ không thể giải thích được mà chỉ tin rằng cựu TT Trump đã được Thượng Đế bảo vệ. 

Ứng cử viên Tổng Thống Robert F. Kennedy Jr. tuyên bố chấm dứt cuộc tranh cử 

Thứ Sáu tuần qua, ứng cử viên Tổng Thống Robert Kennedy Jr. tuyên bố chấm dứt cuộc tranh cử và sẽ ủng hộ cựu TT Trump.  Robert Kennedy Jr. đã nói rõ về hiện trạng của đảng Dân Chủ: “Trên thực tế đảng Dân Chủ đang phá hủy nền dân chủ của đất nước, khác với tuyên truyền rằng họ đang cố gắng cứu vãn nền dân chủ.”  Robert Kennedy Jr. cam kết sẽ hợp tác với cựu TT Trump để bảo vệ dân chủ và tự do cho người dân Hoa Kỳ. 

Robert Kennedy Jr. đề cập tới sự chuyển hướng của đảng Dân Chủ: “Tôi bắt đầu phát động chiến dịch tranh cử Tổng Thống vào 16 tháng trước đây với tư cách là một đảng viên Dân Chủ, đảng của cha tôi và của bác tôi, một đảng mà tôi đã tuyên thệ trung thành từ khi còn rất nhỏ, rất lâu trước khi đến tuổi bỏ phiếu. Trong quá khứ, đảng Dân Chủ bảo vệ hiến pháp, chống lại chủ nghĩa độc tài, chống kiểm duyệt, chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và các cuộc chiến phi nghĩa. Đảng Dân Chủ là đảng của người lao động, của giai cấp công nhân, là đảng của sự minh bạch trong chính phủ và bảo vệ môi trường.  Đảng Dân Chủ là thành trì chống lại các lợi ích của giới nhà giàu, quyền lực của các đại doanh nghiệp.  Đúng như tên gọi là đảng của nền dân chủ nhưng điều này không còn đúng nữa vì đảng Dân chủ đã che giấu sự suy giảm nhận thức của Tổng Thống đương nhiệm, đã trở thành đảng của sự kiểm duyệt, của đại doanh nghiệp: Big Pharma, Big Tech, Big Money, và đảng Dân Chủ là đảng của chiến tranh (The party of war.)”

Và Robert Kennedy Jr. đã phải rời đảng: “Tôi phải rời đảng để ra tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập.  Đây là điều buồn nhất cho tôi, cho đảng Dân Chủ, một đảng nhân danh bảo vệ dân chủ mà đã tự phá hủy nền dân chủ vì thiếu niềm tin vào ứng cử viên của mình.  Đảng Dân Chủ đã liên tục tiến hành những cuộc chiến pháp lý chống lại cựu TT Trump và tôi.”   

Robert Kennedy Jr. cho biết thêm: “Mỗi lần thiện nguyện viên của chúng tôi đem nộp những chồng chữ ký cần thiết, cao ngất ngưởng để được có tên trong lá phiếu thì đảng Dân Chủ lại lôi chúng tôi ra tòa, từng tiểu bang một họ cố gắng xóa bỏ công trình của chúng tôi và hủy bỏ thiện chí của các cử tri đã ký tên xác định ủng hộ chúng tôi.  Đảng Dân Chủ đã liên kết với các Thẩm Phán loại tôi và các ứng cử viên khác ra khỏi lá phiếu, và họ đã tìm mọi cách bỏ tù cựu TT Trump.  Đảng Dân Chủ đã có cuộc đảo chánh chống TT Biden.  Lãnh đạo đảng Dân Chủ đã không tìm người thay thế Biden một cách công khai qua cuộc bầu cử sơ bộ mà đã mờ ám đề cử Kamala Harris, một người không được lòng cử tri, đã bỏ cuộc tranh cử năm 2020 trước khi chưa giành được một đại biểu nào.” 

Cuối cùng Robert Kennedy Jr. kết luận “Rõ ràng đảng Dân Chủ đã phá hoại nền dân chủ của đất nước chúng ta.”

Kim Nguyễn
August 27, 2024