Thursday, January 6, 2022

CHIẾN TRANH-THÂN PHẬN-TÌNH YÊU NGUYỄN TƯỜNG TUẤN NỬA THẾ KỶ TRƯỚC

 Hơn nửa thế kỷ trước! Đất nước bị chia đôi bởi “Hiệp định Geneva” vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chúng ta đang ở vào cuối tháng 12/21 và chỉ vài tuần nữa, người Việt sẽ bước qua năm thứ 68 quê hương tan nát. Bao nhiêu bạn trẻ trong và ngoài nước biết điều này? Đếm trên đầu ngón tay!

Cộng sản cai trị Việt Nam không hề muốn học sinh, sinh viên hiểu lịch sử một cách trung thực nên chúng giải thích theo kiểu tuyên truyền, che dấu một nửa sự thật. Xin đừng quên, Hoa Kỳ và chính quyền Quốc gia Việt Nam [sau này đổi tên thành Việt Nam Cộng Hòa] dưới sự lĩnh đạo của Thủ tướng Ngô Đình Diệm [qua cuộc Trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955, T.T Diệm chính thức được bầu làm Tổng Thống, khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa, và ngày Quốc khánh 26/10] không hề ký trên văn bản “Hiệp định Geneva” 
(https://www.thoughtco.com/the-geneva-accords-1954-3310118).
Người Việt thế hệ thứ nhất định cư và trở thành công dân nơi quốc gia mới, quá bận rộn xây dựng lại từ con số 0, làm việc đầu tắt mặt tối lo cho con cái ăn học, còn hơi đâu mà nghĩ đến chuyện hơn nửa thế kỷ trước. Thế hệ thứ hai hội nhập nhanh chóng nền văn hoá nơi quốc gia cư trú lại càng không biết gì! Đất nước đau thương kéo dài đến hôm nay chỉ vì cái hiệp định này, và người dân miền Nam gọi ngày 20/7 hằng năm là ngày “Quốc hận” treo cờ rũ vì thế. 
Lịch sử không mấy khó hiểu, nếu mọi người nhìn vào quá khứ một cách công tâm, vất bỏ lăng kính thiên kiến, chính trị, đảng phái, quan trọng hơn cả là cái “tôi” đầy tự ái, và đáng ghét. Tự do hay cộng sản, cuối cùng chỉ có máu người Việt chẩy chan hòa trên dải đất hình chữ S! Chúng ta chết cho một cuộc chiến khốn nạn nhất lịch sử dân tộc: “Người Việt giết người Việt” vì một chủ nghĩa tàn bạo, cả nhân loại vất vào sọt rác, Vua Hùng dựng nước làm sao bằng lũ đồ tể Stalin, Mao, Hồ? Cho đến hôm nay, 46 năm trôi qua vẫn còn hận thù, có ai còn chút thông minh tối thiểu để nhận ra điều này? Ai gieo hạt giống hận thù? Ai đưa tuổi trẻ miền Bắc vào xâm lăng miền Nam để giờ đây hố chia rẽ Bắc Nam sâu thăm thẳm? Tại sao hôm nay lại có “Bắc 54” khác với “Bắc kỳ 75?” Phải chăng cái ý thức hệ ngoại lai HCM đem về đã chia rẽ anh em chúng ta?
 
Dân chúng Sài Gòn biểu tình trước chợ Bến Thành, ủng hộ T.T Ngô Đình Diệm, truất phế Bảo Đại | Photo credit AFP/Getty Images.
  
Tôi viết cho thế hệ sinh ra trong chiến tranh, từ thập niên 1940 trở về sau, những anh chị lớn tuổi sinh năm 1940 tính đến ngày chia đôi đất nước đã 14 tuổi, còn hiểu biết đôi chút về lịch sử. Thế hệ sinh năm 1950, và sau này chúng tôi còn quá nhỏ để biết Hồ Chí Minh là ai? Và không biết hắn, lại là điều may! Gia đình di cư vào Nam tháng 8/54, theo mấy anh, chị kể. Hình ảnh duy nhất lưu lại trong trí nhớ tôi, khi bố mẹ thuê mấy chiếc xích lô, đưa cả nhà từ phố Mai Hắc Đế, Hà Nội ra phi trường Gia Lâm, lên máy bay vào Sài Gòn. Căn nhà 14 Mai Hắc Đế, để lại cho người em của mẹ, cậu Nguyễn Lan và gia đình. Đứa con trai nhỏ của cậu mợ Lan tên Việt, đứng bên đường vẫy tay tiễn đưa. Hơn một triệu người miền Bắc giương buồm ra khơi tìm tự do, và người ở lại bắt đầu đem của cải gia đình ra bán trên hè phố, dấu hiệu tăm tối cho những năm còn lại! Phía bên kia vĩ tuyến 17, người dân miền Bắc đã trở thành con chuột bạch, thí nghiệm cho thiên đường cộng sản và chủ nghĩa xã hội! Một nửa đất nước gieo trồng hận thù, tàn ác, khát máu, tất cả được giam giữ trong trại súc vật mang khẩu hiệu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Độc lập có thật không, khi giặc Tầu chiếm biển, lấn đất, bắn ngư dân và đảng ta không dám gọi tên? Tự do ở chỗ nào, khi cả nước sống trong trại súc vật bao vây bằng công an và nhà tù? Hạnh phúc, không có gì mỉa mai bằng người dân Việt vẫn tìm mọi cách trốn ra khỏi đất nước, chết trong xe đông lạnh!
 
Người tỵ nạn Công giáo tại Phát Diệm chạy trốn bằng bè, đang được thuỷ thủ đưa lên chiến hạm LSIM 9036 | Photo credit: Lussan Jean – SCA-ECPAD. 
Anh nhóc con ra đi, chẳng hề có một cảm giác chia ly nào, hơn Việt một tuổi, không biết Việt nghĩ gì? Nhưng tôi vui lắm, được ngồi xích lô, không biết là đi đâu, ra phi trường làm gì, tại sao lại đi, và tối nay có về chơi với Việt không? Có ngờ đâu đó là cuộc chia tay kéo dài hơn 20 năm? Và ngày đoàn tụ, không rõ ai còn sống, ai chết? Số phận chúng tôi được quyết định từ Mạc Tư Khoa [Moscow], Bắc Kinh [Peking] và Hà Nội chỉ là tên lính đánh thuê rẻ tiền không hơn, không kém, chẳng thế mà người kế nghiệp Hồ Chí Minh, tên đồ tể Lê Duẩn thú nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.” Thằng khốn nạn, quên đi rằng hằng triệu triệu người dân hai miền đất nước chết vì quyết định ngu xuẩn này! Tại sao người Việt lại phải hy sinh cho Liên Xô, Trung Quốc? Các nước xhcn là cái chó gì mà chúng ta phải chết cho chúng? Lại còn đánh cho “bọn xét lại đâm sau lưng chúng ta” không còn cái “ngu” nào bằng! Ấy thế mà để cho bọn ngu đưa đất nước vào cảnh “nồi da, xáo thịt!” Liệu người Việt Nam hôm nay, những ai còn tự hào là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại còn đủ liêm sỉ để nhận ra mình chính là “đỉnh cao trí tệ?” Anh em, cùng cha cùng mẹ, mang chung một dòng họ mà đang tâm giết nhau thì không thể xem là thông minh!

Hai mươi năm khôn lớn tại miền Nam, tuổi trẻ trong trắng, hưởng thụ nền giáo dục “Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng” không hận thù, chẳng có thằng bác và bè đảng khốn nạn nào để phải tôn vinh, không học toán bằng cách đếm đã giết được bao nhiêu tên Mỹ Ngụy? Chúng có mười ngón tay, chặt ba còn mấy? Cũng chẳng rơi giọt nước mắt nào khi Stalin hay Hồ chết, nhân loại bớt đi thằng nào vui thêm một chút! Những năm đầu tiên xa Hà Nội, thỉnh thoảng gia đình còn nhận được Bưu thiếp [Postcard] của cậu mợ Lan từ ngoài Bắc gửi vào, sau vài lần là chấm dứt. Hà Nội từ nay nhạt nhòa trong trí nhớ!  
Anh nhóc “Bắc kỳ con” nhanh chóng thích nghi văn hoá miền Nam, làm quen với người Ấn Độ canh gác tại sở Bưu Điện Sài Gòn, mỗi tối đi tuần khắp nơi trong sở. Khách hàng thường xuyên của bà Xẩm người Hoa, bán hàng rong, nhận 50 Xu bằng cách xé đôi tờ giấy 1 Đồng. Ba tôi, mỗi chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật, lại dẫn thằng út đi chơi bờ sông Sài Gòn, trên con đường Catina sau này là Tự Do, thẳng tắp từ Nhà thờ Đức Bà đến bờ sông. Chuyến đi nào cũng được thưởng lúc thì một trái Dừa tươi, khi chai Coca Cola ướp lạnh, nơi công viên Cột cờ Thủ ngữ. Miền Nam thanh bình như thế đó, ngàn đời không quên!
 
Tiền 1 Đồng dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, xé ra làm đôi trị giá 50 Xu | Photo credit: Unknown.

Với tôi, quê hương chưa hẳn là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng chính là nơi cưu mang chúng ta, nơi cha mẹ, con cái còn gặp nhau. Nơi khi đi xa trở về, lòng nao nao mong bước vào nhà, quen từng cái bàn cái ghế, từng mùi chăn ấm chiếu quen hơi. Là đường phố, nhà cửa tự do, chúng ta ở và đi lúc nào không cần báo hay xin phép tên công an khu vực! Để được chấp nhận đúng nghĩa của Quê hương, có khó quá không? Khi nhà chúng ta bị cướp đoạt nhân danh “cách mạng,” khi con cái chúng ta không được đến trường chỉ vì “lý lịch” cha mẹ, khi “đảng” chui vào giường ngủ, rình nghe vợ chồng than vãn trong đêm, con cái trốn dưới gầm giường để báo cáo bố mẹ cho công an! Đó là địa ngục, không phải quê hương! Nhà bị cướp! Nơi an nghỉ ngàn thu của cha mẹ, anh chị em chúng ta bị xúc phạm, khi côn đồ, giết người leo lên bàn thờ, Chúa Phật ra đi, nơi đó không còn là quê hương, nó trở thành hang ổ của trộm cướp

Lớn lên tại miền Nam nắng ấm, tự do, tuổi thơ như cánh chim non bay nhẩy từ cây này qua cành nọ. Làm sao quên được Thầy Hiệu trưởng Hà Mai Anh? Ngày ngày cùng mẹ, cắp sách đi từ nhà ở sở Bưu điện Sài Gòn, băng qua Đại lộ Thống Nhất, để lại sau lưng Vương Cung Thánh Đường, tung tăng dưới hàng me cao vút trước khi đến Công trường Duy Tân, rẽ trái vài trăm thước là ngôi trường tiểu học Trần Quý Cáp. Thầy Hiệu trưởng Hà Mai Anh dáng người cao dong dỏng, hiền hoà, sáng nào cũng đứng ngay cửa trường đón học trò với nụ cười hiền hậu. Lớp của chúng tôi không được học thầy, nhưng Thầy Viêm với mái tóc ngắn bạc trắng, gọng kính cận, bụng to, người cao lớn, thật không bao giờ quên. Cả hai Thầy giờ này đã rời xa trần thế, chúng con, học trò Thầy năm xưa bước qua tuổi 70 vẫn còn cung kính giữ hình ảnh Thầy.

Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, mẹ đều đọc cho nghe một truyện ngắn trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” [Grands Coeurs] của nhà văn Edmondo De Amicis, mẹ rất giỏi tiếng Pháp, nên bao giờ cũng bắt đầu bằng Pháp văn, trước khi chuyển qua bản dịch Việt ngữ của Thầy Hà Mai Anh. Thầy đã gieo vào tâm hồn chúng con hạt giống “Cao thượng.” Qua giọng tiếng Pháp rất hay, tiếng Việt lưu loát, mẹ giúp trí óc tôi bay bổng, mơ mình trở thành cậu bé 11 tuổi tại Thành phố Turin, miền Tây Bắc nước Ý. Mỗi truyện dài không quá ba trang, nhưng mẹ đã ru tôi vào giấc ngủ mơ những kinh thành xa xôi ngàn dặm, tận nước Ý Đại Lợi, cậu bé yêu quê hương, can đảm đứng thẳng lưng trước sự lăng nhục ... Thầy Hà Mai Anh, Thầy Viêm đã được khối óc non trẻ của tôi kính trọng như những kỹ sư tâm hồn tuyệt vời nhất. Ngôi trường Trần Quý cáp, mái ngói một tầng với hai dẫy lớp học song song, nằm chính giữa là sân, ôi sao mà đẹp thế? Tôi nhớ từng hồi trống báo hiệu giờ ra chơi, nhớ những lần xếp hàng một trước khi vào lớp, nhớ những lúc kính cẩn cúi đầu khi đi qua trước mặt Thầy, nhớ những buổi sáng cả trường đứng nghiêm, cùng hát Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, và kiêu hãnh ngẩng đầu nhìn lá Quốc kỳ ba sọc đỏ trên nền vàng tung bay trước gió. Mà không phải học sinh vớ vẩn kéo cờ đâu, phải học giỏi, đứng nhất lớp, mới được cô thầy cho vào danh sách vinh dự đứng kéo cờ.

Bên kia đường, đối diện trường là hai tháp nước mầu đen, cao lớn, đứng sừng sững, mang một khung cảnh giống như đâu đó trong truyện bên trời Âu. Có lần, trên đường đi học về, tôi chỉ mẹ nhìn lên hai tháp nước sơn đen trông hơi sợ, đứng giữa bầu trời, có hai tổ ong thật lớn bám ngoài tháp, chiếc tổ ong mầu mạt cưa đậm pha chút nâu, tôi nói: Hôm nào, mẹ mua cho con chiếc ná, để con bắn hai cái tổ ong này! Mẹ không vui, và bà nói: Con ơi, con có muốn ai phá nhà mình không? Và mẹ phạt tôi bằng cách từ nay trở đi, mỗi ngày trên đường mẹ đưa đi học, anh nhóc con phải kể lại cho mẹ nghe câu chuyện trong “Tâm hồn cao thượng” mà tối qua mẹ đọc trước khi đi ngủ. Hình phạt khiến tôi sợ nhất ở tuổi thơ, nếu không ngoan, mẹ sẽ mách Thầy Viêm, thầy không đánh, không la, nhưng bắt quỳ vài phút trên bục giảng! Vài phút quỳ, đầu gối dính đầy phấn bảng, thế là đủ để cho những tên học trò cứng đầu nhất mềm người ra!
 
 
Tháp nước do người Pháp xây dựng hơn 140 năm tại Sài Gòn | Photo credit: VNExpress.net. 
Tuổi ấu thơ miền Nam Việt Nam chúng tôi được giáo dục như thế đó. Nơi một ngôi trường tiểu học công lập, học trò chẳng phải con nhà giầu sang gì, thầy cô đầy lòng nhân ái. “Tâm hồn cao thượng” kể câu chuyện về cậu bé lớp tư, thấy một em nhỏ tuột khỏi tay mẹ, chạy ra đường, cậu học trò nhanh chóng rượt theo kéo em vào, chẳng may xe cán phải chân cậu ... Tôi không nhớ tên cậu học trò can đảm lớp tư đó, nhưng đã từng nghĩ nếu gặp một trường hợp như vậy, tôi cũng sẽ nhanh chóng nhẩy ra cứu em bé. Anh hùng của chúng tôi đơn giản như thế, không làm gì có loại tuyên truyền ngu xuẩn đem thân mình lấp lỗ châu mai! Có đi lính, nằm trong lô cốt, với lỗ châu mai, bạn sẽ hiểu ngay câu chuyện bịa đặt này. Lỗ châu mai nhỏ, vừa đủ để người ở trong quan sát và dùng súng bắn ra, chẳng hề có lỗ châu mai lớn để đưa thân người vào lấp kín, thằng ngu nào mò lại gần, nếu không ném được lựu đạn vào trong, sẽ nhanh chóng tìm thấy nghĩa trang ở bên ngoài!

Một hôm, trên đường từ trường về, tình cờ gặp xe tang chạy qua, nhớ lời Thầy dậy, tôi đứng nghiêm, ngả mũ để trước ngực, và mẹ rất vui khi thấy con mình làm điều tốt, tối hôm đó mẹ dẫn ra ngoài đường chơi và bà thưởng cho một tô phở nơi người bán hàng đẩy trên chiếc xe với vài chiếc ghế xếp cho khách ngồi. Tuổi thơ trong trắng, ngây ngô, đã có lúc tôi ao ước, giá mỗi ngày thấy một đoàn xe tang, để tối được ăn tô phở chín thơm phức! Không đến nỗi như thế, biết tôi thích ăn nên tối nào mẹ cũng thưởng cho một tô phở trên chiếc xe bán hàng rong, ngay góc đường Nguyễn Hậu bên hông nhà thờ Đức Bà.

Con người là sản phẩm của xã hội. Được giáo dục để bay lên vòm trời cao, tâm thức tự do đã chắp cánh cho tuổi trẻ miền Nam Việt Nam chúng tôi bay rất xa, không như các bạn miền Bắc bị giam giữ trong chiếc lồng rỉ sét mang tên ý thức hệ, chủ nghĩa cộng sản, thế giới đại đồng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu ... Sách về Marx Lenin nằm mốc meo trên kệ tại tiệm sách Khai Trí trên đường Nguyễn Huệ, hay Xuân Thu ngay cạnh Pharmacy La Thành Nghệ trên đường Tự Do, lộng gió bờ sông. Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà không cấm ai đọc Tư bản Luận, nhưng chẳng ma nào mua đám rác rưởi đó! Ông chủ Khai Trí bầy trên kệ sách vài quyển cho có, Xuân Thu bán sách Pháp nhiều hơn Việt, nên không đông bằng Khai Trí.

Trưởng thành, chúng tôi say mê với “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của thiên tài Phạm Công Thiện, nhà xuất bản Lá Bối ấn hành. Ở tuổi 15, ông đã thông thạo năm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Hoa và Tây Ban Nha, chưa kể đến tiếng Sanskrit [Phạn ngữ] và Latin. Năm 16 tuổi ông xuất bản cuốn Tự điển Anh ngữ, và tuổi 19 cho ra đời “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.”  Phạm Công Thiện đã mở ra một chân trời mới cho thế hệ trẻ miền Nam! Chúng tôi: “Nổi loạn” trong khuôn phép, không quá xa đọa, không cần sa ma tuý, bước đi xa nhất là Cà phê Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng, ngồi trong sân vườn nhìn qua bên kia đường là cửa hàng Tobia bán áo quan, quay lại với thân phận chiến tranh, đếm từng giọt cà phê đen rơi xuống, nuốt từng hơi thuốc Basto Xanh thả khói ra, nhìn vòng tròn lãng đãng trên không. Và đọc thư Phạm Công Thiện viết từ Nha Trang năm 1964, gửi cho người bạn tên Hồng:

“Quyển này tôi muốn viết riêng cho anh, nghĩa là tôi muốn viết riêng cho thế hệ trẻ từ 15 tuổi đến 25 tuổi, mà anh là hình ảnh tượng trưng ... Ngoài kia trời đang mưa, tại sao tôi không chạy ra ngoài mưa, tại sao tôi vẫn còn ngồi đây để viết lên những dòng cay đắng này? Khói lửa đang vây bủa đầy trời Việt Nam. Cũng như Alan Paton, tôi muốn kêu lên: Hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu.”

Tuổi trung học khi đọc “Ý thức mới” của Phạm Công Thiện, “Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại.” Ít nhất, thế hệ chúng tôi cũng có một thiên tài can đảm, công khai tuyên chiến với lớp đàn anh! Nghe theo các ông, năm 1963 bọn nhóc chúng tôi đã điên cuồng xuống đường, ném đá vào Cảnh sát Dã chiến, nếm mùi lựu đạn cay, sót cả mắt, rát bỏng da, và reo hò như điên cuồng khi nghe tin anh em cụ Ngô Đình Diệm bị sát hại! Mẹ bố các Thầy đã lợi dụng sự ngu dốt, bồng bột của chúng tôi biến tuổi trẻ miền Nam thành bọn cuồng tín, giết hại vị Tổng thống anh minh! Tiên sư bọn tướng lĩnh, chỉ vài ngày trước đây chúng còn khúm núm đi ra giật lùi khi vào gặp Tổng thống, ngày hôm sau giết được Ngài chúng trở thành người hùng. Một ngàn lần, đưa tay lên đấm ngực “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” chửi thề chính mình, chính chúng tôi đã ngu dốt đóng góp tuổi trẻ ngây thơ để giật sập một chế độ dân chủ non trẻ, tại miền Nam Việt Nam, chính chúng tôi thế hệ trẻ miền Nam đã ồn ào tung hô bọn Quân phiệt! Và 20 năm sau mất nước!

“Nổi loạn” là phá bỏ những điều không đúng, để từ đó bước ra khỏi cõi u mê. Chúng tôi kính Phật, thờ Chúa, nhưng không có nghĩa là cứ thấy ai mặc áo cà sa hay nhà dòng là lạy như tế sao! Chúa Phật không bao giờ lợi dụng sự ngu dốt của con người, các Ngài giáo hoá để chúng ta thăng hoa. Rất buồn là xã hội hôm nay, ma quỷ đặt ra luật lệ, nếu ai đó chống đối sẽ nhanh chóng bị ném đá. Tôi khinh bỉ bọn Sư, Cha quốc doanh, bởi vì chính bản thân tôi đã ngu dại đi theo đám thầy tu “giả hình” này!
Miền Nam đã thế, ngoài Bắc còn tệ hơn! Nghe theo lĩnh tụ, một tên bồi bếp trên chiếc tàu Amiral Latouche Tréville, thanh thiếu niên miền Bắc như loài thiêu thân, lên đường vào Nam, bắn giết anh em họ hàng, trải qua những cơn sốt rét rừng, đói khát, ăn bom, chết bờ chết bụi, để được cái gì? Hoàn toàn không, các anh chị em bị Hồ và bè đảng “lợi dụng” đau thương gấp vạn lần tuổi trẻ chúng tôi! Lầm lỗi chỉ có thể thay đổi, sửa chữa, khi con người vất đi cái tự ái cá nhân, can đảm nhận ra sự ngu xuẩn của mình, thay vì cố tìm cách biện hộ.

Chưa bao giờ gặp, cũng không biết Phạm Công Thiện tin ở ai, khuynh hướng chính trị ông là gì! Nhưng thông điệp anh gửi cho tuổi trẻ chúng tôi rất minh bạch:
“Chúng tôi không còn tin tưởng nơi các ông nữa! Hơn thế nữa sự thực bi đát trên trở thành bi tráng: Chúng tôi không cần các ông nữa. Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ. Chúng tôi sẽ đi, và đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh lấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên ... Các ông đã chết.”

Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ! Năm 1964, khi Phạm Công Thiện viết thư cho Hồng nơi bãi biển Nha Trang, anh chưa chứng kiến ngày “Quê hương tan nát.” Tết Mậu Thân 1968, ngay trong đêm Giao thừa linh thiêng của dân tộc, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu tận cùng đất nước, Hồ Chí Minh xua đám thanh niên miền Bắc vào giải phóng miền Nam! Buổi sáng ngày mùng một Tết Âm lịch, bước vào tuổi 18, lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng súng nổ chát chúa, mà cứ ngỡ pháo năm nay tốt thật, kêu to! Chẳng cần chờ ai xông đất mới được ra khỏi nhà, tôi rủ thằng bạn thân cùng xóm tên Trần Văn Chung, xách chiếc xe Mobylette mầu xanh da trời của hắn đi từ khu nhà chúng tôi ở đường Trương Minh Giảng, đối diện rạp chiếu bóng Văn Lang, dự tính đi một vòng Sài Gòn đón Xuân! Gia đình tôi đã dọn ra khỏi Bưu điện Sài Gòn năm 1964 khi ông cụ về hưu, và mua căn nhà đường Trương Minh Giảng. Chung và tôi đã quen nhau từ bốn năm qua, rất thân.

Đường xá ngày mùng một Tết thênh thang, nhưng năm 1968 khoác thêm một vẻ kinh hoàng, xe chạy qua khỏi cầu Trương Minh Giảng, đến ngã tư TMG và Yên Đổ, ai ở khu vực này trong năm đó đều nhớ, đi từ hướng TMG về Sài Gòn, qua khỏi ngã tư Yên Đổ, bên tay trái là một biệt thự hai tầng, kiến trúc rất đẹp, Toà Đại sứ Phi Luật Tân tại Sài Gòn. Bên tay phải ngay đối diện là văn phòng hãng Hàng Không Air France. Lần đầu tiên hai đứa chúng tôi thấy xác người, một tên Việt cộng mặc quần đùi mầu đen, áo rách, nằm chết gục mặt xuống đường! Tiếng súng nổ vang rền nơi khoảng giữa Yên Đổ hướng về đường Hai Bà Trưng. Hai thằng quay xe, chạy thừa sống thiếu chết về nhà! Hình ảnh vc thân thể nát bấy nằm trên đường nhựa, ruồi bu trên vũng máu đông đặc, cho chúng tôi một cảm giác sợ hãi và buồn nôn! Ai vi phạm thỏa hiệp hưu chiến? Ai từ Bắc vào Nam bắn giết đồng bào trong ngày Tết cổ truyền? Lịch sử trăm năm sau hãy trả lời câu hỏi này! Gia đình người cán binh vc làm sao biết được anh đã ra đi ngay trong đêm Giao thừa? Anh chết, vì nghe thằng bác xúi dại! Chết vì nếu không lên đường đi diệt Mỹ, thì bác và đảng bịt đường sống cả nhà anh! Chết ở tuổi chưa biết tìm môi người yêu, nhưng đã học cầm súng giết người! Chết vì khối óc của anh, đảng nhồi nhét đầy hận thù thay vì yêu thương! Anh chết khi chưa biết hương vị đàn bà thay vào nếm mùi bom đạn, sốt rét rừng.
Tiên sư Hồ Chí Minh! Mẹ bố đảng cộng sản! Tôi chửi dùm cho anh, vì đảng đâu cho anh chửi! Tôi chửi cho gia đình đau khổ của anh, vì cho kẹo họ cũng không dám khóc! Tôi chửi cho những cô gái bên kia vĩ tuyến 17, thanh niên, người yêu, ở lứa tuổi các cô đã chết xanh cỏ, còn ai mà mộng mơ, ngoài tên cán bộ xã miệng sặc mùi thuốc lào, chỉ biết sủa ra một bài hát do bác và đảng nhồi nhét vào! Tôi chửi bọn quỷ ám Ba Đình và tôi chửi cho những ai không dám chửi!
 
 
Hai người lính Bắc Việt bị bắt tại Cổ thành Huế trong Tết Mậu thân 1968 | Photo credit: Dang Van Phuoc AP.

Chiến tranh vào tận thành phố trong ngày Tết linh thiêng, mặc dù trước đó báo chí loan tin Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Giải phóng đã đồng ý hưu chiến trong ba ngày Tết. Lời cam kết của người cộng sản liệu còn tin được không? Có rất nhiều hình ảnh kinh hoàng về tang tóc vc gieo rắc vào miền Nam, nhân danh “Giải phóng!” Họ không hề giúp dân miền Nam thoát khỏi ách kềm kẹp “ăn sung mặc sướng” của Mỹ Ngụy, họ thật sự “Giải phóng” người dân về bên kia thế giới! Hãy xem, quân giải phóng đi đến đâu, dân chúng gồng gánh bỏ chạy nơi đó!
Tuổi 18, 20 không biết “Nổi loạn” là vất đi một phần quý báu của cuộc đời! Cha mẹ sinh chúng tôi ra không phải để làm “Nô lệ” cho bất cứ một chủ thuyết nào! Miền Nam Việt Nam chưa bao giờ tuyệt vời, bất công còn đó, tham nhũng không thiếu, bọn đầu nậu chính trị cả bầy, sư, cha khốn nạn lúc nhúc như sâu bọ! Nhưng ít nhất, miền Nam không nhồi sọ chúng tôi những chủ nghĩa ngoại bang, không bắt chúng tôi tôn thờ một lĩnh tụ chính trị, không xúi chúng tôi lên đường giải phóng miền Bắc. Thiên đường không có ở trần gian, giữa hai cái tồi tệ, chúng ta chọn cái ít khốn nạn nhất.

Tết Mậu Thân 1968 là bài học chính trị quý giá tuổi trẻ miền Nam chúng tôi học được! Bắc quân, nhân danh một chủ nghĩa ngoại lai, thờ Stalin, thờ Mao Trạch Đông, cầm súng giết đồng bào. Họ say mê giết người, đốt làng xóm, nhân danh giải phóng, chôn tập thể vài ngàn nhân mạng tại Huế, tội ác ngập trời.

Tuổi 18, 20 chúng tôi phải làm một điều gì đó? Cà phê Thu Hương không còn nữa, thuốc lá Bastos Xanh cũng bớt đi, và Phạm Công Thiện cất vào tận cùng trong tâm thức. Quê hương đang là biển lửa, đường phố, xóm làng biến thành nghĩa trang. Tôi không biết, trong đoàn quân xâm lược từ Bắc vào có cậu em họ tên Việt không? Nhưng nếu em trong đoàn quân tàn ác đó, chúng ta sẽ đối đầu trên mặt trận. Hoặc Việt hay tôi, trong hai đứa sẽ có một phải nằm xuống nếu không may! Việt ơi, chúng ta bị đẩy vào cuộc chiến do một bọn khốn nạn nhân danh “giải phóng.”
Tuổi trẻ miền Nam không ngồi rên rỉ khi quê hương quằn quại! Chúng tôi “lên đường” không cần biết sẽ đi về đâu, hãy đi thay vì ngồi chờ chết!

Đọc Phạm Công Thiện để hiểu thêm về thế giới bên ngoài, thả hồn theo dòng thơ Apollinaire: “Dưới chân cầu Mirabeau dòng sông Seine chảy” [Sous le pont Mirabeau coule la Seine.] Êm ái ru trái tim bằng lời thơ Cung Trầm Tưởng: “Mùa thu đêm mưa, phố cũ hè xưa, công trường lá đổ, ngóng em kiên khổ phút giờ - Mùa thu âm thầm, bên vườn Lục Xâm, ngồi quen ghế đá, không em buốt giá từ tâm – Mùa thu nơi đâu, người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ, mong em chín đỏ trái sầu.” Thơ Cung Trầm Tưởng, đã đưa thế hệ 18, 20 chúng tôi ra khỏi ác mộng chiến tranh, thả hồn bên dòng sông Seine. Vài chục năm sau đi qua bao nhiêu ngục tù cộng sản, tôi đã về và đưa em đi tầu trên dòng sông Seine, chạy qua gầm cầu Mirabeau. Tháp Eiffel không còn là huyền thoại, vợ chồng mình đã lên đỉnh cao nhất nhìn Thành phố Paris diễm lệ, và chúng ta hôn nhau. Mắt em không nâu, tóc em không vàng, nhưng anh đã chết trong đôi mắt biết cười của “Mùa Xuân Lai Khê.” Đọc Phạm Công Thiện, không nhất thiết phải xem ông là thánh! Ý thức mới của PCT đi qua những kinh thành tráng lệ: Paris nổi danh khu Montmartre, Quận 18 – New York tràn ngập những thanh thiếu niên tóc dài, và khói thuốc cần sa tại Greenwich ... Anh đi từ hoà bình để viết về chiến tranh, và chúng tôi đi vào chiến tranh để tìm ra hoà bình.

Tuổi 13 ngu dại, năm 18 vẫn chưa khôn! Lòng nhiệt huyết như dòng nham thạch tuôn trào từ đỉnh cao núi lửa, chảy xuống đồng bằng, không gì cản được! Đối diện nhà chúng tôi trên đường Trương Minh Giảng, nhà thờ Vườn Xoài, đi vòng vo vài đường hẻm đến trụ sở “Thanh sinh công” nơi các Linh mục Công giáo: Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần thu xếp để trở thành trung tâm định cư đồng bào tỵ nạn đến từ những khu vực bị Việt cộng tàn sát. Chúng tôi, tình nguyện làm việc 24/24 tại nơi này. Tạm biệt bình yên, tuổi trẻ không thể ngồi yên khi đất nước bị xâm lăng, đồng bào nhà tan cửa nát, và khi súng nổ thay pháo Giao thừa!

Trong nhóm học sinh chúng tôi, chẳng có ai là “Thanh sinh công.” Trần Văn Chung, Nguyễn Văn Chuyên, Trần Ngọc Châu và Ninh Thế Hùng là người Công giáo, còn lại đều theo đạo Phật. Điều đó không quan trọng, tuổi trẻ với trái tim nhiệt huyết, không cho phép chúng tôi ngồi yên khi đất nước tang thương! Ngoài việc thu xếp nơi ăn chốn ở cho đồng bào tỵ nạn cộng sản, đêm đến, không súng, không đạn, chúng tôi phụ giúp anh em Nhân dân Tự vệ đặt rào cản kẽm gai ngăn đường trong xóm, và đi tuần ban đêm. Ban ngày, thay phiên nhau kêu gọi đồng bào ghi danh hiến máu, có được danh sách vừa đủ cho một chuyến xe, chúng tôi đến tận nhà đón người hiến máu đến Trung tâm Tiếp huyết tại đường Hồng Bàng, Chợ Lớn. Một người bạn nữ trong nhóm, có cái tên rất đẹp Châu Thị Bích Ngọc và cô bạn gái tên Thu cùng tham dự, khi thấy máu từ trong cánh tay người hiến tặng, chẩy vào bao nylon, Bích Ngọc xỉu ngay tại chỗ!

Công việc chuyên chở những người hiến máu đến Trung tâm Tiếp huyết, một chặng đường khá xa, súng nổ bất cứ lúc nào, trên đường phố Sài Gòn, chiếc xe Van của một vị ân nhân treo cờ Hồng thập tự tiếp tục lên đường, hết chuyến này đến chuyến khác. Đúng là nam nữ thanh niên Sài Gòn chúng tôi được “thử lửa” không ai bắt buộc, chẳng có cờ đoàn cờ đảng chó chết nào! Không một đồng lương. Bước vào tuổi 18, 20, chúng tôi đã thật sự nếm mùi chiến tranh. Trước đây, chỉ biết vc qua báo chí thì nay đã miễn cưỡng đón những người khách không mời vào ngày đầu năm. Bài học chính trị lớn nhất trong cuộc đời cho tuổi trẻ miền Nam Việt Nam.
 
Anh lính Biệt Động Quân và nạn nhân Tết Mậu Thân 1968 trên đường phố Sài Gòn | Photo credit: Philip Jones Griffiths – LIFE. 
 
Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà không tuyên truyền chính trị, trong khi miền Bắc nhồi sọ trẻ em từ lúc ê a mới đến trường. Cũng không làm gì có khăn quàng đỏ, đeo vào cổ trẻ thơ chủ nghĩa Mác Lê sắt máu! Bài học về cộng sản người miền Nam chúng tôi học được, chính là cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Hành vi khốn nạn vô cùng của họ là vi phạm lời cam kết “Hưu chiến” trong ba ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Súng nổ khắp nơi, nhà cháy mọi phía, và xác người ra đường là thấy! Giải phóng kiểu gì vậy? Bắc quân đã thua thảm hại, người dân miền Nam không hề vùng lên theo tiếng gọi của quân xâm lược miền Bắc, từ nay trở đi, chúng ta sẽ ở hai chiến tuyến khác nhau! Như người Do Thái từng là nạn nhân của Đức Quốc Xã, xin các thế hệ sau chúng tôi đừng phí thời giờ kêu gọi hoà giải với Việt cộng. Lửa và Nước không thể sống chung! Đừng đòi hỏi nạn nhân Holocaust phải quên đi lò hoả thiêu!
Việt Nam bất hạnh hơn Do Thái gấp ngàn lần, dân Do Thái bị tàn sát bởi người Đức khác chủng tộc, trong khi cộng sản Việt Nam tạo ra người Việt “điên cuồng” giết người Việt, nhân danh ý thức hệ! Lịch sử 4,000 năm nước Việt, làm chó gì có chủ nghĩa Mác Lê?
Trước Tết Mậu Thân 1968, nhóm chúng tôi sống khá hiện sinh, lười hớt tóc, ăn mặc quần áo cũ mua ở khu Dân sinh, nghiện cà phê Thu Hương, thuốc lá Bastos Xanh, mê nhạc Trịnh Công Sơn, thả hồn theo “10 Bài Tâm ca” của Phạm Duy. Bay bổng cùng thơ tình Nguyên Sa “Áo nàng vàng, anh về yêu hoa Cúc – Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường” sao mà đẹp thế? Tôi đã ghi tên học thêm lớp Triết học của Thầy Trần Bích Lan [Thi sĩ Nguyên Sa] tại trường Văn Học chỉ vì mê thơ của Thầy. Học tại trường Trường Sơn với Thầy Nguyễn Sĩ Tế và Thanh Tâm Tuyền hai nhà văn nổi tiếng tại miền Nam.
Bố mẹ Chung rất rộng rãi, cho chúng tôi thoải mái dùng sân thượng nhà hai cụ làm nơi tụ tập, ngoài những thằng con trai như Chung, Hùng, Tự, Châu, Chuyên, Tuấn, thỉnh thoảng còn có các cô như Liên, Ngọc, và Thu cùng góp mặt, ngủ qua đêm trên sân thượng với nhau. Nhưng không làm gì có chuyện trai gái làm tình, hát cho nhau nghe, khóc theo lời nhạc, uống rượu mềm môi, hút thuốc cháy cổ, và rồi lăn ra ngủ. Thỉnh thoảng, nhìn ánh hoả châu chiếu sáng một góc trời, đêm nay thể nào cũng có súng nổ, người chết, ở một nơi không xa thành phố, và niềm hy vọng của tuổi trẻ nhanh chóng tắt như ánh hoả châu. Ai đem súng đạn chết chóc vào nơi an lành? Có đêm, khi cả bọn ngủ say, một mình tỉnh thức, ngồi trên sân thượng nhìn ánh hoả châu, đốt hết điếu Bastos này đến điếu khác, tôi co ro trong cái lạnh và chợt thấy mình khóc! Tôi không thể sống mãi kiếp tầm gửi này!
NGUYỄN TƯỜNG TUẤN

No comments:

Post a Comment