Tuesday, January 4, 2022

Những Mảnh Đời Rách Nát Chương 9 - Nguyễn Văn Huy & Phan Minh Hiển - Chương 9: Bạo tàn và nhân nghĩa

( Viết lại theo lời kể của phế binh Nhất Chi,
hiện cư ngụ cạnh cầu Rạch Chiếc.
)

Kính dâng hương hồn người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa trong cơn đại họa đã chiến đấu đến cùng, và chết gục trên cầu Rạch Chiếc, để bảo vệ thành phố Sài Gòn thân yêu.
Và, cũng xin dâng tặng tất cả những bạn bè đã quen, hay chưa bao giờ quen, đã nằm xuống vì đất nước.

Trong đời người, không có gì quý bằng tự do và nhân quyền. Sống mà không có được những điều ấy thì con người cũng như một thể xác vô hồn mà thôi.

Vì bảo vệ lý tưởng tự do và nhân quyền cho miền Nam, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng sáng ngày 30-4-1975. Nhiều anh chết gục ở lùm cây, bụi cỏ bên đường… Thân xác anh đã yên nghỉ dưới lòng đất lạnh, mồ các anh đà trở thành hoang dã trong suốt bao năm qua. Từ nỗi đau mất nước, lá cờ vàng ba sọc đỏ, hồn thiêng sông núi Việt Nam Cộng Hòa, đã biến thành giải khăn tang chung cho quê hương dân tộc Việt Nam. Hơn hai mươi bốn năm qua, cơn đại họa ấy tưởng như đã qua đi trong lòng mọi người nhưng dư âm của những tiếng khóc than và nỗi đau thương thống khổ của dân tộc vẫn còn vang vọng.

Tôi còn nhớ buổi sáng đầu tháng 5 năm ấy, gia đình tôi còn người anh đi lính không quân ở sân bay Tân Sơn Nhứt. Chờ mãi mà không thấy anh về, cha tôi đã khóc và bảo tôi đi vào phi trường để may ra tìm được xác anh mang về chôn cất. Đi dọc theo xa lộ Biên Hòa, tôi để mắt tìm kiếm khắp nơi, mỗi khi nhìn thấy một xác người nằm chết là tôi vội vàng chạy đến coi. Mỗi lần lật xác lên coi là mỗi lần thất sắc. Có người lính trẻ chết nằm ngửa, có người chết úp mặt, có người chết giữa lòng cầu Rạch Chiếc xác nổi lềnh bềnh trên dòng nước cạn, tất cả là lính bộ binh hay địa phương quân. Xa hơn, phía ngã ba Cát Lái, là xác chết của mấy người lính mặc áo hoa dù đã sình trương, bốc mùi khó chịu, ruồi nhặng bu đầy. Vì mãi đi tìm anh, tôi để lại sau lưng hình ảnh những người lính vô danh chết gục hai bên đường. Tôi ứa nước mắt hình dung nỗi mong chờ của thân nhân những người lính đang nằm kia, không biết trong giờ phút lịch sử này có bao nhiêu gia đình đang mong đợi những người con không bao giờ trở lại.

Tôi cứ đi tới. Trong đám cháy đã tàn ở sân bay Tân Sơn Nhứt, tôi vẫn còn ngửi thấy mùi mỡ cháy khét bốc ra từ thi thể đen xì của hai nữ quân nhân. Dân chúng nhớn nhác ngược xuôi đi lại, hoang mang, lo lắng khi nhìn thấy những lá cờ nửa xanh nửa đỏ và một ngôi sao vàng chóe (về sau mới hiểu đó là công cụ xâm lược của quân cộng sản Bắc Việt). Từng đoàn xe Motolova chở đầy bộ đội cộng sản đi vào thành phố Sài Gòn. Tôi thẫn thờ nhìn họ. Cùng là người Việt Nam mà sao cảm giác về họ xa lạ quá, cứ như là một dân tộc nước ngoài nào đó đến xâm lược quê hương tôi. Đau đớn và buồn tủi.

Miền Nam đã bị nhuộm đỏ cả rồi. Chính thể vàng son của Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Một chế độ độc tài đảng trị đè nặng lên đời sống người dân. Xã hội cũ nhào đổ khiến đời sống trở nên xô bồ. Ủy ban quân quản thành phố áp đặt lối sống mới, cách làm việc mới rập theo khuôn mẫu nước Trung Hoa cộng sản. Một chủ nghĩa mới làm đảo lộn nề nếp suy tư cũ.

Trên đường phố người dân thường bắt gặp những biểu ngữ hô hào, những cụm từ ca tụng Đảng và Nhà nước. Hàng ngày, trong những sinh hoạt tiếp cận quần chúng, các cán bộ cộng sản nhồi nhét những khẩu hiệu đó vào đầu óc mọi người. Họ khẳng định đó là “chân lý” duy nhất đem lại hạnh phúc, no ấm cho con người và còn quyết xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tức nhuộm đỏ thêm Việt Nam. Họ đã tìm cách phân tán dân cư, lập nhiều tổ phố nhỏ, đặt công an khu vực đôn đốc, khuyến khích, phê bình và báo cáo lẫn nhau để định xem ai là “người tốt”, “có tinh thần cách mạng”. Người nào bị tình nghi bất mãn thì bị coi là “kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của giai cấp”.

Trong cách sống không còn tình người đó, đất nước dường như mất đi linh hồn. Để tránh không bị “nhân dân” coi là “phản động chống phá cách mạng”, là “ngụy”, người ta hoặc phải khôn khéo gìn giữ lời ăn tiếng nói, phải tự thích nghi với các đại diện “giai cấp”, hoặc phải lặng câm. Nhà cầm quyền còn cho người trá hình trà trộn vào đời sống dân gian, giả bộ lập nhiều “tổ chức chống phá cách mạng” để gài rồi bắt trọn ổ “những phần tử phản cách mạng”, do đó không ai dám nói chuyện hay liên lạc gì với nhau nữa. Bởi vì không ai còn tin ai, không ai kể cho nhau những suy tư chân thật trong đời sống. Những người còn chút tiền bạc không thể tiếp tục sống trong bức màn sắt, đã tìm cách vượt biên, thoát ly kiếp sống đày đọa mà chính quyền mới áp đặt trên gia đình họ với hy vọng tìm thấy bên kia bến bờ đại dương tự do và hạnh phúc. Nhiều người không may đã để lại xác thân trong lòng biển cả.

Đời sống trong nước nói chung không còn các thần linh. Trong cuộc tranh giành biểu tượng, đâu đâu các cán bộ cộng sản cũng cho dựng tượng, vẽ hình lãnh tụ Hồ Chí Minh, để dân không còn nhớ gì khác nữa ngoài những điều mà Đảng tuyên truyền. Bức Tượng Thương Tiếc, linh hồn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, ở Nghĩa Trang Quân Đội Thủ Đức đã bị kéo ngã, mồ mả của chiến sĩ bị đào bới, san bằng để rồi ít lâu sau nhà cầm quyền cộng sản cho xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ màu mè và khang trang hơn ở phía đối diện, bên kia bờ xa lộ. Những ngôi chùa tuyên úy của quân đội bị tịch thu và biến thành khu “văn hóa cách mạng”. Tượng Đức Phật A Di Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát bị xe ủi đổ ngả nghiêng, vỡ nát. Những chú tiểu thì bị buộc phải hoàn tục, ngơ ngác đi vào cuộc sống mới. Nhà nước cộng sản đã biến nơi thờ phượng Thiên Chúa của Nha Tuyên Úy Tin Lành trong khu gia binh gần Trường Bộ Binh Thủ Đức thành kho chứa lương thực mà vẫn chưa vừa lòng, họ còn cho người leo lên gác chuông đập gãy thánh giá.

Người cộng sản có rất nhiều khả năng vì họ dám làm những điều mà người khác không dám làm. Để đề phòng và uốn nắn dân chúng dễ dàng hơn, nhà nước cộng sản ra lệnh tập trung những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đưa đi “học tập cải tạo” ở những vùng xa xôi. Trong dân chúng, sự đi lại bị hạn chế, từ xã này qua xã kia phải xin giấy chứng nhận đi lại. Chính sách ngăn sông cấm chợ làm cho lương thực dần dần trở nên khan hiếm, thiếu gạo người ta phải ăn độn bo bo và khoai sắn. Để di dời những người dân cũ ra khỏi thành phố, nhà nước phát động phong trào đi “kinh tế mới”, đưa dân vào những vùng sâu hoang dại. Những binh lính, hạ sĩ quan muốn yên thân, không bị dòm ngó, đã đem cả gia đình đi theo, đã lao tác đến kiệt lực vì đói, và chết dần vì dịch bệnh sốt rét và kiết lỵ.

Bánh xe lịch sử quay nhanh quá làm người dân chóng mặt. Những thương phế binh sống sót sau cuộc chiến cảm thấy bơ vơ, không con biết xoay sở làm sao để bảo toàn mạng sống. Chúng tôi có cảm tưởng như những đứa trẻ bị tật nguyền vừa mới sinh ra đã mồ côi cha mẹ. Những phế binh Việt Nam Cộng Hòa, đã hy sinh một phần thân thể bảo vệ quê hương, chỉ biết im lặng chịu đựng trong cuộc sống mới, hoàn cảnh sinh nhai cực kỳ khốn khó. Là những chiến binh được huấn luyện để đối phó với quân thù, chiến thắng hoặc hy sinh, nay phải cúi đầu trước đám thanh niên xấc láo và hỗn xược.

Mỗi khi nhớ lại tiếng nói của “chuẩn tướng” tham mưu phó Nguyễn Hữu Hạnh kêu gọi các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng quân địch, chúng tôi không khỏi kinh hoàng. Nhiều lúc bạch biện để tìm chiếc phao hy vọng, người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi cho đó là một kế dụng binh đánh lạc hướng quân địch để tập trung lực lượng tái phản công chứ không ngờ cấp “chỉ huy” của chúng tôi làm công tác địch vận cho quân cộng sản tiến chiếm thủ đô Sài Gòn. Giờ đây, các cấp chỉ huy của chúng tôi một số hợp tác với quân thù, một số bỏ đi nước ngoài, những người còn lại phải đi “học tập cải tạo” và tập thể anh em phế binh chúng tôi bị bị kết tội là phế binh “ngụy” làm bẩn thành phố.

Ở những vùng xa đô thành Sài Gòn, những người cộng sản không nễ nang gì nữa. Họ ra lệnh tịch thu những căn nhà cứu tế của phế binh do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp. Ơ? làng Mỹ Thới, anh em phế binh phải đi ra khỏi nhà trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Vì không còn nơi nương tựa, nhiều người đã bỏ miền Tây lên Sài Gòn sống lang thang trên các đường phố, đêm ngủ ở các sân ga, bến xe, sạp chợ và những nghĩa địa bỏ hoang…

Anh em chúng tôi đã gặp nhau, hỏi thăm và thông cảm lẫn nhau. Chúng tôi họp nhau thành những nhóm nhỏ và hàng ngày đến các đình chùa để lãnh nhang đi bán dạo khắp các phố phường. Chúng tôi đã gõ cửa từng nhà, thậm chí từng tâm hồn, để bày tỏ nỗi niềm, hoàn cảnh… Cũng may là chúng tôi đã gặp được nhiều người vẫn còn nặng lòng với quê hương, đã ân cần giúp đỡ chúng tôi và khuyên chúng tôi nên vững lòng chờ một ngày mai tươi sáng. Ngày mai đó chưa đến, nhiều anh phế binh bị tàn phế nặng, gia cảnh lại nghèo không đi bán nhang nổi, đã phải đi ăn xin. Chúng tôi cố kéo dài đời sống để chờ đợi, vốn liếng và sức sống vơi cạn dần theo năm tháng, ý chí phản kháng, chút hào khí còn lại của một chiến binh, bị cạn kiệt dần.

Trí óc chúng tôi trở nên chậm chạp vì hoàn cảnh khắc nghiệt của cơm áo dày vò. Cảm giác về cái đói lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Chúng tôi thụ động trước hệ thống tuyên truyền trên các loa đài và báo chí cộng sản và không hy vọng gì ở các đài phát thanh Việt ngữ từ hải ngoại vọng về. Chúng tôi buông “thõng tay” đi vào cuộc sống như những xác không hồn, tự do và nhân quyền không có trong xã hội này. Sự lải nhải đến độ nhàm chán của các khẩu hiệu cộng sản cứ lặp đi lặp lại hoài, hết năm này qua tháng nọ, làm cho đầu óc chúng tôi mệt mỏi . Chúng tôi nhục nhã, bất lực chìm trong cuộc sống không có ngày mai. Con người trở nên đểu cán, sẵn sàng lừa dối nhau vì sợ đói, những bi kịch về sự phản bội xảy ra hàng ngày trong cuộc sống.

Hoàng Thụy là một phế binh cụt một chân ở Long Khánh, vợ anh còn chút nhan sắc đi mua bán than lậu. Trong một chuyến đi buôn vợ anh Hoàng Thụy bị bắt, vì muốn cứu lấy số hàng ấy nên chị đã chiều là làm… “vừa lòng” người cán bộ kiểm lâm. Sau đó cuộc sống vợ chồng hai anh chị trở nên khó thở, cuối cùng rồi hai người bỏ nhau. Chị đã dẫn đứa con gái nhỏ đi theo người cán bộ, còn anh Thụy thì lên Sài Gòn đi bán nhang dạo, hy vọng gầy dựng được ít vốn liếng về quê làm lại cuộc đời. Nhưng sau một thời gian lăn lóc, Hoàng Thụy tiêu dần số vốn, việc mua bán cũng tàn lụi theo thời gian. Anh gặp anh Nguyễn Văn Sơn, một phế binh cụt hai chân, hai người hợp nhau lại thành cặp “ca sĩ” bất đắc dĩ trên các hè phố.

Có lẽ đời sống hai anh sẽ khá hơn nếu như thành phố không có những “chiến dịch thu gom người già và tàn tật”. Vào thời điểm Ba Nhiệm làm trưởng ban “truy quét tệ nạn xã hội” của thành phố, các anh em phế binh sống những ngày thật là kinh hoàng. Chỉ cần nghe hai tiếng Ba Nhiệm là tay chân anh em đã… rụng rời. Trong dịp mừng ngày “chiến thắng 30-4”, nhà nào cũng treo cờ, đường phố giăng đầy những biểu ngữ hô hào những điều tốt đẹp, hai anh đã bị bắt khi đang hát: “Mặt trời mọc ở hướng Đông, nhưng ở đây, quê hương tôi, hướng Tây mặt trời vẫn mọc…” (“Mặt trời mọc ở hướng Tây”, lời và nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sáng tác khi bị giam ở Khu Fatima, Bình Triệu. Anh bị phạt cách ly với các bạn tù một tháng).

Hai anh bị toán dân quân và công an có nhiệm vụ truy quét trói và quăng lên xe chở về Nhà Nuôi số 3 ở Thị Nghè. Tại đây, anh Sơn và anh Thụy đã tỏ ra bướng bỉnh khi làm “tờ nhận tội” liền bị cho là “ngoan cố”, cán bộ chấp pháp đi vòng ra sau lưng co chân đá vào lưng khiến hai anh bị văng xuống nền xi-măng và đạp vào đầu nên cả hai bất tỉnh. Ở Thị Nghè được vài ngày thì hai anh bị đưa đi “lao động cải tạo” ở Nhà Nuôi số 4 Phú Giăng, Sông Bé.

Tuy gọi là “nhà nuôi” nhưng thật ra đó là những nhà giam theo đúng nghĩa, những người bị đưa vào đây đều bị coi là “tội phạm” hình sự, do đó bị tra tấn và hành hạ thường xuyên; hơn nữa điều kiện giam giữ cũng nghiệt ngã không thua gì những trại giam nổi tiếng khác. “Tội phạm” là những người bị bắt trong các đợt bố ráp lòng lề đường, sau một thời gian bị tạm giữ ở các “nhà nuôi” trong thành phố tất cả bị phân loại và đưa về các “nhà nuôi” khác rộng rãi hơn để lao động. Khác với các nhà giam, tại đây không ai có quyền khiếu nại là bị giam giữ trái phép hay không có án phạt rõ ràng; thời gian ở nơi đây được coi là để “nuôi dạy” nên có thể ở vô thời hạn, nhiều người đã ở lại vĩnh viễn. Thời gian bị giam giữ tùy thuộc ban quản giáo trại, những hung thần có quyền sinh sát trên số phận tù nhân; sự hiện diện của công an cũng có phần kín đáo hơn vì tất cả đều mặc thường phục nhưng cấp bậc vẫn theo ngạch công an.

Ai đã ở Nhà Nuôi số 4, Phú Giăng Sông Bé thì sẽ nhớ mãi những nỗi kinh hoàng trải qua. Mỗi nhà nuôi có vài căn trại, mỗi căn rộng chừng 200 mét vuông với khoảng 100 người bị giam trong đó. Tối về mọi người phân chia chỗ nằm và thay phiên nhau ngồi quạt cho nhau. Sáng đến, khi nghe tiếng kẻng điểm danh và lao động, người này lay gọi người kia, ai nằm im không cục cựa nữa thì đem đi… hỏa thiêu tại lò thiêu Bà Quẹo, ai còn sống thì đi lao động.

Tại đây mọi người đều phải làm việc, người mù thì ngồi lặt đậu phọng, người cụt hai chân thì đan rổ, người cụt hai tay ra giếng đạp trục bơm nước cho người cụt một chân hay cụt một tay thì xới đất, tưới cây. Ai cũng có việc làm để sinh lợi cho “nhà nuôi” và các cán bộ quản trại. Thân nhân những người bị giam giữ chỉ được vào thăm nuôi mỗi tháng một lần, quà cáp thăm nuôi bị kiểm soát rất kỹ. Anh em nào được thăm nuôi thường chia sẻ với những người mới bị bắt vào từng cục đường, trái chuối. Nhiều người quá đói ăn luôn cả vỏ chuối và xin luôn cả vỏ chuối của người khác để ăn, có khi còn nhấm nháp cả cùi bẹ chuối.

Ở “nhà nuôi”, anh em thường hay chết vì những nguyên nhân “không đáng kể”. Ai bị bệnh nặng phải chờ qua hôm sau, có khi qua hôm sau nữa mới được khám và cấp thuốc, nhiều người đã không chờ được “ngày hôm sau” đó. Bệnh tiêu chảy và kiết lỵ đã giết chết nhiều anh em. Những cuộc trả thù báo oán giữa các phe phái trong việc tranh giành chức đàn anh để hưởng một vài quyền lợi cũng đã làm nhiều người thiệt mạng. Khu đất canh tác sau “nhà nuôi” ngày xưa lưa thưa mồ mả, nhưng từ khi có anh em phế binh về đây thì số lượng mồ mả đầy kín cả khu vực. Xác những người bất hạnh được bó sơ sài trong mảnh chiếu tre rồi được chôn cất vội vàng phía sau trại, làm phân bón cho cỏ cây. Nơi đây cây mì, củ lang mọc rất xanh tốt, nuôi sống những người còn lại.

Sự đời cái gì cùng quá thường hay sinh biến, “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Trong số các anh em phế binh có anh Năm, một phế binh cụt cả hai chân, già nhưng có nhiều kinh nghiệm. Trong lần đi bán nhang xa bị ế không về nhà kịp nên anh phải ngủ “bụi”. Xui cho anh là lúc đó đang có chiến dịch, người ta đã xúc anh lên xe và đưa vào “nhà nuôi”. Anh nhớ lại một câu nói: “Khi người cộng sản đã nói là thương và giúp đỡ cái gì thì cái đó sẽ mất”, và anh không khỏi rùng mình mỗi khi nghe hai tiếng “nhà nuôi” và “cải tạo”.

Cùng cực quá hóa liều, anh Năm nghĩ là ở lại đây chỉ có chết thôi nên đã rủ một bạn khác tìm cách trốn trại. Anh nhờ anh Xuyến mù hai mắt cõng trốn. Nhưng chẳng may hai anh đi lạc đường, lọt trúng ổ phục kích của công an trên tuyến đường từ Phú Giáo về Tân Uyên chận bắt dân buôn lậu than. Cả hai anh bị bắt lại và bị trói ngồi vào một góc rừng chờ giải giao về lại Phú Giăng. Trong đêm tối hai anh lén cởi được dây trói trốn được vào rừng, rồi từ đó đi dọc theo tuyến xe về Tân Uyên. Đêm đi ngày nghỉ, hai anh đi suốt đêm và bới trộm khoai ăn. Đi được ba hôm, hai anh quyết định ra lộ đón xe về lại Sài Gòn. Hành khách trên xe hiểu chuyện đã chung góp nhau một số tiền giúp đỡ hai anh mua nhang bán tiếp.

Anh Thụy và những anh em phế binh khác thì không có cơ may như thế nên đã ở lại “nhà nuôi”, chịu đói đến xanh da, mỗi bữa chỉ được ăn chưa đầy hai chén cơm và một khoanh củ mì. Mỗi tuần lễ các anh em được ăn mắm ruốc một lần, những ngày thường thì ăn cá khô hay cá ươn, loại dùng để nuôi heo và bón cây. Vì ăn quá mặn và uống nước nhiều có cảm giác no, lâu ngày nhiều anh em mắc các loại bệnh đường ruột.

Tiêu chuẩn được đi vệ sinh của mỗi trại viên mỗi ngày hai lần, muốn đi phải “đăng ký” trước và cho cán bộ rảnh rỗi mới dẫn cả đoàn đi. Nếu anh em nào bị “chột” bụng, mắc bệnh kiết lị, lỡ “ị” ra quần hay xin đi quá “tiêu chuẩn” thì bị phạt roi. Người bị phạt phải nằm xuống chịu cho cán bộ quản giáo quất hai roi vào lưng hay vào đít cho mỗi lần “vi phạm nội qui” của trại. Cho nên anh em rất sợ mắc bệnh kiết lắm, cán bộ phụ trách “hình luật” không nương tay với bất cứ ai.

Kể cũng nhục thật, mặt những thằng nhỏ cán bộ quản giáo đáng tuổi con cháu mà dám cầm roi quất vào thân hình tật nguyền của những người đáng tuổi cha chú nó. Không biết sau khi hành hạ người già yếu và tật nguyền như vậy chúng nó có sung sướng gì hơn không. Nhiều thằng còn văng tục chửi bới những anh em nào né đòn hay kêu đau. Mỗi lần mang ai ra quất, thường là buổi chiều tối, ban quản giáo triệu tập tất cả trại viên lại rồi “thi hành kỷ luật” ngay trước mặt mọi người. Nhiều anh em đau tức quá chửi lại thì bị quất nhiều hơn, có anh nằm luôn tại chỗ, những trại viên khác phải khiêng vào phòng xức dầu cù là và hái lá cây rừng xoa vào vết thương cho chóng lành. Trong lúc hoạn nạn mới biết tình người thật đúng.

Anh Hoàng Thụy, sau một thời gian bị giam giữ đã kiệt sức, mắc bệnh lao nên được thả về. Về lại Sài Gòn, anh gặp lại anh Sơn ở ngoài đời. Anh Sơn vì sức yếu và cụt hai chân không làm gì nên chỉ ở một thời gian ngắn và được thả về trước. Lần này hai anh không còn dám đi ăn xin nữa, thường là nằm nghỉ trong các nghĩa địa chịu trận, “ăn xin” bà con trong “cộng đồng nghĩa địa” cho ăn.

Anh Năm Huệ, một lão tướng trong nghĩa địa, bày cho các anh em cách che mắt những người có nhiệm vụ truy quét tệ nạn xã hội trên các lòng lề đường bằng cáchsắm sẵn vài bó nhang mang theo trong người, lỡ khi bị chận bắt thì chìa ra làm bằng chứng: “…Tụi tui đâu có đi xin, tui đi bán nhang cho nhân dân thờ kính ông bà mà”, và anh còn dặn thêm:

– Phải cãi cho đến cùng, đừng hy vọng họ sẽ cảm thông. Nếu cãi không được thì phải tìm cách chạy trốn.

– Thôi, tôi không còn gì nữa – Sơn ngao ngán thở dài. Tôi để thành phố này lại cho cộng sản ở, để họ ăn cơm và thở hít không khí được nhiều hơn. Tôi tìm đường về các miền quê xa.

Nhưng hai anh Thụy và Sơn thì đã thất chí nên không còn nghe gì nữa cả. Năm Huệ cố tìm lời khuyến khích:

– Sao mà bỏ cuộc sớm quá vậy, chúng ta cần phải hiểu cách nghĩ nhìn của người cộng sản, phải “diệu dụng” trí xảo mà kéo dài đời sống chớ!

– Sống để mà làm gì? – Sơn hỏi lơ đãng.

– Để chờ đợi – Năm Huệ trả lời.

– Chờ đợi cái gì! – Hoàng Thụy thở ra, mắt nhìn xa xăm. Chúng ta đã chờ đợi… hơn hai mươi năm rồi, đầu nay đã mọc hai thứ tóc. Cái mà anh em mình chờ đợi có bao giờ đến đâu?

Năm Huệ nhìn họ:

– Thật ra điều chờ đợi và hy vọng của chúng ta là… tình thương, khi tình thương trở lại thì mọi sự sẽ khác thôi.

– Tình thương! Rời rạc quá anh Năm à. Tình thương làm gì có trên đời này? Nói để cho có nói mà thôi.

– Vậy những năm tháng đã qua anh em sống bằng gì? Nếu như không có tình thương thì chúng ta đã chết cả rồi. Có điều là chúng ta cần phải áp dụng câu ngạn ngữ của người Tây hay nói đó: “Mày hãy tự giúp mày đi, trời sẽ giúp lại”. Mấy chú còn nhớ không?

– Là sao? – Sơn chẳng hiểu gì cả, mệt mỏi hỏi lại.

– Là… là mình hãy tự cứu mình đi, rồi trời sẽ cứu mình lại.

– Què cụt như chúng mình lo cho mình còn chưa xong thì còn hơi đâu làm được cái gì khác nữa – Thụy ngao ngán nhìn Sơn.

Sau lần nói chuyện đó, Thụy và Sơn không còn tiếp xúc với anh em nữa. Họ thường im lặng, nên anh em chúng tôi cũng không hiểu họ cảm giác ra sao về cuộc sống.

Một buổi chiều kia, hai anh Thụy và Sơn ra bến Bạch Đằng nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử. Những người dạo mát ở gần đấy kể lại rằng: “Hai người ấy ngước mắt nhìn tượng Đức Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống dòng sông một lúc lâu rồi mới nắm tay nhau nhảy ùm xuống dòng nước đang chảy xiếc…”.

Xác hai anh được vớt lên. Cha anh Sơn, một ông già còm cõi đang bán bánh ú và bánh tét quanh chợ Bến Thành, hay tin đến nhìn xác con. Nhưng ông im lặng đứng chung vào với những người hiếu kỳ, ông không dám đứng ra nhận là thân nhân của người xấu số. Ông không có tiền để mai táng con ông. Ông đứng thẫn thờ nhìn chiếc xe chở xác con ông đi khuất rồi mới dám khóc. Những giọt nước mắt từ lâu bị đè nén đã tuôn trào như mưa.

Sau khi hay tin hai anh Sơn – Thụy cùng nhau tự tử, cảm giác bấp bênh về một cuộc sống vô vọng ở ngày mai đè nặng lên tâm trí các anh em phế binh còn đang lang thang khắp thành phố kiếm sống. Hai chữ “tự tử” lờn vờn trong tâm trí của anh em, mỗi người suy nghĩ cách từ bỏ cuộc sống của mình.

Anh Thơm nhìn đứa con nhỏ chết từ từ vì suy dinh dưỡng, anh không có điều kiện để cứu con nên cứ cho rằng đáng lẽ ra nó chưa phải chết nếu được mẹ nó quan tâm đúng mức. Anh buồn quá không đi bán nhang nổi nữa. Anh mệt nhoài nằm nghỉ dưới chân cầu sắt bắc ngang qua sông Sài Gòn gần Ngân Hàng Quốc Gia cũ, nghĩ lại lời bạn bè kể lại thấy vợ anh ra bùng binh chợ Bến Thành “đi khách” để dành tiền cho anh làm vốn đi bán nhang. Anh mở nút hai típ thuốc ngủ trút hết vào miệng. Bị say thuốc, anh ộc mửa đầy cả áo quần, thân hình anh dẫy dụa mấy cái rồi “ngủ” luôn dưới chân cầu.

Lộc què mắc bệnh ho lao thắt cổ chết trong một toa xe lửa bỏ hoang ở Biên Hòa. Quý “đốc tưa Zivago” không nuôi nổi mẹ già 80 tuổi, bất lực nhìn mẹ già cầm lon ra chợ xin thức ăn nên cũng thắt cổ chết lè cả lưỡi ra. Thanh “Liệt” thì mài dao tự cắt cổ, cứa mãi không đứt vì sợ đau đâm ra bực mình liền chỉa mũi dao đâm một cái phọt thẳng vào tim. Anh chỉ kịp la lên một tiếng “ỐI” rồi buông dao ôm ngực ngã xuống đất, giãy đành đạch mấy cái rồi chết. Máu chảy ra lai láng, ruồi nhặng bu đầy làm nhiều người không dám đi ngang qua chỗ anh chết.

Anh Xuyến mù thì “tự chết” bằng cách cứ tiếp tục đi xin. Nghe đâu anh đã bị bắt trở lại rồi bị đưa lên “nhà nuôi” ở Núi Bà Đen Tây Ninh. Nhiều người trong trại đó trở về cho biết xác anh Xuyên chết cứng từ hồi nào trong đêm, sáng ra người ta mới phát giác, không biết anh Xuyên chết vì lý do gì.

Những anh em phế binh khác gặp may hơn vì nghe theo lời Năm Huệ cố phấn đấu từng ngày, thậm chí từng bữa, nên tiếp tục sống cho đến ngày hôm nay. Điều mà anh em phế binh chúng tôi chờ đợi từ lâu đã đến, đó là những cộng đồng người Việt tha hương ở khắp nơi trên thế giới đang nghe và hiểu được hoàn cảnh khắc nghiệt của chúng tôi nên đã quyên tiền góp bạc nhờ các hội đoàn thiện nguyện tìm cách gởi về giúp đỡ những người phế binh khốn khổ chúng tôi.

* * *

Cho đến hôm nay những điều suy nghĩ và dự đoán của anh Năm, người phế binh già, đã gần thành tựu vì cộng đồng người Việt hải ngoại sau bao năm xa cách quê nhà còn tưởng nhớ, yêu thương và đùm bọc anh em phế binh trong nước. Cảm ơn lòng tốt của các vị hảo tâm, nhờ sự giúp đỡ của quý ân nhân mà cuộc sống các anh em phế binh trong nước đang được hồi sinh.

Phế binh Trần Ngọc Tiến nhờ mua bán nhang giỏi và gặp hên nên đã cưu mang được anh mình là phế binh Trần Ngọc Tân, cụt một chân, mù một mắt, khỏi phải đi xin. Anh Tân sống được đến ngày nay là nhờ bác sĩ Phan Minh Hiển đã tặng cho chiếc xe lăn có lắc tay làm phương tiện đi lại và được cấp cho một số vốn để đi bán vé số dạo. Hành động của bác sĩ Hiển như là ngọn đuốc thắp sáng cuộc đời đen tối của anh em phế binh chúng tôi trong nước.

Những hành động cụ thể này đã làm những anh em phế binh còn lại phấn khởi hẳn lên. Anh em truyền tai nhau những tên và địa chỉ của các hội đoàn và ân nhân ở hải ngoại. Niềm tin đang trở lại với chúng tôi, nhiều anh em đã nhận được những sự giúp đỡ một cách tận tình, có người còn nhận được nhiều lần do những hội đoàn khác nhau gởi tới. Khát khao tìm lại cuộc sống có nhân cách trổi dậy. Các anh em giúp nhau viết thơ đến các ân nhân và hội đoàn xin được giúp đỡ và tiếng kêu của chúng tôi đã được nghe.

Ôi không còn gì sung sướng cho bằng! Anh em chúng tôi được… cấp vốn làm ăn nên thôi hành nghề ăn xin. Nhiều người vợ trẻ và con gái của những phế binh già cũng thôi ra “đứng” ở các bùng binh buổi tối mang tiền về nuôi sống gia đình. Con cái anh em phế binh cũng thôi đi bới các đống rác moi tìm các bao ny lông cũ và giấy vụn, các em bây giờ phụ cha mẹ đi bán vé số và bán nhang. Nhân phẩm mỗi người đã được tìm lại.

* * *

Trời Đất dường như đã hiểu và chiều lòng người nên đã có nhiều tấm lòng nhân đạo đáp lời giúp đỡ. Từ cái hộp quẹt hiệu Zippo của vị đại tá Vũ Ngọc Hướng bên Tây Úc (Tổng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) được đem ra “đấu giá” để lấy tiền giúp đỡ phế binh cho đến những nghĩa tình ấm áp và những nổ lực không mệt mỏi của anh Lê Quang Vinh (báo Phổ Thông), các ký giả Nguyễn Văn Huy, Trọng Kim (báo Ngày Nay), Yên Mô (Thời Báo), Gàn Bát Sách (Tiền Phong), anh em đã được “ăn” những bữa cơm ấm áp tình người. Chúng tôi chỉ biết rưng rưng nước mắt cảm tạ lòng tốt của quý ân nhân.

Những chiếc xe lăn lắc tay của anh Phan Minh Hiển gửi về giúp những anh em phế binh có mức độ tàn phế nặng đi lại dễ dàng trong cuộc sống. Nhiều hội đoàn và ân nhân cảm mến những hành động nhân đạo của bác sĩ Hiển đã chung tiền góp bạc cho bác sĩ Hiển có điều kiện giúp đỡ anh em phế binh nhiều hơn. Những hành động này càng làm anh em chúng tôi vô cùng cảm kích. Bác sĩ Phan Minh Hiển đã không nề hà vị trí xã hội của mình, đã xăn tay áo bước xuống “vũng lầy” xã hội, chịu “lấm lem” như anh em chúng tôi, vực đỡ chúng tôi đứng dậy. Còn biết bao nhiêu hội đoàn khác nữa như các hội Huynh Đệ Chi Binh, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức và Nam Định ở Mỹ đã cùng với các ân nhân cứu sống các anh em phế binh ở quê nhà.

Đã lâu rồi, hơn hai mươi năm qua, cuộc đời sống tăm tối của anh em phế binh trong nước thiếu ánh nắng tình thương đã gần như khô cạn, tâm hồn của chúng tôi chai sạn theo gót giầy của những chủ nhân mới. Không ai trong chúng tôi còn tin rằng trên đời này vẫn còn có tình người, tình yêu tự nhiên giữa người với người. Làm sao tin được khi chung quanh chúng tôi chỉ thấy toàn ức hiếp và bất công đối với những người sa cơ thất thế, tàn tật và bần cùng. Mặc dù quê hương vẫn còn đó, hai tiếng gọi Việt Nam vẫn còn đó, nhưng lòng người đã khác xưa rồi. Không ai dám để lộ tình cảm riêng tư đối với hoàn cảnh chúng tôi, không nói đến những người đứng từ phía chính quyền hất hủi chúng tôi là lẽ tự nhiên mà ngay cả những người đã từng đứng chung với nhau trên một chiến tuyến cũ cũng đã ngoảnh mặt làm ngơ khi chúng tôi lỡ bước đi ngang.

Sống trong những hoàn cảnh như vậy làm sao có thể tin tưởng gì được nữa, chung quanh chúng tôi là những người xa lạ. Tuy cùng nói chung một tiếng nói Việt Nam nhưng không ai “hiểu” được nhau. Từ khi chúng tôi được cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ, anh em chúng tôi đã tìm được ánh sáng soi bước đường mình đi, thấy được tình người đúng nghĩa, chúng tôi đã thấy được những người Việt Nam chăn chính, biết thương đồng bào đau khổ trên đất nước này. Nói theo cách nói của nhà báo Nguyễn Văn Huy, người Việt đang gặp lại nhau trong tình anh em tìm lại. Cách nói này thật hay và thật đúng với tâm trạng của anh em chúng tôi. Nó vừa tình cảm, vừa bao dung và tràn đầy lý tưởng. Tuy không biết nhau nhưng vẫn tìm lại nhau để xây dựng một tương lai chung, còn gì lý tưởng cho bằng! Xây dựng một đất nước trong đó mọi người đều có một chỗ đứng như nhau, sẽ không còn người nào bị phân biệt đối xử vì quá khứ chính trị hay vì lý do tàn phế, chúng tôi chỉ biết chia sẻ và cảm ơn.

Việt Nam! Chúng tôi đã gọi quý vị ân nhân và các hội đoàn là như thế. Chúng tôi đã khóc trong niềm vui hoan lạc. Hy vọng một ngày mai tươi sáng đang trở về trong lòng chúng tôi và cũng từ cõi lòng sầu lắng, chúng tôi thân tặng quý vị ân nhân và các hội đoàn khúc hát tình thương, qua đó chúng tôi như đang được thở hít không khí tự do, trong một nước Việt Nam luôn coi trọng sự sống của con người:

Hoan khúc tình thương

Tình thương khai sinh từ chia sớt

Là tình thương khai nguyên từ con tim.

Tình thương cho ta lòng tha thứ,

Tình thương cho ta lòng hy sinh.

Hãy hát lên với tôi các bạn ơi!

Hoan khúc tình thương

Cho nhân loại thôi xa cách,

Cho xa vời cơn phân tranh.

Xích lai gần cuộc sống anh và tôi.

Hãy thiết tha trong khúc tình thương,

Cho nhân loại truyền nhau hơi ấm,

Cho không còn những mục rữa cơn hoại sinh.

Hãy hát lên hoan khúc tình thương

Cho xa rời đêm tăm tối…

* * *

Thành phố đang mùa lễ hội (2-9-1996), đường phố giăng đầy cờ và biểu ngữ, nhà cửa được sơn phết lại đẹp đẽ. Những khu vực ngoại ô, không khí có phần khí thế hơn. Một buổi sáng trước ngày lễ hội, tôi vừa bước ra khỏi cửa liền gặp hai cán bộ có nhiệm vụ gìn giữ an ninh khu vực. Họ hỏi tôi:

– Cờ đâu? Sao còn chưa treo lên?

Họ đưa mắt nhìn chung quanh vẻ bực dọc:

– Sân nhà để cỏ rác thế này à? Dọn đi!

Tôi ấp úng:

– Dạ… ạ, cha tôi vừa mới qua đời còn nhiều việc lu bu, mấy anh thông cảm. Lát nữa tôi sẽ mua cờ…

Rồi tôi cúi xuống “chấp hành” nhặt cỏ rác. Hai cán bộ vừa đi vừa lải nhải:

– Nhà này cái gì cũng chậm chạp hơn người khác.

Chiều hôm ấy, sau một ngày vất vả mưu sinh, tôi dừng chân ngồi nghỉ trên cầu Rạch Chiếc. Tôi đưa mắt nhìn thửa ruộng dưới chân cầu. Nơi ấy, cách đây hơn hai mươi năm, có nấm mồ chôn xác bốn chiến sĩ chết trận. Dân chúng đã cắm một cây cọc và treo lên đó bốn cái nón sắt để làm dấu thay cho mộ bia. -U đất ngày nay đã mất dấu, cây cọc có lẽ cũng mục theo thời gian và các nón sắt cũng không còn dấu tích. Tôi nghĩ đến chính phủ Mỹ với chương trình MIA đi tìm hài cốt của những người chiến binh Hoa Kỳ chết trận ở Việt Nam mà thương cho những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bất hạnh, chết vô danh ngay trong ngày tàn của cuộc chiến. Không biết bao giờ các đồng đội của họ mới gom nhặt được những hài cốt ấy đem về an táng trong một nghĩa trang nào đó, để họ được yên nghỉ bình thường dưới bóng cờ của tổ quốc thân yêu.

Trời đang tối dần, ánh đèn trên cầu không đủ để tôi nhìn rõ nơi đã vùi xác thân của bốn người chiến sĩ kia. Tôi quay người nghiêng ngả bước đi. Dưới chân tôi mặt đất dường như chao động. Trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày sắp tắt, tôi như còn thấy nơi ấy bóng cờ vàng hiền hòa theo gió tung bay. Tôi ứa nước mắt ngước nhìn lên trời cao thầm hỏi: “Biết đến bao giờ Việt Nam mới có được dân chủ, tự do, nhân quyền?”. Tôi mong chờ những người Việt Nam tha hương, những người có tấm lòng nhân nghĩa, tìm giúp thay tôi câu trả lời.

No comments:

Post a Comment